NGUYỄN DỮ KHÔNG THỂ LÀ HỌC TRÒ CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM<br />
<br />
NGUYỄN CÔNG LÝ (*)<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
<br />
Lâu nay, trong các thư tịch cổ ở Việt Nam vào thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX như<br />
các sách của Vũ Khâm Lân, Vũ Phương Đề, Trần Trợ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Án và Phạm<br />
Đình Hổ, Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú, và Gia phả họ Phùng ở Phùng Xá, Thạch Thất, Sơn<br />
Tây v.v. và sang thế kỉ XX như: Dương Quảng Hàm (1941), Bùi Văn Nguyên (1962 và 1989)<br />
Đinh Gia Khánh (1964 và 1977), Thúc Ngọc Trần Văn Giáp (1970 và ) và 1971) v.v. đã ghi<br />
rằng: Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm.<br />
Theo thiển ý của chúng tôi thì không phải như thế. Bài viết này góp phần làm sáng tỏ<br />
vấn đề trên.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
For a long time, the assumption that Nguyen Du has been Nguyen Binh Khiem’s<br />
student has been written in the Vietnamese old books from XVIII century to the first half of<br />
XIX century such as the ones by Vu Kham Lan, Vu Phuong De, Tran Tro, Le Qui Don,<br />
Nguyen An and Pham Dinh Ho, Bui Huy Bich, Phan Huy Chu, and Phung family annals at<br />
Phung Xa, Thach That, Son Tay, In the twentieth century Duong Quang Ham (1941), Bui Van<br />
Nguyen (1962 and 1989), Dinh Gia Khanh (1964 and 1977), Thuc Ngoc Tran Van Giap<br />
(1970 and 1971), etc…of XX century,.<br />
According to the author, this is not true. This article helps to make the matter clear.<br />
<br />
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là nhà tư tuởng - triết học lớn, một đại thụ của văn<br />
học Việt Nam thế kỉ XVI, còn Nguyễn Dữ (cuối XV - nửa đầu XVI) là tác giả cuốn “thiên cổ<br />
kì bút” Truyền kì mạn lục. Từ đầu thế kỉ XVIII đến nay, có rất nhiều tài liệu viết rằng Nguyễn<br />
Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thực tế có phải như vậy không ? Bài viết<br />
nhỏ này sẽ bàn lại vấn đề trên.<br />
<br />
1. Từ thế kỉ XIX trở về trước đã có nhiều sách xưa khẳng định vấn đề này như Đại<br />
Việt sử loại tiệp lục, trong đó có bài Phả kí “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả<br />
kí” (Phả kí về Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt) của Vũ Khâm Lân (nửa đầu thế kỉ XVIII);<br />
Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề (giữa thế kỉ XVIII); Tục Công dư tiệp kí của Trần Trợ<br />
(Trần Quý Nha - giữa thế kỉ XVIII); Toàn Việt thi lục và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn<br />
(giữa thế kỉ XVIII); Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ (nửa cuối thế kỉ<br />
XVIII); Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích (nửa cuối thế kỉ<br />
XVIII); rồi Lịch triều hiến chương loại chí - Mục Nhân vật chí của Phan Huy Chú (đầu thế kỉ<br />
XIX);(1) v.v. Tất cả đều ghi “Nguyễn Dữ cùng với Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh,<br />
Trương Thì Cử, Đinh Thì Trung, Nguyễn Quyện … là những học trò xuất sắc của Nguyễn<br />
Bỉnh Khiêm”.<br />
<br />
Sang thế kỉ XX đến nay, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu; Văn<br />
Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập 2,<br />
(thế kỉ X đến hết thế kỉ XVII); Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc San trong<br />
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 (thế kỉ X - thế kỉ XVII); Bùi Văn Nguyên với Lịch sử văn<br />
<br />
(*)PGS.TS, Khoa Văn học & Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG<br />
TPHCM<br />
học Việt Nam tập 2 và Văn học Việt Nam thế kỉ X - giữa thế kỉ XVIII; Đinh Gia Khánh với<br />
Văn học cổ Việt Nam và Văn học Việt Nam thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII; Thúc Ngọc Trần<br />
Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm tập 1 và Lược truyện các tác gia Việt Nam; Lê<br />
Trí Viễn (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam; Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam<br />
thời trung đại, tập 1, Truyện ngắn; Nguyễn Nam, Phiên dịch học lịch sử - văn hoá: Trường<br />
hợp “Truyền kì mạn lục” (công trình này có dịch và đăng lại bài viết của M. Tkachov “Bậc<br />
thầy của những chuyện kì diệu sáng tạo từ đất Hải Dương”); Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi,<br />
Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học, Bộ mới, các mục từ viết về<br />
Nguyễn Bỉnh Khiêm, về Nguyễn Dữ, về Phùng Khắc Khoan; Trần Lê Sáng, Phùng Khắc<br />
Khoan cuộc đời – thơ văn; Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam, tập 1;<br />
Đoàn Thị Thu Vân (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam (thế kỉ X - cuối thế kỉ XIX)(2). Đó<br />
là chưa kể những bài viết trên các báo, tạp chí, các chuyên khảo, v.v. khi đề cập đến Nguyễn<br />
Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Dữ cũng đều cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là thầy học của Nguyễn<br />
Dữ; và Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm.<br />
<br />
Những công trình nghiên cứu về Nguyễn Dữ và Truyền kì mạn lục của các học giả ở<br />
nước ngoài như ở Nhật Bản có Xuyên Bản Bang Vệ “Truyền kì mạn lục tiểu khảo”, Nghệ văn<br />
nghiên cứu, số 27(3), tr. 379; ở Trung Quốc có La Hoài “Nho học tại Việt Nam”; Trịnh Vĩnh<br />
Thường “Hán văn văn học tại An Nam đích hưng thệ”, Đài Loan Thương vụ ấn thư quán,<br />
thiên 4, chương 3(4); Trần Ích Nguyên “Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì<br />
mạn lục”, chương 2, tiết 2, Đài Loan học sinh thư cục xuất bản, Đài Bắc, 1990, bản dịch(5); ở<br />
Nga có M. Tkachov, Bậc thầy của những chuyện kì diệu sáng tạo từ đất Hải Dương(6), v.v.<br />
Tất cả đều dựa vào tư liệu cổ ở ta mà tin theo và viết rằng: Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của<br />
Nguyễn Bỉnh Khiêm.<br />
<br />
Có sự khẳng định như trên là vì từ nửa đầu thế kỉ XVIII cho đến nay, những người đời<br />
sau đều căn cứ vào văn bản gốc “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả kí” của Vũ<br />
Khâm Lân trong Đại Việt sử loại tiệp lục và Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề (Bài Phả kí<br />
của Vũ Khâm Lân được người đời sau chép lại trong sách của Vũ Phương Đề) là những tài<br />
liệu xưa nhất nói về mối quan hệ này mà cho rằng Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn<br />
Bỉnh Khiêm và là bạn học của Phùng Khắc Khoan. Trong bài Phả kí, Vũ Khâm Lân đã viết:<br />
“Nói về môn sinh của ông sự thực không biết bao nhiêu mà kể, nhưng nói riêng những người<br />
đã có tiếng tăm lừng lẫy thì có những ông như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh,<br />
Nguyễn Dữ và Trường Thì Cử ..., đều đã nhờ ơn truyền thụ, sở học từng đi đến chỗ uyên<br />
thâm, và sau đều là những bậc danh thần thời trung hưng”(7). Còn Phan Huy Chú trong bộ<br />
Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí cũng cho rằng Nguyễn Dữ là một trong bốn<br />
học trò thành đạt và có tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm(8).<br />
<br />
Thực tế có phải như vậy không?<br />
<br />
Đứng trước một khối tư liệu lớn và nhiều như trên (có thể chúng tôi liệt kê chưa đủ<br />
hết) để giải đáp một vấn đề rất nhỏ như tiêu đề đã nêu, thì có nên không? Chúng tôi rất băn<br />
khoăn, nhưng cuối cùng đành phải đặt lại nghi vấn về vấn đề này. Mặc dù chúng tôi biết rằng<br />
mình là hậu sinh, lại học thuật, kiến văn nông cạn, mà những tư liệu trên đều là của những<br />
danh sĩ lỗi lạc thời phong kiến, hay của những nhà nghiên cứu bậc thầy, của những vị giáo sư<br />
uy tín thời hiện đại đã viết ra, thì làm sao mà phản biện cho được!<br />
<br />
Đức Khổng Tử từng căn dặn đồ đệ “Tận tín thư bất như vô thư” (Hoàn toàn tin ở sách,<br />
thà không có sách còn hơn). Có nghi vấn này là nhờ bắt nguồn từ lời dạy trên của bậc Vạn thế<br />
sư biểu.<br />
Chúng tôi thiết nghĩ, muốn đặt lại vấn đề đã được khẳng định và sàng lọc qua mấy<br />
trăm năm như trên, có lẽ cần trở lại tiểu sử lai lịch của hai cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn<br />
Dữ. Về cuộc đời và tiểu sử cụ Trạng Trình thì đã rõ. Còn cuộc đời và tiểu sử Nguyễn Dữ hiện<br />
vẫn còn là khoảng trống, chưa được lấp đầy vì tư liệu xưa quá ít ỏi, chỉ có dăm ba dòng.<br />
<br />
2. Trước hết, cần xác định lại năm sinh của Nguyễn Dữ.<br />
<br />
Trên cơ sở tư liệu hiện còn, người đọc hôm nay chưa biết gì thêm về Nguyễn Dữ<br />
ngoài những thông tin mà các cụ xưa như Hà Thiện Hán trong Lời tựa sách Truyền kì mạn<br />
lục; Vũ Khâm Lân trong bài Phả kí ở sách Đại Việt sử loại tiệp lục; rồi người đời sau chép lại<br />
trong sách của Vũ Phương Đề, Trần Trợ. Đến Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục và Toàn<br />
Việt thi lục; Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng Việt văn tuyển; Phan Huy<br />
Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, v.v. cũng có nhắc đến tiểu sử Nguyễn Dữ dù chỉ<br />
rất sơ lược.<br />
<br />
Lời tựa Truyền kì mạn lục của Đại An Hà Thiện Hán viết năm 1547 là tư liệu sớm<br />
nhất có ghi chép về Nguyễn Dữ như sau: “Lúc nhỏ rất chăm lối học cử nghiệp, đọc rộng nhớ<br />
nhiều, lập chí ở việc lấy văn chương truyền nghiệp nhà. Sau khi thi đậu Hương tiến, nhiều lần<br />
thi Hội trúng Tam trường, từng được bổ Tri huyện Thanh Tuyền (Toàn). Mới được một năm,<br />
ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu, đến mấy năm không đặt chân đến chốn thị thành,<br />
thế rồi ông viết ra tập lục này để ngụ ý”(9). Lời Tựa trên của Hà Thiện Hán đều có chép lại<br />
trong bản Cựu biên in năm 1712 và bản Tân biên in năm 1763, 1774, tuy còn sơ lược nhưng<br />
rất đáng tin cậy, bởi nó được viết lúc Nguyễn Dữ còn sống, và tác giả bài tựa lại là người sống<br />
đồng thời với Nguyễn Dữ.<br />
<br />
Còn đây là thông tin của cụ Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục: “Ông người xã Đỗ<br />
Tùng, huyện Trường Tân, Hải Dương. Cha là Tường Phiêu, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn<br />
(1496), làm quan Thượng thư bộ Hộ. Nguyễn Dữ lúc còn bé thông minh lanh lợi, xem rộng,<br />
nhớ lâu, văn chương có thể nối dõi được gia phong, thi đỗ Hương cống, thi Hội nhiều khoa<br />
trúng kì đệ tam, được bổ Tri huyện Thanh Tuyền, làm quan mới được một năm, liền lấy cớ là<br />
xa nhà, xin từ chức về nhà hầu cha mẹ. Sau vì nguỵ Mạc cướp ngôi vua, ông thề không ra làm<br />
quan, sống ở thôn quê dạy học trò, không bao giờ để chân đến thành thị. Về phần trứ tác có<br />
Truyền kì mạn lục 4 quyển, lời lẽ thanh tao tươi đẹp, người bấy giờ lấy làm ngợi khen”(10).<br />
<br />
Cần lưu ý là hai thông tin cổ xưa trên của hai bậc tiên Nho danh tiếng: Hà Thiện Hán<br />
và Lê Quý Đôn không hề nói đến quan hệ thầy – trò, hay mối quan hệ thiết thân nào khác<br />
giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ.<br />
<br />
Xin nêu lại ở đây ý phỏng đoán về năm sinh Nguyễn Dữ của nhà nghiên cứu người<br />
Nga M. Tkachov trong bài viết giới thiệu về Truyền kì mạn lục ở nước Nga, sau khi biện giải<br />
và thiết lập sơ đồ, M. Tkachov đã đi đến ức đoán: “Nguyễn Dữ sinh khoảng 1496”(11). Đây<br />
cũng là năm thân phụ ông là Tường Phiêu (Phiếu) đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp, lúc này ông Phiêu ở<br />
độ tuổi khoảng ngoài 20 đến 30, vì căn cứ vào sách Đăng khoa lục ngày xưa và sách Lược<br />
truyện các tác gia Việt Nam của cụ Thúc Ngọc Trần Văn Giáp mà biết. Còn việc sách xưa ghi<br />
Nguyễn Dữ thi đỗ Hương tiến là nhầm (đúng ra lúc này phải là Hương cống – bởi Hương tiến<br />
là học vị dưới đời Trần, Hồ cho những sĩ tử đỗ kì thi Hương; còn từ đời Lê sơ, Mạc, Lê trung<br />
hưng, học vị này là Hương cống), thi Hội nhiều lần trúng tam trường. Ông có thể có ra làm<br />
quan Tri huyện được một năm và từ quan trước hoặc trong năm 1527, trước lúc nhà Mạc tiếm<br />
ngôi vua Lê. Lúc này, có thể Nguyễn Dữ đã ở tuổi ngoài 30 (vì thi Hội nhiều lần, mà triều Lê<br />
theo lệ cứ 3 năm mở một khoa, năm trước thi Hương, năm sau thi hội, thi Đình). Những ngày<br />
từ quan về ẩn cư, ông đã viết và hoàn thành bộ Truyền kì mạn lục gồm 4 quyển, mỗi quyển 5<br />
truyện, cộng 20 truyện(12) từ năm 1527 và đến trước năm 1547 là năm mà Hà Thiện Hán viết<br />
lời tựa, liền tiếp theo, Đại Hưng hầu Nguyễn Thế Nghi đã dịch tác phẩm này ra chữ Nôm.<br />
<br />
Ức đoán suy luận về năm sinh Nguyễn Dữ của nhà nghiên cứu M. Tkachov, theo<br />
chúng tôi là có lí. Nếu quả đúng như thế thì Nguyễn Dữ chỉ nhỏ hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm<br />
khoảng 4, 5 tuổi trở lại. Chúng tôi còn nghĩ rằng, cũng có thể Nguyễn Dữ được sinh ra trước<br />
đó vài năm, tức trước khi cụ Nguyễn Tường Phiêu thi đỗ Tiến sĩ dưới đời Hồng Đức Lê<br />
Thánh Tông (1496). Vì ngày xưa, các cụ thường lập gia đình sớm, nhiều người có con khi<br />
chưa đến 20 tuổi, mà gia đình Nguyễn Dữ là danh gia vọng tộc. Ông còn là con trai đầu lòng<br />
của cụ Thượng thư Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu (Phiếu) đời Lê sơ. Và như thế thì có thể<br />
Nguyễn Dữ bằng hoặc nhỏ hay lớn hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm vài ba tuổi mà thôi, tức sinh<br />
khoảng năm 1490 đến năm 1494.<br />
<br />
3. Thứ đến, thử so sánh thời điểm hiển vinh, thi đỗ và làm quan của Nguyễn Dữ và<br />
Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở đây, chúng tôi xin lưu ý thêm, Nguyễn Dữ đỗ Hương cống và Thi<br />
Hội nhiều lần, đã trúng Tam trường dưới thời Lê sơ, cụ thể lúc này là các đời Uy Mục (1505-<br />
1509), Tương Dực (1510-1516), Chiêu Tông (1516-1522), Cung Hoàng (1522-1527); có thể<br />
ông đã từng làm quan một năm và đã từ quan trước hoặc trong năm 1527 trước khi Mạc Đăng<br />
Dung tiếm ngôi vào năm này. Điều đó có nghĩa là Nguyễn Dữ hiển đạt, thành danh (dù đỗ<br />
không cao), làm quan trước Nguyễn Bỉnh Khiêm ít ra cũng đến 10 hay hơn 10 năm, và lúc<br />
này Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là một nho sĩ bình dân, nghèo túng (thơ chữ Hán của cụ có nói<br />
nhiều về cảnh bần hàn này). Vì tình thế bức bách, Bạch Vân tiên sinh mãi đến năm 44 tuổi<br />
mới đi thi và đỗ đầu kì thi Hương và năm sau, lúc 45 tuổi thi Hội rồi thi Đình, đỗ Trạng<br />
nguyên năm 1535, từ đó mới nổi danh, xuất chính giúp nhà Mạc. Trong khi đó, tại thời điểm<br />
này thì Nguyễn Dữ từ lâu đã là một ẩn sĩ nơi quê nhà hoặc ở nơi núi rừng Thanh Hoá, đang<br />
viết dở hoặc đã hoàn thành bộ thiên cổ kì bút Truyền kì mạn lục rồi!<br />
<br />
Nếu như các thư tịch cũ cho rằng Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh<br />
Khiêm, cùng với Phùng Khắc Khoan, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử, Lương Hữu Khánh,<br />
Nguyễn Quyện, v.v. thì chúng tôi nghĩ rằng: Điều chắc chắn là các vị trên là những học trò<br />
xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, riêng Nguyễn Dữ thì không phải. Thư tịch xưa cho biết, cụ<br />
Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi dâng sớ xin chém đầu 18 lộng thần, trong đó có Phạm Quỳnh là<br />
sui gia và Phạm Dao là con rể, nhưng không được nhà vua chấp nhận nên từ quan về quê<br />
dựng am Bạch Vân dạy học, mở quán Trung Tân để chữa bệnh, cứu giúp người khốn khó cơ<br />
nhỡ. Chuyện này cụ thực hiện từ năm 1543 trở về sau. Nhà nghiên cứu Tkachov, trong bài<br />
viết của ông, có đưa ra thông tin khác: “Trong số những môn đồ thành đạt hiển vinh của danh<br />
sư Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ có 2 người ứng thí năm 1538, tức là 5 năm trước khi Nguyễn<br />
Bỉnh Khiêm từ quan. Thế có nghĩa là ông dạy học trước năm 1538”(13). Ở đây, trong bài viết<br />
của mình, Tkachov có nói Nguyễn Bỉnh Khiêm trước khi thi đỗ làm quan, đã từng dạy học (?)<br />
và cho dù ông có nêu ra một số chứng lí, dù chứng lí này chưa đủ sức thuyết phục, nhưng rồi<br />
Tkachov vẫn đinh ninh Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm!<br />
<br />
Chúng tôi nghĩ, nếu cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm trước khi đỗ đạt và làm quan cho nhà<br />
Mạc (tức trước 1535) đã từng mở trường dạy học ở quê, chưa chắc cụ Thượng thư Nguyễn<br />
Tường Phiêu đã cho Nguyễn Dữ theo học. Bởi lẽ, Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân trong gia<br />
đình nho sĩ bình dân nghèo. Ông cụ thân sinh là Nguyễn Văn Định tuy học hành thông minh<br />
hay chữ nhưng vẫn là bạch diện thư sinh, may mà cụ Thượng thư Nhữ Văn Lan thương tình<br />
gả con gái đã luống tuổi cho, thì lúc này về lí lịch nhân thân của gia đình ông có thay đổi đôi<br />
chút. Trong khi đó, cụ Nguyễn Dữ lại xuất thân là thế gia vọng tộc, khoa hoạn, thân phụ ông<br />
từng đỗ Tiến sĩ đời Hồng Đức vào năm 1596, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ. Và chắc<br />
chắn rằng với nhiệm vụ và thân thế này, quan Thượng thư có nhiều bạn bè đỗ đạt, học rộng tài<br />
cao, vì lí do nào đó mà họ không làm quan hoặc từ quan về nhà dạy học, lẽ nào cụ Thượng<br />
thư không cho con trai cưng của mình theo học những vị này mà lại cho theo học thầy đồ<br />
Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa qua kinh nghiệm trường thi, chưa nổi tiếng và cũng chưa đỗ đạt<br />
học vị gì vào lúc này? Đây là điều mà nhiều năm nay chúng tôi thường thắc mắc. Hơn nữa,<br />
căn cứ vào những gì cụ Hà Thiện Hán trong Lời tựa Truyền kì mạn lục và cụ Bảng nhãn Lê<br />
Quý Đôn viết trong Kiến văn tiểu lục thì có thể suy luận thêm là Nguyễn Dữ đỗ Hương cống<br />
có thể trước năm 1520 hay trong năm 1520, chứ khó có thể là sau năm này, vì sau đó cụ còn<br />
dự thi Hội nhiều khoa mới trúng Tam trường (cứ cho nhiều là thi 2 khoa chẳng hạn, thì cũng<br />
phải mất đến 6 năm!, lệ thời Lê sơ, cứ 3 năm mở một khoa thi, năm trước thi Hương, năm sau<br />
thi Hội, thi Đình), ra làm quan một năm rồi từ quan trước năm 1527 hoặc trong năm 1527. Tất<br />
cả đều diễn ra vào thời Hậu Lê sơ, trước khi họ Mạc cướp ngôi. Như vậy Nguyễn Dữ đã hiển<br />
vinh đỗ đạt (tuy chưa phải là đại khoa) và làm quan trước Nguyễn Bỉnh Khiêm đến hơn 10<br />
năm (Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ thi Hương năm 1534, đỗ thi Hội, thi Đình năm 1535 dưới đời<br />
Mạc). Dĩ nhiên, chúng tôi rất biết chuyện thi cử dưới thời phong kiến ở ta rất nhiêu khê và rắc<br />
rối nhưng có điều là không kể tuổi tác, sĩ tử từ 14, 15 trở lên, nếu đủ học lực và trình độ, trúng<br />
tuyển kì khảo hạch ở địa phương thì có đủ điều kiện dự thi Hương; đỗ kì thi Hương thì năm<br />
sau được vào thi Hội; và có trúng cách thi Hội thì mới được vào thi Đình (Điện thí).<br />
<br />
Nhân đây, chúng tôi xin đính chính lại một chỗ nhầm lẫn của nhà nghiên cứu Nguyễn<br />
Phạm Hùng trong bài viết Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kì<br />
mạn lục(14), và thắc mắc của Trần Ích Nguyên về học vị của Nguyễn Dữ trong chuyên luận<br />
Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục(15). Trong bài viết rất công phu<br />
và có vài ý mới của Nguyễn Phạm Hùng mà chúng tôi rất thích thú, nhưng tiếc là ở trang 126,<br />
mục 3 Những vấn đề đặt ra từ quan điểm của các nhà khoa học nước ngoài, Nguyễn Phạm<br />
Hùng ghi: “Ông đỗ Hương tiến (Cử nhân), thi Hội đỗ Tam trường (Tiến sĩ)…” (xin được in<br />
đậm để nhấn mạnh - NCL). Xin nói lại, học vị đỗ đạt kì thi Hương vào đời Trần - Hồ là<br />
Hương tiến, người đỗ đầu là Hương nguyên; đời Hậu Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và triều<br />
Nguyễn Gia Long là Hương cống (điểm cao) và Sinh đồ (điểm thấp), đời Nguyễn Minh Mệnh<br />
trở đi là Cử nhân (điểm cao) và Tú tài (điểm thấp). Còn thi Hội từ thời Hậu Lê sơ trở về sau<br />
không xếp loại, mà chỉ lấy Chánh trúng cách và Thứ (Phó) trúng cách, coi như đó là điều kiện<br />
để vào kì thi Đình (Điện thí) làm bài Văn sách Đình đối để nhà vua đích thân lấy đỗ xếp loại<br />
Tiến sĩ theo ba bảng: Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ<br />
Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (còn gọi là Hoàng giáp); Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (gọi<br />
chung là Tiến sĩ). Đó là thi Đình. Còn ở kì thi Hội, các Cống sĩ phải qua bốn trường. Nguyễn<br />
Dữ trong mấy lần thi chỉ đỗ được Tam trường (tức đậu trường ba), rớt Tứ trường (trường bốn)<br />
thì làm sao đủ điều kiện để vào dự thi Đình mà lấy học vị Tiến sĩ? Dĩ nhiên, cũng có vài kì<br />
thi, do điều kiện nào đó mà triều đình chỉ cho thi Hội, ai qua 4 trường thì được xếp loại Tiến<br />
sĩ luôn, nhưng trường hợp này rất ít. Anh Nguyễn Phạm Hùng nhầm chỗ này, tuy vậy, việc ấy<br />
không làm giảm đi chất lượng bài nghiên cứu của anh.<br />
<br />
Cũng vậy, ở trang này, đoạn dưới, anh có dẫn lại ý kiến thắc mắc của Trần Ích Nguyên<br />
trong công trình Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục ở trang 49, 50<br />
của sách. Do ông Trần và anh Hùng (là người thuật lại) chưa hiểu đúng danh hiệu Tam trường<br />
nên đã cố công đi tìm tên Nguyễn Dữ trong các sách viết về khoa bảng như Đại Việt lịch triều<br />
Đăng khoa lục; Các nhà khoa bảng Việt Nam, v.v. hay sách nào đi nữa kể cả Khoa mục chí<br />
trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là sách chép tương đối đầy đủ nhất<br />
trong các sách ghi về khoa bảng của triều Lê sơ - Mạc - Lê trung hưng, thì làm gì có và cũng<br />
không bao giờ có tên Nguyễn Dữ đỗ đại khoa! Bởi ở các công trình này, xưa cũng như nay,<br />
nhà sưu tầm nghiên cứu chỉ chép tên những người đỗ đại khoa (Trạng nguyên, Bảng nhãn,<br />
Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ nếu là đời Lê trung hưng về trước đến Hậu Lê sơ Lê; còn đời<br />
Nguyễn thì có thêm học vị Phó bảng nữa). Như trên có nói, kì thi Hội chỉ xếp Chánh và Thứ<br />
(phó) trúng cách thôi, chứ chưa xếp học vị. Nguyễn Dữ chỉ trúng Tam trường, chưa qua được<br />
Tứ trường nên chưa Trúng cách Hội thí. Ngày trước, thi Hương, thi Hội thường phải qua bốn<br />
kì (bốn trường); trúng trường nhất mới vào trường nhì; trúng trường nhì mới vào trường ba,<br />
v.v. cứ thế tiếp tục. Tên gọi Nhất trường, Nhị trường, Tam trường … là để chỉ những sĩ tử đã<br />
thi đỗ các trường ấy. Còn nếu trúng cả 4 trường thì khảo quan cộng điểm theo ưu, bình, bình<br />
thứ, thứ, thứ thứ mà xếp loại học vị thi đỗ; còn liệt là bị hỏng thi. Vì hiểu nhầm như trên mà<br />
bài viết của anh Hùng đi đến kết luận là “Vì thế việc chép Nguyễn Dữ trúng Tam trường là<br />
không chính xác”(16). Chúng tôi nghĩ, anh Nguyễn Phạm Hùng đã vội vàng rút ra kết luận<br />
không chính xác thì có, chứ các cụ Hà Thiện Hán, Vũ Khâm Lân, Vũ Phương Đề, Lê Quý<br />
Đôn đã chép đúng và rất chính xác đấy, vì chúng tôi đã kiểm tra lại các trang 49, 50 của sách,<br />
ông Trần Ích Nguyên không viết câu kết luận trên. Còn thắc mắc của Trần Ích Nguyên về địa<br />
danh huyện Thanh Tuyền (Thanh Toàn) không biết chính xác ở đâu, trang 50 của sách, thì xin<br />
thưa, huyện Thanh Tuyền xưa chính là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc).<br />
<br />
4. Như vậy, theo chúng tôi, thông tin Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh<br />
Khiêm chỉ là lời các cụ tiên Nho đã dựa theo truyền thuyết, giai thoại dân gian mà ghi lại chứ<br />
các cụ không kiểm chứng, hoặc các cụ vì quá yêu mến và ngưỡng vọng, muốn tôn vinh nhà tư<br />
tưởng - hiền triết, nhà thơ đạo lí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà gán cho? Để từ đó, các<br />
học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ở thế kỉ XX và mấy năm đầu thế kỉ XXI lại y<br />
cứ mà viết theo. Thiết nghĩ việc này chúng ta nên tỉnh táo và phải đính chính lại, nếu không<br />
thì vẫn sẽ còn tiếp tục truyền đạt lại (giảng hoặc viết) những truyền thuyết, giai thoại dân<br />
gian, thiếu tính khoa học, không chính xác cho các thế hệ tương lai!<br />
<br />
Trên cơ sở đó, chúng tôi đi đến kết luận Nguyễn Dữ là người sống cùng thời với<br />
Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại đỗ đạt làm quan trước Nguyễn Bỉnh Khiêm đến hơn 10 năm. Ông<br />
sinh trong khoảng đầu thập niên cuối cùng của thế kỉ XV và mất tại nơi ẩn cư Thanh Hoá<br />
khoảng giữa thế kỉ XVI, xuất thân trong gia đình có truyền thống văn chương khoa cử, thế gia<br />
vọng tộc. Và Nguyễn Dữ không thể là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như các<br />
cụ ngày xưa và các học giả ngày nay đã viết.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
CHÚ THÍCH<br />
(1)<br />
Chẳng hạn, Vũ Khâm Lân, Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả kí, sách Đại Việt<br />
sử loại tiệp lục, mà sau đó sách Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề có chép lại, bản dịch của<br />
Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục, SG, tái bản, 1973, trang 406 -<br />
407; Bùi Huy Bích, Hoàng Việt thi tuyển, bản dịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB<br />
Văn học, HN, 2007, trang 773; Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Nhân vật chí,<br />
tập 1, bản dịch, NXB Sử học, 1960, trang 299.<br />
(2)<br />
Xin xem các công trình sau:<br />
<br />
- Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu (viết xong 1941), NXB Đông Pháp, HN, in<br />
lần đầu năm 1943.<br />
<br />
- Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam,<br />
tập 2, (thế kỉ X đến hết thế kỉ XVII), NXB Văn Sử Địa, HN, 1958, trang 160.<br />
- Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc San, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2<br />
(thế kỉ X - thế kỉ XVII), NXB Văn hoá, in lần 1, 1962, NXB Văn học, tái bản 1976, trang 630<br />
và 717.<br />
<br />
- Bùi Văn Nguyên, Lịch sử văn học Việt Nam tập 2, NXB GD, HN, in lần đầu 1962, NXB<br />
GD, HN, tái bản lần thứ 4, 1976, trang 229 và 242.<br />
<br />
- Bùi Văn Nguyên, Văn học Việt Nam thế kỉ X - giữa thế kỉ XVIII, NXB GD, HN, 1989, trang<br />
305 - 306 và 321.<br />
<br />
- Đinh Gia Khánh (chủ biên), Văn học cổ Việt Nam, NXB GD, HN, 1964 và Văn học Việt<br />
Nam thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII, tập 2, NXB ĐH và THCN, HN, 1977, trang 106 và 239.<br />
<br />
- Thúc Ngọc Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 1, NXB KHXH, HN, 1970 và<br />
Lược truyện các tác gia Việt Nam, NXB KHXH, HN, 1971.<br />
<br />
- Lê Trí Viễn (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam, Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, 1997,<br />
trang 104.<br />
<br />
- Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Truyện ngắn, NXB GD,<br />
HN, tái bản lần 1, 1999, trang 211.<br />
<br />
- Nguyễn Nam, Phiên dịch học lịch sử - văn hoá Trường hợp Truyền kì mạn lục, NXB ĐHQG<br />
TP. HCM, 2002, trang 70 và 74.<br />
<br />
- Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học,<br />
Bộ mới, các mục từ viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm (tr.1107-1108), về Nguyễn Dữ (tr.1123-<br />
1124-1125), về Phùng Khắc Khoan (tr.1431-1432), NXB Thế giới, 2004.<br />
<br />
- Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Khoan cuộc đời – thơ văn, NXB Văn hoá Thông tin, HN, 2005.<br />
<br />
- Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam, tập 1, NXB ĐHSP HN, 2006,<br />
trang 185.<br />
<br />
- Đoàn Thị Thu Vân (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam (thế kỉ X - cuối thế kỉ XIX), NXB<br />
GD, chi nhánh tại TP HCM, 2008, trang 100 và 114.<br />
(3), (4), (5),<br />
dẫn lại: Trần Ích Nguyên, “Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn<br />
lục”, Đài Loan học sinh thư cục xuất bản, Đài Bắc, 1990, bản dịch của Phạm Tú Châu, Trần<br />
Thị Băng Thanh, NXB VH, HN, 2000. Cụ thể là: Xuyên Bản Bang Vệ “Truyền kì mạn lục tiểu<br />
khảo”, Nghệ văn nghiên cứu, số 27, tr.379; La Hoài “Nho học tại Việt Nam”; Trịnh Vĩnh<br />
Thường “Hán văn văn học tại An Nam đích hưng thệ”, Đài Loan Thương vụ ấn thư quán,<br />
thiên 4, chương 3, trang 150; Trần Ích Nguyên “Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và<br />
Truyền kì mạn lục”, chương 2, tiết 2, trang 47 - 63, Đài Loan học sinh thư cục xuất bản, Đài<br />
Bắc, 1990.<br />
(6)<br />
M. Tkachov, Bậc thầy của những chuyện kì diệu sáng tạo từ đất Hải Dương, trong sách<br />
Phiên dịch học lịch sử - văn hoá Trường hợp Truyền kì mạn lục của Nguyễn Nam, NXB<br />
ĐHQG TP. HCM, 2002.<br />
(7)<br />
Vũ Khâm Lân, sđd, trang 406 - 407.<br />
(8)<br />
Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí, bản dịch, tập 1, NXB Sử<br />
học, HN, 1960, trang 299.<br />
(9)<br />
Hà Thiện Hán, Tựa Truyền kì mạn lục, dẫn lại: Trần Ích Nguyên, Nghiên cứu so sánh Tiễn<br />
đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục, Đài Loan học sinh thư cục xuất bản, Đài Bắc, 1990. Bản<br />
dịch đã dẫn, tr.47.<br />
(10)<br />
Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, Kiến văn tiểu lục, bản dịch, NXB KHXH, HN, 1977, trang<br />
262.<br />
(11)<br />
Tkachov, Bậc thầy của những chuyện kì diệu sáng tạo từ đất Hải Dương, sđd, trang 69 -<br />
102.<br />
(12)<br />
không hiểu tại sao cụ Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, mục Văn tịch<br />
chí [IV] ghi là 22 truyện, bản dịch, tập 4, NXB Sử học, 1961, trang 121.<br />
(13)<br />
Tkachov, sđd, trang 74.<br />
(14)<br />
Nguyễn Phạm Hùng, Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kì<br />
mạn lục, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 1 – 2006, trang 123 - 134.<br />
(15)<br />
Trần Ích Nguyên, sđd, Đài Loan học sinh thư cục xuất bản, Đài Bắc, 1990. Bản dịch của<br />
Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh, NXB Văn học, HN, 2000.<br />
(16)<br />
Nguyễn Phạm Hùng, bđd, Tạp chí NCVH, số 1 – 2006, dòng cuối của trang 126.<br />