Những bài làm văn hay của học sinh tiểu học Lạng Giang
lượt xem 9
download
Đạt kết quả tốt trong kỳ thi học sinh giỏi với tài liệu những bài làm băn hay của học sinh tiểu học Lạng Giang, các bạn học sinh tiểu học sẽ được cung cấp những bài văn mẫu tham khảo hay nhất.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Những bài làm văn hay của học sinh tiểu học Lạng Giang
- NHỮNG BÀI VĂN HAY CỦA ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI TIỂU HỌC HUYỆN LẠNG GIANG NĂM HỌC 2005 – 2006
- Đề 6 : “Cảnh vật trưa hè ở đây yên tĩnh, cây cối đứng im lìm, không gian vắng lặng, không một tiếng động nhỏ. Chỉ một màu nắng chói chang.” Dựa vào nội dung đoạn văn trên, kết hợp với sự tưởng tượng của mình, em hãy tả lại cảnh vật quê em vào một buổi trưa hè. BÀI LÀM Đúng là trưa hè ! Buổi trưa hè ở làng em thật là yên tĩnh ! Chỉ có nắng chói chang. Đứng trong nhà nhìn ra, con đường nhựa như bốc lửa, vắng bóng người qua lại. Bầu trời xanh mênh mông, cao vời vợi. Ông mặt trời hình như giận dữ điều gì mà cứ bốc từng nắm lửa ném xuống mặt đất. Chẳng có đám mây nào đến đây che mát cho mảnh đất này cả, hay là mây cũng sợ mặt trời ? Chỉ có vài cụm mây đang lang thang ở tít đằng xa kia. Thỉnh thoảng cũng có vài sợi gió thổi qua nhưng không thể xua đi cái nóng, cái nắng gay gắt của ông trời. Trước mặt em là cánh đồng làng em mênh mông. Những ô ruộng đang chuẩn bị cho một mùa cấy lúa. Ruộng nào cũng lấp loáng ánh nắng trời, nhìn thấy chói mắt. Làng xóm em đang chìm trong giấc ngủ. Luỹ tre tựa đầu vào nhau mà ngủ, cây bên đường đứng lặng im mà ngủ. Những chú chim, những chú ve buổi sáng còn vui vẻ hát lên những bài dân ca quen thuộc thì bây giờ cũng không thấy đâu nữa. Con gà mái mẹ sáng nay đưa con đi kiếm mồi còn luôn miệng nhắc nhở con phải cẩn thận thì bây giờ cũng không phải nhắc gì nữa vì lũ con đã nằm im trong đôi cánh của nó và ngủ mê mệt rồi. Con Vàng nhà em nằm ở trong nhà mát thế mà nó vẫn thè lưỡi ra, thở hồng hộc, chắc là nó muốn bảo với em : “Nóng quá ! Khó chịu quá !” Phải không Vàng ? Cái đòn gánh của mẹ em cũng cong lưng lên dựa vào tường mà ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Em vội chạy ra đưa nó vào trong bếp để chiều nay mẹ em còn cùng với nó ra đồng làm, nếu không nó nứt ra và hỏng mất. Dưới bóng mát của luỹ tre xanh, mấy con trâu, mình lấm bê bết bùn đất, mắt lim dim, chẳng thèm cả đuổi ruồi nữa, miệng nhai trầu rơm bỏm bẻm. Những ngôi nhà tầng cao vút đứng chống chọi lại nắng trời, chúng tắm nắng thoả thích. Hình như chúng càng được tắm nắng thì chúng càng thích hay sao ấy ! Những mái ngói nâu thẫm cổ kính thì khiêm tốn hơn, chúng nằm khuất mình sau những lùm cây ăn quả, nhìn đỡ chói mắt hơn. Chỉ có cây đa làng là ung dung nhất, nắng như thế mà cây đa có thấy gì đâu, nó vẫn giơ những tán lá xanh tươi mơn mởn che mát cho một vùng đất rộng, che mát cho những người dân quê em ngồi nghỉ dưới gốc cây hóng mát như trưa nay. Trong những ngôi nhà mệt mỏi kia, có rất nhiều người nhưng sao không thấy bóng dáng của họ nhỉ ? Những người dân quê em sau buổi làm đồng vất vả đang ngủ trưa để lấy sức cho buổi chiều lại gội nắng cày cấy trên thửa ruộng nhọc nhằn. Bạn có nghe thấy tiếng lào xào của tiếng quạt điện không? Trẻ con, người lớn đều đang lăn lóc ngủ trong cơn gió của nhân tạo, của khoa học đấy. Mùa hè đâu phải chỉ có một trưa nay nắng nóng. Những buổi trưa hè như trưa nay là đặc trưng cho mùa hè ở quê em. Cũng có những trưa hè dễ chịu, gió nồm nam thổi mát rượi đấy nhưng trưa hè nắng nóng thì nhiều. Không gì hơn là chúng em rủ nhau ra sông máng ở đầu làng tắm mát, sướng lắm. Mùa hè nắng
- nóng thì khó chịu thật đấy nhưng cũng có cái khoái của nó. Em sẽ được đi nghỉ mát, đi thăm ông bà ngoại. Nhưng cứ mỗi trưa hè như trưa nay thì em lại thấy thương những người dân quê em, thương bố mẹ em vất vả phải lao động dưới cái nắng như lửa thế này. Ông mặt trời ơi, ông có thể bớt lửa đi được không ? (Hai bài viết của hai học sinh Trường Tiểu học Hương Sơn – Hoàng Thị Thuý Linh và Vương Hồng Thảo) Đề 7 : Viết bài văn ngắn khoảng 25 dòng tả lại một cảnh đẹp ở quê hương em mà em vảm thấy yêu thích và gắn bó. BÀI LÀM 1 Mỗi khi đi đâu xa, hình ảnh đầu tiên mà tôi nhớ đến là con sông quê hương. “Ơi, con sông quê, con sông quê !” Con sông ấy đã gắn bó với tôi bằng bao nhiêu kỉ niệm của thời thơ ấu. Tôi cũng không biết con sông quê tôi bắt nguồn từ nơi nào. Tôi cũng không biết ai đã đặt tên nó là sông Thương. Chỉ biết rằng khi chảy qua quê tôi, con sông thật là êm ả và hiền hoà. Nước sông trong xanh soi tóc những hàng tre bên sông, chở những chiếc lá tre chia tay mẹ nó để bắt đầu một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Dòng sông điệu vợi mà trong một ngày nó thay mấy chiếc áo. Buổi sáng, sông mặc chiếc áo màu xanh mát. Buổi chiều gần tối, sông mặc chiếc áo dát vàng lấp lánh. Hai bên bờ sông có những thảm cỏ trải dài trông giống như tấm đệm khổng lồ. Những buổi chiều râm mát, tôi cùng các bạn trong xóm tôi thường rủ nhau ra đây nô đùa, có lúc chúng tôi nằm trên tấm đệm ấy mà ngắm bầu trời trong xanh cao vút rồi lại nhìn dòng nước in hình cả bầu trời trong ấy. Những lúc ấy chúng tôi cảm thấy thảnh thơi vô cùng. Chúng tôi cùng hát, cùng kể chuyện cho nhau nghe những chuyện ở lớp, ở nhà mình, cả những chuyện bịa mà mình vừa sáng tác. Đó là những chiều thật vui, thật tuyệt vời. Thỉnh thoảng có những cơn gió mát khiến chúng tôi tưởng như nghe thấy cả tiếng trò chuyện của dòng sông. Dòng sông Thương chảy qua làng tôi nên quanh năm dân làng tôi không phải lo hạn hán như nhiều nơi khác. Dân làng tôi đào mương từ bờ sông đi đến các cánh đồng. Nước sông được các máy bơm cực khỏe đưa lên con mương ấy chảy vào ruộng, tưới mát cho cả cánh đồng rộng lớn. Cánh đông quê tôi mỗi năm hai ba vụ cây cối tốt tươi. Nhưng với chúng tôi, điều thích thú nhất lại là được “nghỉ mát” trong lòng của dòng sông ấy. Chiều chiều, chúng tôi thường dắt trâu về đây, chăn thả trên bờ sông và chúng tôi nhảy tùm xuống dòng nước mát. Chúng tôi nô đùa , cười nói làm náo động cả một khúc sông quê. Và cũng không biết từ bao giờ, tôi và sông đã trở thành đôi bạn tri kỉ. Những khi tôi buồn, tôi ra bờ sông tâm sự với sông, sông như hiểu được lòng tôi lặng lẽ đưa nỗi buồn của tôi theo dòng nước đi ra biển cả. Những lúc tôi vui, tôi ra sông, sông như chia vui với tôi, những con sóng nhỏ xô nước vỗ bờ dào dạt. Hằng ngày, sông đưa tôi đến trường, con đường từ nhà tôi đến trường đi trên con đê ngoằn ngoèo bên bờ sông ấy. Kia là bến đò mà hàng ngày người dân quê tôi qua lại làm ăn, chợ búa. Đây là bến nước mà các mẹ hay các chị thường xuống đây để giặt giũ. Cây gạo đứng sừng sững trên bến đò làm tiêu cho con
- đò cập bến mùa này đang nở hoa. Chỗ nào cũng thân thương quá ! Nhìn những con thuyền câu bé nhỏ bồng bềnh trên mặt sông mà cảm thấy không khí thanh bình của quê hương thật đáng yêu. Dù thời gian có trôi đi, dù nước sông đã về với biển nhưng hình ảnh con sông quê hương, con sông tên Thương còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Con sông đã lưu giữ những kỉ niệm của tuổi thơ tôi. Con sông Thương quê tôi không bao giờ vơi cạn như tình yêu của tôi với con sông quê cũng không bao giờ vơi cạn. (Bài làm của em Nguyễn Thị Như Quỳnh – Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Hoà) BÀI LÀM 2 Mỗi sớm mai thức dậy, em lại được tận hưởng mùi thơm ngọt ngào, mát dịu của hương lúa lên đòng. Đó là vì nhà em ở gần ngay cánh đồng làng em. Bây giờ đã cuối xuân, cánh đồng quê em rộng mênh mông bởi màu xanh của lúa chiêm trải tới tận chân trời trông như một tấm thảm khổng lồ. Không còn nhìn thấy những ô ruộng. Lúa tốt đã che kín những bờ nhỏ. Buổi sáng, những hạt sương long lanh đang ngái ngủ trên những lá lúa non. Còn các chị lúa thì đã thức dậy đón chào ngày mới, đón lấy những tia nắng đầu tiên trong ngày. Mọi người ra đồng chăm lúa, cánh đồng lúa như gần lại, như nhỏ hơn. Buổi trưa, nắng chói chang, cánh đồng như vắng vẻ hơn, chỉ thấp thoáng một vài cánh cò lên xuống. Cánh đồng như rộng ra mênh mông. Lúc hoàng hôn, gió thổi lồng lộng, sóng lúa vỗ tới tận chân trời, trông thật đẹp mắt. Nhưng cánh đồng làng em không chỉ có lúa mà còn có nhiều thứ cây trồng khác. Bên những ruộng lúa xanh, ruộng cà chua vẫn trĩu quả. Những quả cà chua chín đang thắp đèn lồng trong vòm lá xanh. Cây cà chua được người trồng dùng các cây gậy chống đỡ như đứng được trên đôi chân của mình. Thỉnh thoảng, giữa những ruộng lúa lại xuất hiện mảnh ruộng rau cải dưa xanh tốt. Hàng ngàn cây cải dưa thi nhau xanh cùng cây lúa. Những cây cải đã sắp từ biệt mảnh ruộng của mình để đi khắp các chợ tới tay người dùng. Tuy vậy, nhìn từ xa, cánh đồng quê em chỉ thấy toàn những lúa là lúa mà thôi. Trên cánh đồng mênh mông ấy, có những chú bé chăn trâu đang cưỡi trên lưng trâu cười nói ríu rít cùng bạn bè, có mẹ em và chị em đang bón phân, làm cỏ chăm cho cây lúa. Trên cánh đồng ấy, người dân quê em quanh năm tìm kiếm một thứ của cải quí báu để nuôi sống con người: đó là những hạt gạo thơm thảo hương vị quê hương. Trên cánh đồng ấy, tuổi thơ, em bắt cua, mò ốc, cắt cỏ, chăn trâu. Bao nhiêu kỉ niệm của tuổi thơ đã in dấu trên cánh đồng ngàn năm của cha ông em. Cánh đồng lúa là một thứ gì đó không thể thiếu đối với người dân quê em. Mai đây, dù có đi xa, em không thể nào quên được những kỉ niệm những ngày ấu thơ chăn trâu cắt cỏ trên cánh đồng yêu dấu đó. (Bài làm của em Nguyễn Thị Như Quỳnh – Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Hưng)
- Đề 8 : Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 25 dòng) về một người thân yêu nhất của em. BÀI LÀM 1 Ai cũng có một người mẹ, em cũng vậy. Đối với em, mẹ là người mà em yêu quí nhất. Mẹ em năm nay đã ngoài ba mười tuổi. Mẹ có thân hình mảnh khảnh. Mái tóc của mẹ dài nhưng bị cháy nắng. Nước da của mẹ ngăm ngăm đen, người ta gọi là da bánh mật. Mẹ có đôi mắt lá răm đen láy mà mỗi khi em nhìn vào đôi mắt ấy, lòng em cứ trào dâng một tình yêu mẹ tha thiết. Những lúc mẹ giận em điều gì, đôi mắt mẹ buồn sâu thẳm, đôi mắt như nói với em rằng : em chưa ngoan đâu. Nhưng mỗi lúc mẹ vui thì đôi mắt ấy lại ánh lên những tia sáng ấm áp, những niềm hi vọng ở con cái. Em rất thích những lúc mẹ cười, những lúc ấy, em càng thấu hiểu tình thương của mẹ dành cho em. Em rất thương đôi bàn tay của mẹ. Đôi bàn tay ấy có những vết chai nổi lên bằng cái ngón tay út của em. Em hỏi “Mẹ ơi, sao tay mẹ lại có những cái vệt cứng thế này ?” Mẹ em không nói. Chắc là mẹ em phải làm việc vất vả ngoài đồng, quanh năm cày cuốc để kiếm tìm vật báu, nuôi cả nhà, nuôi con ăn học nên đôi tay mới như thế. Mẹ em ăn mặc rất giản dị. Có những bộ quần áo mẹ em mặc tới ba năm vẫn chưa bỏ đi . Nhiều lần, em hỏi mẹ: - Mẹ ơi, sao mẹ không may quần áo mới mà mặc, sao mẹ cứ mặc những quần áo cũ như thế ? Mẹ em nói : - Là mẹ để tiền mua quần áo mới cho con đấy. Giọng mẹ âu yếm và trìu mến, những lúc đó em càng thấy tình yêu của mẹ với em to lớn biết chừng nào. Mẹ em có tính rất nhường nhịn, cả nể. Hàng xóm có việc gì cần nhờ vả là mẹ em giúp ngay. Chính vì vậy mà các nhà hàng xóm cũng rất quí mẹ em, đối xử rất tốt với cả gia đình em. Mẹ em luôn dạy con những điều hay, lẽ phải, những chân lí sống ở đời. Em nhớ có lần em không may bị bỏng ở chân, mẹ đã phải bỏ hết công việc đang làm dở để chăm sóc em những ngày em phải nằm viện. Sau lần đó, mẹ gầy đi nhiều, da dẻ xanh xao như người ốm. Mẹ thường nói với em : - Con là tất cả của mẹ, là hạnh phúc của đời mẹ đấy ! Con đừng làm gì để mẹ phải buồn nhé ! Những lúc ấy em lại ôm chầm lấy mẹ, muốn nói với mẹ rằng: “Con cám ơn mẹ, con sẽ là đứa con ngoan của mẹ, con yêu mẹ vô cùng !” Mẹ là ngọn gió mát của đời em. Ngọn gió ấy luôn ở bên em, tiếp cho em sức mạnh, giúp cho em vững bước trên đường đời. (Bài làm của em Nguyễn Thị Thu Thủy – Học sinh Trường Tiểu học Tân Thịnh) BÀI LÀM 2 Nếu có ai hỏi em rằng : “ Em yêu bố hơn hay yêu mẹ hơn ?” Em sẽ trả lời : “Trong nhà em, bố em cũng yêu, mẹ em cũng yêu, nhưng cũng phải thú thật là tình cảm của em dành cho bố em vẫn có gì đó sâu sắc hơn đấy.” Bố em năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Bố em làm nghề xây dựng. Một vết sẹo trên cánh tay của bố gợi kỉ niệm của nghề vất vả. Đó là một lần bố em bị ngã
- trong khi đang xây ngôi nhà năm tầng, rất may là chỉ bị thương ở tay thôi. Đôi mắt bố em không đẹp nhưng trong đôi mắt ấy ẩn chứa một sự nhanh nhẹn, một sự nhiệt tình. Bố rất quan tâm đến con cái, lúc nào cũng dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Đối với hàng xóm láng giềng, bố cũng rất tốt bụng. Một lần, nhà bác Uyên bên cạnh nhà em có con trai của bác Uyên bị đau ruột thừa, bác Uyên lại đi trực cơ quan, bố em không chần chừ, đã đưa anh ấy đi viện ngay. Bác Uyên cũng rất quí bố em. Mỗi khi có ấm chè ngon lại gọi bố em sang chơi và thưởng thức. Mọi người trong làng xóm em, em thấy ai cũng quí mến bố em. Đối với gia đình, bố em là người mẫu mực, bố em luôn làm việc, lo toan tất cả, luôn làm cho cả nhà vui. Đối với em, bố dành sự ưu tiên đặc biệt. Bố lo cho em từ buổi sáng sớm, đưa em tới trường, chiều tối lại đi đón em. Bố sắp xếp thời gian giúp em làm các bài tập ở nhà, lo cho em ngày mai đến trường, bài vở đã xong xuôi. Bữa ăn, bố dành thức ăn ngon cho em ăn. Bố bảo; “Con phải cố gắng ăn đủ chất thì mới học giỏi được.” Có lần, em bị ốm phải đi nằm viện, bố đã nhiều đêm thức trắng để chăm sóc cho em. Có lần, em mắc lỗi với mẹ, bố cũng không đánh mắng nhưng những lời bố khuyên cũng vô cùng thấm thía. “Con hãy nhớ : bố không đánh mắng con đâu nhưng con phải biết mỗi lần con hư, mỗi lần con không vâng lời là mỗi lần con đã làm bố rất buồn, mất lòng tin ở con đấy. Muốn trở thành người, con phải rèn luyện từ bé, phải cố gắng làm theo lời bố mẹ và lời thầy cô dạy, con nhé !” Em rất khâm phục bố em. Bố em như một vị thánh luôn che chở cho tuổi thơ tươi đẹp của em. Bố như một cánh chim nâng cho những ước mơ của em được bay xa. Em phải cố gắng học thật giỏi để làm bố vui lòng, để đền đáp công ơn như trời biển của bố. (Bài làm của em Hoàng Thị Thúy Linh – Học sinh Trường Tiểu học Hương Sơn I ) BÀI LÀM 3 - Ông ơi, ông để cháu giúp ông một tay ! - Được ! Cháu ra đây, hai ông cháu ta cùng làm cho nhanh xong rồi tí nữa ông vặt khế cho mà ăn, khế nhà ông ngọt lắm đấy, cháu ạ ! Ông em đấy, ông năm nay đã ngoài bẩy mươi tuổi, cái tuổi mà người ta thường nói là “xưa nay hiếm”, “thất thập cổ lai hi”mà. Mái tóc của ông em bạc khá nhiều, chắc là ông em phải lo nghĩ nhiều, vất vả nuôi bố em nên người ngày nay. Hai gò má ông có những chấm màu đen nhạt mà người ta thường gọi là nốt đồi mồi. Đôi mắt của ông không còn tinh như hồi còn trẻ. Ông em luôn luôn đeo cái kính lão trên đôi mắt ấy mỗi khi đọc báo hay lúc xem bài vở của em. Mỗi khi ông cởi chiếc áo ngoài ra, ai cũng nhìn thấy cái sẹo to bằng ngón tay cái của em trước bụng. Ông em kể lại đó là kỉ niệm không quên của một thời chiến tranh. Mỗi lần nhìn thấy vết sẹo đó, lòng em lại cảm thấy thương ông khôn xiết. Đôi bàn chân ông nứt nẻ, thô kệch, thế mà đôi bàn chân ấy đã từng in dấu khắp các nẻo đường của Tổ quốc đấy. Ông em sống rất giản dị. Những chiếc áo bố em mặc đã cũ rồi, bố em không mặc nữa thì ông em lại mặc lại. Ông bảo: “ Ông mặc lại áo của bố cháu vì áo đó còn tốt, khỏi phải mua cái mới cho đỡ tốn tiền, vả lại ông cũng già rồi, không
- cần phải diện đâu.” Em còn nhớ một lần hai ông cháu đi chơi phố. Trên đường đi, em chợt nhìn thấy một đồ chơi mà em rất thích. Đó là chiếc ô-tô con chạy pin và chuyển động, đèn nhấp nháy. Em cứ nhìn trân trân cái đồ chơi ấy. Ông em hiểu ngay là em muốn gì. Ông bảo : “Để ông về lấy tiền mua cho cháu nhé !”. Em nghĩ ông già rồi, lấy đâu ra nhiều tiền thế để mua được. Em bảo : “ Không, cháu không mua đâu !” Hai ông cháu lại tiếp tục đi chơi. Đến chiều, em đang ngồi học bài thì thấy ông em đưa cho em một cái hộp, bên ngoài có hình một chiếc ô-tô đồ chơi. Em vô cùng ngạc nhiên và thích thú đón lấy từ tay ông. Ông bảo : - Ông biết cháu rất thích cái này, cháu của ông thích thì cháu sẽ có. Nhưng cháu đừng quên việc học đấy nhé ! Em chỉ còn biết cám ơn ông và hứa với ông là phải học thật tốt để ông vui lòng. Lúc ấy, em cảm thấy tình yêu thương của ông đối với em thật bao la, rộng lớn. Em rất quí ông em. Một người đã có công sinh thành ra bố em, nuôi dưỡng bố em. Bây giờ, ông đã già lại đem hết lòng chăm sóc em, đứa cháu nội của ông. Em mong ông em cứ khỏe mãi để em được ở bên ông, được chia sẻ vui buồn cùng ông. (Bài làm của em Triệu Tiến Đạt – Học sinh Trường Tiểu hoc Thị trấn Vôi) BÀI LÀM 4 Bà nội là người em yêu quí nhất. Bà nội em năm nay đã gần sáu mươi tuổi rồi nhưng bà em vẫn còn khỏe mạnh. Vóc dáng bà hơi gầy, không cao lắm. Bàn tay bà khô ráp, có nhiều vết chai sần vì đôi bàn tay ấy phải làm rất nhiều việc từ việc nhà đến việc đồng áng. Nước da của bà rám nắng vì thời còn trẻ bà phải lao động nhiều để kiếm tiền nuôi gia đình. Tuy bà đã được nghỉ hưu, nhưng bà em vẫn luôn làm việc nhà, giúp đỡ bố mẹ em. Có nhiều hôm, bà quét nhà, nấu cơm cho nhà em. Lúc bố em đi làm về, bố em bảo em: - Sao con không quét nhà, nấu cơm mà lại để bà làm thế ? Em chưa trả lời bố thì bà đã bảo: - Là tôi tự làm đấy chứ không phải cháu nó nhờ đâu. Anh chị đi làm cả ngày, tôi ở nhà cũng chẳng có việc gì nên cũng muốn làm cho nó đỡ buồn chân tay chứ nó cũng có cho tôi làm đâu. May quá, có bà đỡ lời cho chứ không thì bố mẹ em còn nói nữa. Nghe bà phân bua như vậy, bố em chỉ nói nhẹ nhàng : - Thôi, mẹ làm cũng được nhưng mẹ làm ít thôi để cháu nó cũng phải làm thì nó mới quen việc nhà nữa chứ . Bà em là thế đấy. Ở làng xóm em, nhà nào có điều gì xích mích với nhau là bà em lại đến hoà giải. Bà em nói có tình có lí, hơn nữa bà em lại là người có uy tín trong dòng họ nên ai cũng quí và tin tưởng. Mọi việc bà giải quyết thật nhẹ nhàng. Đối với em, bà thương em nhất. Ngay cả chuyện học hành của em, bà cũng là người quan tâm nhiều nhất. Tối nào bà cũng nhắc em ngồi học đúng giờ. Bà còn biết được cả hôm nào em bị điểm kém, hôm nào em được điểm tốt. Thế bà em mới tài chứ ! Ngày em được gọi vào học ở đội tuyển học sinh giỏi, bà mừng đến phát khóc. Bà chăm sóc em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Có lần em bị sốt, suốt ngày
- bà ở bên em, cho em uống thuốc, bón cháo cho em ăn để em chóng khỏi. Lúc em khỏi sốt, em gục đầu vào lòng bà và nói: - Bà ơi ! Cháu cám ơn bà nhiều lắm ! Bà cũng rất cảm động, bà chỉ nói nhỏ thôi : - Ơn với chả huệ cái gì, Anh tưởng anh ốm mà tôi vui à ? Sau mỗi lần như thế, em càng cảm thấy yêu quí bà hơn. Càng ở bên bà, em càng học được nhiều điều hay, lẽ phải từ những câu chuyện cổ tích bà thường kể và từ chính tình cảm của bà. Bà nội dạy cho em nhiều điều bổ ích về lẽ sống làm người. Nếu em được một điều ước thì em sẽ ước là bà nội của em sống mãi với em, để em cứ được sống mãi trong vòng tay yêu thương, âu yếm của bà. (Bài làm của em Hà Minh Tiến – Học sinh Trường Tiểu học An Hà) Đề 9: Quê em có loài cây ăn quả nổi tiếng. Em hãy viết bài văn ngắn tả loài cây đó để bạn bè xa gần được biết. BÀI LÀM Mời các bạn về thăm quê hương tôi. Quê hương tôi có một loài cây đặc sản nổi tiếng mà gần xa mọi người đều biết. Đó là cây vải thiều Bắc Giang. Đất đai quê tôi không màu mỡ nhưng rất hợp với cây vải thiều. Cây vải thiều đầu tiên được trồng nhiều ở Lục Ngạn, đến nay nó đã có mặt ở khắp nơi nào có những quả đồi đất sỏi quê tôi. Nhìn từ xa, mỗi cây vải như một chiếc ô xanh, cả vườn vải như một đoàn quân đang nhảy dù từ trên máy bay xuống đất. Đến gần, nhìn vườn vải thật thích mắt. Cây vải khép tán, giao cành vào nhau, tán tròn, xoè nở lùm lùm như đĩa xôi. Mùa xuân, vải thiều bắt đầu ra hoa. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Vải ra hoa hàng loạt. Cành nào cũng có hoa, cây nào cũng ra hoa, cả vườn vải ra hoa. Dưới nắng xuân, vườn hoa vải thiều phủ trắng cả một miền đồi. Ong mật tha hồ về đây lấy mật. Tiếng ong rù rì suốt ngày trong vườn vải. Người nào vào trong vườn vải, áo cũng bị mật hoa đọng vào lấm tấm. Những vườn vải quê tôi đã mười năm tuổi. Thân cây vải đã to bằng cái bắp chuối. Thân cây màu nâu đất, đầy những vết khứa ngang. Người trồng vải làm như vậy để cây vải ra hoa đúng thời vụ và cho thu hoạch cao. Những cành vải chắc, khỏe. Lá vải có hình thoi, màu xanh đậm, quanh năm không có mùa rụng lá. Sau những cơn mưa xuân, nắng đã chói chang hơn, vải thiều kết quả. Mỗi chùm hoa hôm trước bây giờ lại là một chùm quả, màu trắng của hoa đã nhường chỗ cho một màu xanh nhạt lẫn vào màu lá. Quả vải mới tạo thành chỉ bằng hạt gạo, mươi ngày sau nó đã lớn bằng đầu đũa, không để ý vài ngày là đã thấy nó lớn bằng đầu ngón tay rồi. Khi những cây lúa ngoài đồng lên đòng, ta nhìn lên vườn vải đã thấy quả chuyển sang màu vàng nhạt. Và đúng mùa thu hoạch lúa chiêm là vào mùa quả vải chín. Những chùm quả vải chín cũng rất nhanh. Vườn vải cứ dần chuyển sang màu đỏ. Đi qua vườn vải đã ngửi thấy mùi mật ngọt, hương của vải chín. Mỗi chùm quả thường có khoảng vài chục quả vải. Vỏ quả vải sần sùi có những cái gai, khi chín, những cái gai đỡ nhọn hơn, những cái gai đó có màu đỏ sậm. Khi quả vải chín, những chùm quả trĩu xuống, cứ tưởng như cành vải không còn đủ sức để đỡ những quả vải nữa.
- Trông vườn vải đầy quả chín mà thích mắt, thèm thuồng. Bóc quả vải ra, bên trong là một lớp cùi trắng đục mọng nước. Mới đưa miếng cùi vải vào đầu lưỡi, vị ngọt đã thấm vào cổ họng. Ăn một quả rồi lại muốn ăn quả nữa, ăn mười quả vẫn chưa thấy chán. Hột quả vải nhỏ tí chỉ bằng ngón tay đứa bé mới đẻ. Quả vải nào hạt càng bé, quả vải đó càng ngọt. Quả vải thiều vừa ngon lại vừa bổ. Tôi rất thích mùa thu hoạch vải để được ăn vải thoả thích. Quả vải thiều nay đã là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình quê tôi, góp phần nâng cao đời sống cho người nghèo quê tôi. Có nhiều nhà đã xây được nhà cao tầng bằng thu nhập từ cây vải thiều. Sau mỗi mùa thu hoạch vải, nhiều nhà sắm được Ti-vi, xe máy, tủ lạnh, … Quả vải thiều không những là món ăn được ưa chuộng của nhân dân ta mà còn được người nước ngoài cũng rất thích. Vì vậy , hàng năm vải thiều còn là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị cao của người dân quê tôi. Giống cây này đã giúp đời sống của người dân quê tôi khá lên. Tôi rất tự hào về loài cây đặc sản này của quê tôi . Tôi mong muốn giống cây này được trồng nhiều hơn nữa không những để tăng thu nhập mà còn làm cho đất quê tôi trải dài màu xanh mướt mát, là một miền du lịch sinh thái. (Bài làm của em Lương Minh Hằng – HS Trường TH Thị trấn Vôi) Đề 10 : Hãy tả lại chiếc xe đạp mà em thường cùng nó đến trường hàng ngày. BÀI LÀM Hằng ngày, em vẫn thường đến trường bằng một chiếc xe đạp cũ. Chiếc xe đạp ấy là của chị Huệ em dùng nó suốt trong những năm chị ấy học ở cấp 2. Nay chị Huệ lên học lớp Mười, chị cho em chiếc xe đạp ấy. Bố em bảo: “ Con đi tạm chiếc xe này một vài năm. Bao giờ con lên cấp 2, bố mẹ sẽ mua cho con cái xe khác.” Chiếc xe của em được phủ toàn thân là màu đỏ. Xe đã cũ nên có nhiều vết xước. Mỗi vết xước ấy chắc có sự tích của nó nhưng em không biết. Khung xe có một thanh võng xuống trông rất điệu và cũng rất tiện lợi cho em mỗi khi lên xuống xe. Đầu xe là hai cái tay lái trông như hai cái sừng con hươu. Chỗ tay cầm có hai cái sừng con là hai cái tay để bóp phanh, hãm xe lại cho em những khi em đi xuống dốc. Lồng xe làm bằng nhựa đen sì và có những lỗ nhỏ cho vừa ngón tay. Chiếc lồng này rất tiện lợi,khi thì để mớ rau lúc mẹ đi chợ, khi thì em để mấy cuốn sách lúc em đi học thêm. Cái yên xe tuy cũ nhưng vẫn còn êm lắm. Từ nhà em đến trường khoảng ba cây số, nhưng khi ngồi lên chiếc yên này, em cảm thấy không mỏi, người vẫn thoải mái. Cái đèo hàng bằng sắt màu trắng, chị em dùng nhiều lần để cặp sách đi học, nay không hiểu vì sao cũng bị rụng mất một thanh dọc. Lốp xe cũng đã mòn, mấy hôm trời mưa đi đường trơn em hơi lo nhưng em tin vào tay lái lụa của mình nên không có chuyện gì xảy ra. Tuy vậy, ngày mai, em phải bảo bố em thay cho chiếc lốp mới. Nan hoa cũng bị gãy mất vài chiếc, nhưng vành không bị đảo, vẫn đi tốt vì em không to béo lắm. Bộ xích líp được giấu kín trong hộp, em không biết còn tốt không nhưng chưa có chuyện gì xảy ra về nó từ ngày em nhận xe, nó không phát ra tiếng kêu “tách, tách” như xe mới của các bạn. Chiếc xe tuy cũ nhưng đi vẫn rất bon. Có lần, em chủ quan không kiểm tra lại phanh xe, xe lại bon nên khi xuống dốc, xe đứt phanh làm em ngã ra đường.
- Lúc về nhà, bố mẹ em biết nên rất lo lắng. Bố em bảo : “ Hay là từ mai bố đưa con đi học vậy ?” Em phải nói mãi bố mẹ em mới yên tâm và lại cho em đi xe đến trường. Từ đấy, trước khi đi đâu, em đều phải kiểm tra lại xe cẩn thận. Mỗi khi đi học về, em lau chùi sạch những chỗ lấm bụi rồi mới dắt xe vào nhà. Từ nhà em đến trường hơi xa đấy, nếu không có chiếc xe đạp này chắc là em sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi học. Bây giờ, nhà em chưa có điều kiện để mua xe mới, chiếc xe tuy cũ nhưng đối với em chiếc xe là một vật quí giá. “Của bền tại người”, bố em bảo thế. Em sẽ giữ gìn chiếc xe cẩn thận để xe bền mãi, để nó hằng ngày là người bạn đồng hành của em. ( Bài làm của em Nguyễn Thị Mai Hiền – Học sinh trường tiểu học Thị trấn Vôi)
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Những bài tập làm văn mẫu lớp 8
72 p | 5196 | 2607
-
Những bài Văn mẫu hay lớp 11
243 p | 2304 | 512
-
Những bài văn hay lớp 5 - Phần 2
7 p | 676 | 135
-
Tổng hợp 5 bài văn mẫu: Phân tích bài thơ Vội vàng của tác giả Xuân Diệu
9 p | 977 | 102
-
Tuyển tập những bài văn mẫu 12 (Tập 1): Phần 1
65 p | 184 | 41
-
tuyển tập 150 bài văn hay lớp 4 (tái bản lần thứ nhất): phần 2
82 p | 153 | 39
-
Tuyển tập những bài văn hay 12: Phần 1
65 p | 152 | 26
-
những bài làm văn 11: phần 2
118 p | 61 | 14
-
những bài làm văn tiêu biểu 11: phần 1
163 p | 70 | 14
-
Bài Tập làm văn: Trả bài văn viết thư - Giáo án Tiếng việt 4 - GV.N.Phương Hà
3 p | 258 | 14
-
Những bài văn hay của HS trường TH Trần Hưng Đạo Eakar - Đăk Lăk
8 p | 176 | 13
-
Tuyển tập những bài làm văn tiêu biểu lớp 12: Phần 1
37 p | 68 | 13
-
Tuyển tập những bài làm văn hay của học sinh Tiểu học
8 p | 149 | 12
-
Tập làm văn - TRẢ BÀI VĂN VIẾT THƯ ( Tiết 11 )
4 p | 354 | 11
-
Những bài làm văn hay của học sinh tiểu học
8 p | 230 | 9
-
Văn phân tích lớp 9: Phân tích bài thơ số 28 của R.Tago
10 p | 179 | 8
-
SKKN: Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 diễn đạt câu đúng và hay trong phân môn Tập làm văn
24 p | 40 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn