Nước Trong Nguồn
lượt xem 2
download
Hôm đó là một chiều cuối tháng giêng. Tôi vừa ở đằng nhà máy chà gạo của ông già vợ tôi về, chưa kịp nghỉ ngơi thì có tiếng gọi ở ngoài sân: "Cậu ơi! Làm ơn cho tôi hỏi thăm một chút!". Tôi bước ra ngoài thì thấy một người đàn bà chừng năm mươi tuổi, tay xách một chiếc xách đệm - hoàn toàn không phù hợp với dáng vẻ quý phái của bà trong bộ đồ bà ba màu tím than bằng gấm ngoại nhập đắt tiền làm tôn thêm làn da trắng và gương mặt thánh...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nước Trong Nguồn
- vietmessenger.com Trần Hồng Long Nước Trong Nguồn Hôm đó là một chiều cuối tháng giêng. Tôi vừa ở đằng nhà máy chà gạo của ông già vợ tôi về, chưa kịp nghỉ ngơi thì có tiếng gọi ở ngoài sân: "Cậu ơi! Làm ơn cho tôi hỏi thăm một chút!". Tôi bước ra ngoài thì thấy một người đàn bà chừng năm mươi tuổi, tay xách một chiếc xách đệm - hoàn toàn không phù hợp với dáng vẻ quý phái của bà trong bộ đồ bà ba màu tím than bằng gấm ngoại nhập đắt tiền làm tôn thêm làn da trắng và gương mặt thánh thiện như Đức bà Maria của bà. Tôi hỏi: "Thưa, bà muốn hỏi thăm gì ạ?". Bà không đáp mà cứ đăm đắm nhìn tôi, rồi bước vào đối diện với tôi, môi lắp bắp: "Khanh! Con có phải là thằng Khanh không?". Tôi ngạc nhiên lẫn ngờ ngợ: "Bà là...?". "Má đây! Con không nhận ra má sao Khanh?". Bà buông rơi cái xách, giang hai tay ra định đón tôi, để ôm lấy tôi. Nhưng tôi đã lùi lại tránh vòng tay thân ái của bà, mặc dù lúc ấy ký ức của những ngày thơ trẻ sống bên bà đã cho tôi biết bà là má của tôi. Tôi nhếch môi cười, không ra vui cũng không ra buồn: "Bà là má của tôi thật sao?". Bà vừa gật đầu, vừa đưa tay chặn nước mắt: "Thật, má là má của con, của thằng Kha, con Vy, con Thắm đây!". Tôi gằn giọng mai mỉa: "Bà mà còn nhớ tới ba đứa nó nữa à?". "Làm sao mà không nhớ được hả con? Các con là núm ruột của má mà!". Tôi bảo: "Thôi bà vô nhà đi! Chuyện dài lắm, để từ từ tôi kể cho mà nghe, đã hơn hai mươi năm rồi còn gì!"... Năm 1976, nhà tôi ở một vùng ngoại ô thị xã. Ba tôi chạy xe đạp ôm, còn má tôi thì bán xe nước mía dạo. Nhờ sự cần cù của ba má tôi, nên cũng đủ cho bốn anh em tôi đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi định mệnh đã giáng xuống gia đình tôi. Chiều hôm ấy, ba tôi đang trên đường đạp xe về nhà sau một ngày cật lực mưu sinh thì bị một chiếc honda chạy ngược chiều tông phải. Kẻ gây tai nạn vô lương tâm đã rồ ga bỏ trốn, để lại ba tôi nằm ngất lịm bên đường. Những người dân tốt bụng đã đưa ba tôi vào viện cấp cứu... Hậu quả là ba tôi bị gãy cột sống, phải nằm bệnh viện mấy tháng liền. Để có tiền chữa trị cho ba tôi, mới đầu má tôi bán cái xe nước mía, sau thì bán luôn căn nhà. Vì ba má tôi đều là những đứa trẻ mồ côi lớn lên từ cô nhi viện, không có họ hàng để nương tựa, nên phải thuê nhà của dì Ba - một gái goá hàng xóm khá thân thiết với má tôi, làm nghề bán thuốc lá dạo ngoài bến xe - ở tạm, với giá rẻ như là cho không. Rồi ba tôi xuất viện trong trạng thái bất động toàn thân. Tiền bán nhà đổ vào thang thuốc cho người bệnh, cộng với năm miệng ăn của người lành chẳng mấy chốc đã hết. Má tôi đổ bánh bò đi bán dạo. Bạn thử nghĩ xem, một xề bánh bò hằng ngày thì làm sao có thể nuôi nổi một gia đình những sáu người? Vì vậy, chuyện chúng tôi ăn khoai, ăn cháo trừ cơm là chuyện thường. Trong lúc đói khổ như vậy, bỗng đâu có người đàn ông lạ đến ngỏ ý giúp đỡ má tôi một số tiền, nhưng má tôi nhất mực từ chối. Sau này,
- tôi được biết, ông ta là người tình cũ của má tôi. Vì chê má tôi là đứa con gái mồ côi mà ba má của ông ép ông phải cưới một cô gái khác, nhưng cuộc hôn nhân ấy không mang lại hạnh phúc cho ông, nên ông đã ly hôn. Vậy rồi, có một chiều má tôi đi bán bánh bò và đi luôn mấy ngày không về. Anh em tôi ngồi quanh giường ba khóc hết nước mắt. Còn dì Ba thì đi tìm má tôi khắp nơi. Một hôm vừa bước vào nhà thì dì đã la chúng tôi: "Tụi bây đừng có ở đó mà khóc lóc nữa. Nó đã bỏ tụi bây đi theo thằng chả mất rồi". "Chị nói cái gì hả chị Ba? Vợ tôi đã đi theo thằng ấy rồi à?". Ba tôi hỏi dì mà như hét. Dì Ba nói: "Thì hồi nãy tôi đến nhà thằng chả, để nhờ thằng chả đi tìm má tụi nó tiếp tôi thì mới hay thằng chả đã bán nhà một tuần nay rồi. Má tụi nó không đi theo thằng chả thì theo ai chớ? Thiệt là, tình cũ không rủ cũng tới, chứ đừng nói chi đã rủ!". Không biết ba tôi có nghe hết những lời dì Ba nói hay không mà đôi mắt ông đã khép chặt lại. Và, cũng kể từ đó trong tâm thức tôi không còn chứa đựng hình bóng yêu thương của một người mẹ tần tảo sớm hôm, mà chỉ tồn tại sự thù ghét căm hờn đối với một người đàn bà đã đoạn đành bứt lìa những núm ruột của mình, chỉ vì một người đàn ông. "Con hãy kể về cuộc sống của con, của các em con cho má nghe đi Khanh!". Tôi nói: "Chỉ e rằng bà không đủ can đảm để nghe thôi! Bà có biết không, khi ba tôi chết được hai ngày thì con Thắm bị nổi trái rạ, dì ba không có tiền đưa nó đi bệnh viện mà chỉ xin thuốc của mấy ông thầy lang. Trị hoài không hết, toàn thân nó lở loét đầy máu mủ đến nỗi không thể nằm trên chiếu được, tôi phải cắt lá chuối lót lưng cho nó, được ba hôm thì nó chết. Trước khi chết, nó còn khóc gọi má ơi!". "Thắm ơn, con chết thật rồi sao hả Thắm? Bà gào lên rồi lảo đảo khuỵu xuống nền nhà. Tôi đỡ bà đứng lên và dìu bà lại ghế ngồi, rót cho bà ly nước mát. Sau khi con Thắm chết mấy tháng thì dì Ba cho thằng Kha cho một ông chủ lò bánh Pía ở ngoài thị xã - ngày người ta đến dẫn thằng Kha đi, tôi và con Vy cố giành giựt nó lại nhưng không được. Người ta cho dì Ba một số tiền, dì bèn làm vốn nhảy dù gạo lên Sài Gòn. Mấy chuyến đầu trót lọt, nên dì gom hết cả vốn lẫn lời đánh lớn một chuyến mong có tiền bắt lại thằng Kha. Nhưng không ngờ chuyến ấy đứt dù, trắng tay. Dì định cho tiếp con Vy, tôi nói nếu dì cho con Vy thì tôi sẽ dẫn nó bỏ nhà dì đi bụi. Dì còn dùng dằng chưa quyết thì may sao có người bà con của dì ở quê lên chơi bảo rằng sẽ làm mai cho dì một ông sồn sồn đã chết vợ mấy năm, không con cái nhưng có nhà cửa đất vườn hẳn hoi. Nếu dì chịu thì ông ta sẽ rước về quê ở luôn và hai anh em tôi cũng được theo dì. Nói cho ngay, những ngày sống chung với dì dượng, tuy rằng có cực nhọc một chút nhưng chúng tôi không bị đói. Năm hai mươi mốt tuổi, tôi cưới vợ - hay nói đúng hơn là vợ tôi đi cưới tôi, vì vợ tôi là con gái của một ông chủ nhà máy chà gạo, khá giả - nhà này cũng do ông già vợ tôi cất cho. Còn con Vy thì lấy chồng sau khi tôi cưới vợ một năm. Vợ chồng nó cất nhà riêng tuốt trong Xẻo Lá. Bên chồng nó chia cho ba công ruộng, nhưng vì đông con nên đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn không đủ ăn. "Còn thằng Kha, chắc là cuộc sống của nó có khá hơn?". Bà thở dài não ruột, rồi hỏi tôi. "Không đâu! Ngược lại còn bi đát hơn nhiều nữa kia - Tôi vừa nói thật, vừa cốt để hành hạ bà. Tưởng đâu nó về ở nhà giàu có thì sung sướng tấm thân. Ai dè người ta đày đoạ nó làm lụng cực nhọc ngay từ lúc nhỏ. Năm mười sáu tuổi thì nó bỏ nhà ông chủ lò bánh Pía mà đi hoang. Năm năm trước nó đánh đánh lộn gây thương tích cho người ta, phải ở tù hết ba năm!". "Trời ơi, các con của tôi vì đâu mà ra nông nỗi?". Bà lại khóc. Từ lúc đầu gặp tôi đến giờ lúc nào bà cũng khóc, tưởng chừng như nước mắt của bà đựng trong cái lọ để nằm nghiêng. Mặc dù tôi thừa biết bà đang rất đau khổ nhưng tôi vẫn không buông tha. "Vì đâu mà ra nông nỗi à? Vì chúng tôi không có mẹ đó, bà hiểu không". "Má hiểu, nhưng Khanh ơi... Mà thôi, cho dù má có nói gì đi nữa thì các con cũng không thể tin má. Mấy năm thằng Kha ở tù, con và con Vy có đi thăm nom gì nó không?". "Trong ba năm thằng Kha ở tù, tôi có đi thăm nó được hai lần. Còn con Vy, gạo không đủ ăn thì tiền đâu mà đi thăm nó chứ? Khi nó ra tù, tôi rước nó về đây ở để đi làm nhà máy cho ông già vợ tôi, chung với tôi. Làm đâu
- chừng hơn một tháng thì nó lại bỏ đi!". " Sao em con lại bỏ đi, hả Khanh?". "Vì nó đã quen lối sống giang hồ!" - Đó là tôi nói dối má tôi, chứ thật ra thằng Kha bỏ đi là do nó không thể chịu nổi khi hàng ngày nhìn thấy vợ tôi lấn lướt tôi, mà tôi thì cứ nhẫn nhịn, chịu đựng cho êm nhà, ấm cửa. Thật ra tôi cũng đâu phải là một thằng đàn ông nhu nhược, nhưng đã sống bên vợ đôi lúc cũng phải chịu sự lép vế. Vả lại, vợ mình mình sợ chứ có sợ vợ ai đâu mà lỗ chứ? - Má tôi hỏi; "Vậy, con có đi tìm em của con không?". Rồi má tôi hỏi thăm dì Ba. Tôi cho bà biết, dì Ba đã chết hồi năm ngoái, vì bệnh tim. Chuyện vừa tới đó thì vợ tôi và hai con của tôi đi chơi nhà ngoại hồi sáng về tới. Vợ tôi ngỡ ngàng nhìn người khách lạ: "Ai vậy hả anh?". "Má của tôi đó!". Nghe vậy, vợ tôi lại càng ngạc nhiên hơn. "Sao anh nói má anh chết hồi anh còn nhỏ mà?". Má tôi nói: "Má đi làm ăn xa, đã lâu không về nên thằng Khanh tưởng má đã chết!". Tôi bảo hai đứa con tôi thưa bà nội. Hai đứa nhỏ liền khoanh tay thưa bà. Má tôi mở cái xách lấy ra hai ổ bánh mì mềm èo, xẹp lép cho chúng. Vợ tôi nhìn hai ổ bánh, rồi nhìn cái xách chau mày. "Má định ở đây chơi mấy ngày rồi đi?". Tôi biết, má tôi cũng hiẻu cái nhìn và ẩn ý của vợ tôi trong câu hỏi ấy, nhưng bà vẫn nói: "Má tính về đây ở luôn với các con!". Vợ tôi giương mắt: "Ở luôn? Vậy còn nhà cửa có má thì bỏ cho ai?". "Má đâu có nhà cửa gì đâu con. Mà thôi, nếu như các con thấy má ở đây không tiện thì má sẽ vô ở với con Vy!". "Cô Tư à?" Cổ "nghèo khạc ra tro" thì làm sao mà...?". "Con cứ yên tâm, cho dù ở với đứa nào thì má cũng tự làm ăn được. Má không bắt đứa nào phải nuôi má đâu!". Tôi nghĩ, có lẽ má tôi đã bị người đàn ông kia phụ bạc, đuổi xua nên mới tìm chúng tôi để nương nhờ. Ngày xưa tôi đã từng tự nhủ, sau này nếu có gặp lại bà, tôi sẽ không bao giờ nhận bà là má của tôi. Nhưng, trong hoàn cảnh này thì một chút, chỉ là một chút tình mẫu tử còn lại trong tôi, làm tôi cảm thấy mủi lòng. Tôi nói: "Thôi, má cứ ở đây với tụi con, rồi từ từ tính. Em vô nấu cơm, ăn cho sớm để anh đưa má vô nhà con Vy!". Vợ tôi quạu quọ bỏ ra nhà sau. Rõ ràng em không vui trước quyết định của tôi. Nếu nói cuộc gặp gỡ giữa má tôi và tôi là ngỡ ngàng và xa lạ thì cuộc gặp gỡ giữa má tôi và con Vy mới khiên cưỡng, lạnh lùng làm sao. Con Vy không còn một khái niệm nào về má cả. Cũng phải thôi, vì lúc bà bỏ đi nó vẫn chưa đầy bốn tuổi mà bây giờ nó đã có bốn con rồi còn gì? Nó nói: "Kêu bà bằng má, làm tui mắc cỡ muốn chết đi được vậy!". Má tôi nói: "Không sao! Con kêu má bằng gì cũng được! Nhưng với má thì bao giờ con cũng là đứa con gái bé bỏng của má!". Con Vy cười như mếu : "Tui mà bé bỏng gì nữa hả trời? Già "cóp thùng thiết" rồi. Coi bộ tôi còn già hơn bà nữa không chừng!". Thằng chồng của nó thì ngồi im như khúc cây, giấu mặt trong bóng tối lờ mờ của chá đèn trứng vịt. Còn bốn đứa con gầy đét, đen thủi của nó thì túm tụm lại một chỗ trên chiếc giường tre, chóp chép nhai bánh mì của bà ngoại cho. Việc má tôi về ở với vợ chồng tôi, làm cho không khí gia đình tôi khá là căng thẳng - chỉ là tại vợ tôi không ưa gì bà mẹ chồng từ trên trời rơi xuống với hai bàn tay trắng, mặc dù má tôi luôn tỏ ra là một người mẹ, một người bà hết lòng yêu con, thương dâu và quý cháu. Má tôi chăm sóc hai đứa nhỏ từng li, từng tí từ giặt giũ, tắm rửa cho đến ăn mặc. Vậy mà vợ tôi luôn cáu gắt, thậm chí là thiếu lễ độ với má tôi. Có lần con tôi đùa nghịch vấp té, vợ tôi đã quát má tôi: "Bà đó! Chỉ có mỗi việc là coi chừng hai đứa nhỏ mà cũng không xong nữa!". Má tôi vừa giỗ cháu vừa nói: "Xin lỗi con! Vì má đang bận chắt nước cơm ở nhà sau!". Vợ tôi chừng mắt gầm lên: "Đồ báo cô ăn hại!". Đến nước ấy thì tôi không còn chịu đựng được nữa, tôi giơ tay lên định tát vợ tôi, nhưng má tôi đã kịp ngăn lại: "Thôi, cho má lạy tụi bay đi, lỗi là do má. Nếu tụi bây còn cãi nhau nữa má đập đầu chết bây giờ!". Nói rồi má tôi lủi thủi đi ra sau bếp, tiếp tục chuẩn bị bữa ăn chiều cho chúng tôi. Sau lần cãi vã ấy hai hôm thì má tôi hỏi mượn vợ chồng tôi năm chục ngàn để làm vốn đổ bánh bò bán. Tôi chưa kịp nói gì thì vợ tôi đã la lên: "Trời đất ơi! Bộ má muốn cho thiên hạ nguyền rủa vợ chồng tôi sao hả má?". Má tôi vẫn nhẹ nhàng: "Cái gì mà thiên hạ nguyền rủa
- hả con? Má biết, vợ chồng con nuôi má cũng đầy đủ lắm. Nhưng má còn sức thì phải biết bươn chải chứ. Vả lại, bán bánh bò là nghề của má, giờ nghỉ ở nhà ngồi không cũng buồn!". Vợ tôi nói: "Đó là tự má muốn đó nghen! Tui mà nghe má kêu rêu là vợ chồng tôi bắt má làm là không được với tôi đâu à!". Nói rồi vợ tôi móc tiền ra đếm đủ năm chục ngàn dằn trước mặt má tôi. Má tôi lấy tiền, bơi xuồng ra chợ rồi đem về nào cối xay bột, cái bồng, cái thau và cả gạo nữa... để làm bánh. Chẳng biết má tôi thức dậy xay bột đổ bánh từ lúc nào mà trời vừa tờ mờ sáng thì bà đã đổ và cắt xong những ổ bánh. Rồi bà chất đầy một cái thau nhỏ, chống xuồng vô Xẻo Lá cho mấy đứa con của con Vy. Khi bà trở về thì trời cũng đã sáng rõ, bà xếp bánh vào thau bưng dọc theo xóm bán dạo và không quên để lại nhà cho hai đứa con tôi những miếng bánh đã chan sẵn nước cốt dừa. Hễ bán hết bánh trở về thì má tôi lại lao vào công việc nhà và chăm sóc hai thằng cháu nội. Rồi lại ngâm gạo, chuẩn bị đổ những ổ bánh cho ngày mai. Tối tối, lúc đã xong hết công việc nhà, má tôi lại sang nhà hàng xóm - chuyên chầm lá vàng đốp bán cho ghe chở đi miệt trên - để chầm mướn tận mười một, mười hai giờ khuya mới về. Vậy mà sáng ra bà vẫn có bánh để bưng đi bán. Đâu chừng hơn mười hôm thì bà trả năm chục ngàn tiền vốn đã mượn của vợ tôi. Và, dường như đã thành quy luật, cứ cách một tuần thì bà mua gạo, dầu lửa, nước mắm, tiêu ỏi, bột ngọt... đem vô Xẻo Lá tiếp tế cho con Vy - nhưng xem ra sự lo lắng của bà đối với nó cũng không làm cho tình cảm của nó đối với bà khá hơn. Mỗi lần tôi gặp con Vy, nó đều bảo, hồi đó bà bỏ anh em mình đi bây giờ bà muốn chuộc lỗi đó mà - và cứ cách hai tuần thì bà lại ra thị xã, đến nhà ông chủ lò bánh Pía, hỏi thăm tin tức của thằng Kha. Lần gần nhất má tôi về với vẻ mặt đầy đau khổ: "Thằng Kha phạm tội giết người, đang bị Công an truy nã, bây giờ không biết nó trốn chui, trốn nhủi ở đâu? Trời ơi, con tôi!". Bà nói rồi ngã vật xuống giường, nức nở. Rồi, một thời gian sau, tôi không nhớ rõ là bao lâu, má tôi ốm đi nhiều. Da không xanh, nhưng lại tai tái màu nghệ non, hai mắt đờ đẫn có màu vàng nhạt. Có lúc đang làm việc gì đó bà lại bỏ tắt ngang leo lên giường nằm thở dốc, lại có lúc tôi thấy bà chải đầu mà tóc rụng ra cả nắm. Tôi nói: "Má bệnh rồi, để con đưa má lên huyện khám, nghen má!". Má tôi trấn an tôi: "Không sao đâu con! Má lên chùa hốt vài thang thuốc uống sẽ khỏi thôi mà!". Chiều bà lại lên chùa hốt thuốc đem về và tự sắc uống một mình. Thấy bà đang trong thời gian uống thuốc mà vẫn không chịu nghỉ ngơi, tôi khuyên: " Thôi, má nghỉ đi, chừng nào khỏe hẵng hay!". Bà bảo: "Má phải dành dụm chút ít tiền, nó rất cần cho thằng Kha sau này, con à!". Tôi hiểu, má tôi nói như vậy có nghĩa là bà đã biết một ngày nào đó thằng Kha sẽ bị tù và bà cần tiền để thăm nuôi nó. Mặc dù má tôi uống thuốc đã nhiều thang, nhưng sắc diện vẫn không khá hơn, ngược lại càng lúc càng kém đi nhiều. Một đêm, tôi giật mình tỉnh giấc thì gnhe tiếng rên khe khẽ ở dưới nhà sau. Tôi tốc mùng chạy xuống thấy má tôi đang nằm trên giường vẻ đầy đau đớn, bên cạnh bà là thau gạo đang xay dở dang, nước bột trong cối vẫn còn nhểu ton tỏn. Tôi gọi bà: "Má, má sao vậy, hả má?". Bà thều thào: "Má hơi mệt một chút thôi con!". "Để con đưa má đi bệnh viện!". Má tôi gượng dậy cản tôi, nhưng không được. Tôi biết bệnh của bà đã nặng lắm rồi, nên bồng bà xuống xuồng đưa lên huyện ngay trong đêm. Má tôi nằm ở bệnh viện huyện được hai ngày thì người ta chuyển lên bệnh viện tỉnh. Sau khi đã làm đủ các xét nghiệm, một bà bác sĩ gọi tôi lên phòng làm việc của bà cho biết, bệnh của má tôi cần phải kịp thời chuyển lên Sài Gòn điều trị thì mới khỏi. Tôi hỏi bà, lên Sài Gòn thì tốn bao nhiêu tiền, bà bảo, chừng vài chục triệu. Vài chục triệu thì tôi không thể nào kham nổi. Vì vậy, tôi đành phải đưa má tôi về nhà sống những ngày còn lại. Chở má tôi về nhà chưa được nửa ngày thì vợ tôi đã đùng đùng thu xếp đồ đạc, chuẩn bị dẫn hai đứa nhỏ về ở bên nhà mẹ đẻ. Má tôi nói: "Vợ thằng Khanh à, con kỹ càng như vậy là phải. Nhưng má đã tính rồi, má sẽ vô chùa nằm chờ ngày theo ba con và con Thắm!" - Nhà tôi ở gần ngôi chùa cổ, đã từng nhận nuôi những người già yếu, những người bệnh tật mà không muốn lụy phiền cho người thân. Tôi nói: "Má tính như vậy không được đâu má! Dù sao thì má cũng
- còn có hai con, có con Vy mà!". "Má biết, má vẫn còn hai con, và cả hằng Kha nữa. Nhưng để má vô chùa nằm cho các vãi sắc thuốc, biết đâu phước chủ may thầy, má sẽ qua khỏi!". Suy đi nghĩ lại, lời của má tôi nói cũng phải Hàng ngày, ngoài những giờ đi làm ở nhà máy, tôi đều tranh thủ lên chùa thăm má tôi. Còn con Vy thì chỉ thỉnh thoảng, chẳng trách vì hoàn cảnh của nó khổ hơn nhiều. Lần nào gặp tôi, má tôi cũng nhắc tới thằng Kha, rồi khóc. Mặc dù được các vãi tận tình chăm sóc, nhưng càng lúc má tôi càng teo tóp lại. Những ngày sắp đi bà chỉ còn da bọc lấy xương. Có lần tôi hỏi: "Má sống với người chồng sau này có con cái gì không? Nếu có thì má cho con biết tụi nó ở đâu để con đi cho hay!". Má tôi chỉ khóc mà không nói. Thấy vậy, tôi cũng không hỏi thêm. Một hôm tôi ở đằng nhà máy về muộn - vì phải xay cho hết lúa của một bà hàng xáo - ăn vội mấy chén cơm, tắm rửa qua loa, rồi ra cây rơm vấn con cúi để lên chùa thăm má tôi. Vấn chưa xong con cúi thì thấy lù lù một người vai quảy túi xách, đầu đội nón sùm sụp bước đến bên tôi, gọi khẽ: "Anh Hai!". Thì ra là thằng Kha. Tôi buông rơi con cúi lôi nó tuồn tuột vào nhà, cài chốt cửa lại. Vợ tôi buông một câu mất dạy vô cùng: "Cô hồn nào nữa đây?". Có lẽ vợ tôi không nhận em tôi, vì râu ria lởm chởm. "Thằng Kha đó! Làm ơn tóp cái miệng lại giùm chút đi!". Thằng Kha móc con giao bấm thảy lên bàn cái cộp. Vợ tôi run như cua nướng, hai hàm răng va vào nhau lập cập. "Chị đừng sợ! Tôi sẽ không làm gì chị đâu, nếu như chuyện tôi về đây chị không nói cho ai biết!". Vợ tôi gật đầu lia lịa. Rồi em tôi kể vì sao nó phạm tội giết người. Sau khi bỏ nhà đi, em tôi xin làm lơ xe được một thời gian thì nó quen với hai anh em nhà thằng kia, là dân đầu trộm đuôi cướp - thằng em trước đây cũng là dân tài xế. Cả bọn bàn nhau thuê xe mười hai chỗ ngồi chạy tuyến Sài Gòn - Cà Mau để hành sự. Lần ấy, lên xe của chúng, ngoài những hành khách là người trong nước, còn có một bà Việt kiều chở theo nhiều đồ đạc, trong đó có chiếc vali mà lúc nào bà cũng ôm kè kè bên mình. Dưới con mắt nhà nghề, bọn chúng hiểu trong đó đựng gì. Xe chạy đến địa phận tỉnh... thì trời sụp tối, bọn chúng đưa mời khách những chia nước suối đã bơm sẵn thuốc mê. Khi khách đã mê man, đến đoạn đường vắng chúng hè nhau thả họ xuống đường sau khi đã lột sạch tư trang, tiền bạc. Rồi cả bọn về chỗ chia tài sản vừa cướp được. Khi đã cạy được nắp chiếc vali, ngoài những thứ quà cáp đắt tiền mang từ Mỹ về chúng còn đếm được tất cả hai trăm ngàn đô la. Hai anh em thằng kia chơi tồi, định cuỗm sạch số tiền đó nên một cuộc ẩu đả đã xảy ra. Em tôi vốn giỏi võ nên giết chết thằng anh và đánh cho thằng em què quặt. Song, lại bị lực lượng tuần tra của Công an phát hiện, trước khi chạy trốn em tôi đã kịp mang theo hai trăm ngàn đô la. Nó thay tên đổi họ ẩn náu rất nhiều nơi, cuối cùng thì thì cũng bị nhận dạng, nên nó chạy về đây tạm vài hôm rồi sẽ tìm đường qua Miên. Thật lòng tôi không chấp nhận việc làm của nó. Và, tự trong thâm tâm tôi rất mong có tiền để trị bệnh cho má tôi. Tôi bèn kể cho nó nghe chuyện má tôi về đây... Cuối cùng, tôi nói: "Hay là em để lại một ít tiền để anh đưa má đi Sài Gòn trị bệnh!". Nó nạt: "Tôi không có má nào hết há! Nếu tôi có má thì tôi đâu bị người ta bán đi, tôi đâu bị người ta đày đoạ, để rồi cuối cùng tôi phải đi hoang, tôi phải là một tên ăn cướp, một tên giết người đang bị truy nã chứ? Bà chết hay sống không liên quan gì tới tôi, cũng như tôi sống hay chết đâu liên quan gì tới bả!". Tôi biết trong nhất thời khó mà làm cho thằng Kha chấp nhận một người mẹ đã từng bỏ rơi nó, nhưng chưa kịp thì đã nghe tiếng của cô vãi từ ngoài sân vọng vào: "Cậu Khanh ơi! Cậu lên chùa ngay đi! Má của cậu đang hấp hối ở trển!". "Như vậy là không còn kịp nữa! Nghĩa tử là nghĩa tận, em hãy đi gặp má lần sau cùng, đi Kha!". Em tôi còn chần chừ, tôi bèn nắm tay nó đứng lên, vợ tôi cũng dắt hai con cùng theo. Chúng tôi vào phòng của má tôi. Mắt má tôi nhắm nghiền, bà hỏi: "Vợ chồng thằng Khanh đến chưa hả Vy?". Tôi nói: "Tụi con đến rồi nè má! Má coi con đưa ai đến đây nè!". Má tôi mở mắt và rút bàn tay gầy guộc ra khỏi mền nắm lấy tay thằng Kha. "Trời ơi! Thằng Kha, con của má đây sao?. Còn thằng Kha thì máy móc đưa tay cho bà và nói như người trong cơn mê sảng: "Tại sao? Sao lại là bà được chứ? Trời ơi!". Tôi hết
- ngỡ ngàng nhìn thằng Kha, rồi nhìn má tôi: "Má! Chuyện gì đã xảy ra vậy hả má? Má hãy nói cho chúng con biết đi má!". Má tôi vẫn nắm chặt tay thằng Kha và đảo mắt một lượt nhìn tất cả chúng tôi. Rồi, bằng một giọng chậm dần đều má tôi kể về quãng đời nghiệt ngã của mình. " Các con có biết không, chiều hôm ấy má bưng xề bánh bò đi bán. Đi rất xa mà bánh vẫn còn nhiều, má sợ bán không hết thì sáng mai sẽ không có tiền đong gạo cho các con, nên mặc dù trời đã sụp tối má vẫn quẹo xuống đường sông, với hy vọng bán thêm chút ít nữa. Nhưng, không ngờ, má lạc vào bãi đáp của một nhóm người chuẩn bị vượt biên. Vì sợ bị lộ nên họ định thủ tiêu má. May sao có một người đàn bà bảo rằng, giết người trước lúc ra đi là một điều hết sức xui xẻo, tàu của họ sẽ không đến được bến bờ cần đến, hay là để cho má cùng đi luôn. Má van xin họ hãy thả má ra cho má về, vì chồng của má đang bệnh ở nhà, các con của má còn nhỏ. Má hứa với họ là sẽ không nói cho ai biết chuyện này. Mặc cho muốn van xin khóc lóc, họ vẫn đẩy má xuống hầm tàu. Không biết qua bao nhiêu ngày đêm thì tàu cập đảo. Và, má cũng không nhớ mình đã ở trong trại tị nạn bao nhiêu năm thì mới được gọi phỏng vấn. Những thuyền nhân nói với má rằng, nếu má khai thiệt chuyện của má bị ép lên tàu thì họ sẽ nhốt má trong trại đến suốt đời. Cuối cùng thì má được định cư ở Mỹ. Hàng chục lần má gửi tiền về cho các con - qua dì Ba thì cũng hàng chục lần bị hoàn trả, vì không có người nhận. Rồi khi Nhà nước mở cửa cho Việt kiều về thăm quê má đã ba lần về Việt Nam tìm các con, thì cũng ba lần má đều phải trở về Mỹ với niềm đau khôn tả. Nhưng bằng linh cảm của một người mẹ, má tin rằng một ngày nào đó má sẽ tìm được các con. Quả nhiên một hôm má cũng gặp được một người quen cũ, hiện đang sống ở Mỹ, biết được dì Ba đã lấy chồng và đem các con về xứ này... Má lập tức rút hết tiền ở ngân hàng mà gần hai mươi năm má dành dụm là hơn hai trăm ngàn đô la để về Việt Nam cùng sống với các con, cho bõ những tháng ngày khắc khoải nhớ thương. Má dùng số tiền lẻ để mua vé máy bay và quà cáp cho các con, còn số chẵn má để trong vali để chia đều cho bốn đứa - Vì bà ấy không nói cho má biết là con Thắm đã chết, có lẽ bà ấy không nỡ làm cho má đau lòng khi vừa biết được tin của các con. Khi má xuống phi trường Tân Sơn Nhất cũng đã ba giờ chiều, lẽ ra má phải nghỉ ở Sài Gòn, nhưng vì nóng lòng muốn gặp các con nên má lên xe đi luôn... Khi má tỉnh lại thì thấy mình nằm trong bệnh viện. Bác sĩ bảo, lúc trời sáng có anh xe lôi thấy má và mấy người nữa nằm bất tỉnh bên vệ đường, nên đưa vào bệnh viện cấp cứu, rồi, có một người đi nuôi bệnh thương tình cho má ba chục ngàn để đi tìm các con!". Tiếng sụt sùi của những người đàn ông, tiếng nức nở của những người đàn bà hoà cùng tiếng cú kêu ở ngoài hậu viên nghe não nùng bi thiết làm sao. Và, tôi cũng đã hiểu rồi, chuyện ông ấy - người tình cũ của má tôi ngày trước - bán nhà đi đâu đó hoàn toàn không có liên quan gì đến má tôi, đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà con tạo đã tàn nhẫn sắp bày. "Má ơi! Sao má không nói cho chúng con biết để chúng con cứ mãi trách móc, oán hờn má?". Má tôi nói: "Làm sao má có thể nói được khi mà tiền bạc đã mất, hộ chiếu cũng không còn hả con? Kha ơ! Hãy nghe lời má, ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng, mong có ngày về đoàn tụ với anh, với em của con! Con có hứa với má không Kha?". Thằng Kha gục đầu lên ngực má thổn thức: "Dạ, con hứa, con hứa với má, má ơi!". Má tôi thở hổn hển, gấp gáp: "Vợ chồng thằng Khanh nghe má dặn nè, tụi con là anh, là chị thì phải biết chăm sóc các em của mình, nghe con!". Vợ chồng tôi cùng nói: "Dạ, con hiểu rồi, má ơi!". Má tôi nở một nụ cười mãn nguyện, rồi bà như hét lên: "Khanh ơi, Kha ơi, Vy ơi! Các con đâu hết rồi? Sao má không thấy đứa nào hết vậy? Các cháu ơi, sao bà cũng không thấy đứa nào hết vậy?". Tay má tôi từ từ vuột khỏi tay thằng Kha. Nó gào lên điên dại: "Má ơi! Con đã giết chết má rồi, má ơi!". "Má! Má ơi! Má không thể chết được đâu!". Chúng tôi cùng lay gọi bà, nhưng bà đã ra đi về miền vĩnh cửu. Hết
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Cuộc sống trên Trái Đất bắt nguồn từ trong nước
1 p | 189 | 38
-
Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn hiện nay ở nước ta
3 p | 159 | 22
-
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam thích ứng với tình hình mới
13 p | 59 | 10
-
Phân tích nhu cầu nguồn nhân lực & đào tạo của ngành du lịch Việt Nam
56 p | 76 | 6
-
Vai trò của nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch thời đại công nghiệp 4.0
16 p | 43 | 5
-
Một số giải pháp góp phần phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Việt Nam trong thời gian tới
7 p | 38 | 5
-
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
6 p | 24 | 4
-
Ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nước trong dạy học bơi cho học sinh trung học cơ sở huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang
5 p | 36 | 3
-
Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
5 p | 48 | 3
-
Một số vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch ở tỉnh Quảng Ngãi
15 p | 53 | 3
-
Ứng dụng công nghệ du lịch thông minh trong marketing điểm đến du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh
15 p | 8 | 3
-
Thực trạng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0
8 p | 11 | 3
-
Đào tạo nguồn nhân lực thể dục thể thao trong thời kỳ mới
5 p | 36 | 2
-
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực du lịch Việt Nam
9 p | 5 | 2
-
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
6 p | 5 | 2
-
Kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực và gợi ý cho Việt Nam
5 p | 126 | 1
-
Bối cảnh quốc tế và trong nước đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đạt chuẩn quốc tế
23 p | 6 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn