VĂN MẪU LỚP 11 PHÂN TÍCH LÀM RÕ NHẬN ĐỊNH “BÀI CA NGẮN ĐI TRÊN BÃI CÁT BIỂU LỘ SỰ CHÁN GHÉT CỦA MỘT NGƯỜI TRÍ THỨC ĐỐI VỚI CON ĐƯỜNG DANH LỢI TẦM THƯỜNG ĐƯƠNG THỜI VÀ NIỀM KHÁT KHAO THAY ĐỔI CUỘC SỐNG” GỢI Ý LÀM BÀI: I. ĐẶT VẤN ĐỀ – Cao Bá Quát là một nhà thơ có tài năng và bản lĩnh, được người đương thời tôn là Thánh Quát. – Cao Bá Quát có khoảng 1353 bài thơ và 21 bài văn chữ Hán. Thơ văn ông bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến nhà Nguyễn trì trệ bảo thủ, đồng thời chứa đựng tư tưởng khai sáng tự phát, phản ánh nhu cầu đổi mới của xã hội phong kiến Việt Nam giữa thế kỉ XIX, khi mà đất nước ta đang có nguy cơ bị các nước phương Tây xâm chiếm. – Năm 1831, Cao Bá Quát đỗ cử nhân tại trường thi Hà Nội. Sau đó, nhiều lần ông vào kinh đô Huế thi Hội nhưng không đỗ. Tác giả đã quan sát được những cồn cát trắng mênh mông trải dài khi đi qua các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. – Bài ca ngắn đi trên cát có thể được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi. Nhà thơ đã mượn hình ảnh người đi trên cát khó nhọc, để “biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức- đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khát khao thay đổi cuộc sống” của mình. II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1. Bài ca ngắn đi trên cát biểu lộ sự chán ghét đối với con đường danh lợi tầm thường. a) Hình ảnh bãi cát trong bài thơ: Hình ảnh bãi cát mang hai nghĩa: nghĩa tả thực và nghĩa tượng trưng: – Nghĩa tả thực: Hình ảnh những cồn cát miền Trung đã sớm đi vào thơ ca. Nhà thơ Nguyễn Du cũng đã viết về những cồn cát: “Bốn bề bát ngát xa trông Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”. Và Cao Bá Quát lại cho ta thấy được những cồn cát mênh mông của mảnh đất miền Trung qua những câu thơ tả cảnh: Bãi cát lại bãi cát dài, Đi một bước như lùi một bước. Mặt trời đã lặn chưa dừng được, Lữ khách trên dường nước mắt rơi. Với điệp từ “bãi cát” cộng thêm từ “lại” mang nghĩa khẳng định, câu thơ cho ta thấy nhiều bãi cát nối liền nhau như chạy tít tắp tận chân trời. Rõ ràng, miền Trung, nhất là hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, là dải đất hẹp, có thể bằng mắt thường nhìn thấy một phía là dãy Trường Sơn, một phía là biển Đông. Như vậy, hình ảnh bãi cát, sóng biển và núi là những hình ảnh có thực. Nghĩa là tác giả đã tả cảnh có thực mà mình quan sát được. Đi trên bãi cát đã khó, xét về không gian thì đường xa, xung quanh lại bị vây bởi núi, sông, biển; xét về mặt thời gian thì mặt trời đã lặn mà vẫn tất tả đi. Thông thường, mặt trời lặn là con người và vạn vật đều tìm chốn nghỉ ngơi. Điều đó chứng tỏ rằng người đi trên bài cát rất vất vả, khó nhọc, thậm chí có khi “Lữ khách trên đường nước mắt rơi”. – Nghĩa tượng trưng Thơ không bao giờ dừng lại ở việc tả thực. Hình tượng thơ luôn mang ý nghĩa khái quát cao. Hình ảnh bãi cát có ý nghĩa nghệ thuật độc đáo vì mang tính sáng tạo Bài thơ tả cảnh bãi cát và việc đi trên bãi cát để từ đó dẫn dắt về con đường danh lợi và rộng hơn là con đường đời. Mượn hình ảnh con người như bị sa lầy trong những bãi cát dài, Cao Bá Quát thể hiện thái độ của mình, ông muốn phê phán sự trì trệ, nặng nề trong kiểu giáo dục hiện thời. Người đời tất tả như vậy là vì danh lợi mà danh lợi là từ hay được nhà nho xưa dùng để chỉ việc làm quan thường là do học hành, thi cử đề đạt tới vị trí trong chốn quan trường. b) Sự chán ghét của Cao Bá Quát đối với con đường danh lợi tầm thường. Cao Bá Quát nhận thấy con đường danh lợi đầy nhọc nhằn, đầy chông gai như người lữ khách nhọc nhằn đi trên những bãi cát dài. Ông đã gửi lòng mình vào những câu thơ: Không học được tiên ông phép ngủ Trèo non lội suối giận khôn vơi! Xưa nay, phường danh lợi, Tất tả trên đường đời. Đầu gió hơi men thơm quán rượu, Người say vô số tính bao người? Qua những câu thơ trên, đặc biệt qua cụm từ “phường danh lợi” ta thấy tác giả đã nói về cái bả công danh đối với người đời. Cái mồi danh lợi, bả công danh lôi kéo con người, làm cho con người mê muội. Biết bao trí thức nho sĩ phải đi theo con đường khoa cử, ra làm quan để vào đời. Con đường theo đuổi công danh của người trí thức cũng vất vả nhọc nhằn như người đi trên bãi cát vậy. Dẫu cho nhọc nhằn, vất vả nhưng những kẻ ham danh lợi vẫn cố gắng chạy ngược, chạy xuôi. Điều đó được tác giả minh hoạ bằng hình ảnh người đời thấy ở đâu có quán rượu ngon là đổ xô đến. Mấy ai tỉnh táo thoát ra khỏi sự cám dỗ của rượu. Danh lợi cũng là một thứ rượu dễ làm say lòng người. Đó chính là thái độ chán ghét của tác giả đối với con đường danh lợi tầm thường. 2. Niềm khát khao thay đổi cuộc sống của Cao Bá Quát a) Niềm khát khao thay đổi cuộc sống thể hiện ở lời than, lời tự trách mình tài năng, sức lực còn hạn hẹp. Tác giả miêu tả người khách bộ hành đi trên bãi cát là để thê’ hiện con đường theo đuổi công danh của những người trí thức nói chung và của mình nói riêng trên con đường thi cử. Bãi cát cũng chính là cuộc sống nói chung dài rộng mênh mông luôn thử thách con người. Điệp từ “bãi cát” nối nhau hai lần và hình ảnh con người bước lên một bước, lại như bị đẩy lùi một bước trong ánh chiều tà đã thể hiện được những khó khăn thử thách của cuộc đời đối với mỗi kiếp người. Giữa bãi cát buổi chiều tà ấy, người khách bộ hành đã gắng gỏi tưởng đến kiệt sức. Mỗi bước đi là dòng nước mắt và mồ hôi tuôn lã chã. Giữa khó khăn ấy, người khách bộ hành đã giận mình không có được phép tiên để chiến thắng đường dài, cát bỏng “Không học được tiên ông phép ngủ, Trèo non lội suối giận khôn vơi”. Câu thơ thể hiện lời than, lời tự trách mình hạn hẹp tài năng sức lực, nhưng vẫn cháy lên một khát vọng. b) Niềm khao khát thay đổi cuộc sống thể hiện ở thái độ phê phán sự trì trệ, nặng nề trong kiểu giáo dục hiện thời. – Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ chính là ở chỗ đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ. Từ chuyện đi trên bãi cát tác giả đã liên tưởng đến chuyện lợi danh, đến chốn quan trường. Nếu con người thiếu đi sự tỉnh táo sẽ bị cám dỗ bởi cái bả công danh. Với Cao Bá Quát, tuy chưa tìm ra con đường đi nào khác, song chỉ qua mấy câu thơ trên ta cũng thấy được ông đã nhận ra không thể cứ đi trên bãi cát danh lợi ấy mãi được. c) Niềm khát khao thay đổi cuộc sống thể hiện ở thái độ sống mạnh mẽ của Cao Bá Quát. Bốn câu thơ cuối tác giả viết: Hãy nghe ta hát khúc đường cùng Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng. Phía nam núi Nam, sóng dào dạt Anh đứng làm chi trên bãi cát ? Rõ ràng đó là tiếng hát cứng cỏi đầy bản lĩnh của người khách bộ hành, cũng chính là thái độ sống mạnh mẽ của Cao Bá Quát. Con đường đi phía trước của người khách bộ hành không chỉ có cát mà thêm cả núi non hiếm trở, “sóng dào dạt”. Trước vũ trụ dữ dội như thế, tác giả đặt câu hỏi “Anh đứng làm chi trên bãi cát?” Câu thơ như một lời tự vấn, một lời hứa, lời thề, một khát vọng quyết tâm tiếp bước. Trước những thử thách của cuộc đời, Cao Bá Quát đã từng băn khoăn, day dứt, muốn buông xuôi nhưng rồi ông lại vượt lên và bằng một bản lĩnh của nhà nho chân chính yêu thương con người, căm ghét bất công. Chính vì thế, cuối cùng ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa để chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn. III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ – Trong hoàn cảnh nhà Nguyễn trì trệ bảo thủ, Cao Bá Quát tuy vẫn đi thi nhưng đã tỏ ra chán ghét con đường danh lợi tầm thường. Bài ca ngắn đi trên bãi cát biểu lộ tinh thần phê phán của ông đối với học thuật và sự bảo thủ trì trệ của chế độ nhà Nguyễn. – Bài thơ tả bãi cát và sự việc đi trên bãi cát để từ đó dẫn dắt suy nghĩ về con đường danh lợi và rộng hơn là con đường đời. – Việc sử dụng điệp từ điệp ngữ cộng với nhịp điệu bài thơ đã .góp phần diễn tả thành công những cảm xúc suy tư của nhân vật trữ tình về con đường danh lợi gập ghềnh, trắc trở.