Pháp luật về thời điểm, thời lượng quảng cáo trên truyền hình
lượt xem 1
download
Bằng phương pháp phân tích nội dung, tác giả đã phát hiện thấy một số hạn chế, bất cập trong một số quy định về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình hiện nay. Trên cơ sở các phát hiện về hạn chế, bất cập, tác giả đã đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Pháp luật về thời điểm, thời lượng quảng cáo trên truyền hình
- PHÁP LUẬT VỀ THỜI ĐIỂM, THỜI LƯỢNG QUẢNG CÁO TRÊN TRUYỀN HÌNH Nguyễn Trường Sơn 1 1. Khoa Khoa học Quản lý - Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình là hai vấn đề quan trọng được pháp luật quy định nhằm kiểm soát hành vi của người phát hành quảng cáo và các chủ thể khác có liên quan. Thông qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi của người xem truyền hình, đặc biệt đối với người sử dụng các kênh truyền hình trả tiền. Quy định về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình cũng góp phần ngăn chặn tình trạng thương mại hóa các kênh truyền hình không trả tiền, khi chúng được đầu tư, đảm bảo kinh phí hoạt động từ Ngân sách nhà nước và ra đời vì mục đích phục vụ cộng đồng. Bằng phương pháp phân tích nội dung, tác giả đã phát hiện thấy một số hạn chế, bất cập trong một số quy định về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình hiện nay. Trên cơ sở các phát hiện về hạn chế, bất cập, tác giả đã đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình. Từ khóa: Quảng cáo; Quảng cáo trên truyền hình; Thời điểm; Thời lượng. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Quá trình hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế với việc đổi mới cơ chế chính sách của nhà nước để mở rộng thị trường đã kéo theo sự gia tăng của các loại hình xúc tiến thương mại cả về số lượng và chất lượng. Một trong những hoạt động xúc tiến thương mại đang được nhiều người quan tâm là quảng cáo. Hoạt động quảng cáo đến với người dân qua nhiều phương tiện. Trong đó, truyền hình được coi là phương tiện quảng cáo có mức độ phổ biến nhất hiện nay. Quảng cáo trên truyền hình có phương thức cung cấp thông tin đặc biệt với tính xã hội hóa cao, nên quảng cáo trên truyền hình có khả năng ảnh hưởng (tác động) lớn đến lợi ích của nhiều chủ thể trong xã hội, đặc biệt là người xem truyền hình (người tiếp nhận quảng cáo). Do đó, Nhà nước đã đặt ra nhiều quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý giúp cho việc điều chỉnh hoạt động quảng cáo trên truyền hình diễn ra hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội, thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhiều quy định của pháp luật về quảng cáo trên truyền hình đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về quảng cáo trên truyền hình. Một trong những bất cập đáng chú ý liên quan đến thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình. Thực tế hoạt động quảng cáo trên truyền hình hiện đang phải đối mặt với nhiều ý kiến của người xem truyền hình về các hành vi quảng cáo gian dối, quảng cáo không đúng thời lượng, thời điểm, quảng cáo phản cảm… Vào ngày 09/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn 679
- Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Chỉ thị xác định một số chương trình quảng cáo trên truyền hình có hình ảnh, ngôn ngữ, nội dung quảng cáo thiếu tính thẩm mỹ, trái với truyền thống văn hóa, chưa phù hợp với đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, gây tổn thất, thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các vi phạm trong hoạt động quảng cáo chưa được kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành, chưa tạo được sự minh bạch trong hoạt động quảng cáo (Thủ tướng Chính phủ, 2017). 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính, cụ thể: Phương pháp phân tích luật viết: Được sử dụng để phân tích, làm rõ nội hàm của một số quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến các quy định về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình. Cụ thể, sử dụng phương pháp này, tác giả tiến hành thu thập, phân tích và diễn giải về các hàm ý, thông điệp, mức độ tác động và các khía cạnh khác từ nội dung của các sản phẩm trong bối cảnh văn bản, thời gian cụ thể (Hiệp và nnk, 2022). Phương pháp thu thập và xử lý thông tin từ tài liệu thứ cấp: Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chưa thể tiến hành thu thập các thông tin từ tài liệu sơ cấp liên quan đến các nhận định, đánh giá đối với các quy định về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình, thay vào đó chúng tôi chủ yếu sử dụng các thông tin liên quan đến các quy định về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình từ các tài liệu thứ cấp. Phương pháp suy luận logic: Được sử dụng để xác định các hạn chế, bất cập, nguyên nhân của các hạn chế, bất cập, cũng như khuyến nghị một số giải pháp hoàn thiện các quy định về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Kết quả nghiên cứu và thảo luận quy định về thời điểm quảng cáo trên truyền hình Pháp luật quy định về thời điểm quảng cáo trên truyền hình chủ yếu nhằm tạo thuận lợi trong việc theo dõi các chương trình truyền hình, tránh tình trạng “cưỡng bức” người xem tiếp nhận những thông tin không mong muốn vào những thời điểm nhất định, cũng như tạo sự trang nghiêm cho một số chương trình truyền hình. Do đó, việc thực thi các quy định về thời điểm quảng cáo trên truyền hình có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi của người xem truyền hình. Thứ nhất, Luật Quảng cáo 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018 - gọi tắt là Luật Quảng cáo) tại Điều 22 khoản 3 quy định không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình sau: (i) Chương trình thời sự; (ii) Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc (Quốc hội, 2012). Quy định vừa nêu là hợp lý, nhưng lại bộ lộ hai vấn đề bất cập sau: 680
- Một là, Luật không quy định thế nào là một chương trình thời sự, dẫn đến rất khó để xác định liệu có hành vi vi phạm pháp luật hay không. Vì trên thực tế ranh giới giữa chương trình thời sự với chương trình khác rất khó xác định, chẳng hạn bản tin dự báo thời tiết, chương trình 24/751 có thể được xem là trong chương trình thời sự không. Do không có quy định rõ ràng để xác định đâu là một chương trình thời sự, nên thực tế vẫn thường thấy có các quảng cáo chen giữa “chương trình thời sự” 19 giờ với bản tin 24/7 hoặc bản tin dự báo thời tiết. Ví dụ như việc phát quảng cáo trên kênh VTV3 vào ngày 22/5/2023 sau khi kết thúc phần tin chính và trước khi bắt đầu bản tin dự báo thời tiết trong chương trình thời sự tối bắt đầu lúc 19 giờ (Đài Truyền hình Việt Nam, 2023). Trong một số chương trình “mang tính thời sự” như chương trình tài chính - kinh doanh phát sóng hàng ngày trên kênh VTV1 từ 21 giờ 30 đến 21 giờ 50 vẫn thấy xuất hiện quảng cáo chạy chữ ở góc dưới của màn hình. Tuy nhiên, vì không quy định rõ ràng thế nào là chương trình thời sự dẫn đến khó có thể kết luận đài truyền hình trong các trường hợp nêu trên là vi phạm. Hai là, Luật quy định không được phát quảng cáo trong các chương trình truyền hình trực tiếp các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Tuy nhiên, Luật không liệt kê, cũng không xây dựng tiêu chí để xác định những sự kiện nào được xem là sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cho thấy hầu như không có văn bản nào quy định rõ ràng vấn đề nêu trên. Thực trạng trên cho thấy Luật Quảng cáo đã có thiếu sót khi không quy định cách thức để xác định một chương trình truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Theo đó, có ít nhất ba vấn đề sau đây chưa được Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan làm rõ: (i) Những sự kiện nào được xem là những sự kiện chính trị đặc biệt; (ii) Những ngày lễ nào được xem ngày lễ lớn của dân tộc; (iii) Như thế nào để được xác định là chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc (chủ thể tổ chức lễ kỷ niệm; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc lễ kỷ niệm...). Về vấn đề (i) và vấn đề (iii) hiện tại hầu như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định. Riêng vấn đề (ii) hiện có một quy định của Bộ luật Lao động 2019 có thể xem là có liên quan. Cụ thể, khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: Tết Dương lịch; Tết Âm lịch; Ngày Chiến thắng; Ngày Quốc tế lao động; Ngày Quốc khánh; Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Trên thực tế những ngày lễ được xác định bởi Bộ luật Lao động có thể được xem là các ngày lễ lớn của dân tộc52 và có thể tham khảo để bổ sung cho điểm b khoản 3 Điều 22 Luật Quảng cáo dù bản thân Luật Quảng cáo không dẫn chiếu đến Bộ luật Lao động. Thứ hai, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP - sau đây gọi tắt là Nghị định số 38/2021/NĐ-CP) không có quy 51 Đây là bản tin cung cấp các thông tin thể thao sau bản tin cung cấp thông tin dự báo thời tiết trong chương trình thời sự tối 19 giờ phát trên kênh VTV1 và VTV3. 52 Lưu ý là Luật Quảng cáo dùng từ ngày lễ, còn Bộ luật Lao động 2019 lại dùng từ lễ, tết. Như vậy, theo Bộ luật Lao động thì lễ và tết là khác nhau. Trong khi đó, bản thân Luật Quảng cáo lại không định nghĩa ngày lễ. Do đó, chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định Tết Dương lịch và Tết Âm lịch thuộc vào những ngày lễ được nhắc đến tại điểm b khoản 3 Điều 22 Luật Quảng cáo. 681
- định nào khác ngoài quy định của Luật Quảng cáo về thời điểm quảng cáo trên truyền hình (Chính phủ, 2021). Đây là vấn đề khá đáng tiếc khi trước đây tại điểm b khoản 2 Điều 58 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã gián tiếp quy định không được quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự trên đài truyền hình trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày (Chính phủ, 2013). Quy định này rõ ràng là hợp lý, vì giúp tránh những tác động tiêu cực đến người xem truyền hình. Từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày là khoảng thời gian các thành viên gia đình thường quây quần để dùng cơm tối. Nếu trong lúc các thành viên gia đình đang ăn cơm kết hợp với xem truyền hình, nhưng truyền hình lại phát các quảng cáo về băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ, thuốc trị tiêu chảy và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự có thể dẫn đến cảm giác khó chịu cho người xem, ảnh hưởng tiêu cực đến bữa ăn. Rất khó để giữ được cảm giác “ăn ngon miệng” khi mà một người vừa dùng cơm lại vừa xem quảng cáo về thuốc trị tiêu chảy được phát trên truyền hình kèm với những hình ảnh, hành động, lời nói minh họa mang tính “hình tượng” cao... Xuất phát từ một số vấn đề bất cập từ thực tiễn thực thi các quy định về thời điểm quảng cáo trên truyền hình đã nêu, dưới đây đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về thời điểm quảng cáo trên truyền hình. Cụ thể: Thứ nhất, trong thời gian tới cần thiết bổ sung vào Luật Quảng cáo quy định về giải thích cụm từ “chương trình thời sự”. Về khái niệm “chương trình” có thể tham khảo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Báo chí 2016. Theo đó, chương trình truyền hình được hiểu là tập hợp các tin, bài trên báo hình theo một chủ đề trong thời lượng nhất định, có dấu hiệu nhận biết mở đầu và kết thúc. Về khái niệm thời sự, theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt là “tổng thể nói chung những sự việc ít nhiều quan trọng trong một lĩnh vực nào đó, thường là xã hội - chính trị, xảy ra trong một thời gian gần nhất và đang được nhiều người quan tâm” (Viện Ngôn ngữ học, 2006). Như vậy, có thể hiểu chương trình thời sự (trên truyền hình) là tập hợp các tin, bài trên báo hình đưa tin theo một chủ đề, lĩnh vực nào đó xảy ra trong một thời gian gần nhất, được nhiều người quan tâm trong thời lượng nhất định, có dấu hiệu nhận biết mở đầu và kết thúc. Thứ hai, Luật Quảng cáo quy định không được phát quảng cáo trong các chương trình truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Nhưng như đã đề cập, Luật không quy định cách thức để xác định như thế nào là một chương trình truyền hình trực tiếp các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Việc không có quy định làm rõ vấn đề nêu trên dẫn đến không có căn cứ rõ ràng và chính xác để xử lý các hành vi vi phạm (nếu có). Vì vậy, thiết nghĩ trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành văn bản hướng dẫn cách thức xác định các chương trình truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 22 Luật Quảng cáo. Theo đó, các quy định mới cần giải quyết được ít nhất ba vấn đề sau: (i) Liệt kê hoặc xây dựng tiêu chí để xác định chính xác những sự kiện kiện được xem là sự kiện chính trị đặc biệt của dân tộc; (ii) Liệt kê hoặc xây dựng tiêu chí để xác định chính xác những ngày lễ lớn của dân tộc; (iii) Quy định rõ cách thức, tiêu chí để xác định chính xác một chương trình truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. 682
- Thứ ba, Luật Quảng cáo không quy định, nhưng điểm b khoản 2 Điều 58 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP lại quy định xử phạt (gián tiếp quy định cấm) đối với hành vi quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự trên truyền hình trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Điều này là hợp lý, nhưng lại tỏ ra không phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo. Vì tại khoản 3 Điều 22 và tất cả các điều luật khác của Luật Quảng cáo đều không có quy định cấm hành vi nêu trên. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Quốc hội, 2013). Do đó, việc Luật Quảng cáo không cấm, nhưng Nghị định số 158/2013/NĐ-CP lại có quy định “cấm” là chưa hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013. Đây có thể là lý do chính lý giải vì sao Nghị định số 38/2021/NĐ-CP khi thay thế Nghị định số 158/2013/NĐ-CP đã loại bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 58 đã nêu ở trên. Tuy không hợp pháp, nhưng quy định này như đã phân tích có sự hợp lý nhất định. Vì vậy, Luật Quảng cáo cần bổ sung thêm quy định cấm quảng cáo một số loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vào một số khung giờ nhất định trong ngày và giao cho Chính phủ quy định những loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào không được phép quảng cáo vào các khung giờ nào trong ngày để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi của người xem truyền hình. Sau khi quy định nêu trên được bổ sung vào Luật Quảng cáo, Chính phủ hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có văn bản hướng dẫn cách thức xác định các loại sản phẩm hàng hóa tương tự băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ để có cơ sở xác định các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Chẳng hạn, có thể quy định về khả năng tác động “tiêu cực” của việc quảng cáo các sản phẩm hàng hóa đến tâm trạng, cảm xúc hoặc suy nghĩ của người xem truyền hình khi họ đang dùng bữa tối như là một tiêu chí để xác định các sản phẩm hàng hóa tương tự các sản phẩm được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một vấn đề phức tạp, nếu không được quy định rõ ràng và hợp lý có thể sẽ dẫn đến tình trạng “lạm dụng” quy định để cản trở một cách “không hợp lý” việc quảng cáo một số sản phẩm hàng hóa trong khung giờ “vàng” trên truyền hình. Do đó, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xây dựng các tiêu chí cụ thể để xác định các sản phầm hàng hóa tương tự. 3.2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận quy định về thời lượng quảng cáo trên truyền hình Khoản 10 Điều 2 Luật Quảng cáo quy định thời lượng quảng cáo là thời gian phát sóng các sản phẩm quảng cáo trong một kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; thời gian quảng cáo trong tổng thời gian của một chương trình văn hoá, thể thao; thời gian quảng cáo trong một bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác. Quy định thời lượng quảng cáo trên truyền hình là việc làm cần thiết, góp phần kiểm soát hành vi của người phát hành quảng cáo và các chủ thể khác có liên quan, bảo vệ quyền lợi của người xem truyền hình, đặc biệt là người sử dụng dịch vụ của các kênh truyền hình trả tiền, hạn chế việc thương mại hóa các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo sự cân đối giữa chương trình quảng cáo và các chương trình khác, tránh trường hợp vì lợi nhuận các đài truyền hình dành phần lớn thời gian để phát quảng cáo trong khi không quan tâm đến việc cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và các hoạt động của người dân: 683
- Thứ nhất, Luật Quảng cáo tại Điều 22 khoản 1 quy định thời lượng quảng cáo không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo. Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo. Quy định nêu trên là hợp lý vì thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền ít hơn so với kênh truyền hình thông thường sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người xem, vì họ đã phải trả một khoản phí mới được sử dụng các kênh truyền hình này. Trong khi các kênh truyền hình thông thường người xem không phải trả tiền, do đó họ cần có thời lượng quảng cáo dài hơn nhằm bù đắp chi phí cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, việc Luật Quảng cáo chỉ quy định chung về tổng thời lượng phát sóng trong một ngày đã dẫn đến thực trạng trong những khung giờ “vàng” trên các kênh truyền hình có số lượng người xem lớn như VTV1, VTV3 quảng cáo được phát dồn dập, đôi lúc trong một tiếng đồng hồ mà thời lượng quảng cáo đã chiếm tới quá nửa, gây khó chịu cho người xem truyền hình. Chẳng hạn, quảng cáo trước, trong và sau các chương trình truyền hình trực tiếp các trận đấu bóng đá của U23 Việt Nam trong Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018 trước đây trên VTV6; hoặc quảng cáo trước, trong các chương trình phim truyện thu hút nhiều người xem trước đây, như phim “Sống chung với mẹ chồng”, phim “Người phán xử”, phim “Tuổi thanh xuân phần 2”... Thứ hai, Luật Quảng cáo tại Điều 22 khoản 4 quy định mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút. Đây là một quy định hợp lý, vì chương trình phim truyện và các chương trình vui chơi giải trí thường có lượng người xem lớn. Do đó, nhu cầu quảng cáo trong các chương trình này thường rất cao. Đứng trước thực trạng đó, các đài truyền hình có thể cho phát quá nhiều lần quảng cáo hoặc phát quảng cáo trong một thời lượng quá dài. Nếu điều này xảy ra có thể khiến cho các chương trình phim truyện hoặc vui chơi giải trí trở nên rời rạc, đồng thời gây cảm giác khó chịu cho người xem. Để hạn chế tình trạng nêu trên, Luật Quảng cáo đã giới hạn số lần ngắt và thời gian ngắt để quảng cáo trong chương trình phim truyện và chương trình vui chơi giải trí. Qua theo dõi cho thấy đa số các kênh truyền hình đã tuân thủ quy định nêu trên của Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số trường hợp vi phạm. Chẳng hạn, vào ngày 29/6/2017 (Nguyên, 2017) từ 20 giờ 45 đến 21 giờ 35 phút kênh VTV1 phát sóng chương trình phim truyện “Sống chung với mẹ chồng” tập 33. Trong suốt chương trình bộ phim này đã bị ngắt ba lần để quảng cáo với tổng thời lượng quảng cáo lên tới 12 phút 33 giây. Điều tương tự cũng xảy ra đối với tập 34 của bộ phim này với tổng thời lượng quảng cáo cũng lên đến 12 phút 54 giây (mỗi tập phim của bộ phim này thường chỉ dài khoảng 37 phút). Đối với bộ phim “Người phán xử” thì thời lượng quảng cáo phát trong bộ phim này cũng tương tự với bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”. Chẳng hạn, trong tập 39 của phim phát từ 21 giờ 30 phút đến 22 giờ 20 phút trên kênh VTV3 vào ngày 03/8/2017 (Doanh, 2017) thời lượng quảng cáo là 11 phút 07 giây... Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là tuy Luật Quảng cáo quy định chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút, nhưng bản thân Luật Quảng cáo lại không định nghĩa hoặc quy định cách thức xác định như thế nào là một chương trình phim truyện. Vì Luật không quy định cách thức xác định một chương trinh phim truyện nên 684
- không có căn cứ chính xác để xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc để tính đó là một chương trình phim truyện, quy định không ngắt quá 2 lần tính từ thời điểm nào? Là thời điểm từ khi phát nhạc hiệu phim hay từ thời điểm giới thiệu tên phim, giới thiệu diễn viên trong phim... hay là thời điểm bắt đầu trình chiếu nội dung phim. Do Luật không quy định, nên rất khó để có thể xác định các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Quảng cáo. Tương tự như vậy, Luật Quảng cáo cũng không định nghĩa hoặc quy định cách thức xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của chương trình vui chơi giải trí. Do đó, cũng không có cở sở pháp lý vững chắc để xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Luật Quảng cáo (nếu có). Thứ ba, Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về thời lượng quảng cáo giữa hai chương trình truyền hình riêng biệt nhưng liền kề nhau. Thực tế hiện nay cho thấy, có nhiều quảng cáo giữa các chương trình với thời lượng rất lớn. Điều này thấy rất rõ nếu chương trình truyền hình sắp được phát sóng là chương trình hấp dẫn, có lượng người theo dõi lớn thì trước khi phát chương trình này, thời lượng quảng cáo thường rất dài. Điều này buộc khán giả chờ đợi rất lâu để được xem chương trình yêu thích của họ. Khi pháp luật không quy định về thời lượng quảng cáo giữa hai chương trình truyền hình đang tạo “cơ hội” cho đài truyền hình chèn rất nhiều quảng cáo vào trước hoặc sau các chương trình truyền hình trong khung giờ “vàng” hoặc các chương trình hấp dẫn, được nhiều người theo dõi. Theo dõi các chương trình phim truyện nổi tiếng (chẳng hạn Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử...), chương trình giải trí (chẳng hạn các gameshow thực tế như Gọng hát Việt, The Face, Thách thức danh hài, Gọng ải gọng ai, Bạn muốn hẹn hò...) hoặc các trận đấu bóng đá của Đội tuyển U23 Việt Nam trong Giải vô địch U23 châu Á 2018 trước đây cho thấy thời lượng quảng cáo trước các chương trình này (tức là từ khi kết thúc chương trình liền trước đó) thường rất dài. Ví dụ, vào ngày 29/6/2017 trênh kênh VTV1 trước khi phát sóng tập 33 bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” lúc 20 giờ 45 phút thì VTV1 đã cho phát quảng cáo hơn 5 phút sau khi chương trình “Nói không với thực thẩm bẩn” kết thúc, trong khi bản thân chương trình vừa nêu chỉ dài có 5 phút. Hay như vào ngày 27/01/2018 trên kênh VTV6 trước khi truyền hình trực tiếp trận chung kết của vòng chung kết giải bóng đá vô địch U23 Châu Á 2018 lúc 14 giờ 30 phút thì VTV6 đã cho phát gần 7 phút quảng cáo sau khi kết thúc chương trình “Khám phá Việt Nam: Vàng Pheo, vùng đất say lòng người”. Thứ tư, “Luật Quảng cáo tại Điều 22 khoản 5 cho phép quảng cáo trên truyền hình bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thể hiện sát phía dưới màn hình”. Luật Quảng cáo cho phép không tính thời lượng quảng cáo cho loại hình quảng cáo này. Do đó, trên thực tế rất nhiều kênh truyền hình, đặc biệt là các kênh truyền hình trả tiền thường xuyên cho chạy chữ quảng cáo trong các chương trình được phát sóng. Khi tần suất xuất hiện của loại hình quảng cáo này quá nhiều, hoặc khi chúng xuất hiện quá thường xuyên sẽ làm giảm chất lượng của các chương trình truyền hình và gây khó chịu cho người xem truyền hình. Vì vậy, việc Luật Quảng cáo quy định như trên là chưa thật sự hợp lý vì không tính đến quyền lợi của người xem truyền hình, đặc biệt đối với những người phải trả phí cho việc sử dụng dịch vụ của các kênh truyền hình trả tiền. Chẳng hạn, trong những buổi diễn ra các trận đấu bóng đá của đổi tuyển U23 Việt Nam và lễ đón đội tuyển U23 Việt Nam vào ngày 28/01/2018 được truyền hình trực tiếp trên VTV6 trước đây trên màn hình tivi thường xuyên chạy dòng chữ “Sâm Alipas Platinum - Tăng cường sinh lực phái mạnh” gây cảm giác khó chịu cho người xem truyền hình. 685
- Xuất phát từ một số vấn đề bất cập từ thực tiễn thực thi các quy định về thời lượng quảng cáo trên truyền hình đã nêu, dưới đây đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện quy định về thời lượng quảng cáo trên truyền hình: Thứ nhất, Luật Quảng cáo cần bổ sung thêm quy định giới hạn tối đa cho thời lượng quảng cáo trong khung giờ “vàng” để tránh trường hợp nhiều kênh truyền hình phát quảng cáo rất nhiều vào các khung giờ này. Vì nhiều lý do khác nhau, trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày số lượng người xem truyền hình thường lớn hơn rất nhiều so với các khung giờ khác. Do đó, việc quy định thời lượng quảng cáo tối đa trong các khung giờ này là rất cần thiết, góp phần bảo vệ quyền lợi của người xem truyền hình, đặc biệt là người sử dụng dịch vụ của các kênh truyền hình trả tiền. Ví dụ, có thể quy định thời lượng quảng cáo tối đa trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày không được quá 25%53 tổng thời gian phát sóng trong khoảng thời gian đó. Cụ thể, có thể bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 22 Luật Quảng cáo như sau: “Thời lượng quảng cáo tối đa trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày trên báo hình không được vượt quá 15% tổng thời lượng phát sóng trong khoảng thời gian đó”. Thứ hai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành văn bản hướng dẫn cách thức xác định chương trình phim truyện và chương trình vui chơi giải trí. Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi của người xem truyền hình cần quy định một chương trình phim truyện được tính là một khoảng thời gian liên tục (trừ các thời điểm ngắt để quảng cáo theo quy định) tính từ thời điểm giới thiệu tên phim cho đến thời điểm kết thúc mà liền sau đó là một chương trình khác hoặc kết thúc thời gian phát sóng trong ngày (nếu có) của kênh truyền hình. Đối với một chương trình giải trí được tính là một khoảng thời gian liên tục (trừ các thời điểm ngắt để quảng cáo theo quy định) tính từ thời điểm giới thiệu tên chương trình cho đến thời điểm kết thúc mà liền sau đó là một chương trình khác hoặc kết thúc thời gian phát sóng trong ngày (nếu có) của kênh truyền hình. Thứ ba, Luật Quảng cáo cần bổ sung thêm quy định về thời lượng quảng cáo giữa hai chương trình truyền hình. Trước hết để làm được việc này Luật nên có quy định giải thích về khái niệm “chương trình truyền hình”. Khái niệm này như đã đề cập có thể tham khảo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Báo chí 2016. Theo đó, chương trình truyền hình có thể hiểu là tập hợp các tin, bài... theo một chủ đề trong thời lượng nhất định, có dấu hiệu nhận biết mở đầu và kết thúc. Thời lượng quảng cáo giữa hai chương trình truyền hình kế tiếp nhau, chẳng hạn có thể được quy định là không quá 5 phút54. Nếu vấn đề này được quy định thì cần bổ sung vào Điều 40 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định nêu trên. Thứ tư cần nghiên cứu để sửa đổi quy định của Luật Quảng cáo về quảng cáo chạy chữ. Hiện tại, khoản 5 Điều 22 Luật Quảng cáo quy định khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình. Quy định này cần được sửa đổi theo một trong hai hoặc cả hai hướng sau: (i) Giới hạn về thời lượng phát quảng cáo bằng 53 Đây chỉ là con số chủ quan do người viết nêu ra làm ví dụ minh họa thay vì là một đề xuất cụ thể. 54 5 phút là con số mang tính chủ quan do người viết nêu ra nhằm làm ví dụ minh họa. Do đó, 5 phút không phải là đề xuất cụ thể dựa trên các căn cứ khoa học đã được chứng minh. Tuy nhiên, sẽ là hợp lý khi giới hạn một thời lượng đối đa (không quá dài, người xem có thể chấp nhận chờ đợi mà không hoặc có rất ít cảm giác khó chịu, bực bội trong điều kiện bình thường) được phép quảng cáo giữa hai chương trình phát sóng liền nhau. 686
- hình thức chạy chữ trong ngày hoặc trong từng chương trình hoặc trong từng khoảng thời gian cụ thể trong ngày; (ii) Quy định về những thời điểm không được phép quảng cáo bằng bằng hình thức chạy chữ ngoài quy định được nêu tại khoản 3 Điều 22 Luật Quảng cáo. 4. KẾT LUẬN Các quy định của pháp luật về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình là các quy định cần thiết trong việc điều chỉnh hành vi của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo và một số chủ thể khác có liên quan, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người xem truyền hình. Tuy nhiên, từ thực tiễn thực thi các quy định về thời điểm và thời lượng quảng cáo trên truyền hình cho thấy một số quy định của pháp luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập: Thứ nhất, Luật Quảng cáo quy định không được phát quảng cáo trong chương trình thời sự, chương trình truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Tuy nhiên, Luật lại không định nghĩa hoặc quy định tiêu để chí xác các chương trình trên. Do đó, hầu như rất khó khăn để có thể phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định nêu trên. Thứ hai, Luật Quảng cáo không quy định thời lượng quảng cáo tối đa cho các khung giờ “vàng” đã dẫn đến tình trạng phát quảng cáo quá nhiều trong một số khung giờ có lượng người xem lớn. Luật Quảng cáo không quy định tiêu chí để xác định như thế nào là một chương trình phim truyện, chương trình vui chơi giải trí. Do đó, cũng không có cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, Luật Quảng cáo quy định không giới hạn thời lượng quảng cáo đối với hình thức chạy chữ ở góc dưới màn hình, cũng như Luật không giới hạn thời lượng quảng cáo tối đa giữa hai chương trình truyền hình liền nhau, dẫn đến tình trạng lạm dụng từ một số đài truyền hình. Vì vậy, trong thời gian tới cần thiết có những sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định nêu trên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ. (2013). Nghị định số 158/2013/NĐ-CP. Hà Nội: Công báo Chính phủ. 2. Chính phủ. (2021). Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Hà Nội: Công báo Chính phủ. 3. Đài Truyền hình Việt Nam. (2023). Retrieved from http://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv3.htm 4. Doanh, T. (2017). Người Phán xử Tập 39 - Lê Thành là con của Thế Chột. Retrieved from https://www.youtube.com/watch?v=IXlySgZI5S4&t=250s 5. Hiệp và nnk. (2022). Từng bước nhập môn nghiên cứu khoa học xã hội. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. 6. Nguyên, K. (2017). Sống chung với mẹ chồng Tập 33. Retrieved from https://www.youtube.com/watch? v=3KuDinV7nlI&t=80s 7. Quốc hội. (2012). Luật số: 16/2012/QH13. Hà Nội: Công báo Chính phủ. 8. Quốc hội. (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hà Nội: Công báo Chính phủ. 9. Thủ tướng Chính phủ. (2017). Chỉ thị số 17/CT-TTg. Hà Nội: Công báo Chính phủ. 10. Viện Ngôn ngữ học. (2006). Từ điển Tiếng Việt. Đà Nẵng. 687
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài 2: Pháp luật về doanh nghiệp
24 p | 793 | 387
-
Chuẩn bị đàm phán
12 p | 306 | 89
-
CHƯƠNG V: CHẾ ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÁ SẢN
23 p | 307 | 85
-
Thực trạng pháp luật Việt Nam về thời điểm hợp đồng thương mại điện tử có hiệu lực và giải pháp hoàn thiện
16 p | 30 | 13
-
Hoạch định chiến lược kinh doanh điện của Công ty điện lực Hậu Giang đến năm 2020
8 p | 73 | 9
-
Hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử ở Việt Nam
9 p | 13 | 8
-
Bàn về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh và vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
6 p | 52 | 6
-
Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi ở các nước phát triển và gợi ý cho Việt Nam
6 p | 62 | 3
-
Đề cương chi tiết môn học Nhập môn quản lý dự án
5 p | 100 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn