intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát huy nét đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer trong việc xây dựng đời sống văn hóa

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Phát huy nét đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer trong việc xây dựng đời sống văn hóa trình bày các nội dung: Vài nét về Phật giáo Nam tông Khmer; Phát huy những nét đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát huy nét đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer trong việc xây dựng đời sống văn hóa

  1. PHÁT HUY NÉT ĐẸP CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG VIỆC XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA ThS. HỒ THỊ CẨM LINH1* Tóm tắt: Giáo lý đạo Phật đã hòa nhập vào cuộc sống của người Khmer, lâu dần trở thành một thứ đạo lý, ý thức xã hội gắn liền với cuộc sống của mọi thành viên trong cộng đồng. Nét đẹp của Phật giáo như ánh sáng soi chiếu, có sức hiệu chỉnh những hành vi trong cuộc sống, tạo lập nên những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer. Từ khóa: Phật giáo Nam tông, đời sống văn hóa của người Khmer. Đặt vấn đề Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm. Trải qua gần 2000 năm tồn tại và phát triển trong cộng đồng người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo Nam tông đã trở thành thành tố quan trọng nhất tạo nên đặc trưng văn hóa, và có tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội của đồng bào Khmer. Theo đó, Phật giáo Nam tông Khmer không chỉ tác động đến người nam mà còn tác động đến cả phái nữ trong xã hội thông qua nếp sống của những người đàn ông trong gia đình (là những người ông, người cha, người chồng) và thông qua các lễ hội, các buổi nhà sư thuyết giảng giáo lý và nghi thức truyền thống mang đậm nét Phật giáo của dân tộc Khmer. Ngày nay, đất nước hòa bình thịnh trị, Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững. Trong ngôi nhà chung ấy, Phật giáo Nam tông Khmer đã phát huy truyền thống tốt đẹp trên quê hương đồng bằng sông Cửu Long với bản sắc riêng luôn được tôn trọng. Người Khmer là tộc người có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm, đã sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất này. Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long tập hợp nhau lại thành những tập thể láng giềng nhỏ, mỗi tập thể định * Học viện Chính trị khu vực IV.
  2. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 993 cư trên một địa điểm bám sát đất trồng trọt gọi là “phum”, đơn vị cao hơn phum và bao gồm nhiều phum gọi là “srok” (Việt hóa là sóc). Dù sống xen kẽ với các tộc người khác, dù có quan hệ qua lại với người Kinh, người Hoa trong nhiều thế kỷ nhưng trong khuôn khổ những phum sóc, từng người Khmer đã sinh ra, lớn lên, làm ăn, hoạt động trong khung văn hóa của tộc người mình và thấm nhuần tinh thần Phật giáo. Trải qua biến thiên của lịch sử, Phật giáo Nam tông đã trở thành đặc trưng văn hóa truyền thống với nền tảng giáo lý vững chắc, với những luân lý đạo đức Phật giáo luôn hướng con người đến những giá trị cao cả: “chân - thiện - mỹ”. Những bài học về “vô thường”, “vô ngã, vị tha”, “từ bi hỷ xả”, “an lạc”, “niết bàn”… đã thấm nhuần trong tâm thức mỗi người dân Khmer Đồng bằng sông Cửu Long. Chính sự ngưỡng vọng này đã làm cho Phật giáo càng gần gũi và có mối quan hệ khăng khít với đời sống cộng đồng. Phương pháp nghiên cứu Tác giả sử dụng 3 phương pháp chủ đạo sau: - Phương pháp phân tích tài liệu: Qua phân tích tài liệu, tác giả sẽ có nội dung phong phú và đầy đủ để có thể so sánh các nguồn thông tin từ các quan điểm, các cách nhìn khác nhau để lựa chọn những thông tin chân thực, khách quan làm nổi bật vấn đề nghiên cứu. - Phương pháp quan sát: Phương pháp này góp phần hỗ trợ và làm sáng tỏ thêm những thông tin đã tổng hợp được đồng thời là cơ sở để đưa ra những nhận định liên quan đến vấn đề phát huy nét đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer trong việc xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. 1. Vài nét về Phật giáo Nam tông Khmer Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, Phật giáo vốn là một thể thống nhất, không có sự phân chia hệ phái. Đến khi Phật Thích Ca nhập niết bàn, các đệ tử Phật tập trung nhau lại đọc tụng, ghi nhớ những điều Phật dạy, khi đó mới xuất hiện những quan điểm, hệ tư tưởng khác biệt về việc thực hành giới luật. Bắt đầu vào lần kết tập kinh điển thứ 2 được tổ chức tại thành Tỳ Xá Ly sau khi Phật nhập diệt hơn 100 năm để luận giải kinh điển, thực hành giới luật và tranh luận về 10 điều luật mới do một bộ phận tỳ kheo trẻ đưa ra. Các vị tỳ kheo lớn tuổi không chấp nhận 10 điều luật mới này, chủ trương giữ nguyên điều Đức Phật dạy, tôn trọng lối truyền thừa. Các vị tỳ kheo trẻ không chịu, vì cho rằng có một số vấn đề đặt trong sự phát triển của xã hội không còn phù hợp nữa, nên thấy cần thiết phải sửa đổi một số điểm khi ghi vào kinh sách nên chủ trương hành đạo theo tinh
  3. 994 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... thần “Khế lý - khế cơ”, phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh từng thời kỳ, từng vùng, miền của chúng sinh. Các vị sư có quan điểm khác nhau sau nhiều ngày tranh luận đã không tìm được tiếng nói chung, không thống nhất được quan điểm nên cuối cùng đã hình thành 2 phái: Những vị sư chủ trương giữ nguyên giới luật chiếm số ít và là những vị cao tuổi, ngồi bên trên để chủ trì Pháp hội nên được gọi là phái Thượng tọa bộ. Những vị sư trẻ chiếm số đông nên gọi là phái Đại chúng bộ. Sau đó phái Đại chúng bộ truyền lên phía Bắc sang Trung Quốc… được gọi là Phật giáo Bắc tông hay Bắc truyền. Phái Thượng tọa bộ truyền về hướng Nam, phát triển xuống Srilanca, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào… nên được gọi là Phật giáo Nam tông hay Nam truyền. Phật giáo hệ Nam tông nghiêm trì giữ theo giới luật nguyên thủy và đọc tụng chủ yếu 5 bộ kinh khởi đầu, do đó Phật giáo Nam tông cũng được gọi là Phật giáo nguyên thủy. Phật giáo Nam tông được truyền vào Việt Nam theo con đường của các nhà truyền giáo từ Ấn Độ đi theo đường biển tới Srilanca, Mianma, Thái Lan tới vùng sông Mê Kông (Campuchia) và vào vùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (phía Nam) của Việt Nam, được đông đảo người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer đón nhận, trở thành tôn giáo của người Khmer, do đó gọi là Phật giáo Nam tông Khmer. Ngoài ra còn có Phật giáo Nam tông của người Kinh. 2. Phát huy những nét đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, trong quá trình cộng cư lâu dài của lịch sử, các dân tộc, tôn giáo khác nhau đều góp sức hình thành một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc vừa có sự thống nhất, vừa mang tính đa dạng. Với người Khmer, mặc dù chịu ảnh hưởng văn hóa của các tộc người khác nhưng trong hành trang văn hóa của mình nhiều giá trị văn hóa mang bản sắc riêng vẫn được bảo lưu, gìn giữ và phát huy tác dụng. Cái làm nên “bản sắc riêng” rất đặc trưng của văn hóa truyền thống dân tộc Khmer một phần nhờ Phật giáo Nam tông. Các giá trị cốt lõi của Phật giáo đã hòa quyện và trở thành linh hồn của nền văn hóa này. Một trong những nét đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer là ngôi chùa. Người Khmer từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, rồi về già và cho đến lúc chết, mọi buồn vui của cuộc đời đều gắn bó với chùa. Đây không chỉ là nơi tổ chức những
  4. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 995 ngày lễ hội Phật giáo thuần túy mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, xã hội của đồng bào Khmer. Chùa không những là nơi tôn nghiêm, ngưỡng vọng đạo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni truyền dạy cho phật tử, dạy chữ Sanskrit, chữ Pà li, dạy kinh Phật cho các tăng sinh, dạy chữ Khmer cho học trò; mà khuôn viên chùa còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa theo phong tục tập quán cổ truyền, nơi tổ chức các ngày lễ hội lớn. Như lễ hội tết mừng năm mới, lễ hội Đôl Ta - cúng tổ tiên ông bà, xá tội vong nhân, lễ hội Ok Om Book - Đua ghe Ngo, Cúng trăng mừng lúa mới… Đối với người Khmer, chùa không chỉ là chốn bình yên, là cửa Phật mà chùa còn là một biểu tượng văn hóa bền vững nhất. Vì vậy, muốn xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tại các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống thì việc quan tâm đến những ngôi chùa Khmer là một việc nên làm. Bên cạnh tạo cảnh quang, không gian sinh hoạt văn hóa đậm nét truyền thống thì thiết nghĩ các cấp lãnh đạo nên hỗ trợ cho chùa trong việc trang bị thêm những thiết chế văn hóa như phòng truyền thống, phòng thông tin… với những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Nét đẹp thứ hai trong Phật giáo Nam tông Khmer là việc tu hành của các tín đồ. Người Khmer không coi việc tu hành là bổn phận hay nhiệm vụ bắt buộc mà là một điều vinh dự, vinh dự được vào ngôi nhà của Phật để nhận được những hạt giống lành và những phúc duyên thật tốt để sau đó trở lại thế tục trở thành một con người đầy đủ các điều kiện về nhân cách, phẩm chất, khả năng,… có người thì tiếp tục tu niệm để tìm sự siêu thoát. Theo truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer, phần lớn thanh niên đều xuất gia trong thời gian dài hay ngắn tùy theo sự phát nguyện của mỗi người và hết thời hạn phát tâm tu thì hoàn tục. Mỗi người con trai Khmer, bất kể tầng lớp xã hội nào đều có thể đi tu. Họ tu để trả hiếu cho cha và đó còn là trách nhiệm và vinh dự của cuộc đời mỗi người con trai Khmer. Tuy nhiên, dù vô chùa tu hay ở tại gia thì người Khmer đều là con của Phật. Rõ ràng, người Khmer đi tu không phải thành Phật, mà tu để làm người, làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt theo quan niệm của họ. Việc xuất tu là một điều dễ dàng, bất cứ người thanh niên nào sau một thời gian xuất gia ở chùa cũng đều có thể hoàn tục để lập gia đình, người này sẽ được họ hàng thân tộc và bà con trong phum sóc mừng rỡ đón về gia đình như đón tiếp những đứa con “đỗ đạt” trở về. Đây có lẽ là những định chế tu hành rất cởi mở nhưng mặt khác lại thắt chặt hơn mối quan hệ giữa đạo - đời, giữa nhà chùa - phum sóc. Về việc tu hành thì nam phụ lão ấu đều được khuyến khích tu niệm làm lành lánh dữ, nhưng chỉ có nam giới mới được xuất gia làm sư ở chùa, còn phụ nữ thì
  5. 996 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... không được xuất gia làm ni cô như các phái của Phật giáo Bắc tông mà chỉ được các sư dạy bảo tu tâm tại gia. Trừ người xuất gia, số người còn lại không kể nam, nữ đều phải đi chùa tụng kinh nghe Phật pháp tại nhà giảng, ít nhất là sáu lần trong tháng vào các ngày 5, 8, 15, 20, 23 và 30 âm lịch. Nội dung bài giảng chủ yếu là nói về ý nghĩa việc bố thí, làm phước, giúp đỡ mọi người và cúng dường Tam bảo. Đa số người Khmer đều có lòng tin về việc bố thí để làm phước, trong những hình thức làm phước lớn nhất là cúng dường thức ăn cho sư sãi và dâng tiền của để xây dựng, tu sửa chùa hoặc làm các công việc phúc lợi xã hội của Phật giáo. Bởi họ có lòng tin làm phước được ban phước cho nên trong những xóm nghèo của người Khmer vẫn có những ngôi chùa nguy nga lộng lẫy. Do được tiếp nhận những triết lý Phật giáo từ nhỏ nên người Khmer thường “lành tính”, mỗi người đều có ý thức tu thân, và điều này cần thiết trong việc hình thành đạo đức, nhân cách của con người trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Nét đẹp thứ ba của Phật giáo Nam tông thể hiện thông qua những sư tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Phật giáo Nam tông Khmer có khoảng 10 ngàn vị sư, chiếm khoảng 25% trong tổng số người tu hành theo Phật giáo ở Việt Nam. Đối với tín đồ là cộng đồng người dân tộc Khmer, sư là hiện thân, hiện tiền của Phật. Trong tâm thức của đồng bào dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, sư tăng luôn được tôn trọng tuyệt đối. Cũng chính vì thế, vai trò của vị sư trong cộng đồng rất cao. Họ không chỉ là người thực hiện sứ mệnh hóa đạo, mà còn là người định hướng, tổ chức, hướng dẫn những hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục... cho tín đồ, phật tử. Trong chừng mực nào đó, họ còn là những tác nhân quan trọng làm nên tính đặc trưng trong văn hóa cộng đồng. Trong Phật giáo Nam tông Khmer, mọi tu sĩ phải luôn đề cao chức năng giáo dục, trong đó việc giáo dục cho tín đồ, phật tử, con em trong cộng đồng được coi là một nội dung quan trọng mà sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer phải có trách vụ cao cả thực hiện. Vì thế, người tu hành trong Phật giáo Nam tông Khmer là người thầy thực sự. Trong các trường chùa, các lớp bổ túc Pà li, nội dung được đưa vào giảng dạy là chữ Pà li, giáo lý, văn hóa, nghề thủ công và cả đạo đức nhân cách cho cộng đồng tín đồ. Các lớp học trong chùa này do chính các sư đảm trách, họ được gọi là các sãi giáo. Bằng kiến thức và sự hiểu biết của mình, các sãi giáo sẽ trực tiếp dạy cho con em trong cộng đồng các nội dung nói trên, phân theo từng cấp học. Qua các trường, lớp chùa do các sãi giáo đảm trách, hầu hết các thành viên trong cộng đồng đều được đào tạo về các tri thức văn hóa, nghề thủ công ở một trình độ nhất định. Từ đó tạo dựng cho họ những hành trang ban đầu, căn bản nhất trước khi bước vào cuộc sống ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, các vị sư dạy học được cộng đồng
  6. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 997 kính trọng, cho nên tiếng nói, ý kiến của sư tăng về những công việc chung luôn có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi thành viên trong phum, sóc. Không chỉ mang nghĩa hẹp là dạy trong trường chùa, các vị sư Khmer còn góp phần quan trọng vào việc duy trì, phát triển các giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp qua việc lấy chính đạo hạnh và đức độ của mình trong cuộc sống làm gương cho xã hội, mà trước hết là trong cộng đồng người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Chú trọng việc đào tạo các vị sư tăng giỏi trên nhiều phương diện sẽ tạo nên bước chuyển lớn trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 3. Kết luận Trải qua hàng ngàn năm bén rễ và phát triển tại cộng đồng dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo Nam tông với những quan điểm về nhân sinh quan, thế giới quan đã trở thành nguồn gốc tư tưởng, tác động vào việc hình thành nên đặc trưng văn hóa của cộng đồng. Những bài học về nhân quả báo ứng, về vô ngã vị tha, về yêu thương muôn loài, về nuôi nấng và phát khởi tâm thiện lành, về giữ gìn trai giới và báo hiếu,... đã trở thành phương châm sống của đồng bào nơi đây. Cuộc sống dù còn khó khăn, vất vả về vật chất, nhưng con người vẫn đối xử với nhau hết lòng bằng sự chân thành, thuần phác. Những tệ nạn xã hội, đặc biệt là những xung đột gia đình, dòng tộc hầu như hiếm khi gặp thấy trong đồng bào người Khmer. Những giá trị nhân bản và đạo đức xã hội mà đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long có được đến ngày hôm nay, phần lớn có ảnh hưởng từ các giá trị tích cực của giáo lý Phật giáo. Với gần 2000 năm tồn tại, Phật giáo Nam tông đã và sẽ còn tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ văn hóa đến giáo dục, từ kinh tế đến chính trị, từ kiến trúc, điêu khắc đến các môn nghệ thuật, từ ứng xử xã hội đến đạo đức con người. Phật giáo Nam tông sẽ còn đồng hành cùng sự phát triển của đồng bào người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Phan An, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009. 2. Nguyễn Mạnh Cường, Vài nét về người Khmer Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, 2002. 3. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam Bộ, những vấn đề nhìn lại, Nxb. Tôn giáo, 2008. 4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, 8/2011 5. Website Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2