intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát huy vai trò của giảng viên trong việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật” nhằm xây dựng nền giáo dục đại học thực chất

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

28
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Phát huy vai trò của giảng viên trong việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật” nhằm xây dựng nền giáo dục đại học thực chất" tập trung vào các nội dung chính: (i) Khái quát vai trò của giảng viên trong việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật”; (ii) Thực trạng chất lượng đào tạo giáo dục đại học và giảng viên các trường đại học hiện nay; (iii) Giải pháp nhằm phát huy vai trò của giảng viên trong việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật” nhằm xây dựng nền giáo dục thực chất. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát huy vai trò của giảng viên trong việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật” nhằm xây dựng nền giáo dục đại học thực chất

  1. PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIẢNG VIÊN TRONG VIỆC THỰC HIỆN “HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT” NHẰM XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THỰC CHẤT ThS. Phạm Thị Hồng Mỵ* 1 Tóm tắt: Bài viết tập trung các nội dung chính: (i) Khái quát vai trò của giảng viên trong việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật”; (ii) Thực trạng chất lượng đào tạo giáo dục đại học và giảng viên các trường đại học hiện nay; (iii) Giải pháp nhằm phát huy vai trò của giảng viên trong việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật” nhằm xây dựng nền giáo dục thực chất. Từ khóa: Học thật, thi thật, nhân tài thật, vai trò giảng viên, xây dựng nền giáo dục thực chất. 1. KHÁI QUÁT VAI TRÒ CỦA GIẢNG VIÊN TRONG VIỆC THỰC HIỆN “HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT” NHẰM XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Vậy nên, vai trò của người thầy, người cô dù ở thời đại hay môi trường nào cũng đều quan trọng, đặc biệt với đội ngũ giảng viên (GV) trong các cơ sở giáo dục đại học thì vai trò này càng được đề cao. “Học thật, thi thật” nghĩa là việc học không có học chống đối, học để lấy bằng lấy chứng chỉ, học để thi cử, học để lấy điểm số, học bài theo mẫu, học không suy nghĩ và học không gắn với thực tiễn. “Học thật, thi thật” phải là kiểm tra đánh giá đúng năng lực, đúng người học. “Nhân tài thật” nghĩa là người làm được việc sẽ được trọng dụng, được đánh giá đúng năng lực, người được tuyển dụng hay việc dùng người là dựa vào năng lực thực chất chứ không dựa vào bằng cấp, chứng chỉ. Nhân tài thật là kết quả tất yếu của học thật, thi thật. Luật Giáo dục đại học năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2018 đã quy định rằng, GV trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; có trình độ đáp ứng quy định, quy chế * Trường Đại học Sài Gòn.
  2. 896 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Chức danh GV bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Trình độ tối thiểu của chức danh GV giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh GV giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Nhiệm vụ và quyền của GV cũng đã được luật quy định đầy đủ. Theo đó bao gồm: (1) Giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo; (2) Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo; (3) Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; (4) Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của GV; (5) Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học; (6) Tham gia quản lý và giám sát cơ sở giáo dục đại học, tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác; (7) Độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học mà mình đang làm việc; (8) Được bổ nhiệm chức danh của GV, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và được khen thưởng theo quy định của pháp luật; (9) Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan. Để đáp ứng yêu cầu giáo dục đại học, GV cần có những năng lực then chốt sau: (i) Giảng dạy; (ii) Kỹ năng truyền đạt và kết nối; (iii) Nghiên cứu khoa học; (iv) Kinh nghiệm thực tế; (v) Học tập, phát triển bản thân và hỗ trợ các công tác khác; (vi) Đạo đức nghề nghiệp1. Như vậy, trong việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật” nhằm hướng tới xây dựng nền giáo dục đại học thực chất, vai trò của GV sẽ có vị trí rất quan trọng, cụ thể: Một là, định hướng nghiên cứu kỹ năng học tập, truyền đạt lý thuyết với thực tiễn để người học đạt được mục tiêu kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; chia sẻ, truyền cảm hứng, phát hiện và bồi dưỡng niềm đam mê, năng khiếu của người học; xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình của ngành, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy phù hợp truyền đạt cho người học đặc biệt trong bối cảnh cách mạng Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn An Phú, Trần Thị Nhinh, Đặng Thanh Tuấn, Trương Hồng Chuyên 1 (2020), “Những năng lực then chốt của giảng viên trong thời đại giáo dục 4.0”, Tạp chí Công thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhung-nang-luc-then-chot-cua-giang-vien-trong-thoi-dai-giao- duc-40-69686.htm, truy cập ngày 19.7.2021.
  3. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 897 công nghệ 4.0. Trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc dạy tập trung đã chuyển sang dạy online, thì vai trò của GV lại càng đóng vai trò quan trọng. Để thu hút và truyền đạt nội dung kiến thức khi giảng dạy online, GV phải đóng vai trò điều phối, hướng dẫn tạo ra môi trường học tập cho người học bằng các câu hỏi gợi mở tư duy, ứng dụng công nghệ vào bài giảng, có hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp. GV cũng cần phải quản lý tài nguyên, dữ liệu trên Internet, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin phục vụ cho dạy học. Hai là, tham gia trực tiếp vào khâu kiểm tra đánh giá để đánh giá đúng năng lực người học, cho điểm đúng với năng lực ở tất cả các khâu kiểm tra như kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra cuối kỳ, đánh giá thực tập tốt nghiệp và khóa luận tốt nghiệp. Hướng dẫn người học làm nghiên cứu khoa học bao gồm đề tài nghiên cứu cấp trường và khóa luận/ đồ án tốt nghiệp đảm bảo theo đúng quy định. Ba là, với tư cách là cố vấn học tập của người học, GV sẽ là người tư vấn, hỗ trợ cho người học về các quy định, quy chế, nội quy, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, đặc biệt quản lý người học và định hướng về kỹ năng học tập, nghiên cứu của người học, giám sát quá trình học tập, giáo dục nhân cách cho người học. 2. THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HIỆN NAY Theo Vụ Giáo dục đại học, hiện nay, cả nước đang có trên 73.000 GV đại học, trong đó, số GV đạt trình độ tiến sĩ là 28,8%. Để hoàn thành mục tiêu theo văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn số 1943 BGDĐT-GDĐH hướng dẫn triển khai  đào  tạo trình  độ  tiến  sĩ,  thạc  sĩ  bằng  nguồn ngân sách nhà nước theo Quyết định số  89/QĐ-TTg  ngày  18/01/2019  của Thủ  tướng Chính  phủ  năm  2021 và 2022 (Đề án 89), trong 10 năm tới cần đào tạo được khoảng 7.300 GV có trình độ tiến sĩ và trên 300 GV thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ1. + Về phương pháp giảng dạy, kỹ năng truyền đạt của GV: Với sự phát triển của kinh tế xã hội thì phương pháp giảng dạy, kỹ năng truyền đạt của GV được chú trọng rất nhiều. GV thường xuyên thay đổi phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp tích cực để truyền đạt cho người học. Tuy nhiên, vẫn còn một số GV chậm đổi mới phương pháp dạy học, nội dung giảng dạy còn nặng về lý thuyết, sách vở, chưa phù hợp với đối tượng người học; đào tạo chưa gắn chặt với sử dụng, với đời sống kinh tế - xã hội. Cụ thể là, theo kết quả khảo sát hoạt động giảng dạy của GV ở các khoa/trung tâm giảng dạy trong học kỳ 1, năm học 2020 – 2021 của Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, đa số sinh viên hài lòng với tất cả các tiêu chí khảo sát của các nhóm nội 1 Trung tâm Truyền thông giáo dục (2021), Tiếp nhận nhiều đề xuất về triển khai đề án nâng cao năng lực giảng viên, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dai-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=7307, truy cập 19.7.2021.
  4. 898 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP dung theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thể hiện sự nghiêm túc, chu đáo từ khâu chuẩn bị, lên lớp, kiểm tra đánh giá, hướng dẫn và theo dõi học tập. Tuy nhiên, xét trên tỷ lệ khảo sát chung, còn một số nội dung cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu và mong muốn của người học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo: (i) Trong nhóm nội dung về công tác công tác chuẩn bị giảng dạy, nội dung, học liệu và phương pháp giảng dạy của GV: chú ý đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy, nội dung bài giảng và kiểm tra đánh giá để người học hứng thú trong quá trình học tập; (ii) Trong nhóm nội dung về năng lực, trách nhiệm, sự nhiệt tình của GV đối với người học: cần quan tâm đến sự tiến bộ của người học và giúp người học phát triển các kỹ năng mềm  như thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề….1. + Về năng lực kiểm tra đánh giá của GV: Hiện nay GV đều chú trọng hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với năng lực của người học. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát GV Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, đã phản ánh đúng thực tế công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập ở GV: Mặc dù đánh giá kết quả học tập là một khía cạnh quan trọng, song một bộ phận GV vẫn chưa tích cực trong việc đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá; vẫn duy trì cách đánh giá cũ, truyền thống; việc đánh giá chủ yếu do GV tự quy ước nên đôi khi thiếu khách quan, sinh viên không hài lòng; việc đánh giá quá trình, xây dựng các tiêu chí, chỉ báo cụ thể về biểu điểm để phân loại thành tích học tập của sinh viên không được GV thực hiện do tâm lí ngại thay đổi. Các hình thức trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập được GV sử dụng khá đa dạng, song không đồng bộ. Trên thực tế, chấm bài tập nhóm và bài kiểm tra định kì là hai hình thức được tất cả GV sử dụng trong suốt quá trình dạy học và được hiển thị trong đề cương môn học, song nếu chỉ sử dụng hai hình thức đánh giá này sẽ không đảm bảo GV có thể theo dõi sát sao từng sinh viên trong suốt quá trình dạy học. Bởi lẽ, lý do các sinh viên đưa ra là kết quả học tập của sinh viên đôi khi lệ thuộc vào nhiều yếu tố: Nhiều sinh viên tích cực trong lớp nhưng khi làm bài kiểm tra lại không đạt điểm cao do tâm trạng hoặc sức khỏe không tốt; nội dung kiểm tra đôi khi chỉ rơi vào một hoặc hai chương nào đó nên không thể chỉ căn cứ điểm kiểm tra để đánh giá sự tiến bộ của sinh viên; bài thảo luận nhóm là kết quả của tư duy tập thể song cũng không thể khẳng định kết quả ấy hoàn toàn khách quan bởi một số thành viên trong nhóm có tư tưởng ỷ lại, không tham gia đóng góp ý kiến2. 1 Nguyễn Văn Trung (2021), Chất lượng giảng dạy của giảng viên qua kết quả khảo sát học kỳ I, năm học 2020-2021 được cải tiến liên tục đáp ứng các yêu cầu chất lượng tại Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, http://hict.edu.vn/dam-bao-chat-luong/chat-luong-giang-day-cua-giang-vien-qua-ket-qua- khao-sat-hoc-ky-1.htm, truy cập ngày 23.7.2021. 2 Lê Thị Phương Hoa (2019), “Thực trạng và biện pháp nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của giảng viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên”, Tạp chí giáo dục, số 445, tr35-39.
  5. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 899 + Về năng lực nghiên cứu khoa học: nhiều GV không có đề tài nghiên cứu, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế... Lý do có thể là một số GV chưa nhận thức đúng và đầy đủ vai trò, lợi ích của các hoạt động nghiên cứu khoa học đối với bản thân hoặc phần lớn GV chưa thực sự nghiêm túc, say mê với hoạt động này và chủ yếu mang tính chất đối phó để cho có đủ giờ theo quy định hoặc nhà trường chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nghiên cứu khoa học của GV. Minh chứng là, theo thống kê số lượng tham gia đề tài các cấp của GV Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh từ năm 2015-2017. Số lượng các công trình đăng kí tham gia của GV còn rất hạn chế. Ví dụ, năm 2017 cả trường có 595 GV với 26 đề tài các cấp, trong đó chủ yếu là đăng kí các đề tài cấp cơ sở với 13/28 năm 2015, 15/32 năm 2016, và 14/26 năm 2017; đề tài Sở Khoa học và Công nghệ có xu hướng giảm từ 6 đề tài năm 2015 còn 3 đề tài năm 2016 và 2 đề tài năm 2017. Bên cạnh đó, số lượng các đề tài đăng kí ở các cấp độ cao (như cấp Đại học Quốc gia loại B, Nhà nước, Nafosted) rất ít và có xu hướng giảm. Bảng 1: Thống kê số lượng tham gia đề tài các cấp của GV Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh1 Loại đề tài 2015 2016 2017 Cấp Nhà nước 1 0 1 (đề tài nhánh) Nafosted 1 1 0 Cấp Đại học Quốc gia loại B 2 2 1 Cấp Đại học Quốc gia loại C 5 11 9 Cấp cơ sở 13 15 14 Sở Khoa học và công nghệ 6 3 2 Tổng cộng 28 32 26 + Về đo lường mức độ hài lòng của sinh viên đối với hoạt động E-learning: Liên quan đến vấn đề đào tạo E-learning cho người học, khi tiến hành khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người học thì cũng có một số vấn đề như sau: chẳng hạn theo kết quả số liệu thống kê mô tả đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy e-learning ở Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai thì kết quả cho thấy những đánh giá thấp nhất của sinh viên là những điểm yếu, những điều mà nhà trường chưa đáp ứng được mong đợi của sinh viên trong hoạt động giảng dạy E-Learning; vì thế, cần phải hạn chế, khắc phục trong thời gian tới, bao gồm: - “Tài nguyên có nội dung phù hợp với nội dung giảng dạy”; - “Cơ sở hạ tầng được sử dụng hiệu quả, hỗ 1 Dương Minh Quang (2020), “Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Giáo dục, số 473, tr10-13.
  6. 900 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP trợ cho SV truy cập nhanh”; - “Tốc độ tải của website nhanh”;- “GV khuyến khích câu hỏi từ SV”; - “Khóa học đáp ứng mong đợi của SV”1. + Về các yếu tố tác động đến động lực của GV: Theo Kennett S. Kovach đã đưa ra mô hình 10 yếu tố động viên nhân viên làm việc, gồm: 1) Công việc thú vị; 2) Được công nhận đầy đủ những công việc đã làm; 3) Sự tự chủ trong công việc; 4) Công việc ổn định; 5) Lương cao; 6) Sự thăng tiến và phát triển nghề nghiệp; 7) Điều kiện làm việc tốt; 8) Sự gắn bó của cấp trên với nhân viên; 9) Xử lí kỉ luật khéo léo, tế nhị; 10) Sự giúp đỡ của cấp trên để giải quyết những vấn đề cá nhân2. Hiện nay, ở một số cơ sở giáo dục đại học, vẫn còn tình trạng thiếu hoặc trang thiết bị dạy học vẫn chưa đảm bảo tốt như: máy chiếu, máy tính, tranh ảnh minh họa, thiết bị thí nghiệm... để cho đội ngũ GV thực thi nhiệm vụ. Chẳng hạn như: Bảng 2. Thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên Mức độ đáp ứng TT Cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ ĐTB ĐLC 1 Phòng máy tính phục vụ thi (thi trên máy tính) 2,87 0,44 2 Hệ thống mạng nội bộ (LAN) 3,27 0,45 3 Hệ thống Internet (cáp quang, ADSL, Wifi) 3,13 0,58 4 Hệ thống server phục vụ các kì thi trên máy 2,76 0,61 5 Phần mềm thi online 2,30 0,75 6 Máy server và phần mềm quản lí ngân hàng đề thi 2,75 0,81 7 Hệ thống máy tính phục vụ công tác tổ chức thi 3,13 0,44 8 Các máy in, scan, photo hỗ trợ in sao đề thi, chấm thi 3,41 0,57 9 Phần mềm hỗ trợ công tác tổ chức thi 3,21 0,57 10 Phần mềm hỗ trợ công tác chấm thi và quản lí điểm 3,24 0,72 Chú thích: ĐTB: Điểm trung bình, 1≤ ĐTB ≤ 4; ĐLC: Độ lệch chuẩn Bảng 2 cho thấy, hạ tầng liên quan đến tổ chức thi online còn khá kém, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại, cụ thể là tại tiêu chí số 5 (Phần mềm thi online) chỉ đạt 2,3 điểm, điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế vì xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu dạy, học và thi trực tuyến ngày càng tăng nhằm giảm áp lực cơ sở vật chất (phòng học, phòng thi, trang thiết bị đi kèm) cho việc dạy học tuyền thống nhưng lại tăng áp 1 Phạm Thị Mộng Hằng (2020), “Đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy E-Learning ở Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai”, Tạp chí Giáo dục, số 476, tr.49-54. 2 Kovach, K.S. (1987). What motivates employees? Workers and supervisors give different answers. Bussiness Horizons, 30, 58-65.
  7. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 901 lực lên hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin như phần mềm, server, máy tính,…1. Ngoài ra cùng với cách mạng công nghệ 4.0 nhưng chưa có nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thực hiện công tác chuyển đổi số hiệu quả, ứng dụng công nghệ, ví dụ như big data, các thiết bị thông minh được lắp đặt tại các lớp học như: đầu ghi hình, bàn học thông minh, bảng điện tử thông minh vẫn chưa được nhiều trường chú trọng đầu tư. Ngoài ra, thu nhập của đội ngũ GV đa số ở các cơ sở giáo dục là thấp, nhưng áp lực của yêu cầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày một cao. Nhiều hoạt động giáo dục lồng ghép, thanh tra, kiểm tra, dạy chuyên đề, tập huấn, các cuộc thi, kiêm nhiệm các công việc khác trong trường khiến GV cảm thấy quá tải, mệt mỏi… Những biểu hiện nêu trên đã tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm, hạn chế sức cống hiến, sự sáng tạo của đội ngũ GV làm cho chất lượng, hiệu quả trong giáo dục, đào tạo chưa tương xứng với vai trò của họ. 3. GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIẢNG VIÊN TRONG VIỆC THỰC HIỆN “HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT” NHẰM XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT Vai trò của GV trong việc xây dựng nền giáo dục thực chất là điều rất quan trọng, góp phần trực tiếp thực hiện việc học thật, thi thật để từ đó có nhân tài thật. Cho nên, GV phải là người thực sự tâm huyết, yêu nghề giảng, có kiến thức sâu rộng, gắn với thực tiễn và nắm bắt được tâm tư của người học, nhu cầu của người học để GV từ đó có kỹ năng phương pháp truyền đạt hiệu quả nhất. Đối với việc “học thật”: GV cần thay đổi quan điểm của người học trong việc học tập. Đây là điều đầu tiên để thành công trong việc xây dựng đảm bảo việc “học thật”. Quan niệm lâu nay của người học là học lấy điểm, học để đối phó kỳ thi cuối kỳ để không bị học lại. Cho nên, vào buổi học đầu tiên, GV cần thay đổi tư duy, quan điểm của người học, cho người học biết được lợi ích của môn học đối với thực tiễn là như thế nào để người học có thể áp dụng sau khi ra trường. Với tư cách là cố vấn học tập, GV giáo dục nhân cách và lồng ghép việc thay đổi tư tưởng quan niệm của người học là tốt nhất. Người học phải tự mình nâng cao ý thức việc học là học cho chính bản thân mình, học để phục vụ cho mình chứ không phải là đối phó với kỳ thi hoặc để lấy điểm cao để có bằng tốt nghiệp. GV cần thành công trong việc định hướng người học theo hướng tự học. Ở môi trường đại học, người học là người làm chủ chiếm lĩnh tri thức, GV chỉ là người định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ cho người học. Cho nên GV cần giúp người học hoàn thành khả năng tự học của mình. Theo đó, GV cần thực hiện các bước như: chuẩn bị 1 Nguyễn Thiện Triều, Nguyễn Ba Phu (2020), “Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí giáo dục,số 485, tr.49-54.
  8. 902 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP (hướng dẫn người học chuẩn bị bài, GV thiết kế bài giảng); lên lớp (bổ sung phần kiến thức còn thiếu của người học, trả lời câu hỏi thắc mắc của người học liên quan đến các tình huống trong thực tiễn); sau buổi học (giao các bài tập, câu hỏi gắn với thực tiễn). GV chú trọng việc điểm danh thường xuyên các buổi học để phát hiện các trường hợp người học nhờ người khác đi học hộ, việc điểm danh có thể ứng dụng công nghệ để GV không bị mất quá nhiều thời gian của buổi học. Trong quá trình giảng dạy các môn lý thuyết, GV cần quan tâm, chú trọng đến người học, cụ thể cần có nhiều câu hỏi, bài tập mang tính chất tư duy, gợi mở để buộc người học dựa trên nội dung lý thuyết để tư duy. Còn đối với các môn thực hành, GV cần quan sát và định hướng, gợi mở cho người học thực hiện. GV nên thực hiện nhiều phương pháp giảng dạy để truyền đạt nội dung kiến thức, chú ý đến sự thay đổi tiến bộ của người học để đánh giá. Để việc học gắn liền với thực tiễn, GV cần sử dụng thực tiễn đời sống xã hội để minh họa vào bài giảng, câu hỏi, đòi hỏi bài giảng phải gắn chặt với thực tiễn. Thường xuyên tổ chức các mô hình gắn với thực tiễn để người học sẽ được đóng vai giải quyết trực tiếp tình huống trong thực tiễn. GV dành nhiều thời gian cho việc giải đáp thắc mắc nội dung bài học của người học, khuyến khích câu hỏi của người học để tăng tư duy, định hướng cho người học, qua đó phát hiện và động viên động lực, đam mê học tập. Hiện nay, các lớp học phần tín chỉ thường có số lượng người học rất đông, cho nên để GV đảm bảo việc học thật của người học là điều không dễ. Vì vậy, GV cần tăng cường các câu hỏi nhỏ, bài kiểm tra nhỏ để từ đó đánh giá, phân loại người học qua đó có biện pháp phương pháp trong giảng dạy. Đối với việc học online trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, GV cần thay đổi phương pháp giảng dạy so với trên lớp. Nghĩa là, đối với các môn lý thuyết, GV cần trao cho người học việc tự nghiên cứu và đặt câu hỏi cho GV để GV trả lời hoặc thời lượng dành cho lý thuyết không nhiều, phần thời gian còn lại dành cho người học trả lời câu hỏi, bài tập và có hình thức cho điểm cộng để thu hút người học vào bài giảng, tránh việc buồn ngủ trong lúc học online. Đối với việc“thi thật”: GV cần có nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá để phát huy tính tích cực của người học. GV cần đầu tư công sức cho hình thức kiểm tra, đánh giá, tránh tình trạng ra đề thi quá dễ sẽ không phân loại năng lực của người học. Cho nên, đề thi cần đảm bảo ra nội dung đầy đủ của học phần, tránh tập trung quá nhiều cho một chủ đề/một nội dung của học phần trong đề thi. Đề thi cũng không được quá khó sẽ mang tính đánh đố nội dung kiến thức cho người học. Đề thi cần sát với năng lực thực tế của người học, đảm bảo đánh giá phân loại năng lực trung bình khá, khá, giỏi. Việc chấm bài kiểm tra cũng cần được GV chú trọng đánh giá công tâm. Việc đánh giá sẽ góp phần chống gian lận trong học tập của người học. GV cần đánh giá đúng năng lực người học, bài làm sao thì kết quả nhận được tương ứng, khóa luận/thực tập tốt nghiệp cũng đánh giá chính xác, không nâng đỡ cho người học. Có như vậy người
  9. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 903 học mới chú trọng việc học của mình. GV cần giám sát nghiêm túc người học trong quá trình thi cử để đảm bảo người học làm bài không copy, trao đổi, gian lận. Việc cho điểm của GV cũng cần có tiêu chí cụ thể công bố cho người học biết để đảm bảo đánh giá đúng năng lực. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục đại học phải cho người học làm bài thi kiểm tra, đánh giá cuối kỳ thông qua hình thức online và vì vậy GV cần cho đề thi dưới hình thức các bài tiểu luận gắn với thực tiễn, để người học vận dụng, áp dụng nội dung lý thuyết vào thực tiễn. Đối với khâu thực tế chuyên môn/ thực tập tốt nghiệp, GV với tư cách người hướng dẫn, đánh giá cần sát sao kiểm tra người học, để đảm bảo người học thực hiện đầy đủ, thực chất, tránh tình trạng gian dối. Mặt khác, để phát huy vai trò của GV thì cần đảm bảo các yếu tố khác như: (i) Tăng nguồn thu nhập cho GV để GV được chuyên tâm cho việc giảng dạy; Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng để tạo động lực nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của GV; (ii) Cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ của nhà trường cần được đảm bảo để cho GV thực hiện tốt vai trò của mình; Cơ sở giáo dục thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, ứng dụng công nghệ 4.0 như Big data… tiến hành rà soát nội dung chương trình đại học với việc tăng cường các môn kỹ năng để gắn với thực tiễn, GV giảng dạy kỹ năng nên có sự kết hợp với người của cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp đồng hành để người học có thêm kinh nghiệm thực tiễn; Bỏ các chứng chỉ đòi hỏi đối với GV, hạn chế các cuộc thi, các công việc ngoài giảng dạy của GV; Cơ sở giáo dục đại học cần có hình thức đánh giá đối với vai trò của GV để kịp thời GV đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; Thay đổi quan điểm bệnh thành tích trong học tập, thi cử; (iii) GV cần có sự kết nối với cơ sở thực tiễn qua đó sẽ có nguồn tài liệu thiết thực để cung cấp kiến thức cho người học. 4. KẾT LUẬN Xây dựng nền giáo dục thực chất là mục tiêu quan trọng đối với nền giáo dục hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này thì vai trò của giảng viên được xem là mắt xích quan trọng góp phần trực tiếp trong việc thực hiện học thật, thi thật, nhân tài thật. Cho nên, cần phát huy vai trò của giảng viên để tăng động lực làm việc, nghiên cứu và giảng dạy. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 Lê Thị Phương Hoa (2019), “Thực trạng và biện pháp nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của giảng viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên”, Tạp chí Giáo dục, số 445, tr35-39.
  10. 904 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP 2 Phạm Thị Mộng Hằng (2020), “Đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy E-Learning ở Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai”, Tạp chí Giáo dục, số 476, tr.49-54. 3 Kovach, K.S (1987), What motivates employees? Workers and supervisors give different answers, Bussiness Horizons, 30, 58-65. 4 Dương Minh Quang (2020), “Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Giáo dục, số 473, tr10-13. 5 Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn An Phú, Trần Thị Nhinh, Đặng Thanh Tuấn, Trương Hồng Chuyên (2020), “Những năng lực then chốt của giảng viên trong thời đại giáo dục 4.0”, Tạp chí Công thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhung-nang-luc-then-chot-cua- giang-vien-trong-thoi-dai-giao-duc-40-69686.htm, truy cập ngày 19.7.2021. 6 Trung tâm Truyền thông giáo dục (2021), Tiếp nhận nhiều đề xuất về triển khai đề án nâng cao năng lực giảng viên, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dai hoc/Pages/ default.aspx?ItemID=7307, truy cập 19.7.2021. 7 Nguyễn Văn Trung (2021), Chất lượng giảng dạy của giảng viên qua kết quả khảo sát học kỳ I, năm học 2020-2021 được cải tiến liên tục đáp ứng các yêu cầu chất lượng tại Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, http://hict.edu.vn/dam-bao-chat-luong/chat-luong-giang- day-cua-giang-vien-qua-ket-qua-khao-sat-hoc-ky-1.htm, truy cập ngày 23.7.2021. 8 Nguyễn Thiện Triều, Nguyễn Ba Phu (2020), “Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Giáo dục, số 485, tr.49-54.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2