intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật các khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ hiện nay: Thực trạng và giải pháp

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

16
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết thông qua nghiên cứu thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của chính quyền địa phương tại các KKTB khu vực Bắc Trung Bộ, từ đó chỉ ra hạn chế, nguyên nhân hạn chế và đề xuất giải pháp giúp chính quyền các tỉnh nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong các KKTB trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật các khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ hiện nay: Thực trạng và giải pháp

  1. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 55. PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG KINH TẾ, KỸ THUẬT CÁC KHU KINH TẾ VEN BIỂN BẮC TRUNG BỘ HIỆN NAY: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ThS. Lê Thành Đông* Tóm tắt Tại khu vực Bắc Trung Bộ, việc hình thành và phát triển các khu kinh tế biển (KKTB) là nhằm tập trung phát triển các ngành mà khu vực có lợi thế, từ đó tạo đà phát triển các trung tâm kinh tế ven biển mạnh, tạo nên các hạt nhân tăng trưởng kinh tế cho địa phương, vùng, tạo điểm nhấn trong liên kết vùng. Bài viết thông qua nghiên cứu thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của chính quyền địa phương tại các KKTB khu vực Bắc Trung Bộ, từ đó chỉ ra hạn chế, nguyên nhân hạn chế và đề xuất giải pháp giúp chính quyền các tỉnh nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong các KKTB trong thời gian tới. Từ khóa: Phát triển cơ sở hạ tầng khu kinh tế biển, phát triển dịch vụ hỗ trợ khu kinh tế biển, khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ, quản lý nhà nước của chính quyền tỉnh đối với khu kinh tế biển 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Để các KKTB Bắc Trung Bộ thực sự trở thành hạt nhân tăng trưởng kinh tế cho địa phương, vùng và tạo điểm nhấn trong liên kết vùng thì việc xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là tập trung phát triển mạng lưới giao thông liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các vùng biển và cảng biển của địa phương, vùng và liên vùng; hình thành hệ sinh thái biển bền vững về mặt kinh tế và tự nhiên, tạo ra những lợi thế chiến lược, kết nối các vùng biển từ Bắc đến Nam, giữa Đông và Tây, giữa kinh tế trong nước và quốc tế; phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư trong KKTB, nhất là các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. * Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, NCS. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 743
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Giai đoạn trước năm 2015, Bắc Trung Bộ là vùng kinh tế phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp xây dựng. Mặc dù tỷ trọng diện tích các khu công nghiệp của vùng nằm trong các KKTB không cao, tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức trên 53% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê (cao hơn mức 49,9% của cả nước). Tỷ lệ này còn đạt mức 63% đối với các khu công nghiệp trọng điểm. Vì vậy, các KKTB của khu vực có tốc độ tăng trưởng khá như: Nghi Sơn, Vũng Áng được xem như là cực tăng trưởng của khu vực, giúp phát triển các ngành công nghiệp và kinh tế của các tỉnh, không chỉ tạo ra thay đổi cho nền kinh tế - xã hội của các tỉnh, mà còn tạo nên các khu vực tăng trưởng cho vùng và cả nước. Trong giai đoạn 2017 - 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng chính quyền các tỉnh Bắc Trung Bộ đã nỗ lực thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của các KKTB, nâng cao năng lực phục vụ các doanh nghiệp trong khu kinh tế, phát triển kinh tế biển của địa phương. Đặc biệt, sự đầu tư hiện đại hóa hệ thống cảng biển, phát triển các trung tâm logistics, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hải quan cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các KKTB Bắc Trung Bộ giữ vững được đà tăng trưởng và phát triển. Hạ tầng du lịch biển được nâng cấp khá nhiều trong giai đoạn 2017 - 2019, tuy chững lại vào năm 2020 nhưng vẫn tạo được nền tảng để quay trở lại phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng trong và ngoài nước sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, nhờ quá trình đầu tư, phát triển và hoàn thiện của cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội mà các địa phương Bắc Trung Bộ đã thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn (ví dụ như Thanh Hóa đứng thứ ba toàn quốc về tổng vốn đăng ký đầu tư năm 2019), biến bất lợi thành lợi thế khi đầu tư phát triển các trung tâm điện gió với 08 nhà máy xây dựng tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Tuy vậy, nếu so sánh khu vực Bắc Trung Bộ với các vùng khác trong cả nước và ở các quốc gia lân cận, quy mô kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ còn khá khiêm tốn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, lại chưa thuận tiện trong giao lưu hàng hải quốc tế. Mặc dù quá trình mở cửa nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã tạo nhiều điều kiện mở rộng, giao thương với bên ngoài, nhưng kinh tế vùng vẫn chỉ phát triển ở mức trung bình, chưa phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) bởi nguyên nhân chủ yếu là các cảng biển, cảng sông pha biển của vùng Bắc Trung Bộ quy mô nhỏ, các ngành công nghiệp như: đóng tàu, vận tải quốc tế, logistics chưa phát triển, nếu không muốn nói là rất lạc hậu. Đặc biệt, các KKTB như: Đông Nam Quảng Trị, Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, có uy tín vào đầu tư, dẫn tới quá trình các KKTB này còn chậm so với quy hoạch ban đầu, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hiệu quả không cao. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư có trọng điểm cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật các KKTB, thúc đẩy cách tiếp cận mới trong phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp là cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của các KKTB, đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra. 744
  3. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Đối với các quốc gia biển, việc hình thành các khu kinh tế ven biển giúp khai thác được các cơ hội nhờ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển giao công nghệ và đầu tư lẫn nhau (Arvind Panagariya, 2019). Các KKTB còn giúp các quốc gia nối dài đường hàng hải và phát triển, tận dụng tối đa công suất của các cảng biển nước sâu, nâng cao năng lực xuất nhập khẩu (CAREC, Asian Development Bank, 2018)… Tại nhiều quốc gia như UAE, việc phát triển các khu kinh tế đã thúc đẩy sự chuyển hướng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy các cụm công nghiệp; góp phần tạo ra cơ hội việc làm lớn hơn, đa dạng hóa kinh tế quốc gia; biến các KKTB trở thành công cụ phục vụ chiến lược mục tiêu quốc gia, hướng tới các lĩnh vực thâm dụng tri thức như: công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục đại học và chăm sóc sức khỏe, cũng như các ngành sản xuất truyền thống của địa phương như: sản xuất đồ trang sức và phân phối ô tô. Ngoài ra, KKTB còn góp phần mở rộng khu vực đô thị, khuyến khích đầu tư cả trong và ngoài nước. Việc thành lập các KKTB là công cụ hữu ích nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và khuôn khổ thể chế tại những khu vực tiềm năng thay vì trên toàn bộ nền kinh tế, giúp khắc phục những tắc nghẽn về nguồn lực sẵn có và giảm chi phí nâng cấp quy mô lớn (OECD, 2019). Tuy nhiên, để việc phát triển các KKTB hướng tới được các mục tiêu kể trên, điều kiện cần chính là các địa phương, quốc gia phải chuẩn bị được các lợi thế so sánh cho các KKTB, nhằm thu hút các nhà đầu tư sơ cấp và thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có chất lượng, lợi thế so sánh không chỉ dừng lại ở các chính sách khuyến khích chung, chính sách khuyến khích tài khóa và tài chính. Việc tạo ra lợi thế so sánh bền vững về cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, cùng với sự hỗ trợ về hành chính, dịch vụ công là điều kiện quan trọng, giúp gia tăng sức hấp dẫn cho các KKTB, nhất là khi các KKTB này được xây dựng tại các khu vực địa lý kém phát triển. Để tăng cường vai trò động lực, hạt nhân tăng trưởng của các KKTB, đòi hỏi cần phải xây dựng được hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là tập trung phát triển mạng lưới giao thông liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các vùng biển và cảng biển của địa phương, vùng và liên vùng; hình thành hệ sinh thái biển bền vững về mặt kinh tế và tự nhiên, tạo ra những lợi thế chiến lược, kết nối các vùng biển từ Bắc đến Nam, giữa Đông và Tây, giữa kinh tế trong nước và quốc tế. Khi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nói chung, việc xem xét, đánh giá kết cấu hạ tầng kỹ thuật là yếu tố tiên quyết, được ưu tiên trong việc ra quyết định có đầu tư hay không. Việc khu kinh tế và các KKTB sở hữu cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại tạo ra có lợi thế to lớn giúp thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật hiện đại cho 745
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA phép các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong tiến hành xây dựng nhà máy, rút ngắn thời gian xây lắp và chạy thử. Từ đó, các nhà đầu tư có thể nhanh chóng tập trung vào hoạt động sản xuất, tăng tính khả thi cho dự án, giảm rủi ro cho dự án do rút ngắn được thời gian thực hiện (Arvind Panagariya, 2019). Trong phát triển KKTB, việc đầu tư phát triển cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật là hoạt động trọng tâm, bao gồm các hoạt động chính: Một là, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trong và ngoài KKTB Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trong và ngoài KKTB hay là việc hình thành các mạch máu kết nối nội bộ các phân khu của KKTB và kết nối KKTB với bên ngoài. Nhiệm vụ chính của hoạt động này là phát triển hệ thống giao thông nội vùng và ngoại vùng của KKTB, tạo nên các tuyến đường chính dọc, ngang trong liên khu đô thị - công nghiệp, nối các khu vực chức năng, gắn kết các khu đô thị với các cấu phần trong KKTB, phục vụ giao thông của KKTB, hình thành nên các bến, bãi, cầu cảng, các trạm trung chuyển, các nút giao thông chính. Đồng thời, cần xây dựng các tuyến đường kết nối KKTB với bên ngoài, nhằm kết nối KKTB với các hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không… tạo điều kiện dễ dàng trong quá trình trao đổi nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ, du lịch và nhân công giữa KKTB với môi trường bên ngoài khu kinh tế. Việc hình thành hệ thống giao thông trong và ngoài KKTB theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ đợi giữa các khâu sản xuất, đẩy nhanh vận chuyển sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy giao lưu, kết nối và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trong và ngoài KKTB, mà còn mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước và dân cư trong các KKTB, giúp tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy KKTB cũng như tăng khả năng thụ hưởng của cư dân KKTB. Hai là, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp điện năng cho KKTB Nhiệm vụ quan trọng thứ hai trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội cho các KKTB là việc đầu tư xây dựng các trạm phát điện, xây dựng mạng lưới đường dây, truyền tải điện nhằm kết nối các trạm phát điện, cung cấp đầy đủ, kịp thời phục vụ nhu cầu sử dụng điện để sản xuất và sinh hoạt của các đối tượng sinh sống, làm việc trong KKTB. Trong thời đại hiện nay, việc xây dựng hệ thống cung cấp điện năng được ví như việc cung cấp máu cho cơ thể, là nguồn lực thiết yếu phục vụ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phục vụ sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình. Việc thiết kế công suất cho các trạm phát điện, truyền tải điện phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, triển vọng phát triển KKTB trong tương lai. 746
  5. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Ba là, đầu tư và phát triển hệ thống cấp thoát nước trong KKTB Có thể nói, nhu cầu sử dụng nước sạch cũng là yêu cầu tất yếu của hoạt động sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng bên cạnh nhu cầu về điện năng. Đối với các KKTB, việc đầu tư, phát triển hệ thống cấp thoát nước là thành phần tất yếu tạo nên hạ tầng của KKTB. Việc quản lý đầu tư và phát triển hệ thống cấp thoát nước trong KKTB không chỉ là xây dựng các nhà máy nước, xây dựng hệ thống dẫn nước phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng; mà còn phải quản lý việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, quản lý việc xả thải ra môi trường. Đặc biệt, khi các KKTB được xây dựng ven các bờ biển, việc thiếu kiểm soát mạng lưới cấp thoát nước có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường cả trong và ngoài KKTB, thậm chí gây ảnh hưởng tới sự bền vững của môi trường sinh thái, sinh kế của người dân vốn sống nhờ vào biển, đồng thời gây ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt của người dân trong và ngoài KKTB. Bốn là, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, thông tin được coi là lực lượng sản xuất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt khi thế giới đã tiến sâu vào Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của thông tin không chỉ là đảm bảo tính kịp thời mà chất lượng của thông tin còn ảnh hưởng trực tiếp tới các quyết định sản xuất, lưu thông, tiêu dùng của các doanh nghiệp trong và ngoài KKTB. Cùng với sự phổ biến của Internet kết nối vạn vật (IoT), việc sử dụng dữ liệu lớn (Big data) và chuỗi khối (Block chain) trong kết nối sản xuất giữa thành phần của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), việc trao đổi thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các chi nhánh của công ty đa quốc gia (MNC) và giữa các doanh nghiệp với nhau trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc đảm bảo băng thông, đường truyền tín hiệu viễn thông, Internet trở thành một lợi thế so sánh mềm của từng KKTB trong thu hút các nhà đầu tư từ các nền kinh tế phát triển hơn. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông gồm: hình thành mạng lưới tổng đài vệ tinh, xây dựng mạng cáp quang, mở rộng dung lượng mạng cáp và tổng đài, xây dựng các mạng truyền dẫn thông tin và kết nối với bên ngoài; thiết lập các antten thu phát sóng, xây dựng các trạm BTS thu phát sóng, cung cấp các dịch vụ viễn thông (Internet băng thông rộng, 4G, truyền hình vệ tinh, truyền hình số, viễn thông di động…) phục vụ hoạt động cả doanh nghiệp và dân cư trong các KKTB. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giao thông trong và ngoài khu kinh tế biển Về cơ bản, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong KKTB được bố trí phù hợp, phát huy tối đa lợi thế địa chính trị của địa phương; được thiết lập trong khu vực có khoảng cách phù hợp với các khu đô thị, liên kết với hạ tầng sẵn có của địa phương. Cụ thể: 747
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 3.1.1. Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) Giai đoạn vừa qua, KKTB Nghi Sơn đã được đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giúp phát huy lợi thế của khu kinh tế trong thu hút đầu tư, tăng khả năng lấp đầy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa. Với sự đầu tư đó, Thanh Hóa nhanh chóng đạt tới mục tiêu lấp đầy 50% đất công nghiệp tại KKTB Nghi Sơn, đặc biệt tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn, tỷ lệ lấp đầy sẽ đạt tới 100% vào năm 2025. Bên cạnh hạ tầng đường bộ như Dự án đường Bắc - Nam 2, Dự án đường Đông Tây 4, Dự án đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn, Dự án các tuyến giao thông trục chính phía Tây - Khu kinh tế Nghi Sơn, Dự án kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế Nghi Sơn giai đoạn 1 cơ bản đãn hoàn thành, các tuyến đường sắt từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKTB Nghi Sơn, đầu tư xây dựng ga Trường Lâm và tuyến đường sắt từ ga Trường Lâm tới Cảng Nghi Sơn đã được triển khai, góp phần tạo nên lợi thế trong thu hút đầu tư vào các cảng cạn (ICD) và hình thành trung tâm logistics. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng ở phía Nam Khu kinh tế Nghi Sơn, phát triển cảng biển nước sâu ở Hòn Mê tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, kinh tế hướng tới xuất khẩu trong KKTB Nghi Sơn. Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa sẽ ưu tiên đầu tư mới kéo dài tuyến đường từ Sân bay Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, tiếp tục đầu tư phát triển cảng nước sâu Nghi Sơn trở thành cảng lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và của Việt Nam, đón đầu tuyến các tàu vận tải containrer lớn và mở tuyến vận tải container quốc tế đến Nghi Sơn. Về cơ bản, trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông của Khu kinh tế Nghi Sơn chính là phát triển các công trình trọng điểm, có tính kết nối cao, liên thông với cảng biển, sân bay, trung tâm logistics để phát triển các mạng lưới, tuyến vận tải đa phương thức (Khu kinh tế Nghi Sơn, 2017 - 2021). 3.1.2. Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An Trong giai đoạn vừa qua, chính quyền tỉnh Nghệ An đã đôn đốc triển khai phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các khu kinh tế và khu công nghiệp thuộc KKTB Đông Nam Nghệ An. Đơn cử như năm 2020, tỉnh Nghệ An đã tiếp tục triển khai dự án đường N2, N5, D4, tuyến đường nối quốc lộ 7 vào Khu công nghiệp Tri Lễ… Cùng với kế hoạch mở rộng KKTB Đông Nam, các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được thực thi khai nhanh chóng nhằm hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế theo hướng hiện đại, đồng bộ; giúp KKTB Đông Nam tăng cường năng lực cạnh tranh với các khu kinh tế trong khu vực, giúp kết nối với cảng biển Cửa Lò, Đồng Hới khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển của địa phương. Với mục tiêu hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng của 3 - 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2016 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng 8 nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị dự án cho nhà đầu tư, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong khu vực. 748
  7. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Hầu như các nguồn vốn đầu tư công trung và dài hạn được phê duyệt đều được ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, các công trình phúc lợi xã hội, công trình công cộng. Theo báo cáo của Sở Tài chính Nghệ An, tổng vốn đầu tư phát triển cho KKTB Đông Nam Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 11.912 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước đạt 1.050 tỷ đồng; vốn ngoài nhà nước đạt 9.838 tỷ đồng) (Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, 2017 - 2021). 3.1.3. Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) Giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh Hà Tĩnh tập trung phát triển các công trình giao thông cho KKTB Vũng Áng, nhằm phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực luyện kim, khai thác cảng biển, luyện thép, nhiệt điện và lọc hóa dầu. Mục tiêu của hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là giúp kết nối các khu công nghiệp trong KKTB, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư và các dự án đầu tư phát triển Khu liên hợp Cảng Vũng Áng - Sơn Dương, phát triển các khu đô thị mới… Đặc biệt, để đẩy mạnh việc hình thành và hoạt động của các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái nằm trong vành đai du lịch biển Bắc Trung Bộ, việc hoàn thiện các tuyến đường giao thông là điều kiện thiết yếu. Giai đoạn vừa qua, tỉnh đã đầu tư phát triển tuyến đường ven biển, đoạn qua Xuân Hội, Vũng Áng, Thạch Khê; các đoạn nối Hà Tĩnh với các khu kinh tế của Nghệ An và Quảng Bình, hình thành chuỗi KKTB và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả khu vực. Đặc biệt, với sự đầu tư phát triển hệ thống giao thông liên tỉnh, nội tỉnh, Hà Tĩnh đã giúp kết nối được 6 huyện, thành phố, 4 khu du lịch, 3 khu công nghiệp và 1 cảng biển, từ đó thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa các địa phương trng vùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong KKTB Vũng Áng. Tỉnh cũng đã quy hoạch chi tiết, ưu tiên triển khai các tuyến giao thông như: Quốc lộ 12, Vũng Áng - Thạch Khê, Cảng Vũng Áng giai đoạn 2, nối liền các khu công nghiệp, khu phi thuế, kho ga xăng dầu, khu dân cư cũng như các khu du lịch trong vùng… (KKT Vũng Áng, 2017 - 2021). 3.1.4. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 29/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị khóa XVI về “Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đã có 68 dự án đăng ký đầu tư trong khu kinh tế với số vốn đạt gần 300 tỷ đồng. Nhằm tăng cường tỷ lệ lấp đầy Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển kết cấu đường giao thông nội vùng và liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đầu tư trong khu kinh tế. Với nguồn lực được cấp phát và đối ứng từ ngân sách địa phương, Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và chủ đầu tư đã thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng 484,6 ha, thu hồi đất sạch cho các dự án triển khai. Năm 2020, Chính phủ đã cấp cho tỉnh Quảng Trị 100 tỷ đồng xây dựng tuyến nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với tuyến 749
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hồ Chí Minh nhánh Đông, góp phần kết nối tuyến đường ven biển phía Nam Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình, nhờ đó góp phần thu hút đầu tư vào phát triển du lịch biển đảo của tỉnh nhằm khai thác các bãi tắm nổi tiếng như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Hải, Vĩnh Thái. Hoạt động đầu tư giao thông cảng biển Bắc Cửa Việt với 03 bến cảng mới, đón tàu có trọng tải 3.000 tấn, bến cảng CFG Nam Cửa Việt đang được đầu tư, với 04 cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn Tuy nhiên, do đặc thù kinh tế địa phương hạn chế, nguồn lực đầu tư khó khăn, nên việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng KKTB nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, gây khó khăn trong thu hút đầu tư các dự án mới vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, 2017 - 2021). 3.1.5. Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình) Hạ tầng giao thông của KKTB Hòn La được xác định là cầu nối các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đối với tỉnh Quảng Bình, Khu kinh tế Hòn La là mắt xích quan trọng của nhiều tuyến giao thông huyết mạch, cả về đường bộ, đường thủy, đường không, kết nối địa phương với Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam. Do vậy, KKTB Hòn La đã được tỉnh Quảng Bình đầu tư phát triển các tuyến giao thông quan trọng như: - Phát triển các tuyến thủy nội địa và tuyến hàng hải trong nước và quốc tế, biến cảng Hòn La thành cảng loại 1, hình thành các cảng cạn cũng như trung tâm kho vận. - Phát triển các tuyến giao thông đô thị bằng các tuyến xe buýt nhanh, với hệ thống hạ tầng hiện đại, kết nối nhanh với sân bay Đồng Hới, thúc đẩy giao thông tới các khu du lịch trong vùng. - Phát triển các tuyến giao thông kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh như: trục kết nối KKTB Hòn La với các khu công nghiệp tập trung, các nhà máy xử lý rác thải (Khu kinh tế Hòn La, 2017 - 2021). 3.1.6. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) KKTB Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển là đô thị hiện đại, trung tâm dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, nhờ đó được đầu tư phát triển thành đô thị động lực quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Với tổng diện tích khoảng 27.000 ha, KKTB Chân Mây - Lăng Cô có 05 khu chức năng chính là: cảng biển, khu công nghiệp, khu phi thuế, khu đô thị và khu du lịch. Tính tới năm 2021, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của khu kinh tế đã khá hoàn chỉnh, các tuyến giao thông chính theo quy hoạch chung cơ bản đã hoàn thiện, với tổng chiều dài đường đô thị khoảng 120 km, đủ đáp ứng nhu cầu giao thông và tạo điều kiện đầu tư các dự án trong khu kinh tế. 750
  9. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Như vậy, nhìn chung, hạ tầng giao thông đường bộ trong các KKTB cơ bản được xây dựng và hoàn thiện theo đúng quy hoạch. 100% các tuyến đường trục trong các khu kinh tế đã được xây dựng, tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư đã đăng ký. Nhiều khu kinh tế phát triển như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Đông Nam Nghệ An đã phát triển tốt các tuyến, trục kết nối giữa KKTB với các địa phương không thuộc khu kinh tế cũng như các tuyến quốc lộ, các hành lang kinh tế trong và ngoài nước (Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, 2017 - 2021). 3.2. Đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp điện năng cho khu kinh tế biển Mục tiêu quy hoạch phát triển điện lực các KKTB là nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn cho phát triển các khu kinh tế. Việc thiết kế và quy hoạch lưới điện trong các KKTB được căn cứ trên nhu cầu của từng loại phụ tải, đảm bảo yêu cầu tiên quyết là cung cấp điện an toàn, tin cậy, đảm bảo đầu tư đúng, hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế tối đa thất thoát điện và tăng khả năng kết nối với lưới điện của các khu vực ngoài khu kinh tế. Các khu kinh tế đều nhằm phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và sinh hoạt của khu dân cư. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện thương phẩm và điện sinh hoạt khá cao, tăng trưởng bình quân đạt từ 20% - 30%, tùy thuộc vào tốc độ đầu tư vào các khu kinh tế. Điều này đòi hỏi Ban Quản lý các khu kinh tế cần chú trọng xây dựng mới các đường trung áp, trạm biến áp với công suất cao, cải tạo các trạm biến áp cũ… Đơn cử như KKTB Nghi Sơn, thời gian qua đã hoàn thành cải tạo 18 trạm biến áp từ 10 kV lên 22 kV với tổng công suất thiết kế là 3.500 kVA, thực hiện xây dựng mới 106,5 km đường dây trung áp và 206 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 141.800 kVA. Tổng vốn đầu tư để thực hiện các dự án trên trong KKTB Nghi Sơn lên tới 738,52 tỷ đồng. Hay như tại KKTB Vũng Áng, theo dự báo nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp trong khu kinh tế đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 1.792 MW, phần lớn sẽ được các nhà máy điện trong khu kinh tế (gồm 4 nhà máy nhiệt điện, 10 tổ máy nhiệt điện của Formosa và 1 trung tâm điện lực) cùng với mạng lưới điện của khu vực miền Trung (gồm lưới điện 500 kV và 220 kV) cung cấp. Để tự chủ nguồn điện năng, thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai các dự án cấp điện trong Khu kinh tế Vũng Áng như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (công suất 1.200 MW với tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD), Hạ tầng điện cho khu kinh tế với 3 hệ thống đường điện (đường điện cung cấp cho khu kho ga và xăng dầu; hệ thống điện cho khu tái định cư thuộc huyện Kỳ Anh, điện chiếu sáng từ Quốc lộ 23 và Quốc lộ 1A kéo dài bốn phía, Dự án chiếu sáng các tuyến giao thông chính trong Khu kinh tế Vũng Áng, xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, đẩy nhanh thi công 4 tổ máy thuộc Nhà máy Nhiệt điện Formosa, công suất mỗi tổ là 650 KW. Đặc biệt, để đáp ứng các tổ hợp dự án sản xuất lớp thuộc công nghiệp sắt thép và sản xuất ô tô (Tập đoàn Vingroup), Vũng Áng đang tích cực nhanh chóng triển khai các phương án cấp điện với việc xây dựng Trạm biến áp 220kV Vũng Áng, hai đường dây 22kV mạch kép…, đảm bảo cấp tiện an toàn, tin cậy cho các khu công nghiệp và vùng lân cận. 751
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Đối với các khu kinh tế khác, do những hạn chế về vốn đầu tư phát triển hạ tầng, khả năng thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp chưa cao, tính tới thời điểm hiện nay, cơ bản mới hoàn thành hệ thống cấp điện, đèn chiếu sáng trong các khu công nghiệp. Đặc biệt, đối với một số địa phương khó khăn như: Quảng Bình, Quảng Trị, việc đầu tư phát triển mạng lưới điện trong các khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc xây mới các trạm biến áp còn được tiến hành khá chậm. 3.3. Đầu tư và phát triển hệ thống cấp thoát nước trong khu kinh tế biển Đầu tư và phát triển hệ thống cấp thoát nước trong các KKTB hiện là một vấn đề khó khăn, chưa được quan tâm giải quyết thích đáng. Hầu hết các khu kinh tế đều được trang bị hệ thống nước sạch, đạt tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. 3.4. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông trong khu kinh tế biển Hạ tầng viễn thông là điều kiện quan trọng, nhất là trong giai đoạn phát triển hiện nay, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều kết nối với Internet toàn cầu. Để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại khu kinh tế, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã đầu tư 1.907 km cáp viễn thông, 38 trạm chuyển mạch điện thoại cố định, 170 trạm truy cập Internet băng thông rộng… đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động. Với sự tăng trưởng dân cư trong khu kinh tế, dự kiến đến năm 2025, Khu kinh tế Nghi Sơn đạt 115,000 thuê bao, mật độ đạt 50 máy/100 dân. Bảng 1. Hệ thống hạ tầng viễn thông trong các KKTB Bắc Trung Bộ Khu kinh tế Khu kinh tế Khu kinh tế Khu kinh Chân Mây Đơn vị Khu kinh tế Khu kinh tế Hạng mục Đông Nam Đông Nam tế Hòn La - Lăng Cô tính Nghi Sơn Vũng Áng Nghệ An Quảng Trị (Quảng Bình) (Thừa Thiên Huế) Cáp viễn thông Km 1.907 1.022 2.408 453 662 941 Trạm chuyển mạch Trạm 38 33 42 21 25 30 Trạm truy cập Trạm 170 134 220 54 61 122 Internet máy/ Mật độ thuê bao 41 43 39 28 32 36 100 dân Nguồn: Tác giả tổng hợp từ báo cáo của các Ban Quản lý khu kinh tế Từ Bảng 1, có thể nhận thấy các khu kinh tế: Nghi Sơn, Vũng Áng và Đông Nam Nghệ An có hạ tầng viễn thông phát triển hơn các khu kinh tế khác. Nguyên nhân chủ yếu là do các khu kinh tế này đã thu hút được khá nhiều các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất. Trong khi đó, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Hòn La (Quảng Bình) và Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), do tỷ lệ lấp đầy thấp nên hầu như không chỉ hạ tầng mạng viễn thông, mà tất cả các hạ tầng khu công nghiệp khác đều chưa được hoàn thiện, thiếu nguồn vốn đầu tư, 752
  11. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 không thu hút được nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp mạnh tiến hành đầu tư phát triển. Bảng 2. Đánh giá của các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp về cơ sở hạ tầng các KKTB khu vực Bắc Trung Bộ Điểm trung bình đánh giá Khu Khu TT Nội dung đánh giá Khu Khu kinh Khu Khu kinh kinh kinh tế tế Đông kinh tế kinh tế tế tế Nghi Nam Đông Nam Chân Mây - Vũng Hòn Sơn Nghệ An Quảng Trị Lăng Cô Áng La 1 Quy hoạch cơ sở hạ tầng khu kinh tế           Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng 4.22 3.63 4.30 3.00 3.2 3.4 1.1 khu kinh tế được công bố công khai Quy hoạch hạ tầng khu kinh tế được xây dựng phù 4.29 3.29 4.32 2.80 3.2 3.4 1.2 hợp với định hướng theo ngành nghề và điều kiện của địa phương Quy hoạch hạ tầng khu kinh tế đảm bảo sự liên kết 4.16 3.29 4.29 3.20 3.4 3.6 các ngành trong KKTB, trong đó có quy hoạch cảng 1.3 biển, cảng hàng không và các ngành kinh tế động lực khu kinh tế 2 Tổ chức thực hiện quy hoạch cơ sở hạ tầng KKTB Địa phương có tiến hành triển khai đầu tư xây dựng 4.16 3.21 4.04 3.00 3.2 3.4 2.1 các công trình hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nhất là phát triển các cảng nước sâu và cảng hàng không Địa phương phát triển nhanh các ngành, dự án động 4.60 3.21 4.61 2.60 2.8 3 2.2 lực của khu kinh tế Địa phương có bố trí đầy đủ quỹ đất sạch, thuận tiện 3.96 3.71 4.11 3.60 3.8 4 2.3 cho việc tiến hành đầu tư của doanh nghiệp Địa phương có bố trí đầy đủ quỹ đất sạch, thuận tiện 4.07 3.21 4.13 3.40 3.6 3.8 2.4 cho việc tái định cư và xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc trong KKTB Địa phương đã thu hút được các nhà đầu tư phát triển 4.04 3.21 4.13 2.60 2.8 3 2.5 hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, uy tín Ghi chú: Mức độ đánh giá (5 = Rất tốt, 4 = Tốt, 3 = Bình thường, 2 = Không tốt, 1 = Rất không tốt) Nguồn: Điều tra của tác giả Nhìn vào Bảng 2 có thể thấy điểm do các nhà đầu tư đánh giá về quy hoạch và chất lượng cơ sở hạ tầng của các KKTB của khu vực Bắc Trung Bộ là chưa cao, nhất là đối với các khu 753
  12. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA kinh tế: Đông Nam Quảng Trị, Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Đặc biệt, theo đánh giá của những nhà đầu tư tham gia khảo sát, các tiêu chí về quy hoạch của các khu kinh tế này đạt điểm khá thấp, thể hiện chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với khả năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa đảm bảo sự liên kết các ngành trong KKTB, chưa tạo được các động lực tăng trưởng lớn cho toàn bộ kinh tế của địa phương cũng như tạo lực hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các KKTB này. 4. THẢO LUẬN NGHIÊN CỨU Trong giai đoạn 2017 - 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng chính quyền đo các tỉnh Bắc Trung Bộ đã nỗ lực thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của các KKTB, nâng cao năng lực phục vụ các doanh nghiệp trong khu kinh tế, phát triển kinh tế biển của địa phương. Đặc biệt, sự đầu tư hiện đại hóa hệ thống cảng biển, phát triển các trung tâm logistics, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hải quan cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các KKTB Bắc Trung Bộ giữ vững được đà tăng trưởng và phát triển. Hạ tầng du lịch biển được nâng cấp khá nhiều trong giai đoạn 2017 - 2019, tuy chững lại vào năm 2020 nhưng vẫn tạo được nền tảng để quay trở lại phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng trong và ngoài nước sau dịch. Đặc biệt, nhờ quá trình đầu tư, phát triển và hoàn thiện của cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội mà các địa phương Bắc Trung Bộ đã thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn (ví dụ như Thanh Hóa đứng thứ ba toàn quốc về tổng vốn đăng ký đầu tư năm 2019), biến bất lợi thành lợi thế khi đầu tư phát triển các trung tâm điện gió với 08 nhà máy xây dựng tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Tuy nhiên, tại một số KKTB như: Đông Nam Quảng Trị, Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn kém phát triển, tốc độ triển khai xây dựng còn chậm. Đặc biệt, do chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp lớn, nên nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu kinh tế còn bị giới hạn bởi nguồn vốn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh Bắc Trung Bộ đều là các tỉnh nghèo, thu ngân sách hạn chế, do đó, nguồn vốn đối ứng phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các khu kinh tế bị hạn chế rất nhiều. Các hạn chế này chủ yếu là do những nguyên nhân sau: Thứ nhất, về vị trí địa lý và kinh tế vĩ mô của các tỉnh, của vùng: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của khu vực Bắc Trung Bộ nằm khá xa các trung tâm kinh tế lớn, các cực tăng trưởng công nghiệp của cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt, thời tiết nóng vào mùa hè, nhiều bão, thường xuyên lũ lụt vào mùa mưa gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, nhất là làm gián đoạn hoạt động kinh doanh du lịch trong năm. 754
  13. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ còn thấp, nền kinh tế phát triển kém năng động, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật lạc hậu, dẫn tới khi phát triển các KKTB trong khu vực, đòi hỏi cần có nguồn vốn đầu tư lớn nhằm phát triển đồng bộ, hiện đại. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của nhiều địa phương như: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế còn thấp, mặc dù có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương nhưng khả năng đối ứng thấp, dẫn tới chậm trễ trong triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển KKTB trong khu vực. Thứ hai, chính sách phát triển hạ tầng khu kinh tế và KKTB còn đơn điệu, cứng nhắc. Chính sách thu hút đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hầu như chưa có, trong khi khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp chưa cao. Điều này tạo nên vòng luẩn quẩn, khiến nhiều KKTB như: Đông Nam Quảng Trị, Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) hầu như “giậm chân tại chỗ”, tỷ lệ lấp đầy rất thấp, gây lãng phí trong đầu tư, phát triển các KKTB của các địa phương. Thứ ba, quy trình quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng KKTB chưa khoa học và hiệu quả, đặc biệt việc có quá nhiều quy hoạch (tổng thể, chi tiết, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành, của bản thân KKTB…) nhưng chất lượng chưa đảm bảo, gây ra tình trạng chồng chéo, dễ bị điều chỉnh. Các quy hoạch hạ tầng thiếu tính liên kết, chỉ khai thác các lợi thế trước mắt khiến việc đầu tư vào phát triển hạ tầng các KKTB hiện còn mang tính tràn lan, gây lãng phí nguồn vốn. Trong quy hoạch các KKTB trước đây, việc lựa chọn vị trí địa lý của các khu kinh tế thường là các vùng kém phát triển, nhu cầu đối với phát triển hạ tầng hiện đại, đồng bộ rất cao. Đồng thời, do hạ tầng sẵn có của các KKTB là khá lỗi thời, trong khi chưa thể thu hút ngay các nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực, đã tạo tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp trong bối cảnh các ngành công nghiệp bổ trợ, logistic của Việt Nam còn rất kém phát triển. Thứ tư, nhận thức của chính quyền địa phương trong phát triển hạ tầng các KKTB đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, tuy nhiên, do hạn chế về chất lượng nhân lực (đội ngũ lãnh đạo và cán bộ quản lý nhà nước đối với KKTB ở địa phương) dẫn tới chất lượng của công tác quản lý chưa cao, nhất là việc tổ chức thực thi chính sách của Trung ương còn bị động, dàn trải; chậm xác định thứ tự ưu tiên trong phát triển cơ sở hạ tầng KKTB, dẫn tới hiệu quả đầu tư công chưa cao; khả năng tham mưu chính sách cho tỉnh còn thấp, thiếu sự đa dạng và đột phá trong các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng khu kinh tế của địa phương. Năng lực dự báo của các đơn vị chuyên môn của tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài chính…) chưa cao, thiếu chủ động, sáng tạo trong tham mưu, kiểm tra, giám sát hoạt động phát triển hạ tầng KKTB, dẫn tới sự thiếu bền vững, thiếu đồng bộ trong phát triển hạ tầng của các KKTB Bắc Trung Bộ thời gian qua. 755
  14. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Để phát triển các KKTB bền vững, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp có trình độ khoa học công nghệ cao, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, đòi hỏi các địa phương cần tạo nên các lợi thế cạnh tranh bền vững. Một trong những lợi thế cạnh tranh bền vững đó là việc địa phương có khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của các ngành mũi nhọn trong các KKTB. Đối với các KKTB khu vực Bắc Trung Bộ, do hạn chế về nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng của đa số các KKTB của vùng còn khá lạc hậu, dẫn đến cái “vòng luẩn quẩn”: kinh tế kém phát triển  cơ sở hạ tầng kém phát triển  khó thu hút nhà đầu tư thứ cấp  khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực. Để có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này, chính quyền địa phương cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau: Thứ nhất, tăng cường chất lượng xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho các KKTB Thông qua việc rà soát và bổ sung kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên vùng ven biển Bắc Trung Bộ của Chính phủ, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh đến năm 2030; cần tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của các KKTB Nghi Sơn và Vũng Áng, coi đây là động lực kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ, là đầu tàu trong phát triển các ngành công nghiệp của vùng. Các địa phương cần rà soát, đánh giá đầy đủ hiệu quả, tác động của các chính sách mà tỉnh đã áp dụng trong phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của các KKTB thời gian qua, từ đó bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn tới 2030. Các địa phương cần nhanh chóng thống kê các hạng mục đầu tư của các dự án trong các KKTB, đánh giá hiệu quả đầu tư của các dự án đã đăng ký. Đối với các dự án chậm tiến độ, cần nhanh chóng đề xuất biện pháp hỗ trợ hoặc xử lý. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành nguồn lực lớn cho việc khuyến khích phát triển các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp có tính lan tỏa cao, phù hợp với khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư phát triển của địa phương trong điều kiện hiện nay. Đặc biệt cần cân nhắc việc phát triển các cụm công nghiệp nặng trong các KKTB với quy mô vừa phải, ưu tiên nhiều hơn cho phát triển các lĩnh vực du lịch, các ngành công nghiệp sản xuất và chế biến gắn với nông nghiệp, ngư nghiệp. 756
  15. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Thứ hai, tăng cường tính liên kết trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật các KKTB khu vực Bắc Trung Bộ Các địa phương cần xem xét lại việc phát triển các cảng biển trong khu vực. Cả 6 tỉnh của khu vực Bắc Trung Bộ đều có cảng biển, tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành, chỉ có hai cảng lớn là Cảng Nghi Sơn và Cảng Vũng Áng là có sự đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển mạnh mẽ. Các địa phương cần đánh giá lại một cách khách quan tính khả thi trong phát triển hệ thống cảng. Nếu không thực sự cần thiết thì có thể tập trung nhiều hơn trong phát triển hệ thống chuỗi logistics và du lịch thay vì tập trung phát triển các cảng biển. Thứ ba, tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật các KKTB Việc thu hút các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng vào các KKTB Bắc Trung Bộ hiện nay là một trong những khó khăn của các nhà quản lý KKTB, nhất là đối với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, KKTB Hòn La (Quảng Bình), KKTB Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Để tăng cường thu hút vốn đầu tư cho các KKTB, nhất là vốn phát triển cơ sở hạ tầng khu kinh tế, cần linh hoạt trong phương thức kêu gọi. Các KKTB không nên tuần tự tiến hành từ việc xây dựng quy hoạch, kêu gọi vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, rồi mới kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các khu kinh tế. Thay vào đó, đối với các lĩnh vực sản xuất không cần đòi hỏi quá cao về sự đồng bộ của kết cấu hạ tầng, khu kinh tế có thể kêu gọi họ vào tổ chức sản xuất, đồng thời với đó tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Các địa phương cần xây dựng lại cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư, không nên chỉ tập trung vào ưu đãi thuế và đất đai; không thực hiện kêu gọi và ưu đãi đầu tư bằng mọi giá. Thay vào đó, các địa phương cần chú trọng thu hút, ưu đãi cho nguồn vốn đầu tư xanh, sạch, có tiềm lực khoa học kỹ thuật, có hàm lượng chế biến sâu. Đặc biệt, cần ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, góp phần chuyển giao kỹ năng lao động và công nghệ cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, xây dựng trong các KKTB. Tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư, nhanh chóng phát hiện và chấn chỉnh những vi phạm của doanh nghiệp trong đầu tư, xây dựng trong các KKTB. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Arvind Panagariya (2019), Jobs, Growth and coastal Economic zones. 2. Central Asia Regional Economic Cooperation (CAREC) Secretariat and Asian Development Bank (2018), Strategic Framework for Special Economic Zones and Industrial Zones in Kazakhstan. Manila: Asian Development Bank. 3. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (2017 - 2021), Báo cáo tổng kết các năm 2017 - 2021. 757
  16. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 4. Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (2017 - 2021), Báo cáo tổng kết các năm 2017 - 2021. 5. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (2017 - 2021), Báo cáo tổng kết các năm 2017 - 2021. 6. Khu kinh tế Hòn La (2017 - 2021), Báo cáo tổng kết các năm 2017 - 2021. 7. Khu kinh tế Nghi Sơn (2017 - 2021), Báo cáo tổng kết năm 2017 - 2021. 8. Khu kinh tế Vũng Áng (2017 - 2021), Báo cáo tổng kết năm 2017 - 2021. 9. OECD (2019), Toward best practice guidelines for the development of economic zones, a contribution to the Ministerial conference by Working group 1, P.5. 758
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0