intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển ngân hàng số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Phát triển ngân hàng số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" tìm hiểu kinh nghiệm phát triển NHS tại một số quốc gia trên thế giới, thực trạng phát triển NHS tại Việt Nam từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển hệ thống NHS ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển ngân hàng số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

  1. PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG SỐ TRONG THỜI ĐẠI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Phạm Thị Ngọc Ly1 Tóm tắt Hiện nay, công nghệ và các ứng dụng mới trong ngành ngân hàng đang giúp các giao dịch diễn ra nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Đã có rất nhiều ngân hàng quan tâm đến việc phát triển ngân hàng số (NHS) và đang từng bước triển khai, điều này đã thể hiện trong chiến lược cũng như thực tế hoạt động của các ngân hàng. Tuy nhiên, phát triển NHS ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt về khuôn khổ pháp lý, công nghệ, kỹ thuật và thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng mới của khách hàng. Bài viết tìm hiểu kinh nghiệm phát triển NHS tại một số quốc gia trên thế giới, thực trạng phát triển NHS tại Việt Nam từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển hệ thống NHS ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, Công nghệ thông tin, Ngân hàng số, Ngân hàng thương mại. 1. Đặt vấn đề Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tạo ra những đột phá mới trong ứng dụng công nghệ, với sự hội tụ của những công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây và siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)…đang thúc đẩy sự thay đổi, tạo ra sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin (CNTT), làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra tại các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội bao gồm cả lĩnh vực tài chính ngân hàng. Theo nghiên cứu của tác giả Vũ Hồng Thanh (2020), có bảy xu hướng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động dịch vụ ngân hàng đó là: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI): Trong triển khai các dịch vụ khách hàng, cụ thể là chatbot và robot nhằm cho phép người dùng truy cập 24/7 để thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Công nghệ này giúp các ngân hàng đưa ra các quyết định quản lý rủi ro, cho vay và tăng cường bảo mật. Công nghệ chuỗi khối (blockchain): Công nghệ này được dự doán là xu thế của tương lai bởi tính minh bạch, bảo mật và chi phí tương đối thấp. Blockchain được ứng dụng trong các hoạt động ngân hàng như chuyển khoản, xây dựng hệ thống nhận diện khách hàng dựa trên sổ cái phân tán, cho phép người dùng xác minh danh tính một cách dễ dàng. 1 Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, Email: ptnly@kontum.udn.vn, Số điện thoại: 0963121069 908
  2. Dữ liệu lớn (Big Data): lượng dữ liệu được tạo ra bởi các giao dịch trong ngân hàng là rất lớn. Việc phân tích dữ liệu lớn không chỉ giúp xác định xu hướng thị trường mà còn giúp các ngân hàng hợp lý hóa các quy trình nội bộ và giảm rủi ro để duy trì các lợi thế cạnh tranh. Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA): Được ứng dụng trong các hoạt động thường ngày của ngân hàng như trả lời, tư vấn cho khách hàng và ra quyết định cho vay nhanh chóng...Việc này giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí hoạt động và giảm thiểu sai sót. Giao diện giọng nói (Chatbot): Được thiết kế dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ này giúp khách hàng kết nối với ngân hàng theo cách mà họ mong muốn. Hiện các ngân hàng trên thế giới đã triển khai công nghệ này để giảm chi phí và đáp ứng mong đợi của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Giao diện lập trình ứng dụng (API) mở: Hỗ trợ các ngân hàng tiếp cận đến dữ liệu khách hàng một cách dễ dàng thông qua việc dữ liệu của khách hàng được tạo sẵn cho các bên thứ ba không có mối quan hệ chính thức với các ngân hàng. An ninh mạng: Là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng nhằm hạn chế rủi ro. Các ngân hàng hiện đang áp dụng các giải pháp về công nghệ bảo mật hiện đại kết hợp với xây dựng quy trình quản trị rủi ro an ninh mạng hiệu quả. Ở Việt Nam ngành ngân hàng hiện đang tập trung phát triển các ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ số đặc biệt các hình thức thanh toán điện tử được triển khai áp dụng rộng rãi kể cả các hoạt động trung gian thanh toán (ví điện tử, cổng thanh toán…) luôn được đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán, thuận tiện, tích hợp chặt chẽ với các ngành, các lĩnh vực khác. Theo khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, 96% ngân hàng tham gia khảo sát đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, trong đó 92% ngân hàng phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile, 48% có chiến lược về tự động hóa, 16% chú ý đến chiến lược IoT, 100% ngân hàng có kế hoạch mở rộng hợp tác với các công ty Fintech để cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng liên quan đến các lĩnh vực: thanh toán (92%); dịch vụ ngân hàng số (76%); dữ liệu lớn - Big data (68%); công nghệ Blockchain (16%) (Trần Linh; 2020). Với mô hình NHS không những giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như công sức khi thanh toán, mua sắm trực tuyến mà còn có thể phục vụ tốt hơn nhiều đối tượng khách hàng, thậm chí cả những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, giúp ngân hàng nâng cao lợi thế cạnh tranh hiệu quả so với đối thủ. NHS cũng giúp tạo ra sản phẩm độc đáo, giá trị cao, đáp ứng được đa dạng đối tượng khách hàng. Việc phát triển 909
  3. và đưa vào sử dụng NHS mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho ngân hàng (Nguyễn Thu Thủy & ctg; 2020) Tuy nhiên, để bắt kịp nhịp độ phát triển của hệ thống NHS ở các nước trên thế giới, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: sự tụt hậu về công nghệ, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, thói quen của người tiêu dùng... Theo Phạm Thị Phương Anh (2019), việc nghiên cứu, chủ động ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 còn rời rạc và chỉ diễn ra chủ yếu ở các tổ chức ngân hàng lớn - là nhóm có thế mạnh sẵn có về khoa học - công nghệ trước đó nhận thức được tầm quan trọng của CMCN 4.0. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít tổ chức ngân hàng đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc chưa có động thái gì. Nhóm này chủ yếu là các ngân hàng có quy mô nhỏ, nền tảng khoa học - công nghệ còn hạn chế, chưa bắt kịp được xu thế thay đổi của CMCN 4.0 trong nước và trên thế giới. Cũng theo Nguyễn Thế Anh (2020), mặc dù NHS đã được triển khai ở nhiều NHTM Việt Nam nhưng kết quả còn hạn chế, mức độ còn đơn giản, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ số. Một số sản phẩm là cốt lõi của ngân hàng nhưng vẫn đang trong quá trình số hóa, chưa cung cấp được dịch vụ tới khách hàng… Vì vậy, trên cơ sở tìm hiểu kinh nghiệm phát triển NHS tại một số quốc gia trên thế giới và thực trạng phát triển NHS tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển hệ thống NHS ở Việt Nam trong bối cảnh mới. 2. Kinh nghiệm phát triển NHS ở một số quốc gia trên thế giới Ngân hàng CitiBank - Mỹ Citibank là một trong những ngân hàng lớn của nước Mỹ. Ngân hàng cung cấp một hệ thống dịch vụ chất lượng tốt, phong phú và đa dạng cho nhiều đối tượng khách hàng. Trong quá trình phát triển các dịch vụ ngân hàng, Citibank đã liên tục đổi mới, cải tiến chất lượng, tận dụng lợi thế công nghệ để không ngừng đem lại khách hàng những trải nghiệm mới, tiện lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu tài chính toàn diện của khách hàng cá nhân, các DN, các định chế tài chính và các tổ chức của chính phủ… bao gồm các kênh phân phối tự động, phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến, nâng cao tiện ích như Phonebanking, Internetbanking, Contract center, công nghệ sinh trắc học giọng nói….Điều này đã mang lại khả năng cung cấp dịch vụ vượt trội mà không cần chi phí vốn quá lớn. Đồng thời, các dịch vụ mới được tạo ra trên cơ sở hiểu biết và nắm bắt rõ nhu cầu của khách hàng, do đó các dịch vụ mà Citibank thiết kế rất sáng tạo, linh hoạt và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, thông qua việc tận dụng hệ thống mạng lưới toàn cầu và những nhân viên có kiến thức sâu rộng, Citibank tập trung vào hoạt động kinh doanh quốc tế và rất 910
  4. thành công trong việc cung cấp các dịch vụ về ngoại hối và giao dịch phái sinh. Qua danh mục các tiện ích của Citibank có thể thấy ngân hàng đã khai thác, tận dụng tối đa các phương tiện công nghệ hiện đại để phát triển các loại hình dịch vụ. Đồng thời, Citibank còn luôn chú trọng đến việc đảm bảo an toàn, bí mật thông tin khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch. Chính vì sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại nên Citibank có thể đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng, khắc phục hạn chế về mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch; Tăng tối đa thời gian giao dịch của khách hàng trong khi có thể giảm thiểu chi phí về nhân sự cũng như thuê địa điểm…(Nguyễn Thị Hồng Yến & cộng sự; 2017) Ngân hàng DBS và UOB - Singapore Ngân hàng DBS được thành lập năm 1968 tại Singapore. Đây được xem là ngân hàng số đầu tiên trên thế giới. Ưu điểm nổi trội của DBS là ứng dụng công nghệ thông minh, khả năng bảo mật cao đem lại sự an tâm cho khách hàng. Khi cần sử dụng dịch vụ của ngân hàng, khách hàng có thể thông qua Wechat hoặc Whatsapp để kết nối với ngân hàng đồng thời chọn những câu lệnh như: kiểm tra tài khoản, thanh toán hóa đơn, DBS sẽ tự động thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ giao dịch một cách nhanh chóng. Ngân hàng UOB được thành lập vào năm 1935 với tư cách là Ngân hàng Trung Hoa, là một tổ chức ngân hàng đa quốc gia có trụ sở tại Singapore và nhiều chi nhánh ở các nước Đông Nam Á. Đây là ngân hàng lớn thứ ba trong Đông Nam Á tính theo tổng tài sản” (“United Overseas Bank,” n.d). Mặc dù UOB không đặt vấn đề ngân hàng số 100% qua kênh mobile như DBS, tuy nhiên, UOB có cách đặt vấn đề toàn diện hơn về ngân hàng số, đó là, chi nhánh được thiết kế và xây dựng theo mô hình tích hợp với công nghệ. Thiết kế không gian theo hướng hỗ trợ giao dịch tự động với khách hàng và cũng phục vụ khách hàng qua các quầy giao dịch truyền thống. Có thể thấy DBS và UOB đều đầu tư nguồn lực tài chính và nhân sự để phát triển ngân hàng số. Ngoài ra, cả hai ngân hàng trên đều xây dựng hệ sinh thái bao gồm ngân hàng làm đầu mối cung cấp các sản phẩm dịch vụ, bên thứ ba phối hợp với ngân hàng cung cấp các dịch vụ, tích hợp đa kênh để đảm bảo quá trình giao dịch và trải nghiệm của khách hàng là giống nhau ở bất cứ kênh cung cấp dịch vụ nào. Mặt khác, DBS và UOB đều nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ cụ thể là phần mềm lớp giữa với sự linh hoạt, dễ dàng tích hợp với các kênh phân phối (Đinh Thị Thanh Vân & cộng sự; 2019). 911
  5. Ngân hàng Siam Bank và Krung Thai Bank - Thái Lan Siam Bank và Krung Thai Bank là một trong số các ngân hàng ở Thái Lan đang từng bước ứng dụng công nghệ số trong dịch vụ ngân hàng. Siam Bank Thai Lan cho phép khách hàng tạo lệnh sẵn từ kênh Mobile và thực hiện giao dịch thông qua scan QR code. Ngoài ra, ngân hàng này đặt vấn đề giao dịch không giấy với khách hàng. Krung Thai Bank đã chuyển đổi sang hệ thống NHS bao gồm: Hệ thống quản lý tích hợp đa kênh, hệ thống quản lý thẻ, hệ thống Internet Banking, hệ thống Mobile Banking và hệ thống giao dịch tại chi nhánh. Thời gian chuyển đổi là 3 năm. Năm 2015, ngân hàng trang bị giải pháp quản lý tích hợp đa kênh (Omni-Channel) và một giải pháp quản lý thẻ độc lập. Hệ thống quản lý thẻ được tích hợp với hệ thống OmniChannel. Năm 2016, ngân hàng tích hợp hệ thống Internet banking và Mobile banking vào hệ thống Omni-channel. Năm 2017, ngân hàng đã tích hợp hệ thống giao dịch tại chi nhánh (Branch teller) vào hệ thống Omni-channel (Định Thị Thanh Vân & cộng sự; 2019). Ngân hàng số ở Ấn Độ Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia có chỉ số chấp nhận công nghệ tài chính cao nhất thế giới, đứng thứ 2 sau Trung Quốc, với 52% trong năm 2017. Quốc gia này dự kiến sẽ tăng chỉ số này lên để sớm đứng đầu thế giới. Điều này cho thấy xu hướng phát triển dịch vụ tài chính số ở Ấn Độ đang tăng cao trong các năm gần đây. Để tạo môi trường thuận lợi cho mục tiêu số hóa ngân hàng, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Công ty Thanh toán Quốc gia (NPCI) với vai trò là cơ quan chủ quản trong việc vận hành các hệ thống thanh toán bán lẻ tại Ấn Độ, đem lại sự chuẩn hóa trong hoạt động thanh toán bán lẻ; Cung cấp mã số định danh công dân (Aadhaar) và khởi động nền tảng BHIM Aadhaar – một hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ sinh trắc học, cho phép người sử dụng chuyển tiền qua scan dấu vân tay… nhằm hướng tới mục tiêu ba không đó là không hiện diện, không tiền mặt và không giấy tờ; Phát triển ví điện tử dựa trên cổng thanh toán hợp nhất UPI, hệ thống thanh toán số được thiết lập bởi NPCI với mục tiêu đơn giản hóa các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng trên nền tảng ứng dụng di động, cho phép tích hợp các tài khoản ngân hàng trên cùng một ví điện tử, từ đó gia tăng tiện ích cho khách hàng. Cùng với các chính sách thiết lập hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử như trên, Chính phủ Ấn Độ còn ban hành nhiều cơ chế khuyến khích khác như giảm thuế, khấu trừ thuế…cho thu nhập được thanh toán điện tử hoặc các giao dịch có chứng từ điện tử. Đồng thời, ban hành hạn mức giá trị thanh toán điện tử bắt buộc cho các giao dịch kinh tế nhằm hạn chế giao dịch tiền mặt. 912
  6. Nhìn chung, Chính phủ Ấn Độ đang hướng tới việc xây dựng một xã hội phi tiền mặt, sử dụng nhiều hơn các giao dịch số trong tương lai. Việc xây dựng các hệ thống chung, vững chắc như mã số Aadhaar, hay các hệ thống thanh toán chung... của Chính phủ cũng sẽ là bước tiền đề giúp cho các ngân hàng tại Ấn Độ dễ dàng hơn trong việc số hóa hoàn toàn hệ thống. (Nguyễn Thu Thủy và cộng sự; 2020) Ngân hàng số ở Trung Quốc Trung quốc là quốc gia có số lượng nhiều các ngân hàng xếp hàng đầu trong danh sách những ngân hàng lớn nhất thế giới với sự ra đời và phát triển nhanh chóng của cộng đồng Fintech đã đem lại nhiều thành tựu to lớn cho quốc gia này đặc biệt là phát triển tiền kỹ thuật số hoặc thu hút được lượng vốn đầu tư khổng lồ… Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển cho các NHS thông qua các chính sách khuyến khích tài chính tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển của Internet và CNTT, bảo vệ người dùng dịch vụ NHS thông qua quy định về quản lý ngân hàng điện tử, tăng cường bảo mật thông tin và quản trị rủi ro của hoạt động kinh doanh ngân hàng điện tử dựa trên nguyên tắc Basel... Khung pháp lý về tài chính kỹ thuật số được chính phủ Trung Quốc xây dựng với mục tiêu là dành không gian nhất định cho việc phát triển tài chính Internet dựa trên 5 nguyên tắc: (1) Nâng cao hiệu quả và khả năng của dịch vụ tài chính, (2) Tài chính số phải góp phần phân bổ hiệu quả nguồn lực và xây dựng tài chính ổn định, không được gây ra biến động giá đột ngột hoặc làm tăng chi phí tài chính, (3) Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, (4) Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải tham gia cạnh tranh công bằng và tuân thủ các yêu cầu pháp lý, (5) Cân bằng sự giám sát của chính phủ và tính kỷ luật ngành. “Bộ đầy đủ" của chuyển đổi kỹ thuật số của Trung Quốc bao gồm các công nghệ: Internet di động, Dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây, blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI). Trung Quốc có đủ điều kiện và tiềm lực để phát triển mạnh mẽ theo hướng số hóa, Chính phủ Trung Quốc luôn kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ các ngân hàng bằng khung pháp lý đầy đủ, định hướng phát triển rõ ràng, quy định đầy đủ để bảo vệ người tiêu dùng, khuyến khích tài chính tiêu dùng. (Nguyễn Thu Thủy và cộng sự; 2020) Kinh nghiệm quốc tế khi triển khai ngân hàng số - Thay đổi mô hình kinh doanh: Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình NHS nên các ngân hàng tiết kiệm được khá nhiều chi phí hoạt động cho các chi nhánh vật lý. NHS hoạt động dựa trên nền tảng điện toán đám mây, sử dụng Big Data để tính toán khoản tiền vay và thiết lập các điều khoản, ví dụ như Citibank nhờ đó 913
  7. mà có thể vừa khắc phục hạn chế về mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch, vừa có thể tăng tối đa thời gian giao dịch của khách hàng và giảm thiểu chi phí về nhân sự cũng như thuê địa điểm trong khi vẫn đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. - Hỗ trợ giao dịch với khách hàng: + Sử dụng công cụ hỗ trợ giao dịch với khách hàng: thông qua Wechat hoặc Whatsapp để kết nối giữa khách hàng với ngân hàng (DSB- Singapore); thông qua Mobile, QR code để thực hiện giao dịch không giấy với khách hàng (Siam Bank Thai Lan); một số ngân hàng còn nhận diện kỹ thuật số an toàn bằng sinh trắc học khuôn mặt, giọng nói, hành vi phục vụ xác thực qua điện thoại (Citibank - Mỹ, BHIM Aadhaar - Ấn Độ) để thay thế hoàn toàn hệ thống nhận dạng truyền thống bằng thông tin cá nhân. + Chăm sóc khách hàng: việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chăm sóc khách hàng cũng được phát triển rộng rãi, nhiều ngân hàng thiết kế kênh giao dịch tự động với khách hàng ngoài các quầy giao dịch truyền thống (UOB - Singapore), vận hành hệ thống bán lẻ đem lại sự chuẩn hóa trong hoạt động thanh toán bán lẻ, mở rộng và phát triển thêm các sản phẩm mới, tích hợp các tài khoản ngân hàng trên cùng một ví điện tử… nhằm đem lại tiện ích lớn nhất cho khách hàng (NPCI - Ấn Độ), thiết lập các dịch vụ mới trên cơ sở hiểu biết và nắm rõ nhu cầu khách hàng (Citibank-Mỹ)… + Nâng cao trải nghiệm khách hàng: thông qua việc nâng cấp Core banking giúp loại bỏ các công đoạn không cần thiết, đơn giản hóa giao diện, dễ nhập liệu và khai thác thông tin trên hệ thống nhờ đó tăng tốc độ xử lý, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng: đa phần các NHS đều có dịch vụ chuẩn xác, tiện lợi, giao diện bắt mắt, thân thiện, tác vụ nhanh chóng. - Quản trị, vận hành: + Ứng dụng AI thành công trong việc tự động hóa đối chiếu sổ sách, tự động hỗ trợ kĩ thuật, IT, tích hợp đa kênh, vận hành hệ thống thanh toán bán lẻ, hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ sinh trắc học.. điển hình như Krung Thai Bank, BHIM Aadhaar…"Bộ đầy đủ" bao gồm các công nghệ: Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Điện toán đám mây, Blockchain ở Trung Quốc đã tạo điều kiện và tiềm lực mạnh mẽ để phát triển NHS. - Thay đổi định hướng nghiên cứu và phát triển sản phẩm: + Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại mà các NHS đã cải thiện quy trình đánh giá tín dụng và nắm bắt được sở thích cũng như hành vi của khách hàng qua hàng loạt các sản phẩm dịch vụ cung ứng, từ đó đưa ra các sản phẩm tài chính phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng. Điển hình cho việc liên tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tài chính để thâm nhập thị trường hoặc hỗ trợ thương mại điện tử phải kể đến dịch vụ ví điện 914
  8. tử dựa trên cổng thanh toán hợp nhất UPI của các NHS ở Ấn độ; sản phẩm cho vay tiêu dùng trực tuyến, dịch vụ quản lý tiền mặt… + Xu hướng chung của các tổ chức tài chính và công ty công nghệ là kết hợp với nhau để chuyển đổi từ sản phẩm có tính năng duy nhất (one-trick pony) sang sản phẩm đa tính năng. Từ tính năng nhắn tin, các công ty công nghệ chuyển đổi để trở thành nền tảng đa năng tích hợp dịch vụ của bên thứ ba là thanh toán và dịch vụ tài chính, DBS thông qua wechat hoặc Whatsapp để kết nối với ngân hàng, khách hàng chỉ cần đưa ra những câu lệnh như: kiểm tra tài khoản, thanh toán hóa đơn, DBS sẽ tự động thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ giao dịch một cách nhanh chóng nhất, Krung Thai Lan Bank đã tích hợp hệ thống Internet banking và Mobile banking vào hệ thống Omni-channel… - Có sự hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách: Sự phát triển của các NHS không thể thiếu sự hỗ trợ và ràng buộc từ các chính sách, khuôn khổ pháp lý của các quốc gia. Ví dụ như ở Trung Quốc đã xây dựng khung pháp lý về tài chính kỹ thuật số, dành không gian nhất định cho việc phát triển tài chính Internet, hoặc đưa ra các quy định về Quản lý ngân hàng điện tử, hướng dẫn về đánh giá mức độ bảo mật của NHS, xác nhận tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro và bảo mật của hoạt động kinh doanh ngân hàng, bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ NHS… Còn ở Ấn Độ ngoài các chính sách thiết lập hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử như trên, Chính phủ nước này còn ban hành nhiều cơ chế khuyến khích khác như giảm thuế, khấu trừ thuế…đối với các giao dịch điện tử nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ vào các dịch vụ ngân hàng. 3 . Thực trạng phát triển Ngân hàng số ở Việt Nam Lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu trong việc chuyển đổi số, áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động kinh doanh, quản lý. Năm 2018, lĩnh vực tài chính – ngân hàng gần như đã hoàn thiện giai đoạn một của chuyển đổi số. Cụ thể, theo khảo sát của NHNN năm 2018 thì có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó có 59% ngân hàng bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế, chỉ có 6% ngân hàng chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể (Hình 1). 915
  9. Hình 1. Số lượng ngân hàng triển khai, xây dựng chiến lược chuyển đổi số. (Nguồn: NHNN Việt Nam) Năm 2019, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực với những con số đáng khích lệ. Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy 6 tháng đầu năm 2019 giá trị giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238%. Còn theo thống kê của NHNN trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị giao dịch qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong năm 2019, các NHTM Việt Nam liên tục hợp tác liên kết với đối tác ngoại để triển khai các hình thức chuyển tiền quốc tế mới, một số trường hợp điển hình là: - Tháng 7/2019, TPBank hợp tác với UnionPay (Trung Quốc) về việc liên thông thanh toán cho phép hàng triệu khách hàng của UnionPay tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... khi sang Việt Nam du lịch có thể dễ dàng thanh toán tại các ĐCNTT mã QR Code, mPOS... - Tháng 9/2019, LienVietPostBank ký thỏa thuận hợp tác với Công ty BC Card - đơn vị triển khai các dịch vụ về thẻ lớn nhất Hàn Quốc. Theo đó, hai bên cùng nghiên cứu và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ thanh toán bằng mã QR trên Smartphone. Khách hàng Việt Nam sử dụng Smartphone được cài đặt thẻ phi vật lý Ví Việt của LienVietPostBank có thể mua sắm tại các cửa hàng là ĐCNTT của BC Card tại Hàn Quốc, bao gồm hầu hết các điểm mua sắm lớn, cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại… Giải pháp này hứa hẹn rất nhiều tiềm năng với thị trường Việt Nam khi số lượng người dân sở hữu thẻ tín dụng/thẻ quốc tế chỉ chiếm hơn 10% dân số và số lượng người Việt Nam đi du lịch, làm việc Hàn Quốc ngày càng tăng. Dự kiến, hai bên sẽ triển khai chính thức dịch vụ vào năm 2020, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam và Hàn Quốc về hạn mức tiêu dùng cá nhân tại nước ngoài, Luật Phòng chống rửa tiền và các quy định Pháp luật khác liên quan của hai nước. - Tháng 10/2019, BIDV và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) hợp tác với Tổ chức Thẻ nội địa Liên bang Nga cho phép du khách Nga đến Việt Nam có thể quẹt thẻ MIR (thẻ nội địa mang thương hiệu quốc gia của Liên bang 916
  10. Nga) tại toàn bộ hệ thống POS của BIDV trên toàn quốc, BIDV cũng đang nghiên cứu phương án triển khai chấp nhận thanh toán thẻ nội địa BIDV tại Liên bang Nga (Phạm Bích Liên & cộng sự; 2020) Hầu hết chiến lược ưu tiên của các NHTM trong giai đoạn này là: (1) nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới trong hệ thống quản lý, phục vụ khách hàng, (2) nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, (3) nâng cao uy tín, hình ảnh của ngân hàng trên truyền thông, (4) chuyển đổi hoạt động, quản trị ngân hàng theo các thông lệ quốc tế, (5) tập trung xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng ổn định. (Hình 2) Hình 2. Top 5 chiến lược ưu tiên của các NHTM trong năm 2019-2020 (Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các NHTM Việt Nam, tháng 6/2019) Năm 2020, theo số liệu khảo sát trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2019, từ 1,4 đến 2,6 lần và chiếm trên 40% tổng số giao dịch. Cá biệt, có một vài ngân hàng có tỷ lệ cao chiếm trên 80% tổng số giao dịch. Đặc biệt, trong thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự dịch chuyển rất mạnh cơ cấu giao dịch. Theo số liệu của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS), giao dịch rút tiền mặt từ ATM (chiếm gần 90% tổng số giao dịch) năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 26,6% trong năm 2020. Trong khi đó, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã tăng từ chỗ chỉ chiếm 1,1% năm 2015 lên 66,6% số lượng giao dịch vào năm 2020. Giá trị giao dịch cũng dịch chuyển tương ứng với tỷ trọng tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm từ 84,4% năm 2015 xuống chỉ còn 5,4% năm 2020; lượng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng 11 lần, từ 6,3% năm 2015 lên 93,5% năm 2020. 917
  11. Do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều ngân hàng thay đổi xu hướng phát triển khá rõ rệt. Các ngân hàng đã tập trung phát triển mảng bán lẻ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng một ứng dụng, giao dịch từ xa, trợ lý ảo… nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng luôn chú ý gia tăng các biện pháp đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin và tài sản cho khách hàng trong các giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty Fintech cũng được đẩy mạnh, giúp việc ứng dụng, phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại được nhanh hơn rất nhiều so với vài năm trước. Đại dịch COVID-19 toàn cầu dường như đã tạo ra cơ hội giới thiệu đến những người phản đối tương tác điện tử chuyển sang chấp nhận sử dụng các ứng dụng NHS như một thói quen bình thường mới. Đồng thời, trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 654/QĐ-TTg, ngày 19/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025: 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%...(Nguyễn Thế Anh; 2020). Thời gian gần đây có thể kể đến một số thành tựu nhất định trong số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như: Digital banking/Digital Lab; Timo Bank, ATM + LiveBank... Một số NHTM đã hợp tác thành công với các công ty Fintech để đưa công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như áp dụng sinh trắc học, sử dụng QR code, Tokenization, công nghệ mPOS, ví điện tử... Các NHTM cũng đã thực hiện những bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa bằng robot (RPA), chuỗi khối (Blockchain)... (Phạm Thị Bích Liên & cộng sự; 2020). Các xu hướng phát triển NHS ở Việt Nam tiêu biểu gồm: - Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI): một số sản phẩm dịch vụ ứng dụng AI có thể kể đến như ứng dụng trợ lý ảo T’Aio trên Facebook Messenger của TPBank; Chatbox hoạt động trên Fanpage của VietABank; Tự động hóa các quy trình đăng ký, thay đổi dịch vụ thông qua triển khai SMART FORM của MBBank; Sử dụng phần mềm tích hợp Watson do Five 9 thiết kế để phân tích thông tin của hàng triệu khách hàng, đánh giá và dự báo khả năng chi trả nợ của họ của BIDV... 918
  12. - Kết hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng với các công ty công nghệ lớn: Các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các Big tech cung cấp đang được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Hiện nay, một số Bigtech như Google, Facebook đang cung ứng các dịch vụ xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam. Trong lĩnh vực thanh toán, các tổ chức Bigtech hướng tới việc đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng bằng sự đổi mới và số hóa, cho phép người dùng thực hiện thanh toán tại điểm giao dịch cũng như thanh toán qua các nền tảng và ứng dụng thương mại điện tử. Các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam (FPT, Viettel, CMC, VNG, BKAV, VC Corp) cũng đang tiếp cận mảng cung ứng dịch vụ ngân hàng thông qua phát triển công cụ thanh toán điện tử, như WePay (VC Corp), Zalo Pay (VNG), Bảo Kim (VNP).. - Phát triển các ứng dụng NHS và ví điện tử: VPBank với dịch vụ NHS Timo Bank và ứng dụng NHS YOLO; Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digial Lab; MBBank cho phép khách hàng chuyển tiền qua ứng dụng Facebook; TPBank với việc cho ra mắt dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank; BIDV đưa ra thị trường ứng dụng ngân hàng di động BIDV SmartBanking với tiện ích QR Pay; Sacombank với ứng dụng thanh toán Sacompay, sử dụng phương thức xác thực 2 yếu tố; OCB với ứng dụng OCB OMNI; Techcombank ra mắt sản phẩm thẻ có công nghệ thanh toán không tiếp xúc; hay LienVietPostBank với thẻ phi vật lý Ví Việt. (Phạm Bích Liên & cộng sự;2020) Khó khăn, thách thức Mặc dù xu hướng NHS đã và đang phát triển ở Việt Nam, nhưng mức độ số hóa vẫn còn sơ khai, tốc độ còn chậm. Có thể kể đến một số khó khăn như: - Về cơ sở pháp lý: quy định pháp lý và sự điều chỉnh của cơ quan quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ nên cũng làm chậm quá trình ứng dụng công nghệ hiện đại và NHS. Ví dụ một số dịch vụ của các NHTM chưa thể triển khai 100% số hóa được một phần vì vấn đề xác thực người dùng, nhận diện khách hàng, hiện tại nhiều NH vẫn phải xác thực người dùng thông qua giấy tờ họ mang đến như chứng minh thư, ảnh, chữ kí của khách hàng… nên việc nhận diện khách hàng giao dịch thông qua chữ kí điện tử, chữ kí số và sinh trắc học còn gặp khó khăn khi thực hiện, có thể xảy ra rủi ro mà phía ngân hàng phải gánh chịu. Hoặc là, khi yêu cầu tất cả các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đều thông qua công nghệ số, từ mở tài khoản, nộp tiền, rút tiền, cho vay...thì hành lang pháp lý hiện chưa đầy đủ, bao quát hết các hoạt động trên đã dẫn đến việc triển khai NHS còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài những rào cản trên, thói quen của khách hàng cũng ảnh hưởng lớn đến việc triển khai NHS. Đại bộ phận người dân Việt Nam vẫn quen với các dịch vụ giao dịch truyền thống tại các chi nhánh, điểm giao dịch của ngân hàng, việc thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng là cả chặng đường dài. Bên cạnh đó, mức độ an toàn bảo mật thông 919
  13. tin của NHS cũng là một vấn đề cần xem xét. Một số vụ thất thoát tiền trong tài khoản gần đây và tình trạng số vụ các tổ chức tài chính bị hacker tấn công đã làm tăng thêm sự lo ngại từ phía khách hàng về mức độ an toàn và tin cậy khi giao dịch trên Internet. - Về công tác quản trị rủi ro: khi triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ có những rủi ro chung của hoạt động ngân hàng và rủi ro nội tại của hoạt động NHS. Tổ chức Tài chính quốc tế (MasterCard Foundation và IFC, 2018) chỉ ra những loại rủi ro chính khi triển khai dịch vụ tài chính/NHS đó là: rủi ro chiến lược, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro công nghệ, rủi ro tài chính, rủi ro gian lận. - Về chi phí đầu tư: để có thể số hóa toàn bộ hoạt động của ngân hàng thì chi phí bỏ ra là rất lớn. Các chi phí bao gồm chi phí đầu tư các dự án CNTT, đào tạo về mô hình quản lý mới, hỗ trợ về công nghệ, ứng dụng những quy trình mới và việc huấn luyện đội ngũ nhân viên… ví dụ như chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển AI, chi phí chuyển đổi Core Banking, chi phí liên quan đến việc hoàn thành thủ tục KYC (bao gồm cả định danh chi tiết và sinh trắc học)…trong khi ở Việt Nam, cùng chung bối cảnh với kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng sâu rộng của dịch Covid-19 nên cho tới hiện tại vẫn đang tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn. - Về nguồn nhân lực chất lượng cao: để triển khai được chiến lược NHS đòi hỏi các NHTM phải có sự đầu tư về CNTT và chuẩn bị về nguồn nhân lực có đủ năng lực vận hành, phát triển các dịch vụ số hóa trên các nền tảng công nghệ mới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT của nội bộ các NHTM Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được những yêu cầu của NHS. Việc thiếu hụt nhân lực CNTT cả về số lượng và chất lượng trong nội bộ các NHTM ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án nâng cấp hệ thống NHS. Bên cạnh đó, NHS cũng yêu cầu phía khách hàng phải hiểu biết và có kĩ năng thao tác nhất định. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào của các NHTM cũng có trình độ về CNTT có thể thực hiện được những thao tác cần thiết của các dịch vụ mà NHS triển khai. - Về quá trình ứng dụng công nghệ hiện đại: để ứng dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống NHTM cần có sự thay đổi lớn trong khi hiện vẫn còn nhiều NHTM có hệ thống ngân hàng lõi theo kiểu truyền thống với cấu trúc thiếu linh hoạt, hoạt động nguyên khối dẫn đến việc thay đổi hệ thống khá phức tạp, tốn kém chi phí và thời gian. Đây là một rào cản rất lớn trong việc thay đổi các quy trình hoạt động của NHTM. 4. Một số giải pháp phát triển hệ thống Ngân hàng số ở Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0 Về môi trường pháp lý: cần sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý trên nền tảng công nghệ số và thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ… cho thấy, cần có những chính sách tạo lập môi trường phát triển cho các NHS như nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo dựng nền tảng thông tin, tạo cơ sở dữ liệu công dân quốc gia, quy định về quy trình định danh khách hàng điện tử… 920
  14. Ngoài ra, những quy định về bảo vệ quyền lợi khách hàng trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng, chia sẻ dữ liệu, nhận biết khách hàng điện tử... cũng cần ban hành để tạo tâm lý yên tâm sử dụng cho khách hàng. Về mô hình kinh doanh: phát triển NHS là xu hướng chung của các ngân hàng trên thế giới nhằm hướng đạt mục tiêu bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, các NHTM Việt Nam cần từng bước nâng cao năng lực quản trị điều hành, hạn chế việc đầu tư mở rộng mạng lưới điểm giao dịch vật lý, xây dựng chiến lược và từng bước phát triển NHS, hay còn gọi là “Ngân hàng không chi nhánh” như một số ngân hàng trên thế giới đã thực hiện. Về quản trị rủi ro: đối với chiến lược phát triển, cần lựa chọn chiến lược, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, sản phẩm triển khai phù hợp với năng lực, xu hướng của thị trường; đối với hiệu quả hoạt động, cần xây dựng quy trình quản lý chuẩn mực của NHS và ít nhân sự tham gia vận hành, giảm rủi ro về sai sót, sai phạm của con người, kinh nghiệm quốc tế là ứng dụng AI trong việc tự động hóa đối chiếu sổ sách, tự động hỗ trợ kĩ thuật, IT, tích hợp đa kênh, vận hành hệ thống thanh toán bán lẻ, hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ sinh trắc học…ngoài ra, để kiểm soát rủi ro về lỗ hổng công nghệ hay những rủi ro liên quan đến hoạt động ngân hàng dẫn tới thiệt hại về tài chính, mất vốn, những rủi ro này có thể xuất phát từ rủi ro thanh khoản, thị trường, tín dụng…có thể xây dựng “bộ đầy đủ” của chuyển đổi kỹ thuật số như ở Trung Quốc, hay theo xu hướng là các tổ chức tài chính và công ty công nghệ kết hợp với nhau để chuyển đổi từ sản phẩm có tính năng duy nhất (one-trick pony) sang sản phẩm đa tính năng, xây dựng mô hình kinh doanh đột phá thông qua ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường sự thuận tiện, hạn chế rủi ro và tiết kiệm chi phí. Về chi phí đầu tư và nguồn nhân sự: hằng năm khi xây dựng kế hoạch ngân sách, các NHTM cần xem xét tỷ trọng các khoản chi đầu tư với các khoản chi tiêu, cân nhắc cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho đầu tư công nghệ. Cần xác định chi phí đầu tư rõ ràng, cụ thể đi đôi với kì vọng doanh thu tiềm năng trong tương lai. Ngoài ra, để phù hợp với mô hình kinh doanh mới, các ngân hàng cần phải thay đổi văn hóa kinh doanh, tổ chức lại bộ máy và cách thức quản lý chiến lược, đồng thời phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, nhận thức phù hợp trong môi trường mới. Theo kinh nghiệm của DBS và UOB có thể nhận thấy cả hai ngân hàng đều đầu tư nguồn lực tài chính và nhân sự để phát triển NHS, bộ phận NHS được thành lập đầy đủ với các cán bộ nghiệp vụ và CNTT, tương tự một công ty fintech. Các ngân hàng cần sắp xếp các hạng mục ưu tiên trong đầu tư để hoàn thiện công nghệ cốt lõi theo thứ tự trước khi hoàn toàn tập trung phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Kết luận 921
  15. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của nền kinh tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với xu hướng phát triển của này, các NHTM Việt Nam đã triển khai và đạt được một số thành công nhất định trong số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động tài chính - ngân hàng. Mặc dù các NHTM đang chịu nhiều thách thức bởi xu hướng công nghệ làm thay đổi phương thức giao tiếp, vai trò định vị của ngân hàng trong nền kinh tế, nhưng chắc chắn trong tương lai sắp tới ngân hàng vẫn đóng vai trò là xương sống của nền kinh tế. Do đó, nếu không nhanh chóng chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thì chiến lược chuyển đổi số của nền kinh tế cũng không thể thành công. Do vậy, để NHS có thể phát triển toàn diện ở Việt Nam, thời gian tới, các NHTM cần phải tăng cường hợp tác với các đối tác, tận dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0, tăng cường quản lý rủi ro… Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, hỗ trợ các ngân hàng bằng cách bổ sung hành lang pháp lý trên nền tảng công nghệ số và thông lệ quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đinh Thị Thanh Vân, Nguyễn Thanh Phương: Phát triển ngân hàng số: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, tạp chí ngân hàng số 4/2019, tải từ trang http://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-ngan-hang-so-kinh-nghiem-quoc-te-va- bai-hoc-cho-viet-nam.htm (2019) 2. Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Hà Thanh, Lê Thành Tuyên: Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế, tạp chí tài chính, kỳ 1 tháng 6/2020, tải từ trang https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/phat-trien-ngan-hang-so-tai-viet- nam-va-mot-so-kinh-nghiem-quoc-te-329622.html (2020) 3. Phạm Bích Liên, Nguyễn Ngọc Duẩn, Tô Thị Diệu Lan: Phát triển NHS tại Việt Nam, tạp chí NHS 4/2020, tải từ trang http://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-ngan- hang-so-tai-viet-nam.htm (2020) 4. Nguyễn Thế Anh (2020): Phát triển NHS cho các NHTM Việt nam, tạp chí NHS 17/2020, tải từ trang http://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-ngan-hang-so-cho- cac-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam.htm (2020) 5. Nguyễn Thị Hồng Yến, Nguyễn Chí Dũng: Một số kinh nghiệm phát triển dịch vụ ngân hàng, tạp chí tài chính kỳ 1 tháng 3/2017, tải từ trang https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/mot-so-kinh-nghiem-phat-trien-dich-vu- ngan-hang-119406.html (2017) 6. Phạm Thị Phương Anh (2019): CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra với các ngân hàng Việt Nam, Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2019 922
  16. 7.The MasterCard Foundation and IFC, Digital financial service and risk management, Available at http://documents1.worldbank.org/curated/en/226461531293264583/pdf/Digital- financial-services-and-risk-management-handbook.pdf 8. Trần Linh (2020): Phát triển ngân hàng số trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, Bài đăng trên tạp chí ngân hàng số 3/2020, tải từ trang https://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-cong-nghe-so-trong-linh-vuc-ngan-hang- tai-chinh.htm 9. Vũ Hồng Thanh (2020): Phát triển ngân hàng số: làm gì để nhanh và vững, tải từ trang https://bankingplus.vn/phat-trien-ngan-hang-so-lam-gi-de-nhanh-va-vung- 98736.html 923
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0