intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phê bình nghệ thuật bắt đầu (và kết thúc) ở thưởng thức

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

105
lượt xem
16
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Riêng tôi tôi nghĩ rằng, không ai sáng tác nghệ thuật bằng các nguyên lý nghệ thuật bằng các nguyên lý cả (văn học hay hội họa, thơ ca hay sân khấu, âm nhạc hay điện ảnh cũng vậy); mà nên quả quyết như ông Xêdan, cha đẻ của hội họa hiện đại, rằng khi ta cầm bút là quên đi tất cả những gì đã học được, và "con người trở thành một tiếng vọng hoàn thiện", của cuộc sống và thực tại. ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phê bình nghệ thuật bắt đầu (và kết thúc) ở thưởng thức

  1. Phê bình nghệ thuật bắt đầu (và kết thúc) ở thưởng thức 1. Riêng tôi tôi nghĩ rằng, không ai sáng tác nghệ thuật bằng các nguyên lý nghệ thuật bằng các nguyên lý cả (văn học hay hội họa, thơ ca hay sân khấu, âm nhạc hay điện ảnh cũng vậy); mà nên quả quyết như ông Xêdan, cha đẻ của hội họa hiện đại, rằng khi ta cầm bút là quên đi tất cả những gì đã học được, và "con người trở thành một tiếng vọng hoàn thiện", của cuộc sống và thực tại. Cũng không ai sáng tác nghệ thuật cho các nhà phê bình cả; mà người ta sáng tác bởi sự thưởng thức nghệ thuật của chính họ, và cho sự thưởng thức nghệ thuật của người đọc, người xem, người nghe v. v... Thưởng thức là một thái độ sống, một quan niệm sống có định hướng. Đọc, xem, nghe v. v... nghệ thuật lại cứ lăm lăm trong đầu óc hay trong bàn tay cái thước đo của nguyên lý (dù là triết, mỹ, xã hội hay đạo đức
  2. ...) thì rất trở ngại, nếu không nói rằng làm tan biến hoàn toàn màu sắc, hình vẽ, thi tứ, âm thanh của tác phẩm. Sự gặp gỡ phải có và phải chờ đợi giữa nghệ sĩ và công chúng là đặt cược hoàn toàn trên sự rung cảm chân thành, hướng theo một nhận thức thẩm mĩ vô tư và nhất định, nơi chỉ có tôn trọng và ưa mến lẫn nhau. Cũng cần nói thêm rằng cmả thức thẩm mỹ là cơ sở của thưởng thức nghệ thuật, và cả hai đều không thể thụ giáo bằng nguyên lý được. Làm nghề phê bình nghệ thuật thì tôi chắc ai cũng biết một câu nói ở nước ngoài rằng: các nhà phê bình nghệ thuật thì thời nào và ở đâu cũng nhiều, nhưng một nền phê bình nghệ thuật thì thời nào và ở đâu cũng hiếm. Câu nói đó, đối với ta chắc cũng không sai. Vì ở nước ta bất cứ một nhà báo, một người ham ăn nói, một người thích chỉ bảo, một thầy giáo trường phổ thông nào cũng có thể là nhà phê bình. Chỉ khốn một nỗi, và chính bởi vậy, mà cái nền phê bình nước nhà chưa ra sao. 2. Về sự phê bình nghệ thuật chỉ trông chờ vào những giá trị xã hội, đạo đức và chính trị v. v... thì tôi có được đọc một tỷ dụ ở nước khác, đó là ở Liên Xô, mà dưới cái nhìn của một nhà phê bình nghệ thuật
  3. Pháp mà chúng ta đều biết là ông Anđrê Risa (trong cuốn "Phê bình mỹ thuật") thì sự sản xuất tác phẩm tràn ngập và vô bổ từ năm 1921 tới khi Xtalin mất, là một tỷ dụ xấu, và, theo tài liệu của ông thì chính phủ Liên Xô, đã khước từ lối chính trị hóa văn nghệ từ bấy, sau 1953. Nhờ đó, một số họa sĩ ở các miền xa, như Acmêni và Xibêri đã thoát khỏi lối hàn lâm mà trở thành nhân vật. (Sách của ông Risa in năm 1964, ở Pari). Ở nước ta, như tôi hiểu, trong vài chục năm qua, nền phê bình chính thống cũng có phần vô hiệu, nếu không nói rằng trở ngại cho sáng tạo, bởi đặt vấn đề không đúng, mà điều tôi muốn nhặt ra để nói hôm nay là đã đặt nguyên lý trên thưởng thức. Đọc nhau, xem nhau, nghe nhau bằng nguyên lý là sự đọc, sự xem, sự nghe máy móc và vô duyên nhất, vì đánh mất con người nhiều nhất. Nguyên lý còn che đậy những bất lực về rung cảm nghệ thuật, ngọn lửa, và cái cân của một tác phẩm. Đã có lúc tôi nghĩ rằng, về phê bình văn chương, Hoài Thanh sau này khó viết được trang nào ý vị hơn trong Thi nhân Việt Nam, 1943, và về hội họa, Nguyễn Đỗ Cung không viết quá được bài Sống và vẽ đăng trong Xuân thu nhã tập, 1940, mặc dù cả hai ông sau này đều tỉnh táo và thông thái hơn nhiều.
  4. Nhiều nhà phê bình của thế hệ mới, vài chục năm qua viết nhiều, in nhiều, thành đạt nhiều, và có người lên đến bậc giáo sư. Nhưng sự trơn tru (như tượng bằng thạch cao), cái gì cũng đủ cả, có phải, có trái, có dưới, có trên, có sau, có trước, đầy những "nhưng mà", "tuy nhiên", "đồng thời", "vả lại" ... Sự nói cái gì cũng đúng cả, trong thực tế có nghĩa là không nói gì cả, không suy nghĩ gì cả và không có ích gì cả. Nhiều chữ đấy, nhưng ít nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. 3. Tôi tán thành rằng để làm việc (dạy học hay tranh luận chẳng hạn) chúng ta cũng cần nguyên lý. Nhưng tôi lại muốn rằng những nguyên lý đó phải thay đổi, tuỳ theo nhịp sống của nghệ thuật. ít có những nguyên lý đúng mãi cho một đoạn đường dài. Nhiều ngành khoa học bây giờ, mà trước nhất là kinh tế học, đã nêu cái thực trạng rằng những mặt ổn định trong đời sống nhân loại ngày nay là ít hơn những mặt không ổn định, những mặt đối xứng, những mặt hài hoà là ít hơn những mặt không hài hòa, những mặt hợp lý ít hơn là những mặt không hợp lý, những mặt chính xác là ít hơn những mặt chưa kiểm tra tính toán được. Riêng sinh lý học thì cho biết là đời sống vô thức là lớn hơn đời sống ý thức rất nhiều, và nghe nói toán học đã lập được "trường phái toán mơ hồ", cả ngành lôgich cũng đang nghĩ tới một "trường phái lôgich mơ hồ" vân vân và vân vân.
  5. Nếu những dữ kiện trên đây là trúng, thì ở nghệ thuật, ta phải thấy điều này là trật, những nguyên lý lâu nay ta vẫn quen dùng thường hướng về sự ổn định, đối xứng, hài hoà, chính xác, minh bạch ... là ít hiệu nghiệm cho đời sống thực. Liệu chúng có phải là thứ phồn vinh giả tạo của đầu óc không. Liệu đã cần lật trái cái mặt ta từng bỏ quên: nguyên lý của sự không ổn định, không đối xứng, không hài hoà, nguyên lý của cái mơ hồ chưa? Có lẽ như vậy nguyên lý mới đi gần với thưởng thức, những giác quan sinh động nhất trước thực tại, mà nhiều khi còn chính xác hơn. 4. Tôi xin nói rằng tôi hiểu chữ thưởng thức theo định nghĩa của cụ Đào Duy Anh - người mà chúng ta vừa chia vĩnh viễn - trong Hán Việt từ điển, là "Có yêu mến mới thiệt là biết". Định nghĩa này cụ viết năm 1932. Nhân tiện, tôi cũng xin giới thiệu mấy định nghĩa khác, mà tôi có sẵn trong tay như của Nguyễn Văn Khôn trong Tự điển Hán Việt của ông, là: "Thưởng ngắm mà biết cái hay cái đẹp"; hay của Thanh Nghị trong Việt Nam tân tự điển, là: "Xem mà biết cái hay, đẹp"; hay của nhóm Lê Khả Kế trong Tự điển Học sinh là: "Hưởng, nhận lấy cái hay, cái đẹp, cái ngon (bằng tâm hồn và giác quan)"; hay của nhóm Văn Tân trong Tự điển tiếng Việt, là "Xem để hưởng cái hay, cái đẹp", v. v ...
  6. Những định nghĩa này đều viết sau cụ Đào Duy Anh ba, bốn chục năm, và theo tôi là không hoàn hảo và sâu sắc bằng. Nghệ thuật đi tìm cái đẹp, và cái đẹp là một giá trị tinh thần, để thưởng thức chứ không phải để sử dụng (trừ mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc...). Điều đó cần được làm rõ ở cả hai bên, người sáng tác và người phê bình. Cái đẹp không bao giờ đến với chúng ta bằng con đường suy lý dông dài, giải thích chi ly vì những lợi ích khác. Quan hệ nghệ thuật là quan hệ "người" nhất, sâu kín, phức tạp, trừu tượng, nhưng đặc biệt là trực tiếp nhất. Tôi hiểu sự cảm thụ một bức tranh là đi ngay vào chính nó, và điều quan trọng nhất, có thể nói là từ bên trong. Về "Sự tiếp xúc với tác phẩm" tôi đã có trình bày một lần ở cuộc hội thảo khác cách đây mấy năm, sau có đăng trên tạp chí Sông Hương số 19 - 1986. Hiểu một hình tượng nghệ thuật là biết được những bí mật, niềm vui và nỗi đau của nó, nghĩa là đời sống của nó rung động trong chính nó.
  7. Đối với tôi, tôi chỉ thực hiện được điều đó khi thực sự thưởng thức nó, theo cảm thức và tâm trạng của mình, ngoài, và bỏ quên tất cả mọi nguyên lý. Thưởng thức giống như thực sự nếm, thực sự ăn và tiêu hóa vào bụng một món ăn. Còn nguyên lý, tôi sợ nó giống như đứng ngoài bàn ăn, nhìn vào cái đĩa mà phân tích, giảng giải bằng những điều đọc và hiểu món ăn đó qua sách dạy nấu nướng. Riêng khả năng của tôi là chỉ hiểu được cái mà tôi thực sự thưởng thức, ngay trong thực nghiệm của đời sống bản thân. Dĩ nhiên sự thưởng thức của một cá nhân là nằm trong nhận thức và điều kiện xã hội nhất định. Đó lại là một mệnh đề khác, rộng hơn, mà tôi không có ý đề cập tới hôm nay. Tôi chỉ xin nhắc lại cái định nghĩa thưởng thức mà tôi theo, là: "Có yêu mến mới thực là biết". Xin cho tôi được ngờ vực ngôn luận của các nhà phê bình không yêu mến gì tác phẩm và tác giả mà chỉ sử dụng các nguyên lý đến thành tật, còn trước đời sống của chữ nghĩa, của màu sắc, hình khối hay âm thanh thì ghẻ lạnh và vô cảm.
  8. 5. Khái niệm Einfuhlung mà mỹ học thế giới vẫn để nguyên tiếng Đức (bản thân tôi trong nhiều trường hợp đã dịch là "đồng cảm thẩm mỹ") thì gần đây tôi thấy một tác giả Pháp gọi là Co-naissance (cùng đẻ ra), và tôi cho là đúng hơn để chỉ sự hợp tác qua lại giữa người sáng tạo và người thưởng thức trong quá trình cảm thụ và hoàn thiện một hình tượng nghệ thuật. Theo khái niệm này, thì chính sự thưởng thức mới có khả năng nâng cao và khắc sâu hiệu quả thẩm mỹ của tác giả lên thêm một nửa. Hay nói ngược lại, sự không thưởng thức (hay không thưởng thức được) tác phẩm sẽ giết nó một nửa, mà có khi làm tắt hết mọi lối giao thông tinh thần. Hiểu một bức tranh, đối với tôi, thường xảy ra trong tình trạng tâm thần, là cùng với kiến thức của tôi về bức tranh đó, tôi biết được cả những điều ẩn giấu trong cuộc đời, trong đất trời, đẹp đẽ và xấu xí, ân huệ và tội lỗi, bao hàm cả những điều ấn giấu trong chính bản thân tôi mà từ trước tới nay tôi vẫn lẩn tránh nó, vì tôi đã trót chia mình làm thành hai nửa: người rượt đuổi nó, và người bị nó rượt đuổi.
  9. Trạng thái tâm thần đó là khi tôi mê mải trong thưởng thức, chứ không phải là tỉnh táo hay cảm giác bằng nguyên lý (mỹ học hay xã hội học, đạo đức hay chính trị ...). Tôi cho rằng có cái yêu cầu - không phải là tất cả - đối với người xem tranh, nghe nhạc, hay đọc thơ văn, và muốn có thành tựu nào đó về mỹ cảm trước một tác phẩm thì phải "đánh mất mình đi", hoàn toàn quên rằng mình là nhà phê bình hay nông dân, viện trưởng hay là lính, nhà báo hay công an, đảng viên hay ngoài đảng, trung ương hay làng xã. Đó là vì bản chất người và bản chất vô tư của cái đẹp. 6. Tôi không nói rằng chúng ta dừng ở thưởng thức: mà nói chỉ có bằng con đường thưởng thức thì người xem và nhà phê bình mới thực sự hiểu được tác phẩm. Hiểu được tác phẩm, ta mới có quyền phán xét, định đoạt và truyền thụ ý nghĩa và giá trị của nó cho người khác.
  10. Sau cùng là: phán xét, định đoạt và truyền thụ ý nghĩa và giá trị nghệ thuật của một tác phẩm cho người khác cũng là cốt để cho người đó thưởng thức, và cũng chỉ có thể gọi là có kết quả khi người đó thưởng thức được, một cách tự nguyện mà thôi. Đây là ý nghĩ và cách phê bình nghệ thuật mà tôi chọn. Tôi không sung sướng gì khi mọi người phản đối mình. Nhưng tôi cũng không mong gì mọi người làm như mình. Sự khác nhau trong quan niệm và cách thức làm việc có thể là bất lợi cho từng cá nhân, nhưng chắc chắn là có lợi cho việc chung, khi ta muốn tìm (và quan trọng hơn là thực nghiệm) một giải pháp tối ưu nào đó cho nghệ thuật. Thái Bá Vân Tiếp xúc với nghệ thuật
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
24=>0