Quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bằng con đường đa ngữ
lượt xem 3
download
Các yếu tố đa ngữ đóng một vai trò then chốt trong quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Con đường quốc tế hóa trong một chừng mực nhất định nào đó có thể xem là quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Bài viết Quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bằng con đường đa ngữ trình bày nội dung: Con đường đa ngữ trong quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bằng con đường đa ngữ
- QUÁ TRÌNH QUỐC TẾ HÓA HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM BẰNG CON ĐƯỜNG ĐA NGỮ Nguyễn Mậu Hùng1 Tóm tắt: Các yếu tố đa ngữ đóng một vai trò then chốt trong quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Con đường quốc tế hóa trong một chừng mực nhất định nào đó có thể xem là quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Đây vừa là một yêu cầu tất yếu của thời cuộc, nhưng đồng thời cũng góp phần giúp các trường đại học Việt Nam có khả năng tối ưu hóa các nguồn lực vốn có để phục vụ cho các chiến lược phát triển và hội nhập một cách chất lượng và hiệu quả nhất có thể. Biểu hiện rõ nét nhất của xu hướng phát triển này chính là quá trình hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và có hệ thống của các trường đại học Việt Nam trên các phương diện triết lý giáo dục, cơ cấu tổ chức nhân sự, mô hình phát triển, phương thức vận hành, cơ chế quản trị, đối tượng giáo dục, nội dung chương trình, và phương pháp đào tạo. Từ khóa: con đường đa ngữ, quốc tế hóa, hệ thống giáo dục đại học, triết lý giáo dục, hiện đại hóa. 1. Mở đầu Mặc dù thị trường giáo dục đại học của Việt Nam hết sức tiềm năng và các cường quốc giáo dục trên thế giới đang ra sức cạnh tranh thị phần trong nền kinh tế có nhiều triển vọng này, nhưng về cơ bản tiếng Anh đang dần trở thành ngoại ngữ chiếm ưu thế. Trong bối cảnh đó, vai trò của các yếu tố đa ngữ trong quá trình quốc tế hóa nền giáo dục đại học Việt Nam nên được hiểu như thế nào và làm thế nào để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có thể tận dụng được các lợi thế trong mối quan hệ đa phương với các nước trên thế giới để phục vụ cho quá trình hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học của chính mình một cách chất lượng trong thời gian tới? Vấn đề này về cơ bản ít nhiều đã được các học giả cả trong lẫn ngoài nước đề cập bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau, nhưng chưa có công trình nào xem xét vai trò của các yếu tố đa ngữ trong quá trình quốc tế hóa nền giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Chính vì thế, trên cơ sở các phương pháp định tính và định lượng cũng như phương thức tiếp cận chuyên ngành và liên ngành, bài viết phân tích tính bức thiết của quá trình quốc tế hóa và vai trò của các yếu tố đa ngữ trong quá trình hội nhập quốc tế của nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, bài viết đề xuất một số giải pháp mang tính chất tham khảo cho các bên liên quan để quá trình quốc tế hóa nền giáo dục đại học Việt Nam được diễn ra một cách hiệu quả nhất có thể. 2. Con đường đa ngữ trong quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam 1. TS., Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng 114
- NGUYỄN MẬU HÙNG 2.1. Sự bức thiết của quá trình quốc tế hóa nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay Giáo dục đại học không chỉ là mũi nhọn tiên phong, mà còn trở thành một trong những chìa khóa then chốt quyết định tính chất và mức độ thành công của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, nền giáo dục đại học Việt Nam nên được vận hành theo mô hình nào trên cơ sở nền tảng của cấu trúc Xô viết thời hậu Chiến tranh lạnh. Điều đó không những vô cùng bức thiết, mà còn bị tác động bởi cả các yếu bên trong lẫn bên ngoài. Thứ nhất, mặc dù Việt Nam là một đất nước có truyền thống hiếu học, nhưng nền giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay có một khoảng cách tương đối so với nhiều nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới. Việc bắt kịp trình độ phát triển của các nền giáo dục đại học hiện đại này là một thách thức không nhỏ đối với các cơ sở giáo dục đại học vừa mới bắt đầu hội nhập chưa lâu của Việt Nam. Mặc dù vậy, nền giáo dục đại học Việt Nam gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải tăng tốc tối đa và hội nhập một cách sâu rộng cũng như toàn diện nhất có thể để không những thu hẹp khoảng cách với các nền giáo dục đại học đã khẳng định được vị thế của mình, mà còn nâng cấp chất lượng và thể hiện được năng lực của chính mình với bạn bè quốc tế. Quốc tế hóa giáo dục đại học trong trường hợp này chính vì thế có thể hiểu như là quá trình hiện đại hóa và nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam không những được hưởng lợi, mà còn có nhiều lợi thế trong quá trình hợp tác quốc tế. Lợi ích đầu tiên là học hỏi được nhiều mô hình quản trị, phương thức vận hành, và cơ chế hoạt động của các nền giáo dục đại học tiên tiến. Vốn có nền tảng từ giáo dục Á Đông kinh điển thời cổ trung đại, giáo dục Pháp ngữ triết lý cao siêu và hiện đại thời cận đại, giáo dục Anh ngữ thực tiễn và chất lượng thời Chiến tranh lạnh, nhưng cuối cùng tất cả đều phải nhường chỗ cho mô hình Xô viết trong giai đoạn từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 cho đến trước khi đổi mới năm 1986 [1, tr. 77-89]. Mặc dù mô hình Xô Viết không phải đã bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng thực tiễn phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã chứng minh rằng việc tăng cường hợp tác quốc tế theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa là vô cùng cần thiết. Trong quá trình này, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được các nền giáo dục đại học tân tiến trên thế giới ưu tiên hỗ trợ và tạo điều kiện hội nhập với thế giới trên rất nhiều phương diện. Rất nhiều chính phủ và tổ chức giáo dục quốc tế không những giúp các trường đại học Việt Nam đào tạo một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng quốc tế, mà còn đầu tư cả cơ sở vật chất và tài chính nhằm nâng cấp chất lượng đào tạo của nhiều ngành nghề và cơ sở giáo dục đại học [8, tr. 67-79]. Cùng lúc đó, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vốn đã kinh qua nhiều mô hình phát triển tương đối tiêu biểu khác nhau của thế giới, nên việc hội nhập không những diễn ra một cách tương đối thuận lợi, mà còn mở ra nhiều hướng đi rất triển vọng. Thứ ba, quá trình quốc tế hóa tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng và khai thác tốt nhất mọi nguồn lực lợi thế có thể nhằm 115
- QUÁ TRÌNH QUỐC TẾ HÓA HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM... phục vụ cho phát triển một cách bền vững. Các cơ sở giáo dục đại học quốc tế đến Việt Nam không chỉ để đầu tư và phát triển, mà trong thực tế còn để hợp tác và trao đổi nguồn lực. Điều này một mặt là vì mặc dù nhiều nền giáo dục đại học trên thế giới tân tiến, chất lượng, và hiệu quả hơn, nhưng không có nền giáo dục nào hoàn mỹ. Giáo dục đại học Việt Nam tuy chưa thể đạt được những kết quả kỳ vọng, nhưng cũng có không ít lợi thế để hợp tác quốc tế. Các nền giáo dục đại học tiên tiến đến Việt Nam cũng nhằm khai thác các tiềm năng và lợi thế mà giáo dục đại học Việt Nam đang sở hữu để bổ khuyết hoặc chí ít cũng hạn chế những điểm yếu mang tính cố hữu của chính họ. Đó là một quá trình phát triển tất yếu và mối quan hệ hợp tác có đi có lại giữa các bên tham gia. Các trường đại học Việt Nam sẽ có cơ hội được tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có về đội ngũ nhân lực và tài nguyên thiên nhiên trong quá trình hợp tác quốc tế. Mặt khác, mặc dù chưa thể so sánh với các nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới, nhưng không ít trường đại học Việt Nam cũng đã khẳng định được bản sắc và hình thành nên nhiều truyền thống riêng biệt cho chính mình cũng như cho cả hệ thống giáo dục đại học. Hợp tác quốc tế sẽ là một con đường và phương thức xuất khẩu học thuật của các trường đại học có tiềm lực của Việt Nam ra thị trường giáo dục quốc tế. Tuy trường hợp này chưa nhiều, nhưng rất có triển vọng và là một hướng đi có tính chiến lược đối với các trường đại học tiềm năng. Tóm lại, giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước các yêu cầu cấp thiết của hội nhập quốc tế, nhưng đồng thời cũng không thiếu cơ hội phát triển. Tiêu biểu nhất trong số này chính là việc quá trình quốc tế hóa cũng chính là quá trình hiện đại hóa giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Một bên là do xuất phát điểm tương đối thấp, nhưng bên kia là khoảng cách về chất lượng và hiệu quả đào tạo giữa giáo dục đại học Việt Nam và các nền giáo dục đại học hàng đầu châu lục và thế giới vẫn còn rất đáng kể. Mặc dù vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế, giáo dục đại học Việt Nam không những có rất nhiều lợi thế, mà còn được tưởng thưởng không ít lợi ích thiết yếu và căn bản. Một trong số đó chính là quá trình tối ưu hóa các nguồn lực hiện có để phục vụ cho phát triển một cách bền vững và chất lượng nhất có thể. Quốc tế hóa giáo dục đại học đối với Việt Nam chính vì thế không chỉ là một yêu cầu cấp thiết, mà còn là một chìa khóa cho thành công trong thời gian tới của nền kinh tế quốc gia. 2.2. Yếu tố đa ngữ trong quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam Văn hóa Việt Nam là nơi hội tụ của gần như tất cả các nền văn minh hàng đầu thế giới trong mọi thời đại phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, mỗi nền văn hóa tiêu biểu trên thế giới lại mang đến Việt Nam các yếu tố khác nhau. Các yếu tố này lại có mức độ ảnh hưởng và hiện nay còn được lưu giữ lại trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Trên phương diện triết lý giáo dục, giáo dục đại học Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều triết lý giáo dục khác nhau. Nếu như thời phong kiến thì học là để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì thời thuộc địa là phục vụ cho sự nghiệp khai hóa văn minh của chính quốc tại Đông Dương đối với những người nằm trong hệ thống chính quyền Pháp 116
- NGUYỄN MẬU HÙNG [2, tr. 132]. Còn đối với những người cách mạng chân chính thì chỉ có hiểu biết về thế giới một cách chính xác mới có thể tìm ra biện pháp đấu tranh để giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Quan điểm này xuất phát từ tinh thần yêu nước trong sáng của Nguyễn Ái Quốc đầu thế kỷ XX và sau đó được bổ sung thêm bởi các yếu tố mang tính giai cấp của quốc tế vô sản chủ yếu đến từ các nước Pháp, Nga, và Trung Quốc, nhưng sự xuất hiện của người Mỹ cùng ảnh hưởng của văn hóa Mỹ ở miền Nam trong những năm 1954-1975 đã định hướng triết lý giáo dục của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam [4, tr. 442- 455]. Từ năm 1986, triết lý giáo dục của Việt Nam có phần được nghiên cứu cẩn thận và xem xét lại theo hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, hiện nay giáo dục Việt Nam vẫn chưa có một triển lý phát triển thực sự rõ ràng và phù hợp với thực tiễn. Một bộ phận vẫn giữ nguyên quan điểm giáo dục của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng cũng không ít người đi tìm các phương thức giáo dục khác. Một trong những hệ thống triết lý giáo dục ngày càng được nhiều người Việt Nam hướng tới là hệ thống giáo dục của các nước Âu-Mỹ. Tuy nhiên, các nước Âu-Mỹ cũng theo đuổi nhiều triết lý giáo dục mang tính dân tộc của riêng mình. Chính vì thế, vấn đề của Việt Nam hiện nay là phải tìm ra cho bằng được một triết lý giáo dục của riêng mình dựa trên tất cả những gì đang có. Trên phương diện nhân sự, cơ cấu tổ chức, và cơ chế vận hành, nếu phần lớn đội ngũ trí thức Nho học vừa đảm đương công tác dạy học vừa tham gia quản trị đất nước, thì trí thức Tây học thời Pháp thuộc ngoài hai việc trên còn hành nghề tự do. Tình trạng này được lặp lại gần như tương tự trong thời kỳ 1954-1975 ở miền Nam Việt Nam, trong khi phần lớn giới trí thức cách mạng Việt Nam đều được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa cho đến trước khi đổi mới [3, tr. 47]. Một phần trong số này đảm đương gần như toàn bộ các vị trí trọng yếu của hệ thống giáo dục Việt Nam cho đến nay. Tương tự như vậy, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học công lập của Việt Nam được tổ chức theo mô hình Xô viết, trong khi các trường đại học ngoài công lập đã có phần hội nhập với phương thức quản trị của các nước Âu-Mỹ, nhưng cơ chế tự chủ vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Thực tế đó cho thấy ảnh hưởng của mô hình Xô viết vẫn còn tương đối mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, nhưng các yếu tố Âu-Mỹ đang từng bước khẳng định được lợi thế của mình trong quá trình hội nhập quốc tế. Trên phương diện đối tượng giáo dục, trong các xã hội có giai cấp, giáo dục thường mang tính giai cấp rất rõ ràng. Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất của vấn đề này chính là đối tượng giáo dục. Thời phong kiến, mặc dù giáo dục Việt Nam thường chỉ được ưu tiên dành cho giới quý tộc, nhưng thỉnh thoảng cũng có các thành phần phi quý tộc đã chứng minh được năng lực học tập của mình. Tương tự như vậy, đối tượng chủ yếu của nền giáo dục Pháp thuộc thường chỉ dành cho những người nằm trong hệ thống chính quyền thuộc địa. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học của Pháp đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình hội nhập của nền giáo dục đại học Việt Nam với thế giới Pháp ngữ nói riêng và văn minh phương Tây hiện đại nói chung. Đến thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong khi đối tượng của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thường là công nông binh và trí thức thân vô sản theo mô hình Xô viết, thì đối tượng của nền giáo dục 117
- QUÁ TRÌNH QUỐC TẾ HÓA HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM... định hướng tư bản chủ nghĩa ở miền Nam là tất cả các thành phần còn lại trong xã hội theo mô hình của khối Anh ngữ và văn minh phương Tây. Quá trình này chấm dứt năm 1975, nhưng lại dẫn đến một giai đoạn hội nhập sâu rộng của giáo dục đại học Việt Nam vào thế giới xã hội chủ nghĩa. Hầu hết trí thức của Việt Nam thời kỳ này đều được đào tạo theo mô hình Xô viết. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng mô hình phát triển sau Chiến tranh lạnh đã đưa cả dân tộc lẫn nền giáo dục đại học ra biển lớn của đại dương toàn cầu. Trong khi đối tượng giáo dục theo mô hình Xô viết vẫn được duy trì và không ngừng phát triển, thì giáo dục đại học của Việt Nam theo các mô hình Tây phương ngày càng nở rộ. Điều đó có nghĩa là trong khi đối tượng giáo dục của các mô hình xã hội chủ nghĩa đang là cầu nối cho quá trình hội nhập của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các nước vốn có truyền thống cách mạng vô sản, thì đối tượng giáo dục của các mô hình phương Tây đang là động lực cho quá trình hiện đại hóa nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Trên phương diện nội dung chương trình, quá trình giao lưu và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới đã hình thành nên cho Việt Nam một hệ thống học thuật nền tảng vừa mang tính dân tộc vừa được quốc tế hóa sâu rộng. Trong khi văn minh Trung Hoa đã làm nên một nền tảng Nho học đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thì giáo dục Pháp thuộc đã tạo ra một nền tân học theo hướng hiện đại đầu tiên cho giáo dục đại học Việt Nam [5, tr. 125-130]. Từ các đơn vị đo lường cho đến rất nhiều khái niệm học thuật hiện đại, đặc biệt trên phương diện khoa học kỹ thuật, đều được giáo dục đại học Việt Nam tiếp thu từ thành tựu của nhân loại qua nền giáo dục đại học Pháp ngữ. Đó chính là những nền tảng cơ bản đầu tiên cho sự ra đời và phát triển của một nền giáo dục đại học hiện đại theo mô hình phương Tây ở Việt Nam [7, tr. 96-114]. Trên nền tảng Đông Tây kim cổ hội ngộ và hòa hợp ấy, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã định hướng các trường đại học của Việt Nam phát triển theo triết lý ý thức hệ của giai cấp vô sản. Mặc dù không phải lúc nào cũng là một bức tranh hoàn mỹ, nhưng nền học thuật xã hội chủ nghĩa cũng đã dẫn dắt và trang bị cho nền giáo dục đại học Việt Nam một hệ thống công cụ tư duy và hành động mang tính phương pháp luận trong quá trình nhận thức thế giới và đào tạo con người. Mặc dù vậy, áp lực hội nhập quốc tế và hiện đại hóa thời gian gần đây đã làm cho nội dung và chương trình đào tạo của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam không còn chỉ đơn thuần bó gọn trong khuôn khổ của con đường ý thức hệ, mà về cơ bản đã được lựa chọn và vận hành theo quy luật của thực tiễn và yêu cầu của thời đại. Việc giáo dục đại học của Việt Nam đã từng có kinh nghiệm giao lưu với nhiều nền học thuật khác nhau trên thế giới vì thế là một thuận lợi không nhỏ cho quá trình quốc tế hóa các nội dung chương trình dạy học trong thời gian tới. Trên phương diện phương pháp dạy học, được hình thành và phát triển trong môi trường quân chủ chuyên chế Á Đông đến cả thiên niên kỷ, giáo dục đại học Việt Nam vốn mang nặng tư duy áp đặt và giáo điều theo kiểu tiếp thu chân lý một chiều không cần tranh luận. Tất cả những gì được học và truyền đạt trên ghế nhà trường đều tuyệt đối chính xác đến mức trở thành chân lý bất di bất dịch. Điều này được thể hiện qua ý thức nhất tự vi sư bán tự vi sư, nhưng đang ngày càng bị thách thức dữ dội bởi thực tiễn khách 118
- NGUYỄN MẬU HÙNG quan học thầy không tày học bạn. Chính sự phát triển của khoa học công nghệ và quá trình quốc tế hóa đã buộc hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phải thay đổi cả phương thức tư duy lẫn phương pháp hành động. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của quá trình này chính là hiện tượng chuyển dịch đến mức có thể nhận thấy của phương thức truyền đạt kiến thức thụ động mang tính một chiều theo kiểu thầy áp đặt chân lý cho trò tuyệt đối tuân theo sang phương pháp dạy học lấy chất lượng và hiệu quả của quá trình đào tạo làm trọng tâm trong không ít trường hợp. Một bộ phận không nhỏ người học của nền giáo dục đại học Việt Nam giờ đây không còn là một cỗ máy tuân lệnh thụ động, mà đã trở thành một nhân tố chủ động của toàn bộ quá trình giáo dục. Họ được tự do và chủ động trong gần như tất cả các vấn đề có liên quan đến quá trình học tập của mình và nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học là phải tạo điều tối đa có thể để họ được phát huy tất cả các tiềm năng và lợi thế của mình trong quá trình đào tạo. Xu hướng này ngày càng phát triển mạnh mẽ trong các cơ sở giáo dục đại học có yếu tố nước ngoài. Thực tế đó cho thấy chính quá trình quốc tế hóa đã góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng thay đổi phương pháp dạy học của các trường đại học Việt Nam hiện nay, trong đó các hệ thống giáo dục đại học theo mô hình phương Tây đóng vai trò chủ đạo. Tóm lại, các yếu tố đa ngữ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình quốc tế hóa nền giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay. Một mặt của vấn đề xuất phát từ truyền thống giao lưu và tiếp xúc lâu đời với nhiều nền văn hóa và văn minh tiêu biểu của nhân loại trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, nhưng mặt khác chính các áp lực toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng buộc hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phải hòa mình vào các dòng chảy và xu hướng phát triển chung toàn cầu. Tiêu biểu nhất trong số này là quá trình giao lưu và tiếp xúc với nền giáo dục đại học Hoa ngữ thời cổ trung đại, nền giáo dục đại học Pháp ngữ thời cận đại, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô và giáo dục Anh ngữ thời Chiến tranh lạnh, và nền giáo dục toàn cầu trong bối cảnh hiện nay. Thành quả của các quá trình giao lưu và tiếp xúc với nhiều nền giáo dục đại học theo con đường đa ngữ khác nhau trên thế giới được thể hiện rõ nhất trên các phương diện triết lý giáo dục, cơ cấu tổ chức nhân sự, phương thức vận hành, và mô hình quản trị, đối tượng giáo dục, nội dung chương trình đào tạo, và phương pháp dạy học. Tất cả các nền giáo dục đại học tiêu biểu của thế giới nêu trên đều đã có những đóng góp nhất định đối với quá trình hội nhập và hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, xu thế quốc tế hóa đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ đến mức thắng thế của các mô hình giáo dục đại học phương Tây. Mặc dù vậy, sẽ không bao giờ chỉ có duy nhất một mô hình giáo dục đại học độc tôn nào chiếm ưu thế tuyệt đối hoàn toàn trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam trong thời gian tới. Thay vào đó, mỗi cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam sẽ đề ra và lựa chọn một mô hình và giải pháp tối ưu nhất có thể đối với chính mình. Quá trình quốc tế hóa nền giáo dục đại học Việt Nam chính vì thế sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các mô hình giáo dục đại học khác nhau trên thế giới theo con đường đa ngữ chứ không phải là sự thống trị của chỉ duy nhất một mô hình giáo dục đại học đơn ngữ nào cả. 119
- QUÁ TRÌNH QUỐC TẾ HÓA HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM... 2.3. Một số đề xuất hàm ý chính sách Dựa trên cơ sở kết quả của các phân tích, so sánh, và kết luận nêu trên, tham luận đề xuất một số giải pháp mang tính chất tham khảo như sau: 1) Hội nhập quốc tế, quốc tế hóa, và hòa nhập với thế giới là xu thế phát triển tất yếu không thể khác được của giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới. Gần như tất cả các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay đều có các mối quan hệ hợp quốc tế. Các cơ sở giáo dục đại học vốn được xem là nội bộ và tương đối khép kín cũng đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và hội nhập một cách sâu rộng với giáo dục đại học thế giới. Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và đặc biệt là việc chủ động tham gia các hiệp ước thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường giáo dục đối với các đối tác quốc tế. Đây chính là một cơ hội hiếm có, nhưng đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Một mặt, các trường đại học của Việt Nam phải tìm cách khẳng định vị thế của mình để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng và bình đẳng với thế giới ngay trên sân nhà, nhưng mặt khác hội nhập quốc tế cũng tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Chính vì thế, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải có kế hoạch chuẩn bị càng chu đáo và cẩn thận chừng nào tốt chừng đó. 2) Mặc dù hệ thống giáo dục đại học Anh ngữ đang chiếm ưu thế và có nhiều triển vọng để trở thành một mô hình lý tưởng cho quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam [4, tr. 259-266], nhưng xu thế tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam là phát triển theo con đường đa ngữ. Thứ nhất, hệ thống giáo dục đại học Anh ngữ tuy là chuẩn mực cho nhiều nước khác noi theo, nhưng không phải là hoàn hảo tuyệt đối và lúc nào cũng phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay trên tất cả các lĩnh vực. Thứ hai, nhiều mô hình giáo dục đại học khác cũng muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng cũng như tăng cường các mối quan hệ hợp tác truyền thống vốn có với các trường đại học Việt Nam để vừa đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ học thuật vừa khẳng định được vị thế của mình trong một thị trường giáo dục đang trong quá trình vươn mình trổi dậy cũng như rất tiềm năng như Việt Nam. Thực tế đó cho thấy, con đường đa ngữ là tất yếu đương nhiên trong quá trình quốc tế hóa nền giáo dục đại học Việt Nam sắp tới, mô hình Anh ngữ sẽ ngày càng chiếm ưu thế. 3) Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam phải lựa chọn phương án tối ưu nhất có thể đối với chính mình chứ không thể chạy theo xu thế chung để cuối cùng không thực sự phát triển theo một con đường nào cả. Sự ra đời của các trường Đại học Fullbright, Việt-Đức, Việt-Nhật, Việt-Pháp, Đại học Anh tại Việt Nam, Đại học Mỹ tại Việt Nam tất nhiên là một bước cụ thể hóa của quá trình tăng cường tầm ảnh hưởng của mô hình giáo dục đại học của các nước này đối với các trường đại học Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có các cơ sở giáo dục đại học mang tầm quốc gia và bản sắc vùng miền rõ ràng. Ngoài các đại học quốc gia và đại học vùng, một số trường đại học chuyên ngành cũng rất muốn tự khẳng định vị thế của mình trên bản đồ giáo dục đại học thế giới bằng chính 120
- NGUYỄN MẬU HÙNG tiềm năng và bản sắc vốn có. Chính vì thế, hợp tác và hội nhập quốc tế là tất yếu đương nhiên, nhưng giáo dục đại học Việt Nam không thể hòa tan theo kiểu cuốn theo chiều gió, mà phải có bản sắc riêng trên cơ sở tham khảo một số mô hình phát triển vừa tiên tiến và hiện đại vừa phù hợp nhất với thực tiễn phát triển của bản thân mình. Con đường đa ngữ chính vì thế là không thể tránh được, nhưng về mặt bản chất chỉ có tính chất tham khảo trong quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam sắp tới. 4) Trên phương diện quản lý nhà nước, con đường đa ngữ trong quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam đòi hỏi phải có một hệ thống đội ngũ nhân lực có năng lực tương ứng. Điều đó có nghĩa là việc chiến lược đào tạo ngoại ngữ quốc gia nhấn mạnh một ngôn ngữ nước ngoài nhất định nào đó là hoàn toàn không phù hợp. Hội nhập quốc tế theo con đường đa ngữ là nhằm giúp hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam ngày càng phát triển một cách chất lượng và hiệu quả hơn theo các tiêu chuẩn quốc tế, chứ không phải để hòa tan, phá sản, và lệ thuộc vào một nền giáo dục đại học độc tôn nào đó bên ngoài. Con đường đa ngữ chính vì thế là một công cụ để tạo điều kiện cho các trường đại học Việt Nam nhanh chóng tiệm cận với trình độ thế giới và hiện đại hóa chính mình một cách đơn giản và gọn nhẹ nhất có thể, chứ không phải là một phương thức áp đặt tiêu chuẩn giáo dục đại học của bất cứ một nước nào khác đối với Việt Nam. Việc đưa một ngoại ngữ nào đó thành ngôn ngữ chính thức của Việt Nam xem ra bề ngoài có vẻ hợp lý, nhưng nên được thực tiễn cuộc sống quyết định hơn là sử dụng ngân sách quốc gia để quốc tế hóa nền giáo dục nước nhà theo kiểu thuần phục hóa nền học thuật các quốc gia non trẻ. Giáo dục đại học Việt Nam chính vì thế vừa phải tận dụng triệt để các lợi thế của con đường đa ngữ trong quá trình quốc tế hóa nền giáo dục đại học nước nhà, nhưng đồng thời cũng phải tránh cho được thảm họa học phiệt trong sinh hoạt học thuật đang có xu hướng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. 5) Việc quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học quốc gia mặc dù là cấp thiết và hợp quy luật phát triển chung của nhân loại, nhưng về mặt bản chất là chuyện nội bộ của các quốc gia. Sự xuất hiện của các yếu tố đa ngữ sẽ giúp cho các trường đại học của Việt Nam có điều kiện hội nhập quốc tế nhanh chóng và dễ dàng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là chất lượng và hiệu quả hợp tác quốc tế của các trường đại học Việt Nam là chức năng và nhiệm vụ của giáo dục đại học quốc tế. Thực tế đó cho thấy việc dựa hẳn vào bên ngoài hoặc nhất nhất đi theo bất cứ một mô hình duy nhất nào đó không phải là một lựa chọn triển vọng cho giáo dục đại học Việt Nam. Chính vì thế, quốc tế hóa các trường đại học theo con đường đa ngữ dường như là phương án duy nhất có thể trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam để vừa hội nhập quốc tế thành công, nhưng đồng thời vừa đảm bảo có được một hệ thống giáo dục đại học quốc gia chất lượng, hiệu quả, và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng quốc tế hóa là cần thiết, nhưng không phải là chìa khóa vạn năng cho tất cả các vấn đề hiện tồn của giáo dục đại học Việt Nam, mà thực tế nguồn lực nội sinh mới đóng vai trò chủ đạo. Xét trên phương diện này, cần phải xem xét lại việc sử dụng các yếu tố đa ngữ như một công cụ để phát triển giáo dục đại học Việt Nam hay để theo đuổi các mục tiêu giới hạn bằng con đường cạnh tranh thiếu lành mạnh. 121
- QUÁ TRÌNH QUỐC TẾ HÓA HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM... 3. Kết luận Trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vừa là một yêu cầu tất yếu khách quan, vừa là một con đường hội nhập gần như không có phương án thay thế tốt hơn. Quá trình hội nhập quốc tế đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay chính vì thế trong rất nhiều trường hợp chính là quá trình tiệm cận với các tiêu chuẩn chất lượng của khu vực châu Á và thế giới. Trong quá trình này, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vừa được hưởng lợi đáng kể vừa có điều kiện tối ưu hóa các nguồn lực vốn có để phục vụ cho các mục tiêu và chiến lược phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, và bền vững. Ngoài truyền thống tiếp xúc và giao lưu văn hóa với nhiều nền giáo đục đại học tiêu biểu trên thế giới trong lịch sử, các trường đại học Việt Nam cũng đã hình thành được nhiều đặc điểm mang tính bản sắc tương đối lợi thế mà chính các hệ thống giáo dục đại học tân tiến trên thế giới chưa chắc đã có được. Chính vì thế, mặc dù chất lượng và hiệu quả của giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nền giáo dục hàng đầu thế giới, nhưng trong một chừng mực nhất định nào đó hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cũng đang từng bước trở thành một thị trường tiềm năng và hấp dẫn đối với nhiều trường đại học trên thế giới. Trong bối cảnh đó, việc các hệ thống giáo dục đại học đa ngữ xuất hiện ngày một nhiều ở Việt Nam không chỉ góp phần mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ ra bên ngoài biên giới lãnh thổ của mình, mà trong một chừng mực nhất định nào đó còn từng bước nâng cao chất lượng và tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và hiệu quả hơn. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của xu hướng phát triển này chính là quá trình quốc tế hóa mạnh mẽ các yếu tố triết lý giáo dục, cơ cấu tổ chức nhân sự, cơ chế vận hành, phương thức hoạt động, đối tượng giáo dục, nội dung chương trình, và phương pháp đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, để quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam trong thời gian tới đạt được năng suất và chất lượng tối đa có thể, một mặt cần phải tận dụng triệt để tất cả các lợi thế vốn có của con đường đa ngữ trong hợp tác quốc tế, nhưng đồng thời cũng phải chú ý đúng mức đến các nhân tố nội sinh để giáo dục đại học Việt Nam vừa hội nhập thành công với giáo dục đại học thế giới, nhưng đồng thời vừa phát triển một cách hài hòa với bản sắc vốn có của văn hóa dân tộc. Chính vì thế, mặc dù mô hình giáo dục Anh ngữ đang chứng minh được rất nhiều ưu điểm và lợi thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học toàn cầu hiện nay, nhưng tương lai của giáo dục đại học Việt Nam là phát triển theo con đường đa ngữ một cách độc lập và tự chủ chứ không phải đơn ngữ lệ thuộc vào bất cứ một nền học thuật duy nhất nào trên thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Le Thi Kim Anh and Hayden, Martin (2017), “The road ahead for the higher education sector in Vietnam,” Journal of International and Comparative Education, 6 (2): 77-89. 122
- NGUYỄN MẬU HÙNG [2] Nguyễn Thị Thái Châu (2016), “Giáo dục Trung Kỳ thời Pháp thuộc (1887-1945),” Tạp chí Giáo dục (Số đặc biệt), (3): 130-132. [3] Nguyễn Thị Hà và Phan Thị Cẩm Vân (2018), “Hợp tác giáo dục liên bang Nga - Việt Nam (2001 - 2015),” Tạp chí khoa học Trường Đại học Vinh, 47 (3B): 46-54. [4] Ngô Tự Lập (2011), Higher education internationalization in vietnam: unintended socio-political impacts of joint programs seen as special free academic zones, Hội thảo quốc tế: Đóng góp của Khoa học Xã hội - Nhân văn trong phát triển kinh tế - xã hội, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 8-9 tháng 4 năm 2011: 442-455. [5] Love, Susan (2000), French and Tây Bồi in Vietnam: A study of language policy, practice, and perceptions, Thesis submitted for the degree of Masters of Arts in the Centre for European Studies and General Linguistics, University of Adelaide: 125- 130. [6] Ngan Nguyen (2012), “How English Has Displaced Russian and Other Foreign Languages in Vietnam Since “Doi Moi,”” International Journal of Humanities and Social Science, 2 (23): 259-266. [7] Phong Nguyen (1018), “The Vietnamese Scholarship at the Turn of the Millennium: A Study of the Pioneering Works of Gustave Emile Dumoutier (1850-1904),” ASIANetwork Exchange, 25 (1): 96-114. [8] Anh Ngoc Trinh (2018), “Local Insights from the Vietnamese Education System: the impacts of imperialism, colonialism, and neo-liberalism of globalization,” The International Education Journal: Comparative Perspectives, 17 (3): 67-79. THE INTERNATIONALIZATION OF VIETNAM’S HIGHER EDUCATION SYSTEM BY THE MULTILINGUAL ROAD NGUYEN MAU HUNG Hong Bang International University Abstract: Multilingual factors have played a key role in the internationalization of Vietnam’s higher education system. The internationalization road to a certain extent can also be considered as the modernization and international integration of Vietnam’s higher education institutions. This is both an indispensable requirement of the time, but it also contributes to helping Vietnamese universities optimize their inherent resources to serve development and integration strategies in the most efficient way. The most obvious manifestation of this development trend is the extensive and systematic process of international integration of Vietnam’s universities in terms of educational philosophy, organizational and personnel structures, development models, operational modes, governance mechanism, educational subjects, curricula, and training methods. Keywords: multilingual road, internationalization, higher education system, education philosophy, modernization 123
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Cuộc đấu tranh chống đồng hóa về văn hóa và tư tưởng của dân tộc Việt Nam thời kỳ bắc thuộc với việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay
14 p | 175 | 19
-
Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam trong giai đoạn mới
6 p | 154 | 17
-
Quan hệ giữa đẩy mạnh hội nhập quốc tế và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
11 p | 112 | 11
-
Hợp tác quốc tế sau chiến tranh lạnh
15 p | 96 | 10
-
Cơ hội và thách thức cho hoạt động đoàn thanh niên trong tiến trình đất nước hội nhập quốc tế
3 p | 110 | 9
-
Hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay
10 p | 76 | 6
-
Những nhân tố thành công trong dự án hợp tác quốc tế của một số trường đại học tại Việt Nam
9 p | 60 | 6
-
Vai trò của báo in Việt Nam trong quá trình giao lưu, tiếp nhận và hội nhập văn hóa quốc tế
7 p | 63 | 6
-
Quan hệ quốc tế của chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam (1960-1976)
14 p | 57 | 5
-
Chuyên đề sinh hoạt chuyên môn Đường lối cách mạng của ĐCSVN: Giá trị văn hóa và giá trị con người Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
5 p | 64 | 4
-
Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam trong giai đoạn mới - Mai Hà
6 p | 64 | 4
-
Quốc tế hoá giáo dục đại học ở Việt Nam: Khái niệm và các nhóm lý do
9 p | 7 | 3
-
Quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của giao lưu hội nhập văn hóa với nước ngoài trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế
10 p | 6 | 3
-
Quá trình hình thành thể chế chính trị của tổ chức quốc tế Pháp ngữ
7 p | 59 | 3
-
Xây dựng kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập theo qiuan điểm triết học - 2
7 p | 90 | 3
-
Những điều kiện tạo nên một sự hợp tác quốc tế có hiệu quả
10 p | 39 | 2
-
Lịch sử hình thành và phát triển tư tưởng địa - chính trị trong quan hệ quốc tế
8 p | 2 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn