intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quản lý phát triển kinh tế xanh: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Quản lý phát triển kinh tế xanh: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam" tán đồng với ý kiến cho rằng cần phải nhìn nhận tường minh hơn về nội hàm, các chỉ tiêu đo lường phát triển kinh tế xanh cũng như chủ thể, phương thức và giải pháp quản lý phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quản lý phát triển kinh tế xanh: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam

  1. QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM TS. Lâm Thuỳ Dương Học viện Chính sách và Phát triển ThS. Lâm Thuỳ Dung Học viện Chính sách và Phát triển Email: duonglt@apd.edu.vn o Tóm tắt: Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế xanh là chủ đề được các nhà khoa học và nhà quản lý ở Việt Nam đặc biệt quan tâm thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu, văn bản pháp quy, chủ trương đường lối phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước. Tuy vậy, các vấn đề cốt lõi liên quan đến chủ đề này như nội hàm, chỉ tiêu đo lường, các chủ thể và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa có được sự đồng thuận cần thiết. Trước tình hình ấy và trong quá trình nghiên cứu lý thuyết và quan sát thực tiễn tại Việt Nam trong những năm vừa qua, nhóm tác giả bài viết này mong muốn đóng góp thêm ý kiến để tường minh hơn về quản lý phát triển kinh tế xanh ở nước ta. Từ khoá: Phát triển kinh tế xanh, quản lý phát triển kinh tế xanh, hiệu quả GREEN ECONOMIC DEVELOPMENT MANAGEMENT: THEORY AND PRACTICE IN VIETNAM Abstract: In recent years, green economic development has been a topic of particular interest to scientists and managers in Vietnam, expressed through many researches, legal documents, development guidelines and policies. However, the core issues related to this topic such as connotation, measurement criteria, essential parts and solutions to improve the effectiveness of green economic development management still have many different views, no necessary consensus. Faced with that situation and in the process of theoretical research and practical observations in Vietnam in recent years, the authors of this article would like to contribute more ideas to be more transparent about the green economic development management in Vietnam. Keywords: Green economic development, green economic development mangagement, efficiency Mở đầu Phát triển kinh tế xanh là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của phát triển bền vững. Nó vừa mang tính phương thức vừa mang tính giải pháp phát triển vì con người, do con người. Nhiều nhà khoa học và nhà quản lý ở Việt Nam rất quan tâm đến phát triển kinh tế xanh và chỉ tiêu đo lường phát triển kinh tế xanh song trong hoạt động 299
  2. thực tiễn thì đây là những vấn đề đang gặp nhiều lúng túng. Nhóm tác giả bài viết tán đồng với ý kiến cho rằng cần phải nhìn nhận tường minh hơn về nội hàm, các chỉ tiêu đo lường phát triển kinh tế xanh cũng như chủ thể, phương thức và giải pháp quản lý phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh Việt Nam. 1. Quản lý phát triển kinh tế xanh tiếp cận từ phương diện lý thuyết 1.1. Nội hàm của kinh tế xanh Trong Báo cáo “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Nghị sự 21)” [6] có trích dẫn vấn đề phát triển bền vững tại báo cáo “Tương lai của chúng ta” vào năm 1987 của Hội đồng thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc, theo đó, phát triển bền vững (PTBV) là sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Cũng trong báo cáo “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam”, đã cho biết: tại Hội nghị Thượng đỉnh về Trái Đất và Môi trường (ở Bra-xin, năm 1992) và tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về phát triển bền vững (ở Cộng hòa Nam Phi, năm 2002) đã nêu rõ thêm rằng, phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa ba mặt: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ ra tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là: sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt công bằng và tiến bộ xã hội; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Những tư tưởng tiến bộ này được các quốc gia trên thế giới theo đuổi cho tới ngày nay. Xét cho cùng, phát triển bền vững có thể và cần được hiểu là phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả, sự gia tăng hiệu quả ổn định trong thời gian tương đối dài dựa trên nền tảng sử dụng công nghệ cao, có được sự phát triển cân đối, nhịp nhàng, hài hòa giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế và các hoạt động phát triển phải được tổ chức một cách khoa học. Nói như thế có nghĩa là hiệu quả, hài hòa, nhịp nhàng, sử dụng công nghệ cao quyết định phát triển bền vững. Hiệu quả là dấu hiệu quan trọng của phát triển bền vững. Khi và chỉ khi nền kinh tế phát triển có hiệu quả thì mới có phát triển bền vững và ngược lại. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Hiểu theo một cách đơn giản thì nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Trong khi tài nguyên trên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, phát triển kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang diễn ra phức tạp. Phát triển kinh tế xanh ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn. 1.2. Điểm qua các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý phát triển kinh tế xanh Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xanh nói chung và quản lý phát triển kinh tế xanh nói riêng nhưng nhóm tác giả xin nêu những yếu tố chính bao gồm: 300
  3. (i). Bối cảnh quốc tế (đặc biệt là diễn biến của các liên minh kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chính trị và thương mại quốc tế...) và biến đổi khí hậu toàn cầu; (ii). Tiềm lực kinh tế của quốc gia (GDP/người, dự trữ ngoại tệ, tỷ lệ nợ công, năng lực ngân sách, cộng đồng doanh nghiệp, năng lực nghiên cứu sáng tạo...), năng suất lao động, hợp tác quốc tế và độ mở kinh tế; (iii). Ổn định chính trị, quan hệ chính trị và kinh tế với các quốc gia khác trên thế giới; Chủ trương, đường lối phát triển kinh tế xanh và Luật pháp và chính sách về phát triển kinh tế xanh. (iv). Quy mô và đặc điểm dân số, vị trí địa kinh tế và địa chính trị; và (v). Năng lực quản trị quốc gia và năng lực quản trị địa phương. Mỗi giai đoạn phát triển vị trí, vai trò của các yếu tố đối với phát triển kinh tế xanh và quản lý phát triển kinh tế xanh có thể thay đổi. Mỗi yếu tố có vai trò riêng nhưng chúng cùng nhau tác động lên sự phát triển doanh nghiệp và quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp. Yếu tố luật pháp, chính sách, năng lực quản trị quốc gia và năng lực quản trị địa phương luôn luôn có ý nghĩa quyết định hơn cả. 1.3.1. Quan niệm quản lý phát triển kinh tế xanh Quản lý phát triển là hành vi của một chủ thể xác định, hữu trách tiến hành để làm cho đối tượng quản lý có được sự phát triển có hiệu quả hơn và bền vững hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho những người có liên quan. Trong quá trình phát triển có ba chủ thể tham gia, đó là: Nhà nước, Doanh nghiệp và Người dân, trong đó, chủ thể Nhà nước (chính quyền trung ương và chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã) giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Theo quan điểm của tác giả Ngô Doãn Vịnh [4] thì quốc gia thành công hay thất bại trong phát triển kinh tế là do thể chế kinh tế mà thể chế kinh tế do Nhà nước đề ra và tổ chức thực hiện nên suy cho cùng, Nhà nước giữ vai trò quyết định đối với sự thành bại trong phát triển kinh tế của quốc gia. Mặt khác, khi doanh nghiệp phát triển có hiệu quả và bền vững thì nền kinh tế quốc dân mới có được sự phát triển hiệu quả và bền vững và ngược lại. Ý thức và tinh thần phát triển của người dân có ý nghĩa lớn đối với việc ủng hộ chủ trương, chính sách của nhà nước và sẵn sàng, tích cực đem tri thức và vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Quản lý phát triển kinh tế xanh phải được tiến hành ở cả cấp quốc gia và cả ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp địa phương). 1.3.2. Chủ thể và công cụ quản lý phát triển kinh tế xanh Quản lý phát triển kinh tế xanh là công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước hữu trách (chứ không phải cơ quan nhà nước chung chung). Quản lý phát triển kinh tế xanh là việc cơ quan nhà nước hữu trách sử dụng bộ máy, nhân lực của mình để thực hiện chức năng quản lý về phát triển kinh tế xanh trên phạm vi quốc gia. * Cấp trung ương: Chính phủ (Thủ tướng chính phủ - người đứng đầu) và cơ quan hữu trách của Chính phủ. * Cấp địa phương: UBND tỉnh, huyện (người đứng đầu UBND các cấp tỉnh, huyện - Chủ tịch UBND). 301
  4. Cơ quan nhà nước Cơ quan nhà nước Cơ quan nhà nước ở ở trung ương hữu trách địa phương Bộ máy quản lý Nhân lực quản lý Phát triển kinh tế xanh Hình 1: Chủ thể quản lý phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam Nguồn: Nhóm tác giả - Nhà nước thực hiện trách nhiệm quản lý của mình thông qua sử dụng công cụ quản lý phát triển kinh tế xanh: Luật pháp về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; các quy định của nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội có liên quan. 1.3.3. Nội dung quản lý phát triển kinh tế xanh Nhóm tác giả tán đồng với Daron Acemoglu và James Robinson [2] cho rằng, thể chế kinh tế quyết định sự thành bại của các nền kinh tế (khi nghiên cứu vấn đề Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo đói). Thể chế kinh tế do Nhà nước sinh ra và tổ chức thực hiện nên suy cho cùng Nhà nước mạnh hay yếu có ảnh hưởng mang tính quyết định sự thành bại của các nền kinh tế. Trong các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế của một quốc gia, việc quyết định chủ trương trong định hướng phát triển, tổ chức thực hiện và quản lý thực hiện phát triển của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhất. Do đó, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xanh. Nhiều nhà khoa học và nhà quản lý ở Việt Nam rất quan tâm đến phát triển bền vững (trong đó có nhắc đến phát triển kinh tế xanh). Học giả Ngô Thúy Quỳnh [5] cũng đã luận bàn các nội dung của quản lý phát triển bền vững và đề xuất nhóm chỉ tiêu đo lường hiệu quả phát triển bền vững cấp quốc gia và cấp tỉnh. Việc quản lý phát triển kinh tế xanh của quốc gia cũng như của địa phương có những nội dung cơ bản như: (i). Đề xuất và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội một cách khoa học (Đối với quốc gia và các địa phương. Đảm bảo sự phát triển hài hòa, nhịp nhàng theo ngành và theo các địa phương. Vấn đề quan trọng hàng đầu là nhà nước xác định rõ quy mô dân số hợp lý, lĩnh vực mũi nhọn, sản phẩm chủ lực cần tập trung sức phát triển); (ii).Ban hành và tổ chức thực hiện khung pháp lý, chính sách, biện pháp đảm bảo thực hiện thành công chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội theo ngành và theo địa phương; (iii). Thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức đánh giá hiệu quả việc thực hiện quản lý phát triển kinh tế xanh cũng như công khai kết quả đánh giá đó. 302
  5. Ở Việt Nam, theo luật pháp hiện hành, nội dung quản lý phát triển kinh tế xanh có sự khác biệt đôi chút giữa cấp trung ương và cấp địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Điều khác nhau chủ yếu là phạm vi trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với quản lý phát triển kinh tế xanh theo phân cấp quản lý phát triển kinh tế xanh. Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quản lý phát triển kinh tế xanh trên phạm vi cả nước. Mỗi chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển kinh tế xanh trên địa bàn của mình theo luật định. 1.2.2. Đánh giá hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh Đây là vấn đề đang cần được quan tâm đúng mức ở Việt Nam hiện nay. Kết quả, hiệu quả quản lý phát triển thể hiện ở kết quả, hiệu quả phát triển của nền kinh tế và của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Điều này được xem như nguyên tắc khoa học trong tư duy, hành động đối với đánh giá quản lý phát triển kinh tế xanh. Đánh giá kết quả, hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh phải có định lượng theo hệ thống chỉ tiêu cụ thể. Hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh được thể hiện thông qua chất lượng tăng trưởng xanh. Ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 [7]. Trong đó đã đưa ra hệ thống 32 chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững bao gồm: Chỉ số bền vững môi trường; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; Năng suất lao động xã hội; Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tốc độ tăng trưởng chung; Mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP; Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu sử dụng năng lượng; Chỉ số giá tiêu dùng; Cán cân vãng lai; Bội chi Ngân sách nhà nước; Nợ của Chính phủ; Nợ nước ngoài; Tỷ lệ nghèo; Tỷ lệ thất nghiệp; Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo; Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số Gini); Tỷ số giới tính khi sinh; Số sinh viên trên 10.000 dân; Số thuê bao internet trên 100 dân; Tỷ lệ người dân được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Số người chết do tai nạn giao thông trên 100.000 dân; Tỷ lệ số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng; Tỷ lệ đất được bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học; Diện tích đất bị thoái hóa; Mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt; Tỷ lệ ngày có nồng độ các chất độc hại trong không khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép; Tỷ lệ các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; Tỷ lệ chất thải rắn thu gom, đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Nhìn vào danh mục chỉ tiêu vừa nêu cho thấy nhận thức về phát triển bền vững chưa thật tường minh, nhận thức chưa rõ ràng và điểm nổi bật là quá nhiều chỉ tiêu đo lường phát triển bền vững nhưng trong đó các chỉ tiêu không đồng cấp độ và có nhiều chỉ tiêu chưa phản ánh bản chất của phát triển bền vững. Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư [1] đã ban hành Thông tư Quy định bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, Thông tư gồm 17 mục tiêu và 153 chỉ số được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2019, giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2025. Bộ chỉ số có nêu rõ khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu. Phát triển kinh tế xanh là một nội dung của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nhằm đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả và bền 303
  6. vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Đánh giá hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh cần thể hiện qua hệ thống chỉ tiêu. Trong bối cảnh hiện nay, nên và cần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về phát triển kinh tế xanh để dễ dàng thể chế hóa trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó, xác định bộ chỉ tiêu đo lường hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh ở cấp quốc gia, cũng như ở cấp tỉnh một cách hợp lý. Hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh được thể hiện thông qua hiệu quả phát triển kinh tế xanh. Để đảm bảo tính khả thi, tạo thuận lợi cho triển khai áp dụng trên thực tế, nguyên tắc xác định bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế xanh cần đáp ứng các nguyên tắc : (i) Số lượng chỉ tiêu đủ mức (không nên có quá nhiều chỉ tiêu và các chỉ tiêu phải đồng cấp, tính toán được). (ii) Phản ánh được bản chất của phát triển kinh tế xanh. (iii) Các chỉ tiêu phải mang tính tổng hợp cao và mang tính tiêu biểu cao. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Để đánh giá chất lượng tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh chia thành 4 nhóm mục tiêu chính: * Nhóm 1: Mục tiêu về giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP i). Cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại. ii). Chuyển đổi nhiên liệu trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. iii). Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo nhằm từng bước gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. iv). Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, các loại phân bón độc hại với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp. * Nhóm 2: Xanh hóa các ngành kinh tế i). Xanh hóa sản xuất thông qua sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt là hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. ii). Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản. iii). Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững. iv). Đổi mới công nghệ, áp dụng, phổ biến công nghệ sản xuất sạch hơn. * Nhóm 3: Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững i). Thực thi chính sách đô thị hóa theo quy hoạch bền vững, phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Quy hoạch phát triển đô thị và quản lý quy hoạch cần đạt được các tiêu chí về hiệu quả sinh thái và bảo đảm xã hội. ii). Xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường, thực hiện các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và công bằng xã hội nhằm đảm bảo phát triển nông thôn bền vững. iii). Thúc 304
  7. đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh, thay đổi mô hình và hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững của cả tiêu dùng cá nhân, tiêu dùng nhà nước và xã hội. * Nhóm 4: Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Trong quá trình phân tích, đánh giá kết quả, hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh cần so sánh các chỉ tiêu qua các năm, các giai đoạn và so sánh với mức chuẩn. Điều khó khăn là ở Việt Nam hiện nay chưa có mức chuẩn, nên có thể so sánh với mức đạt được của nước ngoài nếu có số liệu. 2. Đôi nét về quản lý phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay 2.1. Khái quát hệ thống quản lý phát triển ở Việt Nam Việc quản lý nhà nước đối với công cuộc phát triển ở Việt Nam đang triển khai theo ngành và theo lãnh thổ. Giúp Chính phủ và Thủ tướng chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành có 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Giúp Chính phủ và Thủ tướng chính phủ trực tiếp quản lý theo lãnh thổ có chính quyền 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (cùng với chính quyền các cấp từ huyện đến xã). Hệ thống quản lý bên cạnh nhiều tiến bộ cũng bộc lộ không ít bất cập. Luật pháp, chính sách hiện hữu tương đối đủ và từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên còn nhiều thiếu hụt, chồng chéo, chậm điều chỉnh. Quản lý và điều hành của Nhà nước có tiến bộ (theo Diễn đàn Kinh tế thế giới [3], từ năm 2010 đến nay thứ bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng dần và đến năm 2019 Việt Nam đứng thứ 67/141 quốc gia được xếp hạng) nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Nổi cộm là có nhiều sự chồng chéo, phân tán chức năng quản lý trong bộ máy Chính phủ, chính quyền các địa phương làm kém hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý. 2.2. Một số đặc điểm về quản lý phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam Căn cứ vào nguyên tắc: hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội phản ánh trực tiếp hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh và căn cứ vào số liệu thống kê có được, nhóm tác giả xin điểm qua một số vấn đề quan trọng. Ngày 01/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 [8] nhằm húc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Hiện nay, chưa có bộ chỉ tiêu thống nhất về đo lường tăng trưởng xanh trên phạm vi cả nước và cấp tỉnh, thành phố trung ương. Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia cũng đặt ra mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững đến năm 2030 như sau: - Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; - Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom 10%; - Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; 305
  8. - Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; - Tỷ lệ xe buýt năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% so với tổng số xe buýt đang hoạt động; - Tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%;... Quản lý và điều hành kinh tế của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương (gồm chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã) và của cộng đồng doanh nghiệp tuy từng bước có tiến bộ nhưng vẫn chưa tạo ra tiền để đủ mức để nền kinh tế có được sự bứt tốc và phát triển bền vững. Nhìn chung, sự phát triển của nền kinh tế chưa có được sự cân đối, hài hòa, nhịp nhàng cần thiết. Nếu so sánh với các chỉ số tương quan giữa Nông nghiệp và Phi nông nghiệp; giữa sản xuất sản phẩm vật chất và sản xuất sản phẩm dịch vụ; giữa Công nghiệp và Nông nghiệp, giữa Dịch vụ và Công nghiệp của Việt Nam với của Nhật Bản, Hàn Quốc trong giai đoạn nền kinh tế của họ có sự bứt tốc như ở Biểu 1 thì thấy các chỉ số tương quan giữa các bộ phận cấu thành nền kinh tế Việt Nam trong quá trình phát triển còn chưa thật tương xứng ở mức cần thiết như của hai quốc gia Đông Á đang đứng trong nhóm các nước phát triển. Ở Việt Nam đánh giá phát triển kinh tế xanh đang còn là vấn đề yếu; là việc chưa được rõ ràng về mặt lý thuyết và trong thực tế triển khai người ta đang rất lúng túng. Các nhà quản lý chưa gắn phát triển kinh tế xanh với phát triển doanh nghiệp và cũng chưa gắn việc đánh giá phát triển kinh tế xanh với việc đánh giá phát triển doanh nghiệp. Đây có thể nói là điều rất đáng tiếc. Vì thế, dường như chính phủ, các địa phương chưa tìm ra đúng cách để phát triển doanh nghiệp đáp ứng phát triển kinh tế xanh. Việt Nam, chưa có tổ chức đánh giá chất lượng phát triển chung cũng như đánh giá chất lượng phát triển kinh tế xanh. Cho đến nay, cơ quan nhà nước hữu trách triển khai đánh giá phát triển kinh tế - xã hội mà trách nhiệm này thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với sự hỗ trợ của Tổng cục Thống kê, hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra. Nhìn chung ở các báo cáo như thế việc đánh giá chất lượng phát triển kinh tế xanh rất mờ nhạt. Biểu 1: Chỉ số tương quan giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam So sánh tương quan Mức trung bình Chỉ số tương quan ở Việt Nam, % chỉ số tương 2011- 2016- quan của Nhât 2015 2021 Bản, Hàn Quốc*, % 1. Giữa Nông nghiệp và Phi nông nghiệp 1: 2,21 1: 2,42 1: 3-3,5 2. Giữa SXSP vật chât và SXSP dịch vụ 1: 2,45 1: 1,78 1: 3,5-5 3. Giữa Nông nghiệp và Công nghiệp 1:2,28 1:2,57 1: 3,5-4 4. Giữa Dịch vụ và Công nghiệp 1:1,34 1:1,15 1: 2,5-3 Nguồn: Xử lý theo số liệu thống kê Niên giám thống kê 2018 và 2021, Tổng cục Thống kê. Ghi chú:* số liệu tính cho giai đoạn 2000-2020 (cứ quy mô lĩnh vực này tăng 1% thì quy mô lĩnh vực kia tăng bao nhiêu %) ; SXSP: sản xuất sản phẩm 306
  9. 3. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam trong thời gian tới * Hoàn thiện khung thể chế cho quản lý phát triển kinh tế xanh Chính phủ, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện khung thể chế cho phát triển kinh tế xanh từ hoàn thiện bộ máy nhà nước quản lý, phân cấp - phân quyền trong quản lý, ban hành bộ chỉ tiêu đánh giá,... Khung thể chế cần phải đảm bảo sự hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Khung thể chế phải có tầm dài hạn, khắc phục các chính sách mang tính chắp vá, đối phó, thiếu phối hợp trong vùng, cả nước hoặc không còn phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Nhà nước thiết lập những khuôn khổ pháp lý phù hợp nhằm định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Nhà nước bằng việc ban hành thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp sẽ đóng vai trò tạo môi trường khuyến khích xanh hóa nền kinh tế. Khuôn khổ pháp lý được thiết kế phù hợp có thể xác định quyền và tạo động lực định hướng hoạt động kinh tế xanh, cũng như loại bỏ rào cản đối với các khoản đầu tư xanh và điều tiết những hành vi thiếu bền vững có hại tới môi trường, bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn tối thiểu hoặc ngăn cấm hoàn toàn một số hoạt động. Hơn nữa, khuôn khổ pháp lý đầy đủ giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong kinh doanh, cũng như tăng độ tin cậy của nhà đầu tư vào thị trường. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi những tiêu chuẩn (nhất là những tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ môi trường) rõ ràng và được thực thi hiệu quả, vì khi đó, các doanh nghiệp sẽ có chung một mặt bằng cạnh tranh, tránh được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ những doanh nghiệp không tuân thủ. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, cần ban hành hệ thống các văn bản quy phạm kinh tế - kỹ thuật theo hướng thân thiện với môi trường cho từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu theo những tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời có cơ chế phù hợp để khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu. Đây là những định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. * Giải pháp cho xanh hóa sản xuất - Xanh hóa sản xuất thông qua quy hoạch, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường. - Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, đất và khoáng sản. - Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. - Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững. - Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn. * Giải pháp cho giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo - Cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải và thương mại. 307
  10. - Thay đổi cơ cấu sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. - Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia; giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp. * Giải pháp cho xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững - Đô thị hóa bền vững: Quy hoạch phát triển đô thị và quản lý quy hoạch cần đạt các tiêu chí về hiệu quả hệ sinh thái và bảo đảm xã hội. - Xây dựng nông thôn mới với lối sống hòa hợp với môi trường. - Thay đổi mô hình và hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững của 3 khu vực tiêu dùng trong xã hội: khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và người dân. 4. Kết luận GDP/người và thịnh vượng quốc gia mới là cái đích cuối cùng của công cuộc phát triển đất nước và muốn thế nhất thiết phải quản lý phát triển bền vững trong đó có phát triển kinh tế xanh một cách khoa học. Trong bối cảnh hiện nay nên và cần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về phát triển kinh tế xanh để dễ dàng thể chế hóa trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, xác định bộ chỉ tiêu sử dụng để đo lường phát triển kinh tế xanh ở cấp quốc gia cũng như ở cấp các địa phương một cách hợp lý. Nhà nước (mà cụ thể là Chính phủ và chính quyền các địa phương) và doanh nghiệp phải thực hiện việc tổ chức phát triển kinh tế xanh theo các quy trình tiên tiến. Nhà nước phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra được những lĩnh vực mũi nhọn, những sản phẩm chủ lưc, những việc làm có thu nhập cao; đồng thời nâng cao năng lực quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế của nhà nước; cộng đồng doanh nghiệp phải theo kịp các chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Đánh giá kết quả, hiệu quả phát triển kinh tế xanh là việc làm cần thiết và có thể làm được đối với cả quốc gia và đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đổi mới quản lý phát triển kinh tế xanh phải đi kèm với đánh giá kết quả, hiệu quả quản lý phát triển kinh tế xanh ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh. Việt Nam nên và cần tổ chức nghiên cứu cẩn thận, thấu đáo về phát triển bền vững và xây dựng được bộ chỉ tiêu sử dụng để phân tích, đánh giá phát triển bền vững đối với cấp quốc gia và cấp tỉnh. Sau khi nghiên cứu đầy đủ về phát triển kinh tế xanh và bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế xanh sẽ đổi mới việc thống kê các chỉ tiêu phản ánh phát triển kinh tế xanh và tổ chức hướng dẫn việc tính toán các chỉ tiêu để phân tích, đánh giá phát triển kinh tế xanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở nước ta. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/1/2019 Quy định về Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam. 2. Daron Acemoglu và A. Robinson (2013) , Tại sao các quốc gia thất bại. Nxb Trẻ, trang 103-109 308
  11. 3. Diễn đàn kinh tế thế giới (2019), Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 4. Ngô Doãn Vịnh (2010), , Phát triển: Điều kỳ diệu và bí ẩn, Nxb Chính trị quốc gia 5. Ngô Thúy Quỳnh (2016), Phát triển bền vững nhìn từ góc độ quản lý nhà nước. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế - Học viện Hành chính Quốc gia: “Quản lý chiến lươc mục tiêu phát triển bền vững, cách tiếp cận, tư duy hệ thống hoá và điều khiển học - Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam” Hà Nội, tháng 3/2016. 6. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/08/2004 về định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) 7. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 432/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 8. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 309
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0