TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 26/2018 91<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
QUAN NIỆM VỀ VŨ TRỤ TRONG NGŨ KINH MOSES<br />
<br />
Nguyễn Thị Thủy<br />
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên<br />
<br />
<br />
Tóm tắt: Kinh thánh là một bộ sách quan trọng nhất của Kitô giáo. Bộ sách này được tập<br />
hợp của nhiều cuốn sách khác nhau và được chia làm hai phần: Cựu uớc và Tân ước.<br />
Năm cuốn sách đầu tiên của Cựu ước là Ngũ kinh, hay được gọi là Ngũ kinh Moses.<br />
Trong đó, nổi bật là: quan niệm về vũ trụ trong Ngũ kinh Moses, quan niệm này có giá trị<br />
tham khảo về một dạng thế giới quan trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Bài viết này phân<br />
tích các quan niệm về sự tạo dựng vũ trụ, về bổn phận của con người đối với vũ trụ của<br />
Ngũ kinh Moses.<br />
Từ khóa: Kinh thánh, Ngũ kinh Moses, vũ trụ, sự tạo dựng vũ trụ, bổn phận của con<br />
người đối với vũ trụ.<br />
<br />
Nhận bài ngày 25.7.2018; gửi phản biện, chỉnh sửa, duyệt đăng ngày 20.10.2018<br />
Liên hệ tác giả: Nguyễn Thị Thủy; Email: thuytrietnv@gmail.com<br />
<br />
1. MỞ ĐẦU<br />
<br />
Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, để trả lời cho câu hỏi nguồn gốc của vũ trụ,<br />
con người đã dùng nhiều cách khác nhau như: nghiên cứu khảo cổ, nghiên cứu vật lý lượng<br />
tử, nghiên cứu sinh học vi sinh, nghiên cứ hóa học, gửi các tín hiệu vô tuyến, phóng các<br />
tàu thăm dò ra ngoài trái đất. Nhưng tất cả các câu trả lời mang tính giả thuyết từ những<br />
phương tiện hiện đại của chủ nghĩa thực chứng cũng không làm thỏa mãn tư duy logic và<br />
trái tim biết yêu của con người. Đối với những nhà khoa học xã hội và nhân văn, nghiên<br />
cứu những quan niệm được ghi chép từ cổ xưa về nguồn gốc vũ trụ là để tham khảo về một<br />
cách lí giải cho câu hỏi trên. Trong đó, nghiên cứu tư tưởng về vũ trụ trong Ngũ kinh<br />
Moses là một công trình đáng chú ý và cần thiết, có giá trị tham khảo về một dạng thế giới<br />
quan trong lịch sử tư tưởng nhân loại.<br />
<br />
2. NỘI DUNG<br />
<br />
2.1. Quan niệm về sự sáng tạo vũ trụ<br />
Trong quan niệm về vũ trụ, có ít nhất là bốn quan điểm khác nhau trong ngành vũ trụ<br />
học (cosmology). Thuyết thứ nhất cho rằng, vũ trụ này có một khởi điểm, bắt đầu bằng một<br />
sự bùng nổ vĩ đại (big bang) từ một hạt nhân nguyên thủy. Tuy nhiên, sự phát nổ đó không<br />
92 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI<br />
<br />
<br />
có tính cách vô hạn. Nói cách khác, theo thuyết thứ nhất, vũ trụ này có cùng tận. Sự tận<br />
cùng được diễn tả như là “big crunch”. Thuyết thứ hai thì cho rằng, vũ trụ này có một khởi<br />
điểm (big bang) nhưng với sự phát triển vô hạn định. Thuyết thứ ba thì cho rằng, vũ trụ này<br />
không phải chỉ có một khởi điểm mà có nhiều khởi điểm và cùng tận tiếp nối nhau. Thuyết<br />
thứ tư thì cho rằng, vũ trụ này ở trong trạng thái bền vững, chẳng có bùng nổ cũng chẳng<br />
có cùng tận. Ngày nay, chủ trương thứ tư coi như đã bị bác bỏ, vì nó trái ngược với những<br />
quan sát của vật lý học thiên văn (astrophysics) và vũ trụ học (cosmology). Còn ba thuyết<br />
trước, tuy với những dạng thức khác biệt, nhưng đều chấp nhận rằng vũ trụ này có một<br />
khởi điểm (big bang).<br />
Qua lịch sử Kitô giáo, việc cho rằng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ đã có hai khuynh<br />
hướng tư tưởng đối lập nhau. Một trào lưu là thuyết phiếm thần luận (pantheism), đồng hóa<br />
Thiên Chúa với vũ trụ. Một trào lưu khác là thuyết nhị nguyên luận (dualism), đặt vũ trụ<br />
vật chất ra khỏi tầm kiểm soát của Thiên Chúa. Theo thuyết thứ hai, vật chất tự bản chất là<br />
xấu xa cho nên không thể nào do chính Thiên Chúa tốt lành đã làm ra, mà là do một<br />
thần khác.<br />
Đối lại với hai trào lưu trên, Kitô giáo chính thống cho rằng vũ trụ do Thiên Chúa sáng<br />
tạo ra, song vũ trụ này không phải là Thiên Chúa, Thiên Chúa khác biệt với vũ trụ, cũng<br />
tựa như người sáng tạo thì khác với sản phẩm được sáng tạo. Kitô giáo quan niệm vũ trụ<br />
được tạo dựng trong thời gian nhất định. Điều này có nghĩa là theo quan niệm của Kitô<br />
giáo, vũ trụ có khởi điểm chứ không hằng hữu; khởi điểm của vũ trụ cũng là khởi điểm của<br />
thời gian và của lịch sử. Quan điểm của Kitô giáo khác với quan điểm của nhiều tôn giáo<br />
cổ truyền xem vũ trụ như bánh xe quay tròn, xong chu kỳ này lại tiếp sang chu kỳ khác.<br />
Còn quan điểm về lịch sử của Kitô giáo thì cho rằng, lịch sử là một quá trình tiến tới, từ<br />
quá khứ đến hiện tại, chứ không phải là thụt lùi, hay quay vòng. Cũng theo các nhà thần<br />
học Kitô giáo, về phương diện chú giải Kinh thánh, không thể phân tích các chương đầu<br />
của sách Sáng thế với những dụng cụ áp dụng cho các bản văn sử học hay các ngành khoa<br />
học ngày nay, vì sách Sáng thế mang một thể văn riêng biệt. Những định luật vật lý là<br />
những phát biểu của nhà khoa học dựa trên sự quan sát các hiện tượng, chứ các hiện tượng<br />
không nhất thiết phải tuân theo một định luật do nhà khoa học đặt ra. Các nhà chú giải cho<br />
rằng có nhiều đường lối khác nhau để giải thích một hiện tượng. Vì vậy mà mỗi nhà khoa<br />
học cũng có mỗi quan điểm triết học khác nhau khi phân tích thực tại.<br />
Theo quan niệm của Ngũ kinh Moses, Thiên Chúa là đấng tối cao nhất, sáng tạo nên<br />
trời đất và muôn loài từ hư không. Theo sách Sáng thế ký kể lại rằng: Thiên Chúa tạo dựng<br />
vũ trụ trong vòng năm ngày:<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 26/2018 93<br />
<br />
Ngày thứ nhất: Sự sáng<br />
Ngày thứ hai: Khoảng không<br />
Ngày thứ ba: Đất và Cây<br />
Ngày thứ tư: Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao<br />
Ngày thứ năm: Sự sống của loài vật<br />
Cùng ngày thứ sáu, đỉnh cao của tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa dựng nên con người. Để<br />
nói lên vị trí đặc biệt của con người trong công trình tạo dựng.<br />
Theo đó: vũ trụ được sáng tạo theo hai đợt, mỗi đợt ba ngày. Đợt đầu tiên là các công<br />
trình, khu vực mang tính cố định như: sáng/ tối, biển/ đất, nước phía trên/ nước phía dưới.<br />
Đợt thứ hai là các công trình di động mang tính trang trí: mặt trời/ mặt trăng/ các vì sao,<br />
cá/chim, thú vật/ loài người. Những điều kể trên cho thấy thế giới được xác lập theo một<br />
trật tự thời gian, khác biệt, cấp bậc (vũ trụ vật chất có trước để trên đó xuất hiện sự sống<br />
sinh vật để con người được cai quản). Trật tự của thế giới được xác lập có liên quan tới<br />
nhau như những bộ phận không thể tách rời. Mặt trời, mặt trăng được tạo ra để soi sáng,<br />
phân chia, ấn định thời gian. Nhờ đó, con người mới có thể sắp xếp đời sống của mình theo<br />
kỷ luật thời gian, ngày lễ, ngủ nghỉ…<br />
Như vậy, Theo Kinh thánh (chủ yếu được nói đến trong kinh Sáng thế), Thiên Chúa<br />
sáng tạo ra thiên nhiên, vạn vật, từ bầu trời, ánh sáng đến sự sống của đất trời.<br />
Theo các nhà chủ giải Kinh thánh thì việc trình thuật trong sách Sáng thế chỉ là một lối<br />
nói ẩn dụ, tượng trưng chứ không phải hoàn toàn theo nghĩa đen như thế. Nghĩa là việc<br />
sáng tạo vũ trụ và vạn vật là một quá trình từ không gian, thời gian, ánh sáng, bóng tối, đất,<br />
nước, sinh vật, động vật và đỉnh cao cuối cùng là con người. Vì vậy, các nhà thần học Kitô<br />
giáo hiện nay không xem học thuyết tiến hóa là đối lập với quan điểm sáng tạo của Kitô<br />
giáo. Các nhà thần học cho rằng, tiến hóa thực chất là một quá trình sáng tạo của Thiên<br />
Chúa không ngừng với vũ trụ này.<br />
Kitô giáo quan niệm vũ trụ và vạn vật là do Chúa sáng tạo nên, mọi loài mọi vật được<br />
sáng tạo theo tuần tự từ thấp đến cao. Chúa không chỉ sáng tạo vũ trụ, muôn vật, muôn loài<br />
và con người mà còn chi phối vũ trụ từng giây từng phút, từ khởi thủy cho đến mãi muôn<br />
đời. Vũ trụ này có khởi đầu và sẽ có kết thúc. Như vậy, về bản thể luận, vũ trụ quan Kitô<br />
giáo thể hiện rõ tính chất duy tâm khách quan, tôn giáo.<br />
Như vậy, theo Ngũ kinh Moses: công cuộc tạo dựng vũ trụ của Thiên Chúa được diễn<br />
ra một cách trọn vẹn. Song nhiều câu hỏi được đặt ra: đó có phải là huyền thoại, là ngụ<br />
ngôn hoặc là sự kết hợp các tài liệu hay là ý tưởng của một cá nhân nào đó, về nguồn gốc<br />
của mọi vật hay không?. Qua nhiều nghiên cứu của các học giả, họ đều công nhận Kinh<br />
thánh là một tường thuật thẳng thắn, giản dị về hoạt động của Thiên Chúa trong việc tạo<br />
94 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI<br />
<br />
<br />
dựng thế gian và con người. Câu chuyện “Khởi nguyên” đó mang diễn tiến cho sự chuẩn bị<br />
vũ trụ, một thế giới sẵn sàng cho loài người.Như vậy, quan niệm về vũ trụ trong Ngũ kinh<br />
Moses đã khẳng định được sự tạo dựng của vũ trụ thông qua một Đấng tối thượng là Thiên<br />
Chúa, do đó, theo Ngũ kinh Moses: con người cần có những bổn phận và trách nhiệm của<br />
mình đối vỡi vũ trụ - nơi con người sinh sống và tồn tại. Bên cạnh đó, nếu như Phật giáo<br />
cho rằng: sự sống đi theo đường vòng tròn khép kín với bốn chu trình: sinh, trụ, dị, diệt rồi<br />
lại quay vòng luân hồi đó, thì theo Kitô giáo: sự sống tồn tại và phát triển theo con đường<br />
thẳng: bắt đầu từ buổi đầu tạo dựng và điểm cuối tại ngày tận thế.<br />
<br />
2.2. Quan niệm về bổn phận của con người đối với vũ trụ<br />
Theo Ngũ kinh Moses, Thiên Chúa đã tạo dựng trái đất và vũ trụ trong sáu ngày và<br />
thổi sinh khí vào chúng. Mỗi một công trình sáng tạo, trong bản chất riêng của mình, đều<br />
phản ánh sự tốt đẹp riêng của nó. Chính vì vậy ở đây đòi hỏi con người phải tôn trọng từng<br />
công trình sáng tạo, tránh không được sử dụng các sự vật một cách vô trật tự. Do đó, Kinh<br />
thánh dường như nhắc nhở con người phải biết trân trọng, hàm ơn công lao sáng tạo vũ trụ<br />
của Đấng sáng tạo và đòi hỏi con người phải có những bổn phận của mình đối với công<br />
trình sáng tạo vũ trụ ấy.<br />
Sau khi vũ trụ được hình thành, trật tự và sự hài hòa của thế giới đó là do sự đa dạng<br />
của các sự vật và sự đa dạng của các liên hệ giữa chúng với nhau và con người đã dần<br />
khám phá ra các mối liên hệ ấy như là các định luật của thiên nhiên. Vẻ đẹp này của vũ trụ<br />
phản chiếu nên vẻ đẹp của Đấng sáng tạo. Vẻ đẹp này gợi lên nơi trí tuệ và ý chí con người<br />
sự tôn kính và quy phục. Từ đó đỏi hỏi bản thân con người phải biết trân trọng và gìn giữ<br />
những vẻ đẹp ấy.<br />
Sau khi vũ trụ được tạo dựng, theo Ngũ kinh Moses: Thiên Chúa giao cho con người<br />
làm chủ đất đai, thiết lập trật tự mới của thế giới. Như vậy, với quyền năng được ban cho<br />
làm chủ cai quản mặt đất và vạn vật, con người đã được giao cho trọng trách to lớn. Con<br />
người không chỉ có trách nhiệm với chính bản thân con người: “sinh sôi đầy mặt đất” mà<br />
đồng thời con người cũng được làm chủ mọi vạn vật trong vũ trụ. Quyền “làm chủ” trần<br />
gian mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ lúc đầu, được thực hiện trước tiên nơi<br />
chính con người, là việc làm chủ chính bản thân mình. Con người còn nguyên vẹn và có<br />
trật tự trong chính bản thân, vì còn tự do đối với ba thứ dục vọng khiến con người quy<br />
phục các lạc thú của giác quan, sự ham mê của cải trần thế và ngược lại những lệnh truyền<br />
của lý trí [30, tr.122]. Bên cạnh đó, ta thấy: dấu chỉ của sự thân thiện của con người với<br />
Thiên Chúa là việc Thiên Chúa đặt con người trong vườn địa đàng. Con người sống ở đó<br />
để: “cày cấy và canh tác đất đai” [St 2,15]. Điều đó khẳng định được vị trí và vai trò hết<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 26/2018 95<br />
<br />
sức to lớn của con người trong vũ trụ, đòi hỏi con người phải “làm chủ” như thế nào để gìn<br />
giữ, nuôi dưỡng không chỉ chính bản thân con người mà còn là các thụ tạo của vũ trụ mà<br />
đã được sáng tạo, tồn tại song song cùng với cuộc sống của con người, nuôi dưỡng bản<br />
thân con người.<br />
Trong Đệ nhị luật có nói về bổn phận của con người được thể hiện:<br />
Đối với sản phẩm đầu mùa [Đnl 26,2] “khi anh em được Thiên Chúa ban cho anh em<br />
làm gia nghiệp, khi anh em chiếm hữu và đất ở đó, thì hãy lấy một phần mọi nông sản đầu<br />
mùa thu hoạch được từ miền đất mà Thiên Chúa ban cho. Anh em hãy để những thứ đó<br />
vào giỏ rồi đi đến nơi Đức Chúa, chọn danh người dự”. Điều đó thể hiện được lòng biết ơn<br />
đối với người đã sáng tạo ra chính bản thân mình và cho mình sinh sống. Con người có bổn<br />
phận dâng những lễ vật mà con người canh tác được để hướng đến Thiên Chúa, đấng sáng<br />
tạo ra vạn vật hay chính là thể hiện lòng kính trọng, sự biết ơn hướng đến nguồn cội đã tạo<br />
ra con người và cho con người làm chủ vạn vật như ngày nay. Đây cũng là lời răn dạy lí lẽ,<br />
lối sống cho con người, để từ đó con người có trách nhiệm với bản thân mình, với công<br />
việc của mình cũng như với những người đã sáng tạo ra mình.<br />
Trong thuế thập phân ba năm một lần [Đnl 26,3] nghĩa là “năm thứ ba, tức năm nộp<br />
thuế thập phân, sau khi anh em đã trích ra mười phần hoa lợi mà đem cho thầy Lê vi, người<br />
ngoại kiều và cô nhi quả phụ, và họ đã được ăn uống no nê trong các thành của anh em thì<br />
anh em đến thưa trước tôn nhan Đức Chúa” [Đnl 26,3]. Điều này thể hiện được bổn phận<br />
của con người có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Của cải sau khi được sản xuất ra<br />
con người đem chia cho các thầy Lê vi, người ngoại kiều và cô nhi quả phụ, họ còn mang<br />
đến Thiên Chúa để tưởng nhớ lại công ơn nguồn cội của mình. Đây chính là trách nhiệm,<br />
nghĩa vụ cũng như bổn phận của con người. Con người yêu thương lẫn nhau, người lao<br />
động chia một phần của cải của mình cho những người không thể lao động trong xã hội.<br />
Thể hiện tình đoàn kết, tương thân tương ái lẫn nhau, qua đó cũng giáo dục, răn dạy con<br />
người về đạo đức, lối sống của con người. Bên cạnh đó, lề luật của Ngũ kinh Moses đó<br />
cũng thể hiện được lòng biết ơn nguồn cội đối với tổ tiên, Người tạo dựng nên bản thân<br />
con người, cho con người làm chủ đất đai, vũ trụ để “canh tác”, trồng trọt duy trì cuộc sống<br />
của mình. “Thuế thập phân ba năm một lần” ở đây thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như<br />
đạo đức hướng tới nguồn cội và yêu thương lẫn nhau của con người.<br />
Như vậy, ta thấy: tất cả những lề luật, những sự căn dặn con người của Kinh thánh đều<br />
thể hiện ra những giá trị tốt đẹp hướng tới xây dựng đạo đức, phẩm chất con người. Con<br />
người biết ơn nguồn cội của mình, biết ơn được sự sáng tạo ra vũ trụ của Thiên Chúa để từ<br />
đó trân trọng và xây dựng đạo đức lối sống của mình. Bổn phận của con người đối với vũ<br />
trụ ở đây được thể hiện khi con người được giao phó cho trọng trách làm chủ vũ trụ, làm<br />
96 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI<br />
<br />
<br />
chủ bản thân mình, Để từ đó con người hình thành nhân cách, đạo đức của mình để xây<br />
dựng đời tốt đẹp hơn.<br />
<br />
3. KẾT LUẬN<br />
<br />
Ngũ kinh Moses là quan niệm về sự tạo dựng vũ trụ của Thiên Chúa trong vòng sáu<br />
ngày. Nếu như Phật giáo cho rằng sự sống đi theo một vòng tròn khép kín: sinh trụ dị diệt<br />
thì Kinh thánh của Kitô giáo đã khẳng định sự ra đời và phát triển của vũ trụ đi theo một<br />
con đường thẳng, bắt đầu sự tạo dựng của Thiên Chúa ở điểm khởi đầu đến điểm kết thúc<br />
là ngày tận thế, ngày xét lại cho con người, ngày sẽ quyết định con người được lên thiên<br />
đàng hay xuống hỏa ngục. Cùng với đó, quan niệm về vũ trụ trong Ngũ kinh Moses đã nói<br />
lên trách nhiệm và bổn phận của người đối với vũ trụ để từ đó con người điều chỉnh hành<br />
vi, bảo vệ môi trường sống của mình. Đó là quan niệm ít nhiều có điểm tương đồng với<br />
khoa học.Tuy nhiên, đó vẫn là quan điểm duy tâm tôn giáo, chứa đựng trong đó nhiều<br />
nghịch lí đòi hỏi phải giải quyết bằng những thành tựu của khoa học hiện đại.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Ban Tôn giáo Chính phủ (2009), Các văn bản pháp luật quan hệ đến tín ngưỡng tôn giáo, -<br />
Nxb Tôn giáo, Hà Nội<br />
2. John Hayes (2008), Nhập môn Kinh thánh, (Nguyễn Kiên Trường dịch), - Nxb Tôn giáo, Hà<br />
Nội.<br />
3. Hồ Chí Minh, Về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, - Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.<br />
4. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước - Lời Chúa cho mọi<br />
người, - Nxb Tôn giáo, Hà Nội.<br />
5. Nhóm Phiên dịch các giờ kinh Phụng Vụ (1999) Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước,-<br />
Nxb TP Hồ Chí Minh.<br />
6. Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), (2006), Giải nghĩa Kinh Thánh: I-II Côrintô, - Nxb<br />
Tôn giáo, Hà Nội.<br />
7. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2011), Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, - Nxb Tôn<br />
giáo.<br />
8. Lm.Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, O.P, (2005), Tìm hiểu Ngũ Thư.<br />
9. Đỗ Minh Hợp (chủ biên), (2005), Tôn giáo lý luận xưa và nay, - Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ<br />
Chí Minh.<br />
10. Đỗ Minh Hợp (chủ biên), (2006), Tôn giáo học nhập môn, - Nxb Tôn giáo, Hà Nội.<br />
11. Http://tsthdm.blogspot.com/2013/02/quan-niem-kinh-thanh-ve-con-nguoi.html.<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 26/2018 97<br />
<br />
<br />
<br />
THE CONCEPT OF UNIVERSE IN MOSES PENTECOST<br />
<br />
Abstract: The Bible is the most important book of Christianity. This book is a collection<br />
of many different books and is divided into two parts: The Old Testament and the New<br />
Testament. The first five books of The Old Testament are the Old Pentecost, also known<br />
as the Moses Pentecost. Particularly, the notion of universe in the Moses Pentecost is of<br />
great importance which is worth referring to a number of kinds of worldview in the<br />
history of human. This paper analyzes the notions of universe creation and human’s<br />
responsibility to universe in the Moses Pentecost.<br />
Keywords: Bible, Moses, universe, universe creation, human’s responsibility to universe.<br />