intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong nghiên cứu, giảng dạy ở các trường sư phạm

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

25
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục rất sâu rộng; trong tham luận này chúng tôi giới hạn ở việc khái quát một số điểm chủ yếu; trên cơ sở đó nhận thức và vận dụng trong một số lĩnh vực về nghiên cứu và học tập. Điều quan trọng là làm sao cho tư tưởng của Bác Hồ đi sâu vào giáo dục, trở thành hiện thực tại các trường đại học và cao đẳng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong nghiên cứu, giảng dạy ở các trường sư phạm

  1. Kỷ yếu hội thảo khoa học: "CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MỘT TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC VỀ GIÁO DỤC VÀ SƯ PHẠM". pp. 43-47 QUÁN TRIỆT TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC TRONG NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY Ở CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ Viện Khoa học Xã hội - Đại học Sư phạm Hà Nội Nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục rất sâu rộng; trong tham luận này chúng tôi giới hạn ở việc khái quát một số điểm chủ yếu; trên cơ sở đó nhận thức và vận dụng trong một số lĩnh vực về nghiên cứu và học tập. Điều quan trọng là làm sao cho tư tưởng của Bác Hồ đi sâu vào giáo dục, trở thành hiện thực tại các trường đại học và cao đẳng. 1. Phát huy truyền thống của dân tộc, đặc biệt là truyền thống hiếu học, vận dụng và phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, về giáo dục nói riêng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng một nền giáo dục dân chủ nhân dân rồi trở thành nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp giáo dục được xây dựng và phát triển gắn liền với cuộc đấu tranh cho độc lập và chủ nghĩa xã hội, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, trong xu thế phát triển của thế giới, công tác giáo dục nói chung, giáo dục nhà trường nói riêng của chúng ta cần đứng vững trên quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống quan điểm về cách mạng Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh “giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người”, mà giải phóng con người là nhiệm vụ trung tâm, là mục tiêu của cuộc đấu tranh chống mọi áp bức bóc lột. Hồ Chí Minh chỉ “có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [1;161]. Tư tưởng nhân văn cách mạng này không chỉ dừng ở tình cảm, nhận thức lý luận mà biến thành chính sách chủ trương, biện pháp cụ thể, để hiện thực hoá trong thực tiễn cuộc sống. Người khẳng định: “. . . chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1) Làm cho dân có ăn, 2) Làm cho dân có mặc, 3) Làm cho dân có chỗ ở, 4) Làm cho dân có học hành” [1;152]. 43
  2. Nghiêm Đình Vỳ Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người là tư tưởng dựa vào sức mạnh của con người theo hướng “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Để cho con người vùng dậy, tự đấu tranh để tự giải phóng, phải giáo dục họ thức tỉnh và giác ngộ, đảm nhận sứ mệnh lịch sử của mình. Trong một ý nghĩa nào đó, tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nghĩa đầu tiên của thuật ngữ “paidagos” của Hy Lạp là “dắt dẫn ai qua đường”. Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng của cuộc chiến tranh chống Pháp “đang trong đêm tối dường như không có đường ra”. Người đã gắn cuộc đấu tranh chống chế độ “giáo dục ngu dân” với việc tố cáo chủ nghĩa thực dân, Người đã đặt giáo dục thành một nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống ngoại xâm, trong công cuộc xây dựng đất nước. Bởi vì, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” [1;9]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, chăm lo đến thầy giáo, cô giáo, học sinh các cấp. Có thể nói, hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào lại có tình cảm đặc biệt như vậy. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã vinh dự được đón Người đến thăm cán bộ và sinh viên, để lại nhiều kỉ niệm vô cùng tốt đẹp. Nếu làm một bảng thống kê đầy đủ, chúng ta sẽ nhận thấy tỉ lệ các bài viết, những đoạn, những câu liên quan đến giáo dục chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong tổng số các tác phẩm của Hồ Chí Minh đã được thu thập. Sự quan tâm, chăm lo đến giáo dục của Hồ Chí Minh vừa thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, tình cảm của một học sinh, một thầy giáo vĩ đại - thầy giáo Nguyễn Tất Thành - vừa thể hiện tầm cỡ của một nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã xây dựng quan điểm mà hiện nay Đảng ta đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” và “phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực của con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững” [5;108-109]. Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng và phát triển nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học giáo dục. Tuy nhiên, khoa học giáo dục của Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu, đề xuất những nguyên lí, nguyên tắc về giáo dục, các biện pháp sư phạm mà còn là quan điểm tư tưởng về giáo dục. Có thể nói tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh một cách chính xác là tư tưởng chính trị - giáo dục, có vai trò, nhiệm vụ trong việc chỉ đạo về nhận thức quan điểm, đường lối, chính sách và hoạt động thực tiễn với những biện pháp có hiệu quả cao. Lý luận và thực tiễn giáo dục ở Hồ Chí Minh quyện chặt với nhau và trở thành tư tưởng giáo dục. Ở đây, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, toàn diện nội hàm khái niệm “giáo dục” trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài việc Hồ Chí Minh chỉ bảo về công việc giáo dục ở nhà trường - từ xác định mục tiêu giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học, đến những quan điểm lớn về xây dựng một nền giáo dục cách mạng, hiện đại, tiên tiến - Người còn đề cập đến việc giáo dục đối với nhiều đối tượng khác 44
  3. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong nghiên cứu, giảng dạy... - các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, quân nhân. . . Cùng với việc giáo dục nhà trường, việc giáo dục thường xuyên, nhiều mặt trong xã hội có ý nghĩa, vị trí quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, tác động với nhau. Thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên bao giờ cũng chịu tác động, ảnh hưởng của môi trường gia đình và xã hội. Sự tách biệt trong một mức độ nhất định giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội là một nguyên nhân quan trọng làm giảm sút chất lượng giáo dục thế hệ trẻ về nhiều mặt, làm chệch mục tiêu giáo dục. Vấn đề này đã được nhận thức và nêu rõ trong nhiều tài liệu, văn kiện của Đảng và Nhà nước, song chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Làm sao giáo dục cho học sinh sự trung thực trong thi cử, xác định đúng động cơ học tập, đấu tranh chống các mặt tiêu cực, không chạy theo thành tích. Qua tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy rõ công tác giáo dục nói chung, giáo dục nhà trường nói riêng, gắn liền với việc xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ. Một xã hội như vậy là cơ sở cho việc giáo dục xã hội và nhà trường có kết quả theo mục tiêu, phương hướng xây dựng một nền văn hoá, giáo dục xã hội chủ nghĩa. Một nền giáo dục chân chính cách mạng sẽ góp phần xây dựng xã hội mà nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh để đạt được. Một nền giáo dục như vậy trước hết phải đưa lại một sản phẩm đặc biệt - những con người có trình độ văn hoá, có tư tưởng tốt. . . 2. Hiện nay trong giới nghiên cứu nói chung, đặc biệt những nhà giáo dục, chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc, có hệ thống của vai trò, vị trí tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và quán triệt, thể hiện tư tưởng của Người trong thực tiễn giáo dục. Đó là một trong nhiều nguyên nhân làm cho giáo dục nước ta có sự giảm sút về đạo đức tư tưởng, kỹ năng thực hành. . . Đồng thời do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh trong xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hoá, giáo dục. Đó là những hiện tượng xa rời văn hoá, giáo dục truyền thống, tình trạng lai căng đang xâm nhập, phát triển. . . ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm, thái độ, cách sống, sự hiểu biết của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những biểu hiện này là đáng lo ngại, chúng làm cho chất lượng giáo dục nhà trường, về mặt văn hoá, đạo đức, phẩm chất giảm sút. Vì vậy, cần nhận thức và thực hiện đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trên các mặt chủ yếu sau đây: Thứ nhất, ý nghĩa vai trò của giáo dục trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nhận thấy rõ điều này ở nội dung của các câu nói của Người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” [2;309]. Thứ hai, tầm quan trọng của việc xác định việc thể hiện mục tiêu giáo dục. Mỗi thời đại, chế độ xã hội có mục tiêu giáo dục về quan tâm đến giáo dục thế hệ 45
  4. Nghiêm Đình Vỳ trẻ, vì vậy trong “Thư gửi các em học sinh” (1945), Bác Hồ đã căn dặn phải chăm học và ý thức rõ rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” [3 và 4]. Trong Di chúc thiêng liêng của mình, Người đã khẳng định: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [4;50]. Nhận thức điều này những người công tác giáo dục sẽ tự hào, yên tâm với nghề nghiệp, có trách nhiệm cao với công việc đang đảm nhận, khắc phục được những sai lầm thường gặp trong công tác, đặc biệt xu hướng “thương mại giáo dục” hiện nay. Thứ ba, giáo dục là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người. Đây là quan điểm “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” và là một trong những mục tiêu cơ bản mà cách mạng phải đem lại cho quần chúng nhân dân. Dân trí có nâng cao, cách mạng mới thành công, đất nước mới phát triển. Cho nên phương châm “người biết chữ dạy người chưa biết chữ” chỉ là một giải pháp tình thế để chống “giặc dốt”, để củng cố chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới ra đời, qua bầu cử trực tiếp và phổ thông sau khi nước nhà mới giành được độc lập. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ chống mù chữ, chống “tái mù chữ” mà phải nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật cho đông đảo nhân dân. Điều này không phải là chuyện đơn giản mà phải phấn đấu liên tục, gian khổ, phải xây dựng xã hội học tập. Động viên nhân dân có trách nhiệm xây dựng giáo dục trên nhiều mặt về nội dung và phương pháp dạy học, cũng như cơ sở vật chất, thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng, tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời. Thứ tư, phải quán triệt nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi hoạt động của nhà trường nói chung và các trường Sư phạm nói riêng, qua các môn học nhất là các bộ môn khoa học xã hội, đặc biệt là ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân... Công việc này đã được chú trọng từ lâu, đã đạt được một số thành tựu nhất định, song cần tiến hành một cách cụ thể, có hệ thống sâu sắc hơn. Hơn lúc nào hết, công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường, đối với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thanh, thiếu niên, sinh viên cần tìm hiểu sâu sắc, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, có hiệu quả tư tưởng, phẩm chất, đạo đức Hồ Chí Minh về giáo dục. Việc học tập tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh phải được vận dụng vào công tác giáo dục; bởi vì, về mặt giáo dục (văn hoá, tư tưởng, thực hành. . . ), Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm, lý luận gắn với thực tiễn. Vì vậy, trong việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng về giáo dục của Người nói riêng, chúng ta cần tìm hiểu sâu sắc những luận điểm cơ bản của nhà tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phải làm theo tấm gương của Hồ Chí Minh về đạo đức, tinh thần hiếu học, chăm lo việc giáo dục cho mọi người. Người là mẫu mực của việc tiếp nhận văn hoá, giáo dục phương Đông, phương Tây mà vẫn giữ cốt cách của con người Việt Nam, tinh thần, ý thức dân tộc. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục phải tiến hành kết hợp hữu cơ 46
  5. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong nghiên cứu, giảng dạy... với việc nắm vững những quan điểm tư tưởng của Người, với tư cách là một khoa học, với hành động thực tiễn. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương pháp luận Hồ Chí Minh về “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát động, chỉ đạo, kiểm tra, sơ kết từng đợt là việc giáo dục một cách toàn diện tư tưởng, đạo đức, phẩm chất cho toàn dân, cán bộ, đảng viên và biến những điều học tập thành hành động thực tiễn. Điều này sẽ khắc phục được tính kinh viện trong học tập, một việc học tập sách vở, dừng ở nắm kiến thức lí thuyết mà không hành động cụ thể. Do đó, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng đạo đức của Người nói riêng gắn liền với việc tìm hiểu quan điểm của Người về giáo dục. Để tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thực sự đi vào cuộc sống, vào trường học, và nhất là thực hiện lời dạy của Người với Trường ĐHSP Hà Nội là: “Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường Sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước,” chúng tôi kiến nghị: - Đưa vào chương trình dạy học bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục”, trước hết là trong các trường sư phạm. - Những đề tài xung quanh chủ điểm “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào dạy học các bộ môn khoa học xã hội” (ở các cấp học từ tiểu học đến cao đẳng, đại học) cần được tạo điều kiện để tổ chức nghiên cứu. - Để khắc phục những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh xảy ra trong điều kiện mới, đưa nền giáo dục cách mạng, tiên tiến tiếp tục phát triển, công tác giáo dục nói chung, trong nhà trường nói riêng, nên duy trì lại “Phong trào thi đua Hai tốt” mà Bác Hồ đã khởi xướng. Thực hiện “dạy tốt, học tốt” và có nhiều “người tốt, việc tốt”, để tiến hành những vấn đề cụ thể như đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, tăng cường phương tiện và điều kiện giáo dục, tạo điều kiện cho người nghèo được học cùng với việc phát triển những “đỉnh cao” của khoa học giáo dục. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, in lần thứ hai, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.161, 152, 9. [2]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.309. [3]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.23. [4]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.50. [5].Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.108-109. 47
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2