intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sản phẩm văn hóa - du lịch thực cảnh “Chợ ma Định Yên” (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) từ góc nhìn văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Sản phẩm văn hóa - du lịch thực cảnh “Chợ ma Định Yên” (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) từ góc nhìn văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa" tiếp cận sản phẩm văn hóa - du lịch thực cảnh Chợ ma Định Yên từ góc nhìn Văn hóa đại chúng (Popular Culture), Công nghiệp văn hóa (Cultural Industries) vốn không tách rời nhau, theo hướng phân tích văn bản (textual analysis) (“đọc” show thực cảnh như một văn bản (text) “tạo ra nghĩa (meaning) thông qua các thực hành biểu đạt” (Chris Barker, 2008: 490)), qua đó rút ra hàm ý cần thiết, có ý nghĩa khoa học lẫn thực tiễn. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sản phẩm văn hóa - du lịch thực cảnh “Chợ ma Định Yên” (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) từ góc nhìn văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa

  1. SẢN PHẨM VĂN HÓA - DU LỊCH THỰC CẢNH “CHỢ MA ĐỊNH YÊN” (HUYỆN LẤP VÒ, TỈNH ĐỒNG THÁP) TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG, CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Huỳnh Nguyễn Phúc Thịnh1 Tóm tắt: Thực cảnh Chợ ma Định Yên là nỗ lực lẫn kỳ vọng của chính quyền và người dân địa phương huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp trong việc tạo ra sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, khác biệt. Thực cảnh tái hiện chợ chiếu vang bóng một thời mà dân gian gọi là “chợ ma” - nét văn hóa chợ, văn hóa giao thương đặc trưng của địa phương đã bị mai một, gắn kết chặt chẽ với Di tích quốc gia đình Định Yên, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên, Định An. Trên cơ sở quan sát tham dự, thu thập thông tin sơ cấp kết hợp phân tích, tổng hợp tài liệu thứ cấp, có so sánh một số trường hợp như Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội), Ký ức Hội An (Quảng Nam), nghiên cứu chỉ ra: Từ góc nhìn Văn hóa đại chúng (Popular Culture), thực cảnh Chợ ma Định Yên nổi bật các thủ pháp Spectacle (Cảnh quan, trình diễn hoành tráng, đa dạng, tạp kỹ), Nostalgia (Hoài niệm, Hoài nhớ, Hoài cổ), và Occultism (Huyền bí) làm nên sức hấp dẫn, thành công của nó; đồng thời, chứa đựng Tâm thức “tự hào, mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương”. Từ góc nhìn Công nghiệp văn hóa (Cultural Industries), tập trung phương diện du lịch văn hóa, thực cảnh Chợ ma Định Yên khai thác rõ nét yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch nhưng với tư duy “đặt văn hóa lên trước kinh tế”, phát huy vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng; đồng thời, gợi mở khả năng hội tụ, tích hợp, liên kết, phát triển giữa/với các lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác trong tương lai. Từ khóa: Sản phẩm du lịch, di sản văn hóa, văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Chính thức ra mắt vào cuối tháng 9/2023 tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thực cảnh Chợ ma Định Yên là sản phẩm văn hóa - du lịch2 tái hiện chợ chiếu vang bóng một thời mà dân gian gọi là “chợ ma”, vốn là tập quán sinh hoạt đặc trưng của địa phương đã bị mai một. Thực cảnh gắn kết chặt chẽ với Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Định Yên và nhất là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên, Định An3. Đây là nỗ lực lẫn kỳ vọng của chính quyền và người dân địa phương trong việc theo đuổi hướng đi độc đáo, khác biệt, giữa bối cảnh 1 Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. 2 Cách gọi “sản phẩm văn hóa - du lịch” đúng như nó được giới thiệu ở buổi họp báo ra mắt. Đình Định Yên (có từ thế kỷ XIX) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 2139/ 3 QĐ-BVHTTDL ngày 6/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, Định An đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống theo Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL ngày 9/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
  2. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 687 sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh nhà nói riêng và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung còn hạn chế và trùng lặp. Ở Việt Nam đã có nghiên cứu phân tích các show thực cảnh hiện hình thành được thương hiệu như Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội), Ký ức Hội An (Quảng Nam) - vốn là sản phẩm du lịch do tư nhân đầu tư (Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội, Công ty Cổ phần Gami Hội An) (Nguyễn Khánh Ngọc, 2018); song với thực cảnh Chợ ma Định Yên - vốn do chính quyền và người dân địa phương cùng thực hiện thì, còn rất mới mẻ - hiện chỉ có các bài báo, tạp chí đưa tin về sự kiện ra mắt sản phẩm, hầu như thiếu vắng trong các tài liệu học thuật hiện có. Là một nghiên cứu định tính, trên cơ sở quan sát tham dự, thu thập thông tin sơ cấp tại buổi họp báo ra mắt sản phẩm1, kết hợp phân tích, tổng hợp tài liệu thứ cấp, nghiên cứu này tiếp cận sản phẩm văn hóa - du lịch thực cảnh Chợ ma Định Yên từ góc nhìn Văn hóa đại chúng (Popular Culture), Công nghiệp văn hóa (Cultural Industries) vốn không tách rời nhau, theo hướng phân tích văn bản (textual analysis) (“đọc” show thực cảnh như một văn bản (text) “tạo ra nghĩa (meaning) thông qua các thực hành biểu đạt” (Chris Barker, 2008: 490)), qua đó rút ra hàm ý cần thiết, có ý nghĩa khoa học lẫn thực tiễn. 2. KHÁI QUÁT VỀ THỰC CẢNH CHỢ MA ĐỊNH YÊN VÀ NHỮNG PHÂN TÍCH TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG, CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA 2.1. Khái quát về sản phẩm văn hóa - du lịch thực cảnh Chợ ma Định Yên Nằm tả ngạn sông Hậu, vùng đất Định Yên về mặt hành chính hiện là hai xã Định Yên, Định An của huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, từ lâu nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phần lớn tài liệu trước đây (Lê Thị Thanh Yến, Phan Mạnh Nhân, 2020) nói nghề dệt chiếu Định Yên có lịch sử khoảng 100 năm; song theo nghiên cứu mới nhất, có thể khẳng định mốc thời gian này là hơn 200 năm2. Không chỉ có làng nghề lâu đời, cho sản phẩm chiếu đa dạng, chất lượng, tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu, vùng đất Định Yên thế kỷ trước vẫn tồn tại “chợ ma” không giống bất kỳ loại chợ nào khác, song nay không còn. Kỳ thực, đó là chợ chiếu chuyên bán chiếu và phụ liệu nghề chiếu. Bà Nguyễn Thị Nhanh, Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: Trước đây, người dân mang chiếu đến chợ để bán nhỏ lẻ. Đặc biệt, chợ chỉ nhóm họp ban đêm, thời điểm không cố định, phụ thuộc con Tác giả có dịp tham gia buổi họp báo vào chiều tối ngày 29/9/2023 tại Đình Định Yên, xã Định Yên, 1 huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp; cũng như xem thực cảnh Chợ ma Định Yên diễn ra ngay sau đó. Xin chân thành cảm ơn chuyên gia du lịch Phan Yến Ly đã tạo điều kiện cho chúng tôi dự sự kiện này. Ý kiến của ông Nguyễn Sự. Thông tin tác giả ghi nhận tại họp báo ra mắt sản phẩm. Về quá trình hình 2 thành, phát triển qua các giai đoạn thăng trầm, đặc điểm nghề nghiệp và định hướng tương lai cho Nghề dệt chiếu Định Yên, xin xem http://dinhyen.lapvo.dongthap.gov.vn/w/dang-bo-tinh-dong-thap-khai- mac-hoi-nghi-lan-thu-11 (truy cập 23/2/2024).
  3. 688 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... nước lớn ròng, thường từ 23 giờ đến 2-3 giờ sáng. Vì thế, chợ chiếu Định Yên còn được gọi là “chợ ma”. Ngoài ra, nét đặc trưng riêng của “chợ ma” là “người mua thì ngồi tại chỗ, còn người bán thì mang chiếu đi lại rao bán”. Trong sự biến chuyển của làng nghề (các hộ sản xuất chuyển từ dệt thủ công sang dệt công nghiệp, dệt máy để nâng cao năng suất, lợi nhuận; hệ thống giao thông thuận lợi hơn để vận chuyển hàng hóa, thương lái đến mua trực tiếp...), “chợ ma” Định Yên dần rơi vào dĩ vãng1. Hình 1. Một số hình ảnh thực cảnh Chợ ma Định Yên Nguồn: H.N.P.Thịnh (29/9/2023) Nhằm phục dựng, tái hiện tập quán sinh hoạt địa phương, sản phẩm văn hóa - du lịch thực cảnh Chợ ma Định Yên chính thức ra mắt vào cuối tháng 9/2023 và duy trì đến nay. Thực cảnh có sự cố vấn, tư vấn, định hướng của ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An và nhất là ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, qua kinh nghiệm hai ông có được với Đêm phố cổ Hội An (Quảng Nam) mà nay đã trở thành sản phẩm du lịch nổi danh tầm quốc tế. Thời lượng thực cảnh kéo dài 30 phút. Tham gia thực cảnh là hơn 100 người dân làng nghề dệt chiếu, cùng khoảng 20 nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thông tin tác giả ghi nhận tại họp báo ra mắt sản phẩm. 1
  4. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 689 2.2. Thực cảnh Chợ ma Định Yên từ góc nhìn Văn hóa đại chúng Dù tái hiện, lấy “chất liệu” từ thực hành văn hóa truyền thống, dân gian, song với tư cách một sản phẩm du lịch/chương trình nghệ thuật/show biểu diễn hiện đã ít nhiều mang tính thương mại, dịch vụ và hứa hẹn sẽ đậm nét hơn nữa trong tương lai, thực cảnh Chợ ma Định Yên hiển nhiên không nằm ngoài phạm trù Văn hóa đại chúng, Công nghiệp văn hóa. Nhìn thực cảnh này từ các thủ pháp và cấu trúc của một sản phẩm văn hóa đại chúng, theo chúng tôi, sẽ giúp phân tích, làm sáng tỏ sức hấp dẫn, thành công cũng như hạn chế của nó và thông điệp về niềm tin, giá trị mà nó gửi gắm. Trước hết, vận dụng lý thuyết về các đặc điểm - thủ pháp văn hóa đại chúng theo Marcel Danesi (2018: 34-40) và Phan Thị Thu Hiền (2023: 29-31), có thể thấy thực cảnh Chợ ma Định Yên nổi bật các thủ pháp sau: Spectacle / Cảnh quan, trình diễn hoành tráng, đa dạng, tạp kỹ: Spectacle “hiện hữu khắp nơi trong văn hóa đại chúng” (Marcel Danesi, 2018: 34). Phần lớn các sử gia cho rằng văn hóa đại chúng bắt nguồn từ vaudeville (hình thức giải trí nổi tiếng ở Mỹ, Canada những năm 1880-1930), hiểu là chương trình tạp kỹ mà mỗi buổi biểu diễn bao gồm nhiều tiết mục khác nhau (tung hứng, xiếc thú, ảo thuật, tấu hài...). “Với tính chất giải trí, đa dạng, tạp kỹ, một vaudeville có thể đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng đại chúng khác nhau” (Phan Thị Thu Hiền, 2023: 29). Địa điểm diễn ra thực cảnh Chợ ma Định Yên là khoảng sân ngay trước cổng tam quan Đình thần Định Yên và con rạch Ngã Cạy chảy qua trước mặt. Tổ hợp sân khấu mở, trên bờ - dưới nước như thế cũng có ở nhiều show thực cảnh khác như Tinh hoa Bắc Bộ hay Ký ức Hội An. Về quy mô, độ hoành tráng, Chợ ma Định Yên không thể sánh với chúng1; song điều khiến nó trở nên độc đáo, khác biệt chính là - trong khi các show vừa kể có sân khấu nhân tạo, được xây dựng nên - thì ở đây, cả cảnh quan thiên nhiên lẫn cảnh quan văn hóa đều được tận dụng để trở thành sân khấu/phông nền biểu diễn (stage/background). Điều này một mặt là ưu điểm, song mặt khác cũng gây nhiều thách thức như phải phụ thuộc điều kiện sẵn có để thiết lập thực cảnh, khó kiểm soát rủi ro, thiếu một số yếu tố cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách... Thực cảnh Chợ ma Định Yên nhìn chung có tính đa dạng, tạp kỹ. Tái hiện tập quán sinh hoạt một thời, ê-kíp thực hiện đã cố gắng dàn dựng “sân khấu hóa/nghệ thuật hóa/ cách điệu hóa” nó. Diễn viên có thoại (dù “chồng thoại” rất nhiều, khó nghe rõ, chỉ có tiếng “lao xao” là chính), có diễn (cảnh người bán người mua trên bờ dưới rạch, chiếu được đội trên đầu, chiếu được vác trên vai...). Ở đây, không chỉ bối cảnh thật, hầu hết Năm 2018, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận Tinh hoa Bắc Bộ là “Show diễn có sân khấu mặt 1 nước lớn nhất Việt Nam” (4.300 m2) và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam” (150 nông dân); Ký ức Hội An có “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam” (25.000 m2) và là “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất” (gần 500 người).
  5. 690 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... diễn viên tham gia cũng “thật”. Họ chính là người dân làng chiếu, làm nghề dệt chiếu. Biên đạo Phạm Viết Tuấn (tham gia dàn dựng) chia sẻ: “Các cô các chú đều không qua trường lớp diễn xuất, nhưng mà các cô các chú chỉ làm lại những công việc mà trước đây các cô các chú vẫn làm, nên tôi thấy tính chân thật của sản phẩm này, rất là gần gũi”1. Bên cạnh đó, thực cảnh còn có cảnh thanh niên nam nữ bông đùa, giao duyên, đối đáp - mà kỳ thực, chính là lồng ghép những “tiết mục” thể hiện nghệ thuật trình diễn dân gian hò Đồng Tháp, có những câu như: “Hò ơ... Định Yên có vựa chiếu to... Lấy chồng xứ Định... Hò ơ... Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm...”, “Ta đi ta nhớ Lấp Vò... Nhớ dòng sông chở câu hò giao duyên... Nhớ người dệt chiếu Định Yên... Trăm năm ai dệt ước nguyền cùng ai?”. NSƯT Hải Yến (tham gia dàn dựng) cho biết: “Chúng tôi cũng đưa những điệu hò Đồng Tháp, điệu hò huê tình, các điệu hò của Nam Bộ mình... vào chương trình thực cảnh này để tăng tính hấp dẫn trong cái nghệ thuật cho show diễn”2. Thực cảnh còn có đồng diễn múa - nhưng không nhiều - vào lúc mở đầu và kết thúc. Cùng với màn múa sen, để khép lại tour khám phá, trải nghiệm Định Yên là phần thả đèn hoa đăng tại rạch Ngã Cạy. Lời dẫn chương trình nói: “9 chiếc hoa đăng mang dáng hình hoa sen, tượng trưng vẻ đẹp bình dị, dịu dàng, trong trẻo như tình đất, tình người bà con Đồng bằng sông Cửu Long, bà con Đồng Tháp, cùng hàng trăm hoa đăng lững lờ trôi theo dòng nước như thay lời cho bà con và du khách đang có mặt tại đây, cầu nguyện cho cuộc sống thái bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt, an khang hạnh phúc”. Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An... cũng đậm tính “spectacle”. Thí dụ, Tinh hoa Bắc Bộ kết hợp các loại hình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, ca trù, quan họ, múa rối nước, tranh Đông Hồ, tái hiện các hoạt động lao động, sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, cảnh sĩ tử đèn sách, lều chõng đi thi... So với Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An..., Chợ ma Định Yên có thể và cần tăng cường, ứng dụng công nghệ, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại như hệ thống laser, 3D Mapping, ánh sáng ngầm dưới nước, sân khấu xoay, sân khấu nâng... để tăng tính “spectacle”. Đường dây kịch bản Chợ ma Định Yên cơ bản đã được chuẩn hóa, song có thể và cần cấu trúc thành các chương, mục rõ ràng hơn, có “lớp lang” hơn, thay vì tái hiện cảnh sinh hoạt chợ có phần “lộn xộn”, phân mảnh, rời rạc, phi tuyến tính như hiện nay. Trong so sánh, Tinh hoa Bắc Bộ chia thành 6 phần rõ rệt Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui, Ngày hội với cảm hứng, ý tưởng khác nhau cho mỗi phần; còn với thông điệp “Một ngày Hội An - Trăm năm hoài cổ”, Ký ức Hội An lại được kết cấu thành 5 màn Sinh mệnh, Đám cưới, Đèn và Biển, Hội nhập, Áo dài liên kết tương đối chặt chẽ theo dòng lịch sử phát triển của vùng đất này. Như vậy, Chợ ma Định Yên có thể tăng thời lượng 30 phút lên 60 phút hoặc hơn, tăng nội dung - không chỉ câu chuyện làng nghề chiếu https://www.youtube.com/watch?v=9LZTZHX_v9M (truy cập 23/2/2024). 1 https://www.youtube.com/watch?v=9LZTZHX_v9M (truy cập 23/1/2024). 2
  6. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 691 mà còn cả câu chuyện quê hương Lấp Vò, câu chuyện “Đất sen hồng” Đồng Tháp, tăng tương tác, tăng trải nghiệm cho du khách qua các màn biểu diễn để tạo sức hấp dẫn lâu dài. Nostalgia/Hoài niệm, Hoài nhớ, Hoài cổ: Nostalgia “là những xúc cảm (vui tươi, hạnh phúc hoặc nhung nhớ, sầu thương) gắn bó con người với những kỷ niệm quá khứ (ngôi nhà xưa, cố hương, tuổi thơ, mối tình đầu...). Với sức mạnh xúc cảm, văn hóa đại chúng có thể cuốn hút đông đảo quần chúng bằng cách thể hiện, sẻ chia những hoài niệm của họ” (Phan Thị Thu Hiền, 2023: 30). Chợ ma Định Yên đã đánh thức mạnh mẽ cảm thức nostalgia, thông qua toàn bộ chỉnh thể lẫn đi vào chi tiết (tiếng rao lanh lảnh “Ai... chiếu hôn... Chiếu đây...” cất lên giữa “đêm khuya”, trang phục áo bà ba, khăn rằn Nam bộ, đạo cụ thật như các loại chiếu (chiếu trắng, chiếu bông, chiếu vảy ốc, chiếu con cờ...), đèn dầu, đôi quang gánh, chiếc xe đạp...). Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Lấp Vò (tham gia dàn dựng) nói: “Bà con nhiệt tình tham gia diễn vào không gian chợ ma này để giúp cho có lại những cái ký ức xưa kia, ví dụ như là bà con phải mặc áo bà ba, chân phương, đi guốc hoặc là đi dép, sử dụng những cái đèn hột vịt, rồi bó đuốc...”1. Thực cảnh Chợ ma Định Yên như vậy đã làm “sống lại ký ức” một thời mà nhiều người dân đã trải qua, cũng như thế hệ trẻ vốn chỉ nghe ông bà cha mẹ kể lại. Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, nhiều người dân làng chiếu đồng ý điều này, họ bày tỏ niềm vui khi trực tiếp tham gia hoặc xem tái hiện “chợ ma”. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cũng là “người con của quê hương Định Yên” chia sẻ: “Quá nhiều cảm xúc khi được sống lại ký ức tuổi thơ, với không khí tấp nập của chợ chiếu đêm bên mái đình linh thiêng, cổ kính”2. Nhìn chung, Chợ ma Định Yên đã làm tốt việc khơi gợi cảm xúc hoài niệm, hoài nhớ, hoài cổ nơi người xem. Trong so sánh, Tinh hoa Bắc Bộ cũng nổi trội thủ pháp “nostalgia” như thế, nhưng với Ký ức Hội An - tính “phục cổ” của nó lại mang đến cảm giác quá tân kỳ, thiếu chân thật, như khá nhiều nhận xét về show này trên báo chí. Occultism/Huyền bí: “Phần đông chúng ta cũng bị chinh phục bởi cái huyền bí, vừa sợ hãi vừa mê đắm những gì bí ẩn, tối tăm không thể lý giải...” (Phan Thị Thu Hiền, 2023: 31). Văn hóa đại chúng khám phá điều này, khai thác “bản năng huyền bí như một hình thức giải trí có tính thanh lọc (a form of cathartic entertainment)” (Marcel Danesi, 2018: 39). Thực cảnh Chợ ma Định Yên khai thác tối đa tính “occultism” này, mà nếu đối chiếu, các show như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An không thể sánh được. Lời dẫn vào thực cảnh có đoạn: “Trong hành trình mở cõi, trong hành trang văn hóa của mình, tiền nhân đã mang theo nghề dệt chiếu, để rồi các thế hệ nối tiếp nhau đã dựng nên làng dệt chiếu nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh: làng dệt chiếu Định Yên. Và https://www.youtube.com/watch?v=9LZTZHX_v9M (truy cập 23/1/2024). 1 https://nhandan.vn/song-lai-ky-uc-cho-ma-o-lang-chieu-dinh-yen-dong-thap-post771345.html (truy cập 2 23/1/2024).
  7. 692 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... chính người xưa cũng đã dệt nên câu chuyện rất đời thực nhưng cũng rất liêu trai: “chợ ma”...”. Ngay từ tên gọi “chợ ma”, rõ ràng đã giàu tiềm năng kích thích trí tò mò của du khách. Tại họp báo ra mắt, một nhà báo có ý kiến, đại ý: nên chăng cần điều chỉnh tên gọi thực cảnh, phải ghi rõ, ghi đúng là “chợ chiếu” cho du khách dễ hiểu? Chúng tôi tán thành ý kiến phản hồi của ông Nguyễn Sự, đại ý: cái tên “chợ ma” xuất phát từ dân gian, dựa theo đặc điểm nhóm họp độc đáo của chợ, không phải những người thực hiện tự nghĩ ra; mặt khác, đó là tên gọi có sức hấp dẫn cho sản phẩm1. Tính huyền bí còn thể hiện ở một số điểm trong dàn dựng thực cảnh. Ví dụ: Hiệu ứng khói trên sóng nước rạch Ngã Cạy, hiệu ứng lửa cảnh “ma đuốc”... Hoặc, hiệu ứng bóng tối [tắt hết đèn] bao phủ “sân khấu” trên bờ/trước cổng đình - dưới nước/ rạch Ngã Cạy, trên nền âm thanh tiếng ếch nhái vang rền, tiếng mái chèo khua nước... nhằm tái hiện “đúng” không khí họp chợ lúc nửa đêm. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cũng cần có giải pháp ánh sáng thích hợp - thí dụ, rọi spotlight để lần lượt làm nổi bật các cụm hoạt cảnh, chiếu sáng làm nổi bật cổng tam quan Đình thần Định Yên..., vì theo quan sát, hiện nay gần như “tất cả” đang chìm trong bóng tối, hầu như không thể thấy rõ nhiều diễn biến của thực cảnh, ảnh hưởng trải nghiệm người xem. Về cấu trúc, có thể hình dung một sản phẩm văn hóa đại chúng như thực cảnh Chợ ma Định Yên qua mô hình ngôi nhà văn hóa đại chúng của Jack Nachbar, Kevin Lause (1992). Như Hình 2, đó là ngôi nhà có phần mái, hai tầng lầu và phần nền móng với rất nhiều mũi tên giữa các phần, các tầng và các phòng nhấn mạnh quan hệ tương thuộc phức tạp giữa chúng. Hình 2. Mô hình cấu trúc ngôi nhà văn hóa đại chúng Nguồn: Jack Nachbar, Kevin Lause (1992: 21) Thông tin tác giả ghi nhận tại họp báo ra mắt sản phẩm. 1
  8. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 693 Khuôn khổ có hạn, qua mô hình này chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh luận điểm quan trọng nhất: Nằm trên mặt đất, hai tầng lầu Sự kiện (Event) và Tạo tác văn hóa (Artifact) chính là Thực tại văn hóa (Cultural Reality) hiển thị (visible) qua các sản phẩm/hoạt động/thực hành văn hóa có thể quan sát thấy. Nền móng nằm sâu, chắc chắn dưới lòng đất chính là Tâm thức văn hóa (Cultural Mindset) không hiển thị (invisible) bao gồm những niềm tin và giá trị (beliefs and values) nền tảng có ý nghĩa quan trọng, bền vững, trường tồn lẫn những niềm tin và giá trị bề mặt, thường cạn cợt, nhất thời, dễ thay đổi hơn. Với thực cảnh Chợ ma Định Yên, theo chúng tôi, tầng lầu Sự kiện dễ thấy, tầng lầu Tạo tác văn hóa cũng không quá khó nhận diện: ở đó nổi bật bao gồm những đồ vật (Objects) và những con người (People), những đồ vật có ý nghĩa biểu tượng (Icons) và những anh hùng (Heroes) chính là chiếc chiếu Định Yên nổi tiếng và người dân làm chiếu thầm lặng, vô danh, tập thể chứ không phải tên tuổi cá nhân nhân vật nào. Đáng nói nhất, ẩn sâu dưới hình thức chương trình thực cảnh, theo chúng tôi, là Tâm thức văn hóa: Tự hào giá trị văn hóa truyền thống địa phương, mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị đó trong cuộc sống hôm nay. Chợ ma/chợ chiếu Định Yên là nét văn hóa chợ, văn hóa giao thương độc đáo, đặc trưng không chỉ của Lấp Vò, Đồng Tháp mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền sông nước Tây Nam Bộ. Lời dẫn kết thúc thực cảnh bao quát thông điệp ý nghĩa cho buổi diểu diễn và tạo được dư ba: “Phù sa lắng đọng tạo nên trầm tích dòng sông, con người tạo nên trầm tích cho cuộc đời. Các thế hệ người Định Yên đã tạo nên trầm tích cho một vùng đất. Sông luôn cứ trôi, cuộc sống thay đổi, dòng đời vẫn chảy, nhưng tinh hoa và giá trị của làng chiếu Định Yên, câu chuyện “chợ ma” Định Yên vẫn mãi mãi là trầm tích - trầm tích văn hóa. Trong quá khứ, người Đồng Tháp, cùng với những con người bên dòng Cửu Long đã đốt đèn thắp sáng một vùng đất Tây Nam bộ. Hôm nay, chúng ta, thế hệ cháu con Định Yên - Lấp Vò - Đồng Tháp cùng nhau giữ lửa, khêu ngọn bấc đèn tỏa sáng cho muôn đời sau...”. 2.3. Thực cảnh Chợ ma Định Yên từ góc nhìn Công nghiệp văn hóa Công nghiệp văn hóa (Cultural Industries) hiện là vấn đề rất được quan tâm trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định “các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”; đồng thời chỉ rõ “phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa”, “gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế” (Thủ tướng Chính phủ, 2016). Theo chiến lược, du lịch văn hóa (Cultural Tourism) là một trong 12 ngành/ lĩnh vực công nghiệp văn hóa được Việt Nam tập trung phát triển, thuộc nhóm “một
  9. 694 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng” so với những ngành khác, với mục tiêu doanh thu rất cao: phấn đấu đến năm 2030 chiếm 15-20% trong 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch (Thủ tướng Chính phủ, 2016). Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững tiếp tục nhấn mạnh việc “phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đa sắc màu văn hóa địa phương, vùng miền; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa trong đó coi trọng du lịch văn hóa” (Chính phủ, 2023). Trên tinh thần đó, ở cấp độ địa phương, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp những năm gần đây cũng tập trung khuyến khích phát triển loại hình du lịch văn hóa, triển khai Kế hoạch số 182/KH-UBND về việc phát huy giá trị làng nghề dệt chiếu thủ công và thực cảnh “Chợ ma” Định Yên - Lấp Vò - Đồng Tháp, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2023-2025 (UBND huyện Lấp Vò, 2023). Theo OECD, du lịch văn hóa “là một trong những thị trường du lịch toàn cầu lớn nhất và phát triển nhanh nhất”, là loại hình du lịch “chất lượng” (2009: 65, 20). Không đâu khác ngoài loại hình du lịch này là nơi chứng kiến mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, tương tác hai chiều giữa Văn hóa và Du lịch để có thể tăng cường sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của các địa phương lẫn các quốc gia. Theo chúng tôi, có thể vận dụng quan điểm của OECD để phân tích trường hợp thực cảnh Chợ ma Định Yên với tư cách một sản phẩm du lịch văn hóa: Văn hóa, theo OECD, ngày càng trở thành yếu tố quan trọng của sản phẩm du lịch, có nghĩa, khai thác tài nguyên văn hóa (cultural resources) trong du lịch sẽ giúp “phát triển lợi thế so sánh (comparative advantage) trong thị trường du lịch ngày càng cạnh tranh và tạo ra khác biệt địa phương (local distinctiveness) trong khi đối diện toàn cầu hóa (globalisation)” (2009: 9). Thực cảnh Chợ ma Định Yên là cao trào, điểm nhấn trong một tour du lịch/là một phần trong tổng thể các hoạt động trải nghiệm tại Điểm du lịch cộng đồng Định Yên bao gồm: tham quan, nghe thuyết minh Đình Định Yên; tìm hiểu, trải nghiệm nghề dệt chiếu truyền thống; thưởng thức đờn ca tài tử, tuồng cổ, ngâm thơ, chiếu dạy dân ca cho thiếu nhi; tham gia trò chơi dân gian; check-in khu sắp đặt nghệ thuật chiếu; check-in phim trường “Lật mặt 6 - Tấm vé định mệnh” (bộ phim ăn khách năm 2023 của Lý Hải, quay tại làng chiếu Định Yên); thưởng thức đặc sản ẩm thực Lấp Vò - Đồng Tháp; mua sắm sản phẩm OCOP địa phương, quà lưu niệm làm từ lác - chiếu... Gắn kết chặt chẽ với các di tích, di sản văn hóa của xã, huyện, thực cảnh Chợ ma Định Yên như vậy khai thác rõ nét yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch. Song, có điểm khác biệt đáng chú ý: Trong khi nhiều show thực cảnh do tư nhân đầu tư đặt trọng tâm ở lợi ích kinh tế, giá trị thương mại, thì cách gọi “sản phẩm văn hóa - du lịch” thực cảnh Chợ ma Định Yên - như cách nó được giới thiệu ở họp báo ra mắt - theo chúng tôi, cho thấy tư duy “đặt văn hóa lên trước kinh tế”. Bà Nguyễn Thị Nhanh, Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò nói: “Chúng tôi xem đây là nghĩa cử của
  10. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 695 thế hệ hôm nay tri ân công đức của tiền nhân. Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn khơi dậy những giá trị truyền thống, những nét đặc sắc riêng mang giá trị văn hóa của địa phương. Tạo động lực cho sự phát triển kinh tế nông thôn qua bảo tồn và khôi phục làng nghề dệt chiếu thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”1. Ông Nguyễn Sự, “cha đẻ” chương trình (cách chính quyền địa phương gọi ông) khẳng định: “Làm cái này, trước hết là vì văn hóa, cho văn hóa, sau nữa mới là kinh tế, để người dân có thêm thu nhập từ dịch vụ. Tiền có thể kiếm lại, còn mất văn hóa là mất đi tài sản vô cùng to lớn”. Ở đây, “cái lợi lớn nhất” là văn hóa, khó cân đong đo đếm được2. Hầu hết “diễn viên” tham gia thực cảnh là người dân làng chiếu Định Yên, từ những cụ 60-70 tuổi đến những trẻ em 6-7 tuổi. Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp nói: “Nhiều tháng qua, trên 100 người dân đã dành tâm sức, tình cảm, cảm xúc của mình để cùng tái hiện show diễn thực cảnh này”3. Như vậy, hơn cả sản phẩm du lịch, thực cảnh là câu chuyện văn hóa được chính quyền và người dân địa phương đồng lòng kể lại. Cách tiếp cận như thế, theo chúng tôi, cho thấy sự phát huy vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng, đặt chủ thể di sản lên trên hết, cấp quyền tham gia/đồng tham gia cho cộng đồng trong việc thể hiện, biểu đạt, thực hành văn hóa, đưa di sản về với cộng đồng. Nếu mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế nói chung thường trong tình trạng căng thẳng, thậm chí xung đột gay gắt, thì qua trường hợp thực cảnh Chợ ma Định Yên, có thể suy ngẫm về cách tiếp cận phù hợp, hài hòa giữa hai phạm trù này trong hoạt động du lịch. Mặt khác, theo OECD, du lịch có thể được lồng ghép vào các chiến lược phát triển văn hóa, nâng cao văn hóa, cấp phương tiện quan trọng, tạo thu nhập để “hỗ trợ và củng cố di sản văn hóa, sản xuất văn hóa và sáng tạo” (2009: 17). Hiện tại, việc phát triển du lịch ở Lấp Vò thông qua thực cảnh Chợ ma Định Yên chỉ mới là bước đầu. Từ khi ra mắt (9/2023) đến nay (2/2024), trung bình mỗi tháng thực cảnh chỉ diễn một lần, trong khi các hoạt động khác như tham quan đình, trải nghiệm làng nghề dệt chiếu, ẩm thực địa phương... thì tổ chức định kỳ thường xuyên hơn. Trong năm 2023, Điểm du lịch cộng đồng Định Yên không thu vé. Từ năm 2024, đơn vị áp dụng chính sách vé với mức giá 20.000 đồng/người khi tham quan, trải nghiệm; 50.000 đồng/ khách địa phương và 100.000 đồng/khách lữ hành (tour) khi xem thực cảnh Chợ ma Định Yên. Trong khi, giá vé xem show Tinh hoa Bắc Bộ hiện dao động từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng (vé người lớn, các hạng Bạc, Vàng, Bạch kim), Ký ức Hội An 1 Thông tin tác giả ghi nhận tại họp báo ra mắt sản phẩm. 2 Thông tin tác giả ghi nhận tại họp báo ra mắt sản phẩm. 3 Thông tin tác giả ghi nhận tại họp báo ra mắt sản phẩm.
  11. 696 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng (vé người lớn, các hạng ECO, HI, VIP)1 - nghĩa là chênh lệch so với Chợ ma Định Yên 4-12 lần! Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, vài năm đầu, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí thực hiện thực cảnh từ ngân sách phát triển du lịch của tỉnh, khi tình hình khả quan (có hợp đồng, đón được khách du lịch, doanh thu ổn định) sẽ tiến tới tự cân đối thu chi. Lấp Vò cũng sẽ được liên kết với các địa phương trong tỉnh như Cao Lãnh, Sa Đéc, Lai Vung, Tháp Mười… để hình thành đa dạng tour tuyến, cùng phát triển2. Đại diện một số công ty du lịch, lữ hành qua khảo sát sản phẩm cho rằng, thực cảnh Chợ ma Định Yên nếu được đầu tư bài bản, chỉn chu sẽ thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả du khách quốc tế3. Mặc dù vẫn còn quá sớm và chưa đủ bằng chứng, song theo chúng tôi, hoàn toàn có quyền hy vọng và tin tưởng rằng với trường hợp thực cảnh Chợ ma Định Yên, sự phát triển du lịch ở địa phương sẽ tác động trở lại, góp phần nâng cao văn hóa, thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản văn hóa, người dân địa phương được hưởng lợi từ văn hóa truyền thống của họ. Tiếp cận thực cảnh Chợ ma Định Yên từ góc nhìn Công nghiệp văn hóa, theo thiển ý chúng tôi, không chỉ giới hạn ở phương diện du lịch văn hóa, mà còn gợi mở khả năng hội tụ, tích hợp, liên kết, phát triển giữa/với các lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác trong tương lai, ví dụ Công nghiệp nghệ thuật biểu diễn (chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong tổ chức chương trình/show), Công nghiệp quảng cáo (quảng cáo sản phẩm, xây dựng thương hiệu), Công nghiệp thủ công mỹ nghệ (phát triển làng nghề và sản phẩm), Công nghiệp thời trang (trang phục, phụ kiện từ lác - chiếu, thời trang bền vững, thân thiện môi trường)... 3. KẾT LUẬN Các chương trình nghệ thuật, show biểu diễn thực cảnh với tư cách những sản phẩm du lịch đặc thù địa phương sẽ là xu hướng nở rộ ở Việt Nam trong thời gian tới. Trường hợp Chợ ma Định Yên của Lấp Vò, Đồng Tháp vừa chia sẻ những đặc điểm chung vừa có những đặc điểm riêng so với những thực cảnh khác, đóng góp những kinh nghiệm hữu ích để phát triển loại hình này. Từ góc nhìn Văn hóa đại chúng, thực cảnh Chợ ma Định Yên nổi bật các thủ pháp Spectacle, Nostalgia, Occultism, làm nên sức hấp dẫn, thành công của chương trình - bên cạnh những điểm hạn chế, còn tồn tại có thể khắc phục, cải tiến được; đồng thời, chứa đựng Tâm thức “tự hào, mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương”. Từ góc nhìn Công nghiệp văn hóa, tập trung phương diện du lịch văn hóa, thực cảnh Chợ ma Định Yên khai thác 1 https://www.facebook.com/dulichdinhyen.choma; https://showtinhhoabacbo.com/#gia; https://booking. hoianmemoriesland.com/vi/front-page.html (truy cập 13/3/2024). 2 Thông tin tác giả ghi nhận tại họp báo ra mắt sản phẩm. 3 Thông tin tác giả ghi nhận tại họp báo ra mắt sản phẩm.
  12. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 697 rõ nét yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch nhưng với tư duy “đặt văn hóa lên trước kinh tế”, phát huy vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng; đồng thời, gợi mở khả năng hội tụ, tích hợp, liên kết, phát triển giữa/với các lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác trong tương lai. Nghiên cứu này giới hạn ở những phân tích định tính, trên chính sản phẩm thực cảnh như một văn bản (text) văn hóa đại chúng. Các nghiên cứu tiếp theo có thể tập trung đào sâu ở sự tiếp nhận của công chúng, du khách đối với sản phẩm, chiến lược phát triển sản phẩm, liên kết thực hiện giữa các bên liên quan, hiệu quả kinh tế, giá trị thương mại của sản phẩm, tác động trở lại của thực cảnh đối với đời sống văn hóa - xã hội địa phương... TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ. (2023). Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 18/5/2023, Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. 2. Chris Barker. (2008). Cultural Studies: Theory and Practice (3rd ed). London: SAGE Publications. 3. Jack Nachbar, Kevin Lause. (1992). Popular Culture: An Introductory Text. Bowling Green, OH: Bowling Green State University Popular Press. 4. Lê Thị Thanh Yến, Phan Mạnh Nhân. (2020). “Bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề dệt chiếu Định Yên trong hoạt động du lịch”. Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, 9 (4) 2020: 78-87. 5. Marcel Danesi. (2018). Popular Culture: Introductory Perspectives (Fourth Edition). Lanham, Boulder, New York & London: Rowman & Littlefield. 6. Nguyễn Khánh Ngọc. (2018). “Sân khấu thực cảnh với việc xây dựng sản phẩm du lịch”. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa 26 (12/2018): 86-90. 7. OECD. (2009). The Impact of Culture on Tourism. OECD Publishing. 8. Phan Thị Thu Hiền. (2023). Văn hóa đại chúng trong thời đại Toàn cầu hóa. TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 9. Thủ tướng Chính phủ. (2016). Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016, Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 10. UBND huyện Lấp Vò. (2023). Báo cáo số 601/BC-UBND, ngày 17/11/2023, Báo cáo Kết quả thực hiện công tác phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh huyện Lấp Vò năm 2023.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2