SKKN: Vận dụng tri thức lí luận về thể loại vào dạy học đọc hiểu các tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975 ở trường THPT
lượt xem 43
download
Để làm tốt công việc tổ chức cho HS chiếm lĩnh được các văn bản văn học Việt Nam sau năm 1975 đòi hỏi ở người GV nhiều kiến thức về lí luận văn học cũng như bản lĩnh và tài năng sư phạm. Mời quý thầy cô tham khảo sáng kiến “Vận dụng tri thức lí luận về thể loại vào dạy học đọc hiểu các tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975 ở trườngTHPT”.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: SKKN: Vận dụng tri thức lí luận về thể loại vào dạy học đọc hiểu các tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975 ở trường THPT
- SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM VẬN DỤNG TRI THỨC LÍ LUẬN VỀ THỂ LOẠI VĂN HỌC VÀO DẠY ĐỌC HIỂU CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM SAU NĂM 1975 Ở TRƯỜNG THPT
- I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng cho rằng: “Văn học, một hình thái ý thức đặc biệt của xã hội, là nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ một cách tài tình và sáng tạo để nhận thức và phản ánh đời sống xã hội, để biểu hiện tâm tư con người. Văn học đã trở thành công cụ để giáo dục con người, cải tạo xã hội rất mạnh mẽ, nó là thứ vũ khí tư tưởng rất sắc bén có tác dụng to lớn, sâu rộng và bền bỉ mà lịch sử loài người từ trước đến nay đã xác nhận”. Môn văn ngoài “dạy sống, dạy người, dạy mở mang trí tuệ”, còn có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh những hiểu biết một cách có hệ thống về lí luận văn học. Đây là những tri thức khái quát rất quan trọng bởi lẽ dạy văn không chỉ dừng lại ở chỗ giúp người học cảm thụ được vẻ đẹp của từng tác phẩm văn chương (TPVC) cụ thể, mặt khác góp phần trang bị cho các em những kiến thức công cụ để có thể tự mình tiếp nhận văn học một cách có lý luận, tiếp nhận văn học một cách văn học. Dạy học không phải là rót kiến thức vào cái bình chứa, hay nhồi nhét cho HS một mớ kiến thức hỗn độn mà điều quan trọng là phải làm sao trang bị cho các em phương pháp nghiên cứu, học tập, phương pháp giải quyết các vấn đề. Để đọc hiểu TPVC, đòi hỏi ở người đọc không chỉ là trực cảm thẩm mĩ, thưởng thức rung cảm mà còn ở khả năng phân tích, lí giải, đánh giá. Trong dạy học tác phẩm, không thể đối lập giữa cảm và hiểu, giữa khả năng cảm thụ thẩm mĩ và tri thức lí luận văn học. Muốn vậy, “không thể không vũ trang cho HS một vốn liếng lí luận cần thiết”. Tri thức lí luận văn học là tri thức công cụ, tri thức phương pháp, là kiến thức siêu kiến thức, giúp cho việc đọc văn có phương pháp, phù hợp với bản chất đặc trưng của văn học, đồng thời giúp phân tích, lí giải TPVC một cách đầy đủ và sâu sắc. Nếu không, những kiến thức mà HS có được cũng chỉ là những kiến thức vụn vặt, cảm tính, mang tính tư liệu. Mục đích cuối cùng và cao nhất của dạy học trong nhà trường hiện đại là phát triển toàn diện HS. Mục đích của dạy đọc hiểu văn bản là rèn luyện và phát triển khả năng tự học, tự đọc và tạo lập văn bản ở các em. Tri thức lí luận văn học góp phần nâng cao trình độ “quan niệm” trong tiếp nhận văn học, củng cố và mở rộng vốn văn hóa đọc cũng như phát triển năng lực, kĩ năng đọc văn cho HS. Như vậy, lí luận văn học trong nhà trường phổ thông giữ một vị trí quan trọng vì đó là những kiến thức cơ bản nhất về lí thuyết để cung cấp bước đầu cho HS tìm hiểu, tiếp xúc với từng TPVC cụ thể. Nó được xem như là những kiến thức nhập môn có tính chất mở đường hướng dẫn cho học sinh đi sâu vào bản thể từng tác phẩm và nâng cao cảm thụ thẩm mĩ. Từ sau năm 1975, đặc biệt là từ năm 1986, văn học Việt Nam bước vào thời kì đổi mới. Văn học vận động theo hướng dân chủ hóa, đổi mới quan niệm về nhà văn, về văn học, đưa ra những cái nhìn mới mẻ trong quan niệm nghệ thuật về con người, phát huy cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn với những tìm tòi, thể nghiệm mới. Văn học không còn chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại, cộng đồng mà còn có thể và cần phải là phát ngôn của mỗi cá nhân. Cho đến nay dẫu có nhiều ý kiến khác nhau nhưng không còn
- ai phủ nhận những thành tựu lớn của văn học giai đoạn này. Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc. Văn học giai đoạn này đã đáp ứng yêu cầu của một đối tượng người đọc mới. Sự phát triển ý thức và trình độ thẩm mỹ trong tiếp nhận văn học buộc văn học phải đổi mới nhiều mặt. Sự thức tỉnh trở lại ý thức cá nhân đã mở ra cho văn học nhiều đề tài và chủ đề mới, làm thay đổi cái nhìn của nhà văn về hiện thực, về con người. Thế giới bên trong của con người được chú trọng hơn với những diễn biến phức tạp hơn, đa dạng hơn và nhân văn hơn mà trước đây văn học chưa có điều kiện nói kĩ đến. Thêm vào đó, trong chương trình Ngữ văn THPT hiện nay, có những tác phẩm sau năm 1975 được đưa vào trong chương trình đòi hỏi HS phải được trang bị những hiểu biết về lí luận văn học hiện đại thì mới có thể giải mã, phát hiện, khám phá những nét đặc sắc của nó. Vì thế, bản thân GV còn khá lúng túng trong việc tiếp cận và tìm ra phương pháp thích hợp để tổ chức quá trình cảm thụ, tiếp nhận cho HS. Bởi lẽ, để làm tốt công việc tổ chức cho HS chiếm lĩnh được các văn bản văn học Việt Nam sau năm 1975 đòi hỏi ở người GV nhiều kiến thức về lí luận văn học cũng như bản lĩnh và tài năng sư phạm. Chính vì những lẽ trên, tôi đã chọn nghiên cứu đề tài: “Vận dụng tri thức lí luận về thể loại vào dạy học đọc hiểu các tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975 ở trườngTHPT” với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ phận văn học này ở nhà trường phổ thông. II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài. a. Cơ sở lí luận. 1.a.1. Tri thức lí luận văn học là tri thức phương pháp, là “chìa khóa” để đọc hiểu tác phẩm văn chương. Tri thức lí luận văn học là hệ thống tri thức về toàn bộ những phương diện cơ bản nhất của đời sống văn học. Hệ thống tri thức cơ bản đó được trình bày dưới dạng những khái niệm, thuật ngữ nhằm giải thích đúng đắn bản chất, chức năng, đặc trưng và quy luật của văn học. Dạy học văn học cũng là một khoa học, một nghệ thuật. Mà đã là khoa học thì nó sẽ có hệ thống quan điểm, hệ thống phương pháp, hệ thống kiến thức công cụ. Nếu sáng tác văn học là một dòng chảy liên tục thì lí luận văn học là những khoảnh khắc văn học dừng lại để tự ý thức về chính mình. Không có sự tự ý thức đó thì không thể có điều kiện để đúc rút kinh nghiệm nhằm tiến lên phía trước, để chọn lọc những giá trị quý báu bồi đắp nên bề dày của văn hoá. Nếu không có tri thức lí thuyết về văn học thì không có cách gì để tiếp cận các hiện tượng văn học, không có công cụ để khám phá, phát hiện bản chất, đặc trưng, quy luật và giá trị của nó. Lí luận văn học là công cụ về lí thuyết để trang bị cho HS những hiểu biết cơ bản về bản chất của văn học, cấu trúc loại hình của tác phẩm, đặc trưng của các thể loại văn học. Từ những hiểu biết này, HS được trang bị lối tiếp cận tác phẩm theo đúng đặc trưng thể loại của nó, tìm đúng kênh giao tiếp trong quá trình cảm thụ TPVC.
- Những tri thức lí luận văn học cung cấp cho học sinh “chìa khoá” để đọc hiểu tác phẩm. Đọc hiểu là khái niệm bao trùm có nội dung quan trọng trong quá trình dạy học văn. Mục đích đào tạo của quá trình dạy học văn là hình thành và phát triển văn hoá đọc cho HS. Nói cách khác là đào tạo bạn đọc HS thực sự trở thành những bạn đọc năng động và sáng tạo. Với các em học sinh THPT, dẫu rằng giữa cảm tính và lý thuyết thì cái quan trọng trước nhất vẫn là cảm tính. Điều đó có nghĩa, trong giảng dạy văn chương trước hết phải làm sao tạo nên ở các em những rung động thẩm mỹ để các em biết yêu, ghét, biết “cúi xuống trước nỗi đau của người khác”... Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Bởi lẽ những cảm xúc ấy sẽ trở nên nông cạn, hời hợt, chợt loé sáng rồi chợt tắt nếu các em không cảm nhận một cách có ý thức. TPVC là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Bức thông điệp thẩm mỹ- đứa con đẻ tinh thần của nhà văn đã đi trọn vòng đời của mình khi đến với độc giả. Khi sáng tác, nhà văn luôn mong muốn sẽ tìm được tiếng nói tri âm ở người đọc. Không thể phủ nhận rằng, kiến thức lí luận đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp độc giả đọc, cảm thụ, đánh giá và phê bình một tác phẩm văn chương cụ thể. Với học sinh THPT, yêu cầu được đặt ra cho việc cung cấp kiến thức lí luận văn học “không phải là để bồi duỡng tư duy lý luận mà là để tiếp nhận văn học một cách có lý luận, tiếp nhận văn học một cách văn học”. Như vậy, có thể thấy những kiến thức lí luận là những kiến thức cơ bản, giúp cho HS tìm hiểu, phân tích những TPVC cụ thể. Có thể xem đây là kiến thức nhập môn có tính chất mở đường hướng dẫn HS tiếp cận tác phẩm một cách hiệu quả. Từ đó, HS mới khám phá được vẻ đẹp riêng của từng tác phẩm cũng như tài năng của nhà văn. Việc giúp HS vận dụng tri thức lí luận sẽ tạo cho các em tiếp cận giải mã tác phẩm một cách khoa học. 1. a. 2. Khái niệm. 1.a. 2.1. Thể loại văn học. a. Khái niệm 1: Thể loại của tác phẩm văn học là sự thống nhất trọn vẹn của các yếu tố đề tài, chủ đề, tư tưởng, nhân vật, kết cấu, cốt truyện, lời văn. Nhưng sự thống nhất ấy lại được thực hiện theo những quy luật nhất định. Thể loại tác phẩm văn học là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó ứng với một loại hình nội dung nhất định có một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một hình thức tồn tại chỉnh thể. (Lí luận văn học – Phương Lựu (chủ biên) – NXB Giáo Dục) b. Khái niệm 2: Thể loại văn học là dạng thức của tác phẩm văn học, được hình thành và tồn tại tương đối ổn định trong quá trình phát triển lịch sử của văn học, thể hiện ở sự giống nhau về cách thức tổ chức tác phẩm, về đặc điểm của các loại hiện tượng đời sống được miêu tả và về tính chất của mối quan hệ của nhà văn đối với các hiện tượng đời sống ấy … Thể loại văn học trong bản chất phản ánh những khuynh hướng phát triển vững bền, vĩnh hằng của văn học và các thể loại văn học tồn tại để giữ gìn, đổi mới thường xuyên các khuynh hướng ấy. Do đó mà thể loại văn học luôn luôn vừa mới vừa cũ, vừa biến đổi, vừa ổn định. (Từ điển Thuật ngữ văn học – Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) – NXB Giáo Dục). 1.a.2.2. Khái niệm Chủ nghĩa siêu thực:
- Là khuynh hướng văn nghệ tiền phong chủ nghĩa ra đời ở Pháp vào những thập niên đầu của thế kỷ XX và được giới văn nghệ sĩ ở một số nước khác như: Bỉ, Tiệp, Nam Tư, Mĩ … hưởng ứng. Cơ sở triết học của chủ nghĩa siêu thực là học thuyết trực giác của Béc Xông và phân tâm học của Phrớt. Những nguyên tắc mĩ học của trường phái siêu thực là: - Hướng về thế giới vô thức của con người mà họ là một lĩnh vực vô hạn đối với sự khám phá sáng tạo nghệ thuật. - Đề cao cái ngẫu hứng, chú trọng việc ghi chép những cái xuất hiện lướt qua trong đầu không qua sự kiểm soát của lí trí. - Vứt bỏ sự phân tích lô gic, đập tan các gông cùm của lí trí, đạo đức, tôn giáo và chỉ tin cậy ở trực giác, giấc mơ, ảo giác, ở những linh cảm bản năng và sự tiên tri. - Dựa theo lý thuyết “tự động tâm linh” của Brơ tông họ kêu gọi hướng tới sự hồn nhiên không suy nghĩ của trẻ thơ, tới trạng thái mê sảng, tới những ảo giác mộc mạc của những bộ lạc nguyên thủy và nền nghệ thuật cổ sơ của họ. Vì thế Chủ nghĩa siêu thực chủ trương thơ ca phải được tuôn trào tự do, không cần sử dụng các dấu chấm câu, không cần tuân thủ trật tự ngữ pháp, đề cao sự liên tưởng tự do cá nhân. (Từ điển Thuật ngữ văn học). 1.a.2.3. Khái niệm Thơ trữ tình: Thuật ngữ dùng chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình trong đó, những cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng của đời sống được thể hiện một cách trực tiếp. Tính chất cái thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Là tiếng hát của tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng thể hiện những biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm, từ các cung bậc của tác phẩm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học. (Từ điển Thuật ngữ văn học). 1.a.2.4. Khái niệm Truyện: Truyện – tự sự là phương thức tái hiện đời sống, bên cạnh hai phương thức khác là trữ tình và kịch được dùng làm cơ sở để phân loại các tác phẩm văn học. Truyện là phương thức phản ánh hiện thực qua các sự kiện, biến cố và hành vi con người làm cho tác phẩm tự sự trở thành một câu chuyện về ai đó hay về cái gì đó. Cho nên tác ophaamr tự sự bao giờ cũng có cốt truyện… cốt truyện được khắc họa nhờ một hệ thống chi tiết nghệ thuật phong phú, đa dạng, bao gồm chi tiết, sự kiện, xung đột, chi tiết nội tâm, ngoại hình của nhân vật, chi tiết tính cách… đời sống, văn hóa, lịch sử, lại còn có cả những chi tiết liên tưởng, tưởng tượng, hoang đường mà không nghệ thuật nào tái hiện được…(Từ điển Thuật ngữ văn học). 1.a.2.5. Khái niệm Kí: Kí là một loại hình văn học trung gian nằm giữa báo chí và văn học, gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi tự sự. Tính xác thực là đặc trưng cơ bản của thể kí, Kí phản ánh hiện thực khách quan. Những sự kiện, con người đều mang tính xác thực. Kí cũng có khả năng hư cấu nhưng liều lượng hư cấu có giới hạn và không thể xa rời thực tiễn.
- Kí là thể loại in đậm dấu ấn hình tượng tác giả. Người viết kí không ẩn mình mà trực tiếp viết ra những gì mình chứng kiến, quan sát. Cái tôi tác giả kể, thông tin, miêu tả hoặc dẫn dắt người đọc tiếp cận cuộc sống, con người Ngôn ngữ kí chủ yếu là ngôn ngữ của tác giả. Là thể loại nhanh nhạy, kí phản ánh kịp thời những vấn đề sôi bỏng của đời sống, nên ngôn ngữ kí gần với ngôn ngữ đời thường. Cấu trúc tác phẩm kí thường theo trục tuyến thời gian, cảm xúc, sự kiện. Thể loại kí có những thể cơ bản sau: bút kí, sử kí, phóng sự, tuỳ bút, kí sự, hồi kí, nhật kí. (Từ điển Thuật ngữ văn học). b. Cơ sở thực tiễn. 1.b.1. Khảo sát các tác phẩm văn học sau năm 1975 trong SGK Ngữ văn 12 (Ban cơ bản). - Về thơ, có tác phẩm: Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo. - Về kí, có tác phẩm: Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. - Về truyện, có tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. - Về kịch, có tác phẩm: Hồn Trương Ba, da hàng thịt của lưu Quang Vũ. Như vậy, văn học Việt Nam sau năm 1975 ở chương trình Ngữ văn 12 THPT có sự xuất hiện của nhiều tác phẩm với nhiều thể loại mà việc tổ chức quá trình đọc hiểu không hề đơn giản. Nhiều tác phẩm có nhiều hướng tiếp cận, khai thác khác nhau. Văn học thời kì này phát triển theo tinh thần dân chủ hoá. Giữa tác phẩm và người đọc là một cuộc đối thoại. Vì thế, bản thân GV cũng như HS cần được trang bị những tri thức về lí luận văn học và biết cách vận dụng những tri thức này vào quá trình tiếp nhận thì mới có thể lĩnh hội được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Việc phân tích các tác phẩm này sẽ có ý nghĩa mở ra hướng tiếp cận, khám phá cho HS trong quá trình đọc hiểu các văn bản khác. Từ đó, trang bị cho HS những kiến thức công cụ nhằm hoàn thiện nâng cao phương pháp đọc hiểu tác phẩm ở các em. Điều đó có nghĩa là cần tích cực hình thành cho HS một cách đọc đối thoại, đọc đồng sáng tạo để HS có thể cảm nhận và phân tích tác phẩm một cách chủ động. Để các em đến với văn học và tìm hiểu giá trị của các TPVC không chỉ đơn thuần bằng những rung động cảm tính mà thực sự khám phá tác phẩm một cách có khoa học, có lý luận. Đây là một đòi hỏi mang tính chất bắt buộc trong yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học đọc văn ở nhà trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay. 1.b.2. Thực trạng dạy và học môn Ngữ văn của giáo viên và học sinh lớp 12 ở trường THPT Sông Ray * Về phía GV: Qua kết quả dự giờ của một số giáo viên dạy khối 12 ở tổ Văn, tôi nhận thấy ở một bộ phận GV, việc đổi mới phương pháp dạy học đôi khi chỉ đơn thuần mang tính hình thức. Do đó, hiệu quả các giờ học chưa cao. Giờ văn nhiều khi vẫn “thiên về rung cảm xúc động trong HS mà coi nhẹ khái quát...”. Thêm vào đó, nhiều GV vẫn chưa ý thức đúng mức về tầm quan trọng của tri thức lí luận văn học trong quá trình dạy học tác phẩm văn chương. Vì thế, vấn đề làm thế nào để hình thành kiến thức lí luận cho HS, giúp các em vận dụng những
- kiến thức công cụ này vào khám phá tác phẩm cũng không được chú ý đến. Rất nhiều GV chưa thực sự chú trọng trang bị, hình thành cho HS những kiến thức lí luận văn học một cách trực tiếp bên cạnh việc bồi dưỡng tri thức lí luận cho HS thông qua việc dạy tác phẩm. Văn học Việt Nam sau năm 1975 với sự nở rộ của các phong cách, bút pháp, bộc lộ hết mình các cá tính sáng tạo của nhà văn cùng với việc ra sức tìm kiếm, thể nghiệm nhiều hình thức và thủ pháp mới thực sự là những “thách thức” đối với GV trong việc tổ chức quá trình đọc hiểu ở HS. Để giờ học đạt hiệu quả như mong muốn, GV cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của tri thức lí luận văn học đối với việc đọc hiểu tác phẩm. Trên cơ sở đó, có những định hướng giúp HS vận dụng những tri thức mang tính công cụ này vào quá trình tiếp nhận tác phẩm. Thông qua từng bài học cụ thể, giúp HS tích luỹ, củng cố và khắc sâu tri thức lí luận văn học. Có như vậy, mới khắc phục nguy cơ những tri thức lí luận văn học đang biến thành những tri thức thuần lí. Việc nhận diện, nắm chắc thể loại và vận dụng tri thức về thể loại vào dạy học các tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975 cũng là một hướng đi góp phần nâng cao hiệu quả dạy học bộ phận văn học này. Bởi lẽ, trong chương trình Ngữ văn lớp 12, phần văn học sau 1975 xuất hiện nhiều thể loại khác nhau. Nếu như GV không có trong tay những tri thức cần thiết về thể loại thì việc định hướng và tổ chức cho HS chiếm lĩnh tác phẩm sẽ không hề đơn giản. Phải làm sao để HS thực sự đến với văn chương bằng cả trái tim và trí tuệ. Có như vậy, giờ văn mới thực sự được trả về đúng với bản chất của nó. Phần văn học Việt Nam sau 1975 có nhiều tác phẩm mới với hướng tiếp cận mở, GV gặp không ít khó khăn trong quá trình tổ chức cho HS đọc hiểu văn bản. Bản thân một bộ phận GV còn lúng túng trong việc hướng dẫn HS tìm ra hướng phân tích tác phẩm. Rõ ràng GV muốn tiếp cận, giải mã những tác phẩm trong giai đoạn này thì phải biết tự tìm tòi đổi mới trong phương pháp tiếp cận văn chương đương đại. Những tri thức lí luận thực sự phải trở thành tri thức phương pháp, chìa khoá để giải mã tác phẩm. Có như vậy, GV mới có thể tổ chức, định hướng quá trình tiếp nhận tác phẩm ở HS một cách có hiệu quả. * Về phía HS: Hầu hết HS ý thức về tầm quan trọng của tri thức lí luận trong quá trình đọc hiểu tác phẩm. Tuy nhiên bên cạnh đó còn không ít HS chưa nhận thức được điều này. Tình trạng HS chưa biết cách vận dụng những tri thức lí luận văn học vào quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương là một thực tế khá phổ biến ở nhà trường phổ thông hiện nay. Điều đó khiến cho các em tiếp thu các tác phẩm một cách thụ động, mất dần kĩ năng đọc hiểu văn bản, thiếu năng lực đọc một cách sáng tạo. Khi học các tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975, HS còn gặp nhiều khó khăn: khó khăn về tài liệu tham khảo, có kiến thức nhưng khó vận dụng...Để có thể cảm và hiểu được những tác phẩm sau năm 1975, đòi hỏi ở HS những tri thức về lí luận văn học và sự hướng dẫn của GV để HS có thể vận dụng được những tri thức ấy vào tiếp nhận tác phẩm. Trong quá trình giảng dạy, GV phải định hướng cho HS những tri thức cần thiết bổ trợ cho việc phân tích tác phẩm. Có làm được như vậy, HS mới có thể khám phá các lớp ý nghĩa của
- những tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975 ở chương trình Ngữ văn lớp 12 THPT. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tri thức lí luận văn học trong dạy học đọc hiểu TPVC. Đặc biệt, bộ phận văn học Việt Nam sau năm 1975 với nhiều tác phẩm mới, nhiều hướng tiếp cận, nếu như không vận dụng những tri thức mang tính công cụ vào việc tổ chức quá trình đọc hiểu để khám phá tác phẩm là điều khó khăn. Vận dụng tri thức về thể loại văn học vào quá trình dạy học đọc hiểu văn bản là nhằm góp phần nâng cao trình độ quan niệm trong tiếp nhận văn học, phát triển năng lực, kĩ năng đọc văn cho HS. 2. VẬN DỤNG TRI THỨC LÍ LUẬN VỀ THỂ LOẠI VĂN HỌC VÀO DẠY HỌC ĐỌC HIỂU TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM SAU NĂM 1975 Ở TRƯỜNG THPT 2.1. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca – Thanh Thảo theo hướng vận dụng tri thức lí luận về thể loại thơ hiện đại. a. Thơ: Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những xúc cảm mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu. Bàn về thơ, Sóng Hồng viết: Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lí trí ấy được diễn tả bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường. (Từ điển Thuật ngữ văn học – Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) – NXB Giáo Dục). b. Đặc điểm của thơ hiện đại: * Về cơ bản, thơ thuộc loại trữ tình, dù trong thơ có thể chứa đựng những yếu tố của tự sự. Đi vào thế giới của thơ, người đọc bắt gặp ở đó những biểu hiện trực tiếp cảm xúc, cả những suy tư của chủ thể trữ tình. Chính vì tập trung vào thể hiện những cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm thầm kín, chủ quan của chủ thể trữ tình nên thơ có khả năng biểu hiện những vấn đề và chân lý phổ quát của tồn tại con người như sự sống, cái chết, tình yêu, niềm tin, lý tưởng...Ở thơ, bao giờ cũng là một cách tổ chức ngôn ngữ khác thường, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhịp điệu và sự hàm súc, khả năng biểu đạt đặc biệt của từ ngữ ở phương diện âm thanh và phương diện tạo hình. Có thể khẳng định: thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, là tiếng nói, khúc hát của tâm hồn. Vì vậy, đến với thơ là tìm đến với những tâm hồn đồng điệu, để bắt gặp tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. *Ở trường phổ thông hiện nay, hiện tượng HS ít hiểu biết về thơ, ít yêu thơ không phải là điều hiếm gặp. Thậm chí với nhiều em, thế giới thơ hoàn toàn là một thế giới xa lạ. Bản thân các em hiểu biết rất ít về thơ hiện đại. Để tìm được con đường đưa thơ đến với HS, thiết nghĩ bản thân mỗi GV chỉ giảng được thơ trên trang sách khi nắm được thơ của cuộc đời và tấm lòng người giảng cũng là một tấm lòng thơ. Bởi lẽ, dù là thơ cổ điển hay hiện đại, dù người làm thơ có muốn đổi mới gì đi chăng nữa thì thơ ca muôn đời vẫn là tiếng nói hồn nhiên
- nhất, nguyên sơ nhất và giàu tính nhân bản nhất của con người về cuộc sống, về sự cao đẹp của con người. Giảng thơ chủ yếu là giảng hình tượng thơ, là qua hình thức để giảng nội dung, là thông qua việc phân tích các yếu tố về loại thể, kết cấu, ngôn ngữ để làm sống dậy hình tượng với tất cả vẻ đẹp, chiều sâu của nó. Vì thơ là hình tượng trong ngôn ngữ lắng đọng và ngân vang, nên khi dạy thơ, GV cần lưu ý đến khâu đọc diễn cảm. “Khi đọc thơ, phải làm cho mỗi tiếng trong thơ sáng hết hình và ngân hết nhạc”. Khi tổ chức quá trình dạy đọc hiểu các tác phẩm thơ hiện đại, GV cần hướng dẫn HS tìm hiểu về hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ. Nếu trong thơ trung đại, thường không có sự hiện diện trực tiếp của cái tôi chủ thể trữ tình thì trong thơ hiện đại, cái tôi của chủ thể trữ tình thường công khai và có ý thức mạnh mẽ tự biểu hiện, không chỉ xúc cảm, quan niệm về thế giới mà còn cả những điều thầm kín riêng tư nhất. Tìm hiểu nội dung của bài thơ nhất thiết phải hướng dẫn HS tìm ra được mạch diễn biến, triển khai của tâm trạng, cảm xúc, suy tư của chủ thể trữ tình. Điều này có nghĩa là phải tìm cho được cách kết cấu của bài thơ. “Mỗi tác phẩm là một cấu trúc bao gồm nhiều yếu tố, nhiều bộ phận, thành phần phức tạp. Toàn bộ những yếu tố, thành phần đó sắp xếp, gắn với nhau theo một kiểu gọi là kết cấu của tác phẩm”. Kết cấu chi phối việc tổ chức mọi yếu tố của bài thơ như: ngôn từ, chất liệu, hình ảnh, hình tượng, giọng điệu, cảm xúc, ý tưởng, nhưng yếu tố cơ bản quy định nên kết cấu của bài thơ chính là mạch diễn biến của cảm xúc và ý tưởng. Kết cấu bộc lộ tài năng và tính sáng tạo của người nghệ sĩ, đồng thời phản ánh được quy luật vận động và phát triển của đời sống. Đời sống thì đa dạng, luôn vận động tiến hoá, điều đó dẫn đến sự đa dạng và luôn biến hoá của hình thức kết cấu. M.Gorki từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học”. Ngôn ngữ là chất liệu để người nghệ sĩ vẽ nên bức tranh đời sống và truyền đạt những thông điệp tư tưởng – thẩm mĩ đến người đọc. Ngôn từ tác phẩm chính là chiếc cầu nối giữa nhà văn và người đọc. Như vậy, ngôn ngữ chính là công cụ, chất liệu cơ bản của văn học, được chọn lọc, rèn giũa qua lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện các tính sáng tạo, phong cách, tài năng của người cầm bút. Đặc biệt trong thơ, mọi khả năng biểu đạt, sức mạnh và vẻ đẹp của ngôn ngữ văn học được thể hiện đầy đủ hơn cả. Ngôn ngữ thơ gắn chặt với đặc điểm ngôn ngữ của mỗi dân tộc, đồng thời mang đậm dấu ấn cá tính phong cách của nhà thơ. Nếu trong thơ trung đại, do sự chi phối của cảm quan thời trung đại về vũ trụ và nhân sinh, do quan niệm mỹ học thiên về tính cân xứng, tính sùng cổ, mà ngôn ngữ thơ đậm tính ước lệ, tượng trưng thì trong thơ hiện đại, ngôn ngữ thơ thoát khỏi tình trạng nặng về tính trang nhã, ước lệ, dày đặc điển cố trong từ chương sách vở để gần hơn với tình cảm, cảm xúc tự nhiên của con người do chủ thể trữ tình được giải phóng thoát khỏi những ràng buộc con người cá nhân. Chính sự đa dạng về tư duy nghệ thuật và sự phong phú về giọng điệu đã khiến cho ngôn ngữ thơ có sự phân hoá và phân cực về cả bề nổi và về cả tầng sâu: bên cạnh thứ ngôn ngữ gần gũi với đời thường là loại ngôn ngữ mờ nhoè, đậm chất tượng trưng, siêu thực, bên cạnh
- thứ ngôn ngữ bình dị là những văn bản thơ ngôn ngữ chắp vá một cách cố ý nhằm tạo nên sự lạ hoá… c. Cách thực hiện. c.1. Về tác giả: GV hướng dẫn học sinh tìm hiểu sự đổi mới trong thơ Thanh Thảo. Đàn ghi ta của Lorca rất tiêu biểu cho nỗ lực cách tân thơ Việt Nam của Thanh Thảo, bài thơ có phần khó hiểu vì nó nhuốm màu sắc tượng trưng và siêu thực mà ông chịu ảnh hưởng ít nhiều ở chính nhà thơ hiện đại Tây Ban Nha Gar-xi-a Lorca mà ông hết lòng ngợi ca. Cho nên khi dạy bài thơ này giáo viên phải cung cấp và giảng giải cho học sinh khái niệm thơ tượng trưng và siêu thực, được thể hiện cụ thể trong bài thơ như thế nào? c.2. Về bài thơ: Gv phải giảng cho học sinh hiểu được giá trị của bút pháp siêu thực trong Đàn ghi ta của Lorca – Thanh Thảo. Trước hết, thơ hiện đại dòng tượng trưng, siêu thực tạo nên sự khác biệt với thơ cổ điển và lãng mạn ở việc thể hiện vai trò “cái tôi”. Nếu trong thơ cổ điển, cái tôi bị phủ định, trong thơ lãng mạn, cái tôi lại được đưa lên vị trí độc tôn thì đối với các nhà thơ tượng trưng và siêu thực, cái tôi đã mất vị trí độc tôn, bị lu mờ, thậm chí trở thành cái tôi đa ngã. Chủ nghĩa siêu thực đề ra một hệ thống quan điểm mỹ học, gồm: Đề cao và chú trọng khai thác cái ngẫu hứng, cái bất ngờ trong thế giới vô thức; đề cao vai trò của cái hỗn độn, phi logic, phi luận lí; phá vỡ sự ngăn cách giữa chủ thể và khách thể. Bản thân HS sẽ khó hiểu những lí thuyết mà GV cung cấp. Vì vậy, những kiến thức trừu tượng này cần được chứng minh cụ thể qua từng hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm. GV có thể gợi ý để HS hiểu những ảnh hưởng của dòng thơ tượng trưng, siêu thực thể hiện trong văn bản này. Hình ảnh đầu tiên được Thanh Thảo gợi ra là “những tiếng đàn bọt nước”. Người đọc có thể hiểu tiếng đàn đó không chỉ có chức năng tạo ra âm thanh, thành bản nhạc mà nó còn mang tính tạo hình qua hình ảnh “bọt nước”. Đây là hình ảnh đem lại sự thụ cảm vừa bằng thính giác vừa bằng thị giác, mà sáng tạo ra các hình ảnh thị giác là điều mà các nhà thơ siêu thực thường quan tâm. Hình ảnh “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” lại có sự kết hợp giữa cái thực là truyền thống đấu bò tót của Tây Ban Nha và ám chỉ tình hình chính trị với những cuộc đàn áp khốc liệt của chính quyền độc tài nơi đây. Như vậy, có thể hiểu cả Tây Ban Nha đang trở thành một đấu trường, không phải giữa người đấu với bò mà giữa người với người, giữa dân chủ và độc tài, giữa tự do bị bóp nghẹt và thể chế chính trị hà khắc. Bài thơ dẫu có chịu ảnh hưởng của bút pháp ấn tượng, tượng trưng nhưng kĩ thuật siêu thực mới thực sự quyết định giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Nghệ thuật siêu thực tập trung ở cái nhìn, một cái nhìn đặc biệt, không phân biệt sự vật hiện tượng trong không gian thời gian, không phân biệt yếu tố trừu tượng hay cụ thể. Chiếc áo choàng đỏ gắt gợi vẻ ngang tàng, khí phách của Lorca và của nền văn hóa đấu bò Tây Ban Nha, đồng thời gợi cái chết bi thảm của người nghệ sĩ khao khát tự do, khao khát cách tân nghệ thuật. Từ cái nhìn này, GV phải giảng giải cho học sinh hiểu được: thơ siêu thực tạo nên những kết nối ngẫu nhiên (tiếng ghi ta nâu/ bầu trời cô gái ấy). Kĩ thuật liền kề này thực chất là đả phá trật tự tuyến tính trong tư duy thơ trước đó.
- Người viết đề cao lối tư duy đồng hiện. Nghệ thuật ngôn từ lúc này không diễn ra trong thời gian, nơi màu sắc, bố cục của màu sắc, của âm thanh được chú trọng: giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng. Những câu thơ này thiên về gợi hình. Chúng chiếm lĩnh không gian và tạo ra các không gian tiếp nối. Vì lẽ này, thơ siêu thực hấp dẫn người đọc theo lối một bức tranh. Bài thơ có sự kết hợp độc đáo giữa màu sắc, hình khối và âm thanh. Đấy là nghệ thuật tổng hợp các loại hình nghệ thuật hội họa, điêu khắc, âm nhạc và dĩ nhiên là cả văn học. Nhà thơ “nói” mọi thứ bằng chất liệu ngôn từ trên nền kĩ thuật đặc trưng của các loại hình nghệ thuật. Vậy nên, khi tiếp xúc với bài thơ, người đọc cần huy động tối đa các giác quan để cảm nhận. Bởi mỗi câu thơ là một gián đoạn: tiếng ghi ta xanh (màu sắc), tiếng ghi ta tròn (hình khối), tiếng ghi ta chảy máu (kết hợp màu sắc và sự chuyển động). Những kết hợp đầy sáng tạo, người đọc khó có thể hình dung được những biểu hiện ấy của ghi ta khi chưa đọc bài thơ. Bút pháp siêu thực còn có sự kết hợp giữa những yếu tố hiện thực với các yếu tố tưởng tượng, hoang đường và cả những yếu tố tôn giáo (thông thường là những yếu tố lấy từ giấc mơ): đường chỉ tay, lá bùa, dòng sông (gợi triết lí siêu thoát của nhà Phật). Trong trường hợp này, kĩ thuật siêu thực chính là sự tổng hợp nhiều mô thức văn hóa của nhân loại. Tất cả những dụng công nghệ thuật trên nhằm để bày tỏ nỗi xót xa trước cái chết của Lorca. Khẳng định tầm vóc thiên tài và sự bất tử của nghệ sĩ, khẳng định sứ mạng nghệ thuật, và đề cao khả năng nhận thức và tái tạo vô hạn của nghệ sĩ, của ngôn từ trên cuộc đời. Rõ ràng kiến thức lí luận văn học thuần túy sẽ trở nên dễ hiểu thông qua sự vận dụng những kiến thức ấy vào những chi tiết, hình ảnh trong tác phẩm. Nói cách khác, những khái niệm lí luận cũng sẽ trở nên sinh động hơn, dễ hiểu hơn, dễ nhận diện hơn từ những dẫn chứng cụ thể. Từ những tri thức lí thuyết văn học được cung cấp, HS sẽ vận dụng để chiếm lĩnh những tác phẩm mới. Như vậy, khi vận dụng tri thức lí luận văn học vào dạy học đọc hiểu tác phẩm, GV cần phải biết cách làm “mềm” kiến thức lí luận vốn khô khan, trừu tượng ấy bằng những chi tiết cụ thể trong bài học. Có làm được như thế thì HS mới có một vốn tri thức toàn diện, giúp các em sử dụng và phát huy tốt những đơn vị kiến thức đã được học cũng như tạo cho các em tâm thế chủ động, tích cực, nhanh nhạy trong việc tiếp thu những đơn vị kiến thức mới. Thơ ngày nay khó nhớ, khó thuộc hơn so với thơ ca giai đoạn trước. Điều này là một thực tế. Nó cho thấy sự vận động khá rõ trong tư duy thơ. Trước đây, các nhà thơ chủ yếu tập trung xây dựng những câu thơ ám ảnh, cấu trúc thơ chủ yếu xoay quanh nghệ thuật lập tứ và nghệ thuật dùng từ, xây dựng tính nhạc nhằm tạo nên sức mê hoặc khiến cho thơ dễ ru người đọc. Hiện nay, các nhà thơ lại tập trung vào tổ chức cấu trúc chỉnh thể, xây dựng hàng chuỗi biểu tượng và các biểu tượng ấy nhiều khi không dễ nhận ra bằng sự cảm nhận thông thường. Nó đòi hỏi người tiếp nhận vừa giàu trải nghiệm vừa phải có khả năng tiếp nhận cái siêu nghiệm trong thơ. Đọc thơ, suy cho cùng cũng là một cách tiếp cận kinh nghiệm sống, tiếp cận những giá trị tinh thần do nhà thơ sáng tạo nên. Nhưng mỗi nhà thơ đều phải sống trong một thời đại cụ thể, trong một không gian tinh
- thần cụ thể. Vì thế, thơ họ, một mặt, thể hiện những suy tư cá nhân độc đáo nhưng mặt khác, những suy tư ấy phải thể hiện được tâm thế và trạng thái tinh thần của thời đại mình. Rõ ràng, để giúp HS khám phá được ý nghĩa của những bài thơ hiện đại là việc làm không hề đơn giản. Bởi lẽ, ở nhiều tác phẩm, nhà thơ không đứng ra làm nhiệm vụ giải thích, thuyết minh mà để cho người đọc tự khám phá những bí mật sau những cách nói ngỡ như không ăn nhập gì với nhau, cấu trúc thi phẩm nhìn qua hết sức lỏng lẻo nhưng thật ra lại hết sức chặt chẽ. Vì vậy, GV cần có một kiến thức sâu, vững chắc, cả sự trải nghiệm và tài năng sư phạm thì mới có thể tổ chức tốt quá trình tiếp cận phân tích các tác phẩm thơ hiện đại cho HS. 2.2. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu tác phẩm truyện Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu theo hướng vận dụng tri thức về thể loại truyện hiện đại. a. Truyện : Nếu tác phẩm trữ tình phản ánh hiện thực trong sự cảm nhận chủ quan về nó, thì tác phẩm tự sự lại tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Tác phẩm tự sự phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống, trong không gian, thời gian, qua các sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. trong tác phẩm tự sự nhà văn cũng thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình. Nhưng ở đây, tư tưởng và tình cảm của nhà văn thâm nhập sâu sắc vào sự kiện và hoạt động bên ngoài của con người tới mức giữa chúng giường như không có sự phân biệt nào cả. Nhà văn kể lại, tả lại những gì xảy ra bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực được phản ánh trong tác phẩm tự sự là một thế giới tạo hình xác định đang tự phát triển, tồn tại bên ngoài nhà văn, không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn của nhà văn. (Từ điển Thuật ngữ văn học). b. Đặc điểm của truyện hiện đại : “Ở văn học hiện đại, “truyện” là một khái niệm không thật xác định. Một mặt, nó vẫn được dùng để trỏ mọi loại tác phẩm tự sự có cốt truyện nói chung (bao gồm cả truyện ký, tiểu thuyết), mặt khác, lại có lối dùng nó như một thuật ngữ trỏ dung lượng tác phẩm tự sự (“truyện dài”, “truyện vừa”, “truyện ngắn”). Theo tác giả Trần Thanh Đạm, “truyện là một khái niệm rộng bao gồm các thể tài chủ yếu thuộc loại hình tự sự. Tự sự có nghĩa là kể chuyện. Và có kể chuyện ắt là có truyện”. Về các yếu tố cơ bản của truyện, có: cốt truyện, nhân vật, trần thuật, thời gian, không gian trong truyện và lời văn của truyện. Ở thể loại truyện hiện đại, về trần thuật, nhiều tác giả sử dụng cách trần thuật nhập vai nhân vật, hoặc xen kẽ, hoà nhập lời của người trần thuật khách quan với lời của nhân vật, tạo thành cách trần thuật song trùng chủ thể. Thời gian trong truyện hiện đại thường có sự thay đổi trình tự kể so với trình tự diễn ra của các sự kiện. Truyện thường ít khi bắt đầu trần thuật từ sự việc khởi đầu, mà có thể từ một thời điểm sau sự khởi đầu, hoặc ở thời điểm kết thúc câu chuyện, rồi mới quay ngược thời gian của các sự kiện đã diễn ra trước đó. Lời văn trong truyện hiện đại giàu tính sinh động, trực tiếp, sát với tiếng nói hằng ngày, mang đậm phong cách cá nhân và đa
- giọng điệu. Các thể chính của truyện hiện đại: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn. *Từ việc nắm được những đặc trưng của thể loại truyện hiện đại, khi tổ chức quá trình đọc hiểu cho HS, trước hết, GV cần lưu ý hướng dẫn các em tìm hiểu những phương diện chung như đề tài, bố cục, cốt truyện...Sau đó, tùy theo đặc điểm của từng tác phẩm mà đi vào các bình diện khác. Ví dụ: có những truyện không thể không quan tâm đến tình huống truyện, nhân vật, xung đột, có những truyện lại phải đặc biệt chú ý đến không gian, thời gian...Thông qua việc phân tích nhân vật, hình ảnh, các lớp ngôn từ, chi tiết nghệ thuật đặc sắc mà nhà văn đã xây dựng để khám phá, đúc kết những khái quát về tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. c. Cách thực hiện. Để giúp HS nắm được sự phát triển của tình tiết trong tác phẩm (tức là nắm được cốt truyện), GV có thể yêu cầu HS kể lại tác phẩm sau khi đã đọc. Thao tác này, không những có tác dụng củng cố tri thức văn học mà còn có tác dụng trau dồi tư duy và ngôn ngữ, phát triển năng khiếu thẩm mĩ của HS. Điều quan trọng để nắm vững tình tiết trong tác phẩm là phân tích các chặng đường phát triển chủ yếu của nó. Điều này sẽ tạo ở các em một ấn tượng hoàn chỉnh về đối với hình tượng tự sự của tác phẩm. Sau khi giúp HS nắm được các giai đoạn phát triển của tình tiết, GV cần tiến tới hướng dẫn HS cảm thụ được sâu sắc và đánh giá đúng các nhân vật trong truyện về ngoại hình, tính cách thông qua ngôn ngữ, hành động, cử chỉ. Điều đặc biệt cần lưu ý là thế giới nội tâm của nhân vật. GV cũng cần giúp HS hiểu và khai thác được tình huống của truyện. Vì đối với cốt truyện, tình huống chính là điểm nhấn, là đầu mối của các biến cố trọng yếu. Trong truyện, tình huống là một tâm trạng của một nhân vật hoặc một trạng thái của đời sống dưới cái bề ngoài lặng lẽ, bình thường, mà phải bằng một sự tinh tế, nhạy cảm đặc biệt nhà văn mới cảm nhận và thể hiện được. Ví dụ, trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, tình huống bất ngờ, cảnh anh chồng đánh đập tàn bạo người vợ và cảnh chị ta chỉ im lặng chịu đựng, diễn ra trước mắt người phóng viên nhiếp ảnh, chỉ là tình huống bên ngoài để dẫn đến tình huống bên trong: sự nhận thức lại hay là “vỡ lẽ” của hai nhân vật Phùng và Đẩu về nhiều điều không hề đơn giản, cả những nghịch lý trong đời sống. Tác phẩm bắt đầu bằng cái vẻ ngoài bình dị của một câu chuyện đời thường với những chi tiết bình thường của đời sống. Một phóng viên nhiếp ảnh tìm về một vùng biển miền Trung và nằm phục ở đó cả tháng trời để tìm cảnh cho cho một tấm lịch trong chuyên đề về thuyền và biển...Anh đã tìm kiếm, đã bấm máy và có lúc đã ngập tràn hạnh phúc ngỡ như mình vừa chứng kiến, vừa đối diện với vẻ đẹp toàn bích, với cái tận thiện, tận mĩ của đời sống. Ấy là khi đôi mắt nhà nghề của anh phát hiện một vẻ đẹp “trời cho” trên mặt biển mù sương: “Trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ, loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào...Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào.
- Chẳng biết ai đó đã lần đầu phát hiện ra cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng mọi chuyện lại bắt đầu từ cái ngã rẽ bất ngờ này. Ngay sau sự phát hiện thứ nhất về cái đẹp, cái lãng mạn của đời sống là sự phát hiện thứ hai đầy trớ trêu đến tàn nhẫn để lộ ra cái mặt trái của cuộc đời và con người nhiều “đa sự, đa đoan”. Ám ảnh không rời khi đọc xong tác phẩm chính là bi kịch của cặp vợ chồng hàng chài. Hình ảnh người đàn bà khốn khổ với cặp mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ, bàn chân nhợt trắng vì ngâm nước đang trần tấm lưng áo ướt sũng và bạc phếch vì muối mặn hứng chịu một cách nhẫn nhục cơn thịnh nộ của chồng. Và hình ảnh lão đàn ông độc ác, vũ phu đang nghiến răng nghiến lợi trút những uất ức, cay cực, bức xúc của cuộc đời thường nhật lên đôi vai vốn đã nặng trĩu gánh nặng đời sống của người vợ đang cùng mình chung lưng đấu cật để tồn tại trong cuộc sống. Cần lưu ý rằng: truyện ngắn hiện đại không hướng đến sự kết thúc mà hướng vào sự mở đầu. Vấn đề căn bản không phải là “kết thúc bằng cách nào” mà là “mọi chuyện bắt đầu từ đâu”. Đưa kết thúc vào thì truyện ngắn hiện đại lại trở nên không trọn vẹn. Trong truyện, trần thuật là một phương diện không thể thiếu. Cần lưu ý đến những yếu tố sau khi tìm hiểu nghệ thuật trần thuật: vai trần thuật, điểm nhìn và giọng điệu.Có nhiều hình thức trần thuật: trần thuật từ ngôi thứ ba, trần thuật từ ngôi thứ nhất. Trong văn học hiện đại, nhà văn kết hợp nhiều điểm nhìn trần thuật, chủ yếu xoay quanh hệ thống nhân vật, chủ yếu là nhân vật chính. Từ các điểm nhìn khác nhau, nhân vật được soi chiếu từ nhiều góc độ, từ đó khắc hoạ toàn vẹn chân dung, tính cách, số phận và khái quát nêu lên những vấn đề nhân sinh có tính tổng quát. “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm có sự phối hợp các điểm nhìn. Với truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã khám phá con người trong sự phức hợp, đa chiều của nó. Nhân vật của ông không đơn giản, nhất phiến mà được soi chiếu, lật xới mọi chiều cạnh của khối vuông ru bích. Người đọc cảm nhận được ở người phụ nữ thuyền chài với vẻ ngoài xấu xí, thô kệch ấy ẩn giấu bên trong một tâm hồn đẹp đẽ với tấm lòng bao dung, vị tha và đức hi sinh vì chồng con. Cách lí giải và cắt nghĩa của chị về cuộc sống cá nhân chứng tỏ một sự chín chắn và sâu sắc vô cùng, làm cho những trí thức như anh nghệ sĩ nhiếp ảnh và vị thẩm phán vỡ vạc nhiều chân lí đời sống mà trước hết, đó là sự trải nghiệm. Như trên đã nói, đa dạng hoá điểm nhìn là một thế mạnh nghệ thuật của truyện ngắn này. Cắt nghĩa số phận bất hạnh của người đàn bà và đề xuất cách hành xử nhằm giải thoát cho chị, nhà văn đặt nó dưới điểm nhìn của nhiều nhân vật khác nhau. Đứa con trai ngây thơ, bốc đồng và xốc nổi thì kịch liệt kết tội bố đã gây ra cảnh ngộ này. Vị thẩm phán dưới góc độ pháp luật để bảo vệ cho người bị hại thì li hôn là phương cách tối ưu. Còn người đàn bà thì sao? Bà không bỏ chồng mặc dù bị đối xử tàn tệ có phải bởi lo sợ hay nhẫn nhục cam chịu cho qua một kiếp làm người? Cách nghĩ của chị khiến nhiều người phải giật mình xem lại mình. Ba lí do thật đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc: bản tính ấy của chồng theo chị không phải bản chất mà do hoàn cảnh nghèo, đông con gây ra; với chị- người đàn bà sống lênh đênh trên thuyền thì rất cần người đàn ông như một chỗ dựa để chống chọi phong ba bão
- tố; cuối cùng, nhân bản nhất đó là vì con, vì những ngày tháng hạnh phúc mà họ từng có. Nhà văn không hề áp đặt người đọc bởi một cách nghĩ nào cả mà đặt trong sự bỏ ngỏ tùy người đọc lựa chọn. Vì thế, tác phẩm giàu tính đối thoại mà mỗi một người đọc đều có quyền lựa chọn cho mình một đáp án riêng. Do đó, GV cần làm tốt vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cảm thụ ở HS. 2.3. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ? – Hoàng Phủ Ngọc Tường theo hướng vận dụng tri thức về thể loại kí. a. Về thể loại Bút kí : Bút kí là thể loại thuộc loại hình kí thường có quy mô tương ứng với truyện ngắn. Bút kí khác với truyện ngắn ở chỗ tác giả bút kí không sử dụng hư cấu vào việc phản ánh hiện thực. b. Đặc điểm của bút kí. Bút kí ghi lại những con người thực và sự việc mà nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thề hiện một tư tưởng nào đó. Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút kí tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khám phá, diễn đạt những khía cạnh « có vấn đề », những ý nghĩ mới mẻ, sâu sắc trong va chạm giữa tính cách và hoàn cảnh, cá nhân và môi trường. Nói cách khác, giá trị hàng đầu của bút kí là giá trị nhận thức. …(Từ điển Thuật ngữ văn học). Khi giảng dạy kí, điều lưu ý trước tiên là GV cần bám chắc vào đặc điểm cơ bản của kí là tính xác thực. Mỗi thể kí lại có những đặc điểm riêng. Vì thế, GV cần xác định rõ để bảo đảm HS tiếp nhận tác phẩm kí đúng hướng. Có kiến thức về đặc điểm của từng thể kí thì khi giảng mới khai thác hết được giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Việc dạy tác phẩm kí theo đặc trưng thể loại sẽ giúp HS có sự so sánh, đối chiếu nhiều thể kí khác nhau để có được một nhận thức sâu sắc về thể loại này, trên cơ sở đó, các em có thể tự mình tiếp nhận các tác phẩm kí ngoài chương trình. Trên cơ sở đặc trưng thể loại và yêu cầu của dạy học hiện đại, dạy học kí hướng đến mục tiêu phát triển kĩ năng tiếp thu tri thức và năng lực cảm thụ nghệ thuật. Qua đó, giúp HS biết vận dụng sáng tạo tri thức và cảm xúc trong việc đọc và tạo lập văn bản, biết suy nghĩ và rung động trước những vấn đề của đời sống. c. Cách thực hiện : Khi dạy tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, GV cần làm cho HS cảm được vẻ đẹp của sông Hương và cố đô Huế với phong cảnh hữu tình và bề dày văn hóa thâm sâu. Người học có thể cảm nhận được chiều sâu tư tưởng nhân văn trong từng trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ đó thấy được sự gắn bó với thiên nhiên và lòng yêu quê hương đất nước của nhà văn. Tác phẩm cũng cho thấy nét đặc sắc trong viết kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một cách viết tài hoa uyên bác, với lối so sánh độc đáo và những liên tưởng thú vị. Để đạt được những yêu cầu trên, GV cần giúp HS xác định được thể loại. Trên cơ sở đó, bám sát đặc trưng của thể loại mà tổ chức quá trình tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức ở các em. Có thể nói, để đạt được mục tiêu của bài học, vai trò định hướng của GV rất quan trọng.
- Về tác giả: GV giới thiệu một vài nét cơ bản về tác giả (cần chú ý đến những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự ra đời của tác phẩm và phong cách nghệ thuật của nhà văn). Những sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn toát lên một niềm đam mê đối với vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Các sáng tác của ông là kết quả của cả một quá trình quan sát, tìm tòi, chiêm nghiệm về cuộc sống, về văn hoá nghệ thuật. GV cần lưu ý về phong cách nghệ thuật của nhà văn để HS có hướng tiếp cận tác phẩm này một cách chính xác hơn. “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” là tác phẩm kí viết về Huế mà nhân tố làm nên giá trị đặc sắc của tác phẩm là màu sắc văn hóa. Bởi các dòng sông luôn là cái nôi của những vùng, những nền văn hoá đa dạng, nhiều màu sắc. Về quá trình đọc hiểu tác phẩm: qua việc phân tích văn bản ngôn từ, qua cảm nhận trực giác của người đọc, giúp HS tìm ra cái hay, cái đẹp của văn bản. GV hướng dẫn HS tiếp thu lượng thông tin tri thức về đối tượng mà nhà văn nói đến trong văn bản và tìm hiểu nghệ thuật trần thuật tài hoa của người viết. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một áng thơ trữ tình bằng văn xuôi ca ngợi sông Hương và thiên nhiên Huế. Thông qua tác phẩm, nhà thơ bộc lộ niềm tự hào về lịch sử - văn hoá Huế, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu quê hương, đất nước của mình. Qua đó, giúp HS có thêm tri thức về thiên nhiên, con người, lịch sử và văn hóa xứ Huế, đồng thời có được tri thức về thể loại, về nghệ thụât trần thuật và cảm nhận về những rung động tinh tế của nhà văn. Việc vận dụng tri thức lý luận văn học vào quá trình dạy học nhằm tạo cơ sở khoa học cũng như đem lại con đường tiếp cận và đánh giá tác phẩm một cách có hiệu quả. Khi vận dụng tri thức lý luận văn học vào dạy học đọc văn cần tránh việc cung cấp lý thuyết mang tính thuần lý mà hướng tới giúp HS vận dụng vào phát hiện, phân tích những chi tiết, hình ảnh trong tác phẩm cụ thể. Để cảm cái hay, cái đẹp được thể hiện qua bức thông điệp thẩm mĩ. Vận dụng tri thức lý luận vào dạy học đọc hiểu tác phẩm cần bảo đảm sự cân bằng giữa cảm và hiểu. Có như vậy, HS mới tìm được tiếng nói tri âm trong tác phẩm và sống cùng thế giới nghệ thuật mà nhà văn đã sáng tạo nên. Những kiến thức lý luận sẽ giúp cho GV và HS khai thác những đặc sắc nghệ thuật trong từng tác phẩm. Mặt khác, thông qua giờ dạy đọc hiểu tác phẩm văn học, những tri thức về lý luận sẽ được tích lũy, củng cố và khắc sâu ở HS. Lí luận văn học hiện đại đã chỉ ra nhiều cách tiếp cận tác phẩm: tiếp cận theo quan điểm lịch sử phát sinh, theo quan điểm cấu trúc và theo quan điểm lịch sử chức năng. Mỗi một cách tiếp cận sẽ giúp cho chúng ta có được một cái nhìn phong phú hơn, toàn diện hơn về TPVC. Vì vậy, trong việc dạy học đọc tác phẩm, GV cần định hướng HS vận dụng các quan điểm này vào tiếp cận, phân tích TP nhằm đạt được hiệu quả về tiếp nhận. Một trong những cách tìm hiểu tác phẩm một cách có hiệu quả là phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại. Căn cứ vào từng thể loại cụ thể (thơ hiện đại, truyện hiện đại, kịch) mà GV có thể tổ chức quá trình đọc hiểu ở HS một cách phù hợp. Việc vận dụng những hiểu biết về đặc trưng thể loại vào quá trình dạy
- đọc hiểu các tác phẩm văn học Việt Nam sau năm 1975 nhằm trang bị cho HS những tri thức cần thiết để các em tự định hướng cảm thụ phân tích tác phẩm theo từng thể loại. Từ đó, giúp cho việc hiểu và cảm tác phẩm có hiệu quả hơn. 3. GIÁO ÁN THỰC NGHIỆM (Tiết 40- Lớp 12) ĐÀN GHITA CỦA LORCA -Thanh Thảo- A. MỤC TIÊU BÀI HỌC 1.Về kiến thức - Hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của hình tượng Lorca trong mạch cảm xúc và suy tư đa chiều vừa sâu sắc, mãnh liệt của Thanh Thảo. - Cảm nhận vẻ đẹp độc đáo trong hình thức biểu đạt mang phong cách hiện đại. 2. Về kĩ năng - Rèn luyện nâng cao cho HS kĩ năng đọc hiểu một tác phẩm trữ tình. - HS làm quen với cách biểu đạt mang đậm dấu ấn của trường phái tượng trưng, siêu thực. 3. Về tư tưởng, thái độ Giáo dục HS phải biết tôn trọng những giá trị tinh thần của người đi trước nhưng phải biết vượt lên nó để sáng tạo. B. ĐỊNH HƯỚNG VỀ NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỌC HIỂU 1. Định hướng về nội dung * Đặc điểm bài học + Về nội dung Bài thơ viết về cái chết của Lorca, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà hoạt động sân khấu thiên tài người Tây Ban Nha vào năm 1936, khi ông mới 38 tuổi. Cái chết của Lorca là sự kiện gây chấn động lớn không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn với toàn thế giới, không chỉ lúc bấy giờ mà còn âm vang tới nhiều năm sau. Thanh Thảo muốn phục sinh thời khắc bi tráng đó, tỏ lòng ngưỡng mộ, đau xót và qua đó xây dựng biểu tượng nghệ thuật Lorca qua một hình ảnh quen thuộc mà độc đáo: đàn ghita. + Về hình thức Với Lorca, người được coi như một trong những bậc thầy của thi ca hiện đại thế giới, đại diện tiêu biểu cho một thế hệ nghệ sĩ mới đầy tình công dân và ý thức cách tân nghệ thuật, nên với bài tưởng mộ của mình, Thanh Thảo không muốn dừng lại với hình thức thông thường, ông thể nghiệm một hình thức mới, gần gũi với dòng mạch tượng trưng và siêu thực, tạm gọi là kết hợp và giao hoà: kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giữa thơ và nhạc, giữa màu sắc thơ viếng phương Đông và chất bi tráng của nhạc giao hưởng phương Tây, giữa hệ thống thi ảnh Lorca và hệ thống của chính tác giả. Tất cả lại đưa vào một cấu trúc mới cũng mang tính chất kết hợp và giao hoà: giao hoà giữa tính liên tục trong cốt tự sự với tính gián đoạn trong suy cảm và ngôn ngữ thơ. * Trọng tâm bài học:
- - Phân tích và cảm nhận được vẻ đẹp của hình tượng Lorca và biểu tượng nghệ thuật Lorca trong mạch cảm xúc và suy tư đa chiều vừa sâu sắc, vừa mãnh liệt của tác giả bài thơ. - Cảm nhận vẻ đẹp độc đáo trong hình thức biểu đạt mang phong cách hiện đại. 2. Định hướng PPDH - GV cần tận dụng và tiếp tục phát huy những kiến thức về thể loại thơ hiện đại đã trang bị cho HS để tổ chức quá trình tiếp cận và chiếm lĩnh tác phẩm ở các em. - Cũng cần trang bị cho HS một số kiến thức về các trào lưu, trường phái văn học như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực trong văn học phương Tây và sự ảnh hưởng của các trường phái chủ nghĩa này vào thơ ca hiện đại Việt Nam. Từ đó, thông qua bài học để hoàn thiện và nâng cao phương pháp đọc hiểu thơ hiện đại cho HS. - GV giới thiệu vắn tắt các đặc điểm chính cũng như sự khác biệt của các trường phái nói trên trong cấu trúc bài thơ, câu thơ, trong hệ thống hình ảnh và cái tôi trữ tình với các dòng mạch cổ điển, lãng mạn mà HS đã khá quen thuộc. C. CHUẨN BỊ CỦA GÍAO VIÊN VÀ HỌC SINH - Chuẩn bị của GV: đọc SGK, SGV, soạn giáo án. - Chuẩn bị của HS: học bài cũ, đọc và soạn bài mới. D. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC, HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN 1. Ổn định tổ chức lớp: ổn định trật tự, kiểm tra sĩ số. 2. Kiểm tra bài cũ: Cảm nhận của em về hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Xuân Quỳnh? 3.Bài mới: Dẫn nhập: “Có những phút làm nên lịch sử Có cái chết hoá thành bất tử Có những lời hơn mọi bài ca Có những con người như chân lí sinh ra.” (Tố Hữu) Những câu thơ trên của Tố Hữu có thể dùng để nói đến Lorca mà cái chết của ông đã trở thành một trong những sự kiện bi tráng trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại. Có thể coi bài thơ “Đàn ghita của Lorca” (Thanh Thảo) như là một khúc tưởng mộ mà Thanh Thảo dành cho Lorca, người nghệ sĩ thiên tài Tây Ban Nha. * Tiến trình tổ chức, hướng dẫn HS đọc – hiểu văn bản HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ĐẠT
- HS nêu kết quả cần đạt,->xác định trọng I.Tiểu dẫn tâm bài học. 1. Tác giả HS đọc tiểu dẫn và ghi lại những nét chính -Tên: Hồ Thành Công (1946) về tác giả và tác phẩm. -Quê: Xã Đức Tân, Mộ Đức, Em hãy trình bày những nét chính về tác Quảng Ngãi. giả? -Tác phẩm chính: “Những người HS giới thiệu. GV nhấn mạnh những điểm đi tới biển” (1977), “Dấu chân cần ghi nhớ. qua trảng cỏ” (1978), “Khối GV kết hợp gợi mở và diễn giảng về phong vuông ru-bich” (1985). cách thơ Thanh Thảo: - Nhà thơ được công chúng đặc biệt chú ý bởi những bài thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến, thể hiện nhiều trăn trở và suy tư về xã hội và thời đại. - Thơ Thanh Thảo đậm chất triết - Sau năm 1975, dành tâm huyết cho việc luận, giàu suy tư với những cách đổi mới thơ ca qua cách diễn đạt mới: hình tân nghệ thuật độc đáo, mới mẻ, thức thơ ca tự do (có khi là thơ văn xuôi), mang màu sắc tượng trưng, siêu nhịp vần bất thường, những kiểu kết hợp lạ thực. kì, thi ảnh và ngôn ngữ mới mẻ. Nêu xuất xứ và thể thơ? 2. Tác phẩm Hs dựa vào tiểu dẫn trả lời câu hỏi. a. Xuất xứ: -Bài thơ “Đàn ghita của Lor-ca” GV: Bài thơ lấy cảm hứng từ số phận và rút trong tập “Khối vuông ru- nhân cách cao đẹp của Lorca. Là một trong bich” (1985) những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, phóng túng và ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực. (viết bài thơ trong trạng thái không nghĩ ngợi gì, một trạng thái mà vô thức chiếm lĩnh tôi trọn vẹn –Văn học và tuổi trẻ, số b. Thể thơ: Tự do, mang màu sắc tháng 3/2009) tượng trưng, siêu thực Chuyển ý: Tên tập thơ là hình dung mới của Thanh Thảo về cấu trúc thơ-cấu trúc ru- bich: một mô hình mở phá bỏ những khuôn mẫu ổn định để giải phóng cảm xúc và tưởng tượng. GV cung cấp cho HS một số hiểu biết về thơ tượng trưng, siêu thực. (Thơ hiện đại dòng thơ tượng trưng, siêu thực ra đời vào những năm 20 của thế kỉ XX). - Khác biệt ở vai trò cái tôi trong thơ. +Thơ cổ điển: phủ định cái tôi.
- +Thơ lãng mạn: khẳng định cái tôi. +Thơ tượng trưng: cái tôi bị phân chia thành nhiều cái tôi, thậm chí tồn tại cả cái tôi chưa biết và tác giả luôn nỗ lực để đi tìm kiếm cái tôi đó của mình. -Nghệ thuật: sáng tạo hình ảnh theo lối lạ hoá, đề cao cái hỗn độn, phi logic hoá, tạo ra nghịch lý, bất ngờ. +Hình ảnh thơ nảy sinh từ việc đưa những thực tại vốn vẫn xa cách nhau lại gần nhau. +Đề cao nhạc tính trong thơ. +Sử dụng lối viết tự động đảo lộn cú pháp cổ điển. (GV diễn giảng, HS không cần ghi.) VD: Những tiếng đàn bọt nước->Xa lạ II. Đọc hiểu văn bản trong hiện thực nhưng mang nghĩa biểu 1.Đọc và tìm hiểu bố cục tượng. a. Đọc Gọi HS đọc GV hướng dẫn cách đọc Khổ 1: chậm, vang, phóng khoáng. Khổ 2: nhanh, cao giọng, nhấn vào những từ ngữ: “Áo choàng bê bết đỏ…”. Khổ 4: tha thiết, tiếc nuối. Khổ 5: trầm lắng, suy tư. - GV nhận xét cách đọc b. Bố cục - HS tìm hiểu chú thích để có thể cảm nhận- Phần 1: (6 dòng đầu): Lorca- sâu sắc hơn vể bài thơ. nghệ sĩ tự do nhưng đơn độc. Qua việc đọc và soạn bài, em hãy cho biết - Phần 2: (2 đoạn tiếp): Nỗi xót xa kết cấu của bài thơ? Nội dung của từng bi phẫn về cái chết oan khuất và phần? sự dang dở của khát vọng cách - HS trả lời tân. - GV nhận xét, định hướng. - Phần 3: (3 đoạn cuối): Sự bất tử của Lorca và nghệ thuật của Lorca. 2. Tìm hiểu văn bản - GV yêu cầu HS dựa vào phần chú thích để 2.1 Nhan đề và lời đề từ giải thích ý nghĩa nhan đề của bài thơ. a. Nhan đề + HS đọc và giải thích -Ghita không chỉ là nhạc cụ + GV nhấn mạnh. truyền thống của Tây Ban Nha mà còn được coi là biểu tượng cho nền nghệ thuật của đất nước này: Tây Ban Cầm -Lorca: + Một nghệ sĩ thiên tài. + Một nhân cách cao đẹp.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
SKKN: Phương pháp dạy kiến thức giải phẫu hình thái môn Sinh học 8
15 p | 652 | 141
-
SKKN : Hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng Atlat trong học tập Địa lí
11 p | 660 | 75
-
SKKN: Một số giải pháp xã hội hóa giáo dục trong việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong trường học
18 p | 594 | 44
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn