intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sự cần thiết của việc áp dụng án lệ trong lĩnh vực tư pháp quốc tế Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

48
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết của việc ban hành và áp dụng án lệ trong quá trình Tòa án giải quyết tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, kinh nghiệm từ Tòa án nước ngoài trong việc giải thích các vấn đề liên quan, qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Tòa án Việt Nam cũng như công tác giảng dạy môn học Tư pháp quốc tế trở nên hiệu quả và thiết thực hơn trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sự cần thiết của việc áp dụng án lệ trong lĩnh vực tư pháp quốc tế Việt Nam

  1. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC ÁP DỤNG ÁN LỆ TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM Ngô Minh Phương Thảo500 Hồ Phúc Nguyên501 Tóm tắt Việc chính thức được thừa nhận án lệ tại Việt Nam đã đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong nền tư pháp nước nhà, phù hợp với sự phát triển chung của các quốc gia trên thế giới. Với vai trò quan trọng và thiết thực, án lệ là nguồn tham khảo cho các Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng quy định của pháp luật hoặc có quy định nhưng không được giải thích một cách rõ ràng. Vai trò này càng đặc biệt hơn đối với lĩnh vực Tư pháp quốc tế, một ngành luật còn khá mới mẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ các vấn đề liên quan đến xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia đến xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài đều chưa được quy định một cách cụ thể, dẫn đến rất nhiều bất cập vẫn còn tồn tại trong thực tiễn. Chính vì vậy, thông qua bài tham luận này, nhóm tác giả sẽ tập trung phân tích sự cần thiết của việc ban hành và áp dụng án lệ trong quá trình Tòa án giải quyết tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, kinh nghiệm từ Tòa án nước ngoài trong việc giải thích các vấn đề liên quan, qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Tòa án Việt Nam cũng như công tác giảng dạy môn học Tư pháp quốc tế trở nên hiệu quả và thiết thực hơn trong thời gian tới. Từ khóa: Án lệ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, luật áp dụng, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. 1. Đặt vấn đề Năm 2013, Việt Nam đã chính thức tham gia vào nền khoa học Tư pháp quốc tế thế giới khi trở thành thành viên của Hội nghị LaHay, Hội nghị có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế502. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để xây dựng các quy phạm pháp luật Tư pháp quốc tế trong Bộ luật Dân sự 2015 (sau đây BLDS 2015) và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (sau đây BLTTDS 2015) theo hướng gần hơn với Tư pháp quốc tế các nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản pháp luật cũng như án lệ nào giải thích những vấn đề còn vướng mắc trong các quy định về Tư pháp quốc tế ở hai Bộ luật trên. Chẳng hạn như các nội dung về thỏa thuận lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp của các bên trong hợp đồng, thời điểm thỏa thuận pháp 500 Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Email: thaonmp@uel.edu.vn. 501 Sinh viên ngành Luật Tài chính – Ngân hàng, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Email: nguyenhp18504c@st.uel.edu.vn. 502 Xem thêm: Bộ Tư pháp, “Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị LaHay về tư pháp quốc tế”, < https://moj.gov.vn/tttp/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=21>, truy cập ngày 28/10/2021. 299
  2. luật áp dụng đối với nội dung hợp đồng, tiêu chí để xác định pháp luật của nước có mối liên hệ mật thiết với hợp đồng… Theo đó, nhóm tác giả nhận thấy rằng, việc ban hành án lệ trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế không chỉ phục vụ cho công tác giảng dạy môn học này mà quan trọng hơn, là nền tảng cơ bản để các Tòa án có thể áp dụng án lệ trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung và liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài nói riêng trong trường hợp quy định của pháp luật chưa được giải thích một cách rõ ràng. Để đạt được mục tiêu đó, Tòa án Việt Nam, thông qua các bản án, cần nâng cao khả năng giải thích pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong và ngoài nước. Đây là yêu cầu cấp thiết được đặt ra bởi lẽ quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là quan hệ hợp đồng, ngày càng phát triển và sẽ tiếp tục trở nên phổ biến trong tương lai không xa. 2. Sự cần thiết áp dụng án lệ trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam Pháp luật Việt Nam quy định Tòa án có thẩm quyền riêng biệt trong trường hợp vụ án dân sự mà các bên đã lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.503 Theo đó, trong một số lĩnh vực nhất định như hợp đồng, các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, pháp luật lại không nêu cụ thể thời điểm các bên thỏa thuận chọn cơ quan tài phán là khi nào. Thông thường thời điểm này sẽ vào lúc các bên ký kết hợp đồng nhưng cũng có thể là lúc tranh chấp đã phát sinh. Thậm chí trong trường hợp khi nguyên đơn tiến hành tố tụng tại Tòa án Việt Nam mà bị đơn lại không phản đối thẩm quyền của Tòa án thì được xem là các bên đã đồng thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước Tòa án Việt Nam. Một vấn đề cũng đáng lưu ý là liệu các bên có quyền lựa chọn Tòa án Việt Nam không khi hợp đồng giữa các bên lại không liên quan đến Việt Nam.504 Trong bối cảnh BLTTDS 2015 mới được thi hành hơn 05 năm, việc sửa đổi, bổ sung điều khoản về xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam là điều không khả thi. Do đó, ban hành các án lệ liên quan đến vấn đề trên để xác định khả năng thực thi của một điều khoản tài phán là một giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất mà nhà làm luật cần quan tâm. Về thời điểm các bên thỏa thuận điều khoản tài phán Thỏa thuận về quyền tài phán hay thỏa thuận lựa chọn tòa án thường được các bên ghi nhận thành một điều khoản trong hợp đồng tại thời điểm giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản nào đặt ra thời điểm cụ thể cho thỏa thuận này nên trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp các bên đi đến thỏa thuận sau khi tranh chấp đã phát sinh, 503 Điều 470.1.c BLTTDS 2015. 504 Trong Tư pháp quốc tế gọi trường hợp này là forum non conveniens: Tòa án có thẩm quyền có quyền từ chối thụ lý giải quyết vụ việc nếu Tòa án xét thấy rằng nếu tiếp tục thực thi thẩm quyền của mình sẽ tạo sự bất lợi cho các bên liên quan và cho chính Tòa án đó về các khía cạnh như thu thập chứng cứ, tham gia tố tụng, thi hành án… 300
  3. hoặc bổ sung điều khoản trong quá trình thực hiện hợp đồng.505 Điều này dẫn đến việc xác định thẩm quyền của các Tòa án gặp không ít khó khăn. Ở các Tòa án Anh và xứ Wales, khi giải thích một điều khoản tài phán được ký kết trước khi tranh chấp phát sinh, thời điểm các bên tham gia vào điều khoản tài phán thẩm quyền luôn được chú trọng xem xét và giải thích trước khi tiến hành tố tụng. 506 Trong vụ án được giải quyết bởi Tòa án phúc thẩm trong vụ BNP Paribas SA v Trattamento Rifiuti Metropolitani (2019), tranh chấp phát sinh khi quyền tài phán trong hợp đồng cho vay được trao cho Tòa án tại Ý, sau đó, một bên trong tranh chấp đã tham gia vào một Hợp đồng hoán đổi với tư cách Ngân hàng bảo hiểm rủi ro và ghi nhận thêm điều khoản tài phán cho các tòa án Anh. Đối với trường hợp các bên có hai điều khoản tài phán cạnh tranh, trên cơ sở xem xét án lệ của chính họ tại Đoạn 68 trong án lệ Deutsche Bank v Sevona (2018)507 và tham chiếu đến Điều 25 của Brussels I508, Tòa án phúc thẩm Anh và xứ Wales nhận định phạm vi điều khoản tài phán là tại thời điểm thỏa thuận trong hợp đồng cho vay, xảy ra trước khi có tranh chấp phát sinh. Vì vậy, việc giải thích điều khoản này sẽ mang tính dự đoán tương lai, hướng đến bản chất chung của tranh chấp hoặc các tranh chấp được đề cập đến trong điều khoản.509 Từ đó xác định một tranh chấp có nằm trong phạm vi của điều khoản tài phán đó hay không và xác định điều khoản tài phán nào sẽ được ưu tiên áp dụng. Tòa án nhận định “giai đoạn khởi đầu” là giai đoạn các bên trong hợp đồng đưa ra các thỏa thuận về quyền tài phán rằng nó sẽ áp dụng cho các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đó, chứ không phải các tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng 505 Jurisdiction/choice of court agreement - overview, Lexis, truy cập ngày 22.11.2021, . 506 BNP Paribas SA v Trattamento Rifiuti Metropolitani SPA (Rev 1) (2019) EWCA Civ 768, GateHouse, truy cập ngày 22.11.2021, . 507 Đoạn 68 trong án lệ Deutsche Bank v Sevona: “(1) Trong trường hợp thỏa thuận hợp đồng tổng thể của các bên có hai điều khoản quyền tài phán cạnh tranh, thì điểm khởi đầu là một điều khoản quyền tài phán trong một hợp đồng có lẽ không nhằm giải quyết tranh chấp một cách tự nhiên hơn được coi là phát sinh trong một hợp đồng liên quan. (2) Cần tuân thủ một cách tiếp cận rộng rãi, có mục đích và có mục đích thương mại. (3) Trong trường hợp các điều khoản về quyền tài phán là một phần của một loạt các thỏa thuận, chúng phải được giải thích dựa trên toàn bộ giao dịch, có tính đến sơ đồ tổng thể của các thỏa thuận và đọc các câu và cụm từ trong bối cảnh của sơ đồ tổng thể đó. (4) Người ta thừa nhận rằng những người kinh doanh nhạy bén không có ý định rằng các tuyên bố tương tự phải là đối tượng của các điều khoản thẩm quyền không nhất quán. (5) Do đó, giả định ban đầu sẽ là các điều khoản về quyền tài phán cạnh tranh phải được giải thích trên cơ sở mỗi điều khoản giải quyết riêng về chủ đề của mình và chúng không chồng chéo, miễn là ngôn ngữ và hoàn cảnh xung quanh cho phép. (6) Tuy nhiên, ngôn ngữ và hoàn cảnh xung quanh có thể làm rõ rằng tranh chấp nằm trong phạm vi của cả hai điều khoản. Trong trường hợp đó, kết quả có thể là một trong hai mệnh đề có thể áp dụng thay vì một mệnh đề để loại trừ mệnh đề kia”. 508 Điều 25 Brussels I: “Nếu các bên, bất kể nơi cư trú của họ, đã đồng ý rằng tòa án hoặc các tòa án của một Quốc gia Thành viên có thẩm quyền giải quyết bất kỳ tranh chấp nào đã phát sinh hoặc có thể phát sinh liên quan đến một mối quan hệ pháp lý cụ thể, thì tòa án đó hoặc các tòa án đó sẽ có thẩm quyền…” 509 Jurisdiction agreements - approach of the courts of England and Wales, LexisNexis, truy cập ngày 22.11.2021, . 301
  4. nào khác.510 Qua việc vận dụng án lệ này, Tòa án phúc thẩm cũng khẳng định rằng không có sự xung đột giữa hai thỏa thuận tài phán trong trường hợp này khi mỗi thỏa thuận tài phán sẽ điều chỉnh các tranh chấp nhất định phát sinh theo hợp đồng mà nó được ký kết. Có thể thấy, việc tiếp cận và đưa ra phán quyết cho của Tòa án Anh và xứ Wales đã dựa trên một tình huống tương tự được dẫn chiếu từ các án lệ trước đó, cụ thể là cách tiếp cận được trích dẫn từ Đoạn 68 án lệ Deutsche Bank v Sevona để giải thích một điều khoản tài phán liên quan đến thời điểm các bên thỏa thuận về quyền tài phán mà hầu như không gặp bất kỳ khó khăn nào. Trong quyết định của Tòa án Thương mại cho vụ án này cũng đã nhận định: “Cuối cùng, tất cả các yếu tố này (được xác định trong án lệ dẫn chiếu) chỉ là những biển chỉ dẫn đôi khi có thể hỗ trợ việc xác định ý định của các bên, trong khi bản thân các thuật ngữ “độc quyền” và “không độc quyền” chỉ là những dấu hiệu tiện lợi.”511 Sự đồng thuận của các bên trong thỏa thuận quyền tài phán Một thỏa thuận quyền tòa án được các bên đưa ra cho thấy sự đồng ý của họ rằng bất kỳ tranh chấp nào phát sinh liên quan đến hợp đồng đó sẽ được giải quyết bởi một tòa án cụ thể. Các thỏa thuận này được cho là sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, đối với các thỏa thuận quyền tài phán được ký kết ở giai đoạn đầu, các bên thường khó có thể lường trước các trường hợp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vì vậy, xảy ra nhiều trường hợp các bên không còn giữ được sự thống nhất về thẩm quyền tòa án. Trong vụ tranh chấp Bremen v. Zapata Offshore Co. 407 U.S.1. (1972), cách tiếp cận của Tòa án là “thực thi điều khoản lựa chọn Tòa án đã được ghi nhận trong hợp đồng trừ khi một bên trong tranh chấp chứng minh được rằng việc thực thi sẽ là vô lý và không công bằng hoặc điều khoản đó không hợp lệ vì những lý do như gian lận hoặc vi phạm quá mức.”512 Án lệ này thường được các tòa án tiểu bang tại Hoa Kỳ đã dẫn chiếu quyết định, trong đó một số tòa án áp dụng một cách linh hoạt khi bổ sung thêm Bản khôi phục và cho phép các tòa án có quyền quyết định nhất định để từ chối sự lựa chọn tòa án từ một bên. Qua đó, bên phản đối về thỏa thuận lựa chọn diễn đàn phải chứng minh về những bất lợi cho việc thực hiện các thỏa thuận thẩm quyền này trên thực tế, mà những bất lợi này không thể lường trước được vào thời điểm các bên đi đến ký kết hợp đồng với điều khoản đã thống nhất.513 Thẩm quyền từ chối thẩm quyền của Tòa án với thỏa thuận quyền tài phán Một điều khoản lựa chọn tòa án có thể bị coi là không hợp lệ và không thể thi hành 510 Jonathan Pagan. 2019. The Court of Appeal of England and Wales on apparently competing jurisdiction clauses. Again, truy cập ngày 22.11.2021, . 511 Jonathan Pagan. 2019. The Court of Appeal of England and Wales on apparently competing jurisdiction clauses. Again, tlđd. 512 “that [forum selection] clauses are prima facie valid and should be enforced unless enforcement is shown by the resisting party to be 'unreasonable' under the circumstances." 513 "enforce the forum clause specifically unless [the resisting party can] clearly show that enforcement would be unreasonable and unjust, or that the clause was invalid for such reasons as fraud or overreaching." 302
  5. khi Tòa án nhận thấy việc thực thi điều khoản này là không hợp lý hoặc không công bằng; hoặc chống lại chính sách công; hoặc nó là kết quả của việc gian lận hay lừa gạt quá mức.514 Tại Hoa Kỳ, một điều khoản lựa chọn tòa án có thể bị hủy bỏ trong trường hợp áp dụng nó không hợp lý như vụ Brower v. Gateway, 1998, N.Y, App, Div. Lexus về hợp đồng biểu mẫu mua máy tính thông qua thư hoặc điện thoại. Hoặc trường hợp điều khoản này chống lại chính sách công như trong án lệ High Life Sales v Brown - Forman Corp., 832 S.W, 2d 493 (Mo.1992), khi Tòa án nhận thấy rằng việc thi hành nó sẽ chống lại quy chế bảo vệ nhượng quyền thương mại rượu của nhà phân phối Missouri. Trong quyết định ngày 17/12/1985 của Tòa án tối cao Pháp đã ghi nhận một điều khoản thỏa thuận quyền tài phán trong vụ tranh chấp giữa một công ty Hoa Kỳ với một công ty Pháp về việc độc quyền phân phối sản phẩm trên lãnh thổ Pháp. Theo đó, các bên thỏa thuận Tòa án San Francisco (Hoa Kỳ) để giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng. Tòa án tối cao Pháp sau đó đã bác bỏ quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm Pháp về việc loại trừ thỏa thuận chọn Tòa án Hoa Kỳ với lý do áp dụng theo các quy định về các hành vi cạnh tranh của luật Pháp. Vụ việc trên đã được ghi nhận thành án lệ với nhận định “thỏa thuận về lựa chọn tòa án trong hợp đồng có phạm vi điều chỉnh cho mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đó, do đó, cần được áp dụng cho dù các quy định bắt buộc phải áp dụng đối với nội dung tranh chấp”. Về việc lựa chọn Tòa án không liên quan đến hợp đồng của các bên Điều 469 BLTTDS 2015 quy định những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử chung của Tòa án Việt Nam thì tranh chấp đó có thể được giải quyết bởi Tòa án Việt Nam. Ngoài ra, tại Điều 470.1.a BLTTDS 2015 còn đưa ra một cơ sở thừa nhận gián tiếp thẩm quyền của Tòa án Việt Nam là có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài, tuy không được thực hiện ở Việt Nam nhưng nếu một trong các bên đáp ứng điều kiện gián tiếp (như: có trụ sở tại Việt Nam, ..)thì vẫn có điều kiện để xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. Do đó, nếu hợp đồng giữa các bên không có quan hệ với Việt Nam không loại trừ thẩm quyền của Tòa án Việt Nam, nếu có tồn tại thêm các dấu hiệu khác thừa nhận thẩm quyền này. Việc thừa nhận thẩm quyền của Tòa án với tranh chấp hợp đồng không được thực hiện trên lãnh thổ của nước có Tòa án đó đã được pháp luật một số quốc gia đúc kết thành án lệ, tạo ra khuôn khổ chung và được công bố rộng rãi. Tòa án Pháp trong vụ CA de Paris, 28 février 2001, Société Agricultural Bank of China/LE Crédit Lyonnais: Jurisdata n 143195 đã thụ lý giải quyết tranh chấp trong đó một bên tham gia trong hợp đồng là Ngân hàng Pháp dựa trên Điều 14 BLDS Pháp 515 mà 514 Forum Selection Clause Lawyers, Legal Match, truy cập ngày 22.11.2021, . 515 Theo Điều 14 BLDS Pháp, Tòa án Pháp có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp mà trong đó có một bên là người Pháp. 303
  6. không quan trọng đến việc xem xét bản chất tranh chấp hay pháp luật điều chỉnh. Theo án lệ Pháp, khi hợp đồng được thực hiện tại Pháp, Tòa án Pháp sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng này.516 Tuy nhiên, trong trường hợp này, hợp đồng không được thực hiện ở Pháp mà chỉ có một bên là chi nhánh Ngân hàng Pháp ký kết với một khách hàng Hongkong vay tiền tại Hongkong. Do đó, căn cứ các yếu tố gián tiếp, Tòa án đã thừa nhận thẩm quyền của mình. Từ án lệ trên, có thể nhìn nhận, ngoài các yếu tố trực tiếp xác định thẩm quyền của Tòa án đối với một vụ việc có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền của một Tòa án vẫn có thể được xác định thông qua các tiêu chí gián tiếp khác được dựa trên các tình tiết và lập luận trong án lệ. Dựa trên quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam trong việc xác định thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài, đây là bài học kinh nghiệm trong việc ban hành án lệ để các Thẩm phán dễ dàng áp dụng trong những vụ việc tương tự. Án lệ là nguyên tắc bắt buộc, có giá trị như nguồn luật trong việc xem xét giải quyết các vụ việc dân sự đối với các quốc gia theo hệ thống dân luật và thông luật Anh - Mỹ. Điều này đòi hỏi các Thẩm phán khi xem xét một vụ việc phải căn cứ vào các bản án, quyết định cho các vụ việc xảy ra tương tự để ra quyết định đối với vụ việc này. Điều khoản thỏa thuận tòa án giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài là một vấn đề phức tạp trong Tư pháp quốc tế. Từ thực tiễn xác định thẩm quyền tòa án của một số quốc gia, có thể thấy, có nhiều vấn đề cần xem xét khi xác định cơ quan tài phán giải quyết các tranh chấp. Các quốc gia trên thế giới đã phát triển án lệ trong các lĩnh vực này để tạo tiền đề cho các tòa án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp và ít gặp khó khăn hơn. Khảo cứu kinh nghiệm này, nhóm tác giả đề cập đến tầm quan trọng của việc áp dụng án lệ trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. Nếu không có án lệ, các thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp sẽ được tiến hành không chắc chắn và làm chậm tiến độ giải quyết các tranh chấp này chỉ để xác định liệu Tòa án có thẩm quyền hay không. Vì vậy, để thống nhất cách hiểu và nhận thức về thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng có yếu tố nước ngoài, nhóm tác giả đặt ra vấn đề Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành án lệ trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trên cơ sở tham khảo các án lệ của các quốc gia trên thế giới. 3. Sự cần thiết áp dụng án lệ trong việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài Có thể nói, khung pháp lý điều chỉnh pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài hiện nay rất tiến bộ. Các nhà làm luật đã có sự tham khảo Quy tắc Rome I về luật áp dụng đối với nghĩa vụ của hợp đồng để dần hoàn thiện các quy phạm xung đột xác định luật áp dụng đối với hợp đồng tại Điều 683 BLDS 2015. Thế nhưng, lại một lần nữa, nội dung tại Điều 683 còn rất nhiều vấn đề cần phải được làm rõ và được 516 Phan Hoài Nam. 2012. Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, Tạp chí Khoa học pháp lý, truy cập ngày 22.11.2021, . 304
  7. giải thích thông qua Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hoặc thông qua án lệ trong trường hợp Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết vụ việc liên quan. Thứ nhất, về thời điểm thỏa thuận chọn luật áp dụng. Giả sử rằng, hợp đồng được ký kết giữa các bên không có điều khoản về thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng, sau đó phát sinh tranh chấp, nguyên đơn yêu cầu cơ quan tài phán áp dụng pháp luật nước X để giải quyết và bị đơn biết nhưng không phản đối thì có được xem là các bên đã thống nhất thỏa thuận luật áp dụng hay không? Ở tình huống khác, vào thời điểm ký kết hợp đồng, các bên thỏa thuận pháp luật nước X điều chỉnh nội dung hợp đồng, tuy nhiên, khi tranh chấp phát sinh, một bên khởi kiện ra tòa án, lúc này các bên lại thay đổi lựa chọn pháp luật nước Y. Như vậy, thỏa thuận này có hiệu lực hay không? Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quy tắc Rome I517 và Khoản 3 Điều 2 Bộ nguyên tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế được ban hành bởi Hội nghị La Hay518 thì các bên có quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng khác với luật đã lựa chọn trước đó vào bất kỳ thời điểm nào mà các bên cho là phù hợp. Như vậy, về mặt lý luận, các nhà làm luật luôn đề cao quyền tự định đoạt của các bên đồng thời khuyến khích các quốc gia thừa nhận nguyên tắc này, vốn đã trở thành luật của các bên, trong các văn bản pháp luật quốc gia. Thú vị là, thực tiễn giải quyết các tranh chấp đã cho thấy rằng, các Thẩm phán có xu hướng tôn trọng nguyên tắc trên, điều này đã được chứng minh thông qua các án lệ đã được ban hành519. Thứ hai, về hình thức thỏa thuận chọn luật. Nếu các bên không trực tiếp thể hiện thỏa thuận chọn luật bằng một điều khoản rõ ràng trong hợp đồng (hợp đồng điện tử hoặc hợp đồng thông thường) nhưng các bên đã ngầm chấp nhận pháp luật của quốc gia nào đó, hoặc tập quán quốc tế hoặc Công ước Viên 1980….Sự ngầm hiểu này có thể được hiểu thông qua các yếu tố liên kết với hợp đồng thì lúc này Tòa án có giải thích pháp luật theo hướng tôn trọng sự thỏa thuận (ngầm) của các bên không hay sẽ áp dụng các quy phạm xung đột trong pháp luật quốc gia để giải quyết? Hướng giải quyết sẽ được nêu rõ trong các án lệ được ban hành bởi Tòa án có thẩm quyền. Điển hình tại án lệ Amin Rasheed Shipping Corp. v Kuwait Insurance Co., thẩm phán đã tiếp cận dưới góc độ giải thích ý chí của các bên thay vì áp dụng luật xung đột để xác định pháp luật điều chỉnh nội dung hợp đồng. Nội dung tranh chấp có thể tóm tắt như sau520: Nguyên đơn (Bên được bảo hiểm) là một công ty vận tải biển được thành lập tại Liberia, nhưng có trụ sở chính và thực hiện hoạt động kinh doanh tại Dubai. Công ty này sở hữu một tàu chở hàng là Al Wahab, vào thời điểm phát sinh tranh chấp, chỉ hoạt động 517 Nguyên văn Khoản 2 Điều 3 Quy tắc Rome I như sau: “The parties may at any time agree to subject the contract to a law other than that which previously governed it, whether as a result of an earlier choice made under this Arti- cle or of other provisions of this Regulation. Any change in the law to be applied that is made after the conclusion of the contract shall not prejudice its formal validity under Article 11 or adversely affect the rights of third parties”. 518 Xem toàn văn tại: https://assets.hcch.net/docs/5da3ed47-f54d-4c43-aaef-5eafc7c1f2a1.pdf, truy cập ngày 03/11/2021. 519 Dolly Wu (2011), "Timing the Choice of Law by Contract", Northwestern Journal of Technology and Intellectual Property, Vol. 9 (7). 520 Xem thêm tại: http://www.nadr.co.uk/articles/published/ConflictsOfLaw/Conflicts5.pdf, truy cập ngày 19/11/2021. 305
  8. trong vùng biển thuộc vịnh Ả Rập. Bị đơn (Bên bảo hiểm) là một công ty bảo hiểm có trụ sở chính tại Kuwait. Ngoài ra, Bị đơn còn có các chi nhánh ở những nơi khác trong vùng Vịnh, bao gồm Dubai, nhưng không có văn phòng hoặc đại diện tại Anh. Nguyên đơn và Bị đơn đã ký kết hợp đồng bảo hiểm thân tàu và máy móc cho Al Wahab, hợp đồng được ký kết và thực hiện tại Kuwait. Mặt khác, hợp đồng được soạn theo mẫu hợp đồng bảo hiểm của Bị đơn dựa trên Đạo luật Bảo hiểm Hàng hải 1906 của Anh, ngôn ngữ hợp đồng bằng tiếng Anh. Sau đó, giữa các bên phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng, Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn tại Tòa án Anh. Thẩm phán xét thấy rằng, không tồn tại một điều khoản chọn luật áp dụng một cách rõ ràng giữa các bên. Hơn nữa, cả pháp luật Kuwait và pháp luật Anh đều có mối liên hệ với hợp đồng. Cụ thể, trụ sở chính của Bị đơn đặt tại Kuwait, hợp đồng được ký kết tại Kuwait đồng thời Nguyên đơn thực hiện chi trả phí bảo hiểm của mình cũng tại Kuwait. Ngược lại, ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng bằng tiếng Anh, phí bảo hiểm được thanh toán bằng đồng Sterling, hình thức của hợp đồng theo pháp luật Anh. Như vậy, nếu chỉ dựa vào các yếu tố trên thì rất khó để quyết định pháp luật quốc gia nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp vì dường như chúng đều mang tính cân bằng. Tuy nhiên, Thẩm phán Diplock đã tìm thấy tiêu chí quan trọng để đưa ra phán quyết, đó là, khi ký kết hợp đồng, các bên đều dựa trên luật bảo hiểm hàng hải của Anh để xác định quyền và nghĩa vụ của mình. Theo đó, dự định của các bên, mặc dù không được thể hiện rõ ràng, là áp dụng pháp luật Anh, đặc biệt hơn cả là, vào thời điểm các bên ký kết hợp đồng, Ku- wait chưa ban hành đạo luật bảo hiểm hàng hải. Chính vì vậy, pháp luật Anh mới là sự lựa chọn đúng đắn trong trường hợp này. Thứ ba, về pháp luật được lựa chọn không liên quan đến hợp đồng. Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên liệu có trường hợp ngoại lệ hay không? Hay nói cách khác, các bên hoàn toàn có quyền lựa chọn bất kỳ pháp luật nào mà các bên mong muốn, miễn là không ảnh hưởng đến trật tự công của các quốc gia cũng như không nhằm mục đích lẩn tránh pháp luật, bao gồm cả trường hợp pháp luật được lựa chọn đó không có mối liên hệ nào tới hợp đồng của các bên. Các nhà làm luật Việt Nam dường như chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể về vấn đề này. Trong khi đó, ở các quốc gia, cả về mặt lý luận (ví dụ, Khoản 3 Điều 3 Quy tắc Rome I) lẫn thực tiễn (từ các án lệ được ban hành trước đó bởi Tòa án) đều có xu hướng ủng hộ quyền thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bất kể pháp luật các bên lựa chọn không có mối liên hệ nào với hợp đồng, trừ một số trường hợp bắt buộc phải giới hạn quyền tự do thỏa thuận đó. Điều này đã đã chứng minh qua án lệ Vita Food Products Inc. v. Unus Shipping Co. các tình tiết chính của vụ kiện như sau521: Bị đơn là chủ sở hữu của một hãng tàu đăng ký tại Nova Scotia còn Nguyên đơn là công ty kinh doanh thực phẩm có trụ sở tại New York. Nguyên đơn và Bị đơn đã ký kết một hợp đồng, theo đó Bị đơn có nghĩa vụ vận chuyển hàng từ Newfoundland (Canada) đến New York. Trong vận đơn thể hiện rõ pháp luật Anh sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ giữa các bên. Sau đó, tranh chấp phát sinh vì Bị đơn đã gây ra thiệt hại cho Nguyên đơn. Thẩm phán Wright của Hội đồng 521 Xem thêm tại: https://www.casemine.com/judgement/uk/5b2897b62c94e06b9e1990f9, truy cập ngày 19/11/2021. 306
  9. Cơ mật Hoàng gia Anh lập luận rằng, mặc dù pháp luật do các bên lựa chọn không có yếu tố nào liên quan đến hợp đồng, tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của sự thỏa thuận trừ khi có bằng chứng cho thấy các bên cố tình lẩn tránh pháp luật. Nhóm tác giả cũng nhấn mạnh là, thực tiễn hiện tại ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện để giải thích theo hướng như trên bởi lẽ sẽ gây khó khăn rất lớn cho Tòa án Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề như đánh giá khả năng lẩn tránh pháp luật của đương sự, đảm bảo được quyền và lợi ích của chủ thể trong nước và trình độ còn hạn chế của đội ngũ tư pháp522. Chính vì vậy, việc chấp nhận hệ thống pháp luật có mối liên hệ với hợp đồng vẫn là sự lựa chọn tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển đến một giai đoạn nhất định thì chúng ta buộc phải thay đổi quan điểm để phù hợp với luật chung của các quốc gia trên thế giới. Thứ tư, về mối liên hệ mật thiết với hợp đồng. Đây là nội dung cần phải có một văn bản hướng dẫn thi hành thông qua việc đúc kết từ các lập luận có trong mỗi án lệ để hình thành nên các tiêu chí thống nhất nhằm xác định pháp luật của nước nào có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng. Bởi lẽ, ngoài một số hợp đồng thông dụng như hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng liên quan đến quyền đối với bất động sản…thì còn rất nhiều các loại hợp đồng khác, kể cả hợp đồng có tính chất hỗn hợp. Có thể thấy, Điều 683 BLDS 2015 không thể bao phủ hết toàn bộ các loại hợp đồng phát sinh trong thực tiễn, chính vì vậy, có một nguyên tắc chung được thiết lập để giải quyết lỗ hổng này chính là Tòa án sẽ áp dụng nguyên tắc mối liên hệ mật thiết. Nguyên tắc này cũng được thừa nhận tại Khoản 4 Điều 4 Quy tắc Rome I. Thú vị là, cách thức áp dụng nguyên tắc này như thế nào lại phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể và theo quan điểm của từng Thẩm phán. Trong án lệ Monterosso Shipping Co. ltd. v. International Transport Workers' Fed- eration, Thẩm phán đã dựa trên yếu tố cơ bản của hợp đồng để xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng đó. Tóm tắt vụ kiện như sau523: Nguyên đơn là công ty được thành lập ở Malta đồng thời là chủ sở hữu của một con tàu đăng ký tại Malta. Nguyên đơn đã thuê các thuyền trưởng người Na Uy và thủy thủ đoàn người Tây Ban Nha thông qua các đại lý tại Tây Ban Nha để làm việc trên con tàu thuộc sở hữu của Nguyên đơn. Thủy thủ đoàn là các thành viên của Hiệp hội những người đi biển Tây Ban Nha và thuộc Liên đoàn vận tải quốc tế (International Transport Workers’ Federation – Bị đơn), trụ sở chính đặt tại London, Anh. Tranh chấp phát sinh giữa Nguyên đơn và Bị đơn liên quan đến quốc tịch của thủy thủ đoàn được tuyển dụng trong cuộc hành trình đi qua các cảng ở Thụy Điển. Nguyên đơn cung cấp bằng chứng là, ngày 03/11/1980, Bị đơn đã thông báo với Nguyên đơn rằng, nếu thủy thủ đoàn không mang quốc tịch Thụy Điển thì con tàu sẽ nằm trong “danh 522 Phan Hoài Nam (2017), “Yêu cầu về "mối quan hệ gắn bó" trong thỏa thuận chọn luật theo pháp luật một số nước và những nội dung có thể tham khảo”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 12(3401). 523 Xem thêm tại: https://judgements.lawnigeria.com/2018/05/07/3plr-monterosso-shipping-co-ltd-v-international- transport-workers-federation/, truy cập ngày 19/11/2021. 307
  10. sách đen”. Ngày tiếp theo, một hợp đồng được ký kết tại Tây Ban Nha giữa đại diện của Nguyên đơn và đại diện của Bị đơn để đạt được sự thỏa thuận về vấn đề trên. Ngôn ngữ của hợp đồng là tiếng Anh mà hình thức của hợp đồng theo mẫu mà Bị đơn cung cấp. Hợp đồng thể hiện rằng, Bị đơn sẽ phát hành “chứng chỉ xanh” để thủy thủ đoàn Tây Ban Nha có thể hoạt động xuyên quốc gia. Đặc biệt, hợp đồng không bao gồm điều khoản Nguyên đơn bắt buộc phải tuyển dụng thủy thủ đoàn người Thụy Điển khi tàu của Nguyên đơn có các chuyến hành trình qua đây. Tuy nhiên, cuối cùng Bị đơn đã không giữ đúng cam kết của mình. Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn tại Tòa án Anh. Câu hỏi quan trọng được đặt ra ở đây là, thực tế các bên đã không thỏa thuận luật áp dụng đối với hợp đồng, vậy thì pháp luật của Anh hay Tây Ban Nha sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp trên? Đâu là hệ thống pháp luật có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng trong vụ việc này? Các Thẩm phán sau khi cân nhắc những yếu tố liên quan tới hợp đồng và đi đến kết luận là, hợp đồng được viết bằng tiếng Anh, theo mẫu Anh và Bị đơn có trụ sở chính tại Anh, thế nhưng, những yếu tố này không có “sức nặng” bởi vì tiếng Anh và mẫu hợp đồng vận chuyển hàng hải được sử dụng trên toàn thế giới. Ngược lại, Tây Ban Nha là quốc gia nơi ký kết hợp đồng và cũng là nơi Bị đơn tiến hành việc tuyển dụng thủy thủ đoàn. Vì vậy, pháp luật có mối liên quan chặt chẽ với hợp đồng phải là pháp luật Tây Ban Nha chứ không phải là pháp luật Anh. Như vậy, một số tiêu chí có thể được viện dẫn để xác định pháp luật có mối liên hệ mật thiết với hợp đồng có thể là nơi cư trú của chủ thể thực hiện nghĩa vụ đặc trưng, nơi có ảnh hưởng quyết định đến việc thực hiện hợp đồng,… Tóm lại, những phân tích trên cho thấy vai trò không thể thiếu của án lệ trong việc giải thích pháp luật, phù hợp với tính chất và điều kiện của mỗi vụ kiện xảy ra trong thực tiễn, nhất là định hướng được nguyên tắc mối liên hệ mật thiết với hợp đồng, một nguyên tắc bao trùm ngành luật Tư pháp quốc tế. Tập hợp nội dung từ những bản án tương tự được giải quyết bởi Tòa án Việt Nam sẽ là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các quy định của Tư pháp quốc tế ngày càng trở nên rõ ràng và thiết thực hơn. 4. Kết luận Từ những phân tích trên, việc ban hành và áp dụng án lệ trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế, đặc biệt trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam và xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở nghiên cứu án lệ của một số quốc gia trên thế giới, nhóm tác giả đề xuất Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành các án lệ trong quá trình Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trên cơ sở tham khảo các án lệ của các quốc gia trên thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu từ văn bản Luật: 1. Điều 470.1.c BLTTDS 2015. 308
  11. 2. Điều 14 BLDS Pháp, Tòa án Pháp có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp mà trong đó có một bên là người Pháp. 3. Đoạn 68 trong án lệ Deutsche Bank v Sevona. 4. Điều 25 Brussels I: “Nếu các bên, bất kể nơi cư trú của họ, đã đồng ý rằng tòa án hoặc các tòa án của một Quốc gia Thành viên có thẩm quyền giải quyết bất kỳ tranh chấp nào đã phát sinh hoặc có thể phát sinh liên quan đến một mối quan hệ pháp lý cụ thể, thì tòa án đó hoặc các tòa án đó sẽ có thẩm quyền…” Án lệ 1. BNP Paribas SA v Trattamento Rifiuti Metropolitani (2019) 2. Deutsche Bank v Sevona (2018) 2. Bremen v. Zapata Offshore Co. 407 U.S.1. (1972) 3. High Life Sales v Brown - Forman Corp., 832 S.W, 2d 493 (Mo.1992) 4. CA de Paris, 28 février 2001, Société Agricultural Bank of China/LE Crédit Lyonnais: Jurisdata n 143195 5. Amin Rasheed Shipping Corp. v Kuwait Insurance Co 6. Vita Food Products Inc. v. Unus Shipping Co. 7. Monterosso Shipping Co. ltd. v. International Transport Workers' Federation Tài liệu từ tạp chí, bài báo: 1. BNP Paribas SA v Trattamento Rifiuti Metropolitani SPA (Rev 1) (2019) EWCA Civ 768, GateHouse, truy cập ngày 22.11.2021, . 2. Dolly Wu (2011), "Timing the Choice of Law by Contract", Northwestern Journal of Technology and Intellectual Property, Vol. 9 (7). 3. Jurisdiction/choice of court agreement - overview, Lexis, truy cập ngày 22.11.2021, . 4. Jurisdiction agreements - approach of the courts of England and Wales, LexisNexis, truy cập ngày 22.11.2021, . 5. Jonathan Pagan. 2019. The Court of Appeal of England and Wales on apparently com- peting jurisdiction clauses. Again, truy cập ngày 22.11.2021, . 6. Forum Selection Clause Lawyers, Legal Match, truy cập ngày 22.11.2021, . 309
  12. 7. Phan Hoài Nam. 2012. Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, Tạp chí Khoa học pháp lý, truy cập ngày 22.11.2021, . 8. Phan Hoài Nam (2017), “Yêu cầu về "mối quan hệ gắn bó" trong thỏa thuận chọn luật theo pháp luật một số nước và những nội dung có thể tham khảo”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 12(3401). Các tài liệu khác: 1. Nguyên văn Khoản 2 Điều 3 Quy tắc Rome I như sau:“The parties may at any time agree to subject the contract to a law other than that which previously governed it, wheth- er as a result of an earlier choice made under this Article or of other provisions of this Regulation. Any change in the law to be applied that is made after the conclusion of the contract shall not prejudice its formal validity under Article 11 or adversely affect the rights of third parties”. 2. Xem thêm tại: https://www.casemine.com/judgement/uk/5b2897b62c94e06b9e1990f9, truy cập ngày 19/11/2021. 3. Xem thêm: Bộ Tư pháp, “Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị LaHay về tư pháp quốc tế”, , truy cập ngày 28/10/2021. 4. Xem toàn văn tại: https://assets.hcch.net/docs/5da3ed47-f54d-4c43-aaef- 5eafc7c1f2a1.pdf, truy cập ngày 03/11/2021. 5. Xem thêm tại: http://www.nadr.co.uk/articles/published/ConflictsOfLaw/Conflicts5.pdf, truy cập ngày 19/11/2021. 6. Xem thêm tại: https://judgements.lawnigeria.com/2018/05/07/3plr-monterosso- shipping-co-ltd-v-international-transport-workers-federation/, truy cập ngày 19/11/2021. 310
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2