intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quy định áp dụng án lệ nhìn từ góc độ so sánh giữa Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP – một số bình luận và kiến nghị hoàn thiện

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

21
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết có nêu lên các kiến nghị cụ thể để hoàn thiện quy định pháp luật. Bên cạnh đó, để có cái nhìn tổng quan nhất về án lệ, việc tìm hiểu cách hiểu và áp dụng án lệ của hệ thống Thông luật và Dân luật, từ đó chỉ ra điểm khác biệt của việc áp dụng án lệ tại Việt Nam là điều vô cùng cần thiết.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quy định áp dụng án lệ nhìn từ góc độ so sánh giữa Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP – một số bình luận và kiến nghị hoàn thiện

  1. QUY ĐỊNH ÁP DỤNG ÁN LỆ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ SO SÁNH GIỮA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 04/2019/NQ-HĐTP – MỘT SỐ BÌNH LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN ThS. Lê Hoài Nam* TÓM TẮT Việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự trên thực tế sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Sau khi tìm hiểu cụ thể, tác giả thấy rằng các quy định liên quan đến việc áp dụng án lệ trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng, việc áp dụng án lệ là bắt buộc ở giai đoạn nào vẫn chưa có sự thống nhất giữa hai văn bản quy phạm pháp luật nói trên. Vì thế, bài viết có nêu lên các kiến nghị cụ thể để hoàn thiện quy định pháp luật. Bên cạnh đó, để có cái nhìn tổng quan nhất về án lệ, việc tìm hiểu cách hiểu và áp dụng án lệ của hệ thống Thông luật và Dân luật, từ đó chỉ ra điểm khác biệt của việc áp dụng án lệ tại Việt Nam là điều vô cùng cần thiết. Từ khoá: Án lệ, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nghị quyết số 04, chưa có điều luật áp dụng. ABSTRACT The application of case law in the settlement of civil cases in practice was governed by the Civil Procedure Law 2015 and Resolution 04/2019/NQ-HDTP. After researching specifically, the author found that the regulations related to the application of case law in the absence of applicable law and the application of case law at which stage, there was still no unity between the two legal documents. Therefore, the article made specific recommendations to improve the legal regulations. Moreover, in order to have the most overview of case law, it is important to study how to understand and apply the case law of the Common Law and Civil Law systems, thereby pointing out the difference in the application of case law in Vietnam. Key words: Case law, Civil Procedure Law 2015, Resolution 04, absence of applicable law 1. Đặt vấn đề Án lệ là một thuật ngữ pháp lý không còn quá mới mẻ tại Việt Nam bởi lẽ từ năm 2005, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt trong việc nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ khi đề cập tại Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Sau đó, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật ban hành cũng đề cập về việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc tranh chấp trên thực tế, có thể kể đến Luật Tổ chức toà án nhân dân năm 2014 (điểm c, khoản 2, Điều 22); Nghị quyết số * Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 179
  2. 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân tối cao quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; Bộ luật Dân sự năm 2015 (khoản 2, Điều 6); Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (khoản 2, Điều 4; khoản 3, Điều 45). Gần đây nhất, Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 (“Nghị quyết 04”) để thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP với các quy định hoàn thiện hơn trong việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Tuy nhiên, án lệ tại Việt Nam vẫn là một trong những chủ đề dành được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu, những người làm công tác thực tiễn xét xử và người dân. Dưới góc độ nghiên cứu các quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm có liên quan đến việc áp dụng án lệ, tác giả thấy rằng vẫn còn tồn tại sự không thống nhất, các cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng án lệ tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết 04. Chính vì thế, bài viết sẽ tập trung phân tích những điểm còn chưa rõ ràng và từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định về việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự. 2. Khái quát chung về việc áp dụng án lệ trên thế giới và tại Việt Nam 2.1. Cách hiểu và vận dụng án lệ tại các nước theo truyền thống Thông luật và Dân luật Trên thế giới tồn tại hai hệ thống pháp luật lớn và đặc trưng là hệ thống pháp luật của các nước theo truyền thống thông luật (common law) và dân luật (civil Law). Xét về khía cạnh lịch sử, việc hình thành án lệ tại hai hệ thống pháp luật trên bắt nguồn từ quan niệm “các vụ việc như nhau thì nên được xét xử như nhau” (like cases should be treated alike) của nhà triết học Aristote322. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển án lệ, việc vận dụng án lệ tại hai hệ thống pháp luật thông luật và dân luật lại có sự khác nhau cơ bản. 2.1.1. Cách hiểu và vận dụng án lệ tại các nước theo truyền thống Thông Luật Hệ thống thông luật (điển hình là nước Anh, Mỹ) có nền tảng là hệ thống pháp luật của Anh. Năm 1066, khi những người Normans xâm chiếm nước Anh và tạo nên một triều đình mới thì Hoàng đế William đã áp dụng các tập quán chung trong việc áp dụng pháp luật. Đến năm 1154, kế thừa tinh thần áp dụng pháp luật chung, Vua Henry II đã thành lập Toà án Hoàng Gia và các thẩm phán của Toà án Hoàng Gia bắt đầu sưu tầm, chọn lọc cách thức giải quyết các tranh chấp và thảo luận tạo ra các án lệ đầu tiên323. Chính từ việc yêu cầu các Thẩm phán trong Toà án Hoàng Gia phải thống nhất cách thức xét xử đối với các vụ việc tương tự nhau đã tạo nên học thuyết “Stare Decisis”324. Học 322 Ý niệm ban đầu về việc áp dụng “like cases should be treated alike” trong việc tạo ra sự bình đẳng trong cách ứng xử giữa người với người: “khi hai người có địa vị ngang nhau về ít nhất một khía cạnh liên quan nào đó thì họ phải được đối xử bình đẳng với khía cạnh đó”. Từ đó, ý niệm này dần được mở rộng trong việc xét xử các vụ việc mang tính chất như nhau và phát triển thành án lệ. Xem thêm tại: Equality, https://plato.stanford.edu/entries/equality/, truy cập ngày 10/11/2021 323 Phan Nhật Thanh (2017), Sách chuyên khảo Tập quán pháp, tiền lệ pháp và việc đa dạng hoá hình thức pháp luật ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM, tr.118 324 Nguyễn Minh Tuấn, Lê Minh Thuý, “Án lê, áp dụng án lệ trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam”, Nghiên cứu lập pháp, tham khảo tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210764, truy cập ngày 10/11/2021 180
  3. thuyết này đề cập rằng các thẩm phán sẽ chịu sự ràng buộc đối với các phán quyết đã có trước đó. Sự ràng buộc này được hiểu là việc xét xử các vụ việc tương tự nhau không được đưa ra các phán quyết khác giữa các toà án, đảm bảo việc xét xử lần sau phải giống lần trước nếu các tình tiết là tương tự nhau. Điều này tạo ra sự bình đẳng theo ý niệm ban đầu của Aristote trong cách ứng xử giữa người với người. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, án lệ được tạo ra tại hệ thống thông luật có mối quan hệ mật thiết với thẩm phán xét xử vụ việc đó. Tức là, thẩm phán sẽ có vai trò to lớn trong việc tạo ra pháp luật thông qua việc xét xử. Án lệ là một trong những nguồn cơ bản, quan trọng và đặc trưng của hệ thống thông luật. Do đặc điểm được tạo ra bởi con đường tư pháp mà không phải bởi quá trình lập pháp nên án lệ được xem như là luật bất thành văn (unwritten laws) hay trong tiếng Latin là Lex non scripta325. Tóm lại, khái niệm án lệ được hiểu theo hệ thống thông luật là các bản án, quyết định của toà án đã được xét xử và tạo ra một căn cứ pháp lý để áp dụng trong các vụ việc tương tự sau này. Việc vận dụng án lệ sẽ theo hướng các thẩm phán phải tuân thủ cách giải thích luật do thẩm phán của toà án cấp cao hơn đưa ra đối với các vụ án tình tiết tương tự hoặc liên quan đến các nguyên tắc pháp lý tương tự326. Lúc này việc áp dụng án lệ giống như là tiền lệ pháp (precedent) theo cách hiểu của Việt Nam. 2.1.2. Cách hiểu và vận dụng án lệ tại các nước theo truyền thống Dân luật Đối với hệ thống dân luật thì đây là hệ thống pháp luật lớn nhất trên thế giới, tồn tại ở nhiều nước Châu Âu lục địa (điển hình Pháp, Đức), các quốc gia Châu phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Trong hệ thống pháp luật này, án lệ được nhận thức từ khá sớm (thời kỳ La Mã cổ đại). Hoàng đế Severus cho phép các thẩm phán bổ sung những lỗ hổng của luật thành văn bằng tập quán và thực tiễn xét xử của các vụ việc tương tự (có thể coi là hình thức án lệ)327. Trong thời kỳ hiện đại, các nước theo hệ thống dân luật đều thừa nhận vai trò và vị trí của án lệ trong việc bổ trợ cho công việc xét xử của toà án bằng việc thừa nhận nguyên tắc “jurisprudence constante”. Nguyên tắc này được hiểu là các phán quyết áp dụng cho một nguyên tắc luật cụ thể từ trước có sức nặng áp dụng và quyết định trong các trường hợp tiếp theo328. Có thể thấy rằng, tại các nước theo hệ thống dân luật, án lệ như một nguồn thứ cấp (bổ trợ) cho nguồn luật thành văn (nguồn chính thức). Án lệ sẽ được kích hoạt vận dụng trong các trường hợp mà các văn bản quy phạm pháp luật thiếu vắng hoặc bị khiếm 325 Nguyễn Thị Hồng Nhung (2018), Sách chuyên khảo Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM, tr.3. 326 Tác giả dịch nguyên văn từ câu: “Precedent means that judges are bound to follow interpretations of the law made by judges in higher courts, in cases with similar facts or involving similar legal principles”, tham khảo tại: https://lawhandbook.sa.gov.au/ch27s02s01.php, truy cập ngày 12/11/2021. 327 Nguyễn Văn Nam (2011), “Án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự các nước Pháp, Đức và việc sử dụng án lệ ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 191, tr.55. 328 Học thuyết này xuất phát từ một học thuyết dân sự của Bang Louisiana (Mỹ), tác giả dịch nguyên văn từ câu: “ a long series of previous decisions applying a particular rule of law carries great weight and may be determina- tive in subsequent cases”, tham khảo tại: https://www.merriam-webster.com/legal/jurisprudence%20constante, truy cập ngày 14/11/2021. 181
  4. khuyết quy định. Việc có bắt buộc áp dụng án lệ hay không trong các vụ việc mang tính chất tương tự sẽ không đặt ra, lúc này thẩm phán sẽ vận dụng các bản án đã xét xử trước đó để tham khảo cho việc xét xử hiện tại. Tóm lại, khái niệm án lệ được hiểu là các bản án, quyết định của toà án đối với một vụ việc cụ thể mà nó chứa đựng những giải pháp pháp luật, những câu giải đáp đối với những câu hỏi phức tạp của pháp luật. Án lệ được coi như là một nguồn luật bổ trợ cho việc áp dụng pháp luật của thẩm phán. 2.2. Cách hiểu và áp dụng án lệ tại Việt Nam Do chịu sự ảnh hưởng của pháp luật Pháp nên Việt Nam được xếp vào hệ thống Dân luật. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ tại Việt Nam lại mang những nét đặc thù riêng so với hệ thống Dân luật. Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 04 thì án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Dựa theo khái niệm được quy định tại Điều 1 Nghị quyết 04 thì án lệ không phải các bản án, quyết định của toà án nào đó mà đó chính là các lập luận, phán quyết nằm trong các bản án, quyết định. Và để chính thức trở thành án lệ thì các bản án, quyết định chứa đựng những lập luận, phán quyết đó phải thông qua quy trình chấp nhận từ chính cơ quan cao nhất trong hệ thống xét xử của toà án là Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân tối cao. Tóm lại, so với hệ thống thông luật thì án lệ tại Việt Nam được vận dụng như một nguồn luật bổ trợ chứ không phải là nguồn luật bắt buộc. Bên cạnh đó, so với hệ thống dân luật thì án lệ tại Việt Nam được thừa nhận để áp dụng như một đường lối xét xử chung trong một vụ việc cụ thể bởi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong hệ thống toà án (Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân tối cao), còn các nước khác trong hệ thống dân luật thì hầu như không có quy định về việc thừa nhận này. Thật ra, quy trình lựa chọn và công bố án lệ của Việt Nam có nét tương đồng với quy định ban hành án lệ tại Trung Quốc. Bởi theo quy định của Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc về các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử, ngày 26/11/2010, thì có đề cập đến cơ quan có thẩm quyền công bố các bản án có giá trị thống nhất trong xét xử là Toà án nhân dân tối cao, điều kiện, quy trình lựa chọn và công bố án lệ giống như Nghị quyết 04329. Cách thức vận dụng và áp dụng án lệ của Việt Nam không là phải duy nhất. 3. Việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự từ góc độ so sánh giữa Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Nghị quyết 04 Một vụ việc dân sự phát sinh trên thực tế khi đưa ra toà án để xem xét giải quyết, ngoài câu chuyện áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết thì quá trình giải quyết cũng buộc phải tuân theo các quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đặc biệt là quy định về việc áp dụng án lệ. Có nghĩa là, việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ án 329 Xem thêm tại: Ngô Cường, Về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, tham khảo tại: https://kiemsat.vn/ve-quy-trinh-lua-chon-cong-bo-va-ap-dung-an-le-56882.html, truy cập ngày 14/11/2021 182
  5. dân sự ngoài việc tuân thủ Nghị quyết 04 còn có Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, nếu phân tích quy định cụ thể liên quan đến việc áp dụng án lệ có thể thấy rằng có nhiều điểm còn mâu thuẫn, bất cập trong chính các quy định từ hai văn bản quy phạm pháp luật này, cụ thể: Thứ nhất, quy định về trường hợp áp dụng án lệ khi chưa có điều luật áp dụng. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự là quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, toà án sẽ không được viện lý do là vụ việc đang cần giải quyết không có điều luật điều chỉnh để không thụ lý giải quyết. Nếu như vậy, một câu hỏi đặt ra là toà án sẽ căn cứ vào đâu để giải quyết vụ việc. Theo quy định tại Mục 3, Chương 3 (từ Điều 43 đến Điều 45) Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, toà án có thể căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để xem xét giải quyết. Tức là, án lệ sẽ được áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi thoả mãn hai điều kiện: (i) vụ việc đang xem xét giải quyết rơi vào trường hợp chưa có điều luật áp dụng; (ii) nếu rơi vào trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì thứ tự ưu tiên được xếp sau tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Vụ việc chưa có điều luật áp dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu toà án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Từ quy định trên có thể hiểu rằng, điều kiện (i) đặt ra trong bối cảnh là không tồn tại một “điều luật” nào điều chỉnh vấn đề vụ việc đang gặp phải; có nghĩa là loại trừ trường hợp tồn tại một “điều luật” nhưng có các cách hiểu khác nhau chưa thống nhất hoặc một vấn đề pháp lý mà có sự mâu thuẫn nhau trong các quy định. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 04 về một trong các tiêu chí lựa chọn án lệ thì án lệ phải có giá trị làm rõ quy định pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể. Vậy cách hiểu về chưa có điều luật áp dụng để áp dụng án lệ lại được hiểu theo hướng mở rộng hơn là có thể tồn tại một “điều luật” nhưng có nhiều cách hiểu, phân tích, giải thích khác nhau. Điều này cho thấy sự không thống nhất về cách quy định của hai văn bản quy phạm pháp luật này. Thứ hai, về thứ tự ưu tiên áp dụng án lệ đối với trường hợp chưa có điều luật áp dụng. Như đã đề cập trên, đối với điều kiện (ii) thì án lệ sẽ được áp dụng trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng nếu không có tập quán, tương tự pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự điều chỉnh vấn đề đang cần giải quyết. Điều này đồng nghĩa với việc nội dung trong các bản án, quyết định đã được công bố là án lệ không được chứa đựng tập quán, tương tự pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, theo quy định về tiêu chí để lựa chọn án lệ, quy trình đề xuất bản án, quyết định để trở thành án lệ thì có thể thấy được một trong những mục tiêu về việc ban hành án lệ theo Nghị quyết 04 là thống nhất việc áp dụng pháp luật trong xét xử. Nếu có một bản án, quyết định nào chứa đựng nội dung về tập quán, tương tự pháp luật hay các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự mà lại có sự áp dụng khác nhau thì Hội đồng 183
  6. thẩm phán toà án nhân dân tối cao có thể thừa nhận nó như một án lệ thực sự để toà án các cấp áp dụng thống nhất. Ví dụ một vụ việc thực tế tại Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử đối với yêu cầu đòi lại “giấy nợ” có phải là “tranh chấp khác về dân sự” theo quy định tại khoản 14 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 giữa toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Theo bản án dân sự sơ thẩm số 27/2021/DS-ST ngày 20 tháng 04 năm 2021 của Toà án nhân dân thành phố Tây Ninh thì chấp nhận việc đòi lại “giấy nợ” là tranh chấp khác về dân sự. Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm cũng viện dẫn căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý vụ án mà không từ chối với lý do chưa có điều luật áp dụng. Tuy nhiên, theo bản án phúc thẩm số 137/2021/DS-PT ngày 25 tháng 06 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh thì không xem yêu cầu đòi lại “giấy nợ” là tranh chấp khác về dân sự, đơn thuần chỉ là chứng cứ trong giao dịch cụ thể. Bên cạnh đó, cấp phúc thẩm còn lập luận rằng: “Cấp sơ thẩm viện dẫn khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Dân sự quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là không đúng, đối với hướng dẫn của quy phạm này thì khi chưa có điều luật áp dụng thì áp dụng tập quán, tương tự pháp luật. Việc đòi lại “giấy nợ” chưa được cơ quan, tổ chức hay cộng đồng dân cư tại địa phương thừa nhận và áp dụng rộng rãi nên không được xem là tập quán và cũng chưa có quy phạm pháp luật nào để so sánh áp dụng tương tự theo quy định tại Điều 5, 6 của Bộ luật Dân sự... Do đó, vụ việc này thuộc trường hợp trả đơn khởi kiện do không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự”. Việc cấp phúc thẩm lập luận về quy tắc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật là phù hợp với quy định nhưng việc áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để nói rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án là không đúng. Mà trường hợp này nếu toà án đã thụ lý và khẳng định là ở địa phương không có tập quán, tương tự pháp luật thì có thể khẳng định nguyên đơn không có quyền đòi lại “giấy nợ”330. Từ ví dụ này, nếu sau này có một vụ việc nào tương tự xuất hiện, những người liên quan có thể đề xuất và Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có thể xem đây là một án lệ liên quan vấn đề đòi “giấy nợ” thì án lệ này lại chứa đựng nội dung có thể là tập quán, tương tự pháp luật hay là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Thứ ba, việc áp dụng án lệ có bắt buộc trong trường hợp đã tồn tại một án lệ trước đó đã được thừa nhận. Chiếu theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc áp dụng án lệ hay không luôn được đặt ra trong điều kiện thoả mãn quy định tại khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (chưa có điều luật áp dụng) tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm, cụ thể khi nghị án tại cấp sơ thẩm (khoản 2 Điều 264 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) nếu vụ án rơi vào trường hợp chưa có điều luật áp dụng thì phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết các vấn đề của vụ án. Có 330 Đáng lý trong trường hợp này cấp phúc thẩm phải xét đến cả các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự để xem xét giải quyết vụ việc. Vụ việc này có thể tồn tại một nguyên tắc là khi một bên đã hoàn thiện các nghĩa vụ nợ thì bên còn lại phải có nghĩa vụ giao trả các giấy tờ liên quan đến nghĩa vụ nợ. Điều đáng tiếc là cấp phúc thẩm khá vội vàng khi đưa ra kết luận mà chưa suy xét hết các trường hợp quy định của luật. 184
  7. nghĩa là án lệ chỉ bắt buộc áp dụng khi rơi vào trường hợp chưa có điều luật để áp dụng và một khi đã xác định có sự tồn tại của án lệ thì Hội đồng xét xử phải xử lý như thế nào, có quyền không áp dụng hay không nếu bản thân cảm thấy rằng án lệ đó không thật sự phù hợp. Quy định về việc áp dụng án lệ như trên cũng được quy định tại khoản 4, Điều 313 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 ở cấp phúc thẩm. Tuy nhiên, đối với quy định theo Nghị quyết 04, tại Điều 8 về áp dụng án lệ trong xét xử có đề cập rằng: “khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”. Từ quy định này, có thể hiểu rằng việc áp dụng án lệ được đặt ra ngay từ đầu, Thẩm phán xét xử vụ việc phải xem xét có tồn tại án lệ nào trên thực tế điều chỉnh vấn đề đang gặp phải hay không (có thể vụ việc này không rơi vào trường hợp chưa có điều luật để áp dụng). Sau đó, nếu xác định có tồn tại án lệ trên thực tế đã được Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao thừa nhận thì việc có áp dụng hay không sẽ do toà án quyết định. 4. Kiến nghị hoàn thiện thống nhất quy định pháp luật giữa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết 04 Từ các phân tích, bình luận nêu trên, tác giả có một số kiến nghị như sau nhằm thống nhất quy định giữa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết 04, cụ thể: Thứ nhất, để đạt được hiệu quả trong việc thống nhất đường lối xét xử và vận dụng án lệ một cách có hiệu quả, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên quy định mở rộng cách hiểu về chưa có điều luật áp dụng tại khoản 2, Điều 4 như cách hiểu của Nghị quyết số 04. Bởi lẽ, việc vận dụng án lệ tại Việt Nam như một nguồn bổ trợ cho nguồn chính yếu là văn bản quy phạm pháp luật nên án lệ nên được hiểu là các cách thức giải quyết, vận dụng áp luật trong những trường hợp có sự mâu thuẫn, chồng chéo, hiểu khác nhau giữa các điều luật. Lúc này, án lệ có thể được xem như mang vai trò áp dụng (đối với các vụ việc chưa có điều luật) hoặc cũng có thể mang vai trò giải thích (đối với các vụ việc mà quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau; mâu thuẫn, chồng chéo nhau). Thứ hai, với quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng của án lệ có thể xem xét bổ sung thêm quy định tại Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng là: “4. Nếu bản án, quyết định của toà án chứa đựng nội dung liên quan đến tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự mà bản án, quyết định đó được thừa nhận là án lệ thì Toà án có thể áp dụng ngay án lệ này mà không cần phải xem xét lại theo đúng thứ tự Bộ luật này quy định. Toà án cũng không cần thiết phải lập luận lại để loại trừ các tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trong nội dung bản án, quyết định. Toà án chỉ cần viện dẫn theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP”. Thứ ba, với tinh thần án lệ như một nguồn bổ trợ của pháp luật ở Việt Nam, việc xem xét áp dụng án lệ nên đặt ra trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng như tinh 185
  8. thần Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nếu xem xét trong quá trình xét xử, toà án phải xem xét áp dụng án lệ ngay từ đầu thì lúc này án lệ lại được xem như một nguồn pháp luật bắt buộc. Vì thế, khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 04 nên điều chỉnh lại theo hướng án lệ sẽ được xem xét áp dụng trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng. Còn đối với việc có áp dụng án lệ hay không thì quy định theo Nghị quyết 04 là tiến bộ, bởi lẽ, việc đánh giá mức độ tình tiết tương tự, yếu tố hoàn cảnh áp dụng, bối cảnh thời đại của sự việc lúc toà án xét xử nên trao cho toà án thẩm quyền quyết định đó, miễn sao các lập luận của toà án trong việc có áp dụng án lệ hay không đủ sức thuyết phục mọi người. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1) Nguyễn Thị Hồng Nhung (2018), Sách chuyên khảo Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM; 2) Nguyễn Văn Nam (2011), “Án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự các nước Pháp, Đức và việc sử dụng án lệ ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 191; 3) Phan Nhật Thanh (2017), Sách chuyên khảo Tập quán pháp, tiền lệ pháp và việc đa dạng hoá hình thức pháp luật ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM; 4) Ngô Cường, Về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, tham khảo tại: https://kiemsat.vn/ve-quy-trinh-lua-chon-cong-bo-va-ap-dung-an-le-56882.html, truy cập ngày 14/11/2021; 5) Nguyễn Minh Tuấn, Lê Minh Thuý, “Án lê, áp dụng án lệ trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam”, Nghiên cứu lập pháp, tham khảo tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210764, truy cập ngày 10/11/2021; 6) Tham khảo tại: https://lawhandbook.sa.gov.au/ch27s02s01.php, truy cập ngày 12/11/2021; 7) Tham khảo tại: Equality, https://plato.stanford.edu/entries/equality/, truy cập ngày 10/11/2021; 8) Tham khảo tại: https://www.merriam- webster.com/legal/jurisprudence%20constante, truy cập ngày 14/11/2021. 186
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2