intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hòa giải tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Vương quốc Anh: Quy định và án lệ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

20
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu thế để áp dụng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nước Anh và xứ Wales đã ban hành Bộ quy tắc tố tụng dân sự 1998 gồm những quy định khuyến khích hòa giải, và đặc biệt là chế tài cho bên nào thiếu thiện chí hòa giải. Bài viết tìm hiểu về nguyên tắc hòa giải nói trên từ quy định đến thực tiễn qua một số án lệ về tranh chấp sở hữu trí tuệ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hòa giải tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Vương quốc Anh: Quy định và án lệ

  1. HÒA GIẢI TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI VƯƠNG QUỐC ANH: QUY ĐỊNH VÀ ÁN LỆ Nguyễn Lương Sỹ TÓM TẮT: Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu thế để áp dụng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nước Anh và xứ Wales đã ban hành Bộ quy tắc tố tụng dân sự 1998 gồm những quy định khuyến khích hòa giải, và đặc biệt là chế tài cho bên nào thiếu thiện chí hòa giải. Bài viết tìm hiểu về nguyên tắc hòa giải nói trên từ quy định đến thực tiễn qua một số án lệ về tranh chấp sở hữu trí tuệ. Từ khóa: Hòa giải, sở hữu trí tuệ, Vương quốc Anh 1. Vai trò của hòa giải đối với tranh chấp sở hữu trí tuệ Ngày nay, bên cạnh tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài, hòa giải dần trở thành một phương thức phổ biến trong giải quyết tranh chấp dân sự. Mặc dù cả trọng tài và hòa giải đều được xem là nhóm phương thức thay thế tòa án truyền thống, giữa hai loại hình này có những khác biệt đáng kể. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở vai trò của người điều hành (trọng tài viên/hòa giải viên). Nếu như trọng tài là mô hình tòa án thu nhỏ, nơi trọng tài viên có quyền ra phán quyết cuối cùng, thì hòa giải viên được ví như một “phiên dịch viên” dẫn dắt các bên đạt được tiếng nói đồng thuận.1 Mục tiêu của hòa giải không phải là xác định người thắng, kẻ thua; mà thay vào đó, tìm kiếm lợi ích công bằng cho tất cả các bên nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác trên tinh thần tự nguyện. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các tranh chấp thường mang những tính chất đặc thù mà từ đó, hòa giải có thể sẽ là mô hình giải quyết tối ưu cho các bên. Trước hết, pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn còn khá mới mẻ ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Ở đó, đội ngũ thẩm phán chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh. Ngoài ra, quyền  ThS., GV Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Email: synl@hul.edu.vn 1 Kevin M.Lemley (2004), I’ll Make Him an Offer He Can’t Refuse: Proposed Model for Alternative Dispute Resolution in Intellectual Property Disputes, Akron Law Review 37(2), 287-328, tr.306. 70
  2. sở hữu trí tuệ thường liên quan đến vấn đề kỹ thuật trong các lĩnh vực đặc thù như viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm,…Chính vì vậy, hòa giải, với ưu thế cho phép các bên lựa chọn hòa giải viên, tạo điều kiện cho vụ việc được điều phối bởi một chuyên gia pháp lý hoặc kỹ thuật trong cùng lĩnh vực. Với đối tượng mang tính chuyên môn sâu như sáng chế, hay thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, một chuyên gia kỹ thuật đôi khi mang lại giải pháp phù hợp nhất cho các bên hơn là một chuyên gia pháp lý thuần túy. Tranh chấp sở hữu trí tuệ thường có sự tham gia của nhiều bên và liên quan đến thẩm quyền tài phán của nhiều quốc gia. Điều này xảy ra phổ biến trong các giao dịch chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ gồm nhiều hợp đồng li-xăng thứ cấp, với những điều khoản giải quyết tranh chấp khác nhau. Khi đó, không một tòa án nào, hay kể cả trọng tài, có thể tự mình đưa ra phán quyết cuối cùng cho toàn bộ vụ việc. Lúc này, hòa giải cung cấp cho các bên thêm lựa chọn khả thi để giải quyết tranh chấp theo một quy trình duy nhất, giúp tiết kiệm đáng kể nguồn lực tài chính và thời gian. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều tranh chấp giải quyết theo con đường tố tụng tòa án sẽ dẫn đến việc phát sinh, thực hiện hoặc chấm dứt giao dịch liên quan đến đối tượng sở hữu trí tuệ, chủ yếu là hợp đồng li-xăng. 2 Trong khi đó, hệ quả pháp lý này hoàn toàn có thể đạt được thông qua hòa giải, vừa đảm bảo phù hợp nhu cầu của các bên, đồng thời vẫn duy trì quan hệ hợp tác. Thậm chí, ở trường hợp khác, tòa án có thể đưa ra phán quyết hủy bỏ văn bằng bảo hộ, nhiều khả năng gây thiệt hại cho tất cả các bên liên quan. Chẳng hạn, nếu khi tranh tụng, các bên theo đuổi chiến lược vô hiệu hóa điều kiện bảo hộ sáng chế như tính mới, trình độ sáng tạo. Hòa giải trao cho các bên cơ hội đạt được các thỏa thuận cùng có lợi như đồng sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Nguyên tắc bí mật cũng được xem là ưu thế lớn của hòa giải so với nguyên tắc xét xử công khai của tòa án. Nguyên tắc này là công cụ hữu ích cho các tranh chấp về 2 Cheryl H.Agris and others (2011), The Benefits of Mediation and Arbitration for Dispute Resolution in Intellectual Property Law, New York Dispute Resolution Lawyer, Vol.4, No.2, tr.61. 71
  3. quyền sở hữu công nghiệp. Mặc dù về lý thuyết, mọi đối tượng sở hữu trí tuệ bảo hộ thông qua đăng ký đều phải bộc lộ công khai bản mô tả chi tiết. Tuy nhiên trên thực tế, các chủ sở hữu, nhất là với sáng chế, đều giữ lại một tỷ lệ nhỏ bí quyết (know- how) – là thứ tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm cùng áp dụng sáng chế. Nếu các bên muốn bảo mật thông tin này, hòa giải chắc chắn là lựa chọn tối ưu. Hòa giải thậm chí vẫn giúp các bên tranh chấp tiết kiệm nguồn lực kể cả trong trường hợp không đạt được đồng thuận cuối cùng. Bởi lẽ, khi tiến hành hòa giải, một trong những phương pháp mà hòa giải viên thường tiến hành là cung cấp riêng cho các bên bản đánh giá trung lập về vụ việc.3 Từ đó, đương sự có cái nhìn khách quan về tranh chấp để xác định và thu hẹp phạm vi khởi kiện nếu quyết định chọn phương thức tố tụng tòa án. Phương thức hòa giải vẫn đặt ra nhiều lo ngại về quy trình giải quyết, giá trị pháp lý, hay khả năng thực thi của thỏa thuận. Tuy nhiên, dù phần lớn các quốc gia không bắt buộc hòa giải đối với tranh chấp sở hữu trí tuệ, đây là giải pháp được khuyến khích bởi chính cơ quan tài phán. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Tòa Khu vực miền Bắc California sẽ đưa toàn bộ vụ việc liên quan đến sáng chế vào chương trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức thay thế ADR4; hay Tòa Khu vực miền Đông Texas thường yêu cầu hòa giải bắt buộc trước khi đưa ra xét xử.5 Tương tự, Bộ quy tắc Tòa tối cao New Zealand cho phép lựa chọn hòa giải theo lệnh của Tòa nếu đương sự chấp thuận.6 Tòa án Công lý châu Âu tiếp cận có phần dè dặt hơn, nhưng cũng mở đường cho hòa giải khi từng tuyên bố quyết định áp dụng hòa giải bắt buộc của Tòa án Italy là không trái luật.7 Tiêu biểu hơn cả cho hướng tiếp cận này là Vương quốc Anh với Bộ quy tắc Tố tụng dân sự 1998 đặt ra các quy định cụ thể về hòa giải đối với tranh chấp dân sự. 2. Nguyên tắc hòa giải theo Bộ quy tắc Tố tụng Dân sự Vương quốc Anh 3 Kevin M.Lemley (2004), tlđd, tr.306. 4 Alternative Dispute Resolution Program. 5 Cheryl H.Agris and others (2011), tlđd, tr.61. 6 Susan Corbett (2011), Mediation of Intellectual Property Disputes: A Critical Analysis, New Zealand Business Law Quarterly, Vol.17, tr.4. 7 Trong vụ Rosalba Alassini v Telecom Italia, Tòa án Italy từ chối thụ lý vì đương sự chưa thực hiện quy trình giải quyết trước tố tụng (out-of-court). Vụ việc được đưa lên Tòa án Công lý châu Âu nhưng Tòa này tuyên bố quyết định trên là không trái với Công ước Nhân quyền châu Âu. Susan Corbett (2011), tlđd, p.6. 72
  4. Trong nỗ lực thúc đẩy các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, Vương quốc Anh đã ban hành Bộ quy tắc Tố tụng dân sự 1998 (CPR)8. Cơ sở pháp lý cho sự ra đời của CPR là Điều 1 Đạo luật Tố tụng dân sự Vương quốc Anh, nhưng chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ nước Anh và xứ Wales, không áp dụng ở Scotland và Bắc Ireland.9 Trên thực tế, đạo luật này chỉ đưa ra điều luật chung, còn các quy định cụ thể điều chỉnh trực tiếp thủ tục tố tụng sẽ được căn cứ theo CPR. Một trong những mục tiêu nền tảng của CPR là ưu tiên phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp và tương xứng, hiệu quả về kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho tòa án.10 Nghĩa vụ của các bên là phải hỗ trợ tòa án thực hiện mục tiêu nền tảng. Trên cơ sở đó, CPR khuyến khích đương sự sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thay thế như trọng tài và hòa giải, nếu tòa nhận định đó là hình thức phù hợp và đưa ra đề nghị.11 Nếu có thỏa thuận về phương thức hòa giải nhưng một bên không tuân thủ khi tranh chấp phát sinh, tòa án có thể hoãn xét xử và yêu cầu các bên tiến hành hòa giải theo đúng thỏa thuận trước khi tiếp tục thụ lý tại tòa.12 Công cụ quan trọng nhất để thúc đẩy các bên giải quyết thông qua hòa giải chính là nhóm quy tắc số 44 của CPR. Theo đó, nếu có căn cứ cho rằng một bên đã trốn tránh hoặc từ chối hòa giải mà không có lý do chính đáng, thẩm phán có quyền áp dụng một khoản phạt chi phí tố tụng.13 Trong trường hợp này, thậm chí bên thắng kiện cũng có thể bị tòa buộc chi trả án phí, như trong vụ Dunnett v Railtrack. Cụ thể, nguyên đơn Dunnett – người sở hữu một chuồng ngựa cạnh đường ray xe lửa – đã khởi kiện công ty đường sắt Railtrack vì lỗi bất cẩn trong xây dựng hàng rào làm chết ngựa của cô. Sau khi thua tại phiên sơ thẩm, Dunnett tiếp tục tiến hành thủ tục kháng cáo. Tòa phúc thẩm đề nghị các bên xem xét phương án hòa giải ngoài tòa nhưng bị đơn Railtrack từ chối. Vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm và nguyên đơn Dunnett 8 Civil Procedure Rules, sau đây gọi tắt là CPR 9 Section 1, Civil Procedure Act 1997, https://www.legislation.gov.uk/uksi/1998/3132/contents/made 10 Quy tắc 1.1., The Civil Procedure Rules 1998, https://www.legislation.gov.uk/uksi/1998/3132/contents/made 11 Quy tắc 1.4, The Civil Procedure Rules 1998 12 Pablo Cortes (2015), The Promotion of Civil and Commercial Mediation in the UK, University of Leicester School of Law Research Paper No.15-23, tr.13 13 Quy tắc 44.5, The Civil Procedure Rules 1998 73
  5. tiếp tục thua kiện. Tuy nhiên, tòa đã buộc bên thắng kiện là Railtrack phải chi trả toàn bộ án phí căn cứ theo nhóm quy tắc số 44 CPR bởi không trình bày được lý do chính đáng cho việc từ chối hòa giải. 14 Tuy nhiên, hòa giải và phương thức giải quyết thay thế khác cũng chỉ được xem là “nửa bắt buộc” (quasi-compulsory), đúng với tinh thần “khuyến khích” của Quy tắc số 1 về mục tiêu nền tảng. Như trong vụ Dunnett kể trên, thẩm phán có quyền phạt án phí với bên từ chối hòa giải, nhưng không thể buộc họ phải hòa giải trước khi đưa ra xét xử.15 Nguyên tắc này được Tòa Phúc thẩm Vương quốc Anh tái khẳng định trong vụ kiện Halsey v Milton Keynes General NHS rằng tòa án không được buộc hòa giải trái nguyên vọng của các bên do xâm phạm quyền được xét xử công bằng tại Điều 6 Công ước nhân quyền châu Âu.16 Thậm chí trong vụ này, bên từ chối hòa giải cũng không bị phạt án phí. Phán quyết kể trên thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn với phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu về vụ việc tại Italy (xem mục 1). Tuy nhiên, vụ kiện tại Italy có những điểm khác biệt quan trọng đó là, hòa giải được tòa nhận định là giúp tranh chấp được giải quyết nhanh hơn, ít tốn kém hơn, vẫn đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các bên, và đặc biệt là có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến.17 Như vậy, chế tài cho việc từ chối hòa giải chỉ có thể áp dụng đối với vụ việc đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Cũng từ vụ Halsey nói trên, Tòa Phúc thẩm thiết lập hai nguyên tắc: (1) Không phản hồi lời mời hòa giải, kể cả nếu có lý do chính đáng, sẽ cấu thành căn cứ để phạt án phí. 18 (2) Để tránh chịu án phí, bên thua kiện có nghĩa vụ chứng minh rằng bên thắng kiện đã từ chối hòa giải mà không có lý do chính đáng. 19 14 Tony Allen, Dunnett v Railtrack: The Implications, https://www.cedr.com/dunnett-v-railtrack-the-implications/, truy cập lần cuối 12/10/2021. 15 Sue Prince (2020), Encouragement of Mediation in England and Wales Has Been Futile: Is There Now a Role for Online Dispute Resolution in Settling Low-value Claims, International Journal of Law in Context, p.4 16 Pablo Cortes (2015), tlđd, tr.14. 17 Sue Prince (2020), tlđd, tr.5 18 Pablo Cortes (2015), tlđd, tr.15. 19 Mary Victoria (2006), Mediation of Intellectual Property Disputes, Journal of Intellectual Property Law & Practice, Vol.1, No.6, tr.400. 74
  6. Nguyên tắc khuyến khích hòa giải của CPR còn được mở rộng ra cả các hệ thống bên ngoài tòa án, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Hiện nay, tranh chấp giữa nhãn hiệu và tên miền tại Anh bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải. Cơ sở thực hiện là do khi đăng ký tên miền ‘.uk’ với các đơn vị cung cấp chính thức như Nominet, khách hàng phải xác nhận đồng ý điều khoản giải quyết tranh chấp gồm phương thức hòa giải ngoài tòa. 20 3. Hòa giải đối với tranh chấp sở hữu trí tuệ ở Anh Quốc qua một số án lệ Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nguyên tắc hòa giải của CPR cũng được áp dụng tương đối rộng rãi. Trước hết, một số vụ kiện sở hữu trí tuệ đã góp phần diễn giải và định hình quan điểm xét xử khi có các yếu tố liên quan đến hòa giải, chẳng hạn như trong tranh chấp Reed Executive Plc, Reed Solutions Plc v Reed Business Information Ltd, Reed Elsevier (Uk) Ltd, Totaljobs.com Ltd. Nguyên đơn là chủ sở hữu nhãn hiệu “REED”, khởi kiện bị đơn với cáo buộc sử dụng trái phép nhãn hiệu của mình trên các cửa sổ quảng cáo pop-up (tự động bật lên) trên website totaljobs.com. 21 Mặc dù giành chiến thắng ở phiên sơ thẩm, nguyên đơn đã thất bại trong phiên xét xử phúc thẩm. Nguyên đơn tiếp tục yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét áp dụng nhóm quy tắc số 44 CPR về phạt án phí đối với bị đơn do bị đơn đã từ chối hòa giải sau khi kết thúc phiên sơ thẩm. Hơn thế, nguyên đơn còn nỗ lực bác bỏ nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh của bên thua kiện đã được thiết lập trong vụ Halsey. Theo họ, các chứng cứ về việc bị đơn thiếu thiện chí khi từ chối hòa giải được thể hiện trong đối thoại “không phương hại” 22 của hai bên – vốn là loại tài liệu riêng tư không thể dùng làm chứng cứ tại tòa. Vì lý do đó, nguyên đơn đề nghị tòa miễn cho họ nghĩa vụ chứng minh bằng cách cho phép tiết lộ nội dung đối thoại của hai bên. Tuy nhiên, các thẩm phán trong vụ này đã bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn dựa trên hai lập luận chính: 20 Nominet Dispute Resolution Service Policy, https://media.nominet.uk/wp-content/uploads/2017/10/17150434/final- proposed-DRS-policy.pdf, truy cập lần cuối 11/10/2021. 21 Judgment [2004] EWCA Civ 887 Reed Executive Plc, Reed Solutions Plc v Reed Business Information Ltd, Reed Elsevier (Uk) Ltd, Totaljobs.com Ltd. 22 Nguyên văn: Without Prejudice Communication. Cụm từ này chỉ những đối thoại của hai bên trong nỗ lực dàn xếp tranh chấp ngoài tố tụng. Các tài liệu áp dụng chế định “Without Prejudice” (tạm dịch: không phương hại) phải được giữ bí mật, và không được xem là chứng cứ hợp pháp tại tòa. 75
  7. Một là, tòa án không có thẩm quyền với các tài liệu đối thoại “không phương hại” nếu chỉ vì mục đích xác định chi phí tố tụng. Do vậy, việc tiết lộ tài liệu này phải được tất cả các bên chấp thuận. Hai là, đề nghị hòa giải được đưa ra sau khi nguyên đơn giành chiến thắng tuyệt đối tại phiên sơ thẩm (bản án sơ thẩm xác định toàn bộ hành vi sử dụng dấu hiệu REED của bị đơn, hoặc là xâm phạm nhãn hiệu, hoặc là cạnh tranh không lành mạnh). Điều này đặt bị đơn vào vị thế bất lợi hoàn toàn nếu chấp nhận hòa giải. Hơn nữa, phần lớn chi phí tố tụng phát sinh trước khi có đề nghị hòa giải, nên việc áp dụng khoản phạt là không hợp lý.23 Như vậy, tranh chấp nhãn hiệu REED đã một lần nữa khẳng định nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên thua kiện nếu muốn áp dụng điều khoản phạt chi phí tố tụng theo CPR. Lập luận của các thẩm phán đồng thời cho thấy thời điểm đưa ra đề nghị hòa giải cũng đóng vai trò quan trọng trong xác định nghĩa vụ. Nếu đề nghị được đưa ra quá muộn, hoặc ở tình thế bất lợi, bên còn lại sẽ có căn cứ chính đáng để từ chối. Điều này thể hiện một trong những nguyên tắc quan trọng của hòa giải là các bên phải bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Mặt khác, đề nghị hòa giải có thể được đưa ra tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình tố tụng, và tòa án có nghĩa vụ tạo điều kiện cho các bên thực hiện. Chẳng hạn, trong vụ Brawley v Marczynski về tranh chấp hợp đồng li- xăng sáng chế, thẩm phán đã cho tạm hoãn phiên tòa khi hai bên đồng ý tham gia hòa giải.24 Cần lưu ý rằng, nguyên tắc hòa giải của CPR chỉ quy định nghĩa vụ đối với cơ quan tiến hành tố tụng chứ không áp dụng điều chỉnh hoạt động của các cơ quan khác. Tranh chấp sở hữu trí tuệ ngoài con đường tố tụng, còn có thể giải quyết thông qua quy trình khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký bảo hộ; từ đó, hệ quả pháp lý của hòa giải cũng sẽ rất khác nhau phụ thuộc vào cơ quan giải quyết. Quy tắc số 38 của CPR cho phép đương sự rút yêu cầu khởi kiện, và tòa án không có thẩm quyền 23 Đoạn 16, 37, 43, 45. Judgment [2004] EWCA Civ 887 Reed Executive Plc, Reed Solutions Plc v Reed Business Information Ltd, Reed Elsevier (Uk) Ltd, Totaljobs.com Ltd. 24 Mary Victoria (2006), tlđd, tr.399. 76
  8. tiếp tục giải quyết. Theo đó, nếu các bên trong tranh chấp sở hữu trí tuệ đạt được hòa giải thành, bao gồm cả việc rút yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ, tòa án sẽ dừng xem xét vụ việc và công nhận kết quả hòa giải.25 Tuy nhiên, nếu yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ đang được giải quyết bởi cơ quan đăng ký sở hữu trí tuệ, kết quả hòa giải sẽ không được chấp thuận. Chẳng hạn, trong vụ tranh chấp sáng chế của công ty Farrow System, Văn phòng Sáng chế Vương quốc Anh đã từ chối yêu cầu rút đơn khiếu nại để tiến hành hòa giải. Bởi lẽ, chức năng của cơ quan này là thẩm định sáng chế, hòa giải không có vai trò gì trong việc xác định các điều kiện để sáng chế được bảo hộ.26 4. Kết luận Hòa giải có nhiều ưu thế trong giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ, giúp đạt được những kết quả mà các bên cùng có lợi; đồng thời, giảm áp lực đáng kể cho hệ thống tòa án. Chính vì vậy, đây là phương thức ngày càng trở nên phổ biến, được cơ quan tố tụng khuyến khích ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Anh và xứ Wales. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là hòa giải chỉ có thể tiến hành nếu các bên cùng có thiện chí – điều không dễ đạt được khi tranh chấp đã xảy ra. Mặc dù nguyên tắc của hòa giải là tự nguyện, Bộ quy tắc CPR đã mang đến một cách tiếp cận linh hoạt nhằm ràng buộc các bên ưu tiên lựa chọn hòa giải. Trước hết, lời đề nghị hòa giải từ tòa án sẽ có “sức nặng” để thúc đẩy các bên đồng ý. Quan trọng hơn, chi phí tố tụng trong các vụ án sở hữu trí tuệ thường lớn do tính chất phức tạp và kéo dài. Yếu tố này buộc các bên phải cân nhắc kỹ càng đề nghị hòa giải để tránh thiệt hại thêm về tài chính nếu bị tòa tuyên phạt. Một số án lệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã góp phần giải thích nguyên tắc của CPR, đảm bảo cho việc áp dụng rõ ràng và minh bạch. Cách tiếp cận của Vương quốc Anh cần được các quốc gia khác xem xét học hỏi nếu muốn áp đặt chế tài cho hòa giải trong lĩnh vực dân sự nói chung. 25 Mary Victoria (2006), tlđd, tr.400. 26 Phần 72, Manual of Patent Practice, https://www.gov.uk/guidance/manual-of-patent-practice-mopp/section-72-power- to-revoke-patents-on-application#ref72-26, truy cập lần cuối 13/10/2021. 77
  9. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cheryl H.Agris and others (2011), The Benefits of Mediation and Arbitration for Dispute Resolution in Intellectual Property Law, New York Dispute Resolution Lawyer, Vol.4, No.2. 2. Civil Procedure Act 1997, https://www.legislation.gov.uk/uksi/1998/3132/contents/made, truy cập lần cuối 13/10/2021. 3. Judgment [2004] EWCA Civ 887 Reed Executive Plc, Reed Solutions Plc v Reed Business Information Ltd, Reed Elsevier (Uk) Ltd, Totaljobs.com Ltd. 4. Kevin M.Lemley (2004), I’ll Make Him an Offer He Can’t Refuse: Proposed Model for Alternative Dispute Resolution in Intellectual Property Disputes, Akron Law Review 37(2), 287-328. 5. Manual of Patent Practice, https://www.gov.uk/guidance/manual-of-patent- practice-mopp/section-72-power-to-revoke-patents-on-application#ref72-26, truy cập lần cuối 13/10/2021. 6. Mary Victoria (2006), Mediation of Intellectual Property Disputes, Journal of Intellectual Property Law & Practice, Vol.1, No.6. 7. Nominet Dispute Resolution Service Policy, https://media.nominet.uk/wp- content/uploads/2017/10/17150434/final-proposed-DRS-policy.pdf, truy cập lần cuối 11/10/2021. 8. Pablo Cortes (2015), The Promotion of Civil and Commercial Mediation in the UK, University of Leicester School of Law Research Paper No.15-23. 9. Sue Prince (2020), Encouragement of Mediation in England and Wales Has Been Futile: Is There Now a Role for Online Dispute Resolution in Settling Low-value Claims, International Journal of Law in Context. 10. Susan Corbett (2011), Mediation of Intellectual Property Disputes: A Critical Analysis, New Zealand Business Law Quarterly, Vol.17. 11. The Civil Procedure Rules 1998, https://www.legislation.gov.uk/uksi/1998/3132/contents/made 78
  10. 12. Tony Allen, Dunnett v Railtrack: The Implications, https://www.cedr.com/dunnett-v-railtrack-the-implications/, truy cập lần cuối 12/10/2021. 79
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2