Tài liệu: Lão Hạc – bi kịch bảo tồn thiên lương
lượt xem 6
download
Xung đột bi kịch trong “ Lão Hạc” là xung đột giữa ý thức bảo tồn thiên lương của lão Hạc với cái đói. Trong truyện nhà văn không trực tiếp tả cái đói như ông đã từng tả trong “Một bữa no” hoặc như Thạch Lam, Nguyễn Thị Vịnh từng làm nhưng cái đói dưới ngòi bút Nam Cao có một sức mạnh vô hình ghê gớm luôn rình chực bẻ gãy thiên lương, quật ngã con người. Hoàn cảnh khách quan của lão Hạc: Từ ngày đứa con đi phu “lão làm thuê để kiếm ăn. Hoa lợi...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tài liệu: Lão Hạc – bi kịch bảo tồn thiên lương
- Lão Hạc – bi kịch bảo tồn thiên lương 1.1-Xung đột bi kịch: Xung đột bi kịch trong “ Lão Hạc” là xung đột giữa ý thức bảo tồn thiên lương của lão Hạc với cái đói. Trong truyện nhà văn không trực tiếp tả cái đói như ông đã từng tả trong “Một bữa no” hoặc như Thạch Lam, Nguyễn Thị Vịnh từng làm nhưng cái đói dưới ngòi bút Nam Cao có một sức mạnh vô hình ghê gớm luôn rình chực bẻ gãy thiên lương, quật ngã con người. Hoàn cảnh khách quan của lão Hạc: Từ ngày đứa con đi phu “lão làm thuê để kiếm ăn. Hoa lợi của khu vườn được bao nhiêu, lão để riêng ra. Lão chắc mẩm thế nào đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc”. Sau trận ốm, số tiền chắt chiu bao nhiêu năm tháng của lão hết nhẵn, sức lực con người lão cũng cạn kiệt. Lại gặp cảnh khủng hoảng chung của làng xóm khi “ Làng mất vè sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào họ tranh nhau làm mất cả” ,“ Rồi lại bão. Hoa màu bị phá sạch sành sanh…Gạo cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày ba hào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt”.
- Thiên lương là đức tính , phẩm chất tốt đẹp mà ông trời phú cho con người. Nó là cốt lõi trong đạo đức cá nhân mỗi người. Thông thường đạo đức cá nhân bao gồm hai loại quan hệ đạo đức: quan hệ đạo đức cá nhân với cộng đồng và quan hệ đạo đức cá nhân với chính bản thân mình. Loại quan hệ trước, mọi thiết chế xã hội đều ra sức cổ vũ, rèn cặp theo tư tưởng của giai cấp cầm quyền ( Vì trong xã hội có giai cấp thì tư tưởng thống trị là tư tưởng của giai cấp thống trị). Loại quan hệ thứ hai thể hiện nỗ lực của bản thân mỗi con người- cá nhân, nó được thể hiện qua những đức tính: tự lực, tự lập, tự tín, tự trọng , tự ái,..Ý thức về nhân cách chính là cơ sở triết học của loại đức tính này. Không có loại quan hệ thứ hai đủ mạnh , con người ta có thể giàu có, thành đạt , thành danh nhưng không thể có nhân cách đẹp. Những tấm gương nhân cách “vằng vặc như sao Khuê” trong lịch sử Việt Nam là một minh chứng. Họ hầu hết đâu có xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng đạo đức , nhân cách của họ, người bình dân vẫn mãi mãi tôn vinh, noi dấu. Lão Hạc- trong truyện ngắn cùng tên- bề ngoài có vẻ gàn dở, lẩm cẩm, thậm chí có lúc còn bị nghi là đánh bả chó nữa; thế nhưng, mặc cho cái vẻ bề ngoài có phần lẩn thẩn của nhân vật, Nam Cao đã “cố tìm mà hiểu” để nhìn thấu cái bề sau, bề sâu, bề xa, để thấy được bản chất nhất mực lương thiện, nhân hậu, tuyệt vời tự trọng và vị tha của lão. Có nghĩa lão Hạc là con người có ý thức sâu sắc về đạo đức cá nhân, kiên
- quyết giữ cho bằng được thiên lương lành sạch. Thiên lương của lão Hạc là ở chỗ lão “ luôn luôn tự xoá mình đi trong tương quan chồng vợ, cha con: mảnh vườn thì do vợ tậu, con chó thì của con mua. Lão không tự cho mình sở đắc một cái gì cả, và sự xoá mình có ý thức ấy là một đặc điểm quan trọng nhất quán trong tính cách lão Hạc để dẫn đến sự chọn lựa cuối cùng của đời lão. Một đức hi sinh lớn lao trong từng nếp nghĩ, đã thành lẽ sống ở đời” [13 ;282] 1.2- Đặc điểm của nhân vật bi kịch- lão Hạc: Truyện Lão Hạc thực chất là một cuộc đối thoại liên tục giữa các luồng suy nghĩ khác nhau: con chó của lão Hạc là quý hay hòm sách của một người “ nhiều chữ nghĩa, nhiều lí luận” như ông giáo- nhân vật người kể chuyện trong truyện- là quý? Ông lão là một người ki bo “ có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ”( theo cách nghĩ của vợ ông giáo) và là một con người “ làm bộ..chỉ tẩm ngẩm thế nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu” (theo suy luận của Binh Tư) hay là một con người thiên lương mát trong như mạch suối nguồn ? Lão có lỗi vì “ già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó” ( theo cách nghĩ của lão) hay là lão làm như vậy chẳng qua cũng là một cách hóa kiếp cho nó ( theo cách nghĩ của ông giáo)? Và có cả một câu hỏi còn bỏ lửng, xót xa nhưng chạm đến cái “sơn cùng thuỷ tận “ của kiếp người: Kiếp con chó là khổ hơn kiếp người như kiếp của lão chăng?
- Thế đấy , hành trình làm người của lão Hạc thật nhọc nhằn. Mở đầu truyện, từ điểm nhìn của nhân vật Tôi - ông giáo- người kể chuyện : “Lão Hạc thổi cái mồi rơm, châm đóm. Tôi đã thông điếu và bỏ thuốc rồi. Tôi mời lão hút trước…”, Nam Cao đã khéo léo dẫn dắt cuộc đối thoại ngầm giữa hai ý thức: ý thức của lão Hạc và ý thức của ông giáo. Lão Hạc phải dềnh dàng mãi mới nói ra cái dự định mà ông không hề muốn làm: “ Có lẽ tôi bán con chó đấy , ông giáo ạ!” . Nghe câu đó, ông giáo rất “ dửng dưng” vì biết “ Lão nói là nói để đó thế thôi; chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật đi nữa thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ boăn khoăn quá thế! ”. Ông giáo mặc nhiên muốn bác lão Hạc: Lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi…”. Tục ngữ Việt Nam vốn có câu : “ Nhà giàu cưng chó, nhà khó cưng con”. Có nghĩa là tuỳ theo đối tượng, tuỳ theo gia sự mà con người ta quan tâm đến cái gì. Nói như tục ngữ, không phải nhà giàu không cưng con , mà chỉ cưng chó thôi, sự thực thì nhà giàu họ thừa khả năng để cưng con, vấn đề là họ nhiều của nả nên cưng chó để chó giữ tài sản cho họ , mà cũng là cho con. Nhà nghèo chỉ có lưng vốn để đời là các đứa con, mà mai sau “ may ra ông trời cho khá vì “ không ai giàu ba họ , không ai khó ba đời”. Ông giáo quý mấy cuốn sách cũng là vì sách là kỉ vật về một thời đầy mơ ước. Chứ thực ra thì ông giáo khổ ấy thừa hiểu “ Sách vở ích gì cho buổi ấy”. Mặt khác vì - cũng theo cách nói của chính Nam Cao - khi một người bị đau chân thì chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình , hơi sức đâu nghĩ đến cái đau của người khác. Nhưng rồi sau đó, đương nhiên,
- ông giáo cũng hiểu ra cái lí do khiến lão Hạc khổ tâm khi phải bán chó chính là vì lão thương thằng con , cốt nhục duy nhất của lão giờ trôi dạt không biết tận đẩu tận đâu, không khéo cả đời nó sẽ sa vào kiếp vong gia thất thổ. Do đó tuy mầm mống bi kịch của lão Hạc bắt đầu từ một tình yêu bất thành nhưng bi kịch nội tâm của lão Hạc thật sự khởi động khi lão có ý định bán “cậu vàng”, trong nỗi tuyệt vọng vì ngay cả cái tử tế cuối cùng, cái niềm hi vọng cuối cùng của lão lão cũng đánh mất “tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó” Làm cha , lão Hạc không lo nổi cho con trai cưới vợ, để cho con phải phẫn chí bỏ xứ ra đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp trong niềm ám ảnh hãi hùng . Không có con bên cạnh, lão Hạc bầu bạn cùng con chó mà lão âu yếm gọi bằng Cậu Vàng, và gán ghép con trai mình là bố cậu vàng. Cậu Vàng như thế đã có tư cách của một đứa cháu! Nặng nề biết bao khi lão quyết dứt tình để bán cậu Vàng. Không bán cậu vàng, làm sao lão nuôi nổi nó mà không để nó bị ốm đói? Vì lão cũng đang đói dài ! Không bán cậu Vàng làm sao lão có đủ chút tiền để khi nhắm mắt xuôi tay mà không mấy “liên lụy đến hàng xóm láng giềng” ? Thế chẳng đặng đừng, lão phải bán chó, nhưng việc làm chẳng đặng đừng đó thật sự làm lão đau đớn. Hãy nghe lời ông giáo: “ Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước.(…) Mặt lão bỗng nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Chứng kiến cảnh đó, ông giáo cũng muốn “ ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc và … không xót xa năm quyển sách quá như trước nữa” vì cuộc đời là một sự bị tước đoạt dần dần những cái mình quý mình yêu. Ông giáo nói với lão
- Hạc như với người “ đồng bệnh tương liên”: “ Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?. Nhiều năm, lão Hạc gắng sống, hay lam hay làm , không phải lão ham hố mà vì đứa con trai duy nhất của lão. Lão Hạc cố giữ cái vườn cũng là vì con . Lão lòng tự nhủ lòng: “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu(… ) Của mẹ nó tậu thì nó hưởng. Lớp trước nó đòi bán ta không cho, là ta có ý giữ cho nó chứ có phải giữ để ta ăn đâu. Nó không có tiền cưới vợ, phẫn chí bước ra đi, thì đến lúc có tiền để lấy vợ, mới chịu về. Ta bòn vườn của nó, cũng nên để ra cho nó; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào cho nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm ăn”. Lão Hạc , suốt bấy nhiêu năm đã làm đúng như tâm nguyện ấy . Nhưng một trận ốm thập tử nhất sinh đúng “ hai tháng mười tám ngày” ( cần chú ý đến cách tính rành rọt tỉ mỉ từng ngày này của lão, rất giống với Rôbinxơn Cruxô trênn đảo hoang;’ rất khác với dạng ‘ thời gian cũng quên ngày quên tháng” của Chí Phèo sau ngày ra tù hay của Mị từ ngày về làm vợ A Sử) đã vắt kiệt chút sức lực sau cùng của lão . Rồi thất nghiệp cả làng, rồi bão, hoa màu bị phá sạch sành sanh! Tâm nguyện của lão giờ đây phải đối diện với nguy cơ phá sản, lão phải đối diện với sự chết đói. Lão trăn trở không yên và bí mật sắp đặt một kế hoạch mới.
- Bước thứ nhất trong kế hoạch ấy là tìm người tâm phúc để uỷ thác. Lão tâm sự cùng ông giáo: “ lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào; con không có nhà; lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt; lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc (….) để lỡ có chết thì (…) gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả” Bước thứ hai, lão đơn thương độc mà dấn thân. Trao trọn ba mươi đồng cùng với văn tự giao vườn cho ông giáo - để giữ vườn lại cho con và khỏi liên lụy xóm làng vì hậu sự của mình- lão không còn một trinh một chữ. Lão chế tạo mọi thứ có thể để nhét và dạ dày quen lép kẹp của lão mà nào đâu có đủ cầm hơi. Miệng ăn núi lở kia mà ! Kết cục, lão đã chọn cái chết bằng bả chó đầy vật vã thương tâm để đi trọn hành trình làm người lương thiện. Lão Hạc hơn ai hết là một con người ham sống nhưng phải chọn cái chết để bảo tồn thiên lương. Sự ham sống của lão Hạc thể hiện qua nhiều chi tiết: đinh ninh thằng con lão sẽ về, lão cố nuôi cậu vàng để giết thịt làm cỗ cưới ; lão làm lụng nuôi thân , không phạm vào số tiền bòn vườn; ngày đói lão chế biến, vận dụng mọi cách để sống và luôn luôn hi vọng vào ngày sau. Nhưng sự thật giản dị ấy không phải ai cũng hiểu. Chứng kiến cái chết vật vã của lão Hạc, ông giáo xúc động như mới lần đầu phát hiện ra một tâm hồn cao cả, một nhân cách trong sáng ẩn chứa trong một con người bình thường. Cái chết của lão Hạc như một lời phủ chính đối với những ý kiến
- chưa thấu nhẽ đời, ngộ nhận , thiên lệch về lão. Trong đó có ý kiến của chính người vợ tảo tần, túng khó của ông giáo. Nhưng không thể trách bà ấy vì như ông giáo nhận xét “ Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có bao giờ quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?....”. Lại có cả ý kiến của Binh Tư, làm nghề ăn trộm, láng giềng của lão Hạc. Lão Hạc dễ dàng lừa binh Tư để xin bả chó và binh Tư dễ nhầm tưởng lão Hạc vì bí đường nên phải “ ngưu tầm ngưu” với hắn, người vốn lão Hạc không ưa. Có ngờ đâu!... Chúng ta cảm nhận cái chết của lão Hạc có chút gì đó giống với sự tuần tiết của một bậc trượng phu “ chết trong hơn sống đục”. Lão Hạc! Vâng , chính lão Hạc là một bức tượng đài - người -cha -cao -cả trong một môi trường mà sự sống bị dồn đến chân tường! Kết truyện người đọc được nâng cao mình lên bởi ý thức tự do của nhân vật, “tự do trong sự lựa chọn bi đát của mình. Đó là điều bí mật sau cùng mà Nam Cao tìm thấy ở người nông dân này” [13 ;284] Đọc Lão Hạc chúng ta có thể liên tưởng đến Lão Gôriô ( Ban dăc) để nghĩ bi kịch làm cha. Nhưng cái chết của lão Gôriô vạch mặt chỉ tên cho ta thấy những con người mà ta cần phải căm ghét, phỉ nhổ. Trước hết là hai cô con gái quý và hai chàng rể thuộc giới thượng lưu của lão. Còn cái chết của lão Hạc thì không. Không có ai cụ thể để ta căm ghét, oán giận. Không phải là gia đình cô gái “ thách cưới nặng quá” năm nào, cũng không phải vợ ông giáo, cũng không phải Binh Tư. Nhân vật phản diện thực sự ở đây là chế độ thực dân – phát xít- phong kiến trong cơn giãy chết của nó.
- Truyện được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy số 484, ngày 23/10/1943. Chỉ hơn một năm sau thôi, trên toàn cõi Bắc Kì chế độ ấy sẽ đẩy hơn hai triệu người dân nghèo Việt Nam ta vào cảnh chết đói. Trong bài “Lep Tônxtôi, tấm gương phản chiếu cuộc cách mạng Nga”, Lênin đã khẳng định: “Nếu đứng trước chúng ta là một nghệ sĩ vĩ đại thực sự, thì ông ta phải phản ánh được trong tác phẩm của mình ít ra là vài ba khía cạnh chủ yếu của cuộc cách mạng”. Nam Cao là một nghệ sĩ vĩ đại ngay từ thời tiền khởi nghĩa. 3- Về nghệ thuật: Qua Lão Hạc, Nam Cao đã chứng tỏ sức bùng nổ nghệ thuật của cái hằng ngày. Nam Cao “ viết về cái tầm thường mà làm sống dậy những ý nghĩa không thể xem thường” [13 ;276] qua chân dung lão Hạc. Nhân vật hiện ra tự nhiên như tác giả chẳng hề gia công, sắp đặt gì thế nhưng nhìn sâu vào đó ta thấy lão Hạc hiện lên qua một chùm tương quan vi diệu. Mỗi tương quan như một luồng sáng hội tụ để làm bật lên một nhân cách. Lão được miêu tả song song với ông giáo để đối sánh, làm bật lên cái tâm lí nông dân bên cạnh cái tâm lí trí thức-xuất thân từ nông dân. Trong tương quan với binh Tư để tạo ra sự đối chọi giữa chết-lương thiện với sống- lưu manh. Tương quan với vợ ông giáo để nổi bật một sự phân lập khác: Một người dù khổ thế nào cũng không suy suyển lòng nhân hậu , vị tha; người kia vì quá khổ đã sinh ra vị kỉ. Hai
- tương quan lớn nhất quyết định chân dung lão Hạc là tương quan lão với đứa con trai biệt xứ mà lão nóng ruột mong về và tương quan với “cậu vàng” mà lão đành ‘ phụ rẫy”. Lí luận cho rằng, phát hiện tính cách nhân vật thì quan trọng nhất là đặt nhân vật trong mối tương quan với các nhân vật khác. Ở đây lão Hạc là một ví dụ tiêu biểu. Ta thấy ở Lão Hạc, nhân vật được chiếu rọi từ nhiều điểm nhìn, góc nhìn trần thuật khác nhau: Cái nhìn của ông giáo ( nhân vật người trần thuật) với ý thức đi tìm “cái bản tính tốt của người bị nỗi buồn đau ích kỉ che lấp mất”, cái nhìn của bà giáo, cái nhìn của Binh Tư, và cả cái nhìn bên trong của chính lão Hạc.. Chính nhờ cách dựng truyện từ những quan điểm khác nhau ấy- khi thì phủ nhận nhau, khi thì điều chỉnh, bổ sung, đào sâu thêm - đã làm hiện rõ hơn bao giờ hết một lão Hạc bề ngoài tưởng như gàn dở, lẩm cẩm, thậm chí còn có khi còn bị nghi là “ đạo đức giả” nhưng kỳ thực là một người nông dân nhất mực lương thiện, một nhân cách đáng trọng, một người tử vì đạo- đạo làm người. Điểm khác biệt của Lão Hạc so với Chí Phèo, Đời thừa là ở chỗ nhân vật xưng tôi – người dẫn chuyện. Loại nhân vật này cùng lúc đóng hai vai trò: vai trò người dẫn chuyện đang đối thoại với độc giả và vai trò của một người tham dự vào những biến cố của câu chuyện, đối thoại trực tiếp với các nhân vật, sẽ góp phần gây ấn tượng về một câu chuyện như thật. Ở đây nhân vật người kể chuyện đã đóng vai trò nối liền tác giả - nhân vật và độc giả. Khoảng cách giữa nhân vật và người đọc được rút ngắn lại, hầu như bằng không. Tác giả , nhân vật, và người đọc hầu như bình đẳng. Đó là dấu hiệu của một thi pháp tự sự hiện đại. Tính đa giọng điệu bắt nguồn từ kết cấu này. Vì
- đã là “ tôi” thì phải là một cái “tôi” cụ thể, có số phận , tâm tư, nỗi niềm…đang tham dự, chứng kiến, chia sẻ, đối thoại với các nhân vật trong truyện, khi thì hoà nhập hẳn vào các nhân vật, các biến cố đầy bất ngờ , không hề được biết trước. Kết cấu nhân vật như vậy giúp việc khai thác mâu thuẫn bi kịch “ chuyển vào bên trong” của nhân vật lão Hạc càng có sức ám ảnh hơn. Tấn bi kịch của lão Hạc đến bây giờ vẫn còn khả năng đối thoại về tình thương, nhân cách, lẽ sống với chúng ta nhiều lắm . Lão Hạc thể hiện sâu sắc tài năng của Nam Cao trong nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật khắc họa đời sống nội tâm của nhân vật, có khả năng lay động sâu xa, đánh thức mạnh mẽ sự đồng cảm của người đọc. Viết như thế là do sự lão luyện của nghề văn hay do tư tưởng nhân đạo sâu sắc của người cầm bút? Có lẽ là cả hai!
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Ôn thi đại học môn văn – Phân tích văn sĩ Hoàng trong “Đôi mắt” của Nam Cao để làm sáng tỏ chủ đề tác phẩm
10 p | 207 | 47
-
Bài 14: Dấu ngoặc kép - Giáo án Ngữ văn 8
6 p | 321 | 22
-
BÀI 12 : ÔN TẬP TRUYỆN KÍ VIỆT NAM
2 p | 229 | 13
-
Làm sáng tỏ ý kiến với Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn
4 p | 191 | 10
-
LÃO HẠC Nam Cao
9 p | 151 | 7
-
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2021-2022 có đáp án - Sở GD&ĐT Quảng Nam
3 p | 29 | 3
-
Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2021-2022 - Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh
5 p | 5 | 3
-
Đề thi học kì 2 môn KHTN lớp 6 năm 2023-2024 - Trường THCS Phan Châu Trinh, Phú Ninh
8 p | 7 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn