intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thâm hụt vãng lai trong mối tương quan với ngân sách và các yếu tố vĩ mô - nghiên cứu Việt Nam và các nước Châu Á

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

27
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở kết hợp hai phương pháp thống kê mô tả và thống kê suy diễn, một số khuyến nghị đã được đề xuất cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tốt cơ cấu chi tiêu quốc gia, ưu tiên tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ mức thâm hụt ngân sách vốn đã kéo dài trong nhiều năm.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thâm hụt vãng lai trong mối tương quan với ngân sách và các yếu tố vĩ mô - nghiên cứu Việt Nam và các nước Châu Á

  1. THÂM HỤT VÃNG LAI TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI NGÂN SÁCH VÀ CÁC YẾU TỐ VĨ MÔ - NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC CHÂU Á TS. Hoàng Thị Lan Hương1 Tóm tắt Với phạm vi nghiên cứu gồm Việt Nam cùng 9 quốc gia châu Á, tác giả tiến hành kiểm định mối tương quan giữa cán cân vãng lai với ngân sách nhà nước và các biến số vĩ mô quan trọng. Kết quả hồi quy dữ liệu bảng với tác động ngẫu nhiên (Random Effect) cho thấy giữa ngân sách và cán cân vãng lai tồn tại mối quan hệ thuận chiều. Bên cạnh đó, trong khi chi tiêu của quốc gia có tác động ngược chiều tới cán cân vãng lai, mối quan hệ giữa nợ nước ngoài với cán cân vãng lai là cùng chiều. Trên cơ sở kết hợp hai phương pháp thống kê mô tả và thống kê suy diễn, một số khuyến nghị đã được đề xuất cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tốt cơ cấu chi tiêu quốc gia, ưu tiên tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ mức thâm hụt ngân sách vốn đã kéo dài trong nhiều năm. Từ khóa: cán cân vãng lai, chi tiêu quốc gia, nợ nước ngoài, thâm hụt kép, thâm hụt ngân sách, tăng trưởng, tỷ giá. 1. Giới thiệu Sau hai năm đạt trạng thái thặng dư (2011 - 2012), cán cân vãng lai của Việt Nam đã quay trở lại xu hướng vốn đã tồn tại trong nhiều năm trước đó (Hình 1). Theo dự báo của HSBC, Việt Nam sẽ chứng kiến tình trạng thâm hụt vãng lai ở mức 1,6% GDP trong năm 2016. Hình 1 cũng cho thấy kể từ năm 2011, mức độ thâm hụt ngân sách của Việt Nam ngày càng sâu. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thiếu bền vững của cán cân vãng lai? 1 Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Email: huonghlnhtc@neu.edu.vn 166
  2. Hình 1. Cán cân vãng lai và ngân sách của Việt Nam (1996 - 2016) 08 06 04 02 00 -02 -04 -06 -08 -10 -12 CCVL (% GDP) Ngân sách (% GDP) Nguồn: World Bank (kết hợp dự báo của HSBC-VEPR 2015 - 2016) Với số liệu chiết xuất từ nguồn chính của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và website thống kê của Liên hợp quốc (UN Comtrade Statistics), nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp định lượng với phần mềm Stata, nhằm kiểm định mối tương quan giữa chi tiêu ngân sách và một số biến số quan trọng với cán cân vãng lai của Việt Nam và các nước châu Á, tạo cơ sở vững chắc hơn cho các đề xuất, hướng tới mục tiêu xây dựng và duy trì cán cân vãng lai lành mạnh, bền vững. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu Khái niệm “thâm hụt kép” đã xuất hiện từ thập kỷ 80 ở nước Mỹ, với sự thâm hụt sâu và đồng thời của ngân sách và cán cân vãng lai (Hình 2). 167
  3. Hình 2. Thâm hụt “kép” của Mỹ giai đoạn 1971 - 1990 0 1 0.5 -50,000 0 1971 1972 1973 1974 1975 1976 1977 1978 1979 1980 1981 1982 1983 1984 1985 1986 1987 1988 1989 1990 -0.5 -100,000 -1 -1.5 -150,000 -2 -2.5 -200,000 -3 -250,000 -3.5 Thâm hụt ngân sách (triệu USD) Thâm hụt CCTM (%GDP) Nguồn: The U.S Government Publishing Office (GPO), World Development Indicators Theo Blecker, Robert A. (1999), sự trùng hợp này xảy ra do Chính phủ Mỹ gia tăng vay mượn, chính sách tiền tệ thắt chặt của FED với lãi suất tăng cao đã thu hút dòng vốn nước ngoài vào quốc gia này, đồng đô la tăng giá dẫn tới sự thâm hụt của cán cân vãng lai. Mặc dù “thâm hụt kép” diễn ra trong suốt một thập kỷ, tình trạng này không tồn tại ở những thời điểm khác. Điều này đã được kiểm chứng qua một số nghiên cứu tin cậy của William L.H và Peter H. (1988) và Paul Krugman (1989). Ba nguyên nhân chính của “thâm hụt kép” thập kỷ 80 được chỉ ra gồm có: (i), tình trạng bong bóng đầu cơ tại Mỹ dẫn đến sự tăng giá của đồng đô la; (ii), khủng hoảng nợ châu Mỹ La tinh; và (iii) sụt giảm tăng trưởng tại châu Âu. Tất cả những điều nàyđã khiến nước Mỹ suy giảm khả năng cạnh tranh thương mại với phần còn lại của thế giới, và thâm hụt vãng lai là hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, trong số những nguyên nhân đó, không có sự xuất hiện của thâm hụt ngân sách. Trong nghiên cứu về tác động của thâm hụt ngân sách lên cán cân vãng lai, mô hình lý thuyết kinh điển của David Ricardo được lấy làm điểm xuất phát: Xuất khẩu – Nhập khẩu = Tiết kiệm quốc dân – Đầu tư trong nước (1) Trong đó: Tiết kiệm quốc dân = Ngân sách + Tiết kiệm doanh nghiệp và tư nhân (2) 168
  4. Như vậy: Cán cân vãng lai = Ngân sách + (Tiết kiệm trong nước – Đầu tư trong nước) (3) Nói cách khác: Thâm hụt cán cân vãng lai = Thâm hụt ngân sách + (Đầu tư – Tiết kiệm) (4) Hai trong số các giả thuyết được đặt ra về kênh tác động của thâm hụt ngân sách tới các biến số vĩ mô nói chung và cán cân vãng lai nói riêng, đó là : Giả thuyết 1: “Thâm hụt ngân sách dẫn tới vay nợ nước ngoài tăng cao, chi phí trả lãi cao trong điều kiện nội tệ giảm giá ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân vãng lai. Mặt khác, khan hiếm ngoại tệ đẩy ngoại tệ lên giá, chi phí nhập khẩu tăng. Trong bối cảnh xuất khẩu chưa tăng kịp, điều này sẽ đẩy cán cân vãng lai vào tình trạng thâm hụt.” (Dorbusch, 1984; Easterly, 1993; Blecker, 1999) Giả thuyết 2: “Thâm hụt ngân sách được bù đắp bằng hình thức vay nợ trong nước, đẩy lãi suất tăng cao, nội tệ tăng giá, gây thiệt hại cho xuất khẩu và cán cân vãng lai”.(Easterly, 1993) Khi nghiên cứu về châu Mỹ La tinh trong những năm 1970 - 1980, Dorbusch (1984) khẳng định hai tác động ngược chiều của tỷ giá (phá giá nội tệ) tại những nước có vay nợ nước ngoài: một mặt góp phần cải thiện cán cân vãng lai, mặt khác làm gia tăng thâm hụt ngân sách quốc gia. Mặc dù có đề cập tới công thức (4) nhưng Dorbusch chưa tiến hành kiểm chứng để làm rõ tác động trở lại của thâm hụt ngân sách tới cán cân vãng lai đối với trường hợp ba quốc gia được lựa chọn nghiên cứu là Chile, Argentina, và Brazil. Với đối tượng nghiên cứu là các quốc gia đang phát triển, Easterly & Schmidt- Hebbel (1993) tập trung tìm hiểu mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và thực trạng kinh tế vĩ mô của 10 nước là Argentina, Bờ Biển Ngà, Chile, Colombia, Ghana, Morocco, Mexico, Pakistan, Thailand, và Zimbabwe. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong trung hạn, việc tài trợ thâm hụt ngân sách đã là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao tại các nước này. Đồng thời, thâm hụt ngân sách đã tác động tiêu cực tới cán cân vãng lai giai đoạn 1980 - 1990. Thomas Ziesemer (2005) tập trung phân tích tác động của phá giá tiền tệ tới thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách đối với trường hợp Brazil. Trong thời kỳ trước năm 2005, phá giá đã gây ảnh hưởng mạnh tới cán cân thương mại hơn là tới cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, riêng số liệu năm 2005 lại cho thấy phá giá nội tệ và cải 169
  5. thiện thâm hụt ngân sách đều không giúp phục hồi cán cân thương mại ở quốc gia này. Khi thâm hụt ngân sách được cắt giảm, lãi suất có xu hướng giảm, nhu cầu đầu tư và nhập khẩu cho đầu tư gia tăng khiến cho thâm hụt thương mại càng trầm trọng. Trong một nghiên cứu khác, Asrafuzzaman, Amit Roy và Sanat Das Gupta (2013) khẳng định tồn tại mối quan hệ tác động hai chiều của thâm hụt ngân sách và thâm hụt vãng lai của quốc gia này, tuy nhiên mối liên hệ này không còn đúng trong dài hạn. Ngoài các biến số thâm hụt ngân sách (biến phụ thuộc), cán cân vãng lai (biến độc lập), Emad Omar Elhendawy (2014) đã bổ sung các biến độc lập khác là tỷ giá, chi tiêu chính phủ, lạm phát và tỷ lệ nợ nước ngoài vào mô hình kiểm định. Kết quả cho thấy sự tăng giá đồng nội tệ, gia tăng chi tiêu chính phủ và lạm phát là yếu tố dẫn đến sự gia tăng thâm hụt ngân sách; đồng thời mức thâm hụt này sẽ giảm nếu cán cân vãng lai được cải thiện hoặc nợ nước ngoài tăng. Tuy nhiên, cũng giống với nghiên cứu của Dorbusch (1984), tác giả chưa phân tích tác động ngược lại của thâm hụt ngân sách tới cán cân vãng lai. Kế thừa và phát triển kết quả của các nghiên cứu nêu trên, tác giả thực hiện nghiên cứu này theo hướng kiểm định tác động của thâm hụt ngân sách và các biến số vĩ mô tới cán cân vãng lai, với một biến mới được bổ sung vào mô hình kiểm định là tổng chi tiêu quốc gia (thay vì chỉ đề cập chi tiêu chính phủ). Cụ thể, bài nghiên cứu sẽ kiểm định các giả thuyết sau đây: H1: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai. H2: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa tăng trưởng và cán cân vãng lai. H3: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa tỷ giá (yết theo đồng nội tệ trên một đơn vị ngoại tệ, tính bằng tỷ lệ phần trăm thay đổi so với kỳ trước) và cán cân vãng lai. H4:Tồn tại mối quan hệ ngược chiều giữa lạm phát và cán cân vãng lai. H5: Tồn tại mối quan hệ ngược chiều giữa chi tiêu quốc gia và cán cân vãng lai. H6: Tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa nợ nước ngoài và cán cân vãng lai. 3. Phương pháp nghiên cứu Mô hình kiểm định được xây dựng như sau: CCit = ß1 + ß2NSit + ß3GDPit + ß4ERit +ß5LPit+ ß6TDit + ß7FDit + uit 170
  6. Trong đó: Biến phụ thuộc CC: cán cân vãng lai, tính bằng tỷ lệ % trên GDP. Các biến độc lập bao gồm: NS: ngân sách nhà nước, đo bằng % chênh lệch thu chi ngân sách trên GDP; GDP: tốc độ tăng trưởng, tính bằng %/năm; ER: biến động tỷ giá (tỷ giá chính thức, tính bằng giá trị đồng nội tệ trên một đơn vị ngoại tệ), đo bằng tỷ lệ % biến động so với kỳ trước; LP: tỷ lệ lạm phát, tính bằng % /năm; TD: chi tiêu quốc gia, tính bằng % GDP; FD: nợ nước ngoài, tính bằng % trên tổng kim ngạch xuất khẩu và thu nhập cơ bản; u: sai số ngẫu nhiên; i: quốc gia 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10; đại điện lần lượt cho Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Singapore, và Trung Quốc. t: thời gian (năm, từ 1996 đến 2014). Cơ sở cho việc lựa chọn các biến độc lập Như đã trình bày ở trên, theo nghiên cứu của Dorbusch (1984), Easterly (1993), và Blecker (1999), ảnh hưởng của ngân sách nhà nước có thể được truyền dẫn tới cán cân vãng lai thông qua việc vay nợ nước ngoài và sự biến động của tỷ giá. Sargent (1981) cũng đã chứng minh rằng trong điều kiện thâm hụt ngân sách, trước sau lạm phát sẽ gia tăng, ngay cả khi chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng. Easterly (1993) cũng tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy việc tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ đẩy lạm phát tăng cao trong trung hạn.Với ba biến trong mô hình hồi quy giản đơn là cán cân vãng lai, thâm hụt ngân sách, và tăng trưởng kinh tế, B.Douglos Bernheim (1988) đã tìm ra mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai tại Mỹ và 4 đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này là Canada, Anh, CHLB Đức, và Mexico. Chi tiêu quốc gia, bao gồm chi tiêu của Chính phủ và tiêu dùng của người dân, cũng có thể trở thành một nhân tố ảnh hưởng đến cán cân vãng lai. Khi người dân trong nước có xu hướng ưa thích hàng ngoại, sử dụng hàng nhập khẩu nhiều hơn, cán cân thương mại sẽ trở nên mất cân bằng. 171
  7. Cơ sở cho việc lựa chọn các quốc gia châu Á Ngoài sự gần gũi về mặt địa lý, Việt Nam cùng 9 quốc gia kể trên, theo phân loại của IMF, đã và đang áp dụng cơ chế tỷ giá ổn định, neo bò trườn hoặc thả nổi có quản lý, kết hợp với cơ chế kiểm soát cung tiền mục tiêu (monetary aggregate targeting - Trung Quốc, Myanmar) hoặc lạm phát mục tiêu (inflation targeting - Indonesia, Thái Lan và Philippines). Trong số 10 quốc gia được lựa chọn để nghiên cứu, không có quốc gia nào ở trong tình trạng không có đồng tiền pháp định (như Ecuador hay Panama), hoặc áp dụng cơ chế hội đồng tiền tệ (như Hồng Kông và Brunei), hoặc thả nổi hoàn toàn tỷ giá (Mỹ, Anh, Nhật Bản, và nhiều nước Châu Âu). Cơ sở cho việc lựa chọn khoảng thời gian nghiên cứu 1996 - 2014 Việc lựa chọn khoảng thời gian nghiên cứu 1996 - 2014 có hai lý do. Một là, năm 1995 là năm Việt Nam gia nhập ASEAN, và sau đó với sự tham gia của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Myanmar (1997) và Campuchia (1999), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã có 10 thành viên. Hai là, cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á bắt đầu trở nên nghiêm trọng vào năm 1997 sau một thập kỷ chứng kiến sự tăng trưởng cao của các quốc gia, điển hình là Thái Lan. Một chỉ tiêu quan trọng là thâm hụt/thặng dư ngân sách của các quốc gia đều mới chỉ được cập nhật và cung cấp tính đến năm 2014. Vì vậy, mặc dù đã có số liệu năm 2015 cho một số chỉ tiêu khác, nghiên cứu này sử dụng thống nhất số liệu đến 2014. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu có sử dụng nguồn dự báo của HSBC và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho cán cân vãng lai và thâm hụt ngân sách của năm 2016. 4. Kết quả kiểm định Trong quá trình kiểm định, biến trễ bậc 1 là l.NS và l.CC được bổ sung vào mô hình, hàm ý có thể tồn tại tác động trễ của ngân sách và tình trạng cán cân vãng lai năm nay tới cán cân vãng lai của năm sau. Với dữ liệu mảng bao gồm từ 175 đến 190 quan sát cho mỗi biến (Bảng 1), giá trị tuyệt đối của hệ số tương quan giữa các biến độc lập đều nhỏ hơn 0.7, trừ trường hợp biến chi tiêu quốc gia với cán cân năm trước có hệ số tương quan -0.7346 (Bảng 2). Vì vậy, biến CC(-1) được loại ra khỏi mô hình, các biến độc lập còn lại được đưa vào là phù hợp. 172
  8. Bảng 1. Tóm tắt thống kê về các biến Số lượng Giá trị Độ lệch Giả trị Giá trị Tên biến quan sát trung bình chuẩn nhỏ nhất cao nhất CC 190 2.611 7.953 -25 27.338 l.CC 180 2.778 7.689 -12.45 27.338 NS 190 -0.947 4.381 -7.84 21 l.NS 180 -0.886 4.451 -7.84 21 GDP 179 6.153 3.678 -13.127 15.24 ER 199 0.697 8.697 -0.216 116.68 LP 180 7.819 13.808 -5.992 127.974 TD 179 97.378 11.132 69.173 118.437 FD 175 141.781 130.802 23.575 657.824 Nguồn: Kết quả chạy dữ liệu Stata Bảng 2. Ma trận hệ số tương quan CC l.CC NS l.NS GDP ER LP TD FD CC 1 l.CC .7830 1 NS .0763 -.0147 1 l.NS -.0068 .0717 .649 1 GDP -.2105 .0285 -.1657 -.1001 1 ER -.0112 -.1926 .03 .0507 -.559 1 LP -.0962 -.2091 -.0236 .0004 -.211 .6201 1 TD -.8408 -.7346 -.1016 -.0769 .2686 -.0351 .0606 1 FD -.2657 -.2856 -.161 -.1797 .0118 .1362 .3361 .419 1 Nguồn: Kết quả chạy dữ liệu Stata 173
  9. Với dữ liệu bảng không cân bằng (do thông tin về một số chỉ tiêu của Myanmar, Lào, và Singapore không đầy đủ), một số kiểm định quan trọng nhằm kiểm tra các khuyết tật của mô hình đã được thực hiện. Kết quả kiểm định Hausman, với Chi-test bằng 4.55 và p-value bằng 0.7145, hàm ý các sai số không có tương quan với các biến độc lập trong mô hình, cho phép khẳng định phương pháp hồi quy dữ liệu bảng với tác động ngẫu nhiên (Random Effect - RE) phù hợp hơn phương pháp tác động cố định (Fixed Effect - FE) (Bảng 3). Đồng thời, với kiểm định Waldtest cho phương pháp RE, dạng mô hình được kết luận là phù hợp và kết quả ước lượng là đáng tin cậy. Bảng 3. Kết quả kiểm định hồi quy tác động cố định (FE) - tác động ngẫu nhiên (RE) FE RE CC CC Hệ số chặn 70.51* 66.41* (0) (0) NS 0.229* 0.224** (0.052) (0.048) NS (-1) - 0.105 -0.117 (0.322) (0.263) GDP 0.1051 0.0814 (0.303) (0.397) ER -0.2839 -0.107 (0.868) (0.948) LP -0.0033 -0.015 (0.938) (0.695) TD -0.710* -0.667* (0) (0) FD 0.0105 0.0093 (0.023) (0.013) 23.27* 188.33* F test (của FE) và Wald test (của RE) (0) (0) Ghi chú: Trong ngoặc ( ) là hệ số p-value, * là có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, ** là có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, *** là có ý nghĩa thống kê ở mức 10% 174
  10. Kết quả kiểm định hồi quy theo phương pháp RE cho thấy: a. Chi tiêu quốc gia có tương quan ngược chiều tới cán cân vãng lai, cụ thể: khi chi tiêu quốc gia tăng 1% GDP, cán cân vãng lai sẽ giảm sâu thêm 0,66% GDP. Điều này có thể được giải thích một phần do thói quen ưa thích dùng hàng nhập khẩu của người dân tại các quốc gia đang phát triển. Hình 3 phản ánh tỷ lệ chi cho tiêu dùng nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng so với tổng chi tiêu của quốc gia trong suốt thời gian dài, với mức cao nhất lên tới 80-90%. Hình 3. Chi tiêu dùng nhập khẩu so với tổng chi tiêu - Việt Nam giai đoạn 1997 - 2014 4,500,000 90 4,000,000 80 3,500,000 70 3,000,000 60 2,500,000 50 2,000,000 40 1,500,000 30 1,000,000 20 500,000 10 0 0 Chi nhập khẩu (tỷ VND) Tổng chi tiêu (tỷ VND) Chi nhập khẩu/Tổng chi tiêu (%) Nguồn: Asian Development Bank (ADB) b. Chi tiêu ngân sách của năm nay có tác động cùng chiều tới cán cân vãng lai của năm nay, cụ thể: nếu mức thâm hụt ngân sách của năm t tăng 1% GDP, thâm hụt cán cân vãng lai năm t cũng sẽ gia tăng 0,22% GDP. Kết quả kiểm định về tác động cùng chiều giữa ngân sách với cán cân vãng lai trong cùng năm nghiên cứu phù hợp với kết quả nghiên cứu của B.Douglos Bernheim (1988). Tuy nhiên, để có thể giải thích rõ hơn, cần dựa vào cơ cấu chi tiêu của Chính phủ và quy mô nợ nước ngoài. Đây cũng là hai nhân tố được các nhà nghiên cứu coi là kênh truyền tải chủ đạo tác động của thâm hụt ngân sách tới cán cân vãng lai. Với trường hợp của Việt Nam, chi ngân sách thường xuyên luôn chiếm tỷ trọng lớn so với chi đầu tư phát triển (gần 80% - Hình 4). Trong chi thường xuyên, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi cho giáo dục - đào tạo (khoảng 21 - 22%), tiếp đến là lương hưu và y tế. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó nhập khẩu giáo dục và thiết bị y tế là tất yếu. Ngoài ra, chi trả nợ lãi, bao gồm cả nợ nước ngoài, đóng góp xấp xỉ 10% trong 175
  11. chi thường xuyên (Nguồn: Bộ Tài chính). Thực tế này đủ cơ sở để ủng hộ cho giả thuyết: chi ngân sách cho nhập khẩu và chi trả nợ lãi (trong đó có nợ vay nước ngoài) có ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân vãng lai. Hình 4. Cơ cấu chi ngân sách của Việt Nam giai đoạn 1997 - 2014 1,200,000 1,000,000 800,000 600,000 400,000 200,000 0 Chi thường xuyên (tỷ VND) Chi đầu tư phát triển (tỷ VND) Nguồn: Asian Development Bank (ADB) c. Nợ nước ngoài có tương quan thuận chiều với cán cân vãng lai, cụ thể: nếu nợ nước ngoài tăng thêm 1% tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu và thu nhập cơ bản, cán cân vãng lai sẽ được cải thiện 0,0093% GDP. Kết quả này chưa đồng nhất với kết luận ở trên (nợ nước ngoài tăng khiến chi phí trả nợ của ngân sách cũng tăng theo, ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân vãng lai). Tuy nhiên, điều này cũng có thể được lý giải như sau: nợ nước ngoài được sử dụng đúng hướng cho mục tiêu đầu tư phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho xuất khẩu, cải thiện cán cân vãng lai. Mặc dù cần thêm thông tin để có thể kết luận chính xác, kết quả kiểm định của nghiên cứu này là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu điều còn chưa sáng tỏ qua phân tích thống kê mô tả (Hoàng Thị Lan Hương, 2016) đó là: có hay không khả năng tồn tại tác động truyền dẫn tích cực của yếu tố này tới cán cân vãng lai. d. Các biến số còn lại, bao gồm chi tiêu ngân sách của năm trước, tăng trưởng, tỷ giá, và lạm phát của năm nghiên cứu không thể hiện mối tương quan có ý nghĩa thống kê tới cán cân vãng lai của năm đó. B.Douglos Bernheim (1988) cũng có kết luận tương tự về sự tồn tại ảnh hưởng của chi tiêu ngân sách năm nghiên cứu, đồng thời không khẳng định tác động trễ của chi tiêu ngân sách và tăng trưởng tới cán cân vãng lai. Về tác động của tỷ giá tới cán cân vãng lai, kết quả kiểm định của nghiên cứu 176
  12. này khác với kết quả nghiên cứu của Thomas Ziesemer (2005) về quốc gia Brazil. Tuy nhiên, xét riêng trường hợp của Việt Nam, phá giá nội tệ đã không giúp cải thiện cán cân vãng lai, điều này xuất phát từ cấu trúc nền kinh tế với tỷ lệ nội địa hóa thấp của hàng hóa xuất khẩu cộng hưởng với lạm phát nhập khẩu từ nước ngoài (Hoàng Thị Lan Hương, 2013). 5. Kết luận Như vậy, các giả thiết H1, H5 và H6 được chấp nhận. Theo đó, có thể khẳng định rằng sự thiếu bền vững của cán cân vãng lai ở Việt Nam và thực trạng cán cân vãng lai ở các nước trong khu vực có nguyên nhân từ chi tiêu quốc gia và thâm hụt ngân sách. Với trường hợp của Việt Nam, bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát mức thâm hụt ngân sách (đang có nguy cơ vượt mức cho phép 6%/GDP của Quốc hội, với mức thâm hụt của năm 2016 được dự đoán tăng lên gần 7%/GDP), tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu phải được Chính phủ Việt Nam kiên định theo đuổi, là chiến lược và mục tiêu phát triển lâu dài của đất nước. Qua quan sát Hình 5 ta thấy, ngoại trừ thiết bị y tế là nhóm hàng Việt Nam không có ưu thế, cần tiếp tục khai thác lợi thế cạnh tranh, khôi phục và phát triển ngành công nghiệp chế tạo và một số ngành kinh tế mũi nhọn khác, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài các mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử, sắt thép, nhôm, vải, thịt và thủy sản. Hình 5. Tốp 11 mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam (2011 - 2015) 45000 40000 35000 30000 25000 20000 15000 10000 5000 0 2011 2012 2013 2014 2015 Nguồn: UN Comtrade Statistics 177
  13. Bên cạnh đó, tác động thuận chiều của nợ nước ngoài tới cán cân vãng lai cần có thêm thông tin để kiểm chứng. Đối với trường hợp của Việt Nam, cần phải thận trọng trong hoạch định chính sách vay nợ nước ngoài. Trong trường hợp tồn tại tác động tích cực của yếu tố này tới cán cân vãng lai, vẫn có thể tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt khi xuất hiện sự biến động mạnh của tỷ giá do làn sóng đầu cơ (nội tệ mất giá), trong khi hiệu ứng về quy mô của phá giá nội tệ (do khả năng cạnh tranh kém của hàng hóa xuất khẩu) không phát huy tác dụng. Như vậy, bằng phương pháp ước lượng theo mô hình hồi quy dữ liệu bảng, nghiên cứu đã đưa ra câu trả lời có căn cứ cho các giả thuyết được đặt ra. Tuy nhiên, còn có một số câu hỏi thú vị như: (i), Những tác động nói trên có duy trì trong dài hạn hay không; và (ii), Các mối tương quan trên có đúng với các khu vực và quốc gia khác ngoài châu Á hay không? Điều này sẽ được tìm hiểu thêm trong các nghiên cứu sắp tới. Tài liệu tham khảo 1. Asrafuzzaman, Amit Roy và Sanat Das Gupta (2013), “An Empirical Investigation of Budget and Trade Deficits: The Case of Bangladesh”, International Journal of Economics and Financial Issues, Vol.3, No.3, pp. 570 - 579. 2. Barro, Robert J. (1989), “The Ricardian Approach to Budget Deficits”, The Journal of Economic Perspective, Vol.3, No.2, pp. 37 - 54. 3. Bernheim, Douglas B. (1988), “Budget deficit and the Balance of Trade”, trong “Tax Policy and the Economy”, Vol.2, MIT Press, pp.1 - 32. 4. Blecker, Robert A. (1999), “The Causes of the U.S. Trade Deficit”, Trade Deficit Review Commission. 5. Dorbusch, R. (1984), “External debt, budget deficit and exchange rates disequilibrium”, National Bureau of Economic Research Working Paper Series, No.1336. 6. Easterly, William & Klaus Schmidt-Hebbel (1993), “Fiscal Deficits and Macroeconomic Performance in Developing Countries”, The World Bank Research Observer, Vol.8, No. 2, pp. 211 - 237. 7. Emad Omar Elhendawy (2014), “The Relationship between Budget Deficit and Current Account Deficit in Egypt”,International Journal of Economics and Finance, Vol. 6, No. 3, pp. 169 - 176. 178
  14. 8. Helkie, William L. & Peter Hooper (1987), “An Empirical Analysis of the External Deficit”, International Finance Discussion Papers, No. 304. 9. Hoàng Thị Lan Hương (2013), “Hoàn thiện chính sách tỷ giá ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, Luận văn Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân, pp.121 - 122. 10. Hoang Thi Lan Huong (2016), “Budget deficit in Vietnam – From target economic “quadrangle” to “pentagon””, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Scientific and Plenary Meeting ASEA-UNINET 2016, ISBN 978 – 602 – 294 – 097 - 5, pp. 516 - 532. 11. International Monetary Fund, Annual Report on Exchange Arrangements and Exchange Rate Restrictions (2006 - 2014). 12. Krugman, Paul (1989), “Exchange Rate Instability”, Cambridge: MIT Press 13. Sargent,Thomas J. & Neil Wallace (1981), “Some Unpleasant Monetarist Arithmetic”, Quarterly Review, Federal Reserve Bank of Minneapolis. 14. Ziesemer, Thomas (2005), “How to cure the trade balance? Reducing budget deficits versus devaluations in the presence of J- and W-curves for Brazil”, No.019, Maastricht Economic Research on Innovation and Technology. 15. Website Bộ Tài chính, http:///www.mof.org.vn. 16. Website Thống kê thương mại Liên hợp quốc, http://www.trademap.org 179
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0