intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng và xu hướng phát triển logistics xanh hướng đến nâng cao hiệu quả thương mại quốc tế tại vùng Đông Nam bộ, Việt Nam

Chia sẻ: Tư Khấu Quân Tường | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:18

12
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Thực trạng và xu hướng phát triển logistics xanh hướng đến nâng cao hiệu quả thương mại quốc tế tại vùng Đông Nam bộ, Việt Nam" khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động logistics xanh để gia tăng năng lực cạnh tranh trong trao đổi thương mại quốc tế tại vùng Đông Nam Bộ, tập trung nhiều vào phát triển vận tải xanh trong hệ sinh thái logistics xanh. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng và xu hướng phát triển logistics xanh hướng đến nâng cao hiệu quả thương mại quốc tế tại vùng Đông Nam bộ, Việt Nam

  1. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI 30. THỰC TRẠNG VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN LOGISTICS XANH HƯỚNG ĐẾN NÂNG CAO HIỆU QUẢ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TẠI VÙNG ĐÔNG NAM BỘ, VIỆT NAM SV. Cao Yến Nhi*, ThS. Hoàng Thu Hằng* Tóm tắt Trong bối cảnh toàn cầu hóa, logistics đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa thương mại quốc tế. Điều đó đã tạo một áp lực lớn lên môi trường. Vì vậy, thuật ngữ “logistics xanh” ngày nay được chú trọng hơn bao giờ hết. Bài nghiên cứu được thực hiện dựa trên các phương pháp rà soát lý thuyết, phương pháp nghiên cứu tình huống điển hình, áp dụng phân tích SWOT và ma trận TOWS nhằm đưa ra các cơ sở lý thuyết chung liên quan đến phát triển logistics xanh, mang đến góc nhìn tổng quan về thực trạng phát triển logistics xanh hiện nay ở vùng Đông Nam Bộ (Việt Nam), kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm phát triển logistics xanh tại vùng Greater Jakarta (Indonesia) và vùng Delhi - NCR (Ấn Độ). Từ đó, nghiên cứu khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động logistics xanh để gia tăng năng lực cạnh tranh trong trao đổi thương mại quốc tế tại vùng Đông Nam Bộ, tập trung nhiều vào phát triển vận tải xanh trong hệ sinh thái logistics xanh. Từ khóa: logistics xanh, ma trận TOWS, nghiên cứu tình huống điển hình, thương mại quốc tế, vùng Đông Nam Bộ 1. GIỚI THIỆU Trong bối cảnh hiện nay, phát triển bền vững là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, thực hiện hoạt động logistics xanh trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết. Hiểu được tầm quan trọng của việc xanh hóa logistics, Việt Nam cũng đang trên con đường thực hiện vai trò của mình, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến vùng Đông Nam Bộ. * Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 411
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Đông Nam Bộ (sau đây gọi tắt là “ĐNB”) là một trong những vùng kinh tế trọng yếu, bao gồm 06 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Vùng có đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong những năm qua như: có hệ thống khu công nghiệp và cụm công nghiệp phát triển mạnh mẽ và đứng đầu cả nước, chiếm 30,6%, liên kết chặt chẽ với các hành lang kinh tế.1 Đồng thời, đây còn là trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ hàng đầu cả nước. Bên cạnh đó, sự chú trọng của lãnh đạo cũng đã được thể hiện qua phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2030, thống nhất với mục tiêu đến năm 2030, hướng tới việc biến vùng Đông Nam Bộ thành một vùng phát triển hiện đại, với thu nhập cao. Các ủy viên cho rằng, cần mở rộng phạm vi phát triển của vùng để giảm áp lực cho các khu vực trung tâm. Điều này sẽ được thực hiện thông qua ưu tiên đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, bao gồm giao thông, logistics, năng lượng, cấp thoát nước, và hạ tầng số. Mặc dù những kết quả và nhiều mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ đã đạt được theo Nghị quyết số 53-NQ/TW đề ra là đáng ghi nhận, tuy nhiên, những kết quả này chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng (Mai Hữu Bốn, 2023).  Nhận thấy được vai trò của logistics xanh, đặc biệt là vận tải xanh trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế và tiềm năng phát triển của ĐNB, bài nghiên cứu đã được thực hiện nhằm cung cấp cơ sở lý thuyết liên quan đến logistics xanh, mang đến góc nhìn về thực trạng phát triển vận tải xanh của vùng ĐNB, đánh giá cơ hội và khó khăn của vùng để từ đó đưa ra giải pháp cho phù hợp. Bài nghiên cứu được xem là bài viết đầu tiên cung cấp đầy đủ các góc nhìn chuyên sâu liên quan đến vận tải xanh ở vùng ĐNB. Với sứ mệnh đó, bài nghiên cứu sẽ bao gồm các phần sau đây để cung cấp cho độc giả góc nhìn rõ nét về thực trạng phát triển logistics xanh ở vùng ĐNB: giới thiệu chung về chủ đề logistics xanh, tổng quan về nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và thảo luận về kết quả nghiên cứu, từ đó đưa ra các đề xuất cho doanh nghiệp và Chính phủ để phát triển vận tải xanh ở vùng ĐNB. 2. NỘI DUNG 2.1. Tổng quan về nghiên cứu Hệ thống logistics Việt Nam giờ đây không chỉ để phục vụ cho vận chuyển hàng hóa trong nước mà cả các quốc gia khác trên thế giới. Điều đó đòi hỏi logistics phải thật sự là ngành nắm bắt được nhu cầu và xu hướng chung của toàn cầu để từ đó mà phát triển cho phù hợp. Một trong những xu hướng được nhận thấy rõ rệt nhất là “xanh hóa logistics”, bởi phát triển kinh tế nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng đã đóng góp từ 8 - 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.2 Và chắc hẳn, ngành logistics Việt Nam không thể nằm ngoài quy luật đó, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ, một trong những vùng kinh tế trọng yếu, đóng góp không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 1 Theo Báo Xây dựng (2023), truy cập từ https://baoxaydung.com.vn/thong-qua-quy-hoach-vung-dong-nam-bo- thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-366569.html 2 Theo Hội đồng Logistics Toàn cầu GLEC, 2019. 412
  3. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Thêm vào đó, một trong những tiền đề quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ hàng đầu cả nước nhằm thúc đẩy kinh tế của vùng Đông Nam Bộ là tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển, và logistics chính là cơ sở “chắp cánh” cho sự phát triển công nghiệp đó. Trong một nghiên cứu trước đây với chủ đề “Phát triển khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ” của tác giả Mai Hữu Bốn (tháng 01/2023) cũng đã đề cập đến thực trạng đầu tư các khu công nghiệp thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc. Tuy nhiên, ở trong bài viết, tác giả cũng chỉ ra một số hạn chế to lớn bao gồm: việc tổ chức triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách và các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, không đồng bộ và không kịp thời cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; chất lượng hạ tầng giao thông kết nối kém, thu hút đầu tư dàn trải, đào tạo nguồn nhân lực, lao động còn yếu và thiếu..., dẫn đến tình trạng bất cập về an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu... Như vậy, chúng ta càng khẳng định thêm rằng, định hướng phát triển logistics bền vững và hiện đại là điều không thể bàn cãi, cần phải hoạch định và triển khai quyết liệt, không chần chừ. Trong bối cảnh đó, đã từng có một số nghiên cứu trước đây về chủ đề logistics xanh như: nghiên cứu của Anil Kumar (2015), Yingfei và cộng sự (2022), Zaman và cộng sự (2017)..., nhưng có khá ít bài nghiên cứu về ảnh hưởng của logistics xanh đến thương mại quốc tế như: Lê Thu Hiền và cộng sự (2022), Wang và cộng sự (2018) là hai toàn văn tiêu biểu nhất (Phụ lục 1). Các bài nghiên cứu trên đã đề cập đến vai trò quan trọng của logistics khi thương mại quốc tế phát triển, nhưng kéo theo đó, các vấn đề liên quan đến môi trường cũng ngày càng xảy ra nghiêm trọng hơn. Do đó, thuật ngữ “logistics xanh” được đề cập đến trong các bài nghiên cứu trước đây như là một yếu tố có thể giảm thiểu những ảnh hưởng do hoạt động logistics gây ra với môi trường và nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trong trao đổi hàng hóa. Và cũng bằng cách phân tích các bài nghiên cứu hiện có, tác giả nhận thấy rằng, chưa có bài nghiên cứu nào thảo luận chuyên sâu về vấn đề phát triển vận tải xanh, đặc biệt là vận tải xanh ở vùng ĐNB nước ta. Do đó, bài nghiên cứu được thực hiện với mong muốn cung cấp các giải pháp để nâng cao lợi thế cạnh tranh của vùng trong thương mại quốc tế. Bài nghiên cứu này sẽ bổ sung các lý thuyết sâu hơn, ngoài khái niệm của nó được đề cập đến trong các bài nghiên cứu trước như: phân loại các hoạt động logistics xanh, logistics xanh và mối liên hệ với phát triển thương mại địa phương. Ngoài ra, nghiên cứu này còn học hỏi bài học kinh nghiệm từ vùng Greater Jakarta (Indonesia) và vùng Delhi - NCR (Ấn Độ) để phát triển logistics xanh của vùng ĐNB nước ta.  2.2. Cơ sở lý thuyết 2.2.1. Khái niệm logistics xanh “Logistics xanh” là một khái niệm phát triển trong lĩnh vực “logistics bền vững”, lần đầu tiên được đưa ra vào những năm 1980. Logistics xanh quan tâm đến việc sản xuất và phân phối hàng hóa một cách bền vững, có tính đến các yếu tố môi trường và xã hội. Các hoạt động logistics xanh bao gồm: đo lường tác động môi trường của các chiến lược phân phối khác nhau, giảm mức sử dụng năng lượng trong hoạt động logistics, giảm chất thải và quản 413
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA lý việc xử lý chúng (Sbihi và cộng sự, 2010). Ngoài ra, thuật ngữ “logistics xanh” được đề xuất như một công cụ của nền kinh tế tuần hoàn; thành phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; loại hoạt động kinh tế nhằm giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và môi trường (Dzwigol và cộng sự, 2021). Tại Việt Nam, trong “Báo cáo logistics xanh Việt Nam 2022” đã đưa ra khái niệm về logistics xanh: “Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường”. Nói tóm lại, cho dù theo định nghĩa của bất kỳ bài nghiên cứu nào thì logistics xanh đều nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững. 2.2.2. Phân loại các hoạt động logistics xanh Logistics xanh bao gồm xanh hóa hoạt động vận tải, hoạt động kho bãi, hoạt động đóng gói và xanh hóa hệ thống thông tin. Trong đó, bài nghiên cứu này chỉ chú trọng vào việc phát triển vận tải xanh ở vùng ĐNB, nên lý thuyết liên quan đến hoạt động này được nêu rõ ở phần dưới đây.  Hoạt động vận tải là nền tảng không thể thay thế, tuy nhiên, lại đặt ra một áp lực rất lớn đến môi trường. Hiện tại, ngành giao thông vận tải đóng góp khoảng 10,8% tổng lượng phát thải carbon tại Việt Nam.1 Sau khi xem xét mức độ tác động của giao thông truyền thống, các nhà nghiên cứu khẩn trương làm sáng tỏ định nghĩa vận tải xanh. Vận tải xanh có thể được định nghĩa là dịch vụ vận tải có ít tác động tiêu cực hơn đến sức khỏe con người và môi trường so với các dịch vụ vận tải hiện có. Vận tải xanh có thể là công nghệ kết hợp bao gồm sử dụng tối ưu nhiên liệu truyền thống, sử dụng hiệu quả công nghệ xe điện, sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu cho xe buýt và tăng cường giao thông công cộng (Lee và cộng sự, 2017). Hai yếu tố chính của vận tải ảnh hưởng đến môi trường là hệ thống mạng lưới giao thông (như: cơ sở hạ tầng, công nghệ tối ưu hóa lộ trình vận chuyển) và hoạt động của các phương tiện vận tải (như: sự chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu bền vững hoặc sử dụng vận chuyển đa phương thức). 2.2.3. Logistics xanh và mối liên hệ với phát triển thương mại quốc tế địa phương Các trung tâm thành phố ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có liên quan đến vận tải và hậu cần. Vận tải làm tăng ô nhiễm không khí, tiếng ồn và thậm chí là nhiệt độ quá cao, có tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân thành thị (Lagorio, Pinto, và Golini, 2016). Do không gian có giá trị ở các thành phố hấp dẫn hơn để bán làm nhà ở hoặc văn phòng hơn, các hoạt động logistics đã bị đẩy ra khỏi trung tâm thành phố về phía khu vực ngoại ô hoặc nông thôn trong vài năm qua. Điều này dẫn đến các tuyến giao hàng dài hơn vì sản phẩm phải được vận chuyển từ xa hơn vào trung tâm thành phố, gây thêm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Trong nghiên cứu của Mansouri và cộng sự (2023) đã cung cấp một bức tranh tổng quan về xu hướng nghiên cứu cập nhật đến năm 2023 với trọng tâm về phương thức quản trị và 1 Số liệu từ World Bank (2019), truy cập từ https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2019/09/17/new- study-offers-pathways-to-climate-smart-transport 414
  5. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI trách nhiệm xã hội trong quản lý các trung tâm phân phối logistics tại địa phương hướng tới mục tiêu logistics “xanh”. Nghiên cứu đề cập tới một nhóm yếu tố tác động đến hiệu quả phát triển logistics bền vững trong quy hoạch mạng lưới trung tâm phân phối bao gồm: khả năng tiếp cận về địa lý, tính an ninh, khả năng kết nối với vận tải đa phương thức, chi phí, tác động môi trường, khoảng cách gần với khách hàng và nhà cung cấp, nguồn lực sẵn có, tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng hóa bền vững và khả năng xảy ra thiên tai. Quy hoạch logistics đã và đang cố gắng phát triển các giải pháp thân thiện với môi trường giúp giảm bớt ùn tắc giao thông và các hậu quả tiêu cực khác mà vận tải hàng hóa gây ra đối với môi trường. Các chiến lược tồn tại để giải quyết vấn đề này bao gồm: việc sử dụng các phương tiện gom hàng, giải pháp hộp bento (tức là trạm đóng gói), giao hàng chặng cuối bằng xe điện và giao hàng trong giờ thấp điểm. 2.3. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu được xây dựng dựa trên mục tiêu của bài nghiên cứu và được tổng hợp cụ thể ở Hình 1 dưới đây: Hình 1. Minh họa về phương pháp nghiên cứu dựa trên các mục tiêu nghiên cứu Nguồn: Nhóm nghiên cứu 415
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2.4. Kết quả nghiên cứu 2.4.1. Thực trạng phát triển vận tải xanh ở vùng Greater Jakarta (Indonesia) 2.4.1.1. Giới thiệu về Indonesia và vùng Greater Jakarta  Indonesia là quốc gia nằm giữa Đông Nam Á và châu Đại Dương. Indonesia cũng có chung biên giới với Singapore, Malaysia, và Philippines ở phía bắc và Australia ở phía nam bằng một dải nước hẹp.1 Đây là đất nước vạn đảo, với số lượng lên tới 17.508 hòn đảo, trong đó hơn 6.000 đảo chưa có người ở. Indonesia có hơn 80.000 km bờ biển (dài hơn 24,5 lần bờ biển Việt Nam) nên biển đảo là nguồn tài nguyên phong phú của xứ sở này.2 Thủ đô của Indonesia là Jakarta, với dân số hơn 10 triệu người nhưng diện tích chỉ có 661,5 km2 (chưa bằng 3/10 Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam) nên nạn kẹt xe thường xuyên xảy ra ở khu vực này. Thủ đô Jakarta và các vùng lân cận gộp nên tạo thành khu vực Greater Jakarta (hay còn gọi là Jabodetabek), đây là thành phố siêu đô thị cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa của thành phố. Hiện tại, Khu công nghiệp Greater Jakarta xử lý tới 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu và 70% giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Indonesia. Kết quả là, các vấn đề giao thông đô thị, chẳng hạn như tắc nghẽn giao thông, đang trở nên tồi tệ hơn ở khu vực đô thị Greater Jakarta. Vì lý do về sự xuống cấp trong cơ sở hạ tầng đường bộ và có nhiều cảng biển giống như vùng ĐNB Việt Nam, nên khía cạnh vận tải xanh về đường bộ và đường biển của vùng sẽ được phân tích rõ ở phần dưới đây. 2.4.1.2. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng 1) Đường bộ Hiện nay, 70% lưu lượng phương tiện hạng nặng đến cảng Tanjung Priok (cảng lớn nhất Indonesia) xuất phát từ khu công nghiệp (theo JICA), đã đặt gánh nặng đáng kể và dẫn đến tắc nghẽn nghiêm trọng ở hầu hết các tuyến đường thu phí ở Jakarta, bao gồm cả đường thu phí liên tỉnh và đường vành đai là lối đi chính đến và đi từ sân bay. Hiện tượng tắc nghẽn này đã làm giảm độ bền của mặt đường và kém hiệu quả về mặt giao hàng kịp thời. Mặt khác, từ số liệu của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2018 - 2021, tại Indonesia có 13 dự án hạ tầng giao thông thân thiện với môi trường được ghi nhận, trong đó có 7 dự án đặt tại Jakarta bao gồm: Sân vận động quốc tế LRT Gading-Jakarta (JIS), MRT giai đoạn 3 Kalideres Ujung Menteng (Hành lang Đông - Tây), MRT giai đoạn 4 Fatmawati-TMII, Hành lang Bắc - Nam MRT Jakarta, tàu Jakarta-Surabaya, tàu sân bay Soekarno Hatta, Khu vực định hướng quá cảnh Pegangsaan Dua (TOD). Trong đó có dự án hành lang Bắc - Nam MRT Jakarta và tàu sân bay Soekarno Hatta đã hoàn thành và dựa trên nguồn huy động vốn từ trái phiếu xanh.3 1 Theo World Atlas. 2 Theo Báo Thanh niên (2010), truy cập tại https://thanhnien.vn/indonesia-dat-nuoc-van-dao-18598195.htm 3 Thông tin tham khảo từ website Bộ Giao thông Cộng hòa Indonesia (2022), truy cập từ Kemenhub Sepakati Program G to G Future Cities Green Transportation Kementerian Perhubungan Republik Indonesia (dephub.go.id) 416
  7. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Về sự chuyển đổi nhiên liệu xanh, các doanh nghiệp logistics như DHL Express – nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới, đã mua hai xe tải điện ở Indonesia, như một phần trong nỗ lực giúp đáp ứng mục tiêu của Tập đoàn Deutsche Post DHL là giảm tất cả lượng khí thải liên quan đến hậu cần và thúc đẩy hậu cần xanh. Những chiếc xe điện mới này có thể di chuyển quãng đường lên tới 150 km và chở được tải trọng lên tới 4,8 mét khối;1 được triển khai để giao hàng tại các khu vực khu trung tâm thương mại ở Jakarta. Ngoài việc giảm lượng khí thải carbon so với các loại xe thương mại thông thường, những chiếc xe tải điện này còn được cung cấp năng lượng từ pin lithium iron phosphate, an toàn hơn và ít ồn hơn khi sử dụng. 2) Đường biển Việc áp dụng logistics xanh cũng được thực hiện trong vận tải đường biển. Sea Toll (hay còn gọi là hệ thống thu phí đường biển) là hệ thống kết nối tất cả các cảng quan trọng ở Indonesia, hệ thống này sẽ giảm các yếu tố chi phí như: chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho và tiêu hao nhiên liệu mà thông thường vận tải đường biển chỉ di chuyển từ cảng này sang cảng khác theo hai hướng. Hệ thống thu phí đường biển cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua một hệ thống hiệu quả dựa trên các yếu tố địa lý của Indonesia. Như ở Hình 2, dự án Sea Toll kết nối 5 cảng chính – Belawan và Kuala Tanjung ở Bắc Sumatra, Batam ở Quần đảo Riau, Tanjung Priok ở Jakarta, Tanjung Perak ở Surabaya, Đông Java, Makassar ở Nam Sulawesi và Sorong ở Papua cũng như các cảng nhỏ khác khắp cả nước (Setiawan và Koestoer, 2021). Hình 2. Minh họa về dự án Sea Toll của Indonesia Nguồn: Kusuma and Tseng (2019) 1 Thông tin tham khảo từ website của DHL (2022), truy cập từ https://www.dhl.com/id-en/home/press/press- archive/2022/dhl-express-introduces-electric-vehicles-in-indonesia-for-sustainable-logistics.html 417
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2.4.1.3. Thực trạng về chính sách và quy định Bộ Công trình công cộng Indonesia đã lồng ghép thực hành xanh vào xây dựng đường bộ theo Luật số 13/PRT/M/2015. Luật này có ý nghĩa cơ bản vì sự phát triển đường bộ ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện ở Indonesia đã tăng từ 523,974 km vào năm 2015 lên 539,415 km vào năm 2017. Bên cạnh đó, năm 2015, Chính phủ Indonesia cam kết giảm 29% lượng khí thải từ năm 2020 đến năm 2030 (vô điều kiện) lên tới 41% (có điều kiện) so với kịch bản thông thường vào năm 2030, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Liên quan đến những nỗ lực này, Chính phủ Indonesia và Chính phủ Anh đã nhất trí hợp tác “G to G” (Chính phủ đến Chính phủ) trong Chương trình Phát triển Giao thông vận tải Carbon thấp ở Indonesia, được đánh dấu bằng việc triển khai chương trình có tên “Thành phố tương lai - LCP: Quan hệ đối tác carbon thấp giữa Anh và Indonesia” đầu tháng 7/2022. Chương trình này là bước đầu tiên trong cam kết của cả hai nước nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua phát triển giao thông công cộng đô thị thân thiện với môi trường. Ngoài ra, mới đây nhất, khi phát biểu tại Triển lãm Ô tô quốc tế Indonesia 2024 ở Jakarta, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, Agus Gumiwang Kartasasmita, lưu ý rằng, sự tồn tại của các nhà máy xe điện là điều cần thiết để giúp Indonesia đạt được mục tiêu hấp thụ thị trường các phương tiện thân thiện với môi trường và cạnh tranh ở cấp độ quốc tế. Do đó, Chính phủ đã chuẩn bị các ưu đãi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vốn để chế tạo xe điện (EV) ở Indonesia, (theo Antara News). Nhìn chung, vùng Greater Jakarta đã có sự phát triển về cơ sở hạ tầng đường bộ và đường biển cũng như các quy định và chính sách do Chính phủ ban hành có thể hỗ trợ phát triển vận tải xanh. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng cho quốc gia này, và cũng là một bài học tốt để Việt Nam lấy đó làm động lực và cơ sở để phát triển logistics bền vững của đất nước, đặc biệt là vùng trọng điểm ĐNB. 2.4.2. Thực trạng phát triển logistics xanh ở vùng Delhi - NCR (Ấn Độ)  2.4.2.1. Giới thiệu chung về Ấn Độ và vùng Delhi - NCR Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng, với các ngành công nghiệp chính như: dịch vụ, sản xuất và nông nghiệp. Trong đó, nổi bật có thể kể đến vùng Thủ đô Quốc gia (NCR) - bao gồm Delhi cùng với các thành phố vệ tinh Gurgaon, Noida, Greater Noida, Ghaziabad và Faridabad - là một trong những đô thị lớn nhất Ấn Độ. Từ góc độ công nghiệp và hậu cần, NCR không chỉ là cửa ngõ vào Bắc Ấn Độ mà còn là một trong những nút phát triển nhanh và quan trọng nhất của đất nước do có cơ sở sản xuất và tiêu dùng lớn. Vùng có các đặc điểm về dân cư đông đúc, có nhiều khu công nghiệp, tuy nhiên, kết nối hạ tầng vẫn có nhiều điểm bất cập. Những nỗ lực cải thiện trong những năm qua của vùng là đáng được ghi nhận và được xem là một bài học quý giá để vùng ĐNB có thể học hỏi và phát triển logistics xanh. Vì quốc gia này chủ yếu sử dụng hai phương thức vận chuyển chính là đường 418
  9. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI bộ và đường biển (Jain và Korzhenevych, 2017), tuy nhiên, hạ tầng đường sắt Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém và khó để phát triển nhanh trong ngắn hạn và trung hạn, nên bài học liên quan đến phát triển hạ tầng đường bộ của vùng Delhi - NCR sẽ được nghiên cứu kỹ hơn ở phần dưới đây. 2.4.2.2. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng Sự tăng trưởng công nghiệp của khu vực chủ yếu nhờ vào kết nối với nhiều biên giới bang như: Punjab, Uttar Pradesh, Haryana và Rajasthan. Với 10 đường cao tốc quốc gia và nhiều bang đi qua NCR, khu vực này tự hào có mạng lưới giao thông đường bộ 5.285 km được kết nối mạnh mẽ. Đường cao tốc Kundli Manesar Palwal (KMP) (hay đường cao tốc ngoại vi phía tây), dài 135 km, được khánh thành vào năm 2018, đã cải thiện đáng kể khả năng kết nối và tích hợp khu vực của NCR, từ đó tạo ra xương sống cho cả phát triển sản xuất và kho bãi.  Ngoài ra, dự án đường cao tốc dài nhất thế giới New Delhi Mumbai sẽ đóng vai trò là chất xúc tác mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo Báo Tuổi trẻ, thời gian di chuyển của xe tải từ Mumbai đến Delhi sẽ được rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 18 - 20 giờ, thay vì phải mất khoảng 48 giờ như trước đó. Dự kiến dự án này sẽ tăng cường hơn nữa khả năng kết nối với các vùng khác của đất nước, từ đó biến NCR trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư đầu tư vào khu vực. 2.4.2.3. Quy định và chính sách Ấn Độ đã cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức zero ròng vào năm 2070. Nước này cũng cam kết giảm 45% cường độ phát thải trong GDP vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà sản xuất của Ấn Độ nhắm đến xe tải điện để giảm ô nhiễm.1 Ngoài ra, vào ngày 19/02/2016, Bộ Vận tải Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ (MoRTH) đã ban hành thông báo dự thảo về tiêu chuẩn khí thải Bharat Stage (BS) VI cho tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ chính ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, năm 2020, tiếp nối với chương trình FAME I trước đó, Ấn Độ đã phê duyệt Chương trình FAME II giai đoạn 2020 - 2023 với trọng tâm chính là tài trợ khoản trợ cấp tối đa tới 30.000 Rupee (tương đương 8,7 triệu đồng) cho người mua xe máy điện và tối đa 1,5 lakh (tương đương khoảng 43,5 triệu đồng) cho người mua ô tô điện toàn phần hoặc xe hybrid tùy theo dung tích pin.2 Cũng giống như Indonesia, hạ tầng đường bộ ở Delhi - NCR của Ấn Độ chủ yếu tập trung phát triển về khía cạnh xây dựng các tuyến đường cao tốc nhằm gia tăng sự liên kết giữa các vùng trong khu vực với nhau. Các chính sách và sự ủng hộ của Chính phủ liên quan đến phát triển bền vững và sử dụng các nguồn năng lượng ít gây thải ra môi trường cũng là một trong những động lực rất tốt để vùng Delhi - NCR có thể tăng cường thúc đẩy phát triển logistics xanh hơn nữa trong tương lai. 1 Thông tin tham khảo từ Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (2023), truy cập từ https://thesaigontimes.vn/cac-nha-san-xuat- cua-an-do-nham-den-xe-tai-dien-de-giam-o-nhiem/ 2 Theo Vietnamnet (2023), truy cập từ https://vietnamnet.vn/loat-chinh-sach-tro-cap-xe-dien-hap-dan-cua-cac-quoc- gia-tren-the-gioi-2226745.html 419
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2.4.3. Thực trạng phát triển vận tải xanh ở vùng Đông Nam Bộ (Việt Nam) Thực trạng về phát triển vận tải xanh ở vùng ĐNB sẽ được tóm tắt thông qua bảng SWOT sau đây: Bảng 1. Thực trạng về phát triển vận tải xanh ở vùng ĐNB Điểm mạnh (S) Điểm yếu (W) S1: Có các tuyến đường quan trọng để vận chuyển hàng hóa: quốc lộ W1: Tình trạng ùn tắc 1, quốc lộ 51… W2: Hệ thống đường sá xuống cấp trầm trọng S2: Có cụm cảng biển lớn: cảng Sài Gòn, cảng Vũng Tàu, cảng Cái Mép W3: Thiếu kết nối đa phương thức gây tắc nghẽn, thiếu đồng - Thị Vải… bộ, chi phí tăng cao2 S3: Vùng có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất W4: Cả nước chỉ có tuyến đường sắt Bắc - Nam (Thống Nhất) S4: Có hệ thống khu công nghệ quan trọng ở các tỉnh Bình Dương, để kết nối  Đồng Nai S5: Đã có sự chuyển đổi từ sử dụng động cơ đốt trong sang nhiên liệu thân thiện với môi trường như: Lazada Logistics (kết hợp với Selex Motor), ASV Airport Taxi, Lado Taxi…1 S6: Có các chính sách, quy định của Nhà nước để ủng hộ cho việc phát triển bền vững nói chung và vận tải xanh nói riêng như: Luật Bảo vệ môi trường 2019, Hiệp định ký kết với các quốc gia khác trong Hội nghị thượng đỉnh về 17 mục tiêu phát triển bền vững  Cơ hội (O) Thách thức (T) O1: Sự phát triển của yếu tố công nghệ giúp tối ưu hóa lộ trình đi cho T1: Sự cạnh tranh của các quốc gia lân cận về phát triển xe tải: Abivin vRoute, hệ thống TMS… logistics xanh O2: Có nhiều dự án đường bộ sắp được quy hoạch: cao tốc Biên Hòa T2: Chi phí chuyển đổi logistics xanh cao - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Vành đai 33… O3: Có dự án khu bến cảng biển Đồng Nai đang được triển khai4 O4: Các dự án đường sắt được phê duyệt triển khai: đường sắt Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu… O5: Dự án sân bay Long Thành sắp được hình thành O6: Sự phát triển kinh tế của vùng ĐNB thể hiện qua giá trị xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài… Nhìn chung, hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng ĐNB Việt chủ yếu phát triển mạnh và lĩnh vực đường bộ và đường biển, đặc biệt là sự kết hợp đa phương thức đường bộ và đường biển trong vận tải quốc tế. Về đường hàng không, mặc dù có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hằng năm tiếp nhận một lượng lớn khách hàng và lượng hàng hóa quốc tế cũng tương đối nhiều, tuy nhiên, khoảng cách di chuyển từ các khu công nghiệp đến sân bay còn xa và chi phí hàng 1 Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2022. 2 Theo VnEconomy (2023), truy cập từ https://vneconomy.vn/khoi-thong-cac-diem-nghen-logistics-dong-nam-bo.htm 3 Theo Báo Lao động (2023), truy cập từ https://laodong.vn/giao-thong/loat-du-an-cao-toc-duong-sat-sap-trien- khai-tao-dot-pha-vung-dong-nam-bo-1218075.ldo 4 Theo Báo Đồng Nai (2021), truy cập từ https://baodongnai.com.vn/tintuc/202109/dong-nai-co-3-khu-ben-cang- bien-3081016/ 420
  11. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI không tương đối cao. Do đó, phương thức hàng không không phát triển như phương thức đường bộ và đường biển. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với sự phát triển của vùng thông qua ban hành một số chính sách và quyết định nhằm ủng hộ cho sự phát triển bền vững nói chung và vận tải xanh nói riêng. 2.5. Thảo luận về kết quả nghiên cứu Từ những phân tích trên, ta nhận thấy, về mặt phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng đã có những quy hoạch dự án đường cao tốc để kết nối các tỉnh, thành với nhau, như cách mà hai quốc gia Indonesia và Ấn Độ đã làm. Điều này làm giảm khoảng cách và thời gian di chuyển nhằm tránh lãng phí về mặt nhiên liệu. Có lẽ đây là điểm tích cực mà Việt Nam sẽ cần phải đẩy mạnh phát triển hơn nữa ở hiện tại và tương lai. Một điểm tương đồng nữa của Việt Nam và Indonesia là có sự phát triển về vận tải đường biển. Điều thú vị về phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia này là xây dựng chương trình thu phí đường biển để tạo điều kiện phát triển vận chuyển hàng hóa từ các vùng ở xa, điều này làm giảm áp lực lên các cảng chính của vùng, đồng thời giảm thiểu sự chênh lệch về chi phí giữa các đảo chính và đảo “hẻo lánh, bị cô lập”. Đây là điểm đáng để Việt Nam học hỏi và tạo ra các bước tiến lớn hơn trong vận tải biển quốc tế. Bên cạnh đó, về mặt chính sách, cả Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam đều có các chính sách quy hoạch cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển các loại xe điện nhằm đẩy mạnh phát triển logistics xanh. Ngoài ra, Chính phủ của các quốc gia cũng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt thông qua việc ban hành và ký kết các hiệp định về phát triển bền vững với quốc gia khác. Đây là điều đáng mừng vì các chính sách có sức ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến hoạt động logistics của nước nhà. 3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Từ các kết quả phân tích, logistics xanh thực sự là yếu tố có mối quan hệ tương tác lẫn nhau với sự phát triển thương mại quốc tế. Trao đổi hàng hóa càng gia tăng sẽ tạo ra sự bành trướng cho logistics, và chỉ phát triển mỗi logistics thôi là chưa đủ, mà phải là logistics xanh để phù hợp với xu hướng hiện tại. Do đó, các quốc gia trên thế giới đang tập trung nguồn lực vào phát triển logistics xanh, trong đó có hai tình huống nổi bật khi có điều kiện khác giống với vùng ĐNB là vùng Greater Jakarta (Indonesia) và vùng Delhi - NCR (Ấn Độ), khi đây là vùng có dân số đông đúc và đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia, tuy nhiên, hạ tầng còn kém phát triển, chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế của vùng. Trên nền tảng phân tích SWOT, ma trận TOWS sau đó cũng được thiết lập nhằm lựa chọn chiến lược phát triển vùng cho phù hợp. Từ đó, chiến lược được cho là phù hợp nhất để phát triển vận tải xanh của vùng là chiến lược ST (lấy điểm mạnh để khắc phục những thách thức) (Phụ lục 2). Do đó, khuyến nghị dưới đây được đưa ra nhằm giúp Chính phủ và doanh nghiệp xem xét và thực hiện các giải pháp để cải thiện tình trạng phát triển logistics xanh ở ĐNB. Cụ thể hơn, Chính phủ có thể đưa ra chương trình hỗ trợ thu phí cảng biển Sea Toll, để giảm thiểu sự chênh lệch giữa các cảng biển lớn của vùng như ở Thành phố Hồ Chí Minh và 421
  12. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Bà Rịa - Vũng Tàu, sang các tỉnh lân cận như Đồng Nai. Điều này được cho là giảm áp lực vận tải hàng hóa lên các cảng chính, đồng thời tạo điều kiện cho mạng lưới cảng ở các thành phố khác phát triển đồng đều hơn. Ngoài ra, việc ban hành chính sách quy hoạch cho một số dự án đường cao tốc, đường biển, đường sắt và sân bay Long Thành cũng đã cho thấy một số tiềm năng nhất định của các dự án, nhưng Nhà nước cần có biện pháp quản lý gắt gao hơn trong việc thực hiện đúng tiến độ dự án để mạng lưới kết nối được hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách liên quan đến miễn giảm thuế để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.  Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics cần chú trọng phát triển xanh hóa trong toàn bộ quy trình của mình, bao gồm các hoạt động liên quan đến vận tải, kho bãi, đóng gói và hệ thống thông tin xanh. Các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần chuyển đổi các quy trình giấy tờ thủ tục rườm rà sang tích hợp dữ liệu trên máy tính, tránh in ấn nhiều giấy tạo chất thải ra môi trường. Việc tích hợp công nghệ sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa quản lý quy trình và tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa, giúp giảm thiểu thời gian, đồng thời giảm lượng khí thải ra môi trường. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần tích cực sử dụng phương thức vận tải đa phương thức, có thể kết hợp vận tải đường bộ và đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa đến các cảng lớn, phục vụ cho trao đổi hàng hóa quốc tế. Bên cạnh đó, mặc dù chi phí vận tải đường hàng không khá cao, nhưng tích cực kết hợp phương thức đường bộ và đường hàng không cũng là một lựa chọn đáng để xem xét, đặc biệt là sau khi khánh thành sân bay Long Thành, khoảng cách di chuyển từ các trung tâm công nghiệp đến sân bay sẽ được rút ngắn đáng kể.  Các giải pháp trên được đưa ra từ lợi thế của vùng như có sẵn hệ thống đường bộ, các cảng biển cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ để có thể nhanh chóng phát triển và đi trước so với các quốc gia lân cận, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 422
  13. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI PHỤ LỤC Phụ lục 1. Tóm tắt về các bài nghiên cứu trước đây trong và ngoài nước STT Tên đề tài Tác giả Nội dung nghiên cứu 1 Green Logistics Anil Kumar Bài viết nhấn mạnh vào vai trò của logistics xanh trong thúc đẩy tăng trưởng for sustainable (2015) thương mại, đồng thời cũng gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, đặc development: An biệt là khu vực thành thị – nơi diễn ra nhiều sự trao đổi hàng hóa. Cùng analytical review với đó, bài viết này phân tích cách các nhà quản lý logistics có thể dẫn dắt sáng kiến trong lĩnh vực này bằng cách kết hợp các nguyên tắc quản lý môi trường vào quá trình ra quyết định hàng ngày của họ để có thể đạt được sự phát triển bền vững. 2 Green logistics Yingfei và Bài nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc nhằm phát hiện ra mối liên performance and cộng sự (2022) hệ giữa cơ sở hạ tầng và hiệu quả hoạt động logistics xanh trong lĩnh vực infrastructure on dịch vụ. Phương pháp mô hình hóa phương trình cấu trúc - phân tích bình service trade and phương nhỏ nhất một phần (PLS - SEM) đã được sử dụng trong nghiên cứu environment- này. Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, cơ sở hạ tầng và hiệu quả hoạt Measuring firm’s động logistics xanh có ảnh hưởng tích cực đến thương mại dịch vụ và môi performance and trường. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của công ty service quality cũng là những yếu tố quan trọng trong việc cải thiện thương mại dịch vụ ở đất nước này. 3 Green logistics Zaman và Mục tiêu của nghiên cứu là kiểm tra tác động của các chỉ số hiệu quả hoạt and national scale cộng sự (2017) động logistics đối với các chỉ số kinh tế quy mô quốc gia, tức là năng lượng, economic indicators: môi trường và sức khỏe kinh tế trong một nhóm gồm 27 quốc gia châu Âu Evidence from a trong giai đoạn 2007 - 2014. Kết quả cho thấy chỉ số hiệu quả hoạt động panel of selected logistics xét về “tính kịp thời” làm tăng đáng kể GDP trên mỗi đơn vị sử dụng European countries năng lượng, chi tiêu y tế và thu nhập bình quân đầu người, trong khi chỉ số hiệu quả hậu cần xét về “cơ sở hạ tầng” làm tăng nguồn năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải carbon. Chỉ số “năng lực” logistics có tác động khác biệt đến môi trường, một mặt, nó làm giảm đáng kể gánh nặng tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, mặt khác, làm tăng đáng kể lượng khí thải carbon. “Các chuyến hàng quốc tế” hậu cần làm tăng năng lượng nhiên liệu hóa thạch trong một khu vực. Nghiên cứu kết luận rằng, các chỉ số logistics có mối liên hệ đáng kể với các chỉ số kinh tế quy mô quốc gia thúc đẩy quản lý chuỗi cung ứng xanh trong khu vực. 4 Impact of Green Lê Thu Hiền và Logistics xanh đang là xu hướng trên thế giới. Nghiên cứu này đánh giá tác Logistics on cộng sự (2022) động của logistics xanh đến thương mại quốc tế giữa các quốc gia APEC trong International khoảng thời gian 9 năm (2010 - 2018). Nghiên cứu sử dụng mô hình trọng Trade: An Empirical lực tăng cường để nghiên cứu tác động của hậu cần xanh đối với thương mại Study in Asia – quốc tế thông qua chỉ số Hiệu suất hậu cần môi trường (ELPI). Kết quả cho Pacific Economic thấy, các nước xuất khẩu áp dụng logistics xanh đã tăng khối lượng xuất khẩu Cooperation sang các thành viên khác của APEC. Về lâu dài, các nước nhập khẩu tham gia logistics xanh sẽ tăng khối lượng thương mại với các nước logistics xanh trong APEC. Với mục tiêu tăng cường thương mại quốc tế, các nước APEC phải nâng cao hiệu quả hoạt động logistics trong nước. Thông qua những phân tích đó, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm khuyến khích các quốc gia và doanh nghiệp áp dụng logistics xanh một cách hiệu quả. 423
  14. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA STT Tên đề tài Tác giả Nội dung nghiên cứu 5 The Green Wang và cộng Mục đích của nghiên cứu này là khám phá mối quan hệ giữa hậu cần xanh và Logistics Impact sự (2018) thương mại quốc tế. Quy trình hai giai đoạn của Heckman được sử dụng để on International ước tính mô hình trọng lực tăng cường, đặc biệt bao gồm các biến số hậu cần Trade: Evidence xanh với dữ liệu của 113 quốc gia và khu vực trong giai đoạn 2007 - 2014. from Developed Các phát hiện cho thấy chỉ số Hiệu suất hậu cần (LPI) của các nước xuất khẩu and Developing và nhập khẩu có mối tương quan thuận với khối lượng thương mại và LPI Countries của các nước xuất khẩu ảnh hưởng tích cực đến xác suất thương mại. Xem xét toàn bộ mẫu, hiệu quả logistics xanh của các nước xuất khẩu ảnh hưởng tích cực đến xác suất và khối lượng xuất khẩu. Đối với dòng chảy thương mại giữa các nước đang phát triển - đang phát triển, các nước phát triển - phát triển và các nước đang phát triển - đang phát triển, hiệu quả logistics xanh của các nước nhập khẩu có tác động tiêu cực đến khối lượng xuất khẩu của các nước xuất khẩu. Xét về dòng chảy thương mại giữa các nước đang phát triển và các nước đang phát triển, hiệu quả logistics xanh của các nước nhập khẩu có tác động tiêu cực đến khả năng xuất khẩu và tác động tích cực đến khối lượng xuất khẩu. Các kết quả nghiên cứu hiện tại sẽ hỗ trợ Chính phủ và các nhà xuất khẩu hiểu được mối quan hệ giữa hậu cần xanh và thương mại quốc tế, đồng thời giúp cải thiện chính sách và hoạt động xanh của họ hướng tới phát triển bền vững. 424
  15. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Phụ lục 2. Ma trận TOWS   Cơ hội (Opportunity) Thách thức (Threats) O1: Sự phát triển của yếu tố công nghệ T1: Sự cạnh tranh của các quốc gia lân O2: Có nhiều dự án đường bộ sắp được quy hoạch cận về phát triển logistics xanh O3: Có nhiều dự án cảng biển đang được triển khai T2: Chi phí chuyển đổi logistics xanh cao O4: Các dự án đường sắt được phê duyệt triển khai   O5: Dự án sân bay Long Thành sắp được hình thành O6: Sự phát triển kinh tế của vùng ĐNB thể hiện qua giá trị xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài  O7: Khách hàng có nhận thức về logistics cao Điểm mạnh (Strengths) Tận dụng điểm mạnh để nắm bắt cơ hội Tận dụng điểm mạnh để cải thiện S1: Có các tuyến đường - S2S4O2: (S2: Có cụm cảng biển lớn, S4: Có hệ rủi ro quan trọng thống khu công nghiệp đa dạng, O2: Có nhiều dự - S1S2S4S6T1: (S1: Có các tuyến đường S2: Có cụm cảng biển lớn án đường bộ sắp được quy hoạch) quan trọng, S2: Có cụm cảng biển lớn, S3: Vùng có sân bay quốc Kết hợp hệ thống khu công nghiệp đa dạng cộng S4: Có hệ thống khu công nghiệp đa tế Tân Sơn Nhất với nhiều dự án đường bộ sắp được quy hoạch sẽ dạng, S5: Đã có sự chuyển đổi từ sử dụng S4: Có hệ thống khu công là sự kết nối hoàn hảo từ các hệ thống khu công động cơ đốt trong sang nhiên liệu thân nghiệp đa dạng nghiệp đến các cảng biển. Việc các dự án đường thiện với môi trường, S6: Có các chính S5: Đã có sự chuyển đổi từ cao tốc được triển khai sẽ làm rút ngắn khoảng sách, quy định của Nhà nước để ủng hộ sử dụng động cơ đốt trong cách di chuyển, nhằm giảm thiểu khí thải tác cho việc phát triển bền vững nói chung sang nhiên liệu thân thiện động từ phương tiện vận tải ra môi trường. Một và vận tải xanh nói riêng, T1: Sự cạnh với môi trường số cao tốc được hình thành trong tương lai như: tranh của các quốc gia lân cận về phát S6: Có các chính sách, quy cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Thành phố triển logistics xanh) định của Nhà nước để ủng Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Tận dụng lợi thế của một số tuyến đường hộ cho việc phát triển bền Lức - Long Thành… quan trọng như: quốc lộ 1, quốc lộ 51 và vững nói chung và vận tải - S1S4O5: (S1: Có các tuyến đường quan trọng, cụm cảng biển lớn như: cụm cảng Cái xanh nói riêng S4: Có hệ thống khu công nghiệp đa dạng, O5: Mép - Thị Vải, cảng Sài Gòn, cảng Vũng Dự án sân bay Long Thành sắp được hình thành) Tàu… và hệ thống khu công nghiệp đa   Vận tải hàng không với lượng hàng nhỏ tạo ra giá dạng nhằm gia tăng sức cạnh tranh và   trị lớn cùng với nhiều dự án đường cao tốc quan nhanh chóng thực hiện logistics xanh trọng như cao tốc Long Thành - Dầu Giây sẽ kết để giảm thiểu nguy cơ cạnh tranh từ các nối hàng hóa từ khu công nghiệp đến ga cảng của quốc gia khác sân bay Long Thành Điểm yếu (Weaknesses) Khắc phục điểm yếu để nắm bắt cơ hội Khắc phục điểm yếu để hạn chế rủi ro W1: Tình trạng ùn tắc -   W1O1O2: (W1: Tình trạng ùn tắc, O1: Sự phát -   W1W2W3T1: (W1: Tình trạng ùn tắc, W2: Hệ thống đường sá triển của yếu tố công nghệ, O2: Có nhiều dự án W2: Hệ thống đường sá xuống cấp trầm xuống cấp trầm trọng đường bộ sắp được quy hoạch) trọng, W3: Thiếu kết nối đa phương thức W3: Thiếu kết nối đa Tình trạng ùn tắc hiện nay diễn ra thường gây tắc nghẽn, thiếu đồng bộ, chi phí phương thức gây tắc nghẽn, xuyên, đặc biệt là các giờ cao điểm ở một số tăng cao, T1: Sự cạnh tranh của các quốc thiếu đồng bộ, chi phí tuyến đường như: Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông gia lân cận về phát triển logistics xanh) tăng cao Tây… gây cản trở cho việc lưu thông hàng hóa Nhằm hạn chế sự cạnh tranh đến từ các W4: Cả nước chỉ có tuyến diễn ra nhanh chóng. Do đó, cần phải có sự quốc gia lân cận, vùng ĐNB phải nhanh đường sắt Bắc - Nam kết hỗ trợ về mặt công nghệ, đồng thời xây dựng chóng giải quyết các vấn đề liên quan nối đường sắt thêm một số tuyến đường và tuyến đường cao đến ùn tắc giao thông, hệ thống đường tốc quan trọng nhằm giảm thiểu gánh nặng sá xuống cấp trầm trọng, phải đồng cho các tuyến đường vận tải chính hiện có. bộ, gia tăng được tính kết nối của vùng nhằm phát triển vận tải đa phương thức. 425
  16. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA W1O4: (W1: Tình trạng ùn tắc, O4: Các dự án đường sắt được phê duyệt triển khai) Tình trạng ùn tắc diễn ra nhiều ở đường bộ, do đó, việc xây dựng thêm các tuyến đường sắt vừa chia sẻ “gánh nặng” về ùn tắc giao thông, vừa giảm thiểu tác động do vận tải đường bộ gây ra - W2O2: (W2: Hệ thống đường sá xuống cấp trầm trọng, O2: Có nhiều dự án đường bộ sắp được quy hoạch) Cải thiện tình trạng đường sá xuống cấp trầm trọng bằng việc xây dựng thêm các tuyến đường quan trọng mới và các tuyến đường cao tốc giúp vận tải đường bộ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng -   W3O1O2O3O4: (W3: Thiếu kết nối đa phương thức gây tắc nghẽn, thiếu đồng bộ, chi phí tăng cao, O1: Sự phát triển của yếu tố công nghệ, O2: Có nhiều dự án đường bộ sắp được quy hoạch, O3: Có nhiều dự án cảng biển đang được triển khai) Hệ thống các đường cao tốc, tuyến đường sắt và sân bay Long Thành được xây dựng sẽ giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra ở đường bộ W4O4: (W4: Cả nước chỉ có tuyến đường sắt Bắc - Nam kết nối đường sắt, O4: Các dự án đường sắt được phê duyệt triển khai) Việc xây dựng thêm một số tuyến đường sắt sẽ giúp cải thiện được tình trạng vận tải đường sắt chỉ phụ thuộc duy nhất vào tuyến Bắc - Nam cả nước, và tạo ra nhiều giá trị về mặt hàng hóa, đồng thời giảm thiểu khí thải ra môi trường 426
  17. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo Tuổi trẻ (20/9/2021), Ấn Độ xây đường cao tốc dài nhất thế giới, truy cập vào 24/2/2024 từ https://tuoitre.vn/an-do-xay-duong-cao-toc-dai-nhat-the-gioi-20210920144315386.htm 2. DHL (11/5/2022), DHL Express introduces electric vehicles in Indonesia for sustainable logistics, truy cập lần cuối vào 28/2/2024 từ https://www.dhl.com/id-en/home/press/press- archive/2022/dhl-express-introduces-electric-vehicles-in-indonesia-for-sustainable- logistics.html 3. Đỗ Quang (15/12/2023), “Thông qua Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Báo Xây dựng, truy cập lần cuối vào 29/2/2024 từ https:// baoxaydung.com.vn/thong-qua-quy-hoach-vung-dong-nam-bo-thoi-ky-2021-2030-tam- nhin-den-nam-2050-366569.html 4. Dzwigol, H., Trushkina, N., Kvilinskyi, O. S., & Kvilinskyi, O. S. (2021), Green logistics as a sustainable development concept of logistics systems in a circular economy (Doctoral dissertation, Proceedings of the 37th International Business Information Management Association (IBIMA)). 5. Smart Freight Centre, Global Logistics Emissions Council Framework for Logistics Emissions Accounting and Reporting (2019), ISBN 978-90-82-68790-3. 6. Hùng Dũng (15/12/2023), “Loạt chính sách trợ cấp xe điện hấp dẫn của các quốc gia trên thế giới”, Vietnamnet, truy cập lần cuối vào 26/2/2024 từ https://vietnamnet.vn/loat- chinh-sach-tro-cap-xe-dien-hap-dan-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-2226745.html 7. ICCT - The International Council on clean transportation (4/2016), India Bharat Stage Vi Emission Standards, Ấn Độ. 8. Kumar, A. (2015), “Green Logistics for sustainable development: An analytical review”. IOSRD International Journal of Business, 1(1), 7 - 13. 9. Lagorio, A., Pinto, R., & Golini, R. (2016), “Research in urban logistics: A systematic literature review”.  International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 46(10), 908 - 931. 10. Lê Linh (20/7/2023), “Các nhà sản xuất của Ấn Độ nhắm đến xe tải điện để giảm ô nhiễm”. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online, truy cập lần cuối vào 27/2/2024 từ https:// thesaigontimes.vn/cac-nha-san-xuat-cua-an-do-nham-den-xe-tai-dien-de-giam-o-nhiem/ 11. Le, T. H., Nguyen, H. K., & Nguyen, T. L. (2022), “Impact of Green Logistics on International Trade: An Empirical Study in Asia-Pacific Economic Cooperation”, International Journal of Economics and Financial Issues, 12(4), 97. 12. Lee, C. T., Hashim, H., Ho, C. S., Van Fan, Y., & Klemeš, J. J. (2017), Sustaining the low-carbon emission development in Asia and beyond: Sustainable energy, water, transportation and low-carbon emission technology. Journal of Cleaner Production, 146, 1 - 13. 427
  18. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 13. Mai, H. B. (2023), “Phát triển khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ”, Quản lý Nhà nước, (324), 99 - 105. 14. Mansouri, B., Sahu, S., & Ülkü, M. A. (2023), Toward greening city logistics: A systematic review on corporate governance and social responsibility in managing urban distribution centers. Logistics, 7(1), 19. 15. Minh Quân (18/7/2023), “Loạt dự án cao tốc, đường sắt sắp triển khai tạo đột phá vùng Đông Nam Bộ”, Báo Lao động, truy cập lần cuối vào 29/2/2024 từ https://laodong.vn/ giao-thong/loat-du-an-cao-toc-duong-sat-sap-trien-khai-tao-dot-pha-vung-dong-nam- bo-1218075.ldo 16. Ngân hàng Thế giới (2023), Dữ liệu xuất nhập khẩu của Indonesia, truy cập lần cuối vào 27/2/2024 từ: https://data.worldbank.org/ 17. Phạm Thu Trang (2023), “Logistics xanh tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, Tạp chí Công Thương, truy cập lần cuối vào 29/2/2024 từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ logistics-xanh-tai-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-107728.htm 18. Phạm Tùng (27/9/2021), “Đồng Nai có 3 khu bến cảng biển”, Báo Đồng Nai, truy cập lần cuối vào 29/2/2024 từ https://baodongnai.com.vn/tintuc/202109/dong-nai-co-3-khu- ben-cang-bien-3081016/ 19. Saumya Mishra (5/1/2023), “Delhi NCR: 6 mage infrastructure projects in 2023 that will be a game changer once operational”, TimeNow. Truy cập vào 25/2/2024 tại https://www. timesnownews.com/delhi/delhi-ncr-6-mega-upcoming-infrastructure-projects-in-2023- that-will-be-a-game-changer-once-operational-article-96759503 20. Sbihi, A., & Eglese, R. W. (2010), “Combinatorial optimization and green logistics”, Annals of Operations Research, 175, 159 - 175. 21. Setiawan, D., & Koestoer, R. H. (2021), “Comparative Perspectives on Modern Logistics Transportation Based on Green Logistics in Europe and Indonesia: Concept of Sustainable Economy”, Journal of Mechanical, Civil and Industrial Engineering, 2(2), 44 - 48. 22. Song Hà (19/9/2023), “Khơi thông các điểm nghẽn logistics Đông Nam Bộ”, Báo VnEconomy, truy cập lần cuối vào 29/2/2024 từ https://vneconomy.vn/khoi-thong-cac- diem-nghen-logistics-dong-nam-bo.htm 23. Wang, D. F., Dong, Q. L., Peng, Z. M., Khan, S. A. R., & Tarasov, A. (2018), “The green logistics impact on international trade: Evidence from developed and developing countries”. Sustainability, 10(7), 2235. 24. Yingfei, Y., Mengze, Z., Zeyu, L., Ki-Hyung, B., Avotra, A. A. R. N., & Nawaz, A. (2022), “Green logistics performance and infrastructure on service trade and environment- measuring firm’s performance and service quality”.  Journal of King Saud University- Science, 34(1), 101683. 25. Zaman, K., & Shamsuddin, S. (2017), “Green logistics and national scale economic indicators: Evidence from a panel of selected European countries”. Journal of Cleaner Production, 143, 51 - 63. 428
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2