intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tiền mật mã: Cơ hội và thách thức đối với việc đổi mới hệ thống tiền tệ truyền thống

Chia sẻ: Vương Tâm Lăng | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

38
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày về các đặc tính ưu việt của tiền mật mã, mối tương quan với tiền tệ truyền thống và các thách thức mà tiền mật mã đặt ra đối với hệ thống tài chính hiện hữu để từ đó những nhà làm chính sách có thêm thông tin tham khảo khi đề ra các chính sách ứng xử với tiền mật mã trong tương lai. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tiền mật mã: Cơ hội và thách thức đối với việc đổi mới hệ thống tiền tệ truyền thống

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM 9. 1 Trương Trung Tài * Nguyễn Triều Đông* Tóm tắt Sự phát triển mạnh mẽ của tiền mật mã kể từ sau khi đồng tiền bitcoin ra đời năm 2009 đã làm dấy lên làn sóng tranh luận trong xã hội về khả năng thay thế tiền tệ chính thống của tiền mật mã. Bên cạnh tính ưu việt về công nghệ mà tiền mật mã đang có thì bản thân hình thái mới của tiền tệ này cũng có nhiều hạn chế và thách thức cần phải vượt qua. Bài nghiên cứu này được tác giả thực hiện nhằm trình bày về các đặc tính ưu việt của tiền mật mã, mối tương quan với tiền tệ truyền thống và các thách thức mà tiền mật mã đặt ra đối với hệ thống tài chính hiện hữu để từ đó những nhà làm chính sách có thêm thông tin tham khảo khi đề ra các chính sách ứng xử với tiền mật mã trong tương lai. Từ khoá: Tiền mật mã, hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ. 1. Giới thiệu Tiền mật mã (crypto-currency) được sinh ra và quản lý bởi hệ thống máy tính phi tập trung (decentralized system) với các thuật toán tự động trong nền tảng chuỗi khối (blockchain). Theo Satoshi (2008) thì tiền mật mã có rất nhiều ưu điểm vượt trội như: (1) Tính an toàn: nếu số lượng máy tính hoạt động trong mạng lưới (node) đủ lớn thì khả năng bị tấn công bởi một kẻ tấn công mạng (hacker) gần như rất khó xảy ra, người tấn công phải chiếm quyền kiểm soát gần như 50% số lượng máy tính trong hệ thống mới có thể điều chỉnh thông tin dữ liệu tiền mật mã; (2) Tính ẩn danh: thông tin cá nhân của một người được mật mã hóa giúp quyền riêng tư được đảm bảo khi tham gia hệ thống; (3) Tính tiết kiệm: trung gia thanh toán (như ngân hàng) được giảm thiểu khiến chi phí trung gian thanh toán không còn là vấn đề trong hệ thống tiền mật mã, thậm chí các hợp đồng * Trường Đại Học Kinh Tế TP. HCM | Email liên hệ: trungtai@ueh.edu.vn 135
  2. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM truyền thống như L/C (hợp đồng tín dụng giao vận) có thể được thay thế bởi hợp đồng thông minh (Smart contract); (4) Tính nhanh chóng: với sự cải tiến về tốc độ internet trên toàn cầu thì tốc độ thanh toán trong nền kinh tế sẽ tăng lên gấp nhiều lần; (5) Tính năng chống lạm phát tự động: hệ thống tiền mật mã được điều tiết một cách tự động trong hệ thống để tránh việc sinh ra quá mức cần thiết khiến cho tỷ lệ lạm phát tăng lên không mong muốn mà không cần có một trung tâm điều phối như ngân hàng trung ương. Với rất nhiều tính năng nổi trội như vậy, trong những năm gần đây chúng ta đã thấy tiền mật mã phát triển một cách nhanh chóng và liên tiếp có rất nhiều loại tiền mật mã mới ra đời. Một trong những loại hình tiền mật mã thành công nhất và được chấp nhận thanh toán nhiều nhất hiện nay là Bitcoin. Mặc dù cũng còn nhiều khuyết điểm khi triển khai trong thực tế nhưng tiền mật mã Bitcoin - được phát minh bởi tác giả ẩn danh Satoshi - đã gây ra cơn địa chấn toàn cầu và làm dấy lên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tiền tệ. Điển hình trong cuộc cách mạng tiền tệ này là Cộng hòa Quần đảo Marshall – một nước có chủ quyền và là thành viên Liên Hiệp Quốc, ngày 22/5/2018 đã thông qua luật công nhận tiền mật mã là tiền pháp định quốc gia, đồng tiền này trên thị trường có mã là SOV. Như vậy, tiền mật mã có thể là hình thái tiếp theo của tiền tệ (sau tiền giấy) trong thời đại mới. Điều này khiến rất nhiều Chính phủ lúng túng vì không theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu, họ không thể hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại và lưu hành nhưng cũng không thể ngay lập tức chấp nhận tiền mật mã vì thiếu đi các cơ sở pháp lý cũng như quyền lực chi phối cung tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy là các quốc gia bắt đầu xây dựng một chính sách tiền tệ thời kỳ mới nhằm thích ứng với sự tồn tại của tiền mật mã, thậm chí có một làn sóng các quốc gia bắt đầu tự xây dựng tiền mật mã trở thành tiền pháp định. (Fernández-Villaverde et al., 2020) Trước xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, cũng giống như một số quốc gia khác, chúng ta đang lúng túng khi đối xử với tiền mật mã. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước rà soát lại khung pháp lý đối với tiền mật mã, sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động tiếp theo là hạn chế tất cả giao dịch mua bán có liên quan đến tiền mật mã (hoặc tiền ảo) thông qua chuyển khoản trên hệ thống ngân hàng, đồng thời ra thông báo tất cả việc cung ứng, phát hành, sử dụng tiền mật mã là hành vi vi phạm pháp luật. Cách hành xử này sẽ làm hạn chế sự phát triển của tiền mật mã tại thị trường Việt Nam, liệu rằng chúng ta hành xử như vậy có hợp lý chưa? Việc hạn chế phát triển tiền mật mã tại Việt Nam có làm cản trở quá trình tiến vào nền kinh tế 4.0 như Thủ tướng Chính phủ đang khuyến khích tất cả mọi thành phần kinh tế hay không? Nếu thật sự chúng ta phủ nhận sự tồn tại và phát triển của tiền mật mã thì chính sách tiền tệ thời kỳ mới có thể sẽ không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thế giới. 136
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Đứng trước vấn đề này, chúng ta cần làm rõ sự khác biệt của tiền mật mã so với tiền tệ truyền thống và những thách thức mà nó mang lại. Trong đó sự ứng xử của Ngân hàng Trung Ương sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai của hệ thống tiền mật mã. Cơ chế tự động của tiền mật mã chi phối toàn bộ nền kinh tế sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn hay không hay sẽ làm gia tăng những bất ổn khi không có bàn tay can thiệp của con người đều cần phải được tìm hiểu và nghiên cứu. Bài nghiên cứu này thực hiện phương pháp tổng hợp các tài liệu nghiên cứu liên quan nhằm trình bày về các đặc tính ưu việt của tiền mật mã, mối tương quan với tiền tệ truyền thống và các thách thức và tiền mật mã đối với hệ thống tài chính hiện hữu để từ đó những nhà làm chính sách có thêm thông tin tham khảo khi đề ra các chính sách ứng xử với tiền mật mã. 2. Tiền mật mã và tiền tệ truyền thống Sự ra đời của Bitcoin, Ethereum và một số đồng tiền mật mã khác đã thu hút sự quan tâm của thế giới vào một ý tưởng của tương lai: một đồng tiền độc lập. Chúng ta có thể hiểu tiền độc lập là do một công ty hoặc một nhóm các công ty phát hành dựa trên các thuật toán mã hoá (cryptographics), tiền độc lập sẽ xoá bỏ vai trò kiểm soát cung cầu tiền tệ của hệ thống ngân hàng trung ương (NHTW) truyền thống. Ý tưởng về một hệ thống tiền tệ độc lập do tư nhân phát hành đã được khơi mào từ những thập niên đầu của thế kỷ 19 (White, 1984). Tuy nhiên đáng tiếc là ý tưởng này lại không được giới nghiên cứu chính sách tiền tệ hào hứng tiếp nhận do những rào cản trong thực tế mang tính kinh tế - chính trị bởi vì hiển nhiên các NHTW khó có thể chấp nhận việc chuyển giao quyền vận hành chính sách tiền tệ cho hệ thống tư nhân thay thế bằng nhiều lý do khác nhau. Sau khi Bitcoin ra đời năm 2009, mọi thứ có vẻ đã thay đổi. Một số nhà nghiên cứu về chính sách tiền tệ đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho khả năng tồn tại và phát triển của tiền mật mã, cũng như sự đe doạ của tiền mật mã đối với hệ thống tiền pháp định truyền thống. Một số nghiên cứu đã đi sâu vào phân tích đặc điểm của tiền mật mã thế hệ mới (Böhme, Christin, Edelman, & Moore, 2015) cũng như phân tích các khía cạnh pháp lý cho việc quản lý tiền mật mã trong bối cảnh hiện tại (Chuen, 2015). Việc nghiên cứu về tiền mật mã không còn đơn thuần là kinh tế học, đây thậm chí là vấn đề liên ngành khi phải tham chiếu đến nhiều vấn đề trong lĩnh vực khoa học máy tính (Narayanan, Bonneau, Felten, Miller, & Goldfeder, 2016) Một trong những vấn đề cần làm rõ là sự khác biệt giữa tiền mật mã thế hệ mới và tiền tệ truyền thống hiện nay. Sau khi tổng hợp các nghiên cứu liên quan thì tác giả đưa ra 3 khác biệt lớn của tiền mật mã như sau: Về chủ thể phát hành: tư nhân (tiền tệ truyền thống: NHTW hoặc Chính phủ). Mặc dù việc tư nhân phát hành tiền không phải là vấn đề mới mẻ, trong quá khứ một số cửa 137
  4. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM hàng vàng hoặc tiệm cầm đồ thời trung cổ cũng đã từng phát hành tiền giấy (mang hàm ý là các nghĩa vụ nợ), tuy nhiên tiền mật mã ngày nay lại khác biệt ở chỗ các đồng tiền này không hề mang trong mình là một nghĩa vụ nợ được bảo lãnh bởi chủ thể phát hành. Về phương thức tồn tại: dữ liệu điện tử (tiền tệ truyền thống: tiền giấy hoặc khoản tiền gửi định danh). Mặc dù tiền mật mã thật sự khác biệt khi chỉ tồn tại được trong môi trường dữ liệu điện tử và phải có hệ thống mạng lưới được kết nối internet mới vận hành được, nhưng tiền mật mã lại giống với tiền pháp định là không hề có giá trị nội tại trên mỗi đơn vị tiền phát hành (khác với tiền vàng, mỗi đơn vị tiền đều tương ứng khối lượng vàng vật chất nhất định). Phương thức kiểm soát thanh toán: phi tập trung (tiền tệ truyền thống: tập trung tại NHTW hoặc NHTM). Việc dữ liệu thanh toán tập trung giúp tránh hiện tượng “thanh toán 2 lần”, đây là điều khó khăn lớn nhất khi vận hành một hệ thống tiền mật mã. Việc thanh toán phi tập trung đòi hỏi tiền mật mã phải sử dụng đến hệ thống sổ cái phi tập trung (Blockchain), điều này đổi lại sẽ tiêu tốn hệ thống tài nguyên điện khổng lồ để giữ cho blockchain luôn hoạt động hiệu quả. Sự khác biệt trong 3 khía cạnh trên đã mang đến sự hấp dẫn nhất định đối với tiền mật mã khi mà xã hội con người xuất hiện nhu cầu thay thế hệ thống tiền pháp định lỗi thời và có nhiều bất cập. Thứ nhất, hệ thống sổ cái phi tập trung giúp các hoạt động thanh toán diễn ra một cách ẩn danh. Ví dụ, thông thường một người A thanh toán cho một người B thường phải thông qua một NHTM nhất định để xử lý giao dịch, điều này khiến cho người A phải tiết lộ thông tin giao dịch cho ngân hàng trung gian dù cho giao dịch đó mang tính cá nhân và nhạy cảm mà người A cần phải bảo mật. Vô hình trung cơ chế thanh toán tập trung (về NHTM) khiến cho thông tin giao dịch của con người không còn được bảo vệ tuyệt đối. Điều nay được khắc phục hoàn toàn với cơ chế phi tập trung của tiền mật mã thế hệ mới. Một người A thanh toán cho một người B sẽ được hệ thống blockchain xử lý giao dịch nhưng thông tin xác định nhân thân của A và B hoàn toàn được bảo mật trong hệ thống blockchain, nói một cách dễ hiểu hệ thống tất cả mọi người đều có thể sử dụng thanh toán bằng tiền mật mã mà không cần cung cấp nhân dạng thật của mình (điều này là bất khả thi nếu sử dụng dịch vụ NHTM). Vấn đề này gây tranh cãi mạnh mẽ nhất khi nhiều người cho rằng giới tội phạm sẽ ưu tiên sử dụng tiền mật mã nhằm tránh sự điều tra của chính phủ, thêm nữa một tài khoản giao dịch trong hệ thống phi tập trung khi bị tấn công virus sẽ không thể khôi phục lại tài sản của mình (trong khi nếu giao dịch với NHTM thì được NHTM hỗ trợ lấy lại tài sản nếu thật sự bị hacker tấn công) 138
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Thứ hai, tiền mật mã được phát hành thông qua hệ thống thuật toán tự động và việc thay đổi thuật toán này cần sự đồng thuận của đa số mọi người tham gia mạng lưới. Điều này khiến cho các ý tưởng chính trị và trục lợi kinh tế khó có thể triển khai trong môi trường tiền mật mã. Nói một cách dễ hiểu, chính sách tiền tệ lúc này là “hoàn toàn tự động hoá và công khai”, mọi người đều biết chắc chắn rằng cung tiền sẽ là bao nhiêu và khi nào thì tiền được gia tăng nguồn cung cũng như tính lạm phát của tiền tệ gần như là một điều được công khai và không thể tuỳ tiện thay đổi. Đây quả thật là một trong những điều hấp dẫn không thể từ chối đối với những người luôn ủng hộ dân chủ tuyệt đối, quyền vận hành chính sách tiền tệ cần được “phi chính trị hoá” và công khai minh bạch. Tuy nhiên, tính cứng nhắc tuân theo thuật toán máy móc có thể khiến cho tiền mật mã thiếu tính linh hoạt khi đối phó với các cú sốc kinh tế, điều mà chúng ta sẽ làm rõ trong các phần sau. Thứ ba, tiền mật mã rõ ràng sẽ thể hiện vai trò thay thế tiền pháp định về mặt lịch sử khi nó sẽ biến ý tưởng về một tiền tệ “toàn cầu” thành hiện thực. Các giao dịch thương mại toàn cầu sẽ được diễn ra trong môi trường tiền mật mã không còn rào cản về ngoại hối cũng như việc kiểm tra tình hình tài chính của đối tác là hoàn toàn công khai và dễ dàng thực hiện thông qua mạng lưới luôn luôn trực tuyến của blockchain. Sự xuất hiện của tiền mật mã với vai trò cách mạng tiền tệ đã được giới trẻ - những người muốn thử thách cái mới trong thời đại của mình - ủng hộ và sẵn sàng làm người thí điểm sử dụng. Xu hướng toàn cầu hoá thương mại và công dân toàn cầu đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của tiền mật mã. 3. Vai trò tiền tệ của tiền mật mã Trong việc xem xét hình thái tiền tệ trong lịch sử, ta thấy rằng có hai đặc điểm quan trọng nhất trong việc hình thành một đồng tiền: tính ổn định giá trị và được chấp nhận rộng rãi bởi nhiều người sử dụng. Tiền tệ thường được xem là trung gian thanh toán, đơn vị giá trị quy đổi (unit of account) và giá trị lưu trữ tài sản, trong đó chức năng lưu trữ tài sản được xem như khá quan trọng. Nếu một đồng tiền không thể ổn định giá cả của chính nó thì không thể được xem như là công cụ thanh toán, điều đó đòi hỏi cơ chế gia giảm cung tiền phải theo một nhịp điệu cùng chiều với nhu cầu tiền để có thể ổn định giá cả (lạm phát) của chính nó. Và một cách tương hỗ nhau, nếu đồng tiền đó ổn định thì sẽ thu hút được nhiều người sử dụng, càng có nhiều người dùng thì một đồng tiền mới được xem là “tiền” đúng nghĩa. Sự mới mẻ của các đồng tiền mật mã khiến cho công chúng tiếp nhận các đồng tiền này một cách thận trọng và việc nắm giữ các đồng tiền này mang tính tích trữ tài sản hơn là một trung gian thanh toán. Điều đó khiến cho tiền mật mã chưa thể hoàn toàn thay thế được tiền 139
  6. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM pháp định truyền thống trong việc trở thành một trung gian thanh toán đúng nghĩa. Đã có nhiều thuật toán tiền mật mã mới ra đời nhằm khắc phục khuyết điểm này để giúp các đồng tiền mật mã dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán hơn (Cochrane, 2018). Một thách thức khác không kém phần quan trọng chính là sự kiểm soát tiền mật mã mang tính tự nhiên là “số đông”. Nghĩa là nếu một người có khả năng thiết lập siêu máy tính mạnh hơn đa số các máy tính khác đang tham gia mạng lưới thì họ có thể kiểm soát cung tiền cũng như thay đổi sổ cái điện tử (blockchain). Tính dễ tổn thương này khả thi về mặt lý thuyết nhưng lại khó khả thi về mặt thực tiễn do chi phí để thiết lập siêu máy tính hiện nay sẽ rất khổng lồ vượt ra khỏi lợi ích về mặt vật chất nếu chiếm được quyền điều khiển mạng lưới tiền mật mã (Gandal, Hamrick, Moore, & Oberman, 2018). Mối quan hệ giữa tiền mật mã và chính sách tiền tệ đã được đề cập đến trong một nghiên cứu gần đây của Fernández-Villaverde & Sanches (2019). Các tác giả này đã đề ra một mô hình lý thuyết trong đó cho thấy sự tồn tại của một cơ chế gồm có cả ngân hàng trung ương và tiền mật mã. Trong cơ chế này xảy ra sự cạnh tranh giữa tiền pháp định (của NHTW) và tiền mật mã (của các công ty tư nhân phát minh), đồng tiền nào chiến thắng trong cuộc chiến ổn định giá cả sẽ được chấp nhận là đồng tiền thanh toán trung gian. Tiền pháp định và tiền mật mã không thể cùng được sử dụng trong lưu thông theo một chức năng thanh toán hàng hóa. NHTW sẽ dùng quyền lực thiết lập chính sách tiền tệ để giữ lợi thế của tiền pháp định trong việc là một trung gian thanh toán. Tuy nhiên, tiền mật mã vẫn sẽ có giá trị lưu hành như là một tài sản đầu cơ, điều này sẽ khiến việc tiền mật mã lưu hành không phải là mối đe dọa đối với tiền pháp định, thậm chí tiền mật mã có thể được coi như một công cụ tài chính (như chứng khoán) để theo dõi nhằm điều tiết thị trường. Quan điểm này một phần nào đó giống với nghiên cứu của Hayek (1976) , tác giả này cho rằng chính phủ nên phá bỏ sự độc quyền trong việc phát hành tiền thì mới có thể đảm bảo tính ổn định trong giá trị của tiền pháp định. Ở một số chiều hướng khác tiêu cực hơn thì cho rằng tiền mật mã lại là sự đe dọa trực diện đối với NHTW trong việc điều tiết cung tiền. Đầu tiên, việc người dân chuyển từ nắm giữ tiền mặt và tiền trong tài khoản ngân hàng sang tiền mật mã sẽ làm giảm hiệu lực của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, cụ thể là tăng giảm cung tiền sẽ khó làm ảnh hưởng đến lãi suất hơn. Tuy nhiên Stevens (2017) lại không hoàn toàn ủng hộ quan điểm này vì cho rằng nếu NHTW vẫn sử dụng tiền pháp định làm đơn vị trong các giao dịch kinh tế thì việc chuyển qua tiền mật mã sẽ bị giới hạn, và vì thế sự suy yếu của chính sách tiền tệ là không đáng kể. 140
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Tác động của tiền mật mã lên NHTW có thể lan sang chính sách tài khóa. Vì ngân sách bị thiếu hụt nếu thuế từ in tiền bị suy giảm sẽ khiến chính phủ có thể phải tăng thuế suất lên gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế. Thật ra việc này không đáng ngại nếu thuế từ in tiền chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng nguồn thu thuế của Chính phủ, tuy nhiên chính sách tài khóa có thể bị ảnh hưởng nếu công cụ trái phiếu kém hấp dẫn so với tiền mật mã, điều này sẽ khiến lãi suất trái phiếu tăng lên và gây ra các gánh nặng tương lai cho ngân sách. 4. Các dạng tiền mật mã thế hệ mới Theo trang coinmarketcap.com – một trong những nguồn theo dõi tiền mật mã uy tín trên thế giới – thì hiện nay có hơn 1500 đồng tiền mật mã được phát hành và đang tồn tại trên thị trường, giá trị vốn hoá của các đồng tiền này hơn 2200 tỷ USD. Trong số đó thì 10 đồng tiền điện từ phổ biến nhất chiếm đến 80% giá trị của thị trường. Biểu đồ 1. Tỷ lệ các đồng tiền mật mã theo tỷ lệ giá trị vốn hoá USD (%) Others 18% Dogecoin Litecoin 1% 1% Bitcoin Uniswap Ethereum 1% Binance Polkadot 2% XRP Tether USD Cardano 2% Tether USD Cardano 2% Bitcoin Polkadot 54% XRP Uniswap 3% Litecoin Binance Dogecoin 4% Others Ethereum 12% Nguồn: coinmarketcap.com, dữ liệu truy cập ngày 30/03/2021. Sự ra đời của các loại tiền mật mã mới khiến cho thị trường tiện điện tử trở nên đa dạng và cuốn hút truyền thông cũng như cải thiện nhận thức của người sử dụng về tiền mật mã. Tuy nhiên sự phân mảnh của tiền mật mã cũng khiến việc lựa chọn tiền mật mã 141
  8. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM nào để sử dụng chính thức trở thành một vấn đề quan trọng gây tranh cãi. Đồng bitcoin hiện đang được sử dụng chính do ra đời trước tuy nhiên do hệ thống thuật toán cũ nên việc thanh toán bằng bitcoin trở nên chậm chập và không còn phù hợp với số lượng giao dịch khổng lồ trên thị trường. Các khuyết điểm của bitcoin cũng chính là lý do khiến giá trị của đồng tiền nay luôn biến động lớn, thu hút các nhà đầu cơ trên thế giới và làm cho con đường trở thành trung gian thanh toán của bitcoin bị hạn chế lại do sự mất ổn định trong giá trị của bitcoin. Thị trường hiện nay lưu hành một số loại tiền mật mã phổ biến điển hình như bitcoin, ethereum và USDT. Bitcoin là một trong những đồng tiền mật mã đầu tiên và thành công nhất cho đến hiện tại. Sự ra đời của bitcoin nhằm mục đích tiết kiệm chi phí giao dịch và xoá bỏ trung gian thanh toán bằng cách sử dụng thuật toán đồng thuận theo số đông của mạng lưới các nhà xử lý giao dịch (miners). Sự vận hành của bitcoin nhờ vào cơ chế mạng phân tán và công nghệ chuỗi khối blockchain. (Nakamoto, 2009) Ethereum là sự phát triển cấp độ tiếp theo của tiền mật mã với sự tiết kiệm năng lượng của hệ thống và mở rộng ứng dụng chuỗi khối ra một thời kỳ mới. Các ứng dụng bây giờ được tháo bỏ khỏi sự ràng buộc về mạng địa lý, cơ chế hợp đồng thông minh (smart contract) được sử dụng và khởi đầu cho cuộc cách mạng ở hầu hết lĩnh vực từ công nghệ thông tin, kiểm toán, kế toán, quản trị công,vv.. (Buterin, 2013) USDT là một loại tiền mật mã ổn định giá (stable coin) khắc chế khuyết điểm biến động giá của bitcoin và ethereum. Sự đầu cơ tiền tệ mật mã khiến cho việc sử dụng tiền mật mã vào lưu thông bị cản trở và USDT chính là khớp nối cho lỗ hổng này. Người sử dụng tiền mật mã USDT sẽ được đảm bảo bằng giá trị tương đường với đôla Mỹ là đồng USD. Một cơ chế bán tự động, giữa các tổ chức kiểm toán (auditor) và công ty khởi tạo và hệ thống blockchain khiến cho USDT đang trở thành một công cụ được nhiều tổ chức tài chính chính thống sử dụng. Các loại tiền mật mã khác ngày càng sinh sôi nhanh chóng nhằm khắc phục các khiếm khuyết của tiền mật mã ra đời trước đó và ngày càng tiết kiệm năng lượng hơn, nhanh hơn và có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn. 5. Các thách thức đối với tiền mật mã Công nghệ Blockchain, Bitcoin và tiền mật mã là những thuật ngữ khá quen thuộc mà bất cứ ai có thể bắt gặp đâu đó trên các phương tiện truyền thông ngày nay. Đặc biệt hơn nữa, tiền mật mã đã và đang trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn kinh tế thế giới trong nhiều năm qua. Tranh luận về tương lai của tiền mật mã đặt ra hàng loạt các câu hỏi cho những chuyên gia nghiên cứu cũng như những người làm chính sách ở các quốc gia khác 142
  9. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM nhau. Dưới đây là những thách thức cơ bản mà tiền mật mã phải đối mặt nếu muốn được chấp nhận bởi đa số các quốc gia và trở thành một trong những công cụ thanh toán quan trọng trong tương lai. Quá tập trung vào công nghệ Blockchain. Sự thật là khi các đồng tiền mật mã đối mặt với thách thức tồn tại và được chấp nhận bởi số đông, công nghệ Blockchain đã vượt quá những kỳ vọng ban đầu. Hầu hết đều cho rằng đây là một trong những công nghệ vượt trội, được áp dụng trong rất nhiều các lĩnh vực từ logistic, bán hàng, cho đến việc xây dựng các khu đô thị, thành phố thông minh, tất cả đều có thể được quản lý và xác thực chính bằng công nghệ Blockchain. Các dự án đầu tư điển hình như của IBM và Maersk trong ngành vận tải tàu biển cho thấy tiềm năng áp dụng và khai thác công nghệ Blockchain trong thực tế còn rất nhiều. Tuy rằng không thể phủ nhận những lợi ích mà Blockchain mang đến nhưng chúng ta đang tách rời Blockchain ra khỏi tiền mật mã. Sẽ là dấu chấm hết nếu như chúng ta chỉ dành những ý tưởng và khoản đầu từ tốt nhất cho công nghệ phía sau (Blockchain) mà không phải là chính bản thân các đồng tiền mà chúng ta muốn sử dụng trong tương lai. Gắn liền với một hình ảnh xấu. Tiền mật mã ngay trong giai đoạn bùng nổ cũng gặp rất nhiều vấn đề về nhận diện. Khi nhắc đến thuật ngữ tiền mật mã, đa số mọi người đều nghĩ đến những quảng cáo tiêu cực, những đợt phát hành (ICO) lừa đảo, cách làm giàu nhanh chóng, và những thứ gắn liền với tội phạm. Dù cho những điều này chỉ là vặt vãnh khi so với quy mô của các đồng tiền mã hoá cũng như các ngành công nghiệp đang áp dụng Blockchain, nhưng nó đang dần kiềm hãm lại tốc độ tăng trưởng và sự chấp nhận của công chúng khi mà nhận thức về đồng tiền mã hoá vẫn chưa được thay đổi triệt để. Công nghệ Blockchain và hạn chế từ các nhà làm luật. Hiến pháp Mỹ được biết đến rộng rãi về các quyền cơ bản của con người như tự do ngôn luận, quyền tiếp cận đầy đủ thông tin, và quyền đưa ra quan điểm… Tất cả các quyền trên được bảo vệ bởi các thể chế dân chủ trong một quốc gia. Tuy vậy, khi bàn đến các vấn đề liên quan đến tiền tệ và các nguồn lực tài chính, hệ thống luật được thiết kế với mục đích giới hạn các quyền cơ bản ở mức thấp nhất nhằm mục tiêu quản lý và kiểm soát chặt chẽ mọi đối tượng. Có nhiều bằng chứng cho thấy tại sao các đồng tiền mật mã bị loại ra khỏi nền kinh tế dù cho chúng thật sự giải quyết được những vấn đề cốt lõi mà hệ thống tài chính của chúng ta đang đối mặt. Thiếu nền tảng pháp lý. Tiền kỹ thuật số hay tiền mật mã hoàn toàn phi tập trung. Chúng đơn thuần chỉ là những sản phẩm số và các chính phủ chưa được trang bị để có thể xử lý những công nghệ tiên tiến như vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta thiếu khung pháp lý trong việc quản lý và điều hành tiền kỹ thuật số cũng như không có những biện pháp cụ thể để bảo vệ người dùng trong một không gian tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giáo dục 143
  10. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM và cảnh báo cho mọi người về những rủi ro này là một bước đi cần thiết trước khi một hệ thống luật đầy đủ về tiền mật mã được hình thành. Khó khăn trong việc thiết lập khung pháp lý. Một trong những khó khăn khi xây dựng hệ thống luật cho đồng tiền mật mã là khả năng kiểm soát và theo dõi các giao dịch của những đồng tiền này. Việc sử dụng Bitcoin trong các hoạt động tội phạm như khủng bố và buôn bán chất gây nghiện đã khiến cho các nhà làm luật từ chối chấp nhận các đồng tiền mã hoá khi không thể phát hiện được các giao dịch phạm pháp. Công nghệ tiền mật mã vẫn chưa phát triển đầy đủ. Tiền mật mã cũng đối mặt rất nhiều trở ngại ngoài hệ thống pháp lý và nhận dạng. Công nghệ phía sau tiền mật mã vẫn còn gặp nhiều thách thức nếu nó được chấp nhận rộng rãi và triển khai trên quy mô lớn. Chúng ta có thể thấy rằng công nghệ về tiền mật mã đã xuất hiện hơn một thập niên trước đây mà không có những đột phá trong việc mở rộng và phát triển ở một mức độ cao hơn. Sự tương thích. Một trong những thách thức về mặt kỹ thuật của các đồng tiền mật mã là các hệ thống phần mềm không có khả năng trao đổi và sử dụng các thông tin của nhau. Do vậy, công nghệ Blockchain áp dụng cho mỗi đồng tiền mã hoá tạo thành một hệ sinh thái riêng biệt mà không thể tích hợp và chia sẽ thông tin với những hệ thống khác. Tính hữu dụng. Một điều dễ nhận thấy là thật khó để chúng ta có thể mua và bán các đồng tiền mật mã. Tham gia vào thế giới tiền mã hoá yêu cầu nhiều thông tin và kỹ năng mà một người bình thường sẽ cảm thấy không hoàn toàn phù hợp. Các nguyên tắc bảo mật quá phức tạp và có thể trở thành vật cản để chấp nhận tiền mật mã như một công cụ trao đổi. Vẫn còn là một thách thức đáng kể để tạo ra một phương thức thân thiện trong việc mua, bán, lưu trữ và sử dụng tiền mã hoá một cách an toàn. Tính quy mô. Các ngoại tệ truyền thống được trao đổi và giao dịch tại nhiều quốc gia khác nhau với quy mô lớn và điều chỉnh theo từng tỉ giá riêng biệt. Tiền mã hoá còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong những năm sắp tới để có thể đạt được mức độ phổ biến như những đồng Đô la Mỹ, Yên Nhật, hay Bảng Anh. Khi mà sự tương thích có thể là một bước tiến lớn để đạt được điều này, bản thân các đồng tiền mật mã phải cải thiện tốc độ xử lý của hệ thống, các ứng dụng liên quan đến hợp đồng thông minh (smart contract), và gia tăng khả năng xác thực. Hệ thống sẽ phải đối mặt một số lượng lớn sự trì hoãn và cần nhiều giải pháp xử lý ở quy mô lớn để có thể đáp ứng được sự chuyển đổi của đồng tiền mật mã với các đồng tiền truyền thống khác. Tính bảo mật. Dù cho công nghệ Blockchain vẫn chưa phát triển nhưng nó vẫn có độ an toàn vượt trội hơn những công nghệ truyền thống khác. Tuy vậy đã có rất nhiều các vi phạm tài chính, rò rỉ thông tin và thiệt hại lớn do các sàn giao dịch tiền mã hoá bị tấn 144
  11. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM công và đánh cắp dữ liệu. Niềm tin của nhà đầu tư và công chúng dần mất đi khi hàng loạt các hệ thống tiền mật mã gặp phải vấn đề về bảo mật. Quyền sở hữu và khai thác dữ liệu. Trong nền kinh tế số ngày nay, dữ liệu đã đạt đến mức độ để trở thành một tài sản số thật sự. Các giao dịch tiền mặt mã chứa đựng một lượng dữ liệu khổng lồ và câu hỏi về quyền sở hữu dữ liệu cùng với tính riêng tư luôn được đặt ra đối với một hệ thống tiền mã hoá. Giải pháp ở đây không chỉ nằm ở sự bảo vệ của hệ thống pháp lý đối với tính riêng tư và dữ liệu của người giao dịch và sử dụng tiền mật mã. Một hệ thống chuyên dụng giúp thiết lập nhận dạng và kiểm soát thông tin cá nhân phải được tích hợp vào các phần mềm của đồng tiền mã hoá. Một khi con đường trở thành một hình mẫu tiền tệ hiệu quả còn khá xa, mọi ý tưởng liên quan đến bảo vệ dữ liệu của người giao dịch tiền mật mã phải được thực hiện ngay tức thì. 6. Tiền mật mã và sự ổn định hệ thống tài chính Một đe dọa khác lớn hơn đối với nền kinh tế đó là khả năng sinh ra bong bóng tài sản từ tiền mật mã. Sự sụp đổ của bong bóng tài sản có thể làm suy sụp kinh tế nếu các khoản nợ của người dân, chính phủ và công ty chiếm tỷ trọng quá lớn trong tài sản. NHTW có thể phải đối mặt với cả hai sự kiện nguy hiểm cùng lúc: sự bất ổn của các định chế tài chính (ví dụ như ngân hàng) mà họ đang quản lý và sự leo thang của giá cả khi phải giải cứu các định chế này. Tiền mật mã nếu thay thế tiền pháp định trong việc trở thành trung gian thanh toán có thể sẽ làm thay đổi một thỏa ước xã hội lâu đời (Collard, 2017). Vì bản chất tiền giấy không có giá trị nội tại, giá trị của tiền giấy do thỏa ước xã hội giữa người dân và người đại diện cho họ (Chính phủ). Việc lưu thông tiền pháp định có một ý nghĩa lớn hơn là trung gian thanh toán, tiền pháp định còn được dùng để tài trợ cho những lúc có chiến tranh xảy ra. Sức mạnh của việc chi phối tiền pháp định là rất đáng kể và không thể bị từ bỏ bởi chính phủ, tuy nhiên việc độc quyền trong in tiền có thể khiến cho tiền pháp định bị lạm dụng và ngân sách chính phủ luôn trong tình trạng thiếu thốn mặc dù cung tiền luôn gia tăng hàng năm. Đó là lý vì sao mà việc cung tiền ở một số quốc gia được kiểm soát vô cùng chặt chẽ, trải qua nhiều bước thẩm định từ cơ quan hành pháp đến cơ quan lập pháp, từ người đứng đầu chính phủ đến người đứng đầu NHTW. Nếu chấp nhận sự tồn tại của tiền mật mã nghĩa là chúng ta phải chấp nhận các thuật toán thông minh tự động điều tiết tiền tệ thay chính phủ. Điều này gây ra các lo ngại vì các hệ thống đôi khi vẫn sai lầm ở một điểm nào đó, ví dụ thậm chí ở các nước có nền kinh tế phát triển nhất vẫn có sự sụp đổ của hệ thống tài chính theo một chu kỳ nhất định. Khi có sai lầm khách quan xảy ra, hệ thống thuật toán thông minh sẽ giải quyết như thế nào, sai lầm đó có thể được sửa chữa một cách tự động hay nó sẽ kéo theo chuỗi các sai 145
  12. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM lầm khác? Và còn đó là một phạm trù mang tính đạo đức, liệu hệ thống tiền mật mã có thể tiến hành các phân phối thu nhập do chênh lệch giàu nghèo đem lại hay không (một lỗi tự nhiên của chủ nghĩa thị trường cạnh tranh). Rõ ràng là tiền mật mã không thể đóng vai trò là người cho vay cuối cùng (cho vay không cần bất kỳ tài sản/hoặc điều gì đảm bảo) khi các cuộc khủng hoảng nổ ra. Việc cho vay này là một phương án cực kỳ hiệu quả để ngăn chặn ngay lập tức tổn thất của nền kinh tế trong những tình huống bất khả kháng. Không có một phương án cứu chữa hoàn hảo, nhưng trì hoãn các tổn thất để tìm ra cách sửa chữa sai lầm là một cách giải quyết hợp lý mà tiền mật mã hiện nay chưa thể làm được. 7. Kết luận Tiền mật mã là một sản phẩm công nghệ đột phá mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với việc đổi mới hệ thống tiền tệ truyền thống. Nếu chúng ta kết hợp tính ưu việt của tiền mật mã và một chính sách tiền tệ có sự can thiệp nhất định của NHTW sẽ tạo ra một cơ chế tiền tệ lý tưởng, có xu hướng thông minh tự động cân bằng giá trị (lạm phát) tránh được các nguy cơ bong bóng tài sản cũng như có thể điều chỉnh kịp thời nếu khủng hoảng nổ ra. Hệ thống các lý thuyết kinh tế - tài chính hiện đại vẫn chưa có những nghiên cứu rõ ràng về một khuôn khổ chính sách tiền tệ thông minh mặc dù tiền mật mã đã xuất hiện gần 10 năm nay. Đây chính là một khuyến nghị chính sách nhằm đề xuất một khuôn khổ chính sách tiền tệ thông minh nghĩa là việc điều chỉnh cung tiền hoàn toàn vận hành một cách tự động, hệ thống thanh toán giữa các chủ thể tự động thực hiện không cần trung gian thanh toán, tài sản của các chủ thể kinh tế được công khai nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật thông tin riêng tư, Nhà nước kiểm soát được chênh lệch giàu nghèo một cách trực tiếp và chuẩn xác. Trong khuôn khổ chính sách tiền tệ đó, nền tảng tiền mật mã sẽ là trung tâm cốt lõi giúp cho hệ thống diễn ra thông suốt và luôn được theo dõi để điều chỉnh kịp thời. Tài liệu tham khảo Alzubaidi, I. B., & Abdullah, A. (2017). Developing a Digital Currency from an Islamic Perspective: The Case of Blockchain Technology. International Business Research, 10(11), 79-87. https://doi.org/10.5539/ibr.v10n11p79 Bech, M. and R. Garratt (2017) ‘Central bank cryptocurrencies’, BIS Quarterly Review September 2017, Bank for International Settlements. Bech, M. L., & Garrat, R. (2017). Central bank cryptocurrencies. BIS Quarterly Review. Retrieved from https://www.bis.org/publ/qtrpdf/r_qt1709f.htm BIS (2018) Cryptocurrencies: looking beyond the hype, BIS Annual Economic Report, Bank for International Settlements. 146
  13. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Böhme, R., Christin, N., Edelman, B., & Moore, T. (2015). Bitcoin: Economics, technology, and governance. Journal of Economic Perspectives, 29(2), 213-238. Buterin, V. (2013). Ethereum white paper. GitHub repository, 1, 22-23. Chuen, D. L. K. (2015). Handbook of digital currency: Bitcoin, innovation, financial instruments, and big data: Academic Press. Cochrane, J. (2018) ‘Basecoin’, The Grumpy Economist – John Cochrane’s blog, 22 April, available at https://johnhcochrane.blogspot.com/2018/04/basecoin.html. Cochrane, J. (2018). Basecoin. The Grumpy Economist–John Cochrane’s blog, 22. Collard, B. (2017). Money is the Real Social Contract. Foundation for Economic Education Blog, 25. Fernández-Villaverde, J., & Sanches, D. (2019). Can currency competition work? Journal of Monetary Economics, 106, 1-15. Fernández-Villaverde, J., Sanches, D., Schilling, L., & Uhlig, H. (2020). Central bank digital currency: Central banking for all?. Review of Economic Dynamics. Frieden, J. (2016) Lessons for the euro from early American monetary and financial history, Essay and Lecture Series, Bruegel. Gandal, N., Hamrick, J., Moore, T., & Oberman, T. (2018). Price manipulation in the Bitcoin ecosystem. Journal of Monetary Economics, 95, 86-96. Graham, B. (1944). World Commodities and World Currencies. New York: McGraw-Hill. Griffin, J.M. and A. Shams (2018) ‘Is Bitcoin Really Un-Tethered?’ mimeo, available at https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3195066. Hayek, F. A. (1976). Choice in currency: a way to stop inflation (Vol. 48): Ludwig von Mises Institute. Hayek, F.A. (1976) ‘Choice in Currency: A Way to Stop Inflation’, Occasional Papers, The Institute of Economic Affairs. Huber, J., & Robertson, J. (2000). Creating New Money, A Monetary Reform for the Information Age. London: New Economics Foundation. Koning, J.P. (2015) ‘The dollarization of bitcoin’, Moneyness Blog, 12 June, available at http://jpkoning.blogspot.com/2015/06/the-dollarization-of-bitcoin.html. Nakamoto, S. (2008). Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System. Retrieved from https://bitcoin.org/bitcoin.pdf Narayanan, A., Bonneau, J., Felten, E., Miller, A., & Goldfeder, S. (2016). Bitcoin and cryptocurrency technologies: a comprehensive introduction: Princeton University Press. Stevens, A. (2017) ‘Digital currencies: Threats and opportunities for monetary policy’, NBB Economic Review June 2017, National Bank of Belgium. Stevens, A. (2017). Digital currencies: Threats and opportunities for monetary policy. Economic Review(i), 79-92. White, L. H. (1984). Free banking in Britain: Theory, experience, and debate, 1800-1845: Cambridge University Press Cambridge. 147
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
15=>0