intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tìm hiểu về Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh: Phần 2

Chia sẻ: Lăng Mộng Như | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:508

19
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Phần 2 của cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh" tiếp tục trình bày những nội dung về: chương 4 - Những thử thách năm đầu; chương 5 - Tiến tới bước ngoặt chiến lược; chương 6 - Trên bước đường đẩy mạnh vận động chiến; chương 7 - kiên quyết không ngừng thế tiến công;... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tìm hiểu về Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh: Phần 2

  1. Chương VI TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG ĐẨY MẠNH VẬN ĐỘNG CHIẾN 24- TƯỚNG ĐỜLÁT - ĐỐI THỦ THỨ 5 Từ cuối tháng 10/1950, qua những tờ báo từ cơ sở của ta ở trong thành gửi ra, cơ quan tham mưu Tổng hành dinh biết được không khí ở Pari, Sài Gòn và Hà Nội sau “thảm họa đường số 4”. Phái đoàn Gioăng - Lơtuốcnô được cử sang điều tra tình hình. Các phần tử cánh hữu trong Quốc hội đòi cử ngay một viên tướng tầm cỡ sang cứu vãn tình thế. Trước mắt - ngay đầu tháng 11 này - phải triệu hồi Alétxăngđri, cho Bôyê Đờ La Tua (Boyer de la Tour du Moulin) sang cầm đầu quân viễn chinh ở Bắc Kỳ, chiến trường đang nóng bỏng. Cơ quan tình báo của ta đã “quá quen biết” viên tướng này, tác giả của những trận càn quét bình định và nhất là hệ thống đồn bốt “nổi tiếng” ở Nam Bộ mà bà con trong đó thường gọi là tháp canh Đờ La Tua, được dựng lên khắp nơi xung yếu, mỗi bốt chỉ cách nhau vài kilômét. Việc cử người sang điều hành cuộc chiến tranh Đông Dương lúc này quả là không dễ dàng chút nào. Từ Tướng Cơních (Koenig) đến Tướng Gioăng (Juin) không ai muốn cáng đáng việc cầm quân trên bán đảo đang nóng bỏng này. Trong thế bí, ngày 22/11 Quốc hội phải họp phiên bất thường trao cho Thủ tướng Plêven toàn quyền xử lý vấn đề Đông Dương. Viên tướng 405
  2. thứ ba được tổng thống và thủ tướng vời đến. Đó là tướng năm sao Đờlát Đờtátxinhi (Jean Delattre de Tassigny), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, nổi tiếng là hiếu thắng và nóng nảy. Lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh Đông Dương, chức cao ủy và tổng chỉ huy tập trung vào một người. Đó là điều kiện duy nhất Đờlát đòi hỏi và tổng thống chấp nhận. Người ta tin rằng một viên tướng có tên tuổi như Đờlát sẽ kéo đội quân viễn chinh ra khỏi bầu không khí thảm bại hiện nay, sẽ “trả lại cho nó tư cách và niềm tin”. Với việc tiến cử Đờlát, rõ ràng là phái chủ chiến trong Chính phủ Pháp vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến tranh dù triển vọng thắng lợi ngày càng xa vời. Viên tổng chỉ huy mới chưa hề biết gì về Đông Dương, cho nên những ngày ngắn ngủi ở lại Thủ đô Pari là những ngày tìm hiểu tình hình. Cựu Tổng thống Đờ Gôn và các cựu Toàn quyền Anbe Xarô và Giăng Đờcu đều đưa ra những lời khuyên “có ích”. Nào là phải kiên trì cuộc chiến tranh này vì nó quyết định sự toàn vẹn của Khối liên hiệp Pháp, nào là phải tranh thủ sự viện trợ của Mỹ và dựa vào Bảo Đại để xây dựng một đội quân bản xứ mạnh, đủ sức bổ sung và thay thế quân viễn chinh. Người ta cũng khuyên tân tổng chỉ huy nên đem theo những người đã từng quen biết chiến trường, như Xalăng, Bôphrơ để lập thành một cơ quan chỉ huy có hiểu biết và đủ tài cán giúp cho việc điều hành cuộc chiến. Tổng chỉ huy phải có một trợ thủ am hiểu tình hình mọi mặt ở Đông Dương như Xalăng làm phó tướng, v.v.. Sau 10 ngày ở lại Pari để chuẩn bị, chiều ngày 17/12/1950 Đờlát cùng đoàn tùy tùng hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Và từ giờ phút đó Tổng Chỉ huy Đờlát đờ Tátxinhi trở thành đối thủ thứ năm của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đến Sài Gòn, tin tức đầu tiên mà Đờlát nhận được, đó là những cuộc di tản tiếp tục diễn ra ở Hà Nội, nhất là chuyển phụ nữ và trẻ em Pháp xuống Hải Phòng, dưới danh nghĩa “đề phòng”. 406
  3. Đó là do dư âm thất bại ở biên giới. Từ trung tuần tháng 12, nhịp độ di tản càng tăng nhanh. Trong các công sở, viên chức đốt hồ sơ. Cầu Đume (tức cầu Long Biên) được bảo vệ nghiêm ngặt vì đó là cây cầu quan trọng duy nhất trên đường rút chạy xuống Hải Phòng khi cần. Có tin lan truyền: Việt Minh đã áp sát phía bắc Hà Nội. Hai việc mà Tổng Chỉ huy hạ lệnh khi vừa vào đến dinh Nôrôđôm ở Sài Gòn: một là, Tham mưu trưởng Ala phải tìm đủ người để thay đổi toàn bộ bộ máy chỉ huy cũ - “bộ máy nhiễm độc thất bại Cao Bằng - Lạng Sơn” và hai là Phó tướng Xalăng chuẩn bị tháp tùng ông ta ra Hà Nội vào đêm 19/12. Tin này khiến cho giới báo chí Sài Gòn có dịp gợi lại kỷ niệm cũ: 19/12 vốn là một ngày có ý nghĩa đối với quân Pháp 5 năm trước. Họ cũng không quên bình luận rằng việc tân Tổng Chỉ huy có mặt ở trung tâm Bắc Kỳ vào ngày này là biểu hiện sự quyết tâm và sự thách thức đối phương. Sau cuộc duyệt binh được tổ chức để chào đón tân Tổng Chỉ huy, Đờlát cho triệu tập ngay tối hôm đó, tất cả các sĩ quan sơ cấp có mặt tại Hà Nội. Trong cuộc họp mặt đầu tiên này, các sĩ quan trẻ được nghe Tổng Chỉ huy khích lệ bằng những lời hết sức hùng hồn về “vinh quang của những cái chết cao đẹp”. Đờlát nói rằng ông ta sang đây để cùng các sĩ quan trẻ - trong đó có con ông là Trung úy Bécna Đờlát - chia sẻ niềm tự hào về cuộc chiến tranh cao quý, để cùng nhau làm những việc lớn, đó là chiến đấu để bảo vệ nền văn minh thế giới chứ không phải là cuộc chiến tranh xâm lược vì mục đích thống trị. Ông ta đảm bảo rằng từ nay các sĩ quan trẻ sẽ được chỉ huy ra trò, rằng quyết không nhường cho đối phương một tấc đất. Pari đang chờ đợi ở ông ta một chiến thắng, một bước ngoặt. Với nét mặt đanh lại vì giận dữ, Đờlát lên án cuộc di tản hiện nay, đó là một hành động hèn nhát, phải được chấm dứt ngay. 407
  4. Trước khi đi Hải Phòng, Đờlát yêu cầu Đờ La Tua báo cáo kế hoạch phòng thủ Hà Nội. Không nên coi thường tin tức nói rằng quân Việt đang uy hiếp thành phố. Ngay từ những ngày đầu đến Đông Dương, một nét nổi bật trong phong cách của Đờlát mà người ta sớm nhận thấy là ông ta đặc biệt quan tâm đến đội ngũ ký giả luôn bám sát Tổng Chỉ huy. Qua từng việc làm của Đờlát, các nhà báo Pháp, Việt và nước ngoài - nhất là Mỹ - đã rút ra một kết luận mang tính bao quát và rất đúng với nếp suy nghĩ và hành động của ông ta: Trong sự nghiệp ở cái xứ Đông Dương này, Tổng Chỉ huy Đờlát cần một đội quân viễn chinh cuồng tín, bị mê hoặc, đồng thời cũng cần một đội ngũ các nhà báo đông đảo chịu khuất phục, tức là chịu uốn cong ngòi bút viết theo những điều mà Tổng Chỉ huy muốn. Ông ta đã từng công khai đề cao giới báo chí bằng câu nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Đưa lại chiến thắng làm gì nếu thế giới không biết đến, nếu người ta không đọc những trận đánh được tường thuật trên mặt báo với những hàng tít lớn? Đánh quân địch là tốt, đánh vào trí tưởng tượng của con người ta còn tốt hơn nhiều. Bởi vậy, phải quan hệ tốt với họ (các nhà báo) bằng bất kỳ giá nào, phải biết nắm lấy các phóng viên, nhất là các phái viên đặc biệt. Nếu giới ký giả bị chúng ta đối xử tệ, nếu họ bị chế ngự, họ sẽ rất hung dữ, sẽ bất bình và chế giễu chúng ta. Hầu như mỗi cuộc họp tham mưu đều được chuyển tiếp bằng một cuộc họp báo. Lúc đầu, không phải là không có những nhà báo muốn đứng ngoài quỹ đạo, nhất là các phóng viên Mỹ trẻ tuổi, bướng bỉnh. Họ hầm hè, có thái độ thách thức, công khai tuyên bố: Đờlát đừng hòng nắm được chúng tôi, càng không đánh lừa được chúng tôi đâu. Người dân Hoa Kỳ nộp thuế để chi tiêu cho cuộc chiến tranh này, họ có quyền biết đồng tiền của mình được sử dụng như thế nào. Nhưng rồi những con người “lạc lõng” này sớm nhận thấy đã tự chuốc lấy tai họa. Họ nhận được những bức điện “khó 408
  5. chịu” của các ông chủ từ Oasinhtơn hay Lốtănggiơlét hỏi rằng: Tại sao anh lại làm ăn như thế? Anh có biết rằng Tướng Đờlát đang chiến đấu cho ai không? Những tờ báo cạnh tranh với chúng ta đăng thông báo nói rằng quân của Đờlát giết 5.000 quân Việt, anh thì chỉ đưa tin có 500... Từ đó, không ít nhà báo mà Đờlát cho là “cứng đầu”, hoặc là phải tự đến khẩn khoản xin lỗi Tổng Chỉ huy để rồi bị hút vào quỹ đạo của ông ta (mà sau này tỉnh ngộ họ mới biết là đã “bán mình cho quỷ dữ”), hoặc là bị mời khéo ra khỏi Đông Dương. Những ký giả chịu hoạt động theo quỹ đạo của Tổng Chỉ huy thì được ông ta chiêu đãi hầu như hằng ngày, được tạo mọi điều kiện thuận tiện để hành nghề thoải mái và không ít trường hợp còn được dành ưu tiên hơn cả các đại tá và thậm chí hơn cả sĩ quan cấp tướng. Vì sao vậy? Đờlát đã không úp mở: Chính phủ Pháp nhận báo cáo của tôi, có khi họ vứt vào sọt rác, nhưng họ rất dễ bị kích động khi đọc cũng những sự kiện như thế trên mặt báo. Nhà báo không chỉ là người truyền đạt, họ còn là những người tạo ra sự kiện. Chiến thắng trên mặt báo cũng quan trọng như trên chiến trường. Một nét phẩy trên giấy có thể tô thêm thắng lợi của một trận đánh. Vậy phải làm sao cho người cầm bút và người cầm quân cùng làm nên chiến thắng chung. Đờlát đã nhanh chóng thu hút được số đông ký giả ngay từ cuộc họp báo đầu tiên chỉ ít ngày đến Đông Dương. Sau này nhớ lại kết quả buổi ra mắt đầu tiên của Tổng Chỉ huy, các phóng viên chiến trường như Luyxiêng Bôđa hay Cơlốt Paya đều chung một nhận xét: Từ ấy, các phóng viên bị buộc vào cỗ xe của Đờlát. Ông ta bắt họ kéo càng. Ông đối xử tốt đến nỗi họ khó biết được mình đã bị biến thành con vật kéo xe. Từ ấy, họ đã thỏa hiệp với Đờlát, ông ta buộc họ lao mình vào cuộc đua ca ngợi, nhờ vào các đường dây, các bức điện tín. Hằng ngày, ông nhồi nhét cho họ những món ăn ngon về tin tức chiến sự, họ chỉ còn tô điểm lại, gọt giũa, thêm mắm muối và gửi đi. 409
  6. Ngay từ những ngày cuối tháng 12/1950, Tướng Săngxông (Chanson - chỉ huy ở Nam Bộ) đã phản ứng về lệnh của Đờlát điều quân ra tăng cường cho miền Bắc. Xalăng tìm cách thuyết phục rằng với Đờlát, “trước hết là Hà Nội”. Trận Vécđoong của ông ta đấy. Ông ta tự đặt mình vào hai tình huống, hoặc là dồn quân ra Bắc, chuẩn bị điều kiện may mắn để giành được chiến thắng, hoặc là bị tiêu diệt như Cácpăngchiê chỉ vì không biết tranh thủ sự may mắn đó. Từ ấy, không một chiến trường nào có thể từ chối việc rút bớt quân Âu - Phi đi theo kế hoạch tập trung binh lực của Đờlát, khi biết rằng Tổng Chỉ huy quyết tâm dự kiến gấp rút xây dựng 7 - 8 binh đoàn cơ động (GM), giao cho những đại tá đáng tin cậy như Bôphrơ, Caxtơri, Vanuyxem, Êđông, Eruylanh, v.v., chỉ huy. Những người phụ trách trấn giữ các địa bàn xung yếu như Hải Phòng, nhất là Hà Nội và các vùng phụ cận, đều được cân nhắc thận trọng. Tổng Chỉ huy quyết định đưa Đại tá Gămbiê, một con người điềm đạm có sức thuyết phục, xuống để nắm vững vùng công giáo của các cha cố phía thành Nam, v.v.. Các binh đoàn cơ động đang trong quá trình hình thành đã được lệnh triển khai gấp bao quanh Hà Nội, từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Vĩnh Phúc đến Hải Dương, Phủ Lỗ ra tận Đông Triều. Một câu hỏi mà Đờlát thường nêu lên nhiều lần với những phụ tá thân cận (Xalăng - phó tướng đồng thời là cố vấn, Bútxary - tình báo và Cônhi - Chánh văn phòng) là: Chúng ta sẽ tiến hành cuộc chiến tranh này như thế nào? Sắp tới, liệu ông Giáp sẽ tung quân vào hướng nào? Miễn là kẻ địch để cho chúng ta có đủ thì giờ. Các tướng lĩnh thuộc quyền thường trả lời rằng, theo kinh nghiệm của những người đi trước, không có cơ sở để phán đoán về bất kỳ điều gì ở cái xứ sở châu Á này. Tướng tổng chỉ huy không tin điều đó. Ông ta nói rằng ông ta chờ đợi một cuộc chiến tranh thực sự, bằng một chiến lược thực sự, đánh một kẻ thù có thật 410
  7. bằng xương bằng thịt chứ không phải những bóng ma. Ông ta chờ đợi ở đối phương một cuộc chiến tranh chính quy - mặt đối mặt, khác hẳn với cách đánh còn mang tính du kích mà đối phương đang vận dụng trên chiến trường. Như vậy tôi mới có thể chiến thắng, vì tôi sang đây với biết bao lời thề chiến thắng. Sau này, qua hồi ký của Xalăng cũng như qua các sách của các tướng lĩnh, sử gia Pháp, chúng ta càng khẳng định tính đúng đắn của sự phán đoán trước đây rằng tướng năm sao Đờlát đờ Tátxinhi sang Đông Dương với tham vọng rất lớn là giành lại quyền chủ động chiến lược đã lọt vào tay đối phương, lật ngược thế cờ chuyển bại thành thắng để cho cái xứ Đông Dương xinh đẹp và nhiều tài nguyên này rời khỏi khối Liên hiệp Pháp. Để đạt được mục tiêu chiến lược tổng quát đó, Đờlát chủ trương tranh thủ tối đa viện trợ của Mỹ, tranh thủ sự đồng tình của Liên minh phòng thủ Đông Nam Á và đốc thúc chính quyền Bảo Đại bắt lính quy mô lớn phục vụ cho kế hoạch xây dựng quân đội bản xứ để khắc phục nạn khủng hoảng quân số ngày càng trầm trọng. Về mặt tâm lý, Đờlát rất quan tâm kích động tinh thần binh sĩ bằng cách nhiều lần công khai bộc lộ ý đồ “chiếm lại Lạng Sơn - trả mối hận trên đường số 4”, trả lại cho quân viễn chinh danh dự và niềm tin. Tham vọng giành lại quyền chủ động chiến lược của Đờlát thể hiện rất sớm, từ trung tuần tháng 1, tức chỉ non một tháng đặt chân đến Đông Dương. Ông ta giao cho Đại tá Bôphrơ - người rất quen chiến trường thượng du Bắc Kỳ - chuẩn bị đưa 5 trung đoàn bất ngờ đánh thẳng vào vùng núi đá vôi giữa hai con đường chiến lược số 3 và số 1, không xa Bắc Sơn và Thái Nguyên, vùng được coi là “trung tâm tiếp tế hậu cần của đối phương”. Bộ Chỉ huy Pháp định ra quân vào ngày chủ nhật 14/1, nhưng thật bất ngờ ông Giáp lại ra tay trước ở Vĩnh Yên. Từ đó đến suốt 10 tháng đầu của 411
  8. năm 1951, Đờlát lo đối phó với các chiến dịch tiến công liên tiếp của quân ta, lo việc xây dựng một phòng tuyến boongke vây quanh đồng bằng Bắc Bộ và càn quét quy mô lớn chưa từng thấy hòng “làm chủ vùng châu thổ sông Hồng”, tất cả đều nhằm trở lại chủ đề số 1: giành lại quyền chủ động. Ngót một năm cầm đầu quân viễn chinh xâm lược Đông Dương, bằng bản lĩnh và cá tính của mình, bằng ưu thế về sức mạnh sắt thép, Tướng Đờlát đã gây cho quân và dân ta không ít khó khăn, cả trong các chiến dịch tiến công ở phía trước và trong cuộc đấu tranh giữ vững cơ sở chính trị và vũ trang trong vùng địch tạm chiếm. Ngay từ hồi đó - những ngày cuối năm 1950 - đầu năm 1951 - tại cơ quan tham mưu Tổng hành dinh của ta ở Việt Bắc tin tức về sự có mặt của Tổng Chỉ huy mới của quân viễn chinh, về viện binh mà Pari mới vét sang và gần nhất là tin địch triển khai binh lực xung quanh Hà Nội, v.v., là những tin quan trọng mà cơ quan tình báo của ta nắm được và báo cáo với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngay từ khi ta chuẩn bị chiến dịch tiếp sau chiến thắng biên giới. Tất nhiên ngay từ hồi đó chúng ta chưa biết gì nhiều về việc thay đổi hệ thống chỉ huy và âm mưu chiến lược mới của địch. Guồng máy chỉ đạo kháng chiến của ta vẫn chuyển động theo hướng chiến lược đã định. 25- TRUNG DU - CHIẾN TRƯỜNG NHẠY CẢM Nửa cuối tháng 11 là những ngày hết sức bận rộn của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Chừng mươi ngày trước, Thường vụ đã xác định hướng chiến dịch tiếp theo là địa bàn trung du, cụ thể là 412
  9. Vĩnh Yên. Từ mặt trận biên giới về tới cơ quan, Bí thư Võ Nguyên Giáp triệu tập hai cuộc hội nghị Đảng ủy Chiến dịch Trần Hưng Đạo1 vào các ngày 18 và 23/11 để kịp chỉ đạo bộ đội triển khai công tác chuẩn bị chiến đấu. Tiếp ngay sau đó là Hội nghị chính thức tổng kết Chiến dịch Biên giới - 27/11, họp ở Thái Nguyên. Đến thăm hội nghị, Cụ Hồ chỉ thị: “phải khẩn trương tranh thủ thời gian”. Ta chủ trương sớm khai thác hiện tượng hoang mang sa sút tinh thần của quân Pháp để tiến công vào trung du trước khi địch kịp củng cố thế phòng ngự của chúng ở cửa ngõ đồng bằng, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng tạm bị chiếm trên toàn quốc. Cũng tại hội nghị này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhắc lại chủ trương chiến lược của Đảng đầu năm 1950 trên cả ba địa bàn - rừng núi, trung du và đồng bằng - thuộc chiến trường chính Bắc Bộ. Trên chiến trường rừng núi, bộ đội đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng biên giới, khai thông đường giao lưu quốc tế, phá vỡ thế bao vây chiến lược của địch, chặt đứt khúc đầu của hành lang đông tây của chúng2. Hai nhiệm vụ còn lại là trên đất trung du và đồng bằng. Nếu trên cả vùng Tây Bắc bao la, địch chỉ có 5 tiểu đoàn thì ở trung du và đồng bằng địch tập trung quá nửa binh lực toàn Đông Dương, bao gồm toàn bộ lực lượng cơ động chiến lược - trên dưới 30 tiểu đoàn. ______________ 1. Mật danh của Chiến dịch Trung du (Vĩnh Yên). 2. Hành lang đông tây là tuyến chiến lược nối liền Lạng Sơn - Bắc Bắc - Sơn Tây - Hoà Bình lên Sơn La - Tây Bắc, hình thành và ngày càng được củng cố từ mùa hè năm 1949 theo kế hoạch Rơve. Hành lang này không những nhằm chia cắt căn cứ địa Việt Bắc với vùng đồng bằng của ta mà còn là tuyến phòng ngự vành ngoài của Hà Nội, ngăn chặn chủ lực của ta từ hướng bắc đánh xuống. 413
  10. Về phía ta, sau khi thêm một số đại đoàn được thành lập1, lực lượng bộ binh cơ động chiến lược của ta trên chiến trường Bắc Bộ bằng 1,2 lực lượng cơ động của địch (36/30 tiểu đoàn), nhưng trang bị vũ khí nặng vẫn còn hạn chế. Khả năng viện trợ của Trung Quốc trong năm 1950 chỉ đạt 20% yêu cầu. Pháo của Đại đoàn 351 vẫn là những khẩu sơn pháo 75 mm cũ kỹ. Mở chiến dịch tiến công của chủ lực vào trung du, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, ta có thêm điều kiện mở rộng căn cứ địa Việt Bắc xuống phía nam, trên một vùng tương đối trù phú và khá đông dân, giao thông thuận tiện. Nhưng địa hình trung du gồm phần lớn là đồi trọc, cây cối lúp xúp, bộ đội khó ẩn nấp trong quá trình triển khai chiến đấu. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã thấy điều đó. Ngay tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới, khi hướng chiến dịch tiếp theo đã được xác định, ông đã nói với cán bộ chỉ huy các đơn vị: Về điều kiện địa thế: Ta đang đánh ở rừng núi, nay xuống đồng bằng chưa quen, nhưng ta có cơ sở nhân dân, tiếp tế dễ, nhân vật lực sẵn hơn, dễ nắm tin tức địch hơn. Địch có nhiều phi cơ thì ta tăng cường công sự, đánh nhanh và rút nhanh hơn. Nhưng chúng ta đừng thấy vừa thắng to (ở biên giới) mà chủ quan, không ngại địch. Thái độ chủ quan là ở chỗ, trong lúc tổng kết, không thấy hết khuyết điểm; khi bàn kế ______________ 1. Các Đại đoàn 304 thành lập đầu năm 1950; Đại đoàn 312: cuối năm 1950; các Đại đoàn 320, 325 và Đại đoàn công binh - pháo binh 351: đầu năm 1951; Đại đoàn 316: mùa hè năm 1951. Trung đoàn 246 vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương trong căn cứ địa Việt Bắc. Chiến trường chính của Đại đoàn 320 là đồng bằng Bắc Bộ, của 325 là Bình - Trị - Thiên. Do đó, lực lượng cơ động chủ yếu trực tiếp của Tổng hành dinh ở Bắc Bộ là 4 đại đoàn bộ binh 308, 304, 312, 316 (36 tiểu đoàn) và Đại đoàn 351 gồm 1 trung đoàn công binh và 1 trung đoàn pháo binh. 414
  11. hoạch tác chiến sắp tới thì đề nghị cung cấp nhiều hơn, chuẩn bị về tù binh nhiều hơn vì đánh lớn; chiến dịch trước tiêu diệt 7 - 8 tiểu đoàn, lần này không thích đánh nhỏ nữa mà chỉ thích đánh ăn to. Cho nên sắp tới, về mặt chuẩn bị tư tưởng để làm nhiệm vụ mới, phải thấy cả ưu điểm và thuận lợi nhưng cũng phải thấy hết cả khuyết điểm và khó khăn để chống chủ quan. Một câu hỏi có tầm quan trọng đặc biệt được đặt ra là làm thế nào để khắc phục được khó khăn về địa hình khi chuyển bộ đội xuống tác chiến ở trung du và đồng bằng? Đoàn cố vấn Trung Quốc giới thiệu “chiến thuật bôn tập” của Giải phóng quân. Cách đánh này có thể giúp cho bộ đội hạn chế được hỏa lực pháo binh và máy bay của địch, giảm thương vong trong chiến đấu trên địa hình trống trải. Theo chiến thuật này, bộ đội tập kết ngoài tầm pháo của địch (khoảng 15 km), khẩn trương bôn tập, bất ngờ tiếp cận địch vào ban đêm, tác chiến tiêu diệt địch, thu dọn chiến trường rồi khẩn trương rời khỏi nơi vừa giao chiến trước khi trời sáng. Trong các chiến dịch nhỏ trước đây, quân ta đã từng tiêu diệt cứ điểm trong một đêm, nên không những hạn chế được ưu thế về hỏa lực phi cơ và pháo binh của địch, mà còn vô hiệu hoá lực lượng cơ động ứng cứu của chúng. Điểm đáng chú ý trong chiến dịch này là, tác chiến trên địa hình trống trải ở trung du và đồng bằng, vị trí tập kết của bộ đội xa hơn, bôn tập trên quãng đường dài khiến bộ đội tiêu hao thể lực trước khi bước vào chiến đấu. Bộ đội vừa trải qua một chiến dịch dài ngày, sức khỏe đang trong quá trình hồi phục. Trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, ngoài việc củng cố tổ chức, huấn luyện bổ sung chiến thuật, kỹ thuật, vấn đề tăng cường thể lực trở thành một nội dung quan trọng cần có biện pháp giải quyết trong những ngày ngắn ngủi còn lại trước khi bắt đầu chuyển quân xuống trung du. 415
  12. Tại Hội nghị lần thứ nhất của Đảng ủy Mặt trận Trung du1 họp ngày 18/11, Cục trưởng Tình báo Lê Trọng Nghĩa báo cáo: Lực lượng địch từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hoà Bình và cả 1 tiểu đoàn ở Lào Cai rút về đều tập trung ở trung du và đồng bằng, nâng tổng số quân ở đây lên 65 tiểu đoàn, trong đó có 30 tiểu đoàn cơ động2. Trên chiến trường trung du, địch chia thành ba phân khu Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đại bộ phận là các vị trí do một trung đội chiếm đóng. Nơi mạnh là vùng Bắc Giang, còn Bắc Ninh, Vĩnh Phúc thì phân tán, yếu hơn. Theo nhận xét của Cục Tình báo, địch đang củng cố vùng trung du, cả về tăng cường binh lực (nhất là quân cơ động) và củng cố công sự. Sau này, trong một số cuốn sách nghiên cứu về cuộc chiến tranh Đông Dương, một vài sử gia nước ngoài có lý do để nhận xét rằng ta “cầu toàn”, chuẩn bị chiến dịch chậm, khiến cho Đờlát có thời gian triển khai lực lượng đối phó. Thực tế cho thấy, “cái khó bó cái khôn”. Những cán bộ đầu tiên của ba cơ quan Bộ Tổng tư lệnh được phái xuống Liên khu Việt Bắc để nghiên cứu chiến trường từ cuối tháng 9, giữa lúc Chiến dịch Biên giới đang diễn ra rất khẩn trương, tình hình địch ở Bắc Bộ đang trong quá trình biến động mạnh. Với phương tiện hết sức thô sơ mà các cơ quan Tổng hành dinh có trong tay, không những việc huy động lương thực và vũ khí xuống địa bàn trung du gặp khó khăn mà công tác điều tra tình hình địch, chuẩn bị chiến trường, hình thành các kho trạm cung cấp và nghiên cứu cách đánh cũng đòi hỏi nhiều thời ______________ 1. Đảng ủy Mặt trận Trung du, được Thường vụ Trung ương chính thức thông qua cuối tháng 11, gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp (Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng), Nguyễn Chí Thanh (Chính ủy) và các ủy viên: Chu Văn Tấn, Trần Hữu Dực, Đào Văn Trường. 2. Phía bắc đồng bằng: 33 tiểu đoàn - có 17 tiểu đoàn cơ động; duyên hải: 22 tiểu đoàn - 11 tiểu đoàn cơ động; phía nam: 10 tiểu đoàn - 2 tiểu đoàn cơ động. 416
  13. gian. Hội nghị Đảng ủy Mặt trận Trung du họp ngày 18/11, là lúc Chiến dịch Biên giới vừa kết thúc chừng một tháng. Đảng ủy thống nhất nhận định: Kinh nghiệm sốt dẻo của đường số 4 vừa qua cho thấy: Công tác chuẩn bị không được đầy đủ nên trong quá trình chiến đấu bộ đội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thời gian chiến dịch. Do đó, yêu cầu công tác chuẩn bị phải hết sức khẩn trương nhưng đồng thời phải đảm bảo cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày. Hai vấn đề Đảng ủy đặc biệt quan tâm trong cuộc họp đầu tiên này là tình hình địch và công tác chuẩn bị chiến dịch. Cuối tháng 11, Đảng ủy thảo luận và nhất trí đề đạt với Thường vụ Trung ương Đảng về mục đích chiến dịch trên cả hai hướng trung du (hướng chính), Đông Bắc và Khu 3 (hướng phụ) như sau: 1- Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; 2- Mở rộng khu lương thực; 3- Phát động chiến tranh du kích; 4- Phá kế hoạch củng cố của địch, tạo điều kiện tiến lên tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch. Riêng về tình hình địch có quan hệ đến mục đích và chủ trương tác chiến chiến dịch trên cả hai hướng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp nhận định: Lực lượng cơ động của địch có thể tập trung hơn (binh đoàn da đen ở miền duyên hải có 4 tiểu đoàn và Hà Nội có 5 tiểu đoàn dù). Do đó, càng không thể coi thường lực lượng địch được. Cần điều tra chắc chắn, vừa đánh vừa tìm hiểu địch thêm. Nếu ta đánh cùng một lúc binh đoàn da đen và 2 tiểu đoàn dù thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Do tình hình địch đang trong quá trình biến động1 nên trong cuộc ______________ 1. Đến trước ngày mở màn chiến dịch, binh lực địch trên hướng chính Vĩnh Phúc - Bắc Bắc có chừng 15.000 tên, 2/3 là quân Âu - Phi. Binh đoàn cơ động số 3 (GM3) đứng chân ở Vĩnh Yên - Việt Trì. Các GM khác, từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Hải Dương, Đông Triều có thể nhanh chóng cơ động đến ứng cứu. 417
  14. họp ngày 18/11, Đảng ủy chỉ thảo luận bước đầu chủ trương tác chiến chiến dịch, trước hết là trên hướng chính. Đến cuộc họp lần thứ hai (ngày 23/11/1950), chủ trương tác chiến được thảo luận tiếp và sau khi nhất trí, được ghi thành văn kiện hướng dẫn để quán triệt trong các đơn vị. Vấn đề đáng chú ý trong quá trình chỉ đạo chuẩn bị chiến dịch này là Đảng ủy và Chỉ huy trưởng đã kịp thời phát hiện những điểm mới về tình hình địch, tình hình địa hình và những khó khăn mà bộ đội sẽ phải khắc phục trong chiến dịch sắp tới (khác với chiến dịch vừa qua như thế nào), để chuẩn bị tư tưởng cho bộ đội và đề ra cách đánh sao cho phù hợp với thực tế chiến trường. Sự chỉ đạo đó không chỉ bằng hướng dẫn trong hội nghị chiến dịch mà còn bằng văn bản, giúp cho cán bộ nắm chắc và vận dụng đúng. Trong văn kiện chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy mặt trận đã phân tích cụ thể phương châm tác chiến trong điều kiện địch tăng cường công sự, tập trung quân cơ động và chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của ta. Trước hết, ông nhấn mạnh cần đề phòng tư tưởng chủ quan khinh địch. Đó là tư tưởng muốn đánh lớn ăn to và chuyển sang tổng phản công nhanh chóng, đốt cháy giai đoạn không điều kiện. Đó là hoàn toàn không tưởng vì không hiểu rõ sức mình, không thấy ta quân số ít, không thể tập trung ưu thế tuyệt đối gấp bốn năm lần so với địch; không thấy quân ta chưa thành thạo đánh công kiên hay vận động quy mô lớn ở trung du và đồng bằng; không thấy trên chiến trường này địch cơ động nhanh hơn ở miền núi; không thấy địch đã và đang củng cố công sự, tập trung binh lực, tăng cường quân cơ động, không còn yếu như khi phân tán; không thấy rằng lúc này địch đã có kinh nghiệm thất bại, đã chuẩn bị đề phòng thì tỉnh táo tinh khôn và mạnh mẽ gấp bội so với khi chúng chủ quan hớ hênh, không cẩn mật. Nhưng Đảng ủy cũng chỉ rõ: Nếu chỉ thấy chỗ mạnh mà không thấy chỗ yếu của địch cũng không đúng. Chiến trường rộng, vì mục đích của chiến tranh xâm lược (là chiếm và giữ đất) nên càng đi sâu vào trong 418
  15. thì nhược điểm phân tán binh lực của địch càng rõ. Số địch phòng ngự ở cả điểm và tuyến đều rất yếu ớt, ít nơi có một đại đội, phần nhiều là trung đội, thậm chí có nơi chỉ có một tiểu đội và đa số là ngụy binh. Địch đang trong quá trình củng cố công sự, tập trung binh lực, tăng cường quân cơ động, điều chỉnh trận địa, tướng tá chỉ huy cũng đang trong quá trình thay đổi. Đảng ủy đề ra cách đánh phù hợp với điều kiện địch - ta hiện nay trên chiến trường, đó là kết hợp linh hoạt phân tán binh lực đánh nhỏ, nhưng khi cần có thể tập trung nhanh chóng tiến hành vận động chiến một cách mau lẹ và có hiệu quả. Phân tán đánh nhỏ có tính chất du kích trong đợt đầu chiến dịch (cụ thể là chỉ đánh một số cứ điểm đại đội hoặc đại đội tăng cường) nhưng tập trung binh lực đánh lớn trong từng trận chiến đấu theo lối vận động khi địch đã lộ rõ nhược điểm. Cách đánh đó đòi hỏi một hình thức tổ chức rất linh động, thích hợp với địch tình và địa hình mọi lúc, mọi nơi, đồng thời đòi hỏi một sự chỉ huy tác chiến rất linh hoạt trên cơ sở tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy chung. Cách đánh nhỏ này không trái với nguyên tắc tập trung binh lực, hỏa lực tuyệt đối hơn địch và không cản trở việc tiến hành vận động chiến khi cần thiết. Lối phân tán đánh nhỏ này là một lối đánh đặc biệt của quân đội chính quy trong điều kiện địch tình đặc biệt hiện tại. Cách đánh đó đòi hỏi sự phối hợp giữa bôn tập, cường tập với dạ tập1, bất ngờ tiến đánh nhanh, giải quyết nhanh. Muốn vậy, phải tuyệt đối giữ bí mật, tranh thủ thời gian hành quân ban đêm từ xa kéo đến thật cấp tốc, nhanh chóng hình thành bao vây, công kích đột nhiên bất ngờ và giải quyết mau lẹ. Có như vậy mới làm cho địch không biết mà đề phòng, hoặc có biết cũng không đối phó kịp. Tài liệu hướng dẫn của Đảng ủy nêu lên những biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục những khó khăn và hạn chế thương vong ______________ 1. Vận động từ xa đến, dùng hỏa lực mạnh và đánh đêm. 419
  16. trong điều kiện chiến đấu trên chiến trường trung du, đồng bằng trống trải, địch có điều kiện phát huy ưu thế về hỏa lực phi cơ, pháo binh và khả năng cơ động trên đường bộ và đường thủy, đồng thời nêu lên biện pháp giải quyết vấn đề tiếp tế đạn dược và giao thông liên lạc của ta khi tiến sâu vào vùng sau lưng địch. Một điểm Đảng ủy chú ý lãnh đạo tư tưởng bộ đội trong chiến dịch này là xác định mức tiêu diệt địch. Hai tháng trước, trong một chiến dịch diễn ra trong vòng nửa tháng, bộ đội vừa tiêu diệt hai binh đoàn. Vậy mà trong chiến dịch này, mức tiêu diệt địch dự kiến trong đợt 1 chỉ khoảng 2 đến 3 tiểu đoàn. Công tác chính trị phải làm cho bộ đội nhận thức đúng đắn rằng không phải bộ đội chủ lực quay về thời kỳ các chiến dịch nhỏ trước đây, mà trên cơ sở khẳng định những khó khăn trở ngại trong việc chiến đấu trên địa hình trống trải với một kẻ địch dù vừa thất bại và chưa hết dao động nhưng vẫn mạnh hơn ta rất nhiều về binh khí kỹ thuật, nhất là hỏa lực phi pháo. Cần dự kiến và chủ động ứng phó với những khó khăn mà ta chưa lường hết trước khi bước vào chiến đấu. Mặt khác, trung du và đồng bằng là chiến trường đông dân cư và có nhiều thị trấn. Văn kiện của Đảng ủy chỉ rõ: Công tác chính trị phải giáo dục cho bộ đội nắm vững và vận dụng đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng. Đó là một nội dung quan trọng về lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trong chiến dịch này. Đảng ủy nêu lên yêu cầu và biện pháp cụ thể trong việc phối hợp hoạt động với đảng bộ và lực lượng vũ trang địa phương trong quá trình diễn biến chiến dịch, vấn đề tranh thủ quần chúng nhân dân trong vùng địch, công tác vận động ngụy binh và quan hệ với các ban tề địa phương đã có liên hệ với kháng chiến, vấn đề hỗ trợ cuộc đấu tranh chính trị và diệt tề trừ gian, nội dung và phương thức tuyên truyền khuếch trương thắng lợi, đồng thời phải có kế hoạch và biện pháp giúp địa phương phối hợp chống khủng bố của địch sau khi chủ lực hoàn thành nhiệm vụ rút khỏi chiến trường. 420
  17. Bộ Chỉ huy chiến dịch dự kiến: 1- Trên hướng chính (từ Việt Trì đến Bắc Giang, trọng điểm là khu vực Vĩnh Yên - Phúc Yên - hướng được đánh giá là địch tương đối yếu) sẽ do hai đại đoàn 308 và 312 (thiếu 1 trung đoàn) và 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương đảm nhiệm; hướng phụ: a- vùng duyên hải Đông Bắc do hai trung đoàn 174 và 98; b- hướng đồng bằng: 3 trung đoàn 64, 52 và 48 (của 320). Để bảo đảm bí mật hướng chiến dịch, trừ một số cán bộ về chuẩn bị chiến đấu, bộ đội 308 và 312 vẫn ở lại biên giới để củng cố sau khi chiến dịch đường số 4 kết thúc và chỉ có mặt ở vị trí tập kết ít ngày trước khi chiến dịch bắt đầu. 2- Trong đợt 1, để thăm dò cách đối phó của địch và thu hút viện binh của chúng, ta sẽ dùng từng tiểu đoàn kết hợp giữa bôn tập, cường tập với dạ tập nhanh chóng tiêu diệt một số cứ điểm đột xuất đối diện với ta ở trung du, đồng thời triển khai lực lượng đánh viện trên những khu vực dự kiến. Sau khi phát hiện chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và cách đối phó của chúng, sang đợt 2 sẽ tập trung lực lượng vận động đến hướng địch yếu và sơ hở dùng cách đánh điểm diệt viện, linh hoạt từ nhỏ đến lớn. Từ trung tuần tháng 12, Sở Chỉ huy chiến dịch đã triển khai ở vùng Quân Chu - Cát Nê, chân phía đông bắc Tam Đảo, cách thị xã Thái Nguyên chừng 20 km đường chim bay. Dự kiến sang đợt 2, Sở Chỉ huy sẽ chuyển lên Tam Đảo để có thể quan sát được diễn biến của chiến dịch trên hướng chủ yếu ở phía nam và tây nam. Một thuận lợi trong chiến dịch này là liên lạc với An toàn khu Sơn Dương - Định Hoá rất gần, có thể liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với các cơ quan Trung ương ở phía sau. Sau 10 ngày đến Sở Chỉ huy, ngày 24/12/1950, Bí thư Đảng ủy Mặt trận gửi thư về báo cáo Cụ Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh và Thường vụ Trung ương. Theo thư báo cáo, ngày 21 Bộ Chỉ huy đã triển khai hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến cho các đơn vị chủ lực và giao nhiệm vụ 421
  18. cho bộ đội địa phương các tỉnh trung du (hoạt động trong vòng một tháng). Khi thảo luận, cán bộ chủ lực có nhiều thắc mắc về cách đánh. Sau khi phân tích và thảo luận dân chủ, anh em đã thông suốt, nhất là về chiến thuật bôn tập và điều kiện giành yếu tố bất ngờ để tiến công trên cả một tuyến rộng. Về tình hình địch, báo cáo nhận định: Địch tăng cường càn quét vùng đồng bằng Bắc Bộ như trước đây Đờ La Tua đã từng làm ở trong Nam. Chúng đang tổ chức thêm binh đoàn thứ 7. Trước mắt, địch chưa có khả năng mở cuộc tiến công lớn. Đờlát, Xalăng... mới sang, lực lượng chưa chấn chỉnh xong, tinh thần binh lính chưa được củng cố vững. Địch chưa phán đoán được phương hướng tác chiến của ta. Về phía ta, nét đặc biệt của tình hình bộ đội là anh em rất phấn khởi được về chiến đấu ở miền xuôi. Sức khỏe bộ đội có giảm sút, nhất là Đại đoàn 308, sau cuộc hành quân xa. Về vật chất, chuẩn bị cho đợt đầu đã xong và đủ. Bộ Chỉ huy cũng dự kiến đợt đầu chiến dịch các đơn vị bôn tập từ xa, nếu tổ chức dân công tiếp tế không khéo, bộ đội có thể bị đói. So với Chiến dịch Biên giới, lần này ngoài khó khăn về tài chính, bộ đội không thật đủ cơ số thuốc nổ và đạn (súng máy và súng trường thất cửu). Sang đợt 2, nếu chuyển lực lượng đến hướng xa (như đường số 18, duyên hải) thì có thể còn khó khăn. Về dự kiến kết quả đợt 1, báo cáo viết: Nếu trong đợt đầu (dự kiến từ 24 đến 36 giờ), trên khắp một tuyến từ Móng Cái qua Bắc Bắc sang Vĩnh Phúc - Việt Trì, Đại đoàn 308 (từ Bắc Giang đến Phúc Yên) tiêu diệt được từ 3 đến 5 đại đội, 312 (từ Vĩnh Yên đến Việt Trì) tiêu diệt được từ 2 đến 4 đại đội, các trung đoàn 174 và 98 (tiến công các vị trí ngoại vi Tiên Yên - Móng Cái) tiêu diệt được từ 2 đến 4 đại đội, chưa kể thành tích của chiến tranh du kích, thì chiến quả đã khá. Báo cáo của Đảng ủy dự kiến các tình huống có thể xảy ra sau đợt 1, trong đó có khả năng địch điều lực lượng lớn để đối phó. Ta sẽ tùy điều kiện, tập trung lực lượng để tiêu diệt một bộ phận quân cơ động của địch. 422
  19. Ngày hôm sau, 25/12, trong cuộc họp trước ngày nổ súng, Đảng ủy dành nhiều thời gian thảo luận về khả năng diễn biến chiến dịch. Cũng có ý kiến cho rằng Đờlát mới sang, không dám phiêu lưu đánh bậy, đối phó bậy. Ta có khả năng diệt địch. Vấn đề chính là phải nắm vững được tình huống. Bí thư Võ Nguyên Giáp kết luận: Một là, địch có thể co lại, thế nào cũng co lại một số vị trí, ta phải tùy tình hình lúc đó mà tranh thủ giải quyết. Hai là, địch có thể tăng viện. Nếu ít, ta tranh thủ tiêu diệt. Nếu lớn, tùy theo tình huống, nếu nó vào sâu, ta giành lấy thế chủ động mà tiêu diệt một bộ phận. Có khi chiến dịch hết khả năng phát triển ở trung du, phải chuyển hướng hoặc sang mặt Đông Bắc, hoặc mặt Liên khu 3, cho nên phải nắm vững tình hình các hướng này và chuẩn bị lương thực để kịp thời sử dụng khi chuyển hướng hoạt động. Ba là, cũng phải dự kiến tình hình phát triển theo chiều hướng không có lợi. Sau gần hai tháng dừng chân củng cố trên biên giới, tiếp đó là nửa tháng hành quân từ Cao - Lạng về trung du, cuối tháng 12, hai đại đoàn 308 và 312 đã có mặt ở vị trí tập kết. Mọi công tác chuẩn bị chiến đấu trên hướng chính đã xong. Theo kế hoạch, hai đại đoàn sẽ bắt đầu đợt 1 chiến dịch vào đêm 26/12. Nhưng sáng 26, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo chừng ba tiểu đoàn địch hình thành hai mũi, tiến vào khu vực tập kết của đại đoàn ở Xuân Trạch1. Bộ Chỉ huy chiến dịch coi việc ______________ 1. Sau này, qua tài liệu đối phương, ta được biết chính Tướng Đờlát đã ra lệnh “tổ chức ngay một cuộc hành binh thăm dò vùng đang biến động”. Đờ La Tua giao việc này cho Đại tá Muyle (Muller) đảm nhiệm. Muyle chưa biết gì về chiến trường Đông Dương vì vừa từ Pháp sang, nhận quyền chỉ huy Binh đoàn cơ động 3 (GM3) gồm 3 tiểu đoàn vừa được ghép lại vội vàng trong vòng 48 giờ để tiến hành cuộc hành binh mang tên Chim dẽ giun (Bécassine), càn quét và thăm dò hướng tiến công của chủ lực ta. Theo Luyxiêng Bôđa, một tiểu đoàn của GM3 bị ta diệt gọn trong trận càn này. Sau thất bại ở Liễn Sơn - Xuân Trạch, Tổng Chỉ huy Pháp ra lệnh bổ sung quân số cho GM3 và giao cho Đại tá Vanuyxem chỉ huy. 423
  20. quân địch thoát khỏi công sự tiến vào vùng có bộ đội ta là một cơ hội tốt để tiêu diệt lực lượng lớn của chúng, nên đã chấp thuận cho 312 nổ súng sớm. Tiểu đoàn 16 được lệnh xuất phát đầu tiên. Cuộc chiến đấu diễn ra ngay bên bờ sông Đáy. Chủ trương của Bộ Chỉ huy đại đoàn là giam chân địch ở thung lũng Xuân Trạch để đến đêm tiêu diệt. 7 giờ 30 phút sáng hôm sau, Sở Chỉ huy chiến dịch nhận được báo cáo: Tiểu đoàn 24BMTS bị diệt gọn, Tiểu đoàn dù 10è BPC bị thiệt hại nặng. Ta bắt hơn 200 tù binh, trong đó có Thiếu tá Pisca (Piscard, chỉ huy Tiểu đoàn Bắc Phi vừa bị xoá sổ). Đại đoàn không cho truy kích vì sợ lộ hướng chiến dịch. Không thấy quân ta đuổi, quân địch kéo về thị xã Vĩnh Yên. Với chiến thắng Liễn Sơn - Xuân Trạch, ngày 27/12 trở thành ngày truyền thống, ngày thành lập Đại đoàn 312 - đại đoàn mang tên Chiến thắng. Tiếp sau Đại đoàn 312, các đơn vị trên các hướng nổ súng theo kế hoạch. Trên hướng trung du, quân ta diệt gọn các vị trí ở Đa Phúc và một số vị trí ở bắc Phúc Yên nhưng hai trận Chợ Thá và Chợ Vàng không dứt điểm trước khi trời sáng, phải dừng lại. Trên hướng phối hợp, quân ta diệt vị trí Bình Liêu và bức rút nhiều vị trí khác, nhưng cũng có đơn vị không thực hiện được kế hoạch đánh viện binh địch và những toán quân địch rút chạy. Thời gian đợt 1 kéo dài hơn dự kiến. Bộ đội đã thực nghiệm thành công chiến thuật bôn tập, đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra cho đợt 1, tiêu diệt hơn một ngàn tên địch, số đông là Âu - Phi, trong đó có một tiểu đoàn bị diệt gọn. Bộ Chỉ huy nhận thấy cán bộ đã đỡ lo ngại chiến đấu ở trung du, tuy vậy tư tưởng chiến thuật vẫn chưa thật thông suốt, tổ chức chỉ huy còn nhiều thiếu sót; bộ đội tinh thần rất cao nhưng sức khỏe giảm sút. Nhận thấy muốn tập trung lực lượng chiến đấu liên tục, cần phải chuẩn bị đầy đủ hơn, ngày 30/12 Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1, cho bộ đội nghỉ ngơi và sơ kết trong vòng 10 ngày, đồng thời chuẩn bị gấp 424
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2