intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu này với mục đích khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ vi sinh trong hoạt động nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị, qua đó có thể đánh giá tiềm năng cũng như những bất cập còn tồn tại nhằm góp phần phát triển công nghệ vi sinh bền vững và hiệu quả cho nghề nuôi tôm.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 2 (2024) TÌNH HÌNH NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG BẰNG CÔNG NGHỆ VI SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ Lê Công Tuấn Trường Đại học khoa học, Đại học Huế Email: lctuan@hueuni.edu.vn Ngày nhận bài: 6/5/2024; ngày hoàn thành phản biện: 12/5/2024; ngày duyệt đăng: 14/5/2024 TÓM TẮT Năm 2023, tỉnh Quảng Trị có 101,8 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Ở vùng cát ven biển, 100% số hộ khảo sát nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) và sử dụng hoàn toàn ao lót bạt, trong đó 58,3% nuôi thâm canh với 44,4% áp dụng quy trình nuôi 2 giai đoạn; tôm đạt 61,81 con/kg sau 4 tháng nuôi. Vùng cửa sông, 84,3% số hộ nuôi nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi theo hình thức thâm canh trên ao đất (gần 80%); quy trình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn chưa được phổ biến ở vùng sinh thái này. Một số hộ nuôi áp dụng công nghệ vi sinh mang lại hiệu quả về năng suất và lợi nhuận từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng trên diện tích 01 ha nuôi. Các loại men vi sinh trong đó tổ hợp các vi sinh có lợi (EM - Effective Microorganisms), vi sinh công ty CP được các hộ nuôi tôm thường dùng, tôm được ghi nhận tăng trưởng nhanh, cải thiện được chất lượng nước và giảm lượng nước thay. Đây là cơ sở cho các nghiên cứu phát triển công nghệ nuôi tôm phù hợp với điều kiện đặc trưng của địa phương. Từ khoá: tôm thẻ chân trắng, công nghệ cao, công nghệ biofloc. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam có những biến động, năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 4,33 tỷ USD tăng trưởng 14% so với năm 2021. Trong đó, đóng góp chủ lực là tôm thẻ chân trắng (73,3%) tương ứng mức sản lượng ghi nhận được 743,5 nghìn tấn/năm [1, tr. 7, Phụ lục II], năm 2023 đạt 3,38 tỷ USD, giảm 21,7% và dự kiến phục hồi tăng trưởng 10-15% vào năm 2024 [2, tr. 8]. Trước những cơ hội và thách thức đan xen, các mô hình nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng hai cấp, áp dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao [1, tr. 5; 2, tr. 4]. 85
  2. Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị Nuôi tôm theo hướng thâm canh, siêu thâm canh kết hợp biofloc đem lại giá trị đồng lợi ích về mặt kinh tế và môi trường [3, tr. 1]. Hệ thống biofloc tuần hoàn được lượng thức ăn dư thừa và chất hữu cơ do tôm thải ra thành nguyên liệu đầu vào cho tôm tiêu thụ nhờ sự có mặt của hệ vi sinh vật. Do vậy, có thể tiết kiệm được chi phí bổ sung nguồn thức ăn, đồng thời việc thay nước hoặc xả nước thải là không cần thiết [4, tr. 429; 5, tr. 11]. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm của các vi khuẩn gây bệnh như Vibrio [6, tr. 92-93]. Với công nghệ biofloc, năng suất nuôi tôm có thể tăng lên gấp hai đến ba lần trong cùng một đơn vị diện tích [7, tr. 13]. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ cao ứng dụng công nghệ vi sinh như biofloc vẫn còn khá hạn chế ở Việt Nam [8, tr. 1; 9, tr. 1]. Tại tỉnh Quảng Trị, theo số liệu từ Tổng cục thống kê năm 2022, sản lượng tôm nuôi đạt 5.425 tấn, tăng 0,33% so với năm 2021. Quảng Trị là khu vực thường xuyên chịu cảnh mưa bão, ngoài ra địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng mạnh bởi gió Tây Nam khô nóng, nắng gắt kéo dài vào mùa hè. Công nghệ vi sinh như công nghệ biofloc được đánh giá phù hợp cho địa phương có điều kiện khan hiếm nước hoặc cần thâm canh tăng vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Nghiên cứu này với mục đích khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ vi sinh trong hoạt động nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị, qua đó có thể đánh giá tiềm năng cũng như những bất cập còn tồn tại nhằm góp phần phát triển công nghệ vi sinh bền vững và hiệu quả cho nghề nuôi tôm. 2 PHƯƠNG PHÁP 2.1 Phương pháp thu thập thông tin, số liệu thứ cấp Thu thập thông tin từ các báo cáo, số liệu thống kê, các đề tài dự án đã triển khai trên địa bàn thông qua làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, thu thập các nguồn báo cáo dự án, báo cáo chuyên đề, số liệu đã đăng tải về tình hình nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị. 2.2 Phương pháp điều tra, phỏng vấn Sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn PRA bằng lập phiếu điều tra và tổ chức phỏng vấn các đại diện của cơ sở nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị. Nội dung điều tra được thiết kế gồm 04 phần chính: sơ lược về công trình trang trại nuôi tôm; chi tiết về quy trình nuôi và chất lượng sản phẩm thu được; và thông tin về chế phẩm vi sinh đang sử dụng. Tổng cỡ mẫu đã điều tra là 100 phiếu thuộc 04 huyện và 01 thành phố, cụ thể được trình bày tại bảng 1. 86
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 2 (2024) Bảng 1. Phân bố phiếu điều tra ở các vùng nuôi tỉnh Quảng Trị STT Vùng Huyện Xã Số phiếu 1 Vùng nuôi bãi ngang ven biển Triệu Phong Triệu Vân 10 2 Triệu Lăng 10 3 Hải Lăng Hải An 15 4 Hải Ba 1 5 Vùng nuôi ven sông Vĩnh Linh Vĩnh Lâm 15 6 Hiền Thành 15 7 Vĩnh Cương 1 8 Gio Linh Trung Hải 7 9 Thành phố Đông Hà 10 Tổng số 100 Bên cạnh đó, kết hợp tham vấn lấy ý kiến chuyên gia và nhà quản lý về hoạt động nuôi tôm ở địa phương. 2.3 Thời gian và địa điểm Nghiên cứu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ tháng 1- 4/2023. Vị trị địa lý và các vùng khảo sát được mô phỏng tại hình 1. Hình 1. Vị trí địa lý và các vùng khảo sát ở tỉnh Quảng Trị Nguồn: UBND tỉnh Quảng Trị 2.4 Phương pháp xử lý số liệu Thông tin và số liệu từ quá trình khảo sát, phiếu điều tra xã hội học được xử lý bằng phần mềm SPSS phiên bản 20.0. 87
  4. Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 3 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1 Tình hình phát triển nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị Ngành thủy sản ở tỉnh Quảng Trị được chọn làm ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII ngày 16-10-2020, chú trọng chuyển đổi mô hình nuôi trồng cải tiến, đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý bền vững. Theo đó, nghề nuôi tôm ngày càng phát triển khá nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người nuôi. Số liệu về tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được trình bày tại bảng 2. Bảng 2. Tổng hợp tình hình nuôi tôm tỉnh Quảng Trị (Nguồn: Sở NN&PTNT Quảng Trị) Năm 2021 2022 Năm 2023 Diện tích nuôi tôm (ha) 1374 1252,8 1009,75 Sản lượng tôm nuôi (tấn) 5407 5424,9 3617,11 Diện tích nuôi tôm sú (ha) 216 198,4 174,18 Sản lượng tôm sú (tấn) - 475,9 368,31 Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (ha) 1158 1054,4 835,57 Sản lượng tôm thẻ chân trắng (tấn) - 4949 3248,80 Năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng là 4,69 tấn/ha trong khi năng suất bình quân nuôi tôm sú thấp hơn đáng kể với 2,39 tấn/ha. Qua điều tra, địa phương có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất là huyện Triệu Phong (362,58 ha), chiếm 34,4% diện tích nuôi tôm trên toàn tỉnh, ứng với sản lượng nuôi tôm cao nhất là 2.353,6 tấn. Số cơ sở nuôi tôm năm 2022 là hơn 1.940 cơ sở, bình quân 01 cơ sở có diện tích là 0,65 ha, trong đó có hơn 180 cơ sở nuôi tôm có diện tích 01 ha trở lên. Năm 2023, diện tích nuôi tôm cuả tỉnh đạt 1009,75 ha, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt 835,57 ha, tôm sú đạt 174,18 ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 3617 tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, sự biến động này cũng nằm trong xu hướng giảm chung của ngành nuôi tôm của cả nước [2, tr. 4]. Nghề nuôi tôm ở Quảng Trị thường xuyên gặp nhiều bất lợi như môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng. Cụ thể dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra tại địa bàn 07 xã, phường của các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh và thành phố Đông Hà với tổng diện tích trên 37 ha tôm bị bệnh. Tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có trên 170 ha ao, hồ nuôi tôm nhưng tôm đã chết đến 99% ngay đầu vụ thả nuôi nguyên nhân điều tra được do chất lượng nguồn nước mặt sông Sa Lung liên quan đến việc nguồn nước phục vụ vùng nuôi tôm ở huyện Vĩnh Linh có dấu hiệu bị ô nhiễm. Kết quả phân tích mẫu nước công bố 3/5 mẫu nước có các thông số vượt giới hạn B1 88
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 2 (2024) của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2015/BTNMT [10, tr. 1]. 3.2 Tình hình áp dụng công nghệ cao và công nghệ biofloc trong nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị 3.2.1. Tình hình áp dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm Việc áp dụng công nghệ vi sinh theo hướng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng gắn liền với việc đầu là tăng mức đầu tư trại nuôi, tăng đầu tư thiết bị tương xứng, áp dụng lót bạt ao nuôi, hướng đến ứng dụng kỹ thuật biofloc, cho năng suất cao, đồng thời giảm các rủi ro do dịch bệnh với tôm nuôi, hạn chế sử dụng kháng sinh và ít tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm nuôi. Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện và chuyển giao nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm và khuyến khích chuyển đổi phương thức nuôi truyền thống 1 giai đoạn sang 2-3 giai đoạn nhằm giúp giảm chi phí đầu tư xuống từ 15 – 20%, đồng thời hạn chế rủi ro dịch bệnh trong giai đoạn đầu đặc biệt là hội chứng chết sớm (EMS – Early mortality syndrome) trên tôm, quản lý và kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, rút ngắn thời gian nuôi [11, tr. 1]. Trên địa bàn tỉnh, số cơ sở hộ cá nhân nuôi tôm 2, 3 giai đoạn theo hướng công nghệ cao có 53 cơ sở với tổng diện tích hơn 50 ha, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ hộ ông Phan Thanh Tôn ở xã Hải An, huyện Hải Lăng xây dựng mô hình nuôi tôm 03 giai đoạn. Hệ thống ao nuôi gồm ao lắng 3.000 m², ao ương có diện tích 120 m³, ao nuôi giai đoạn 2 có diện tích 1.800 m², ao nuôi giai đoạn 3 có diện tích 2.000 m², tăng cường đầu tư hệ thống quạt nước, thổi oxy. Sau 30 ngày ương tôm đạt kích cỡ trung bình 900 con/kg, tiến hành sang qua ao giai đoạn 2, nuôi tiếp trong 45 đạt kích cỡ trung bình 145 con/kg, sau đó chuyển sang ao giai đoạn 3. Sau 4 tháng thả nuôi, tôm đạt tỉ lệ sống > 75%, kích cỡ bình quân đạt 50 con/kg, sản lượng thu được trên 25 tấn/ha, ước tính lợi nhuận gần 1 tỉ đồng/ha [12, tr. 1]. Huyện Gio Linh đã có 06 mô hình nuôi tôm hai giai đoạn trở lên với diện tích 10 ha, tập trung ở Gio Mai, Trung Giang và Trung Hải. Trong Báo cáo về thực trạng nuôi thủy sản của huyện Triệu Phong từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 03 giai đoạn được triển khai tại hộ nuôi của ông Trần Khương Đằng với tổng diện tích 0,93 ha gồm 04 ao tròn có hệ thống mái che bằng lưới, 01 ao chứa nước cấp và 01 ao chứa nước thải; do thời thời tiết mưa lạnh, thời gian nuôi kéo dài nên sản lượng bước đầu thu được gần 9 tấn, lãi 170 triệu đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, đã có 03 dự án nuôi tôm công nghệ cao được thực hiện theo Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong 89
  6. Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị Bảng 3. Hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ở hai vùng sinh thái tỉnh Quảng Trị Thông tin Vùng cát ven biển Vùng cửa sông Số hộ 36 64 Hình thức nuôi thâm canh (% số hộ) 58,3 78,1 Hình thức nuôi bán thâm canh (% số hộ) 41,7 21,9 Đánh giá theo đặc trưng vùng sinh thái nuôi tôm, các hộ nuôi ở vùng cát ven biển và vùng cửa sông có các hình thức và mô hình nuôi tôm khác nhau (Bảng 3 và Bảng 4). Trong đó hình thức nuôi thâm canh đã được các cơ sở ưu tiên lựa chọn, lần lượt chiến 58,3% và 78,1% ở vùng sinh thái cát ven biển và vùng cửa sông. Bảng 4. Mô hình nuôi tôm ở hai vùng sinh thái ở tỉnh Quảng Trị Thông tin Vùng cát ven biển Vùng cửa sông Số hộ 36 64 Tôm thẻ chân trắng (% số hộ) 100 84,3 Tôm sú (% số hộ) 0 15,7 Ao lót bạt (% số hộ) 100 20,3 Ao đất (% số hộ) 0 79,7 Nuôi trực tiếp (% số hộ) 52,8 68,8 Nuôi 2 giai đoạn (% số hộ) 44,4 14,1 Nuôi 3 giai đoạn (% số hộ) 2,8 17,1 Từ bảng 4 có thể thấy, các hộ nuôi ở vùng các ven biển đã có tiếp cận quy trình nuôi tiến tiến hơn, cụ thể mô hình nuôi tôm 2 và 3 giai đoạn chiếm gần 50% quy trình nuôi. Trong khi đó, ở vùng cửa sông, các hộ nuôi áp dụng mô hình nuôi tôm 2 và 3 giai đoạn còn ít, chỉ mới chiếm 31,2%. Người dân ở hai vùng chủ yếu tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng với 100% ở vùng cát ven biển và 84,3% ở vùng cửa sông. Về loại ao nuôi, 100% hộ nuôi ỏ vùng sinh thái cát ven biển sử dụng ao lót bạt, ngược lại tại vùng cửa sông có xu hướng ngược lại khi mô hình ao lót bạt chỉ chiếm 20,3% và ao đất 79,7%. Việc người nuôi vùng cửa sông chủ yếu sử dụng ao đất để nuôi tôm là một trong những hạn chế cho việc áp dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm do việc chi phí sử dụng vi sinh cao hơn (bao gồm cả xử lý nước và nền đáy đất) trên kg tôm thu hoạch và giảm phát huy hiệu quả của vi sinh trong ổn định môi trường và hạn chế mầm bệnh. Căn cứ vào thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 22/7/2010 quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy vùng cát ven biển 90
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 2 (2024) chỉ có 29/36 hộ đủ tiêu chuẩn có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2; 9/36 hộ đủ tiêu chuẩn có diện tích ao lắng chiếm diện tích từ 15%, độ sâu mực nước 36/36 hộ đạt tiêu chuẩn và có 7/36 hộ nuôi đáp ứng tiêu chuẩn. Qua khảo sát thực địa, các thông số kỹ thuật về chất lượng nước của môi trường ao nuôi ở cả hai vùng sinh thái trong thời gian sản xuất khá phù hợp cho hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng, trong ngưỡng yêu cầu pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 120 – 180 mg/L; độ mặn 5 – 25‰; hàm lượng ôxy hòa tan > 5 mg/L [13, tr. 54; 14, tr. 1; 15, tr. 2]. Đối với vùng ven biển, vấn đề môi trường nước khá ổn định và thuận lợi cho nuôi tôm, 35/36 hộ nuôi điều tra đều cho thấy đạt tiêu chuẩn về pH, 19/36 hộ nuôi đạt tiêu chuẩn về độ kiềm, 29/36 hộ nuôi đạt tiêu chuẩn hàm lượng oxy hòa tan, tuy nhiên vào thời gian cao điểm của mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9 nền nhiệt không khí từ 38 đến 41oC (nhiệt độ nước trên 30 oC) dẫn đến môi trường có sự biến động lớn trong ngày và khó kiểm soát hơn, đây củng là thời điểm nguy cơ cao xuất hiện các loại bệnh do vibrio và virus nên nhiều hộ nuôi không thả giống vào thời gian này mà tập trung thả nuôi vào mùa mưa. Đối với vùng cửa sông, lần lượt có 64/64, 49/64 và 31/64 hộ nuôi đạt tiêu chuẩn về pH, độ kiềm và hàm lượng oxy hòa tan, tuy nhiên yếu tố hạn chế đối với vùng của sông là độ mặn thấp vào mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau và người nuôi phải đợi đến tháng 3 dương lịch hàng năm mới lấy được nước có độ năm từ 10ppt để triển khai nuôi tôm. Các hộ nuôi tôm ở hai vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lựa chọn các kỹ thuật kiểm tra giống và có thời gian nuôi khác nhau, qua đó hiệu quả và sản phẩm thu được cũng có sự chênh lệch nhất định (Bảng 5). Bảng 5. Thông tin chính về hiệu quả nuôi tôm ở 2 vùng sinh thái nuôi tôm tỉnh Quảng Trị Thông tin Vùng cát ven biển Vùng cửa sông TB (thấp nhất – cao nhất) TB (thấp nhất – cao nhất) Kiểm tra giống bằng cảm quan 69,4 23,4 (% số hộ) Kiểm tra giống bằng PCR (% 30,6 76,6 số hộ) Thời gian nuôi (ngày) 125,4 (90-150) 122,9 (80-180) Cỡ tôm thu hoạch (con/kg) 61,81 (50-80) 70 (40-122) Tỷ lệ sống (%) 79,03 (50-95) 73,36 (50-90) Việc kiểm tra chất lượng giống là một yêu cầu quan trọng góp phần đảm bảo sự thành công của vụ nuôi. Nhiều hộ nuôi ở cả vùng cửa sông thực hiện kiểm tra giống bằng kỹ thuật tiên tiến với 76,6% số hộ lựa chọn phương án kiểm tra giống bằng phương pháp phản ứng chuỗi Polymerase (PCR- Polymerase Chain Reaction) thay vì đánh giá cảm như trước đây. Tuy nhiên còn nhiều hộ nuôi ở vùng cát ven biển và cửa 91
  8. Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sông còn áp dụng việc đánh giá chất lượng giống bằng cảm quan, điều này gây nhiều nguy cơ không kiểm soát được mầm bệnh từ nguồn giống. Kết quả nuôi có dấn hiệu tốt với cỡ tôm trung bình thu hoạch ở vùng cửa sông (70 con/kg) và vùng của biển (61,81 con/kg) trong khoảng thời gian nuôi gần như tương đương, tuy nhiên tỷ lệ sống chỉ đạt ở mức từ 73,36% đến 79,03%. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 101,8 ha nuôi trồng thủy sản theo công nghệ cao, trong đó: 50 ha của Công ty TNHH thủy sản công nghệ cao Việt Nam - chi nhánh 1 tại Quảng Trị, đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng và cá nước mặn, lợ; 51,8 ha còn lại do các cơ sở nuôi tôm đầu tư nuôi trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. 3.2.2. Tình hình áp dụng công nghệ biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng Tình hình ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Quảng Trị ngày càng được nhân rộng. Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị hỗ trợ hộ nuôi Phan Thành Nhơn ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 02 giai đoạn theo công nghệ biofloc với diện tích ao ương 180 m2, ao giai đoạn 2 có diện tích 3.000 m². Sau 25 ngày nuôi giai đoạn 01, đã sang ao giai đoạn 2 với hình thức sang ao bằng ống xả đáy của ao ương. Kết quả sau 110 ngày nuôi, sản lượng tôm thu được 5,8 tấn trên diện tích 0,3 ha, tương đương hơn 18 tấn/ha, kích cỡ bình quân đạt 57 con/kg, lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ha. Năm 2022, hộ nuôi Trần Văn Dụng ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh sử dụng 2 ha áp dụng theo mô hình CPF Combine của công ty CP, bố trí 6 ao nuôi thương phẩm theo dạng ao nổi với tổng diện tích gần 5.000 m2, còn lại là ao xử lý nước thải, ao chứa lắng và hệ thống xử lý nước thải. Áp dụng mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn, mỗi vụ thu khoảng 30 tấn tôm thương phẩm, lợi nhuận thu được từ 2 – 3 tỉ đồng [12, tr. 1]. Các hộ nuôi tôm ở vùng cát ven biển và vùng cửa sông sử dụng khá đa dạng các loại men vi sinh có trên thị trường tại Quảng Trị, trong đó chủ yếu từ các thương hiệu: EM Việt Nhật và vi sinh của công ty CP (Bảng 6). Bảng 6. Tình hình sử dụng chế phẩm vi sinh Thông tin Vùng cát ven biển Vùng cửa sông EM Việt Nhật (% số hộ) 50,3% (41 hộ) 20% (32 hộ) Vi sinh nước công ty CP (% số hộ) 11,2 % (18 hộ) 6% (13 hộ) Vi sinh công ty Bio (% số hộ) 5,6% (11 hộ) 5,2% (14 hộ) Vi sinh công ty Nam Mỹ (% số hộ) 3,3 % (7 hộ) 4,9% (14 hộ) Công ty khác (% số hộ) 10,5 % (11 hộ) Người nuôi sử dụng men vi sinh để xử lý chất hữu cơ, cải thiện môi trường nước, kiểm soát tảo và hạn chế các bệnh của tôm. Thời gian sử dụng men vi sinh xuyên 92
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 2 (2024) suốt vụ nuôi với tần suất 7-10 ngày/lần. Qua khảo sát các cơ sở nuôi tôm, nhận thấy tín hiệu tích cực về hiệu quả các sản phẩm vi sinh, giúp tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu của tôm, ổn định môi trường nước, tiêu diệt các vi sinh vật có hại trong ao và không cần thay nước thường xuyên. Tuy nhiên, người nuôi cho rằng giá thành các sản phẩm vi sinh khá cao, nhiều sản phẩm chưa kiểm chứng được chất lượng, tác dụng chậm nên trong quá trình nuôi tôm vẫn mắc phải một số bệnh thường gặp như đen mang, gan tụy, hồng thân, đốm đen, đốm trắng, phân trắng, đầu vàng, bệnh vi bảo tử trùng (Enterocytozoon hepatopenaei - EHP) và bệnh đường ruột. 3.3 Đánh giá chung tình hình nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị 3.3.1. Thuận lợi - Các hộ nuôi ngày càng có xu hướng tiếp cận đầu tư và triển khai phát triển nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao. - Chủ động nuôi quanh năm từ 2 đến 4 vụ/năm, giảm tỷ lệ tôm chết sớm trong giai đoạn từ 25-30 ngày sau thả giống, phù hợp cả quy mô nuôi nông hộ lẫn trang trại, năng suất có thể đạt từ 25-30 tấn/ha. - Sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chức năng trong triển khai các mô hình nuôi tôm thâm canh 02 giai đoạn, 03 giai đoạn, áp dụng công nghệ vi sinh/biofloc thí điểm đến người dân. - Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất đại trà như: sử dụng men vi sinh, kỹ thuật chăm sóc và phòng ngừa bệnh, kiểm soát các chỉ số môi trường ao nuôi (lượng oxy hòa tan, độ pH, độ kiềm, kiểm soát mật độ tảo,…) góp phần hạn chế rủi ro, dịch bệnh. 3.3.2. Khó khăn - Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai thường xuyên xảy ra, nắng nóng gay gắt kéo dài dễ gây bùng phát dịch bệnh. - Nguồn nước thải của đa số các hộ nuôi nuôi tôm đều không qua xử lý và xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt khi ao xả bị bệnh sẽ gây lây lan diện rộng, khó kiểm soát. - Giá thức ăn và các vật tư thiết yếu khác ngày càng tăng cao trong khi giá tôm liên tục giảm và không ổn định gây thua lỗ cho người nuôi. - Chất lượng giống giảm và không ổn định chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu của người nuôi củng là nguyên nhân gây vụ nuôi thua lỗ. - Các mô hình nuôi công nghệ cao, nuôi vi sinh/biofloc còn rất hạn chế, chi phí đầu tư từ 2 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha đối với một khu nuôi hoàn chỉnh, chưa thực sự có mô hình chuẩn tại địa phương để kế thừa và nhân rộng. 93
  10. Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị - Các sản phẩm vi sinh sử dụng có giá thành cao, chất lượng không ổn định, chưa kiểm soát và đánh giá được hiệu quả sử dụng. 4 KẾT LUẬN Nuôi tôm áp dụng công nghệ vi sinh và biofloc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng được chính quyền và các hộ nuôi quan tâm đầu tư, xây dựng. - Năm 2023, toàn tỉnh có 101,8 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ vi sinh theo hướng biolfoc cho tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chiếm ưu thế. - Đối với vùng cát ven biển, 100% số hộ nuôi khảo sát lựa chọn nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng ao lót bạt, với 58,3% nuôi thâm canh trong đó có 44,4% áp dụng quy trình nuôi 2 giai đoạn. - Đối với vùng sinh thái nuôi tôm ở của sông, hơn ¾ số hộ nuôi tôm theo hình thức thâm canh, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng (84,3%) bằng ao đất (79,7%), tại khu vực này, quy trình nuôi tôm 2,3 giai đoạn vẫn còn khá hạn chế. - Cỡ tôm đạt được khi thu hoạch ở vùng cửa sông nhìn chung lớn hơn so với vùng cát ven biển, giá trị trung bình lần lượt là 70 và 61,81 con/kg. - Nhiều hộ nuôi ở Quảng Trị đã áp dụng mô hình nuôi công nghệ vi sinh theo hướng biofloc bước đầu mang lại hiệu quả về năng suất và lợi nhuận. - Nhiều loại men đã được áp dụng trong nuôi tôm, trong đó sản phẩm EM Việt Nhật và sản phẩm công ty CP được sử dụng phổ biến đã giúp cải thiện đáng kể kết quả vụ nuôi, tăng đề kháng ao nuôi mà giảm lượng nước thay. - Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động nuôi tôm áp dụng công nghệ vi sinh theo hướng công nghệ cao cũng tồn tại những khó khăn gây ra bởi các yếu tố khách quan như: giá thức ăn tăng liên tục, các sản phẩm vi sinh có giá thành cao và chất lượng không ổn định, chi phí đầu tư công nghệ ban đầu khá lớn. LỜI CẢM ƠN Nội dung bài báo này là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp Tỉnh Quảng Trị, số 3526/QĐ-UBND. 94
  11. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 2 (2024) TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Bộ NN&PTNN (2022). Hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. [2]. Bộ NN&PTNN (2023). Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. [3]. Emerenciano M, Gaxiola G, Cuzon G (2013). Biofloc Technology (BFT): A Review for Aquaculture Application and Animal Food Industry. Biomass now: cultivation and utilization. p. 301–328. [4]. Avnimelech Y, Diab S, Kochva M, et al (1992). Control and utilization of inorganic nitrogen in intensive fish culture ponds. Aquaculture research, 23,421–430. [5]. Crab R, Avnimelech Y, Defoirdt T, et al (2007). Nitrogen removal techniques in aquaculture for a sustainable production. Aquaculture, 270,1–14. [6]. Tạ VP, Nguyễn VH, Phạm CK, et al (2018). Đánh giá yếu tố kỹ thuật và hiệu quả tài chính trong nuôi tiim thẻ chân trắng theo quy trình biofloc tại Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học tây Đô, 3,86–99. [7]. Thong PY (2014). Biofloc technology in shrimp farming: success and failure. Aquacult Asia Pac, 10, 13–16. [8]. Lê VT (2023). So sánh một số vấn đề môi trường giữa mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh – bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 62, 1-10. [9]. Sở NN&PTNN tỉnh Thừa Thiên Huế (2014). Công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản. [10]. Nguyễn H (2013). Quảng Trị: Sản lượng thủy sản giảm mạnh. Tạp chí Thủy sản Việt Nam (online). [11]. Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị (2023). Hiệu quả từ các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. [12]. Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Trị (2023). Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng. [13]. Chanratchakool P (2003). Advice on aquatic animal health care: Problems in Penaeus monodon culture in low salinity areas. Aquaculture Asia, 8,54–56. [14]. Mace CE (2008). Evaluation of ground water from the Lajas Valley for low salinity culture of the Pacific white shrimp Litopenaeus vannamei. Doctor of Philosophy in Marince science, University of Peurto Rico. [15]. Whetstone JM, Treece GD, Browdy CL, et al (2000). Opportunities and constraints in marine shrimp farming. Southern Regional Aquaculture Center Washington, DC, USA, 2600, 1-8. 95
  12. Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ vi sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị THE CURRENT STATUS OF WHITE LEG SHRIMP FARMING USING MICROBIOLOGICAL TECHNOLONY IN QUANG TRI PROVINCE Le Cong Tuan University of Sciences, Hue University Email: lctuan@hueuni.edu.vn ABSTRACT In 2023, Quang Tri province will have 101.8 hectares of high-tech aquaculture, mainly white-legged shrimp. In coastal sandy areas, 100% of surveyed households raised white-legged shrimp and ultimately used canvas-lined ponds, of which 58.3% raised intensively with 44.4% applying a 2-stage farming process; Shrimp reached 61.81 shrimp/kg after 4 months of farming. In the estuary region, 84.3% of farming households raise white-legged shrimp intensively on earthen ponds (nearly 80%). The 2- and 3-stage shrimp farming process is not yet popular in this ecological region. Some farming households apply microbial technology, bringing efficiency in productivity and profit from 500 million to 1 billion on 1 hectare of farming area. Shrimp farmers prefer probiotics, including EM . Shrimp are recorded toproliferate, increase resistance and do not need to change water. This is the basis for research and development of shrimp farming technology suitable to typical local conditions. Keywords: White leg shrimp, high technology, biofloc technology. Lê Công Tuấn sinh ngày 27/04/1976 tại Nghệ An. Năm 1998, ông tốt nghiệp kỹ sư ngành Nuôi trồng thuỷ sản tại trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Năm 2004, ông tốt nghiệp Thạc sỹ Nuôi trồng và khai thác thủy sản tại trường đại học Wageningen, Hà Lan. Năm 2008, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Sinh học và sinh thái biển tại trường đại học Bách khoa Marche, Cộng hòa Ý. Hiện nay ông công tác tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Lĩnh vực nghiên cứu: Công nghệ môi trường/công nghệ sinh học ứng dụng trong xử lý nước thải, nuôi trồng thủy sản và hoạt động nông nghiệp; Đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn lợi thủy sản; Sức tải môi trường phục vụ quy hoạch và phát triển nuôi trồng thủy sản; và Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng ven bờ. 96
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2