VĂN MẪU LỚP 12<br />
TỔNG HỢP 3 BÀI MẪU “PHÂN TÍCH KHỔ 5,6,7 TRONG BÀI <br />
THƠ “SÓNG” XUÂN QUỲNH”<br />
<br />
BÀI MẪU SỐ 1:<br />
Thơ Xuân Quỳnh có nét rất riêng, trong số các nhà thơ nữ của Việt Nam, đó là: chân <br />
thật và đam mê mãnh liệt. Trong thơ chị cháy lên cái sắc màu của một thế giới lung linh, <br />
thế giới tình yêu. Thơ Xuân Quỳnh, thơ tình Xuân Quỳnh là niềm khao khát hạnh phúc. <br />
Thơ Xuân Quỳnh rất tình, rất đời và rất đàn bà bởi niềm khát khao ấy. Nói đến khát khao <br />
hạnh phúc trong thơ Xuân Quỳnh có nghĩa là nói đến “Sóng”. Trong bài thơ này, nỗi nhớ <br />
niềm thương của người đang yêu được Xuân Quỳnh diễn tả thật cảm động và đầy nghệ <br />
thuật. Nỗi nhớ như bao trùm cả không gian bao la. Nó chiếm cả tầng sâu, bề mặt của <br />
tâm hồn. Và nó khắc khoải da diết được thể hiện trong ba khổ thơ cuối 5, 6, 7 của bài <br />
thơ “Sóng”.<br />
“Con sóng dưới lòng sâu<br />
Con sóng trên mặt nước<br />
Ôi con sóng nhớ bờ<br />
Ngày đêm không ngủ được<br />
Lòng em nhớ đến anh<br />
Cả trong mơ còn thức”<br />
“Con sóng dưới lòng sâu;con sóng trên mặt nước” là những cung bậc, những biểu <br />
hiện phong phú đa dạng nỗi nhớ của “em”. “Sóng trên mặt nước” là biểu hiện nỗi nhớ <br />
khi thương. Còn “sóng dưới lòng sâu” là nỗi nhớ âm thầm lắng sâu trong cõi lòng và “cả <br />
những lúc giận anh mà lòng em vẫn nhớ”. Nỗi nhớ ấy mới khắc khoải, bồn chồn, thổn <br />
thức sâu thẳm biết nhường nào! Hai câu thơ “Lòng em nhớ đến anh; cả trong mơ còn <br />
thức” đã diễn tả được một cách thật xúc động và chân thực cõi lòng của người phụ nữ <br />
đang yêu bằng một tình yêu thật trong sáng và mãnh liệt. “Em” nhớ “anh” từ cõi thực đến <br />
cõi mơ. Cái thức trong giấc mơ mới là tình cảm thật nhất, sâu sắc nhất của cõi lòng. Bàn <br />
chân con người có thể “xuôi về phương Bắc” hay “ngược về phương Nam”, nhưng trái <br />
tim chỉ “hướng về anh một phương” như hoa hướng dương hướng về mặt trời vậy… Ở <br />
đây, một lần nữa, Xuân Quỳnh đã mượn kết cấu trùng điệp để tăng tiến nỗi nhớ của <br />
lòng mình. Với người phụ nữ ấy, không phải phương Bắc hay phương Nam mà chỉ là <br />
một phương duy nhất. Đó là phương của tâm trạng, của trái tim. Thành thật và cháy <br />
bỏng đến nhường ấy, da diết đến nhường ấy! Dù hơi táo bạo, nhưng sự đắm say của <br />
khát vọng tình yêu đã trở thành điểm tựa để thơ Xuân Quỳnh cất cánh. Đoạn thơ trên của <br />
Xuân Quỳnh vừa là tiếng nói tha thiết cháy bỏng của trái tim người phụ nữ trong nỗi <br />
nhớ, vừa được viết với thủ pháp nghệ thuật của bàn tay một thi sĩ tài hoa. Nỗi nhớ được <br />
thể hiện hằng hình tượng gián tiếp chưa đủ, nó còn được biểu hiện trực tiếp như trái <br />
tim không thể kìm nén nổi, tự thốt thành lời:<br />
“Lòng em nhớ đến anh<br />
Cả trong mơ còn thức”<br />
Để nhấn mạnh tính đa dạng, sâu đằm của nỗi nhớ, tác giả còn sử dụng thủ pháp <br />
điệp “con sóng” (ba lần), nhân cách hoá “con sóng nhớ bờ”, biện pháp đối lập “dưới lòng <br />
sâu” – “trên mặt nước”. Nỗi nhớ ở đây đã trở thành tình cảm thường trực trong “trái tim <br />
bé nhỏ mà không bến bờ” của thi sĩ cứ trào dâng, cứ tầng tầng, lớp lớp tưởng chừng như <br />
tới tột độ, cứ nối tiếp nhau hối thúc trào ứ trong tâm hồn. Đã có biết bao câu ca dạo, biết <br />
bao bài thơ viết rất hay về nỗi nhớ của người phụ nữ trong tình yêu:<br />
“Em nhớ anh không chỉ trong giấc ngủ<br />
Em nhớ anh không chỉ lúc dạo chơi<br />
Em nhớ anh không chỉ khi trăng tỏ<br />
Em nhớ anh không chỉ lúc mưa rơi<br />
Ôi! Cái nhớ sao mà kì diệu<br />
Ôi! Cái thương sao khéo mặn mà<br />
Có phải lúc xa nhau ta mới hiểu<br />
Hết lòng người trong mỗi phút giây qua”<br />
(Hoàng Thị Minh Khanh)<br />
Ở trong bài thơ này, Xuân Quỳnh đã có thêm một tiếng nói mới mẻ về tình cảm đó <br />
bằng những vần thơ giản dị mà sâu sắc và không kém phần độc đáo.<br />
Tình yêu chân chính là như vậy: vừa sôi nổi thiết tha, mãnh liệt, vừa trong sáng, <br />
thuỷ chung. Vì tình yêu mà thi sĩ suy tư ở đây không phải là một thứ tình cảm phiêu diêu, <br />
huyền ảo nào mà là tình yêu trần thế gắn với đời thường. Mà đời thường không hoàn <br />
toàn bình yên, phẳng lặng; trái lại, lắm khi gặp giông tố, bão bùng. Vì vậy, trong tình yêu <br />
cần phẩm chất thuỷ chung, ý chí, nghị lực, sức mạnh của tình cảm để vượt qua mọi <br />
không gian, thời gian, mọi trắc trở để tìm đến bến bờ của hạnh phúc lứa đôi:<br />
“Ở ngoài kia đại dương<br />
Trăm ngàn con sóng đó<br />
Con nào chẳng tới bờ<br />
Dù muôn vời cách trở”<br />
Hãy quan sát cái hiện tượng gần như trở thành quy luật có vẻ nghịch lý của đại <br />
dương. Dù gió từ bờ thổi ra thì sóng ở ngoài xa vẫn hướng vào bờ. “Em” cũng thế, cho <br />
dù gặp biết bao trở ngại, “em” cũng sẽ vượt qua hết để đến với “anh”, đến với một mái <br />
ấm hạnh phúc gia đình… (như Chế Lan Viên đã viết:<br />
Cây nối đầu cây chạy đến em<br />
Đếm cây hoài lại mọc cây thêm<br />
Tình anh làm cái cây sau chót<br />
Về tới quê em mọc tận thềm”<br />
Khi đã yêu thực lòng thì dù muôn vời cách trở, chúng ta vẫn đến được với nhau. Ca <br />
dao xưa đã từng viết:<br />
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo<br />
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”<br />
Tình yêu là như vậy, luôn luôn gắn liền với lòng tin, tin ở cuộc đời, tin ở người <br />
mình yêu, tin ở chính sức mạnh của tình yêu. Chả thế mà qua bấy nhiêu năm tháng sống <br />
dưới cảnh đạn bom tàn phá những gì quý giá do chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy <br />
mà trong tâm hồn người con gái bé nhỏ “Nguyệt vẫn có tình yêu và niềm tin mãnh liệt <br />
vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy dù cho bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng <br />
không thể đứt, không thể tàn phá nổi” (Mảnh trăng cuối rừng). Bài thơ thoáng một chút <br />
khắc khoải, lo âu về sự chảy trôi của thời gian, cái ngắn ngủi của cuộc đời mình và tình <br />
yêu cuả bản thân. Giữa lúc trái tim đang yêu nồng nàn, yêu hết mình vẫn thấp thoáng một <br />
dự cảm day dứt rất chính đáng:<br />
“Cuộc đời tuy dài thế<br />
Năm tháng vẫn đi qua<br />
Như biển kia dẫu rộng<br />
Mây vẫn bay về xa”<br />
Biển dù rộng tới đâu rồi cũng có bờ, có giới hạn và những đám mây không thể dừng <br />
lại mãi mãi trên biển, mà chúng tiếp tục cuộc hành trình trên bầu trời để đi đến cõi vô <br />
tận xa xăm. Cũng thế, cuộc đời con người tuy dài nhưng không phải vĩnh hằng, dù con <br />
người không mong đợi nhưng năm tháng vẫn bình thản trôi qua đời người theo quy luật <br />
tất yếu khắc nghiệt của thời gian. Không gian và thời gian là vô hạn. Ở một chỗ khác, <br />
Xuân Quỳnh cũng đã có một câu thơ tương tự “Thời gian như là gió; Mùa đi theo tháng <br />
năm; Tuổi theo mùa đi mãi”.<br />
Vì thế, đứng trước biển, con người càng có cảm giác về cái nhỏ nhoi, hữu hạn của <br />
kiếp người trước cái vĩnh hằng của vũ trụ. Do đó, con người luôn luôn có khát vọng <br />
được sống trọn vẹn trong tình yêu, khát khao được gắn bó mãi mãi với cuộc sống này, <br />
hoà nhập với cuộc đời vĩnh hằng bằng tình yêu của mình. Niềm khát khao ấy, Xuân <br />
Quỳnh lại gửi vào hình tượng “sóng”: Những con sóng tan ra không phải để biến mất <br />
trên đại dương mà là để hóa thân, để tồn tại vĩnh viễn trong vô tận các con sóng khác. <br />
Cũng thế, con người sẽ ra đi nhưng tình yêu thì ở lại, một tình yêu vô tận, vĩnh hằng như <br />
sóng giữa biển khơi. Đây là một khát vọng rất con người:<br />
“Làm sao được tan ra<br />
Thành trăm con sóng nhỏ<br />
Giữa biển lớn tình yêu<br />
Để ngàn năm còn vỗ”<br />
Tình yêu của bản thân thì hữu hạn với đời người. Muốn nó đi vào vĩnh hằng, chỉ <br />
còn một cách là hoà tan tình yêu vào những con sóng tình yêu của biển đời để ngàn vạn <br />
năm sau, con sóng đó “Vẫn hát mãi bên ghềnh; Một tình chung không hết” (Xuân Diệu). <br />
Ở đây, tình yêu dường như đã lớn hơn cả bản thân, dài hơn cả cuộc dời. Trong bài thơ <br />
“Tự hát”, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng đã khẳng định:<br />
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em<br />
Là máu thịt đời thường ai chẳng có<br />
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa<br />
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”<br />
Như vậy, bằng trái tim phụ nữ đằm thắm, thiết tha, bằng bút pháp thơ giản dị mà <br />
hàm súc, hồn nhiên mà đầy nghệ thuật, Xuân Quỳnh qua bài thơ “Sóng” đã làm nổi bật <br />
được vẻ đẹp và sức sống của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu – một tình yêu giàu <br />
nữ tính, rất truyền thống mà cũng rất hiện đại.<br />
<br />
BÀI MẪU SỐ 2:<br />
<br />
<br />
Khổ thơ thứ 5:<br />
“ Con sóng dưới lòng sâu<br />
Con sóng trên mặt nước<br />
Ôi con sóng nhớ bờ<br />
Ngày đêm không ngủ được<br />
Lòng em nhớ đến anh<br />
Cả trong mơ còn thức”<br />
Đây là khổ thơ có số lượng câu thơ nhiều nhất trong bài, 6 câu thơ đứng giữa bài <br />
thơ, như một đợt sóng lòng cồn lên cao nhất từ tâm điểm của bào thơ. 4 câu đầu cái tôi <br />
trữ tình nhập vào sóng để giãi bày tâm sự. Hai câu sau cái tôi trữ tình tách ra để bày tỏ <br />
lòng mình , nhập vào rồi tách ra như vậy tuy hai mà vẫn là một trong một dòng cảm xúc <br />
tuôn chảy.<br />
Âm điệu cùng nghệ thuật điệp từ, điệp câu đã miêu tả con sóng ở những tầng bậc <br />
khác nhau trong không gian , trong thời gian. Con sóng trên mặt nước là con sóng dễ nhận <br />
thấy. Con sóng dưới lòng sâu là sóng ngầm, sóng lòng. Và con sóng đã được nhân hóa. <br />
Mạch cảm xúc thơ vẫn từ hình tượng sóng – con sóng trong không gian biển cả . Nhịp <br />
sóng như vang lên trong từng câu thơ. Con sóng cứ trở đi trở lại như một điệp khúc. Lời <br />
thơ tràn ngập, dào dạt tiếng sóng, sóng biển và sóng lòng giăng mắc. Xuân Quỳnh ngẫm <br />
về sóng là để nghĩ về mình, hiểu tình yêu của mình.<br />
Con sóng có tâm trạng vơi đầy thương nhớ. Sóng nhớ bờ. Bờ là nơi đến của sóng. <br />
Sóng và em như nhập vào nhau là một để diễn tả nỗi nhớ. Sóng nhớ bờ như em nhớ anh. <br />
Nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định nỗi nhớ của mình khi xa cách người thương:<br />
“ Tả mây tả cát sao bằng<br />
Tả anh thương nhớ lòng giăng vạn trùng”<br />
( Đêm trăng Hắc Hải)<br />
Xuân Quỳnh cũng vậy , bà đã nhập vào sóng để nói lên nỗi nhớ của mình:<br />
“ Lòng em nhớ đến anh<br />
Cả trong mơ còn thức”<br />
Sáu câu thơ trong một khổ thơ thì có hai câu người phụ nữ tự nói lên tình yêu của <br />
mình đối với người mình yêu. Trên mượn sóng để nói hộ mình. Đến đây, tình yêu mãnh <br />
liệt đã thôi thúc trái tim tự hát thành lời. Có tăng thêm ngôn ngữ, bài hát có tăng thêm nốt <br />
nhạc điều ấy cũng là lẽ thường tình vì nỗi nhớ trong tình yêu không ngôn ngữ nào có thể <br />
diễn tả hết được. Nhớ là biểu hiện của tình yêu, là thước đo của tình yêu. Người phụ nữ <br />
trong bài thơ nhớ đến trăn trở, khắc khoải, day dứt không nguôi triền miên theo thời gian. <br />
Trong giấc mơ vẫn còn niềm thao thức. Nỗi nhớ da diết thường trực vô tận trong lòng. <br />
Câu thơ không có một từ “ yêu” mà vẫn toát lên một tình yêu cháy bỏng dạt dào. Đặc <br />
biệt không phải là em nhớ, mà là “ lòng em nhớ” thế mới là sâu sắc.<br />
Hai câu thơ là lời tự hát của một trái tim phụ nữ về tình yêu với người mình yêu. <br />
Tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ thật mãnh liệt , chủ động bày tỏ tình cảm của <br />
mình. Đó là vẻ đẹp của sự bạo dạn, mới mẻ, đắm say. Trái tim của người phụ nữ không <br />
cần úp mở nữa. Nó đã đòi nói thật.<br />
c. Khổ thơ 6 + 7:<br />
“ Dẫu xuôi về phương bắc<br />
Dẫu ngược về phương nam<br />
Nơi nào em cũng nghĩ<br />
Hướng về anh – một phương”<br />
Xuân Quỳnh diễn tả thêm tình yêu của mình cho trọn vẹn. Hình như thể hiện tình <br />
yêu bằng nỗi nhớ vẫn chưa yên tâm, mà phải diễn đạt sao đây cho đủ, cho đến tận cùng <br />
nỗi nhớ vì thế hai khổ thơ này xuất hiện.<br />
Khổ thơ có những cặp từ trái nghĩa : “ dẫu xuôi, dẫu ngược” để diễn tả cảnh ngộ <br />
của người phụ nữ. Nhưng đọc lên nghe có vẻ không xuôi chiều. Dân gian hay nói: “ xuôi <br />
nam ngược bắc”, Xuân Quỳnh đã diễn đạt ngược lại để khẳng định: dù cuộc đời, trời <br />
đất có thay đổi, có quay cuồng, đảo lộn, thay phương đổi hướng thì tình yêu của em cũng <br />
chỉ dành cho một người là anh mà thôi. Đến đây trong lời thơ không còn em và sóng, chỉ <br />
còn em và anh – với tình yêu:<br />
“ Chỉ còn em và anh<br />
Cùng tình yêu ở lại”<br />
( Thơ tình cuối mùa thu)<br />
Câu thơ giống như một lời thề. Thề rằng dù em phải ngược xuôi vất vả gian truân, <br />
lên thác xuống ghềnh cũng chỉ có anh là người duy nhất. Câu thơ giản dị mà sâu sắc hơn <br />
tất cả mọi lời vàng đá. Không gian thì có bốn phương tám hướng, nhưng tình yêu chỉ <br />
chấp nhận một phương. Có lẽ đây cũng là quan niệm về tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh: <br />
tình yêu phải gắn với lòng chung thủy. Tình yêu không đơn thuần là tình yêu mà tình yêu <br />
đi liền với cái tốt, cái đẹp, cái cao cả là nỗi nhớ mãnh liệt, lòng thủy chung tuyệt đối. <br />
Khổ thơ toát lên vẻ đẹp của tình yêu đầy nữ tính kín đáo, dịu dàng, táo bạo, mãnh liệt <br />
bởi nhiều khát khao và đam mê nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người <br />
phụ nữ phương Đông và người phụ nữ Việt Nam yêu tha thiết, chân thành và luôn hướng <br />
tới hôn nhân. Những câu thơ như được vắt ra từ chính cuộc đời Xuân Quỳnh đầy đau <br />
thương, mất mát, hụt hẫng về tình cảm.<br />
Khổ thơ 5 và 6 hình tượng sóng và em sóng đôi hòa làm một soi chiếu vào nhau <br />
cộng hưởng. Sóng chính là nỗi lòng của em và em là hiện thân của sóng. Sóng và em <br />
đồng hiện. Khổ thơ thứ 7 nhà thơ lại quay trở về với hình tượng sóng. Dù gió xô bão dạt <br />
tới phương nào đi nữa cuối cùng sóng vẫn về với bờ. Đó là hiện thực, là qui luật:<br />
“ Ở ngoài kia đại dương<br />
Trăm nghìn con sóng đó<br />
Con nào chẳng tới bờ<br />
Dù muôn vời cách trở”<br />
Hình như khẳng định tình yêu chung thủy e chưa đủ, nên cảm xúc thơ lúc này như <br />
lắng xuống, nhập vào sóng để khẳng định thêm vẻ đẹp tình yêu của mình: có cách trở <br />
vẫn thủy chung trọn vẹn. Như vậy hành trình tình yêu của Xuân Quỳnh một người bạn <br />
đồng hành là sóng, sóng góp phần nói thêm, bồi đắp thêm những cảm xúc thương yêu <br />
cháy bỏng của nữ sĩ.<br />
Hai khổ thơ có những câu thơ gần nghĩa nhau, bổ sung, bồi đắp cho nhau để <br />
khẳng định một tình yêu bền vững: “ Dẫu xuôi về phương bắc”; “ Dẫu ngược về <br />
phương nam” Và “ Dù muôn vàn cách trở” thì em vẫn “ hướng về anh một phương”, <br />
sóng thì “ con nào chẳng tới bờ”. Tình yêu vượt lên trên mọi không gian, thời gian, mọi <br />
cách trở, mất còn để đi đến đích. Đúng như có một lần Xuân Quỳnh đã khẳng định:<br />
“ Sau sông sau biển sau thuyền<br />
Sau những chân trời bát ngát<br />
Sau bao điều cay cực nhất<br />
Anh là hạnh phúc đời em”<br />
( Không bao giờ là cuối)<br />
Các khổ thơ 3 , 4, 5, 6 , 7 tập trung thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu <br />
qua hình tượng sóng:<br />
+ Sóng: <br />
Nỗi nhớ trong tình yêu da diết nồng nàn.<br />
Tình yêu chung thủy hướng tới hạnh phúc trọn vẹn.<br />
Tình yêu vượt qua mọi khó khăn trắc trở của cuộc đời.<br />
Các khổ thơ tập trung diễn tả vẻ đẹp của một tâm hồn phụ nữ chân thật giãi bày <br />
lòng mình, yêu tha thiết nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.<br />
<br />
BÀI MẪU SỐ 3:<br />
<br />
<br />
Đề tài tình yêu là một đề tài đã khiến cho rất nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ tốn <br />
nhiều giấy mực. Viết về tình yêu, thì điều đặc biệt là viết về nỗi nhớ, sự thủy chung <br />
trong tình yêu, nhưng có lẽ một nhà thơ nữ viết về tình yêu của chính những người phụ <br />
nữ thì ít thấy. Nhưng Xuân Quỳnh đã làm được điều đó qua bài thơ Sóng Một bài thơ <br />
tình hay nhất trong sự nghiệp của chị. Khi nhắc về tình yêu, người ta không thể không <br />
nhắc tới nỗi nhớ và sự thủy chung nên trong Sóng chị đã dành cho nỗi nhớ và sự thủy <br />
chung một phần khá quan trọng trong hai khổ thơ:<br />
Con sóng dưới lòng sâu<br />
….<br />
Hướng về anh một phương<br />
Khi nhắc đến Xuân Quỳnh, người đọc thường nhắc tới một giọng thơ nồng hậu, <br />
thiết tha lúc nào cũng khao khát và ngập tràn thương yêu. Tình yêu trong thơ chị lúc nào <br />
cũng cồn cào, sâu sắc và mạnh mẽ, nhưng cũng không kém phần dịu dàng nữ tính. Sóng <br />
được chị viết vào năm 1967 khi chị còn rất trẻ với một tâm hồn còn đầy rạo rực yêu <br />
thương và tình yêu. Bài thơ được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào.<br />
Hai khổ thơ mà ta bình giảng trên nằm ở phần giữa bài thơ, nó nói lên nỗi nhớ <br />
nhung của tình yêu và sự thủy chung.<br />
Hình tượng xuyên suốt bài thơ vẫn là hình tượng “Sóng” – Sóng ở đây được Xuân <br />
Quỳnh gửi vào đó cả tâm hồn người con gái khi đang yêu. Mượn sóng để nói đến người <br />
phụ nữ và tình yêu của phụ nữ, đây là việc Xuân Quỳnh đã từng làm trong Thuyền và <br />
biển. Nhưng ở trong hai khổ thơ này Sóng là sóng của nhớ nhung, chung thủy.<br />
Ngay khổ thơ thứ nhất, Xuân Quỳnh với cách sử dụng điệp cấu trúc, điệp từ “con <br />
sóng” và cách sử dụng tương quan đối lập "dưới lòng sâu”, đối lập với “trên mặt nước” <br />
đã miêu tả hai con sóng ở hai vị trí khác nhau nhưng chúng cùng mang một nỗi “nhớ <br />
bờ”… Tương quan đối lập được nói ở trên khiến người đọc cảm nhận nỗi nhớ ấy như <br />
mạnh mẽ, da diết hơn, nỗi nhớ ấy không chì hiện hữu trên mặt nước mà còn ở chiều sâu <br />
từng mét nước. Dường như con sóng mang nỗi nhớ tràn ngập trong suốt bản thân mình. <br />
Nỗi nhớ như thấm đẫm trên từng ngọn sóng tới chân sóng. Bởi vì sóng là hiện thân của <br />
người con gái, là hiện thân của tình yêu mãnh liệt của người con gái nên ở đây ta có thể <br />
hiểu nổi nhớ cũng đang tràn ngập trong lòng người con gái, nó hiện hữu qua khuôn mặt <br />
buồn nhớ qua tâm trạng sầu nhớ. Câu thơ thứ ba cất lên như một tiếng thốt của tâm <br />
trạng “Ôi con sóng nhớ bờ”. Phải nhớ thương nhiều lắm, nỗi nhớ phải da diết, nồng nàn <br />
lắm thì mới có thể thốt lên, mới có thể gọi thành tên như vậy. Từ “Ôi” là từ cảm thán <br />
dược nhà thơ đưa lên đầu câu thơ càng khiến tứ thơ thêm mềm mại như tâm hồn người <br />
con gái:<br />
Con sóng dưới lòng sâu <br />
Con sóng trên mặt nước <br />
Ôi con sóng nhớ bờ<br />
Xuân Quỳnh đã nhân hóa hình ảnh sóng khiến sóng như một con người cụ thể với <br />
những diễn biến tâm trạng sinh động. Chính vì vậy, nỗi nhớ của người phụ nữ qua hình <br />
ảnh “sóng nhớ bờ” càng đậm nét. vẫn với cách nhân hóa hình tượng “sóng” ở câu thơ thứ <br />
tư, Xuân Quỳnh đã đem tới một ý thơ mới mẻ “Ngày đêm không ngủ được”. Trạng từ <br />
chỉ thời gian “ngày đêm” cùng với đại từ phủ định “không” đã góp phần miêu tả một nỗi <br />
nhớ dai dẳng, khôn nguôi luôn luôn thường trực cả trong ngày và đêm. Có lẽ khi tình yêu <br />
đến, khi nỗi nhớ trong tình yêu ngập tràn trong lòng, thì đó lại là điều không khó hiểu. <br />
Nếu như ở khổ thơ này, nỗi nhớ của người phụ nữ trong tình yêu được gián tiếp gửi <br />
gắm qua hình tượng con sóng, thì ở hai câu cuối Xuân Quỳnh đã chính thức cất lên tiếng <br />
nói nhớ nhung:<br />
Lòng em nhờ đến anh <br />
Cả trong mơ còn thức<br />
Sóng “không ngủ được” ở trên, đến đây hoàn toàn có thể hiểu là người con gái <br />
không ngủ được. Nỗi nhớ ở đây một lần nữa được tràn ngập trong lòng người con gái nó <br />
hiển hiện trong cả lúc có nhận thức và cả trong vô thức “lúc mơ”. Khổ thơ nói tới nỗi <br />
nhớ, nhưng cũng góp phần miêu tả một tình yêu sâu sắc mãnh liệt với nhớ nhung là biểu <br />
hiện rõ nét nhất của tình yêu.<br />
Khổ thơ tiếp theo<br />
Dẫu xuôi về phương Bắc <br />
Dẫu ngược về phương Nam <br />
Nơi nào em cũng nghĩ <br />
Hướng về anh một phương<br />
Một lần nữa biện pháp điệp cấu trúc, cách sử dụng tương quan đối lập được Xuân <br />
Quỳnh tận dụng để nói tới sự thủy chung trong tình yêu. “Dẫu” là một từ có tính chất <br />
phủ định dù có xa xôi cách trở, dù cách xa với những miền đất xa tắp “phương Bắc” hay <br />
“phương Nam” thì trong lòng con sóng chỉ có một phương là bến bờ, còn trong lòng <br />
người phụ nữ thì chỉ có một phương hướng tới đó chính là tình yêu của mình, đó chính là <br />
người yêu. Thủy chung là một đặc tính đặc biệt và hết sức cần thiết trong tình yêu, nó <br />
cũng là đặc điểm của những người phụ nữ Việt Nam. Khi sử dụng cụm từ “nơi nào”, <br />
Xuân Quỳnh đã như cất lên lời nguyện suốt đời chung thủy với người yêu, với anh. Nếu <br />
như xuôi về phương Bắc, ngược về phương Nam là con đường thực tế nối những vùng <br />
đất thì “Hướng về anh một phương” là con đường gắn kết nối hai trái tim con người <br />
đang tràn ngập yêu thương.<br />
Với hai khổ thơ, Xuân Quỳnh một lần nữa khắc họa tình yêu người phụ nữ. Cách <br />
sử dụng các biện pháp tu từ, đối lập, tương phản, điệp, cách sử dụng từ cảm thán và <br />
cách mượn hình tượng sóng đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.<br />
Với thành công của mình, Sóng luòn xứng đáng là bài thơ tình được mọi thế hệ <br />
thanh niên yêu thích.<br />