intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 4: Học thuyết của Trang (tiếp theo)

Chia sẻ: Nguyen Hoang | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

158
lượt xem
31
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 4: Học thuyết của Trang (tiếp theo) Dưỡng sinh Ngoài cách tu dưỡng để đạt Đạo mà hợp nhất với Đạo, Trang còn chỉ ta cách dưỡng sinh để vui hưởng hết tuổi trời; đây là một phần độc đáo trong học thuyết của ông, ai cũng có thể áp dụng được. Chương Dưỡng sinh chủ tuy ngắn mà giá trị cũng gần hai chương Tiêu dao du và Tề vật luận. Chương đó được chương Đạt sinh (XIX) ở phần Ngoại thiên bổ túc, nhưng vì tôi đã cho Ngoại thiên không phải do Trang...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 4: Học thuyết của Trang (tiếp theo)

  1. TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 4: Học thuyết của Trang (tiếp theo) Dưỡng sinh Ngoài cách tu dưỡng để đạt Đạo mà hợp nhất với Đạo, Trang còn chỉ ta cách dưỡng sinh để vui hưởng hết tuổi trời; đây là một phần độc đáo trong học thuyết của ông, ai cũng có thể áp dụng được. Chương Dưỡng sinh chủ tuy ngắn mà giá trị cũng gần hai chương Tiêu dao du và Tề vật luận. Chương đó được chương Đạt sinh (XIX) ở phần Ngoại thiên bổ túc, nhưng vì tôi đã cho Ngoại thiên không phải do Trang viết, nên dưới đây chỉ xin dẫn những lời trong Dưỡng sinh chủ thôi. Chương mở đầu bằng bốn chữ “Đời người có hạn”, làm ta nhớ đến mấy chữ: “Thọ nhiều lắm là trăm tuổi” của Dương tử trong bài Liệt tử VII.2. Trang tử cũng quí sinh như Dương tử; vì quí sinh nên phải dưỡng sinh. - Qui tắc đầu tiên của dưỡng sinh là thuận thiên. Một phần lớn triết học của Trang dựng trên hai chữ thuận thiên đó. Ở trên tôi đã dẫn bài III.2 kể cách mổ bò của người bếp vua Văn Huệ. Người đó hiểu cơ cấu thiên nhiên của con bò, tránh những gân, xương, chỉ lách lưỡi dao vào những kẽ, nhờ vậy mà không tốn sức, không mòn dao. Cách đó là cách tiếp vật mà cũng là cách dưỡng sinh, vì cơ thể của ta cũng là “vật”. Ta phải hiểu cơ cấu của nó, hiểu các bộ phận cần những gì, hoạt động ra sao để điều khiển nó cho hợp với tự nhiên, chứ không mù quáng chống đối nó. Chẳng hạn bị nóng, hoặc khi đi tả nhiều lần, khát n ước thì cứ uống; khi không thèm ăn thì cứ nhịn ăn, khi làm việc mệt mỏi thì phải tịnh dưỡng, đừng cố sức làm tới kiệt quệ. Khi đau ốm thì tốt nhất là nghỉ ngơi, ăn ít, để cơ thể tự
  2. chống với bệnh, thuốc chỉ giúp cơ thể thôi, không nên dùng nhiều. Bài học đó của Trang thời nào cũng nên nhắc lại, nhất là thời nay người ta bắt thể xác và tinh thần làm việc nhiều quá, dùng thuốc cũng nhiều quá. Thuận thiên cũng có nghĩa là sống gần thiên nhiên, ăn những thức ăn thiên nhiên, đừng làm trái thiên nhiên: chúng ta ngày nay sống chen chúc trong các thành phố thiếu không khí và nước trong sạch, ăn những thực phẩm bón bằng phân hoá học, phun bằng những thuốc sát trùng, cũng trái với thiên nhiên nữa. Âu, Mĩ, hiện đã thấy cái hại của văn minh cơ giới làm cho không khí, nước, đất đều nhiễm độc và một mặt lập những cơ quan nghiên cứu cách giảm những cái độc đó đi, một mặt khuyến khích mọi người sống gần thiên nhiên, ăn những thực phẩm thiên nhiên. Thuận thiên còn có nghĩa thứ ba nữa là an thời xử thuận để cho rầu, lo, nghĩ, giận ghét không xâm nhập tâm hồn, làm thương tổn tính tình, như vậy mới thảnh thơi tiêu dao được. Lo nghĩ làm gì khi ta không biết được hoạ ở đâu, phúc ở đâu, có khi phúc đó mà là hoạ, hoạ đó mà là phúc, như nàng Lệ Cơ trong bài II.11, hoặc truyện Tái Ông thất mã trong Hoài Nam tử. Vả lại: “tử sinh, đắc thất, cùng đạt, giàu nghèo, hiền ngu, chê khen, đói khát, nóng lạnh, đó là những biến hoá của sự vật, sự chuyển vận của luật trời như ngày rồi đến đêm, không ai biết gốc ở đâu. Ai đạt được lẽ ấy, thì tâm thần không bị hỗn loạn, ngày đêm giữ được cái khí thuần hoà, ung dung, vui vẻ như khí xuân mà thích ứng với mọi sự biến hoá”. (V.5). Những việc xảy ra mà ta không biết nguyên do ở đâu thì bảo đó là số mạng. Trang tử rất tin ở số mạng: nghèo là do số mạng (bài VI.8, Tử Tang than: Tôi tới nỗi cực khổ như vầy là do số mạng chăng?), mà làm điều bậy, bị xử tội chặt mất một chân, như viên hữu sư trong bài III.3, cũng là do số mạng nữa: số mạng đã xui khiến cho viên hữu sư đó làm bậy; vậy con người không có chút gì là ý chí tự do cả, không
  3. chịu một trách nhiệm, (cũng như chẳng có một chút công gì) với xã hội cả. Thuyết đó cũng hơi quá, nhưng vẫn hợp với cách lập luận của Trang: ông cho rằng Đạo sinh ra vạn vật, cho vạn vật biến hoá hoài, để cuối cùng lại qui căn, hợp nhất với Đạo. Vậy con người hoàn toàn bị Đạo chi phối, đâu có ý chí tự do được nữa; ông có tu dưỡng thành chân nhân hay thánh nhân, mà chúng ta có nghe lời khuyên dưỡng sinh của ông để hưởng hết tuổi trời, cũng là do sự biến hoá của Đạo cả. Về điểm đó học thuyết của Trang quả là tiêu cực. Ở đoạn trên tôi đã trình bày quan niệm tề sinh của Trang; chết cũng như sống chỉ là những sự biến hoá, như ngọn lửa từ thanh củi này truyền qua thanh củi khác, hoặc như ở căn nhà này đổi sang căn nhà khác, không phân biệt được đâu là sinh, đâu là tử, vì đối với giai đoạn trước là tử, mà đối với giai đoạn sau là sinh. Ở đây tôi chỉ sinh dẫn thêm bài III.5: Lão Đam chết, Tần Dật là bạn, lại điếu, chỉ khóc ba tiếng rồi ra, môn sinh của Lão chê như vậy là vô tình, Tần Dật bảo Lão sinh ra là ứng với thời, chết đi là thuận với lẽ trời. Hiểu lẽ đó thì không bị vui buồn làm cho động trong lòng nữa, là “được trời giải phóng cho”. - Qui tắc thứ nhì để là bỏ hết dục vọng, ngay cả lòng ham học hỏi hoặc làm điều thiện cũng vậy. Bài III.1, Trang tử viết: “Đời người có hạn mà tri thức thì vô cùng. Đem cái có hạn mà chạy theo cái vô cùng thì tinh thần phải mệt mỏi; đã mệt mỏi mà vẫn không ngừng thì sẽ chết mất. Làm điều thiện thì bị luỵ vì danh tiếng, làm điều ác thì chịu khổ vì hình phạt. Chỉ người nào giữ cái đạo trung là bảo toàn được thân, mệnh, mà phụng dưỡng được cha mẹ, sống được trọn tuổi trời”. Cái danh ông không còn muốn bị luỵ vì nó, huống hồ là cái lợi. Ông khen Hứa Do đã không chịu nhận ngôi do vua Nghiêu truyền cho, và ông cũng đã theo Hứa Do, không nhận chức tướng quốc do vua Sở giao phó.
  4. Không ham danh lợi để sống được an nhàn. Trong chương Đại tôn sư có hai chỗ chép câu này mà chẳng riêng môn đồ Lão, Trang, ngay môn đồ Khổng Mạnh thời sau cũng thuộc lòng: “Đại khốn tải ngã dĩ hình, lao ngã dĩ sinh, dật ngã dĩ lao, tức ngã dĩ tử, cố thiện ngô sinh giả, nãi sở dĩ thiện ngô tử dã” (bài V.1 và V.3): Vũ trụ cho ta cái hình hài, cho ta sống để ta lao khổ, cho ta già để ta an nhàn, cho ta chết để ta nghỉ ngơi; vậy coi sống là cái phúc thì cũng phải coi chết là cái phúc”. Nếu chỉ chú ý tới bốn chữ “lao ngã dĩ sinh” thì có thể hiểu lầm rằng ông cho sống là cực khổ, mà muốn mau chết. Không, ông chủ trương “tề sinh tử”, “chung kì thiên niên” thì đâu lại muốn chết. Câu đó cũng diễn cái ý: sống chết ngang nhau; và gián tiếp cho ta thấy ông không muốn lao khổ mà muốn được an nhàn. An nhàn quí thật, nhưng tự do còn quí hơn: con trĩ ở trong chằm tuy phải khó nhọc kiếm thức ăn (cứ mười bước lại mổ, trăm bước lại uống) mà không chịu bị nhốt để người ta nuôi vì như vậy tuy được an nhàn nhưng mất tự do. Trong số các vấn đề Trang tử nêu ra, vấn đề dưỡng sinh được người sau khai triển kĩ hơn cả. Chương Đạt sinh ở Ngoại thiên bổ túc chương Dưỡng sinh chủ trong Nội thiên và giá trị hai chương ngang nhau. Dưới đây tôi tóm tắt những ý trong chương Đạt sinh. Bài 1 tác giả khuyên ta đừng quan tâm tới những cái không tuỳ thuộc ta, như vận mạng (có kẻ săn sóc thân thể rất kĩ mà vẫn chết yểu) và thế tục, để khỏi lao tổn thể xác và tinh thần. Bài 4 bảo phải khinh ngoại vật để tâm hồn khỏi mê loạn: “Đánh bạc mà ăn thua bằng viên ngói thì ai đánh cũng cao hết; nếu ăn thua bằng cái móc dây lưng thì con bạc đã ngại ngại rồi; nếu ăn thua bằng vàng thì con bạc sẽ mê loạn”. Tài cao thấp của con bạc trước sau vẫn vậy, chỉ vì trọng ngoại vật, sinh ra xúc động mà hoá vụng. Vậy ta phải thản nhiên, coi đắc thất như nhau.
  5. Bài 6 nhắc ta đừng ham phú quí, danh lợi. (Hai bài Sơn mộc 4 và 5, cũng xét cái hại của sự ham danh lợi; nổi danh nhất là bài Sơn Mộc 8, tác giả dùng một ngụ ngôn (con ve đương hưởng bóng mát mà không ngờ con bọ ngựa núp sau lá rình nó; con bọ ngựa rình con ve mà không ngờ con chim khách muốn mổ nó) để diễn ý vật nào cũng vì cái lợi, cái hình hài mà quên cái chân thân). Bài 2 đưa ra thí dụ người say rượu mà té xe thì không bị thương nặng tới chết, là vì giữ được cái khí thuần hoà, không lo sợ. “Kẻ nhờ rượu giữ cái thần mà còn như vậy, huống hồ là người tự nhiên vô tâm”. Nếu lại hoá hợp với tự nhiên thì không vật gì làm hại nổi, (ý này đúng là ý Trang) như người lội nước trong bài 9. Bài 8 cũng khuyên ta đừng lo sợ, lo sợ thì sinh bệnh, như Tề Hoàn Công thấy một hồn quỉ mà đau, và khi Cáo Ngao vô thăm bảo hễ thấy con quỉ đó thì sẽ thành bá vương, Hoàn Công mừng rỡ, hết bệnh liền. Bài 8, phải tập cho bình tĩnh, không xúc động như con gà đá. Bài 5 tóm tắt được phép dưỡng sinh: phải vừa tu dưỡng nột tâm, vừa săn sóc ngoại hình, đừng quá trọng cái này mà khinh cái kia, nghĩa là phải giữ mức trung. Muốn vậy thì nên điều độ trong việc ăn uống, chăn gối, và đừng làm quá sức (bài 11). Xử thế Phép xử thế của Trang rất đặc sắc và ảnh hưởng rất lớn đến thời sau, nhất là trong những thời loạn cho nên có người đã nhận thấy rằng trong các thời loạn như thời
  6. Lục Triều, thời Nam Tống mới có nhiều người nghiên cứu Trang. Mà các môn đệ của Trang thời Chiến Quốc – một thời cực loạn – cũng thích tư tưởng xử thế của Trang, nên phát huy thêm trong các chương Đ ạt sinh, Sơn mộc ở Ngoại thiên. Học thuyết của Trang rất có hệ thống và những qui tắc xử thế chỉ là qui kết vũ trụ luận của ông. Chúng ta còn nhớ bài II.3 ông bảo: “Vật nào cũng là vật khác mà cũng là chính nó. Phân biệt vật và mình thì không thấy được lẽ đó, hoà đồng với vật thì thấy được”. Không phân biệt người và ta, tức là “hư kỉ” hay “vô kỉ”, đó là qui tắc đầu trong phép xử thế. Coi người nào cũng bình đẳng, và để cho mọi người được tự do, như vậy không xích mích với ai cả, không làm thiệt hại cho ai cả, và mọi người sẽ vui vẻ với mình, như người nước Vệ tên là Đà trong bài V.4. Ai cũng gọi hắn là thằng quỉ Đà vì hắn xấu như quỉ. Vậy mà: “Người đàn ông nào ở chung với hắn, hễ xa hắn là nhớ. Thiếu nữ nào đã trông thấy hắn rồi thì về thưa với cha mẹ thà làm vợ bé hắn còn hơn là vợ cả một người nào khác”. Vua Ai Công nước Lỗ nghe người ta đồn như vậy, triệu hắn tới xem, quả thực hắn xấu phát sợ. Hắn ở với vua, chưa đầy một tháng vua đã để ý đến hắn, chưa đầy một năm thì tin hắn, sau giao cho hắn chức tướng quốc. Bí quyết của hắn là không xướng xuất điều gì, chỉ phụ hoạ thôi, nghĩa là chỉ khen người chứ không chê ai, nên hắn được lòng người. Hắn đã bỏ được tật chủ quan, không nghĩ tới mình nữa, không phân biệt người và mình, không phân biệt thị phi, cho nên không tranh luận với ai cả, không chống đối với ai cả, giữ được cái chốt của ai Đạo (Đạo xu) và có thái độ “lưỡng hành”
  7. (coi Tác động của Đạo ở trên). Bài Sơn mộc 2 diễn thêm cái ý hư kỉ và đưa ra một thí dụ hay: Một chiếc đò đương qua sông bị một chiếc thuyền không người lái đụng phải, người lái đò bụng dạ hẹp hòi tới mấy cũng không giận. Trái lại nếu thuyền có người lái thì chủ đò đã chửi rủa ầm ĩ rồi. Người hư tâm mà xử sự thế, cũng như chiếc thuyền không người đó, không bị ai ghét, nên sống ở đời mà không bị hại. Bài Sơn mộc 9 còn chỉ một cách nữa khỏi bị thiên hạ ghét, là có đức tốt hay làm điều thiện thì đừng khoe khoang. Không khoe khoang tức là nhũn, mà hình thức cao của sự nhũn nhặn là hồn nhiên, vô tâm, không nhận thấy mình khác người, hơn người. - Qui tắc thứ nhì để xử thế cũng là thuận “thiên”, tức thiên tính của mỗi người, hoà hợp với người. Tôi không dẫn những thí dụ trong IV.1 và 2 (về cách can gián vua, và cách đi sứ) vì tôi ngờ những bài đó không phải của Trang; chỉ xin dẫn bài IV.3 về cách dạy người. Nhan Hạp được vời làm sư phó cho thái tử cho thái tử của Vệ Linh Công, một thanh niên tàn bạo, ngại nếu ngăn cản nó thì nguy cho tánh mạng mình, mà không ngăn cản nó thì không làm tròn nhiệm vụ sư phó, nên lại vấn kế Cừ Bá Ngọc. Cừ Bá Ngọc khuyên phải nhã nhặn, thân mật: “Học trò ông còn là một đứa con nít thì ông cũng làm ra vẻ con nít với nó; nó hành động không có phép tắc, ông cũng làm bộ không giữ phép tắc với nó; nó phóng đãng, ông cũng làm bộ phóng đãng với nó; như vậy ông lần lần sửa đổi được nó”. Nghĩa là phải theo thiên tính của nó mà uốn nắn mỗi ngày một chút, chứ nếu cương quyết, nóng nảy, xúc phạm nó thì sẽ như con bọ ngựa đưa càng lên mà mong cản được xe. Rồi Cừ Bá Ngọc kể cách nuôi cọp cho Nhan Hạp nghe: “Người ta không dám cho
  8. cọp ăn một con vật còn sống hoặc ăn trọn một con vật chết, sợ như vậy sẽ kích thích bản tính hung dữ hiếu sát của nó. Phải cho nó ăn đúng giờ, tuỳ theo nó vui vẻ hay hung dữ mà thuần phục nó. Hổ không cùng một loài với người, nhưng biết thuận theo tính tình nó thì nó cũng tỏ vẻ làm vui lòng người nuôi nó. Nó vồ người nuôi nó chỉ vì người này làm trái tính nó”. Ngoại thiên có ba bài diễn thêm ý thuận “nhân”: Bài Đạt sinh 13 khuyên ta đừng xem điều cao xa giảng cho hạng người tầm thường, như vậy không khác gì “dùng xe ngựa để chở một con chuột nhỏ; hoặc nổi trống mà tấu nhạc cho một con chim nghe, làm cho nó thêm hoảng”. Bài Chí lạc 5 kể truyện vua Lỗ bắt được một con chim biển, đặt tiệc mừng nó, làm lễ thái lao đãi nó, tấu nhạc cho nó nghe. Con chim dớn dát, âu sầu, không ăn uống gì cả, ba ngày sau chết. Đó là lấy cách phụng dưỡng người mà nuôi chim. Muốn nuôi chim thì phải theo nhu cầu củng sở thích của chim, nghĩa là phải thuận theo chim. Bài Sơn mộc 3 chỉ cách làm sao cho dân vui vẻ làm theo ý nhà cầm quyền. Bắc Cung Xa được Vệ Linh Công giao cho việc thu thuế để đúc chuông, bèn sai dựng một đàn tế ở ngoài cửa thành rồi để cho mặc cho dân tụ họp lại, “ai ương ngạnh không đóng thuế cũng được, ai mềm mỏng đóng thuế cũng được, tuỳ theo sức mỗi người, nên dân không thấy khó chịu chút nào, và kết quả thật bất ngờ; ba tháng sau “trên đàn đã thấy treo cả chuông trên chuông dưới”. Trong Nội thiên có tới bốn năm ngụ ngôn diễn ý đó, đủ biết Trang tử cho qui tắc này quan trọng ra sao. Bài I.5 mà tôi đã dẫn ở trên, bảo cây “xư” to lớn mà không bị đốn vì gỗ nó vô
  9. dụng; mà con li tinh (một loại cầy) có tài rình mồi nên chết vì bẫy, vì lưới. Rồi liên tiếp bốn bài: 4, 5, 6, 7 trong Nhân gian thế, ông trở lại vấn đề đó nữa. Bài 4 ông dùng cây “lịch” cao như núi, tàn lá che được cả ngàn con bò, vòng thân nó có cả ngàn trượng”, có tới chục cành khoét làm thuyền được mà cũng không ai thèm đốn vì không dùng vào việc gì cả. Chính nhờ vô dụng nên nó mới được thọ như vậy. Còn cây tra, cây lê, cây quất, cây bưởi khi có trái chín là bị tàn phá, cành lớn bị bẻ gãy, cành nhỏ bị vặt trụi. Bài 5, bài 6 cũng lấy loài cây làm thí dụ. Bài 7 kể truyện một người hình thù kì quái: “cằm thòng xuống tới dưới bụng, vai nhô lên khỏi đỉnh đầu, xương sống đưa lên trời; ngũ tạng nằm lộn ngược lên phía trên, hai đùi đưa lên tới ngang sườn; khi có lệnh trưng binh, hắn khoanh tay mà đi thong dong trong đám đông, khi có lệnh bắt xâu, hắn được miễn vì tàn tật”. Điều đó, các bạn sắp tới tuổi quân dịch thời này đã hiểu quá rõ rồi. Bài 9, ông kết luận: “Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ dùng được của cái vô dụng”. Chỗ dùng được đó là giúp cho ta được sống yên ổn như con người kì quái trong bài 7. Tuy nhiên, ở cuối bài 4, Trang cũng hé cho ta thấy rằng vô dụng chưa nhất định là được yên ổn, và cây “lịch” trong bài đó phải tạm gởi thân vào chổ thần (vì mọc trên nền xã, nơi tế thổ thần) để khỏi bị chê là vô dụng, nếu không thì cũng bị đốn rồi. Rốt cuộc, hữu dụng đã không yên mà vô dụng cũng chưa chắc được yên, vậy phải ra sao? Trong Nội thiên, không thấy ông đáp câu đó. Trong Ngoại thiên, bài 1 chương Sơn mộc, chúng ta thấy cách giải:
  10. Bài đó kể chuyện Trang tử đi trong núi thấy một cây lớn gỗ không d ùng vào được việc gì nên người thợ rừng không muốn đốn, nhờ vậy cây đó được “hưởng hết tuổi trời”. Ra khỏi núi, Trang tử ghé thăm một người bạn cũ. Ông ta mừng rỡ, sai giết ngỗng đãi và bảo người nhà giết con ngỗng không biết kêu, còn con biết kêu thì để nuôi. Môn đệ Trang tử hỏi thầy: cây trong núi nhờ vô dụng mà được sống, con ngỗng vì vô dụng mà bị giết. Thế thì nên ở vào cảnh nào. Trang tử đáp: “Thầy ở giữa hữu dụng và vô dụng, nhưng ở vào trung gian như vậy chỉ mới gần Đạo chứ chưa phải là Đạo, cho nên chưa tránh khỏi luỵ… Muốn khỏi luỵ thì chỉ nên tiêu dao ở cảnh giới Đạo Đức thôi”. Tiêu dao ở cảnh giới Đạo Đức là hoá hợp với Đạo, cùng biến hoá với thời, không cố chấp theo một thái độ nào, sai khiến vật mà không bị vật sai khiến (vật vật nhi bất vật ư vật). Sau cùng, chúng ta cũng nên biết dùng vật của Trang rất sáng suốt. Cây “xư” trong bài I.5, tuy gỗ không dùng được việc gì, nhưng nếu biết trồng nó ở trong một cánh đồng mênh mông thì nó cũng rất có ích cho những người nhàn rỗi thơ thẩn dạo chung quanh nó hoặc thảnh thơi ngủ dưới bóng mát của nó. Có lần Huệ tử phàn nàn với Trang rằng có một trái bầu rất lớn, chứa được tới năm chục đấu, để nguyên mà chứa nước thì nó không đủ cứng để chịu được, khiêng đi sẽ bể; xẻ nó thành nhiều phần thì lại nông quá, không chứa được bao nhiêu. Trang tử bảo sao không nghĩ cách dùng nó làm trái nổi để qua sông, hồ?
  11. Vậy thì, thực ra không có vật nào là hoàn toàn vô dụng cả. Đó cũng là một chứng cứ nữa rằng không vật nào quí, không vật nào tiện.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2