JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0199<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8B, pp. 122-130<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
TRỊ LIỆU HÀNH VI – NHẬN THỨC TRONG TRỢ GIÚP TÂM LÍ<br />
CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ KHÓ KHĂN KIỂM SOÁT CƠN TỨC GIẬN<br />
<br />
Bùi Thị Thu Huyền<br />
Khoa Tâm lí - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Liệu pháp hành vi – nhận thức đã được sử dụng như một công cụ phòng ngừa<br />
và can thiệp tâm lí khá phổ biến và có hiệu quả trong trường học ở các nước có nền tâm lí<br />
học phát triển như Mỹ, Anh, Úc. Tuy nhiên việc sử dụng liệu pháp này trong nhà trường ở<br />
Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bài viết tập trung lí giải bốn lí do cơ bản cần triển khai và<br />
áp dụng liệu pháp này như một phương pháp can thiệp sớm để giúp đỡ trẻ vị thành niên có<br />
khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc tức giận ở trẻ em Việt Nam. Việc sử dụng các kết<br />
quả nghiên cứu từ các nghiên cứu nước ngoài và kết quả nghiên cứu trong cuộc khảo sát<br />
gần đây ở Hà Nội sẽ góp phần làm cơ sở khẳng định cho đề xuất của bài viết.<br />
Từ khóa: Trị liệu hành vi - nhận thức, trẻ vị thành niên, cơn tức giận, tâm lí học trường<br />
học, kiểm soát tức giận.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Có rất nhiều liệu pháp tâm lí được sử dụng trong trị liệu để giúp cho thân chủ có các rối<br />
nhiễu về tâm lí làm chủ được các khó khăn của mình và có đời sống tinh thần lành mạnh. Trị liệu<br />
hành vi - nhận thức (Cognive Behaviour Therapy) là một trong những liệu pháp tâm lí được sử<br />
dụng khá phổ biến như một công cụ can thiệp cho các rối nhiễu tâm thần (như trầm cảm, lo âu, rối<br />
nhiễu ám ảnh cưỡng bức...) ở các nước có nền tâm lí học phát triển như Anh, Mỹ, Úc. Liệu pháp<br />
này cũng đồng thời được sử dụng như một công cụ phòng ngừa và can thiệp có hiệu quả trong<br />
trường học ở Mỹ [13] hay ở Anh [16]. Tuy nhiên việc áp dụng liệu pháp trị liệu hành vi - nhận<br />
thức trong trường học ở Việt Nam còn hạn chế.<br />
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, những năm gần đây tỉ lệ học sinh đánh nhau trong và ngoài<br />
nhà trường gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Đặc biệt hiện tượng<br />
bạo lực học đường nhức nhối đến mức báo động. Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm<br />
sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh &Xã hội năm 2012 cho thấy các vụ đánh nhau trong trường<br />
học tăng gấp 13 lần so với 10 năm về trước. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trong nước cũng cho thấy<br />
tỉ lệ học sinh có tâm trạng bất an và gặp các khó khăn tâm lí khá lớn dẫn đến nhu cầu mong muốn<br />
được tham vấn học đường cao. Ở góc độ nghiên cứu các bệnh học đường do Bộ y tế tiến hành cũng<br />
cho thấy, rối loạn tâm thần ở học sinh tăng nhanh, được xếp vào vị trí thứ 10 trong nhóm bệnh tật<br />
của trẻ em Việt Nam. Cụ thể một khảo sát của Bệnh viện Nhi trung ương năm 1998 - 1999 ở hai<br />
<br />
Ngày nhận bài: 5/7/2015 Ngày nhận đăng: 10/9/2015<br />
Liên hệ: Bùi Thị Thu Huyền, e-mail: huyenbuithu2004@gmail.com<br />
<br />
<br />
<br />
122<br />
Trị liệu hành vi – nhận thức trong trợ giúp tâm lí cho trẻ vị thành niên có khó khăn...<br />
<br />
<br />
quận nội thành Hà Nội cho thấy 10% trẻ có biểu hiện rối loạn cảm xúc, con số của một nghiên<br />
cứu khác trên 10 vùng đại diện cho cả nước năm 2000 phát hiện 2,24% trẻ có rối loạn tâm thần,<br />
trong đó chủ yếu là rối loạn hành vi và cảm xúc. Có nhiều nguyên nhân được đề cập và phân tích<br />
để lí giải cho hiện tượng trên song phần lớn nguyên nhân được quy về do áp lực học [3]. Tuy nhiên<br />
nguyên nhân sâu xa nằm trong đời sống tâm lí học sinh và đặc biệt các công cụ và phương pháp,<br />
chương trình can thiệp cho học sinh có vấn đề về tâm lí lại không được đề cập thỏa đáng. Câu<br />
hỏi đặt ra là liệu chương trình can thiệp dựa trên trị liệu hành vi - nhận thức có hiệu quả với học<br />
sinh có khó khăn tâm lí, cụ thể là học sinh có khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc tức giận hay<br />
không? Cơ sở nào để áp dụng liệu pháp này như một chương trình can thiệp sớm trong trường phổ<br />
thông? Bài viết này sẽ đi sâu phân tích các cơ sở lí luận với các số liệu nghiên cứu thực tế để làm<br />
sáng tỏ vấn đề nêu trên.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Trị liệu hành vi – nhận thức và ứng dụng trong trợ giúp tâm lí cho trẻ vị<br />
thành niên có khó khăn kiểm soát cơn tức giận<br />
Trị liệu hành vi - nhận thức là liệu pháp trị liệu tâm lí tập trung giúp thân chủ hiểu được<br />
căn nguyên vấn đề của mình, từ việc thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến thay đổi cảm xúc và hành<br />
vi. Liệu pháp can thiệp tâm lí này cho rằng suy nghĩ (thoughts), cảm xúc (emotions) và hành vi<br />
(behaviours) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, và sự thay đổi của bất kì một thành tố này trong<br />
quan hệ trên cũng dẫn tới sự thay đổi ở các thành tố còn lại. Vì thế mối quan hệ tác động qua lại<br />
của ba thành tố nêu trên đóng vai trò then chốt trong tất cả các chương trình can thiệp liên quan đến<br />
liệu pháp hành vi - nhận thức [7]. Điều này được thể hiên qua mô hình do nhóm tác giả Wesbrook,<br />
Kenerly và Kirk xây dựng nhằm lí giải sự phát triển vấn đề tâm lí dưới góc độ hành vi - nhận thức<br />
như sau (Hình 1):<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 1. Mô hình phát triển vấn đề tâm lí [17;13]<br />
<br />
Theo tác giả Kendall [10], trị liệu hành vi – nhận thức là một liệu pháp bao gồm rất nhiều kĩ<br />
<br />
123<br />
Bùi Thị Thu Huyền<br />
<br />
<br />
thuật trị liệu dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa nhận thức, xúc cảm và hành vi. Một trong những<br />
nguyên lí cơ bản của liệu pháp hành vi – nhận thức là: chính suy nghĩ của con người về sự việc<br />
nào đó là nguyên nhân khiến cho họ có cảm xúc buồn, vui, tức giận khác nhau chứ không phải là<br />
do bản thân sự việc hay tình huống gây ra.<br />
Trong lịch sử các phương pháp trị liệu tâm lí, trị liệu hành vi – nhận thức ra đời như một<br />
sự kết hợp và ảnh hưởng lẫn nhau của hai trường phái trị liệu nhận thức (cognitive therapy) được<br />
Beck đề xướng và trị liệu hành vi (behaviour therapy) – một xu hướng ra đời như một phản ứng<br />
chống lại trường phái phân tâm học trong những năm 1950. Trong thập kỉ 70, cả trị liệu nhận thức<br />
và trị liệu hành vi đều phát triển nở rộ, đặc biệt là sự ra đời cuốn sách của Beck về trị liệu nhận<br />
thức với chứng trầm cảm vào năm 1979 đã dẫn đến sự ra đời của trường phái trị liệu mới mà hiện<br />
nay gọi là trị liệu hành vi - nhận thức. Có lẽ vì thế mà khi định nghĩa về xu hướng này, tác giả<br />
Naeem (2011) cho rằng trị liệu hành vi – nhận thức là sự kết hợp những nguyên lí của trị liệu hành<br />
vi và trị liệu nhận thức trong quá trình trị liệu cho thân chủ [12].<br />
Dưới góc độ trị liệu cho thanh thiếu niên có rối nhiễu về hành vi và cảm xúc, liệu pháp<br />
hành vi - nhận thức đã chứng minh được hiệu quả áp dụng thông qua nhiều nghiên cứu của các nhà<br />
tâm lí trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ như Nelson và Finch [13, 14]; Smith, Graber và Gaunic [15];<br />
DiGiuseppe và Tafrate [5]; Sukhodolsky và Scahill [16] hay ở Anh như tác giả Wesbrook [17];<br />
Nadeem [12]. Có rất nhiều chương trình can thiệp cho thanh thiếu niên trầm cảm, lo âu hay hung<br />
tính, tức giận dựa trên liệu pháp này được ra đời, đặc biệt nở rộ ở Mỹ trong những năm gần đây<br />
[11]. Tại Anh, viện nghiên cứu quốc gia về các vấn đề sức khỏe và tiêu chuẩn chăm sóc (Viết tắt là<br />
NICE) – một cơ quan nghiên cứu thuộc chính phủ có nhiệm vụ nghiên cứu tính hiệu quả của các<br />
liệu pháp trị liệu khác nhau, và đưa ra các hướng dẫn, gợi ý các liệu pháp nên áp dụng cho từng rối<br />
nhiễu tâm lí cụ thể. Theo NICE trị liệu hành vi - nhận thức được khuyến khích và đề nghị áp dụng<br />
điều trị cho bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối nhiễu sau khủng hoảng, rối nhiễu ám ảnh<br />
cưỡng bức... Đáng chú ý là chính phủ Anh cũng nhận thức được vai trò của liệu pháp này với việc<br />
đảm bảo sức khỏe tinh thần cho người dân. Đó là lí do của sự ra đời một chương trình mang tên<br />
Improving Access to Psychological Therapies (2007) được chính phủ đầu tư 170 triệu bảng Anh<br />
với mục đích đào tạo 3600 nhà tâm lí trị liệu sử dụng được liệu pháp hành vi - nhận thức vào làm<br />
việc trong hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần quốc gia. Ở Việt Nam, việc áp dụng liệu<br />
pháp trị liệu này trong tâm lí học lâm sàng cũng còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực tâm lí học<br />
trường học.<br />
<br />
2.2. Tức giận và mô hình trị liệu hành vi – nhận thức<br />
2.2.1. Tức giận (Anger)<br />
Tác giả Vũ Dũng trong cuốn Từ điển thuật ngữ tâm lí học (2012) định nghĩa “giận dữ là<br />
phản ứng căng thẳng hoặc thù địch được gợi lên bởi một loạt những ấm ức, tổn thương, bị coi nhẹ,<br />
khinh thường, đe dọa hoặc bất công. Giận dữ thường được hướng ra ngoài thông qua các phản ứng<br />
hành vi có thể có phạm vi từ né tránh nguyên nhân gây giận dữ đến bạo lực bằng lời nói” [1;156].<br />
Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt, tác giả Hoàng Phê (2007) cho rằng “giận dữ thể hiện qua<br />
thái độ, vẻ mặt, trạng thái khiến người khác phải sợ” [2;617].<br />
Kassinove (1995) quan niệm: “tức giận là phản ứng cảm xúc tiêu cực mang tính cá nhân,<br />
có liên quan đến yếu tố nhận thức cụ thể, những sai lệch trong quan niệm, hay cách “dán nhãn” sự<br />
việc, thay đổi về cơ thể và xu hướng hành động” [8;7].<br />
<br />
<br />
124<br />
Trị liệu hành vi – nhận thức trong trợ giúp tâm lí cho trẻ vị thành niên có khó khăn...<br />
<br />
<br />
Qua các định nghĩa trên có thể thấy phần lớn các nhà tâm lí học đều cho rằng tức giận là<br />
cảm xúc mang tính cá nhân trước tình huống có tính kích động. Có nhiều nguyên nhân khiến con<br />
người tức giận, song dưới góc độ tâm lí nguyên nhân cơ bản được cho là do khi con người cảm<br />
thấy bức bối, bị khiêu khích hay khi mục tiêu của họ không được thực hiện [15]. Và biểu hiện hành<br />
vi phổ biến khi con người tức giận đó là la hét, từ chối tiếp xúc, đưa ra những nhận định không<br />
hay về người khác hoặc có thể đập phá [16]. Ngoài ra các nhà tâm lí học cũng đã chỉ ra cấu trúc<br />
tâm lí của sự tức giận gồm 4 thành tố: nhận thức (cogntion), cảm xúc (affective), phản ứng cơ thể<br />
(physical reactions) và xu hướng hành vi (behaviour tendencies).<br />
Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng, tức giận không phải lúc nào cũng là cảm xúc tiêu cưc, trong<br />
những trường hợp nhất định sự tức giận còn mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân. Ví dụ tức giận là<br />
sự thể hiện rõ thái độ của cá nhân khiến cho người khác có hành vi phù hợp, đồng thời tức giận<br />
đôi khi còn như một động lực khiến cho con người vượt qua khó khăn đạt được mục đích của mình<br />
(như tức giận do thi trượt phải cố gắng thi đỗ). Có thể nói tức giận là một trong những cảm xúc<br />
bình thường có ở tất cả mọi người, tuy nhiên nếu sự tức giận thể hiện thường xuyên, với mức độ<br />
cao thì có thể trở thành một rối nhiễu cảm xúc cần phải can thiệp.<br />
2.2.2. Hung tính (aggression)<br />
Ở góc độ lí luận cho thấy, dù đưa ra định nghĩa sự giận dữ (tức giận) ở nhiều góc độ khác<br />
nhau song các nhà tâm lí - giáo dục đều thống nhất hai điểm chung: thứ nhất sự giận dữ không<br />
phải lúc nào cũng gây ra phản ứng hành vi hung tính, bởi lẽ phản ứng hung tính đôi khi còn do sự<br />
thất vọng, buồn chán... Tuy nhiên thực tế nghiên cứu cho thấy tức giận và hung tính có mối quan<br />
hệ gần gũi với nhau, sự tức giận đóng vai trò then chốt là nguyên nhân “châm ngòi” cho rất nhiều<br />
hành vi hung tính hay hành vi bạo lực [15]. Thứ hai, tức giận là phản ứng cảm xúc mang tính cá<br />
nhân trước tình huống nhất định trong cuộc sống (vì thế cùng một sự việc như bị thi trượt nhưng<br />
có người cảm thấy tức giận, có người cảm thấy thất vọng, người khác cảm thấy buồn bã, xấu hổ...),<br />
còn hung tính là phản ứng hành vi được thể hiện ra bên ngoài mà ai cũng thấy. Hung tính thường<br />
dẫn đến hành vi làm đau, tổn thương về thể chất cho người khác và thường đi liền với các hành vi<br />
chống đối xã hội, vi phạm pháp luật nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên.<br />
Tác giả Dog, Coie, Lynam [6] quan niệm sự hung tính bao gồm các hành vi có chủ ý làm<br />
tổn thương cho người khác, hành vi này có thể là tổn thương về thể chất như đánh, hay tổn thương<br />
bằng lời nói như chửi, la hét hoặc làm tổn thương tinh thần như tẩy chay khỏi nhóm, nói xấu. Cụ<br />
thể hơn, tác giả Kassinove và Sukhodolsky (1995) cho rằng hung tính “là hành vi có chủ ý, có mục<br />
đích làm đau hay tổn thương người khác” [9;8].<br />
2.2.3. Tức giận dưới góc nhìn của trị liệu hành vi – nhận thức<br />
Dưới góc nhìn của trường phái hành vi – nhận thức, sự tức giận được lí giải khá logic như<br />
sau: Người có cảm xúc tức giận thường có suy nghĩ rằng hành vi của người khác là không công<br />
bằng, không đúng và họ thường xuyên trải nghiệm mô hình suy nghĩ quen thuộc là “Họ không nên<br />
làm thế với tôi, thật không công bằng, họ đang cố ý làm tổn thương, hạ thấp tôi”. Chính suy nghĩ<br />
này đã làm nảy sinh cảm xúc giận dữ và hành vi hung tính.<br />
Tác giả Nelson và Finch đã mô hình hóa sự tức giận dưới góc nhìn của trường phái hành vi<br />
– nhận thức như ở Hình 2:<br />
Nhìn vào mô hình trên có thể thấy, tức giận được nảy sinh do sự tương tác giữa tình huống<br />
có tính kích thích, sự sai lệch hay thiếu sót trong nhận thức và phản ứng cơ thể. Khi con người gặp<br />
<br />
125<br />
Bùi Thị Thu Huyền<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 2. Mô hình hành vi – nhận thức về sự tức giận [10;138]<br />
<br />
<br />
<br />
một tình huống có vấn đề như thất bại, bị đối xử bất công, bị xúc phạm hay bị lạm dụng về thể chất<br />
hoặc tinh thần... sẽ khiến cho họ có những suy nghĩ và niềm tin không đúng, sai lệch. Họ thường<br />
có những suy nghĩ như “thật không công bằng”, “họ cần phải tôn trọng và tử tế với tôi”, “họ đang<br />
cố tình hạ thấp tôi”... Những mẫu suy nghĩ “không hợp lí” này đi kèm với những phản ứng cơ thể<br />
như tim đập nhanh, mặt đỏ hoặc tái đi, hơi thở gấp, các cơ căng lên... khiến cho họ nảy sinh cảm<br />
xúc tức giận và từ đó dễ có phản ứng hành vi hung tính, thậm chí là bạo lực. Mô hình trên cho thấy<br />
cùng lúc có ba thành tố bên trong chi phối các tình huống bên ngoài và phản ứng hành vi, đó là sự<br />
sai lệch về nhận thức (như khó khăn trong việc duy trì và tập trung chú ý; có suy nghĩ quá mức về<br />
ý định chống đối hay thù địch; thiếu ý thức trách nhiệm), sự thiếu sót về nhận thức (như khả năng<br />
giải quyết vấn đề kém, thiếu suy nghĩ logic về quan hệ nhân – quả) và phản ứng cơ thể. Nói tóm<br />
lại, mô hình hành vi – nhận thức nêu trên được xây dựng dựa trên câu nói nổi tiếng của một triết<br />
gia viết trong thế kỉ đầu sau công nguyên, đó là “Đàn ông nổi giận không phải bởi vấn đề họ gặp<br />
phải mà bởi chính quan điểm của họ về vấn đề đó” [13].<br />
Vận dụng mô hình này để lí giải sự tức giận ở trẻ vị thành niên có thể thấy: trong cuộc sống<br />
hàng ngày các em gặp phải rất nhiều tình huống hay sự kiện mang tính kích thích cơn tức giận<br />
khác nhau. Bản thân các em đã hình thành thái độ mong đợi từ trước – cái được ví như “bộ lọc”<br />
khi tiếp nhận bất kì vấn đề nào và khi phải “đối mặt” với các tình huống này, chính cái “bộ lọc” có<br />
sẵn đã ảnh hưởng đến sự lí giải và đánh giá tình huống, dẫn đến sự nhận thức và đánh giá có thể<br />
đúng hoặc không đúng. Nếu các em nhìn nhận hay đánh giá tình huống, sự kiện là vấn đề mang<br />
tính đe dọa, kích động, hay gây trở ngại cộng với sự biểu hiện các phản ứng cơ thể (như mặt đỏ,<br />
tim đập nhanh, hệ cơ căng cứng) thì khả năng cơn tức giận và phản ứng hung tính xuất hiện là rất<br />
<br />
126<br />
Trị liệu hành vi – nhận thức trong trợ giúp tâm lí cho trẻ vị thành niên có khó khăn...<br />
<br />
<br />
cao. Đặc biệt những trẻ hung tính thường có suy nghĩ là người khác sẽ chống đối chúng, do vậy<br />
trẻ thường có xu hướng nổi xung nhiều hơn so với các trẻ khác. Chính điều này còn khiến cho trẻ<br />
hung tính thường có sai lệch trong quá trình xử lí thông tin và khó khăn trong việc tìm ra các giải<br />
pháp thay thế hợp lí cho vấn đề mình đang gặp phải. Đối với trẻ vị thành niên do đặc điểm phát<br />
triển tâm sinh lí của lứa tuổi nên các em thường thiếu các kĩ năng và kiến thức tâm lí cần thiết để<br />
giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tế cuộc sống. Vì thế trẻ vị thành niên dễ cáu giận và<br />
có phản ứng hành vi hung tính trước những tình huống hay sự việc không thoải mái. Theo tác giả<br />
Nelson và Finch (2008) việc áp dụng liệu pháp trị liệu hành vi – nhận thức cho đối tượng này vì<br />
thế cần tập trung vào việc nâng cao kĩ năng để các em biết cách kiểm soát cảm xúc tức giận và có<br />
hành vi phù hợp [13]. Có rất nhiều kĩ thuật được sử dụng để thực hiện liệu pháp này như thư giãn,<br />
mô hình hóa và giải quyết vấn đề...<br />
<br />
2.3. Cơ sở của việc sử dụng liệu pháp trị liệu hành vi - nhận thức cho trẻ vị<br />
thanh niên<br />
Như đã trình bày ở trên vấn nạn bạo lực học đường không chỉ là mối quan tâm trong các<br />
trường học ở Việt Nam mà còn là vấn đề nhức nhối của nhiều nước phát triển trên thế giới, đặc<br />
biệt là Mỹ. Hành vi hung tính và bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí bình thường<br />
của học sinh, mà còn là một thách thức không nhỏ cho thầy cô giáo, các nhà quản lí và cha mẹ học<br />
sinh. Các nhà tâm lí học đã chỉ ra rằng, bạo lực có nhiều nguyên nhân như áp lực học tập, thi cử,<br />
sự thay đổi tâm sinh lí lứa tuổi, ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường bên ngoài, đáng chú ý là nguyên<br />
nhân do hành sự hung tính (aggression) và tức giận (anger) không kiểm soát gây ra.<br />
Trong một cuộc khảo sát gần đây nhất được tiến hành ở một trường THPT trên địa bàn Cầu<br />
Giấy, Hà Nội về sự tức giận và kĩ năng kiểm soát cảm xúc này ở 395 học sinh trung học cơ sở và<br />
trung học phổ thông cho thấy tỉ lệ học sinh dễ tức giận và gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm<br />
xúc này cần có sự trợ giúp tâm lí là 13%. Một chương trình can thiệp nhóm dựa trên xu hướng trị<br />
liệu hành vi – nhận thức được áp dụng trên nhóm học sinh có khó khăn trên và có kết quả rất khả<br />
thi. Trong quá trình hướng dẫn học sinh hình thành kĩ năng kiểm soát cảm xúc tức giận, chúng tôi<br />
nhận thấy chương trình can thiệp dựa trên trị liệu hành vi – nhận thức rất phù hợp với học sinh có<br />
khó khăn về mặt cảm xúc (cụ thể là cảm xúc tức giận) bởi các lí do cả về lí thuyết và thực tiễn sau:<br />
Thứ nhất, bản thân trị liệu hành vi – nhận thức là một liệu pháp can thiệp mang tính trực<br />
tiếp, chủ động, có thời gian nhất định và có cấu trúc rõ ràng. Nguyên tắc cơ bản của trường phái<br />
này là nhận thức hay sự lí giải của con người về tình huống, sự kiện của cuộc sống là nguyên nhân<br />
khiến cho họ có thể có cảm thấy buồn, vui hay tức giận... khác nhau chứ không phải do chính bản<br />
thân sự kiện gây ra. Hay nói cách khác, nhận thức sai lệch hoặc chưa đầy đủ là nguyên nhân chính<br />
của cảm xúc và hành vi, do đó mục tiêu rõ ràng trong trị liệu là thay đổi nhận thức của chủ thể<br />
về tình huống thực tế từ đó dẫn đến sự thay đổi về cảm xúc và hành vi. Tác giả Nelson và Finch<br />
(2008) còn khẳng định đây là liệu pháp có tính giáo dục, rất hiệu quả trong việc điều chỉnh sự sai<br />
lệch và thiếu sót trong nhận thức của con người. Bất kì một chương trình can thiệp nào dựa trên<br />
liệu pháp này đều phải quan tâm đến yếu tố nhận thức và được thực hiện thông qua các kĩ năng<br />
như giải quyết vấn đề, kĩ năng ứng phó, tự chủ cảm xúc và kĩ năng liên cá nhân. Tóm lại bản thân<br />
liệu pháp trị liệu này rất rõ ràng về cấu trúc và mục tiêu, việc thực hiện được cụ thể hóa thông qua<br />
rèn luyện các kĩ năng nên có tính ứng dụng cao.<br />
Thứ hai, Trị liệu hành vi – nhận thức có những nguyên tắc riêng như nguyên tắc nhận thức,<br />
nguyên tắc hành vi, nguyên tắc liên tục, nguyên tắc hiện tại và nguyên tắc tương tác hệ thống. Các<br />
<br />
127<br />
Bùi Thị Thu Huyền<br />
<br />
<br />
nguyên tắc này khá hợp lí khi sử dụng trong can thiệp cho trẻ vị thành niên – lứa tuổi đang có<br />
nhiều biến động về tâm sinh lí và rất nhạy cảm. Ví dụ với nguyên tắc hiện tại, không giống như<br />
trường phái trị liệu phân tâm học chỉ chú ý đến quá khứ của thân chủ trong can thiệp, trường phái<br />
hành vi – nhận thức lại tập trung đến hiện tại, đến những gì đang diễn ra trong con người của thân<br />
chủ ở thời điểm hiện tại, đến quá trình đang duy trì triệu chứng của thân chủ hơn là những gì đã<br />
xảy ra trong quá khứ. Tâm lí học lứa tuổi đã chỉ rõ tuổi vị thành niên, đặc biệt giai đoạn từ 16 đến<br />
18 tuổi là giai đoạn các em chuẩn bị hành trang bước vào đời, rất háo hức với cái mới, có xu hướng<br />
nhìn mọi việc thực tế hơn do vậy việc can thiệp các vấn đề tâm lí tập trung khai thác những khó<br />
khăn trong thời điểm hiện tại sẽ dễ dàng khai thác được nhiều thông tin và dễ nhận được sự hợp<br />
tác của các em hơn. Thực tế áp dụng chương trình can thiệp hành vi – nhận thức cho trẻ vị thành<br />
niên trong nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trong tháng 6 năm 2015 cũng khẳng định kết luận<br />
trên. Nhóm học sinh được can thiệp rất hứng thú với chương trình và thực hành các kĩ năng khá<br />
hiệu quả.<br />
Thứ ba, xuất phát từ đặc điểm tâm lí của trẻ em có khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc<br />
giận dữ, dể nổi nóng và có xu hướng phản ứng hung tính là các em rất thường xuyên mắc lỗi trong<br />
việc đánh giá động cơ và ý định ẩn sau các hành vi xã hội của bạn bè hoặc người lớn [13]. Do đó<br />
các em có xu hướng có phản ứng thù địch với những hành vi không có chủ ý, vô tình của người<br />
khác và dẫn đến kết quả là có hành vi không phù hợp [14]. Vì thế tác giả Gressham và Lochman<br />
[7] cho rằng can thiệp với trẻ hung tính cần tập trung vào điều chỉnh quá trình nhận thức - xã hội<br />
chưa đúng, như sai lệch trong quan niệm của trẻ về người khác và về hành vi của chính mình, đặc<br />
biệt chú ý đến mối tương tác giữa nhận thức của trẻ với môi trường xã hội có liên quan. Ngoài ra<br />
một trong những nguyên tắc trọng yếu của can thiệp hành vi – nhận thức là nhà tâm lí không thể<br />
làm việc được với trẻ em nếu tách rời trẻ với môi trường nơi trẻ sinh sống và các quan hệ xã hội mà<br />
trẻ tham gia. Quan hệ với bạn trong và ngoài nhà trường đóng vai trò quan trọng trong đời sống<br />
của trẻ vị thành niên, do vậy có thể nói chính đặc điểm tâm lí lứa tuổi sẽ giúp thực hiện nguyên tắc<br />
này hiệu quả và là một sự đảm bảo cho sự thành công của quá trình can thiệp.<br />
Thứ tư, thực tế nghiên cứu về tính khả thi của liệu pháp hành vi - nhận thức cho thấy, liệu<br />
pháp này đặc biệt có hiệu quả đối với trẻ em và thanh thiếu niên [15]. Trong nghiên cứu của tác giả<br />
Vechino và O’Leary tiến hành năm 2004 [4] với 23 công trình được công bố cho thấy trị liệu tâm lí<br />
thực sự có hiệu quả với trẻ hay tức giận và dễ mất kiểm soát cơn giận dữ với độ sai biệt trung bình<br />
(mean effect size) dao động từ 0,61 – 0,91. Khi so sánh hiệu quả của các liệu pháp trị liệu tâm lí<br />
trong can thiệp trẻ có rối nhiễu cảm xúc (giận dữ) kết quả cho thấy trị liệu nhận thức có hiệu quả<br />
không cao (độ sai biệt d= 0,38) trong khi đó trị liệu hành vi – nhận thức thể hiện sự chuyển biến<br />
tích cực đáng kể (d= 0,61). Hai tác giả cũng phát hiện ra với các chương trình can thiệp kéo dài<br />
trong 12 buổi gặp gỡ thì tỉ lệ thành công là 65 – 70%, từ đó tác giả kết luận trị liệu hành vi – nhận<br />
thức chỉ có hiệu quả khi tiến hành trong thời gian nhất định, lí tưởng là từ 10- 19 buổi cho một lộ<br />
trình can thiệp. Ngoài ra các nghiên cứu quốc tế cũng chỉ rõ trị liệu hành vi – nhận thức cho nhóm<br />
trẻ có khó khăn và rối nhiễu cảm xúc (như tức giận, hung tính) sẽ mang lại hiệu quả cao khi tiến<br />
hành trong nhóm. Sukhodolsky (2012) nhận thấy 80% các công trình nghiên cứu đã và chưa xuất<br />
bản đều sử dụng can thiệp nhóm khi áp dụng cho trẻ em [16]. Ngoài ra tác giả này cũng phát hiện<br />
tỉ lệ thành công khi sử dụng liệu pháp trị liệu hành vi – nhận thức với trẻ vị thành niên cao hơn<br />
so với học sinh tiểu học (7- 10 tuổi) với độ sai biệt lần lượt là d= 0,74 và d= 0,54. Đối chiếu với<br />
nghiên cứu của chúng tôi sử dụng chương trình can thiệp hành vi – nhận thức thông qua tài liệu<br />
“Keeping Your Cool Workbook” - tài liệu hướng dẫn kiểm soát cơn tức giận (do Nelson và Finch<br />
biên soạn) cũng kéo dài trong 17 buổi và thực hiện trong nhóm nhỏ. Kết quả nghiên cứu của chúng<br />
<br />
128<br />
Trị liệu hành vi – nhận thức trong trợ giúp tâm lí cho trẻ vị thành niên có khó khăn...<br />
<br />
<br />
tôi một lần nữa làm rõ hơn cho kết luận nêu trên và góp phần khẳng định việc áp dụng liệu pháp<br />
trị liệu hành vi – nhận thức cho trẻ vị thành niên ở Hà Nội theo mô hình trị liệu nhóm là hoàn toàn<br />
có cơ sở lí luận và đúng hướng.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Thực tế cho thấy việc áp dụng bất kỳ biện pháp phòng ngừa hay can thiệp cho học sinh gặp<br />
khó khăn hoặc rối nhiễu tâm lí cũng đều có những ưu thế và nhược điểm riêng. Bốn lí do cơ bản<br />
được phân tích trong bài viết này đã chỉ rõ biện pháp can thiệp tâm lí dựa trên trị liệu hành vi –<br />
nhận thức thể hiện ưu thế vượt trội so với các phương pháp khác trong việc giúp đỡ học sinh có<br />
khó khăn tâm lí, đặc biệt là học sinh có khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc giận dữ của bản<br />
thân. Việc áp dụng liệu pháp trị liệu hành vi – nhận thức cho trẻ em có rối nhiễu hành vi và cảm<br />
xúc đã được nghiên cứu nhiều ở các nước có nền tâm lí học phát triển. Thực tế này mở ra triển<br />
vọng cũng như yêu cầu cần có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng liệu pháp trị liệu này trên trẻ<br />
em Việt Nam hơn để đánh giá mức độ phù hợp cũng như hiệu quả can thiệp.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
<br />
[1] Vũ Dũng, 2012. Từ điển thuật ngữ Tâm lí học. Nxb Từ điển Quốc gia.<br />
[2] Hoàng Phê, 2007. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng.<br />
[3] Bạo lực học đường, 2013. nguồn http://nhandan.com.vn/hangthang/khoahoc<br />
-giaoduc/item/21233602-bao-luc-hoc-duong-s-o-s.html.<br />
[4] Del Vecchio, T., and O’Leary, K. D., 2004. “Effectiveness of anger treatments for specific<br />
anger problems: A meta-analytic review”. Clinical Psychology Review, 24(1), 15-34.<br />
[5] DiGiuseppe, R., and Tafrate, R. C., 2010. Understanding anger disorders. Oxford University<br />
Press.<br />
[6] Dodge, K.A., Coie, J.D., and Lynman, D., 2006. Aggresson and antisocial behaviours in youth.<br />
Handbook of child psychology, pp.719 -788, Wiley, New York.<br />
[7] Gressham, F. M. and Lochman, J.E., 2009. “Methodologies issues in research using cognitive<br />
behaviour intervention”, cogntive behavioural interventions for emotional an behavioral<br />
disorders – a school –based practice. The Guildford Press, New York, pp.58- 82.<br />
[8] Kassinove, H., 1995. Anger disorders - definition, dianogse and treatment. Taylor and Francis<br />
publications.<br />
[9] Kassinove, H and Sukhodolsky, D. G., 1995. “Anger disorders: basic science and practice<br />
issues”, Anger disorders - definition, dianogse and treatment. Taylor and Francis publications.<br />
[10] Kendal, P., 2000. Child and Adolescents therapy. The Guilford Press, New York.<br />
[11] Mayer, M.J., Acker, R. V., Lochman, J. E., and Gresham, F. M., 2009. Cogntive behavioural<br />
interventions for emotional an behavioral disorders – a school –based practice. The Guildford<br />
Press, New York.<br />
[12] Naeem, F., 2011. Adaptation of cognitive behaviour therapy for depression in Pakistan.<br />
Lambert Academic Publishing.<br />
[13] Nelson, W. M., and Finch, A. J., 2008. Keeping your cool: The anger management workbook<br />
(2nd). Workbook Publishing.<br />
[14] Nelson, W. M., and Schultz, J. R., 2009. “Managing anger and aggression in students<br />
with externalizing behaviour problems – focus on exemply programs”. Cogntive behavioural<br />
<br />
129<br />
Bùi Thị Thu Huyền<br />
<br />
<br />
interventions for emotional an behavioral disorders – school - based practice, pp. 143 -170, The<br />
Guildford Press, New York.<br />
[15] Smith, S.W., Graber, J. A., and Daunic, A. P., 2009. “Review of research and research - to<br />
- practice issues”. Cogntive behavioural interventions for emotional an behavioral disorders –<br />
school - based practice, pp. 111- 142, The Guildford Press, New York.<br />
[16] Sukhodolsky, D. G., and Scahill, L., 2012. Cognitive-behavioral therapy for anger and<br />
aggression in children. Guilford Press, New York.<br />
[17] Wesbrook, D., Kenerley, H. And Kirk, J., 2011. An introduction to cognitive behaviour<br />
therapy – skills and appliacations (2nd). Sage publications Ltd, London.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
Cognitive Behavior Therapy to help adolescents manage their anger<br />
Cognitive Behavior Therapy (CBT) has been effectively used as a prevention and early<br />
intervention tool in countries where the field of psychology is recognized and understood by the<br />
general population, such as the US, the United Kingdom and Australia, etc. Unfortunately, the<br />
concept of psychology is still quite foreign to the Vietnamese population and the application of<br />
this therapy in Vietnamese schools has been rare. In this article, four reasons are given for why<br />
CBT should be used as an early intervention method for Vietnamese adolescents having difficulty<br />
in managing their anger. Information gleaned from several foreign articles and from a recent<br />
investigation conducted in Hanoi helps to clarify the recommendations made in this article.<br />
Keywords: Cognitive behavior therapy, adolescents, anger, school psychology, managing<br />
anger.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
130<br />