intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Thế mạnh và những rào cản

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

8
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Thế mạnh và những rào cản trình bày các nội dung: Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Tiềm năng và những thế mạnh; Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Những rào cản;

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Thế mạnh và những rào cản

  1. DOI: 10.56794/KHXHVN.2(182).3-12 Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: thế mạnh và những rào cản Hồ Sĩ Quý* Nhận ngày 17 tháng 7 năm 2022. Chấp nhận đãng ngày 19 tháng 1 năm 2023. Tóm tắt: Trí thức Việt Nam được thừa hưởng học vấn truyền thống và chiều sâu văn hóa dân tộc. Nếu biết phát huy lối tư duy xem xét mọi biến động từ chiều sâu văn hóa - lịch sử, giải thích mọi hiện tượng xã hội có tính đến nhân tố con người…, thì trí thức Việt Nam sẽ còn đóng góp đáng kể hơn đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) còn vấp một số rào cản: 1) sức thu hút của KHXH&NV dường như ngày càng giảm; 2) đề cao nhưng ít được sử dụng; 3) Một số chính sách quản lý vĩ mô chưa thật hợp lý; 4) thành công - rất khó được công nhận; nhưng lỡ thất bại, sai lầm thì luôn chịu những hình phạt không nhẹ; 5) thiếu cơ chế để KHXH&NV đi vào chính sách. Trên thực tế, Việt Nam chưa thật sự có môi trường học thuật đủ để trí thức thể hiện hết sức mạnh trí tuệ của mình, thiếu một cơ chế hữu hiệu để tiếng nói của trí thức đi vào chính sách. Họ cần hội nhập quốc tế sâu hơn. Từ khóa: Trí thức Việt Nam, khoa học xã hội và nhân văn, rào cản cơ chế. Phân loại ngành: Triết học Abstract: Vietnamese intellectuals inherit traditional education and depth of national culture. If they know how to promote the way of thinking that considers all changes from cultural-historical depth, taking into account human factors when explaining all social phenomena, etc., Vietnamese intellectuals will make even more significant contributions to the development of the country. However, at present, Vietnamese intellectuals in the field of social sciences and humanities still face a number of barriers: 1) the attraction of social sciences and humanities seems to be decreasing; 2) they are highly appreciated but rarely used; 3) a number of macro management policies are not quite appropriate; 4) their successes are very difficult to be recognised; but if they fail or make a mistake, they are always subject to penalties which are not light; 5) there is a lack of mechanism for social sciences and humanities to be reflected in policies. In fact, Vietnam does not really have an academic environment sufficient for intellectuals to fully express their intellectual power, and lacks an effective mechanism for their voices to enter policy. They need deeper international integration. Keywords: Vietnamese intellectuals, social sciences and humanities, barriers of mechanism. Subject classification: Philosophy 1. Mở đầu Đối với trí thức Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV, việc có được những nhà khoa học có tầm nhìn toàn cầu, có trình độ sâu về ngành khoa học chuyên biệt, có kết nối thường xuyên với các trung tâm khoa học bên ngoài… đến nay vẫn chỉ là mơ ước của giới khoa học. Những người có trình độ như vậy không phải không có, nhưng quá ít. Khi quá ít, những tư duy uyên bác, “đầu đàn” như thế thường bị “pha loãng” trong môi trường chưa nhiều chất học thuật Việt Nam. Đây là điểm yếu kém không nên xem nhẹ, khi nói về trí thức Việt Nam. *Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Email: hosiquy.thongtin@gmail.com 3
  2. Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2023 Mặc dù chưa có nhiều học giả tên tuổi tham gia vào hệ thống KHXH&NV thế giới, nhưng ở Việt Nam, nếu suy ngẫm từ giá trị truyền thống thì cũng có thể nói được đôi điều tạm gọi là tích cực về trí thức Việt Nam. Học vấn truyền thống và chiều sâu văn hóa của giới trí thức trong lĩnh vực KHXH&NV và của các nhà hoạt động xã hội, tức là những phẩm chất được kế thừa từ lịch sử, bao gồm cả lịch sử tư duy truyền thống và lịch sử tiếp nhận khoa học phương Tây, là những hành trang tích cực như thế. Không nên và khó có thể nói học vấn truyền thống và chiều sâu văn hóa của giới trí thức trong lĩnh vực KHXH&NV Việt Nam là giản đơn hoặc yếu kém. 2. Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: tiềm năng và những thế mạnh Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khi người Pháp ở Việt Nam chủ trương khám phá sâu hơn về phương Đông, thì đặc thù của văn hóa và con người Việt Nam đã được các học giả Pháp chú ý nghiên cứu ở trình độ rất cao. Các KHXH&NV Pháp lúc đó, đặc biệt dân tộc học, khảo cổ học, tôn giáo học, ngôn ngữ học… được coi là thuộc loại hàng đầu châu Âu. Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient, EFEO) được thành lập tại Sài Gòn năm 1900, chuyển ra Hà Nội năm 1902 và là tiền thân của tất cả 18 trung tâm EFEO tại 13 quốc gia hiện nay. Ngay từ khi thành lập, EFEO đã nghiên cứu rất sâu về văn hóa, lịch sử, luật pháp, phong tục, thể chế, tang ma, bản sắc, tôn giáo, tín ngưỡng… của các vùng văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, Chămpa và Tây Nguyên. Những phát hiện của EFEO về các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chămpa…; những nghiên cứu điền dã về Tây Nguyên hay những khám phá về thánh địa Mỹ Sơn, bãi đá cổ Sa Pa… là những kết quả nghiên cứu khoa học và văn hóa có ý nghĩa nền tảng vô cùng giá trị đối với các thế hệ sau, mà đến nay giới nghiên cứu KHXH&NV cũng chưa tiến xa hơn được bao nhiêu. Riêng Tạp chí nghiên cứu B’EFEO (Bulletin de l' École française d'Extrême-Orient) gần 100 năm nay đã trở thành nguồn dữ liệu không thể thiếu trong danh mục tham khảo của các ấn phẩm nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam và khu vực châu Á (Bulletin EFEO). Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1902. Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) được thành lập năm 1905 (bao gồm một loạt trường chuyên ngành trực thuộc, được thành lập từ năm 1905 đến năm 1941), sau này là Đại học quốc gia Việt Nam. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1924, là trung tâm mỹ thuật đầu tiên ở khu vực vẽ và sáng tạo theo mô hình các chuẩn mực phương Tây. Viện Hải dương học Đông dương (Institut Océanographique de l’Indochine) thành lập năm 1922 tại Nha Trang. Đây là một trong những trung tâm nghiên cứu hải dương học ra đời sớm nhất và có hiện vật biển lớn nhất Đông Nam Á. Viện Hải dương học Nha Trang cũng là nơi có những nghiên cứu khảo cổ, địa chất, hải dương… sớm nhất ở Hoàng Sa và Trường Sa và có những đóng góp to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này. Những thiết chế khoa học này, dĩ nhiên không thuần túy thuộc KHXH&NV, nhưng sự xuất hiện của chúng đã sớm đem đến cho giới KHXH&NV Việt Nam và khu vực tinh thần khoa học, phương pháp luận nghiên cứu, tình yêu chân lý, phong cách sáng tạo, và thái độ của giới trí thức đối với xã hội và đối với nhà cầm quyền… những phẩm chất rất cơ bản và toàn cầu của trí thức. Cùng với những sản phẩm nghiên cứu là những di sản vật chất và thể chế như viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng, công trình, tác phẩm… rất giá trị về khoa học và văn hóa. Những nghiên cứu về Việt Nam cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX còn để lại những tên tuổi lớn, mà dù vì lý do gì thì lịch sử KHXH&NV Việt Nam (chứ không chỉ lịch sử KHXH&NV Pháp hay thế giới) không thể không ghi nhận. Trước hết là những trí thức Pháp và châu Âu như Pierre Dourisboure (1825-1890, một trong bốn linh mục đầu tiên lên Tây Nguyên năm 1850, người đã trực tiếp vẽ bản đồ và mô tả sử liệu chi tiết về phong tục tập quán của từng nhóm sắc tộc Tây Nguyên); Henri Maitre (1883-1914, nhà 4
  3. Hồ Sĩ Quý dân tộc học, một quan chức Pháp, đã trực tiếp thám hiểm Tây Nguyên 1909-1911 và nhờ đó để lại cho thế hệ sau cuốn “Rừng người Thượng” nổi tiếng); Leopond Cadiere (1869-1955, linh mục thuộc Hội Thừa sai truyền giáo Paris tại Huế và các tỉnh miền Trung, người đã công bố 250 công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc học, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho ngành Việt Nam học hiện đại); Jacques Dournes (1922-1993, nhà truyền giáo trong Hội Thừa sai truyền giáo Paris tại vùng Đồng Nai thượng và Tây Nguyên, người đã công bố hơn 250 nghiên cứu về dân tộc Gia-rai; Jean Boulbet (1926-2007, cùng với Henri Maitre là hai nhà thám hiểm nổi tiếng nhất và đã để lại nhiều ghi chép giá trị về bản tính nguyên thủy của xã hội Tây Nguyên qua tác phẩm “Xứ người Mạ, lãnh thổ của Thần linh” xuất bản năm 1967; Loius Finot (1864-1935, Giám đốc đầu tiên của EFEO); George Coedés (1886-1969, Giám đốc EFEO sau L.Finot); Bà Madeliene Colani (1866-1943, tên tuổi gắn liền với những nền văn hóa Bắc Sơn, Hoà Bình, Hạ Long); Olov Jansé (1892-1985, người phát hiện nền văn hóa Đông Sơn); Loius Malleret (1901-1970, người phát hiện nền văn hóa Óc Eo); Henri Parmentier (1871-1949, người có công lao to lớn trong nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chămpa, thánh địa Mỹ Sơn, các tháp Chămpa ở Nha Trang, bảo tàng Chămpa Đà Nẵng và Bảo tàng lịch sử Hà Nội); Henri Maspéro (1883-1945, người tiên phong và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu Đạo giáo); Georges Condominas (1921-2011, nhà dân tộc học nổi tiếng mà tên tuổi gắn liền với những nghiên cứu thực địa về dân tộc Mnông Gar ở Tây Nguyên, người phát hiện và công bố bộ đàn đá thời tiền sử được tìm thấy tại Đắk Lắk năm 1949 trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên),… (Bulletin EFEO). Điều đáng nói là, bên cạnh các học giả Pháp và châu Âu đầu thế kỷ XX, còn là thế hệ vàng của trí thức Việt Nam, những người đã trưởng thành trong khoa học nhờ hợp tác chặt chẽ với EFEO, nắm chắc các lý thuyết và vận dụng được các phương pháp Âu Tây trong nghiên cứu và hoạt động học thuật, khám phá đối tượng nghiên cứu là văn hóa và con người Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam được nghiên cứu theo các phương pháp, chuẩn mực phương Tây. Đó là những thành viên của EFEO, như Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), Nguyễn Văn Khoan (1890-1975), Trần Hàm Tấn (1887-1957), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Trần Văn Giáp (1896-1973), Công Văn Trung (1907-2003), Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967). Và nhiều học giả khác không phải là thành viên EFEO như Đào Duy Anh (1904-1988), Hoàng Xuân Hãn (1908- 1996), Cao Xuân Huy (1900-1983), Đặng Thai Mai (1902-1984), Hoài Thanh (1909-1982), Nam Sơn (1890-1973), Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), Lê Dư (1885-1957)… (Ngô Thế Long, 2009). Nhiều người trong số những học giả nói trên, về sau đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Văn Huyên (2000), Đặng Thai Mai (1996), Đào Duy Anh (2000), Nguyễn Đỗ Cung (1996), Hoàng Xuân Hãn (2000), Trần Văn Giáp (2000), Cao Xuân Huy (1996), Hoài Thanh (2000)… Với những điều vừa nói ở trên, trong khuôn khổ của những bàn luận về trí thức Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV, xin được lưu ý rằng, tình yêu chân lý, khát vọng khám phá thế giới, những chuẩn mực quốc tế, những phương pháp luận khoa học phổ quát, những phương pháp nghiên cứu đặc thù của từng khoa học… chính là những phẩm chất toàn cầu mà giới trí thức, những người làm khoa học và giáo dục cần phải lĩnh hội và biến chúng thành phẩm chất bên trong của mỗi cá nhân. Đối tượng nghiên cứu có thể đặc thù, độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương, nhưng để khám phá đối tượng ấy, trước hết người khám phá phải được trang bị bài bản về những cái chung, những phương pháp luận phổ quát, những phương pháp đặc trưng của từng khoa học hoặc của từng ngành sáng tạo. Điều này là tinh thần cơ bản của phẩm chất trí thức hiện đại. Người trí thức nào cũng mang nặng đặc điểm xuất thân bản địa, nhưng tư duy, phương pháp luận sáng tạo của họ thường chỉ có ý nghĩa khi đạt tới trình độ phổ quát toàn cầu. Tinh thần này, từ đầu thế kỷ XX đã không hề xa lạ đối với hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. 5
  4. Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2023 Với các trí thức trong lĩnh vực KHXH&NV Việt Nam, điều đáng suy ngẫm là ở chỗ, tính đến nay, những người thành công về KHXH&NV, đặc biệt những người còn để lại cho đời sau được những tác phẩm có giá trị, theo chúng tôi, phần lớn đều là những người đã được đào tạo rất cơ bản ở phương Tây nhưng lại say sưa và cần mẫn nghiên cứu những đối tượng độc đáo, đặc thù của Việt Nam. Những tên tuổi được nhắc đến ở trên đều là những học giả như thế. Chắc sẽ khó có được thành tựu có tiếng vang, nếu các học giả đó chọn đối tượng nghiên cứu giống như đồng nghiệp phương Tây hoặc say mê những vấn đề nặng về lý thuyết, hay những vấn đề xa lạ với thực tế Việt Nam. Nghiên cứu những đối tượng độc đáo, đặc thù, dù say sưa đến mấy, nếu không được đào tạo bài bản, tức là nếu không được trang bị tốt những lý thuyết nền móng cơ bản, chắc cũng khó đi xa. Nhưng dù được đào tạo bài bản, nhưng lại chạy theo những đối tượng nghiên cứu xa vời, những cách thức rập khuôn, bắt chước… thì chắc cũng khó có được những công trình có giá trị. Tất nhiên, thành công trong sáng tạo thường không có công thức và đằng sau tất cả những cái đó còn là tài năng, những đại lượng mà chúng tôi tạm giả định là hằng số nên không bàn đến ở đây để tránh làm rối vấn đề. Liên quan tới học vấn truyền thống và chiều sâu văn hóa của giới trí thức Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV, một trong những điều đáng nói ở đây là độ uyển chuyển của lối tư duy văn, sử, triết bất phân, tính dung hợp của nền tảng tinh thần “tam giáo đồng nguyên” Nho, Phật, Lão, nhãn quan nhìn nhận mọi biến động từ chiều sâu văn hóa, lịch sử, lối cắt nghĩa mọi hiện tượng xã hội từ nguyên nhân là nhân tố con người… Đó chính là những hạt nhân tạo nên phẩm chất thâm thúy, uyên bác của trí tuệ truyền thống Việt Nam, mà theo chúng tôi, hiện vẫn còn là những tiềm năng có thể và cần phải biết khai thác. Lối tư duy “văn, sử, triết bất phân” có nguồn gốc từ trong văn học Trung đại. Hầu hết các tác phẩm văn học nhiều thế kỷ thời kỳ này đều mô tả và luận bàn về con người, xã hội và thế giới bằng phương thức đan xen giữa hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ biểu cảm với các sự biến lịch sử, trên cơ sở đó luận bàn triết lý và chính trị. Từ “Chiếu dời Đô” của Lý Công Uẩn, “Hịch tướng sỹ” của Trần Quốc Tuấn, “Đại Việt sử kí” của Lê Văn Hưu, “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi… đến tận “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm” (của Đoàn Thị Điểm?) hay “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều... tất cả đều có văn, có sử, có triết. Trần Ngọc Vương gọi hình thức này là “tính nguyên hợp” của loại hình tác phẩm (Trần Ngọc Vương, 2008). Tuy nhiên, không chỉ là loại hình tác phẩm, ở đây chúng tôi muốn nói và nhấn mạnh đến lối tư duy, phong cách phán xét thế giới và kiểu trí tuệ nhìn thế sự và con người theo phương thức đan xen văn sử triết của trí thức Việt Nam. Cùng với lối tư duy này còn là hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo - cả ba ý thức hệ này dung hợp với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, thích nghi với nhau tạo thành một thứ “đồng nguyên” để tác động và chi phối đời sống người Việt. Hiện tượng này cũng kéo dài gần như trong suốt lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Phần lớn các nhà Nho Việt Nam cũng đồng thời là nhà lý số, và một số còn là nhà sư đích thực. Nhiều người am hiểu Nho học nhưng không ngại vay mượn giáo lý nhà Phật và cuối đời thường thực hành lối sống Lão Trang để tỏ thái độ đối với xã hội và triều đình. Hầu hết nhà sư đều am hiểu Nho giáo và cũng ít ai dám bài bác Đạo giáo. Các thầy pháp phù thủy, chiêm tinh, bói toán... của Đạo giáo cũng tôn trọng các nghi lễ của Phật giáo và Nho giáo. Tinh thần nhập thế, sẵn sàng tham gia hoặc tỏ thái độ đối với việc nước, nhất là khi xã hội có biến động hoặc chiến tranh… là ý thức và thái độ rất tự nhiên của nhà Nho, nhà sư và tín đồ Đạo giáo. Ở nhiều thế kỷ, nhu cầu thực tế của đời sống xã hội Việt Nam đã tạo ra không ít nhà chính trị nổi tiếng mà gọi là nhà sư hay nhà Nho thì cũng đều không sai; trong tư duy chính trị của các bậc tiền nhân này có đủ thế mạnh của các loại vũ khí Nho Phật Lão. Những tên tuổi được coi là đại biểu cho hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” đã từng được sử sách nhắc tới là Vạn Hạnh (938-1018), Viên Chiếu (999-1019), Trần Thái Tông (1218-1277), 6
  5. Hồ Sĩ Quý Huyền Quang (1254-1334), Trần Nhân Tông (1258-1308), Trần Nguyên Ðán (1325-1390), Nguyễn Trãi (1380-1442), Ngô Thì Sỹ (1726-1780), Lê Quý Ðôn (1726-1784), Ngô Thì Nhậm (1746- 1803), Phan Huy Ích (1750-1822), Nguyễn Ðình Chiểu (1822-1888)... (Lê Anh Dũng, 2004). Không chỉ tồn tại như một thứ nền tảng tinh thần của xã hội, “Tam giáo đồng nguyên” trong lịch sử còn được “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, ở thời Lý và Trần, triều đình đã đưa “các khoa thông tam giáo” vào hệ thống khoa cử trong các kỳ thi năm 1195, năm 1227 và năm 1247. “Mùa thu, tháng 8 nãm 1247, thi các khoa thông tam giáo. Ngô Tần (người Trà Lộ) đỗ Giáp khoa, Ðào Diễn, Hoàng Hoan (người Thanh Hóa) và Vũ Vị Phủ (người Hồng Châu) đỗ Ất khoa” (Viện KHXHVN, 1998, t.2: 12). Cố nhiên khi đề cập đến những điều nói trên, chúng tôi không hề quên, lâu nay “Tam giáo đồng nguyên” và “Văn sử triết bất phân” vẫn thường bị chê là chỗ yếu, điểm hạn chế của văn hóa Đông Á và của tư duy truyền thống Việt Nam. Nhiều tài liệu giải thích, “đồng nguyên” và “bất phân” chẳng qua chỉ là sản phẩm của một xã hội nông nghiệp, khi khoa học chuyên ngành chưa hình thành, kỹ thuật kém phát triển, giáo dục nặng về khoa cử, ưa thích dạy đạo đức làm người hơn là dạy kỹ năng làm việc, dạy tìm hiểu thế giới. Sự thực thì việc phê phán như vậy không phải là quá lời nếu so sánh với trình độ phát triển của khoa học, giáo dục và văn minh châu Âu đương thời. Và như vậy, một đòi hỏi về việc khắc phục những thói quen và những hệ lụy tiêu cực của trí tuệ truyền thống cũng là yêu cầu có thật, không phải không đặt ra đối với những người làm KHXH&NV Việt Nam. Mặc dù vậy, nhưng lịch sử trí tuệ đã có gần mười thế kỷ các bậc trí giả Việt Nam nghĩ, viết và hành xử với thời thế theo phương thức “đồng nguyên” và “bất phân” này. Chỉ đến khi tiếp thu văn minh phương Tây ở thế kỷ XX, đặc điểm này mới ít nhiều bị phai nhạt đi. Chẳng lẽ lịch sử mười thế kỷ đầy những sự kiện anh hùng và bi tráng của Việt Nam lại có thể xuất hiện từ một kiểu tư duy thuần túy hạn chế và tiêu cực. Theo chúng tôi, “Văn sử triết bất phân” và “Tam giáo đồng nguyên” không thể chỉ là cái hoàn toàn hạn chế và tiêu cực. Do được tiếp xúc với một vài ý kiến đánh giá tích cực về “Văn sử triết bất phân” và “Tam giáo đồng nguyên”, chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ không nên và không thể không tính đến đặc điểm này trong tư duy và phương pháp luận của giới trí thức Việt Nam. Nếu phương thức tư duy này được thiết kế thành các chỉ báo, chỉ số định lượng, được chú ý sử dụng trong các khung lý thuyết hay trong các kiến nghị tư vấn chính sách của KHXH&NV hiện đại, thì hiệu quả của KHXH&NV chắc sẽ mạnh hơn nhiều. 3. Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: những rào cản Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV còn nhiều yếu kém so với các nhà khoa học ở nhiều trung tâm khoa học bên ngoài. Thế mạnh và tiềm năng của họ trong khi chưa giải phóng và phát huy được bao nhiêu, thì lại bị những rào cản chặn lại. Những rào cản đối với trí thức Việt Nam, trên thực tế cũng chính là những rào cản đối với sự phát triển của KHXH&NV Việt Nam nói chung. Có thể kể đến một số rào cản lớn như sau: 3.1. Sức thu hút của khoa học xã hội và nhân văn dường như ngày càng giảm Đầu thập niên 2010 số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học thi vào các ngành KHXH&NV giảm đến mức báo động. Vài năm gần đây, tình hình có khá hơn, nhưng số học sinh và gia đình có ý định chọn KHXH&NV làm nghề nghiệp lâu dài cho con em mình, ngày càng hiếm, kể cả các gia đình có truyền thống giảng dạy và nghiên cứu KHXH&NV. Có thể thấy hiện nay, con cháu các chính khách, các nhà KHXH&NV hầu như không chọn nghề nối nghiệp truyền thống là KHXH&NV. Tại các viện, trung tâm, cơ sở… nghiên cứu, người say mê với KHXH&NV ngày càng ít. Tình trạng người giỏi không chọn nghề KHXH&NV cũng ngày càng phổ biến. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này mà nguyên nhân khách quan, trực tiếp là hoạt động KHXH&NV là nghề khó, vất vả. Những người chọn để suốt đời theo nghề KHXH&NV thường phải chấp nhận khả năng thành đạt không cao. Để trở thành một nghiên cứu viên chính hay một 7
  6. Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2023 giảng viên chính thông thường cũng phải mất 10-15 năm. Còn để trở thành một nhà khoa học thực sự có uy tín trong giới chuyên môn thì mỗi thế hệ thường chỉ có rất ít người ở mỗi chuyên ngành. Số người say mê “bẩm sinh” với KHXH&NV thì thời nào cũng có, nhưng ngày nay, không ít người đã vô tình hay đành phải từ bỏ sự say mê của mình. Nói rằng sức hút của KHXH&NV giảm đi thực ra chỉ là một cách diễn đạt. Thực chất của tình trạng này không phải là KHXH&NV ngày nay đã kém sức thu hút mà là bảng giá trị xã hội có vấn đề - giá trị của một số nghề có thể đã bị xã hội đặt không đúng chỗ trong bảng giá trị, một số nghề bị đánh giá không công bằng, một số khác bị hoài nghi về lợi ích thực tế và riêng khoa học xã hội thì bị soi xét về tính thực dụng và hiệu quả kinh tế… trong tình trạng như vậy, lao động KHXH&NV rất khó tránh bị xem nhẹ, khó tránh không được tôn vinh như giá trị thực của nó. 3.2. Tôn trọng, đề cao nhưng ít được sử dụng Có thể đồng tình với ý kiến cho rằng, xưa nay ở Việt Nam, gần như không mấy ai xem thường trí thức, xem thường KHXH&NV hay học vấn truyền thống và chiều sâu văn hóa của giới KHXH&NV, trong đó tính cả các chính khách, các nhà hoạt động xã hội, trí thức các ngành khác. Việc tranh cãi về giảng dạy môn lịch sử trong các nhà trường hiện nay cũng phản ánh tình trạng này. Không xem nhẹ khoa học lịch sử, không coi thường lịch sử dân tộc, nhưng không chấp nhận kiến thức và cách dạy lịch sử hiện nay. Đó là thực chất của vấn đề. Không xem thường, nhưng trên thực tế, việc trọng dụng khoa học xã hội, coi tri thức KHXH&NV như những chỉ dẫn cần thiết cho hoạt động quản lý hay hoạt động nghề nghiệp… lại khá hiếm hoi. Rất ít người thực sự thiết tha với ý kiến phản biện hay tư vấn của trí thức và của các nhà KHXH&NV. Ngay cả thuật ngữ “phản biện” và “tư vấn chính sách” đến nay cũng vẫn được dùng một cách dè dặt. Cả xã hội đều tránh những thứ mà mình tự coi là “nhạy cảm”, mọi ý kiến phê phán đều bị nghi ngại về động cơ. Một thái độ như vậy nếu muốn giải thích thật tường tận, cần thiết phải khám phá sâu hơn các lý thuyết về Bricolege, Marginality, Dualism. Ở đây chúng tôi tạm gọi là thái độ tôn trọng, đề cao nhưng ít được sử dụng, một thái độ khá bất hợp lý đối với trí thức. Thực ra, những người thâm thúy, sâu sắc, “ưu thời mẫn thế” thời nào cũng được trọng vọng. Cha ông ta xưa đã luôn như thế và thế hệ ngày nay cũng vậy. Từ trong tâm tưởng sâu xa, xã hội không hề coi nhẹ tri thức, tư duy hay trí tuệ của giới trí thức. Trong các văn bản pháp quy, cũng không thể bắt gặp có chỗ nào thể hiện thái độ coi thường tri thức hay vai trò của trí thức nói chung hay trí thức trong lĩnh vực KHXH&NV nói riêng. Thế hệ lãnh đạo nào cũng có những người thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy về xã hội và con người, về lịch sử và văn hóa. Nhưng từ thấu hiểu đến sử dụng là một khoảng cách không gần. Cho đến nay, đời sống tinh thần xã hội Việt Nam vẫn có nhiều khu vực chưa phải là môi trường thuận lợi để trí thức Việt Nam phát huy được vai trò và sức mạnh của mình. Khoa học xã hội Việt Nam vẫn còn khá xa với sứ mệnh của nó là trang bị cho con người một cách nhìn thế giới sáng suốt, một quan niệm sống lành mạnh, một công cụ xã hội giải quyết các vấn đề của đời sống, đào tạo được một thế hệ kế tiếp tài năng và thẩm thấu vào các chính sách, tác động đến thể chế, cơ chế. Thường thì chỉ khi xã hội gặp sự cố hay rơi vào khủng hoảng, tức là khi nảy sinh các vấn đề xã hội, KHXH&NV và giới trí thức mới được thực sự được chú ý. Những lúc mọi việc diễn ra bình thường, trí thức thậm chí đôi khi còn bị coi là người gây vướng víu. Về mặt xã hội, yếu kém đáng nói nhất của thể chế đối với giới trí thức Việt Nam là thiếu một cơ chế pháp lý để tiếng nói của trí thức đi vào chính sách. Tất nhiên, có thể do bản thân giới trí thức đôi khi chưa đủ giỏi, chưa đủ mạnh, chưa đủ dũng cảm để trở thành chỗ dựa của lẽ phải hay của việc giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể. Bởi ngay trong chuyên môn, KHXH&NV Việt Nam hiện nay cũng không thiếu những giả vấn đề (Pseudo- problem), không tránh khỏi bị các tiêu cực của đời sống xã hội tác động và nhìn chung là bị khuất phục. Cái giả trong hoạt động KHXH&NV cũng có thể bắt gặp tương đối phổ biến. Và sự chi phối của hoàn cảnh còn làm cho KHXH&NV không đủ môi trường thông thoáng cần thiết để nhà khoa học 8
  7. Hồ Sĩ Quý có thể có ý kiến thẳng thắn, gan ruột, để tiếng nói của giới KHXH&NV trở nên đủ mạnh và tin cậy. Điều e ngại nhất đối với những nhà khoa học ở nước ngoài đã từng về làm việc tại Việt Nam là quan hệ xã hội và môi trường học thuật, chứ không phải những vấn đề chuyên môn hay đãi ngộ. Về mặt sáng tạo, yếu kém đáng nói nhất của giới trí thức Việt Nam là môi trường sáng tạo chưa thật sự là môi trường học thuật hoặc thông thoáng để trí thức thể hiện hết sức mạnh trí tuệ của mình. Nhiều năm hoạt động khoa học xã hội ở Việt Nam, Gabi Weibel (Đại học Bonn, Đức) và Judith Ehlert (Đại học Vienna, Áo), những nhà nghiên cứu được đánh giá là hiểu khá sâu về Việt Nam, cho rằng, “nghiên cứu xã hội ở Việt Nam rất hấp dẫn nhưng đầy thách thức”. Theo hai tác giả này, với các nhà khoa học nước ngoài, việc nghiên cứu ở Việt Nam đòi hỏi phải “vượt qua định kiến và phải rất kiên nhẫn”. Bởi Việt Nam “không cởi mở với nghiên cứu xã hội phê phán. Do vậy không có nhiều đối tác tiềm năng để hợp tác về khoa học xã hội, ngoài những trung tâm lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” (is not particularly open to critical social research. Accordingly, there are not many potential partners for cooperation in the social sciences). “Ở Việt Nam, rất nhiều thông tin và dữ liệu được coi là nhạy cảm” (In Vietnam, a great deal of information and data is considered sensitive). Bài viết được trích dẫn này của Gabi Weibel và Judith Ehlert nói về hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài ở Việt Nam. Nhưng qua đó, không khí học thuật của KHXH&NV Việt Nam lại được lộ ra khá rõ (Weibel G., 2012). Thái độ “tôn trọng, đề cao nhưng ít được sử dụng” đối với trí thức Việt Nam nói chung và đối với trí thức trong lĩnh vực KHXH&NV nói riêng, trên thực tế đã vô tình ảnh hưởng đến chính sách quản lý vĩ mô. 3.3. Một số chính sách quản lý vĩ mô chưa thật hợp lý Trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có phương án cho những trường hợp đề tài, dự án nghiên cứu không thành công (về mặt khoa học). Mọi đề tài, chương trình, dự án khoa học… đều đòi hỏi phải đạt được kết quả, mục tiêu đã định. Nghĩa là, không có phương án cho những trường hợp kết quả nghiên cứu trái ngược với mục tiêu ban đầu, những nghiên cứu không đạt được kết quả do logic khoa học không cho phép. Tất nhiên điều này có cơ sở của nó. Nhưng nếu tất cả các đề tài, dự án đều không dự kiến cho những kết quả bất ngờ với mục tiêu ban đầu, thì rõ ràng là có điều gì đó không ổn thuộc về trình độ nghiên cứu hay logic sáng tạo. Hiện nay trong thực tế quản lý vĩ mô về khoa học và công nghệ, ngay tại Bộ Khoa học và Công nghệ, vị thế của KHXH&NV và của các nhà khoa học xã hội cũng chưa được chú ý đúng mức, nếu không muốn nói là hầu như chưa được tính đến. Các bộ trưởng và thứ trưởng xưa nay đều là các nhà khoa học tự nhiên và công nghệ. Mãi gần đây trong số các nhà lãnh đạo cấp cao về giáo dục, mới có một Bộ trưởng xuất thân từ khoa học nhân văn. Trong hoạt động của lãnh đạo Bộ, người chịu trách nhiệm về khoa học xã hội mà thấu hiểu khoa học xã hội, hầu như không có. Ngay trong bảng phân loại khoa học mà Bộ ban hành năm 2008 và được khẳng định lại từ 2012, khoa học xã hội cũng chỉ là một trong sáu ngành khoa học được công nhận ở Việt Nam, ngang hàng với nông nghiệp hay y dược… Sự phân loại này đã từng gây vấn đề khi hoạt động khoa học có liên quan tới các quy định hành chính hoặc thể chế (Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ký ngày 4/9/2008 Không ngẫu nhiên, hàm lượng khoa học xã hội trong hoạt động quản lý được thể hiện cũng khá mờ nhạt. Trong khi đó với thế giới, khoa học xã hội lại được các chính phủ xem là có vai trò không thể thiếu vắng trong các Think Tank, các chiến lược, kế sách phát triển, kể cả chiến lược về công nghệ, kỹ thuật, hay quốc phòng, an ninh. Ngày nay, tất cả các quốc gia thành công đều là các quốc gia biết trọng dụng trí thức, trọng dụng khoa học xã hội và thường có nền khoa học xã hội hùng mạnh (Nguyễn Hải Hoành, 2019). 3.4. Thành công - rất khó được công nhận; nhưng lỡ thất bại, sai lầm thì luôn chịu những hình phạt không nhẹ Về phía xã hội, một cái nhìn “đãi cát tìm vàng” đối với sự sáng tạo của trí thức thường không nhiều, nếu không muốn nói rất hiếm. Phổ biến hơn vẫn là thái độ “bới lông tìm vết” mỗi khi một 9
  8. Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2023 công trình mới, một tác phẩm mới, một ý kiến mới hay một thái độ mới… xuất hiện. Điều đó cũng là bình thường và có thể còn cần thiết nữa. Nhưng chúng tôi muốn nói rằng, thành công của trí thức nói chung và trí thức trong lĩnh vực khoa học xã hội rất gian nan, rất khó được công nhận; nhưng lỡ thất bại, sai lầm thì luôn phải chịu những hình phạt không nhẹ. Với những trí thức ở các quốc gia phương Đông như Việt Nam, hay ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, một sơ suất cũng có thể gánh chịu thảm họa. Không quá khó để nhắc đến những trường hợp “sẩy miệng”, “lỡ lời” hoặc “chưa thấy mình sai”… mà đã phải gánh chịu những hệ lụy nặng nề, thậm chí có người chịu tức tuởi cả đời… có thể kể đến Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát - những nhà văn hóa kiệt xuất, những trường hợp có thể xem là tương tự như vậy. Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát là những vĩ nhân mà cuộc đời có những giai đoạn bị thất sủng với triều đại của mình. Nhưng ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất ấy, các ông vẫn không ngừng sáng tạo và có những đóng góp rất giá trị cho văn hóa và trí tuệ dân tộc. Với Nguyễn Trãi, khoa học xã hội ngày nay vẫn chưa khai thác hết những chỉ dẫn của ông về Văn hiến. Với Cao Bá Quát, những ghi chép của ông về hàng hải, về thuyền bè, về hải quân… khi đoái công chuộc tội (“Dương trình hiệu lực” ở vùng Singapore năm 1844) hậu thế cũng mới chỉ biết đến có một phần. Còn Lê Quý Đôn vào năm 1776, trong một tình thế tương tự, được cử làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ ở xứ Thuận, Quảng. Tại đây, chỉ một năm trời, ông đã soạn được bộ “Phủ biên tạp lục” mà nay dịch in cũng ngót nghìn trang. Ngoài những giá trị vô giá khác, tư liệu văn tự của ông về Hoàng Sa và Biển Đông trong “Phủ biên tạp lục” ngày nay hóa ra lại là căn cứ pháp lý vào loại sớm nhất, thuyết phục nhất về chủ quyền biển đảo của đất nước. Điều đáng chú ý ở đây là, logic sáng tạo của trí thức có cách đi riêng biệt để họ thể hiện trách nhiệm xã hội. Trong những tình huống ngặt nghèo nhất, những trí thức tài ba vẫn có thể đóng góp được cho đất nước. Nhưng chính vì thế mới cần có một cơ chế tốt, một thể chế phù hợp, một môi trường sáng tạo bình thường, môi trường học thuật, chứ không phải bất bình thường, để trí thức đóng góp được nhiều nhất cho xã hội. Môi trường sáng tạo của khoa học mà thiếu tính chất học thuật là rào cản lớn nhất của sáng tạo. Tình trạng này không phải là chưa từng có và chưa từng bị chê trách đối với KHXH&NV ở Việt Nam. 3.5. Thiếu một cơ chế để khoa học xã hội và nhân văn đi vào chính sách Với KHXH và NV Việt Nam hiện nay hầu hết các sản phẩm nghiên cứu, những ý kiến tư vấn, phản biện, những kiến nghị, kể cả những kiến nghị của các đề tài, chương trình, dự án khoa học… đều không có cơ chế để đi vào chính sách, mặc dù đề tài nào cũng có ghi “địa chỉ áp dụng” hoặc “nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu” trong đề cương. Các sản phẩm tư vấn, phản biện, kiến nghị của trí thức các ngành khác cũng ở tình trạng tương tự. Sản phẩm nghiên cứu của giới KHXH&NV dưới dạng những kiến nghị, đề xuất, tư vấn, phản biện; báo cáo của các đề tài, chương trình, dự án… hiện nay, hầu hết đều không bắt buộc phải tham khảo, kể cả đối với cơ quan hoạch định chính sách. Ngoại trừ ý kiến của tổ tư vấn kinh tế thuộc Thủ tướng Chính phủ, một vài dự án kinh tế - xã hội, một số dự thảo chính sách và một vài đề án đặc biệt mà quy trình buộc phải xin ý kiến của chuyên gia, thì KHXH&NV mới có cơ hội để góp tiếng nói của mình, nhưng số đó không nhiều. Còn lại, những ý kiến của trí thức hay từ phía các KHXH&NV đều không có cơ chế để được tiếp thu, sử dụng hay không sử dụng. Trên thực tế, xã hội vẫn chưa có cơ chế pháp lý để tiếng nói của trí thức, của giới KHXH&NV, đặc biệt những ý kiến phản biện, thậm chí ý kiến phản đối một quyết sách nào đó… có cơ hội trực tiếp tham gia vào kiến tạo chính sách, trực tiếp thẩm định, phản biện các đồ án kinh tế - xã hội. Phê phán, phản biện thường là những tiếng nói không thuận tai, dù đích thực mang thái độ xây dựng. Hiện thời, tiếng nói của trí thức có đến được với những địa chỉ cần thiết hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ cầu thị của bên đối tác. Nếu nhà hoạch định chính sách không có ý định 10
  9. Hồ Sĩ Quý tiếp thu ý kiến từ trí thức hay của giới khoa học, thì không có cách gì để tiếng nói của trí thức có thể thâm nhập được. Điều này chắc chắn là một thiệt thòi đối với xã hội. Không ít văn bản chính sách, công trình văn hóa, hoạt động kinh tế - xã hội… đã từng gây bất bình trong dư luận xã hội vì non kém hàm lượng về trí tuệ. Chính sách không phù hợp nếu có sửa được, thì ít nhất cũng đã gây hậu quả cho đối tượng điều chỉnh của nó. Nhưng những công trình như quy hoạch đô thị, thiết kế hạ tầng kinh tế, văn hóa, dân sinh… nếu non kém hoặc sai lầm thì phần lớn đều rất khó sửa hoặc không sửa được. Chúng tôi cũng không phủ nhận rằng, trong khoảng mươi năm gần đây, một số khuyến nghị, phản biện, tư vấn của chuyên gia và trí thức đầu ngành đã đến được những cơ quan cần thiết và một số cá nhân có trách nhiệm. Có những ý kiến cũng rất đáng giá và kịp thời khi đề xuất những đối sách và phản ứng với những tình huống bất ngờ về quân sự, ngoại giao, hay kinh tế… Tuy vậy hầu hết những ý kiến đó lại đi theo những kênh không chính thức, những quan hệ thân tình giữa những cá nhân. Với các chuyên gia hoạch định chính sách, lượng tài liệu khoa học được tham khảo, cũng không hề ít. Nhưng chủ yếu là do người làm chính sách tự lựa chọn theo ý muốn chủ quan của mình. Nghĩa là những gì trái với quan niệm và lợi ích của những người cụ thể tham gia hoạch định chính sách có thể sẽ bị loại bỏ, dù mục tiêu của chính sách bao giờ và ở đâu cũng là lợi ích công. Vấn đề vẫn là ở chỗ, cần phải có cơ chế để ý kiến của trí thức đến được các địa chỉ có trách nhiệm, hóa thân vào chính sách. Với những đồ án kinh tế - xã hội lớn, quan trọng của đất nước, tiếng nói của giới trí thức, của KHXH&NV phải là ý kiến đánh giá thẩm định bắt buộc. Người làm chính sách, chủ thể của các đồ án kinh tế - xã hội có quyền tiếp thu hay không tiếp thu, nhưng cần thiết phải có cơ chế. Nếu có cơ chế đánh giá thẩm định bắt buộc, thì không chỉ các chính sách và các đồ án kinh tế - xã hội có cơ hội để trở nên tối ưu hơn, mà giới trí thức cũng buộc phải có trách nhiệm hơn, phù hợp với thông lệ thế giới hơn, cùng tạo ra những kế sách tối ưu hơn để phát triển đất nước. Chúng tôi muốn nói rằng, với phẩm chất thâm thúy, sâu sắc được kế thừa từ trí tuệ cha ông, trong tiềm năng, trí thức Việt Nam nói chung và các nhà KHXH&NV Việt Nam còn có khả năng đóng góp được cho đất nước những điều căn bản hơn, đáng giá hơn, lớn lao hơn. Nếu không có cơ chế thuận lợi, trí thức Việt Nam sẽ đành phải im lặng chứng kiến sự phát triển của đất nước, kể cả khi sự phát triển dưới mức tiềm năng. Không phát huy được trí tuệ của giới trí thức nói chung và của giới KHXH&NV để phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, chắc chắn sẽ là điều không thể tha thứ, đối với cả trí thức, các nhà khoa học và hoạt động xã hội và đối với cả những người có trách nhiệm quản lý “Quốc gia phế hưng, thất phu hữu trách”, câu nói của cổ nhân đến nay vẫn chưa sai. 4. Kết luận So với thế giới và khu vực, trí thức Việt Nam nói chung và trí thức Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV nói riêng, còn nhiều yếu kém. Về mặt sáng tạo, yếu kém đáng nói nhất là môi trường sáng tạo ở Việt Nam chưa thật sự là môi trường học thuật hoặc thông thoáng để trí thức Việt Nam thể hiện hết sức mạnh trí tuệ của mình. Về mặt xã hội, yếu kém đáng nói nhất của trí thức Việt Nam là thiếu một cơ chế hữu hiệu để tiếng nói của trí thức đi vào chính sách. Điều này thật khó phủ nhận. Tuy vậy, Việt Nam với những nét đặc thù độc đáo về văn hóa, lịch sử, xã hội và con người là khách thể đầy thu hút của nhiều loại hình tri thức. Rất nhiều trí thức nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam đã trở nên danh tiếng. Do vậy, hành trang của trí thức Việt Nam chắc chắn không thể thiếu chủ đề hấp dẫn, thể hiện bản sắc này. Nghiên cứu thật sâu về Việt Nam, phản ánh thật rõ những nét độc đáo và đặc thù Việt Nam, nhà khoa học, người trí thức có thể trở thành chuyên gia hàng đầu của một lĩnh vực chuyên biệt, và có thể đạt đến trình độ mà thế giới muốn nghe. 11
  10. Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2023 Sự uyển chuyển của lối tư duy, tính dung hợp của nền tảng tinh thần, nhãn quan nhìn nhận mọi biến động từ chiều sâu văn hóa - lịch sử, lối giải thích mọi hiện tượng xã hội có tính đến nguyên nhân là nhân tố con người - những hạt nhân tạo nên phẩm chất được gọi là thâm thúy, uyên bác của trí tuệ truyền thống Việt Nam - là thế mạnh của giới trí thức Việt Nam. Tài liệu tham khảo Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient. https://www.persee.fr/collection/befeo Feynman, R. P. (December/1955). The Value of Science. Engineering and Science. 19 (3), pp.13-15. ISSN 0013-7812. http://calteches.library.caltech.edu/1575/1/Science.pdf Lê Anh Dũng. (1/6/2004). Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên của dân tộc Việt Nam qua các thời đại. Nhịp cầu giáo lý. http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=142 Lê Xuân Phán. (5/6/2021). Tia sáng. Trường Khoa học Ðông Dương. https://tiasang.com.vn/-giao- duc/Truong-Khoa-hoc-Dong-Duong Ngô Thế Long, Trần Thái Bình. (2009). Học viện Viễn Ðông Bác cổ, (giai đoạn 1898-1957). Nxb. Khoa học xã hội. Nguyễn Hải Hoành. (11/2/2019). Tầm quan trọng của khoa học xã hội nhân văn tại Mỹ. http://nghiencuu quocte.org/2019/02/11/tam-quan-trong-cua-khoa-hoc-xa-hoi-nhan-van-tai-my Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (1998). Đại Việt sử ký toàn thư. t.2 (bản kỷ toàn thư, quyển V - kỷ nhà Trần). Nxb. Khoa học xã hội. Weibel, Gabi & Judith Ehlert. (20/4/2012). Social science research is challenging, but important in Vietnam. https://www.dandc.eu/en/article/social-science-research-challenging-important-vietnam 12
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2