JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0055<br />
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 37-46<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
TỪ KINH NGHIỆM TRANH THỦ SỰ ỦNG HỘ QUỐC TẾ<br />
TRONG THỜI KÌ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC<br />
ĐẾN VIỆC TẬP HỢP LỰC LƯỢNG TRONG CÔNG CUỘC<br />
BẢO VỆ BIỂN, ĐẢO HIỆN NAY<br />
<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Bài báo tập trung phân tích chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam tranh thủ sự<br />
ủng hộ của quốc tế (của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản lớn, các tổ chức quốc<br />
tế, các tầng lớp nhân dân thế giới,. . . thông qua các kênh ngoại giao) trong thời kì kháng<br />
chiến chống Mỹ cứu nước để tạo nên sức mạnh tổng hợp và giành thắng lợi. Phát huy và<br />
vận dụng những kinh nghiệm từ việc tập hợp lực lượng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ<br />
cứu nước, trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và khu vực, Đảng và Chính phủ Việt<br />
Nam đã đổi mới tư duy đối ngoại để tập hợp lực lượng, tìm những điểm song trùng về lợi<br />
ích giữa Việt Nam và quốc tế, từ đó triển khai chính sách quốc tế mới nhằm quy tụ lực<br />
lượng quốc tế ủng hộ mình bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay.<br />
Từ khóa: Ủng hộ quốc tế, kháng chiến chống Mỹ, tập hợp lực lượng, bảo vệ biển đảo.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Nghiên cứu về sự ủng hộ quốc tế trong lịch sử chống xâm lược giải phóng dân tộc của nhân<br />
dân Việt Nam từ khi có Đảng cộng sản lãnh đạo đã có những bài viết liên quan ở các góc độ khác<br />
nhau với những mục tiêu và ý tưởng khác nhau. Xin điểm qua một số bài viết tiêu biểu: Bài Sự<br />
thống nhất các lực lượng trong cuộc đấu tranh chống phát xít: Lịch sử và bài học kinh nghiệm của<br />
Phan Ngọc Liên – Đỗ Thanh Bình trong cuốn Ý nghĩa thời đại của chiến thắng phát xít Hitle và<br />
quân phiệt Nhật Bản, Nxb Thông tin lí luận, Hà Nội, đã đề cập đến sự tập hợp lực lượng quốc tế<br />
trong cuộc đấu tranh chống phát xít và rút ra những bài học cho việc bảo vệ lãnh thổ, biên giới cho<br />
Việt Nam cuối những năm 70 của thế kỉ XX. Cũng của Đỗ Thanh Bình và Phan Kim Ngọc trong<br />
bài Sự ủng hộ và phối hợp đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giữa Đảng cộng sản Đông Dương<br />
và Đảng cộng sản Pháp (đến cuối năm 1945) in trong cuốn Tình đoàn kết vô sản Việt – Pháp của<br />
Nxb Thông tin lí luận, Hà Nội năm 1986, đã làm rõ sự phối hợp đấu tranh chống thực dân Pháp<br />
giữa hai Đảng đến năm 1945. Tổng kết phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến<br />
chống Mỹ cứu nước (1954 -1975) đã có một loạt bài nghiên cứu được trình bày trong các hội thảo<br />
khoa học và đăng trong cuốn Hậu phương lớn, tiền tuyến lớn trong kháng chiến chống Mỹ cứu<br />
nước 1954 – 1975, như Thế giới và Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975)<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/7/2015 Ngày nhận đăng: 10/11/2015<br />
Liên hệ: Đỗ Thanh Bình, e-mail: dothanhbinh1951@yahoo.com<br />
<br />
<br />
<br />
37<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
<br />
<br />
và Cuộc đấu tranh của các lực lượng tiến bộ Ấn Độ chống sự xâm lược của Mỹ ở Việt Nam của<br />
Đỗ Thanh Bình, Châu Phi và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam của Võ Kim<br />
Cương, Mặt trận chống chiến tranh xâm lược của nhân dân Việt Nam và Mỹ của Trần Thị Vinh,<br />
Nhân dân Mỹ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam (1954 -1975) của<br />
Bùi Ngọc Thạch và Trần Thi Thanh Hương, Phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ của nhân dân<br />
thế giới của Nguyễn Thị Huyền Sâm và Nguyễn Am,. . . Gần đây cuốn chuyên khảo Lịch sử quan<br />
hệ đối ngoại Việt Nam 1940 – 2010 của GS Vũ Dương Ninh do Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành<br />
năm 2014, trong đó có mục nhỏ đề cập đến hoạt động đối ngoại mở rộng và tăng cường đoàn kết<br />
quốc tế đã khái quát thành tựu đối ngoại của Việt Nam với Lào, Campuchia, với các nước xã hội<br />
chủ nghĩa và với các tầng lớp nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954<br />
đến năm 1975 cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới lãnh thổ của Việt Nam những năm 1978<br />
– 1979,. . .<br />
Nhìn chung các bài viết nêu trên đều phản ánh sự ủng hộ của từng nước hay từng khu vực<br />
đối với cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ giành độc lập của nhân dân Việt Nam.<br />
Tuy nhiên, chưa làm rõ việc Đảng, Chính phủ và nhân dân ta có chính sách cũng như sự chủ động<br />
tập hợp lực lượng nhân dân thế giới, chưa tổng kết có tính khái quát hóa kinh nghiệm từ tranh thủ<br />
sự ủng hộ quốc tế thời kì chống Mỹ cứu nước có thể vận dụng, phát huy như thế nào những kinh<br />
nghiệm ấy trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày nay của Việt Nam. Vì vậy, trong<br />
bài viết này, chúng tôi đưa ra những tổng kết, đánh giá một cách hệ thống, sâu sắc, có tính lí luận<br />
những kinh nghiệm tranh thủ sự ủng hộ của từng khối nước (XHCN, các nước Á, Phi, Mỹ Latinh,<br />
các nước tư bản lớn) bằng con đường ngoại giao chính thức, ngoại giao nhân dân, bằng tất cá các<br />
kênh ngoại giao mà Việt Nam có thể sử dụng để tranh thủ các lực lượng hòa bình trên thế giới ủng<br />
hộ cuộc đấu tranh của mình. Từ kinh nghiệm đó, bài báo đề cập đến việc Việt Nam phải làm gì<br />
ngày hôm nay để tập hợp lực lượng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển đảo.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt<br />
Nam cách đây 40 năm. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc đấu tranh này<br />
cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số những<br />
bài học kinh nghiệm ấy, bài học về tập hợp lực lượng, tận dụng sự ủng hộ quốc tế, tranh thủ sức<br />
mạnh của cộng đồng thế giới, biến ngoại lực thành nội lực để bảo vệ đất nước, chủ quyền biển đảo<br />
của Việt Nam là cực kì quan trọng và luôn luôn mang tính thời sự cao trong thời đại thế giới phụ<br />
thuộc lẫn nhau này.<br />
<br />
2.1. Từ những kinh nghiệm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong thời kì kháng<br />
chiến chống Mỹ cứu nước. . .<br />
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cuộc<br />
Chiến tranh lạnh căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa<br />
Đông và Tây, thế giới chia làm hai phe đối đầu nhau. Lúc bấy giờ, cuộc đấu tranh của nhân dân<br />
Việt Nam nhận được sự ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa, của các lực lượng yêu chuộng hòa bình<br />
và công lí. Trong khi đó, không ít chính phủ các nước tư bản, đồng minh của Mỹ và các nước khác<br />
vì lợi ích của mình hoặc chưa hiểu biết hết về cuộc đấu tranh đòi quyền dân tộc của nhân dân Việt<br />
Nam đã thời ơ với cuộc đấu tranh này hoặc đứng về phía Mỹ.<br />
Trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như vậy, để tạo thêm sức mạnh cho cuộc đấu<br />
tranh giải phóng, bên cạnh việc khơi dậy nội lực, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng<br />
<br />
38<br />
Từ kinh nghiệm tranh thủ sự ủng hộ Quốc tế trong thời kì kháng chiến chống Mỹ...<br />
<br />
<br />
hòa đã tận dụng mọi khả năng, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế để hỗ trợ nội lực, tạo<br />
nên sức mạnh tổng hợp cho cuộc kháng chiến. Nghị quyết Trung ương lần thứ 12 (12 – 1965) của<br />
Đảng Lao động Việt Nam đã chỉ rõ: “Cần nắm vững phương châm dựa vào sức mình là chính,<br />
nhưng đồng thời phải hết sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và viện trợ quốc tế; Mở rộng và tăng<br />
cường mặt trân nhân dân thế giới. . . Phải tập hợp được tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới. . . ”<br />
[1;26]. Thực hiện tư tưởng này, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã triển khai chính sách quốc tế của<br />
mình ở các khía cạnh khác nhau với các đối tượng khác nhau để quy tụ các lực lượng quốc tế ủng<br />
hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình.<br />
Trước hết, là một nước trong phe xã hội chủ nghĩa, Chính phủ Việt Nam đã tận dụng cao<br />
nhất sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, coi các nước này là chỗ dựa vững chắc [1;640-641]<br />
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực<br />
dân Pháp (1945 - 1954), Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có chính sách đoàn kết, thu<br />
hút và tranh thủ sự gíup đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã<br />
thăm chính thức Trung Quốc, Liên Xô, Mông Cổ; Năm 1957, Người đi thăm tất cả các nước xã<br />
hội chủ nghĩa. Trước những thách thức gay gắt trong quan hệ quốc tế, mà tiêu biểu là sự bất đồng<br />
giữa Liên Xô và Trung Quốc, Việt Nam đã chủ động đưa ra đường lối đúng đắn nhằm khôi phục<br />
khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước<br />
[2]. Tại hội nghị Chính trị đặc biệt (3 – 1964), chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam sẽ:<br />
“tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với các phong trào cộng sản và công nhân thế<br />
giới. . . Tăng cường đoàn kết với phong trào giải phóng dân tộc, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân<br />
dân các nước Đông Nam Á chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới” [3;279-280]. Trong quan hệ với<br />
Liên Xô và Trung Quốc, Việt Nam thường xuyên trao đổi về việc đàm phán Paris để tranh thủ sự<br />
đồng tình ủng hộ của họ.<br />
Thứ hai, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của chính phủ các nước Á, Phi và Mỹ Latinh. Các<br />
nước Á, Phi, Mỹ Latinh chiếm một tỉ lệ đông đảo nhất trong cộng đồng quốc tế, vì vậy thu hút<br />
được họ đứng về phía cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam sẽ tạo cho Việt Nam một thế vững<br />
chắc, một sức mạnh to lớn. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, vào ngày 24 – 1 – 1966,<br />
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Nhà nước Việt Nam gửi thư đến các vị đứng đầu nhà nước và<br />
chính phủ gần 70 quốc gia trên thế giới để vạch trần âm mưu của cuộc vân động “đi tìm hòa bình”<br />
của Johnson và nêu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.<br />
Với đường lối ngoại giao tích cực, mềm dẻo, thu hút sự quan tâm quốc tế tới cuộc đấu tranh<br />
của mình, từ sau Hội nghị Băng Đung (4 – 1955), một loạt các nước Á, Phi và Mỹ Latinh đã từng<br />
bước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở các mức độ khác nhau. Trong<br />
những năm 50 – 60 của thế kỉ XX, các nước Ấn Độ, Miến Điện, Inđônêsia, Cuba, Ghinê, Mali,<br />
Angiêri, Công gô (Brazaville), Giêna, Ai Cập, Campuchia,. . . đã thiết lập quan hệ với Việt Nam từ<br />
cấp tổng lãnh sự trở lên. Từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX, nhiều nước đã đặt quan hệ ngoại giao<br />
hoặc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam, như Achentina, Singapore, Malaysia,. . . Tính đến<br />
cuối năm 1974, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có quan hệ ngoại giao với hơn 90 nước và tổ chức<br />
quốc tế.<br />
Thứ ba, mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ của các nước tư bản lớn – vốn là những<br />
nước đã đứng về phe Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ năm 1973, nhiều nước<br />
tư bản đã đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, như Thụy Điển, Canada, Nhật Bản,. . . Bên cạnh<br />
đó, đại diện Chính phủ Việt Nam cũng tranh thủ gặp gỡ chính khách, nhà ngoại giao như Ronning<br />
(Canada), J. Sainteny (Pháp), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc U Thant (9 – 1964) và ủng hộ sáng<br />
kiến của họ trong việc chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam [4;88-90].<br />
<br />
<br />
39<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
<br />
<br />
Thứ tư, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thế giới, các tổ chức quốc<br />
tế và phong trào phản chiến ở Mỹ. Một thành công của việc tập hợp lực lượng là việc mở rộng sự<br />
đoàn kết các tầng lớp nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam. Với chủ trương<br />
đúng đắn và làm rõ tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng của mình, chính phủ Việt Nam<br />
Dân chủ Cộng hòa đã nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân tiến bộ trên thế giới, họ<br />
đã đứng cùng nhân dân Việt Nam trên một chiến tuyến. Từ các nhà trí thức có uy tín đến những<br />
người dân bình thường ở khắp các châu lục đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải<br />
phóng dưới các hình thức: mít tinh, biểu tình, hội thảo khoa học, mở phiên tòa xét xử tội ác chiến<br />
tranh,. . . Nhiều cuộc quyên góp tiền bạc, thuốc men, dụng cụ y tế,. . . gửi sang Việt Nam. Ngày<br />
25 – 11 – 1964, Hội nghị quốc tế: “Nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế<br />
quốc Mỹ xâm lược” được tổ chức tại Hà Nội với 64 đoàn đại biểu của 52 nước và 12 tổ chức quốc<br />
tế tham dự, đã biểu thị sự đồng tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.<br />
Phong trào ủng hộ Việt Nam qua các “Tuần Việt Nam”, “Tháng Việt Nam” ở các nước xã<br />
hội chủ nghĩa do các Hôi hữu nghị tổ chức mang nhiều hình thức phong phú, như hội thảo khoa<br />
học, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động văn hóa khác,. . . đã truyền bá rộng rãi hình<br />
ảnh của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng. Nhiều sáng kiến như phong trào làm<br />
thêm giờ để viện trợ cho Việt Nam, quyên góp tiền cho Việt Nam, tự nguyện hiến máu cùng mua<br />
sắm các thiết bị y tế gửi sang Việt Nam.<br />
Tại các nước tư bản lớn, nhiều “Ủy ban đoàn kết với Việt Nam” đã được thành lập với các<br />
hoạt động cụ thể, thiết thực, như quyên góp thuốc men, dụng cụ y tế gửi sang Việt Nam, “những<br />
chuyến tàu ủng hộ Việt Nam”, mở tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.<br />
Phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam<br />
diễn ra sôi nổi trong những năm 60 của thế kỉ XX, những cuộc “Tuần hành về Washington”,<br />
“Những ngày toàn quốc phản đối chiến tranh ở Việt Nam”, các cuộc đấu tranh “Mùa Xuân”, “Mùa<br />
Thu” lôi kéo hàng triệu người ở hơn 100 thành phố. . . đã gây áp lực lớn đối với nhà cầm quyền.<br />
Rõ ràng bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng với đường lối<br />
đoàn kết quốc tế đúng đắn của Việt Nam là cơ sở tạo nên phong trào quần chúng rộng khắp và liên<br />
tục ủng hộ Việt Nam.<br />
Thứ năm, thành công của việc tập hợp lực lượng quốc tế của Việt Nam không chỉ là thành<br />
quả ngoại giao của Đảng, của Nhà nước mà còn là thành quả ngoại giao của nhân dân. Ngoại giao<br />
nhân dân đã phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài các nhà ngoại<br />
giao chuyên nghiệp, sự tham gia của các đoàn thể, của các hội hữu nghị và nhiều cá nhân đã góp<br />
phần làm cho nhân dân thế giới hiểu về Việt Nam và ủng hộ Việt Nam. Nhờ vậy, trong lịch sử thế<br />
giới, ít có cuộc đấu tranh nào lại thu hút được sự đồng tình của nhân dân thế giới rộng rãi, mạnh<br />
mẽ, bền lâu và có hiệu quả như trường hợp Việt Nam.<br />
Trong hoạt động đối ngoại nhân dân, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn tính đến một lực<br />
lượng không nhỏ người Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Với chính sách đúng đắn của nhà nước Việt<br />
Nam, trong những năm kháng chiến, nhiều người đã cống hiến trí tuệ và sức lực cho cuộc vận động<br />
ngoại giao, tạo nên hiệu ứng tốt đối với sự thành công của Hội nghị Paris năm 1973.<br />
Thứ sáu, trong thời kì Chiến tranh lạnh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước xã hội<br />
chủ nghĩa, trong hoạt động đối ngoại để thu hút lực lượng quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân<br />
dân Việt Nam cũng có những hạn chế do bối cảnh của sự đối đầu Đông – Tây, khi mà tập hợp lực<br />
lượng còn nặng về ý thức hệ. Trong quan hệ quốc tế, có những nước, những lực lượng còn đứng<br />
giữa hai khối, Việt Nam chưa thu hút được họ đứng về phía mình. Trong bối cảnh như vậy, Mặt<br />
trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời và đến năm 1969 là Chính phủ Cách mạng<br />
<br />
<br />
40<br />
Từ kinh nghiệm tranh thủ sự ủng hộ Quốc tế trong thời kì kháng chiến chống Mỹ...<br />
<br />
<br />
lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập, đã hỗ trợ và trở thành mũi giáp công cùng<br />
chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên mặt trận ngoại giao.<br />
Ngày 22 – 3 – 1965, trong tuyên bố năm điểm của mình, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền<br />
Nam Việt Nam đã nêu rõ: nhân dân Miền Nam biết ơn sâu sắc sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân<br />
yêu chuộng hòa bình và công lí trên thế giới, tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận mọi sự giúp đỡ, kể cả vũ<br />
khí và mọi dụng cụ chiến tranh của bạn bè khắp năm châu.<br />
Năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra đời, lập tức<br />
đã có 23 nước cộng nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ đây, hai chính phủ của<br />
Việt Nam phối hợp hỗ trợ nhau trong cuộc đấu tranh ngoại giao, tập hợp lực lượng„ tranh thủ tối<br />
đa sự ủng hộ của quốc tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn<br />
làm nên sức mạnh tổng hợp của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong lịch sử thế giới, hầu<br />
như chưa có trường hợp nào như Việt Nam có tới hai cơ quan ngoại giao đặt tại mỗi nước – Đại sứ<br />
quan Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cơ quan đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa<br />
Miền Nam Việt Nam – cùng phối hợp tuyên truyền vận động theo phương châm “tuy hai mà một,<br />
tuy một mà hai”.<br />
Thành công của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước do nhiều nhân tố, nhưng một trong<br />
những nhân tố quan trọng, không thể bỏ qua đó chính là đường lối quốc tế đúng đắn sáng tạo<br />
của Đảng và Nhà nước Việt Nam: tranh thủ, tận dụng, tập hợp các lực lượng quốc tế đối với cuộc<br />
kháng chiến chống Mỹ cứu nước,. . . Trong thời kì hội nhập sâu rộng hôm nay, đường lối quốc tế<br />
của Đảng và Nhà nước ta càng được chú trọng hơn bao giờ hết để phục vụ đắc lực cho công cuộc<br />
bảo vệ Tổ quốc.<br />
<br />
2.2. ... Đến việc tập hợp lực lượng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo hiện<br />
nay<br />
2.2.1. Thay đổi nhận thức và tư duy đối ngoại để tập hợp lực lượng quốc tế trong hoàn<br />
cảnh mới<br />
Sau Chiến tranh Việt Nam (1975), quan hệ đối ngoại và việc tập hợp lực lượng quốc tế của Việt<br />
Nam vẫn còn nặng nề về ý thức hệ do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh lạnh với sự đối đầu Đông – Tây, sự<br />
bình thường hóa với Hoa Kỳ vẫn còn là một chặng đường dài ở phía trước, các thế lực phản động quốc tế<br />
chống Việt Nam từ ngấm ngầm dần dần trở thành công khai và trắng trợn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam rơi<br />
vào thế bị bao vây, cô lập nghiêm trọng. Để thoát khỏi tình trạng này, hòa nhập vào thế giới, tạo cơ hội để<br />
tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, tập hợp lượng lượng,. . . Việt Nam đã điều chỉnh đường lối và chính sách<br />
đối ngoại bắt đầu từ năm 1986, đặc biệt từ sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt (1991). Đường lối và chính<br />
sách đối ngoại của Việt Nam không còn đứng trên nền tảng ý thức hệ như trước đây nữa, mà đã có sự thay<br />
đổi tư duy về hệ thống chính trị quốc tế và các cơ chế vận hành của nó. Từ đây, Việt Nam chủ trương hợp<br />
tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị, xã hội khác nhau trên cơ<br />
sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình [5]. Đến Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI (5 - 1988), trong<br />
tư duy đối ngoại của Việt Nam đã định hướng và chủ trương mở rộng quan hệ với các nước lớn. Thông qua<br />
Đại hội IX của Đảng, Việt Nam đã nâng tầm hội nhập quốc tế qua tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là<br />
đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. Và mười năm sau nữa, với sự đóng góp tích cực, có<br />
hiệu quả vào các hoạt động quốc tế, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nâng lên: “Việt Nam là bạn,<br />
đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Như vậy, cốt lõi trong đường lối<br />
đối ngoại của Việt Nam từ Đại hội XI trở đi là “hội nhập toàn diện” vào cộng đồng quốc tế. Điều này có<br />
nghĩa là Việt Nam mở rộng các mối quan hệ cả song phương lẫn đa phương, bằng việc làm sâu sắc hơn các<br />
mối quan hệ đó thông qua việc thiết lập, nâng cấp mối quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn<br />
diện”, “đối tác chiến lược toàn diện”, trước hết là với các nước lớn, các nước có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới<br />
Việt Nam.<br />
<br />
41<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
<br />
<br />
2.2.2. Cơ sở trong chính sách quốc tế mới của Việt Nam: Những điểm song trùng về lợi ích<br />
và tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh<br />
Trong quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, Việt Nam đã tìm ra những điểm song<br />
trùng về lợi ích, khai thác những “điểm đồng”có thể khai thác để tập hợp lực lượng quốc tế. Để tranh thủ<br />
được cảm tình và sự ủng hộ quốc tế, vấn đề cốt lõi là phải làm cho thế giới hiểu rõ về Việt Nam, về cuộc đấu<br />
tranh chính nghĩa hiện nay (như trong thời kì chống Mỹ cứu nước) và phù hợp về lợi ích khu vực, về lợi ích<br />
của các quốc gia trong mục tiêu đấu tranh của Việt Nam. Thực tế diễn biến phức tạp trên Biển Đông năm<br />
2014 vừa quacho thấy không nước nào “hi sinh mình” vì “chủ nghĩa quốc tế”, vì Việt Nam, phần lớn những<br />
nước có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam đều có lợi ích ở khu vực gắn với Việt Nam. Trước những tình<br />
hình phức tạp trong khu vực, những âm mưu và hành động xâm chiếm, gây nên tranh chấp trên Biển Đông,<br />
đe dọa chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và quyền lợi của các nước trực tiếp có biển và các nước có quan hệ<br />
nhiều mặt với khu vực, Việt Nam và các nước có quyền lợi ở đây kiên quyết phản đối. Bởi vì Biển Đông là<br />
tuyến vận tải biển lớn thứ hai thế giới, ước tính mỗi năm giá trị hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy trong<br />
khu vực này lên đến 5000 tỉ USD [6]. Có từ 35% đến 40% lượng hàng hóa của thế giới đi qua Biển Đông.<br />
Nhiều quốc gia và tổ chức khu vực, quốc tế có lợi ích từ Biển Đông, như 70% tàu chở dầu của Nhật Ban<br />
đi qua Biển Đông; 2/3 khí tự nhiên của Hàn Quốc được vận chuyển qua Biển Đông; xuất khẩu của EU tới<br />
châu Á là 21,4% thì Đông Á chiếm 18,1%; 34,3% hàng hóa của EU nhập khẩu từ châu Á thì có tới 30,1%<br />
từ Đông Á; Mỹ đã nhiều lần tuyên bố họ có lợi ích ở vùng biển này, lợi ích của Mỹ gắn liền với hòa bình,<br />
ổn định, tự do hàng hải và không nước nào được độc chiếm, chi phối Biển Đông [7]. Trong khu vực Đông<br />
Nam Á, 4 nước là Philippin, Việt Nam, Malaysia và Brunei có các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông liên<br />
quan trực tiếp tới yêu sách “Đường lưỡi bò”của Trung Quốc; đối với ASEAN, Biển Đông gắn với lợi ích<br />
hàng đầu của tổ chức này, bởi liên quan trực tiếp tới việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát<br />
triển và thịnh vượng của khu vực.<br />
Như vậy, việc mưu toan chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung<br />
Quốc đều đụng chạm tới lợi ích mọi mặt của các nước xa, gần trên thế giới.<br />
Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam dựa trên cơ sở pháp lí và chứng cứ lịch sử,<br />
phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), không xâm phạm tới lợi ích của<br />
các nước. Việt Nam chỉ đấu tranh giành lại những phần lãnh thổ, lãnh hải thuộc về Việt Nam và phù hợp với<br />
luật pháp quốc tế. Cuộc đấu tranh đó nhằm mục tiêu bảo vệ hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên Biển<br />
Đông, đó là cuộc đấu tranh chính nghĩa, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.<br />
Sự trùng hợp lợi ích giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế là điều kiện để Việt Nam nhận được sự<br />
đồng tình và ủng hộ của quốc tế, làm chỗ dựa cho cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải hiện nay.<br />
Từ kinh nghiệm có được sự ủng hộ của quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho thấy,<br />
trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đường lối đoàn kết quốc tế, quy tụ được nhân tâm thế giới có<br />
ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đường lối đó đã nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, làm cho nhân dân thế giới hiểu<br />
rõ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lí về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, hiểu rõ chủ trương của Việt Nam<br />
giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên cơ sở Luật biển năm 1982 và những nguyên tắc<br />
ứng xử của ASEAN (DOC/COC), đồng thời nêu cao lợi ích Biển Đông đối với các nước trong khu vực và<br />
thế giới, kể cả nhân dân Trung Quốc.<br />
<br />
2.2.3. Triển khai chính sách quốc tế mới nhằm quy tụ và tập hợp lực lượng quốc tế để bảo<br />
vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc<br />
Từ việc đổi mới nhận thức và tư duy đối ngoại cũng như dựa trên cơ sở những lợi ích song trùng và<br />
tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh, Việt Nam đang triển khai một số chính sách ngoại giao với 3 vòng:<br />
vòng trong gồm ASEAN, các nước láng giềng châu Á; vòng giữa gồm Nhật Bản, Nga, Mỹ, EU, G7,. . .<br />
là những nước lớn, có vai trò quan trọng trên trường quốc tế, có tiềm lực kinh tế và trình độ khoa học kĩ<br />
thuật,. . . là những nước có ảnh hưởng quan trọng trên thế giới và tương lai của Việt Nam; vòng ngoài gồm<br />
Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh,. . . là những nước không ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, nhưng có<br />
<br />
<br />
42<br />
Từ kinh nghiệm tranh thủ sự ủng hộ Quốc tế trong thời kì kháng chiến chống Mỹ...<br />
<br />
<br />
ý nghĩa trong việc mở rộng quan hệ thương mại trong tương lai [7]. Như vậy, Việt Nam đã đặt vai trò và vị<br />
trí của những nước lớn lên một tầm mức cao hơn trước, không còn coi vấn đề ý thức hệ có ý nghĩa quyết<br />
định như trước kia nữa; đặt trọng tâm vào các nước lớn có vai trò quan trọng với tiềm lực kinh tế, nền khoa<br />
học và công nghệ tiên tiến như Mỹ, Bắc Âu, Tây Âu và Nhật Bản,. . .<br />
Với tư duy đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu<br />
tối thượng [8], Việt Nam đã mở rộng quan hệ với các nước lớn, hướng tới tạo lập cân bằng lợi ích; tiếp tục<br />
đưa quan hệ của mình với các nước láng giềng và khu vực, các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng cũng<br />
như các bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu và mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực,. . . Ngoài các mối<br />
quan hệ đã được thiết lập từ trước, từ những năm 90 của thế kỉ XX trở đi, Việt Nam đã có quan hệ thương<br />
mại với 140 quốc gia, quan hệ đầu tư với gần 70 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam tăng cường hợp<br />
tác song phương với Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ bằng các chuyến<br />
thăm viếng cấp cao giữa hai bên, từ đó xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước đó. Cho đến nay,<br />
Việt Nam đã có quan hệ “đối tác chiến lược”, “đối tác chiến lược toàn diện”, “đối tác toàn diện” với 14<br />
nước, trong đó có 5 nước lớn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.<br />
Tuy nhiên, hợp tác quốc tế không phải bằng mọi giá, Việt Nam luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc<br />
là mục tiêu tối thượng, sự hợp tác hai bên cũng có lợi và tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ,<br />
không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đây chính là tiêu chuẩn để Việt Nam nhận diện ai là bạn, ai<br />
là thù, ai là đối tác, ai là đối tượng. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền thiếp lập quan hệ hữu nghị, hợp<br />
tác bình đẳng cùng có lợi,. . . đều là đối tác của Việt Nam; bất kì thế lực nào có âm mưu, hành động chống<br />
phá Việt Nam, xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, đều là đối tượng đấu tranh [8].<br />
Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông dưới góc độ đa phương, “quốc tế hóa” vấn đề<br />
Biển Đông, vừa loại bỏ mưu toan “bẻ từng chiếc đũa” của Trung Quốc, vừa tranh thủ được sự ủng hộ của<br />
các cường quốc nhằm tạo sức ép với nước này. Vì vậy, việc tập hợp lực lượng quốc tế trở thành một mục<br />
tiêu quan trọng, một việc làm cần thiết hiện nay.<br />
Trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam không chỉ dựa vào chứng cứ lịch sử, cơ sở<br />
pháp lí mà còn tìm thấy điểm song trùng lợi ích với các nước trong khu vực và các cường quốc. Do thế, Việt<br />
Nam đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ phía Mỹ, Nhật Bản, EU, G7, Ấn Độ, Australia, v.v. . . những<br />
nước này phản đối Bắc Kinh ở biển Đông vì họ đang có lợi ích trùng hợp với Việt Nam. Quan điểm ủng<br />
hộ phương thức tiếp cận đa phương giữa ASEAN với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã được Mỹ nhắc<br />
tới nhiều lần trong ARF, rằng Mỹ “sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho các sáng kiến hợp tác để giải quyết<br />
tranh chấp ở Biển Đông”.<br />
Nhận được sự ủng hộ của quốc tế, Việt Nam thành công bước đầu trong việc “quốc tế hóa” vấn đề<br />
Biển Đông thông qua Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) ngày 12 – 10 – 2010: Bộ trưởng<br />
10 nước ASEAN và 8 nước đối thoại (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn<br />
Quốc, Mỹ). Mặc dù Trung Quốc né tránh vấn đề tranh chấp Biển Đông với ASEAN, song điều đó không<br />
ngăn cản được các đại biểu tham gia Hội nghị bàn về vấn đề này trong các bài diễn văn của mình. Bộ trưởng<br />
Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh yếu tố tranh chấp Biển Đông là mối đe dọa an ninh khu vực [9].<br />
Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ và quy tụ lực lượng trên các diễn đàn của ASEAN.<br />
ASEAN là tổ chức khu vực mà Việt Nam là một thành viên. Đây là chỗ dựa trực tiếp của Việt Nam<br />
trong cuộc đấu tranh giữ gìn chủ quyền biển đảo của mình. Việt Nam luôn luôn tìm tiếng nói chung của<br />
ASEAN trong các vấn đề khu vực. Đặc biệt là từ năm 2009 đến nay, Việt Nam tranh thủ dư luận, tập hợp lực<br />
lượng, thúc đẩy sự đoàn kết trong ASEAN để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông đã có bước chuyển<br />
biến mới trong khối, ASEAN đã có tiếng nói chung, quan điểm chung trong vấn đề Biển Đông. Việc “khu<br />
vực hóa vấn đề Biển Đông” trong ASEAN đã góp phần ngăn chặn sách lược “bẻ từng chiếc đũa” của Trung<br />
Quốc trong quá trình thôn tính Biển Đông. Tiếng nói chung của ASEAN là chỗ dựa cho những nước trong<br />
khu vực mở rộng, thu hút sự chú ý, ủng hộ của thế giới trong cuộc đấu tranh giữ vững hòa bình, an ninh<br />
khu vực. Những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam và các nước trong ASEAN đã mang lại những kết quả tốt<br />
đẹp. Tháng 7 – 2009, Việt Nam đề nghị thảo luận vấn đề - Trung Quốc đệ trình “Đường 9 đoạn” lên Liên<br />
<br />
<br />
43<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
<br />
<br />
hợp quốc tại các cuộc họp của ASEAN với Trung Quốc như ARF, ASEAN + 1, ASEAN + 3,. . . Mặc dù<br />
có những nước trong tổ chức còn e ngại do sức ép từ Trung Quốc, nhưng ASEAN vẫn có tiếng nói chung<br />
thể hiện trong Tuyên bố Chủ Tịch của hội nghị cấp cao, của ARF về các sự kiện lớn của tổ chức này [12].<br />
Năm 2010, với cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa vấn đề Biển Đông trở thành trọng tâm thảo<br />
luận của ASEAN. Tại diễn đàn ARF ở Hà Nội, lần đầu tiên 18/27 nước đã lên tiếng về vấn đề Biển Đông.<br />
Năm 2011, trước việc Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh (2 – 5- 2011), Việt Nam phản đối quyết liệt trên<br />
các diễn đàn của ASEAN, thúc đẩy tổ chức này có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông, trước hết là<br />
thuyết phục được Trung Quốc đồng ý thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC (7 – 2011) và gây sức<br />
ép buộc Trung Quốc nhất trí sớm khởi động thảo luận về COC. Năm 2012, do bất đồng trong vấn đề Biển<br />
Đông, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM45) không ra được tuyên bố chung tại cuộc họp ngày<br />
13 – 7 -2012 tại Campuchia, nhưng chỉ sau một tuần ASEAN đã đưa ra tuyên bố 6 điểm về vấn đề Biển<br />
Đông do nỗ lực ngoại giao của Indonesia. Sau đó, các ngoại trưởng ASEAN đã thông qua được các thành tố<br />
cơ bản của COC. Trong nhiệm kì chủ tịch của Brunei, năm 2013, ASEAN đạt được bước tiến trong vấn đề<br />
Biển Đông, thể hiện trong tuyên bố của các ngoại trưởng có nhiều điểm mới so với những năm trước đó, và<br />
Trung Quốc đã chấp nhận khởi động tiến trình “tham vấn” về COC ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng<br />
9 – 2013.<br />
Năm 2014, trước diễn biến phức tạp ở khu vực Đông Á do Trung Quốc tạo ra, ASEAN tiếp tục duy<br />
trì được sự đoàn kết và có tiếng nói chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước tình hình này. Khi Trung Quốc<br />
đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại hội nghị<br />
cấp cao ASEAN (5 – 2014) ở Yangon (Myanmar), lần đầu tiên cả 10 nước ASEAN cùng bày tỏ quan ngại<br />
sâu sắc về việc làm này của Trung Quốc. Sau đó, một loạt các hội nghị ngoại trưởng ASEAN +1 với đối tác<br />
(8 – 2014) ở Naw Pyi daw (Myanmar) đã toát lên sự đoàn kết của ASEAN trong các vấn đề khu vực.<br />
Rõ ràng với sự nỗ lực của Việt Nam và nhiều nước trong ASEAN, mặc dù một số thành viên chịu<br />
sức ép từ phía Trung Quốc, nhưng về cơ bản các thành viên của tổ chức này đã đoàn kết, đồng thuận, có<br />
tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông.<br />
Ngoại giao nhân dân đã từng được phát huy trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần<br />
vào thắng lợi chung của cả dân tộc, nay trong thời kì hội nhập quốc tế, xây dựng và đấu tranh bảo vệ chủ<br />
quyển quốc gia, hoạt động đối ngoại nhân dân càng được Đảng và Nhà nước chú trọng. Cách giao tiếp, ứng<br />
xử của người dân đã để lại trong lòng du khách nước ngoài những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, về con<br />
người Việt Nam, góp phần giúp người nước ngoài hiểu biết về tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ<br />
hòa bình, an ninh khu vực.<br />
Nói tới đối ngoại nhân dân, không chỉ đặt nhiệm vụ cho người dân trong nước mà còn tận dụng cả<br />
những người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở 103 nước và vùng lãnh thổ. Tuyệt đại đa số họ hướng<br />
về Tổ quốc với mong muốn góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.<br />
Trong thời kì kháng chiến cứu nước, nhiều người trong số họ đã có đóng góp trí tuệ, tiền của cho đất<br />
nước, cho cuộc vận động ngoại giao, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Trong thời kì xây dựng và<br />
bảo vệ đất nước hiện nay, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp tiền của, tài năng, nhiệt huyết<br />
cho dân tộc. Nhiều học giả đã sưu tầm tài liệu, viết bài, tìm bản đồ, tìm những cơ sở pháp lí vững chắc góp<br />
sức vào cuộc dấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhân dân Việt Nam. Họ là một lực lượng không thể<br />
bỏ qua. Việc đoàn kết, tập hợp họ lại hướng tới một mục tiêu chung nhằm tạo nên sức mạnh của dân tộc là<br />
cần thiết. Chính phủ Việt Nam không chỉ chăm lo tới công tác người Việt Nam ở nước ngoài thông qua một<br />
Ủy ban chuyên trách, mà hằng năm vào các dịp Tết Nguyên đán, những người đứng đầu Đảng và Nhà nước<br />
Việt Nam đều tổ chức những cuộc gặp gỡ các đại diện và kiều bào ở nước ngoài, vui tết cổ truyền với họ<br />
trong bầu không khí đầm ấm và hỏa giải dân tộc.<br />
Ngoại giao học giả - thường được gọi là “Kênh 2” được Đảng và Chính phủ Việt Nam chú trọng.<br />
Sự tập hợp, tranh thủ lực lượng này là việc làm không thể bỏ qua. Làm tốt công tác này sẽ tạo nên hiệu ứng<br />
nhanh chóng và hiệu quả trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bởi vì mỗi một học giả đều có<br />
thể là một “Kênh thông tin”, một người đưa tin đi khắp thế giới. Vì vậy, kể từ năm 2008, khi vấn đề Biển<br />
Đông có dấu hiệu “nóng lên”, Việt Nam đã thông qua các hoạt động trao đổi học thuật với các học giả quốc<br />
<br />
<br />
44<br />
Từ kinh nghiệm tranh thủ sự ủng hộ Quốc tế trong thời kì kháng chiến chống Mỹ...<br />
<br />
<br />
tế về vấn đề Biển Đông để đánh động dư luận. Nhiều cuộc hội thảo khoa học, trao đổi, phỏng vấn với các<br />
học giả về vấn đề Biển Đông đã được tổ chức. Lần đầu tiên hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông được Học<br />
viện Ngoại giao và Hội luật gia Việt Nam đồng chủ trì được tổ chức tại Hà Nội (11 – 2008), sau đó được<br />
tiến hành hằng năm.<br />
Đặc biệt, năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, các cuộc hội thảo về vấn đề<br />
Biển Đông liên tiếp được tổ chức ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh,. . . Những<br />
cuộc hội thảo đó không chỉ khẳng định tính chất chính nghĩa, cở sở pháp lí của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ<br />
quyền biển đảo của nhân dân Việt Nam mà còn góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, vận động<br />
sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam<br />
ở Biển Đông.<br />
Trong quá trình tập hợp lực lượng, Việt Nam tăng cường hội nhập, tranh thủ dư luận quốc tế, coi<br />
trọng các tổ chức khu vực và quốc tế, xem đây là các diễn đàn đấu tranh có hiệu ứng nhanh nhất, đưa Việt<br />
Nam tới gần quốc tế nhất. Vai trò của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, thể hiện trong việc<br />
sớm trở thành các thành viên của các tổ chức quốc tế: UNDP, UNICEF, FAO, UNESCO, Ủy viên không<br />
thường trực Hội đồng Bảo an (2008 – 2009), Hội đồng nhân quyền, Ủy ban Di sản quốc tế của Liên hợp<br />
quốc; thiết lập quan hệ ngoại giao với EU (1990), Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam –<br />
EU (2011), là một trong những nước sáng lập ra Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), gia nhập Diễn đàn Hợp<br />
tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), là thành viên thứ 150 của WTO (2006), sớm là thành viên<br />
của Phong trào không liên kết, tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động của ASEAN, của Diễn đàn Khu<br />
vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), v.v. . .<br />
Việt Nam đã tận dụng các tổ chức quốc tế này làm diễn đàn tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính<br />
nghĩa của mình trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là ở Liên Hợp Quốc. Tháng 5 – 2009,<br />
Việt Nam và Malaysia đã cùng đệ trình Báo cáo chung về Ranh giới thềm lục địa vượt qua 200 hải lí tại<br />
khu vực phía Nam Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã nhiều lần<br />
phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của mình tại Liên Hợp<br />
Quốc. Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế theo Công ước luật<br />
biển như đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, thành viên<br />
của Hội đồng cơ quan quyền lực. Tại các diễn đàn liên quan, đại diện chủ quyền Việt Nam luôn khẳng định<br />
các nước phải tuân thủ các qui định trong luật biển và nhấn mạnh chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông<br />
bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Hằng năm, những người đứng đầu chính phủ đều tham<br />
gia Hội nghị an ninh khu vực châu Á (Đối thoại Shangri-la ở Singapore) và khẳng định các nước phải xây<br />
dựng lòng tin để giải quyết những vấn đề khu vực, đặc biệt là giải quyết tranh chấp Biển Đông.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Việc triển khai đường lối đối ngoại độc với chính sách rộng mở, đa phương nhóa, đa dạng hóa các<br />
quan hệ quốc tế, chính sách đoàn kết quốc tế, thu phục nhân tâm, đặc biệt thi hành chính sách đối ngoại<br />
mềm dẻo đối với các nước lớn, coi trọng các nước trong khu vực, không ngừng xây dựng, củng cố và nâng<br />
tầm các mối quan hệ song phương trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, hai bên cùng có lợi đã trở thành<br />
nét mới trong đường lối quốc tế của Việt Nam. Quan hệ quốc tế rộng mở, việc tập hợp lực lượng quốc tế<br />
không còn nặng nề về ý thức hệ, kiên quyết không đánh đổi chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ để nhận lấy một<br />
thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó [11] mà dựa trên lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Điều đó<br />
đã giúp Việt Nam tranh thủ được tất cả các lực lượng: các cường quốc hàng đầu thế giới, các nước có chung<br />
lợi ích, có chung hoàn cảnh, các nước gần – xa, các tổ chức khu vực và quốc tế, các tầng lớp nhân dân, các<br />
chính khách, các học giả, v.v. . . Chính tiếng nói của họ có tính khách quan, thuyết phục, tạo nên luồng dư<br />
luận mạnh mẽ, góp phần làm rõ tính chính nghĩa của Việt Nam, cô lập kẻ thủ. Đây chính là chỗ dựa của<br />
Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay. Trong một thế giới hội nhập, tính quốc<br />
tế hóa cao, Việt Nam không thể thiếu chỗ dựa này. Đánh giá về đường lối quốc tế mới của Việt Nam, Giáo<br />
sư Carl Thayer, học viện quốc phòng Australia nhận xét: Việt Nam “đã chứng minh được rằng tiếp cận đa<br />
phương trong quan hệ đối ngoại là cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền” [12].<br />
<br />
45<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2003. Văn kiện Đảng, Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.26,<br />
tr.640-641<br />
[2] Thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 Khóa III của Đảng Lao động Việt Nam.<br />
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr.279-280<br />
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, 1991. Văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VII. Nxb Chính trị quốc gia,<br />
Hà Nội, tr.88-90<br />
[5] http://dantri.com.vn/su-kien/washington-post-my-can-hanh-dong-de-ngan-can-tham-vong-cua<br />
-trung-quoc-o-bien-dong-875972.htm<br />
[6] EU ở đâu trong xung đột Biển Đông? Ngày 10 – 8 – 2012. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/<br />
chinh-tri/84013/eu-o-dau-trong-xung-dot-bien-dong-.html<br />
[7] Thông tấn xã Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tài liệu tham khảo đặc biệt số 10.<br />
[8] Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, 2015. Đón bắt thời cơ, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc đưa đất<br />
nước tiếp tục tiến lên. Báo “Thương hiệu và Công luận” số Tết Ất Mùi – 2015.<br />
[9] Radio Francais International (RFI) 12 – 10 – 2010.<br />
[10] Tuyên bố Chủ tịch ARF (đoạn về Biển Đông), Tham khảo tại: http://www.mofa.go.jp/region<br />
/asia-paci/asean/conference/arf/state0907.pdf.<br />
[11] http://phapche.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=7411ef80-5c0b-4453-9d2b-dbfaaf056b4f .<br />
[12] Carl Thayer. Việt Nam thành công trong vụ giàn khoan như thế nào. http://vnexpress.net<br />
/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/viet-nam-thanh-cong-trong-vu-gian-khoan-nhu-the-nao-3123679.html .<br />
<br />
ABSTRACT<br />
From the experience of courting international support during the anti-American Resistance war<br />
to the creation of a force in protect the sovereignty of the sea and islands<br />
The authors of this journal analyse the Vietnamese Communist Party’s policy of courting<br />
international support through various diplomatic channels in the anti-American Resistance war. This<br />
support, coming from Socialist countries, Capitalist countries, international organizations, and citizens of<br />
all classes from around the world, was to create a unified force and win the battle.<br />
While developing and applying lessons learned from assembling a force in the Vietnam war, within<br />
the new international and regional context, the Vietnamese Communist Party and government proceeded to<br />
reform diplomatic thinking to discover overlapping advantages between Vietnam and the world upon which<br />
new foreign affairs policies were built and implemented. These new policies served as a major leverage for<br />
Vietnam to gain international support and protect its sovereignty.<br />
Keywords:Courting international support, anti-American Resistance war, attract forces, protect the<br />
sea and islands.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
46<br />