intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

18
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội" tập trung mô tả và phân tích thực tế triển khai, ứng dụng Phần mềm Đánh giá kết quả rèn luyện online để chỉ ra những thay đổi tích cực trong công tác đánh giá rèn luyện cho sinh viên. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

  1. ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ RÈN LUYỆN CỦA SINH VIÊN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI Phùng Quốc Hiếu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội Tóm tắt: Theo chủ trương về giáo dục con người toàn diện, bên cạnh kết quả học tập, nghiên cứu khoa học, công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên tại các trường đại học hiện nay đều đang rất được các nhà trường quan tâm. Việc đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên tại các trường đại học nhằm hướng tới hai mục đích chính. Thứ nhất, đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, dựa trên kết quả đánh giá rèn luyện, mỗi sinh viên, đơn vị liên quan và nhà trường đưa ra những định hướng, cách thức, nội dung rèn luyện cụ thể, phù hợp để tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường rèn luyện hiệu quả nhất. Quá trình đánh giá cần đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng và dân chủ, kết quả đánh giá cần phải được sử dụng đúng mục đích để từ đó công tác đánh giá rèn luyện cho sinh viên phát huy được những giá trị tốt đẹp. Để thực hiện tốt yêu cầu này, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ cho quá trình đánh giá đảm bảo rút ngắn thời gian, không gian và tiện dụng là yêu cầu tất yếu đặt ra. Từ khóa: chuyển đổi số, công tác sinh viên, đánh giá rèn luyện, quản lý sinh viên… 1. Đặt vấn đề Đề cập đến yếu tố con người và mục tiêu giáo dục phát triển con người, Luật Giáo dục khẳng định: “Giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.” [6] Giáo dục là một trong tám trọng tâm thuộc “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” [3]. Tiếp thu chủ trương đó, hiện nay, nhiều trường đại học đang tích cực triển khai số hóa, áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi trong công tác dạy - học cũng như quản lý giáo dục. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội không nằm ngoài xu thế này. Phần mềm Đánh giá kết quả rèn luyện online hỗ trợ minh bạch hóa quy trình đánh giá với các tiêu chí được tích hợp trực tuyến, từ đó đảm bảo tính khách quan, chính xác, công khai, công bằng. Được xây dựng trên trình duyệt, tương thích với thiết bị di động, phần mềm giúp tinh gọn quy trình kiểm tra, đánh giá: tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức. Đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên là quá trình diễn ra liên tục nhằm thu thập, xử lý thông tin giúp theo dõi mức độ đạt được về rèn luyện của sinh viên so với quy định đặt ra, từ 67
  2. đó giúp cá nhân quản lý đối chiếu và đề xuất những biện pháp phù hợp để điều chỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh kết quả học tập, kết quả rèn luyện của sinh viên là một yếu tố quan trọng trong quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên tại trường đại học. Trước hết, kết quả rèn luyện giúp sinh viên tự nhìn nhận và đánh giá mức độ tham gia của bản thân trong các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Nhờ vậy, kết quả rèn luyện và hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện giúp hình thành nhận thức về việc hoàn thiện và phát triển toàn diện bản thân mỗi sinh viên, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên trong mối quan hệ với nhà trường, cộng đồng, xã hội [4]. Tháng 8/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT về Quy chế Đánh giá kết quả rèn luyện của người học được đào tạo ở trình độ đại học hệ chính quy [2]. Thông tư nhận định, nhiệm vụ đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu [2]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên tại các trường đại học hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, quy trình đánh giá kết quả rèn luyện ở hầu hết các trường đại học tại Việt Nam hiện nay còn mang tính thủ công, tốn nhiều thời gian, chi phí và công sức của sinh viên, cán bộ giảng viên, các đơn vị, phòng ban cũng như các chủ thể quản lý. Hơn nữa, đặt trong bối cảnh chuyển đổi số khi giáo dục là một trong tám trọng tâm thuộc Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” [3], việc chuyển đổi cách dạy, cách học, cách quản lý và quản trị giáo dục dựa trên công nghệ số hướng tới một hệ thống giáo dục chất lượng tốt, chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận với mọi người dân ngày càng đóng vai trò quyết định. Từ năm 2020 tới nay cũng là quãng thời gian mà cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã tác động mạnh vào môi trường giáo dục nhà trường và có những thời điểm làm thay đổi hoàn toàn phương thức giáo dục truyền thống. Trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh với việc chấp hành các chỉ thị, yêu cầu của Chính phủ và các cấp chính quyền, các nhà trường vẫn phải duy trì các hoạt động giáo dục. Sinh viên mặc dù phải rời xa trường học, rời xa thầy cô giáo, hạn chế tiếp xúc, nhưng công tác giảng dạy, các hoạt động quản lý, hỗ trợ sinh viên vẫn phải được duy trì. Việc chuyển sang giảng dạy theo hình thức trực tuyến là giải pháp được phát huy tối ưu trong thời gian này đối với hầu hết các trường đai học trên thế giới và ở Việt Nam. Vậy, công tác quản lý sinh viên nói chung được đặt ra như thế nào? Công tác đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên cần phải thay đổi ra sao trong bối cảnh dịch bệnh? Đây là những bài toán được đặt ra đối với các nhà trường, đặc biệt là bộ phận thực hiện công tác quản lý sinh viên. Với những góc nhìn đó, chúng ta có thể khẳng định việc tối ưu hóa công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên tại các trường đại học hiện nay đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết mang tính thời sự. Ngoài tiết kiệm thời gian, công sức cho những cá nhân liên quan, việc thực hiện hiệu quả công tác đánh giá kết quả rèn luyện sẽ giúp minh bạch hóa quy trình đánh giá, đồng thời giúp các chủ thể quản lý có những định hướng phù hợp nhằm nâng cao chất lượng 68
  3. rèn luyện của sinh viên. Trên tinh thần đó, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tự hào là một trong số không nhiều những trường đại học đã triển khai xây dựng và khai thác Phần mềm Đánh giá kết quả rèn luyện online, được tích hợp trên hệ sinh thái số HUC Connections nhằm số hóa quá trình đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên. Bài viết tập trung mô tả và phân tích thực tế triển khai, ứng dụng Phần mềm Đánh giá kết quả rèn luyện online để chỉ ra những thay đổi tích cực trong công tác đánh giá rèn luyện cho sinh viên. Trên cơ sở đó, đưa ra những bài học kinh nghiệm và những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên trong các trường đại học Việt Nam hiện nay. 2. Thực trạng nội dung công tác đánh giá kết quả rèn luyện cho sinh viên tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội 2.1. Trước khi áp dụng chuyển đổi số Quá trình đánh giá rèn luyện cho sinh viên được thực hiện theo 5 bước như hướng dẫn tại Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo [2]. Phiếu đánh giá được điều chỉnh hàng năm sao cho phù hợp với thực tế của Nhà trường (giữ nguyên những nội dung chính trong khung đánh giá và thang điểm). Tuy nhiên, sau mỗi kỳ đánh giá hoặc sau mỗi năm học, Phòng Công tác sinh viên của Trường lại căn cứ vào tình hình thực tế để có sự điều chỉnh cho phù hợp với kế hoạch đào tạo trong năm học hoặc phù hợp với Chiến lược phát triển của Nhà trường và việc chấp hành đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên. Quá trình đánh giá này đã được Nhà trường áp dụng qua nhiều năm học, có sự ổn định tương đối và tạo thành thói quen trong cách thức đánh giá rèn luyện cho sinh viên. Nhà trường hiện có trên 6000 sinh viên hệ chính quy tham gia đánh giá kết quả rèn luyện; được phân cấp quản lý theo 11 khoa/14 ngành đào tạo; trong đó có một số ngành đào tạo đặc thù như: Sáng tác văn học và một số ngành đào tạo năng khiếu, nghệ thuật. Việc đánh giá kết quả rèn luyện cho sinh viên được thực hiện 1 năm 2 lần. Đầu học kỳ sau sẽ tiến hành đánh giá kết quả rèn luyện cho sinh viên của cuối học kỳ trước. Công việc này được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, qua nhiều năm áp dụng, chúng tôi nhận thấy quá trình đánh giá bộc lộ một số điểm bất cập: - Từ khi Nhà trường chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ, vai trò của Giáo viên chủ nhiệm, Ban Cán sự lớp (niên chế) và tính liên kết của sinh viên trong lớp bị suy giảm đáng kể. Việc sinh viên không thường xuyên học tập trung cùng nhau trong lớp (như lớp niên chế) đã dẫn đến việc “đánh giá chéo” hoặc nhận xét đánh giá về người khác trong các buổi họp lớp gặp rất nhiều khó khăn (Bước 2 trong quy trình đánh giá). Nhiều cá nhân, tập thể đánh giá kết quả rèn luyện mang nặng tính hình thức, cảm tính, thiếu thực chất, thiếu chính xác; từ đó làm giảm ý nghĩa, mục đích của công tác đánh giá kết quả rèn luyện cho sinh viên. - Việc thống kê, trích xuất dữ liệu bằng hình thức thủ công gây ra những khó khăn cho quá trình tổng hợp, đánh giá. Đồng thời, việc này cũng gây ra tốn kém nhiều chi phí in ấn, tốn nhiều thời gian thực hiện; công tác quản lý, lưu trữ, tra cứu dữ liệu, minh chứng gặp khó khăn. 69
  4. - Thiếu linh hoạt trong quá trình tạo mẫu đánh giá cho từng kỳ học, từng năm học (đặc biệt trong trường hợp có thay đổi, điều chỉnh). - Thời gian đánh giá có thể bị kéo dài, gián đoạn. Quá trình đánh giá gặp khó khăn trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19, hoặc trong trường hợp sinh viên đi thực tập, kiến tập, sinh viên không học tập trung tại Trường do vượt tiến độ học tập hoặc không tập trung ở Trường do chỉ học 1 vài tín chỉ/1 kỳ học, sinh viên gặp những lý do hoàn cảnh đặc biệt,… - Việc theo dõi, giám sát, tương tác giữa sinh viên và Nhà trường trong quá trình đánh giá bị giới hạn do phải tương tác trực tiếp bằng đơn thư với thầy cô và Nhà trường mới có thể được xem xét, xử lý. - Chưa đáp ứng được xu thế chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong giáo dục và đào tạo. Từ những khó khăn này, công tác đánh giá rèn luyện cần có sự thay đổi cho phù hợp. 2.2. Áp dụng chuyển đổi số trong đánh giá điểm rèn luyện 2.2.1. Mục đích, giá trị của chuyển đổi trong số trong công tác đánh giá kết quả rèn luyện Dựa theo quy định cụ thể trong Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của người học được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy (thay thế Quyết định số 60/2007/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2007) [2], công tác đánh giá kết quả rèn luyện cho sinh viên được thực hiện qua 5 bước chính, gắn với trách nhiệm của: Sinh viên, Ban Cán sự lớp, Giáo viên chủ nhiệm/Giáo viên phụ trách, Ban Chủ nhiệm khoa, Lãnh đạo Nhà trường. Trong suốt quá trình này, Phòng Công tác sinh viên là đơn vị thường trực chịu trách nhiệm điều phối và đôn đốc quá trình triển khai thực hiện. Từ những bất cập phát sinh như trên, kể từ năm 2019, Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất, tìm kiếm đối tác kỹ thuật để xây dựng phần mềm Đánh giá kết quả rèn luyện cho sinh viên trên các nền tảng trực tuyến, ứng dụng cho công tác quản lý sinh viên thông qua việc đánh giá kết quả rèn luyện, với mong muốn giảm thiểu những khó khăn, bất cập, đưa hoạt động đánh giá hướng tới thực chất, chính xác, khách quan. Cụ thể: * Với Sinh viên: Sinh viên tự đánh giá kết quả rèn luyện của bản thân theo các tiêu chí đã quy định được tích hợp tự động trong phiếu đánh giá Online. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cũng như giảm thiểu những sai sót trong quá trình tự điền thông tin như quy trình thủ công. Bên cạnh đó, sinh viên có thể chủ động theo dõi và nhận thông báo về tình trạng phiếu điểm rèn luyện của mình tức thời, mọi lúc, mọi nơi ngay trên thiết bị di động hoặc máy tính cá nhân. Đây cũng chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sinh viên ý thức tích cực, tự giác trong công tác tự đánh giá kết quả rèn luyện của bản thân. * Với Cán bộ lớp: Cán bộ lớp kiểm tra và xét duyệt kết quả rèn luyện của thành viên trong lớp sau khi xem xét thông tin và minh chứng được đính kèm trong phiếu đánh giá kết quả online. Nhờ vậy, cán bộ các lớp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc cộng điểm cũng như xác thực minh chứng. 70
  5. * Với Giáo viên chủ nhiệm/ Giáo viên phụ trách: Với việc ứng dụng Phần mềm Đánh giá kết quả rèn luyện online, giáo viên chủ nhiệm/ giáo viên phụ trách sẽ tiết kiệm thời gian, công sức trong công tác kiểm tra, xét duyệt, đặc biệt trong các trường hợp giáo viên chủ nhiệm đồng thời phụ trách nhiều lớp. * Với Ban Chủ nhiệm khoa: Bên cạnh tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí in ấn các biểu mẫu đánh giá, Ban Chủ nhiệm khoa phụ trách công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên có thể nhận các báo cáo tổng hợp để thống kê, phân loại đánh giá sinh viên theo lớp nhờ tính năng “Xuất danh sách phân loại phiếu điểm” và “Thống kê phân loại phiếu điểm”. Kết quả tổng hợp nhanh, chính xác cũng giúp cho các khoa có thể trích xuất đo lường các chỉ số và nắm bắt được tình hình sinh viên của mình. * Với Nhà trường: Trước hết, việc số hóa quy trình, ứng dụng Phần mềm Đánh giá kết quả rèn luyện online giúp Hội đồng đánh giá cấp Trường đảm bảo phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cá nhân, bộ phận liên quan, từ đó, hỗ trợ tối ưu hóa công tác quản lý, lưu trữ và tra cứu thông tin liên quan mọi lúc mọi nơi. Thứ hai, số hóa quy trình với các tính năng tùy biến theo nhu cầu giúp các bộ phận quản lý phản hồi đa chiều từ các cá nhân, bộ phận liên quan trong suốt quá trình kiểm tra, đánh giá. Từ đó, Hội đồng đánh giá có cơ sở rõ ràng để xem xét, điều chỉnh các quy định đánh giá rèn luyện cũng như đề ra những định hướng phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên nói riêng và công tác quản lý sinh viên nói chung trong toàn Trường. 2.2.2. Quy trình đánh giá rèn luyện trực tuyến * Các bước đánh giá Theo Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của người học được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy [2], quy trình đánh giá kết quả rèn luyện online trên hệ sinh thái số HUC Connections gồm 05 bước như sau: - Sinh viên tự đánh giá kết quả rèn luyện; - Ban cán sự lớp đánh giá kết quả rèn luyện/Giáo viên chủ nhiệm xét duyệt kết quả rèn luyện; - Hội đồng Khoa xét duyệt kết quả rèn luyện; - Hội đồng Trường xét duyệt kết quả rèn luyện. - Công bố kết quả đánh giá rèn luyện; lưu hồ sơ sinh viên. Căn cứ vào các bước đánh giá như trên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội xây dựng quy trình các bước đánh giá rèn luyện Online cho sinh viên theo các sơ đồ sau: 71
  6. Hình 1: Sơ đồ cấu trúc của quy trình đánh giá kết quả điểm rèn luyện Online Phần mềm Chấm điểm rèn luyện online trên hệ sinh thái số HUC Connections http://huc.connections.vn/ App My Connections 9|14 Hình 2: Giao diện đánh giá kết quả rèn luyện trên các thiết bị công nghệ 72
  7. * Chi tiết thực hiện các bước trong sơ đồ đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên Hình 3: Sơ đồ tư duy tổng thể quá trình đánh giá * Kết quả sau khi ứng dụng Phần mềm Đánh giá kết quả rèn luyện online Hình 4: Số liệu sinh viên tham gia đánh giá kết quả rèn luyện qua các vòng (Nguồn: Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên năm học 2020 - 2021 Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) 73
  8. - Sau 1 tháng tiến hành đánh giá, số lượng phiếu đánh giá đạt được tại các vòng như sau: + Vòng 1 (Sinh viên đánh giá): 5000/6000 phiếu; + Vòng 2: 4600/6000 phiếu đánh giá sau 5 ngày; + Vòng 3: Gần 6000/6000 trong 5 ngày; + Vòng 4: (Hội đồng cấp Trường đánh giá, phê duyệt, công bố kết quả): Thực hiện trong 1 tuần. - Sau 1 tháng thực hiện quy trình đánh giá kết quả rèn luyện, 6000/6000 phiếu đã được đánh giá (Số liệu đã được tác giả làm tròn). Sau đợt đánh giá đầu tiên tháng 3/2021, chúng tôi đã rút kinh nghiệm cho những lần đánh giá tiếp sau để có thể cải tiến, rút ngắn quá trình đánh giá. Thực tế hiện nay, quá trình này được thực hiện từ 2-3 tuần với gần 7000 sinh viên trong toàn Trường [5]. 2.2.3. Đánh giá chung - Việc đánh giá kết quả điểm rèn luyện cho sinh viên về quy trình thực hiện các bước được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản quản lý sinh viên Nhà trường đã ban hành. - Đánh giá kết quả rèn luyện online giảm thiểu tối đa các buổi họp hoặc tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm chi phí, thời gian, giao dịch, giấy mực. Hình thức đánh giá này phù hợp với bối cảnh đào tạo tín chỉ. - Quá trình triển khai đánh giá online gặp một số khó khăn như: thay đổi thói quen, nhận thức của cán bộ, giảng viên và sinh viên; cơ sở hạ tầng công nghệ hạn chế; nền tảng kỹ thuật số chưa ổn định; trình độ công nghệ của người tham gia không đồng đều;… - Ý thức, trách nhiệm của người được đánh giá và người tham gia đánh giá đôi lúc chưa cao, đặc biệt là với sinh viên, nhiều sinh viên còn thờ ơ, thiếu quan tâm tới công tác này. 2.3. Những bài học kinh nghiệm - Đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý sinh viên góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả trong công tác quản lý sinh viên. - Thay đổi nhận thức trong công tác quản lý sinh viên, cần coi công tác quản lý sinh viên, đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên là khâu then chốt trong Nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh trong giáo dục đại học; cạnh tranh trong chất lượng đào tạo. Công tác sinh viên cần được coi là nhiệm vụ trung tâm vì sinh viên là khách hàng, nâng cao chất lượng trong quản lý sinh viên chính là nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, góp phần xây dựng hình ảnh và uy tín của Nhà trường trước xã hội. - Truyền thông mạnh mẽ công tác quản lý sinh viên nói chung và đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên nói riêng để mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý và mỗi sinh viên coi đây là hoạt động cần thiết, thực chất, tránh thực hiện việc này một cách hình thức gây lãng phí thời gian, thiếu công bằng; từ đó không có tác dụng giáo dục, không khuyến khích sinh viên rèn luyện và phấn đấu. - Hoàn thiện, đồng bộ các văn bản quản lý sinh viên. Bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ, tuy nhiên, các trường cần vận dụng linh hoạt với hoàn cảnh thực tế của mỗi nhà trường. Phiếu đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên cần có sự điều chỉnh thang đo đánh giá cho phù hợp, thực chất theo hướng định lượng hóa tránh sử dụng thang đo định tính để việc đánh giá không bị cào bằng. Kết thúc 74
  9. mỗi kỳ đánh giá, phiếu đánh giá cần được xem xét điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với chiến lược phát triển của nhà trường, định hướng phát triển trong công tác quản lý sinh viên hướng tới nâng cao chất lượng, khắc phục những hạn chế tồn tại, góp phần giáo dục toàn diện cho sinh viên. - Công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình đánh giá. Các trường cần tạo điều kiện để sinh viên có quyền và được đối thoại, nắm bắt thông tin trong suốt quá trình đánh giá; được nhận kết quả đánh giá và phản hồi theo các cấp độ đánh giá; qua đó giúp nâng cao nhận thức và tầm quan trọng, xác định đúng trách nhiệm của sinh viên đối với công việc này. - Sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên. Kết quả đánh giá rèn luyện của sinh viên cần được sử dụng đúng mục đích theo hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cần ghi vào bảng điểm cuối khóa, xét khen thưởng các cấp, các giai đoạn, xét tốt nghiệp, xét chọn các danh hiệu, học bổng, lưu hồ sơ sinh viên và gửi tới phụ huynh của sinh viên. Cần xem xét chỉ số đo lường hiệu quả trong công tác đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên cấp trường (vĩ mô) để từ đó đề xuất, điều chỉnh cơ chế/ chính sách/ hoạt động trong công tác quản lý sinh viên sao cho hiệu quả. 3. Kết luận Đánh giá rèn luyện sinh viên không chỉ là khâu cuối cùng trong quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên tại trường đại học. Quá trình này là hoạt động thường xuyên liên tục, có tác dụng ghi nhận, động viên những nỗ lực cố gắng, đánh giá quá trình phấn đấu, định hướng hành vi của sinh viên để hướng tới giáo dục toàn diện cả về Trí, Đức, Thể, Mỹ và các năng lực chuyên môn. Việc đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên đã được các trường đại học luôn quan tâm và thực hiện. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, công tác này cần được đầu tư, đổi mới để quá trình đánh giá nhanh hơn, chính xác hơn, thực chất hơn. Từ những kinh nghiệm đã áp dụng triển khai, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội xin có một số chia sẻ kinh nghiệm như trên, với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý sinh viên tại mỗi nhà trường và quá trình giáo dục sinh viên ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Tài liệu tham khảo 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Quyết định số 60/2007/QĐ-BGDĐT Ban hành Quy chế Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế Đánh giá kết quả rèn luyện của người học được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy. 3. Thủ tướng chính phủ (2020), Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 4. Ngô Xuân Hiếu (2019), Quản lý đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Quản lý Giáo dục, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. 5. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (2021), Báo cáo tổng kết kết quả đánh giá rèn luyện sinh viên năm học 2020 - 2021. 6. Quốc hội (2019), Luật số 43/2019/QH14 Luật Giáo dục. 75
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0