YOMEDIA

ADSENSE
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành du lịch: cơ hội và thách thức
5
lượt xem 1
download
lượt xem 1
download

Mục tiêu của bài viết này là cung cấp những hiểu biết về cách mà trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng trong lĩnh vực du lịch. Bài viết giới thiệu các công nghệ mới của trí tuệ nhân tạo được áp dụng bao gồm công nghệ nhận dạng khuôn mặt, công nghệ thực tế ảo, Chatbot, Robot, Google Maps và trình dịch ngôn ngữ. Từ đó, tác giả nêu ra những thách thức và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành du lịch: cơ hội và thách thức
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành du lịch: cơ hội và thách thức Phan Tấn Lực Tóm tắt Trí tuệ nhân tạo ngày càng được coi trọng trong ngành du lịch. Nó không chỉ giúp tăng cường các dịch vụ trải nghiệm du lịch mà còn góp phần mang lại sự hài lòng cao cho du khách. Mục đích của nghiên cứu này là giới thiệu một số công nghệ mới được áp dụng trong ngành du lịch bao gồm công nghệ nhận dạng khuôn mặt, công nghệ thực tế ảo, Chatbot, Robot, Google Maps và trình dịch ngôn ngữ. Tuy vậy, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực này cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đáng kể, khiến quá trình hòa quyện giữa công nghệ và trải nghiệm du lịch không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những thách thức này cần được xem xét và giải quyết một cách kỹ lưỡng để tạo ra sự cân bằng giữa công nghệ và nhân văn. Đây có thể sẽ là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển bền vững và tạo ra những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ cho du khách. Từ khóa: trí tuệ nhân tạo, Chatbots, công nghệ, du lịch. 1. Đặt vấn đề Khái niệm “Trí tuệ nhân tạo” xuất hiện lần đầu tiên vào mùa hè năm 1956 khi được nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy đưa ra tại Hội nghị Dartmouth để mô tả ngành khoa học kỹ thuật tạo ra máy móc thông minh có thể bắt chước hành vi của con người. Có nhiều định nghĩa về trí tuệ nhân tạo nhưng nhìn chung trí tuệ nhân tạo là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Các quy trình này bao gồm học tập (thu nhận thông tin và quy tắc sử dụng thông tin), hệ thống lý luận (sử dụng quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định) và tự điều chỉnh (Russell 2010). Sự ra đời và phát triển của trí tuệ nhân tạo đã cách mạng hóa các ngành công nghiệp khác nhau trên toàn cầu. Nó cung cấp giải pháp cho nhiều vấn đề phức tạp, từ y tế đến khoa học dữ liệu và tự động hóa công nghiệp. Trí tuệ nhân tạo cũng cải thiện trải nghiệm người dùng qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không chỉ thúc đẩy sự tiến bộ mà còn mở ra cơ hội kết nối và sáng tạo trong tương lai. Trí tuệ nhân tạo đã đạt được những bước tiến lớn trong suốt một thập kỷ qua. Ban đầu, trí tuệ nhân tạo được hình dung là khả năng của máy tính để thực hiện các nhiệm vụ thông minh mà trước đây chỉ có con người mới có thể làm được. Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã điều chỉnh và mở rộng định nghĩa này. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo bao gồm học máy (machine learning), mạng nơ-ron (neural networks), và khả năng tự học (deep learning). Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đã đạt đến đỉnh cao và nó có khả năng tác động sâu sắc đến các cá nhân, tổ chức và các ngành công nghiệp. Trong kỷ nguyên số hóa, trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng trong nhiều ngành khác nhau như công nghiệp sản xuất, công nghiệp ô tô, ngân hàng và dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng, du lịch lữ hành và khách sạn, truyền thông và giải trí (Nagaraj 2020). Sự phổ biến và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng trong môi trường công nghiệp vì nó làm tăng mức độ đổi mới và giảm thiểu các quy trình và hoạt động được thực hiện bởi con người. Trong nhiều ngành công nghiệp, trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng trong nhiều chức năng khác nhau của các tổ chức như bán hàng và tiếp thị, dịch vụ khách hàng và tài chính (Samala et al. 2020). 895
- Ngành du lịch đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc ở cấp độ toàn cầu. Ngày nay nhiều người sẵn lòng chi tiền vào du lịch và các trải nghiệm du lịch. Nhờ sự phát triển của ngành du lịch và lữ hành, đây được xem là một trong những ngành lớn nhất thế giới, có sức mạnh định hình sức khỏe kinh tế của một quốc gia. Trí tuệ nhân tạo cũng đang dần được áp dụng vào ngành du lịch và được xem là một chiến lược để gia tăng lợi thế cạnh tranh trong thị trường năng động này. Khái niệm trí tuệ nhân tạo trong du lịch ban đầu được sử dụng để đơn giản hóa các quy trình tiếp thị, nhưng ở thời điểm hiện tại, trí tuệ nhân tạo đang để lại dấu ấn trên mọi khía cạnh du lịch như chào đón, phục vụ, lắng nghe nhu cầu của du khách, cải thiện mức độ cá nhân hóa, điều chỉnh các đề xuất của khách hàng và đảm bảo thời gian phản hồi nhanh ngay cả khi nhân viên không có mặt (Samala et al. 2020). Mục tiêu của bài viết này là cung cấp những hiểu biết về cách mà trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng trong lĩnh vực du lịch. Bài viết giới thiệu các công nghệ mới của trí tuệ nhân tạo được áp dụng bao gồm công nghệ nhận dạng khuôn mặt, công nghệ thực tế ảo, Chatbot, Robot, Google Maps và trình dịch ngôn ngữ. Từ đó, tác giả nêu ra những thách thức và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai. 2. Các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong du lịch 2.1 Công nghệ nhận dạng khuôn mặt Nhận dạng khuôn mặt là một ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo đang ngày càng quan trọng và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau với nhiều mục đích khác nhau. Nhận dạng khuôn mặt đang dần được ứng dụng trong ngành du lịch và lữ hành ở quy mô lớn. Thông thường, khách du lịch phải trải qua một loạt quy trình phức tạp lặp đi lặp lại nhằm kiểm tra các giấy tờ du lịch. Sự phức tạp trong quy trình này làm tiêu tốn rất nhiều thời gian, điều này càng dẫn đến cảm giác mệt mỏi và trải nghiệm không tốt ở khách du lịch (Samala et al. 2020). Để giảm thiểu điều này, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã ra đời. Công nghệ này nhận dạng khuôn mặt của khách du lịch, xác minh khuôn mặt đó với khuôn mặt trong hệ thống cơ sở dữ liệu và thực hiện xác minh cũng như cung cấp các dịch vụ đăng ký tự động. Bằng cách sử dụng công nghệ này, khách du lịch có thể thoải mái làm thủ tục tại sân bay và tất cả các điểm làm thủ tục khác như các nhà ga, bến tàu mà không cần thực hiện lại những quy trình xác minh giấy tờ tùy thân (Chang và Yang 2008). 2.2 Công nghệ thực tế ảo (VR) Một trong những điều gây nên trải nghiệm tồi tệ cho khách du lịch là sự khác nhau giữa quảng cáo và những gì thực tế họ nhận được. Những khách hàng ở xa thường không biết về không gian của khách sạn, chất lượng phòng… Trong khi đó, chủ các khách sạn lại mô tả và cung cấp những hình ảnh quảng cáo mang tính phóng đại cao và thiếu chân thực. Những khách du lịch thường có những lo ngại khi không biết thực tế tại khách sạn như thế nào. Vấn đề này có thể dễ dàng giải quyết bằng các ứng dụng thực tế ảo (Yung and Khoo-Lattimore 2019). Công nghệ Thực tế ảo (VR) thường sử dụng tai nghe VR để tạo môi trường mô phỏng. Môi trường mô phỏng này mang lại trải nghiệm về thực tế ảo. Khách hàng sử dụng công nghệ VR sẽ trải nghiệm môi trường trong thế giới kỹ thuật số 3D (Guttentag 2010). Trong những năm gần đây, công nghệ này được các công ty lữ hành, du lịch và khách sạn đặc biệt quan tâm. Các công ty này giới thiệu các địa điểm du lịch và khách sạn bằng cách sử dụng video 3D để cung cấp những trải nghiệm ảo chân thật và sát thực tế nhất để giúp khách hàng yên tâm khi lựa chọn và đăng ký sử dụng dịch vụ. Có nhiều ứng dụng thực tế ảo khác nhau được sử dụng trong ngành du lịch 896
- và khách sạn. Một vài trong số đó là các chuyến tham quan khách sạn ảo, trải nghiệm du lịch ảo, giao diện đặt phòng ảo. Các chuyến tham quan khách sạn ảo bao gồm việc cho thấy môi trường khách sạn, cơ sở vật chất của nó dưới dạng 3D. Điều này khiến khách hàng có được trải nghiệm thời gian thực về cơ sở vật chất trong khách sạn (Samala et al. 2020). Thông thường nếu khách hàng mong muốn được trải nghiệm hành trình du lịch và khám phá các điểm du lịch trước khi di chuyển đến các điểm này thì họ sẽ thực hiện tìm kiếm thông tin liên quan trên Internet dưới dạng đánh giá của những người khác (Kim và Hardin 2010). Với sự ra đời của công nghệ thực tế ảo, đã tạo ra sự thay đổi trong cách mà các quyết định được đưa ra, thay vì dựa vào những thông tin mà người khác cung cấp, những khách hàng lúc này có thể trải nghiệm thực tế. Điều này làm cho khách hàng tự tin quyết định về chuyến đi của họ. 3.3 Chatbot Chatbot là một phần mềm thực hiện cuộc trò chuyện thông qua lời nói hoặc văn bản. Có hai loại Chatbots, đó là chatbot dựa trên tin nhắn văn bản và chatbot dựa trên giọng nói. Chatbot dựa trên tin nhắn văn bản cung cấp dịch vụ tin nhắn cho các truy vấn của khách hàng dưới dạng tin nhắn văn bản. Chatbot dựa trên giọng nói cung cấp dịch vụ tin nhắn cho các truy vấn của khách hàng dưới dạng tin nhắn dựa trên giọng nói (Kumar et al. 2016). Chatbots thường là máy phần mềm máy tính, được lập trình sẵn để trả lời các câu hỏi đơn giản do khách du lịch đưa ra (Oh et al. 2017). Chatbots có khả năng xác định các từ khóa trong các câu hỏi nhằm xác định câu trả lời chính xác cho một câu hỏi. Khả năng gửi câu trả lời chính xác trong thời gian ngay lập tức là một điểm mạnh của chatbot. Hơn nữa, chatbot có thể được truy cập 24/7 trong tất cả các ngày trong năm. Những tính năng chính này đã khiến chatbot thay thế được các nhân viên tư vấn. Một số công ty cung cấp trải nghiệm độc đáo khi cung cấp chatbot du lịch. Du khách có thể tự mình lái xe với chatbot du lịch được cài đặt sẵn trong xe và chatbot ngoài việc hướng dẫn lái xe còn có thể cung cấp mô tả cụ thể cho từng địa điểm trên chuyến hành trình, điều này đặc biệt được yêu thích bởi những khách du lịch muốn có sự riêng tư hoặc đi du lịch một mình cùng gia đình (Boiano et al. 2019). Công nghệ này được đặt tên là chuyến tham quan bằng âm thanh (Audio tour) Cá nhân hóa cũng là một khía cạnh quan trọng mà các nhà tiếp thị trong ngành du lịch đã tích hợp vào chatbot. Đặc biệt, chatbot dựa trên giọng nói cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa cao cấp cho khách hàng. Nó phục vụ khách hàng bằng cách cung cấp nhiều loại dịch vụ như đặt dịch vụ ăn uống, dịch vụ taxi, đọc tin nhắn, lên lịch công việc, cuộc hẹn, đặt báo thức, dịch vụ phòng, dịch vụ dọn phòng…(Gajdošík and Marciš 2019). Nói chung, nó đóng vai trò như một trợ lý cho khách. Chatbots thậm chí có thể lưu trữ dữ liệu trước đây của khách để có thể đề xuất các dịch vụ dựa trên các hoạt động và trải nghiệm trước đây. Những chatbot dựa trên giọng nói này được thiết kế đặc biệt để cải thiện sự hiếu khách cũng như sự tương tác và trải nghiệm của khách du lịch (Nagaraj và Singh 2018). 3.4 Robot Robot đang xuất hiện nhiều hơn trong ngành du lịch. Những trợ lý điều khiển bằng công nghệ này đang sử dụng công nghệ Internet of Things (IoT) để thực hiện các hoạt động đơn giản như bật đèn phòng ngủ, tắt tivi đến những hoạt động phức tạp hơn như sắp xếp hành lý, lễ tân, hỗ trợ khách nhận và trả phòng. Lễ tân robot đã trở thành một xu hướng trong ngành du lịch, nó có ý nghĩa trực tiếp đến sự tương tác và trải nghiệm của du khách. Các khách sạn lớn thậm chí còn sử dụng robot để 897
- thực hiện dẫn khách du lịch về phòng như một nhân viên khách sạn thực thụ. Tại một số khách sạn danh tiếng, robot Alexa đã và đang nhận được rất nhiều sự chú ý hay ở khách sạn nổi tiếng của Nhật Bản Henn-a Hotel đã giới thiệu nhiều loại robot khác nhau trở thành lực lượng lao động chính trong khách sạn. Tương tự, tại các sân bay, robot đã bắt đầu hiện diện và chúng đang được sử dụng như là những nhân viên hướng dẫn. 3.5 Google Maps Google Maps sử dụng công nghệ GPS đã hỗ trợ khách du lịch bằng các thông báo chỉ đường. Việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong Google Maps đã nâng cao trải nghiệm bằng cách cung cấp thông tin cho khách du lịch về các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông. VPS của Google là hệ thống định vị bằng hình ảnh mang tính cách mạng mới của Google, đây là bản cập nhật bản đồ Google map bổ sung cho các hệ thống dựa trên định vị vệ tinh GPS hiện nay. Với công nghệ mới này, người dụng Google Maps có thể sử dụng camera điện thoại để xác định môi trường xung quanh và chỉ đường một cách trực quan nhất (công nghệ AR). VPS đặc biệt hữu dụng tại những nơi mà GPS không thể can thiệp hoặc bị hạn chế (như trong các tòa nhà, tầng hầm, dưới nước, hang động…). Hệ thống định vị trực quan sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo mang lại cái nhìn trực tiếp về thế giới thực và các điểm mốc trực quan trước mặt khách du lịch (Anup et al. 2017). Google Maps với sự trợ giúp của Trí tuệ nhân tạo hiện có thể cung cấp chế độ xem trực tiếp về thế giới thực. Tính năng mới trong Google Maps ngay lập tức khởi động máy ảnh và bắt đầu quét xung quanh để tìm các địa danh trực quan như tòa nhà, mặt tiền cửa hàng... Khách du lịch có thể bật ứng dụng Google Maps để tìm ra vị trí chính xác của mình và trải nghiệm chế độ xem trực tiếp của Google Maps. Nó sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các cửa hàng, công ty, khách sạn, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, nhà hàng, căng tin, khu giải trí…(Xiao et al. 2018). Bằng cách sử dụng chế độ xem trực tiếp, khách du lịch sẽ đi theo hướng thích hợp và không có bất kỳ sự nhầm lẫn nào (Ruotsalainen et al. 2011). Nói tóm lại, phiên bản mới hơn của Google Maps hoạt động như một Hướng dẫn viên địa phương đối với khách du lịch. 3.6 Trình dịch ngôn ngữ Những ứng dụng dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác đặc biệt hữu ích đối với những du khách đến thăm các địa điểm nước ngoài nơi họ gặp phải những ngôn ngữ xa lạ. Du lịch nước ngoài có thể khó khăn, đặc biệt khi có rào cản ngôn ngữ. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu du khách sử dụng những hướng dẫn viên kiêm thông dịch viên có thể nói được ngôn ngữ địa phương. Ngày nay, các ứng dụng phần mềm có thể thay thế hướng dẫn viên địa phương bằng cách dịch các ngôn ngữ. Những ứng dụng này thậm chí còn cho phép du khách trò chuyện với người dân địa phương bằng ngôn ngữ của họ. Tùy chọn của Google dịch cho phép khách du lịch ghi lại tin nhắn thoại bằng ngôn ngữ của họ, dịch tin nhắn thoại này sang ngôn ngữ đích (ngôn ngữ địa phương), từ đó truyền tải thông điệp của khách du lịch đến người dân địa phương (Azis et al. 2011). Một tính năng khác cực kỳ hữu ích khác là tùy chọn “Tích hợp máy ảnh”. Khách du lịch thường thích hiểu các thực đơn trong khách sạn hay các bảng hiệu, tuy nhiên, hầu hết họ đều gặp khó khăn với các chữ viết dưới dạng ngôn ngữ địa phương. Tùy chọn “Tích hợp máy ảnh” có thể được sử dụng để dịch bảng hiệu và menu trong các khách sạn. Ứng dụng quét các biển hiệu và menu bằng camera điện thoại và dịch các thông này, điều này trở thành một cách thú vị tăng trải nghiệm hài lòng của khách du lịch (Tatwany and Ouertani 2017). Tóm lại, khách du lịch có thể tương tác với người dân địa phương bằng ngôn ngữ của họ và hiểu tất cả những thứ xung quanh, điều này mang lại trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến thăm một 898
- địa điểm xa lạ (Chavre and Ghotkar 2016). Ở góc độ các nhà tiếp thị, công nghệ này cải thiện trải nghiệm của khách du lịch và sự gắn kết của khách hàng (Bayern, 2018). 4. Những thách thức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành du lịch Bất kể lĩnh vực nào trí tuệ nhân tạo thay thế con người cũng sẽ làm nảy sinh cuộc tranh luận khó có hồi kết. Mặc dù thực tế trí tuệ nhân tạo đang mang lại lợi ích bằng cách thay thế nhân viên và các lợi ích phi tài chính khác như cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách hàng, nhưng nó vẫn không thể vượt qua trí thông minh của con người, vì đây vẫn là một lĩnh vực mới (Laurent et al. 2015). Sự gia tăng vượt bậc trong phát triển của trí tuệ nhân tạo đã mở ra một loạt cơ hội hứa hẹn cho nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực này cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đáng kể, khiến quá trình hòa quyện giữa công nghệ và trải nghiệm du lịch không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành du lịch là vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo thường cần phải thu thập và xử lý lượng lớn dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như thông tin về hành khách, lịch trình và thậm chí là hình ảnh khuôn mặt. Ví dụ một số quốc gia không đồng ý việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt do các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu (Bowyer 2004). Để Chatbots có thể tư vấn cho khách du lịch thì cần đầu vào là lịch sử lưu trú của du khách, lịch sử sử dụng các dịch vụ. Điều này cũng đặt ra thách thức về các vấn đề về quyền riêng tư. Mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể mang lại nhiều lợi ích, như tăng cường trải nghiệm khách du lịch và cải thiện quy trình vận hành, việc tích hợp công nghệ mới có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nhân viên không có kiến thức về công nghệ. Sự đào tạo và thay đổi văn hóa tổ chức để thích nghi với trí tuệ nhân tạo là điều cần thiết nhưng không dễ thực hiện. Ngoài ra, mặc dù công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến và có tính tương lai nhưng các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ thường không đủ khả năng chi trả cho những công nghệ này vì nó đòi hỏi một khoản đầu tư rất lớn. Một vấn đề lớn khác với các dịch vụ được kiểm soát bằng phần mềm này là các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại nếu xảy ra có thể làm gián đoạn các chương trình phần mềm và dẫn đến hỗn loạn. Thách thức tiếp theo là sự kỳ vọng của khách hàng. Trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện trải nghiệm du lịch bằng cách tạo ra các dịch vụ cá nhân hóa, đề xuất các lựa chọn hấp dẫn và dự đoán nhu cầu. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ có sự mong đợi cao hơn về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của mình. Nếu hệ thống trí tuệ nhân tạo không đáp ứng đủ kỳ vọng này, có thể dẫn đến sự thất vọng và giảm hài lòng của du khách. Hệ thống trí tuệ nhân tạo không thể hoàn hảo và có thể gặp lỗi hoặc phản ứng không chính xác. Sự lạm dụng và sai sót trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể gây mất lòng tin từ phía khách hàng. Ngoài ra, một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến sự đồng nhất trong trải nghiệm du lịch. Nếu mọi thứ đều dựa vào thuật toán, sẽ có nguy cơ mất đi tính độc đáo và sự thú vị của mỗi hành trình du lịch. Trí tuệ nhân tạo thường dựa vào dữ liệu để đưa ra dự đoán và quyết định. Điều này có thể dẫn đến việc hạn chế sự sáng tạo và khả năng tạo ra trải nghiệm độc đáo trong du lịch. Khả năng tương tác con người - máy cũng là một khía cạnh cần quan tâm. Mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện nhiều tác vụ phức tạp, nhưng khả năng hiểu và tương tác với ngôn ngữ và ngữ cảnh vẫn còn hạn chế. Trong lĩnh vực du lịch, sự tương tác tốt là yếu tố quan trọng 899
- để xây dựng một môi trường thoải mái và tạo sự kết nối với du khách. Mặc dù Chatbots & Robots có thể thay thế con người, nhưng chắc chắn khách hàng vẫn dựa vào lực lượng lao động con người khi gặp các truy vấn liên quan có độ phức tạp cao. Những cỗ máy như chatbot bị giới hạn trong việc trả lời những câu hỏi đơn giản. Những công nghệ này sử dụng từ khóa trong câu hỏi để cung cấp câu trả lời. Khi có vấn đề khẩn cấp và phức tạp cần giải quyết, khách hàng vẫn dựa vào lực lượng lao động con người (Lommatzsch, 2018). Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành du lịch có tác động đa dạng đến việc làm trong ngành. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế một số công việc truyền thống và lặp đi lặp lại như lập kế hoạch chuyến đi, đặt phòng khách sạn và xử lý giao dịch thanh toán. Điều này có thể dẫn đến việc giảm bớt nhu cầu về nhân công thực hiện các tác vụ này, ảnh hưởng đến việc làm của những người thường xuyên tham gia vào các hoạt động này. Mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể thay thế một số công việc, nhưng nó cũng tạo ra các cơ hội việc làm mới. Các doanh nghiệp du lịch có thể cần các chuyên gia trí tuệ nhân tạo để phát triển, triển khai và duy trì các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, việc quản lý và tối ưu hóa các giải pháp trí tuệ nhân tạo trong ngành cũng đòi hỏi sự tham gia của những người có kiến thức chuyên sâu về công nghệ này. Các công việc trong ngành du lịch có thể trở nên đa dạng hơn và phong phú, từ việc làm việc với dữ liệu và phân tích số liệu đến việc tương tác với khách hàng thông qua các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Các vị trí mới có thể xuất hiện như chuyên viên tư vấn du lịch dựa trên trí tuệ nhân tạo hoặc chuyên gia phân tích dữ liệu du lịch. Cuối cùng, thách thức về giá trị con người cũng nên được xem xét. Mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể thay thế một số công việc lặp lại và tốn thời gian, nhưng yếu tố nhân văn và tình cảm vẫn là điều mà con người mang lại. Sự giao tiếp tinh tế, sự hiểu biết về nhu cầu tinh thần của khách hàng, và khả năng giải quyết vấn đề độc đáo vẫn là những khả năng mà con người có thể mang đến trong ngành du lịch. Một số du khách có thể ưa thích sự tương tác với con người hơn là với máy móc. Mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện quy trình tự động hóa, nhưng việc không có sự tương tác cá nhân có thể làm giảm đi một phần sự ấm áp và trải nghiệm đích thực của du lịch. 5. Tương lai của trí tuệ nhân tạo trong du lịch & lữ hành Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi cách chúng ta du lịch và khám phá thế giới. Cùng với sự phát triển liên tục của công nghệ, có nhiều ứng dụng tương lai của trí tuệ nhân tạo trong ngành du lịch và lữ hành mà chúng ta có thể kỳ vọng. Một trong những tiềm năng lớn của trí tuệ nhân tạo trong du lịch là khả năng tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa cho mỗi du khách. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể theo dõi và phân tích thông tin về sở thích, lịch sử du lịch và tài chính của người dùng để đề xuất những lựa chọn du lịch tốt nhất cho họ. Điều này bao gồm việc đề xuất điểm đến, lên kế hoạch cho các hoạt động dự kiến, và thậm chí là việc đặt phòng khách sạn dựa trên ưa thích cá nhân. Nhờ vào trí tuệ nhân tạo, mỗi cuộc du lịch có thể trở thành một trải nghiệm duy nhất. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo có thể giúp du khách quản lý tài chính hiệu quả hơn. Các ứng dụng và dịch vụ trí tuệ nhân tạo có thể theo dõi và phân tích các giao dịch tài chính trong thời gian thực, cung cấp thông báo và gợi ý về cách tiết kiệm tiền trong khi du lịch. Điều này giúp du khách tránh được những trải nghiệm khó khăn về tài chính. Một ứng dụng nữa trong tương lai có thể phát triển đó là dự đoán thời tiết và điều kiện địa phương. Việc này giúp họ lên kế hoạch và chuẩn bị tốt hơn cho chuyến đi của mình. Họ có thể biết trước về thời tiết, điều kiện giao thông và sự kiện địa phương để có một chuyến du lịch suôn sẻ hơn. Về bảo mật và an ninh du lịch, trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để cải thiện an ninh du lịch. Các hệ 900
- thống trí tuệ nhân tạo có khả năng theo dõi và phát hiện các hoạt động đáng ngờ hoặc không bình thường tại các khu vực du lịch. Nó có thể được sử dụng để giám sát an ninh tại sân bay, khách sạn và các điểm tham quan để đảm bảo sự an toàn cho du khách. Trong trường hợp khẩn cấp như thất lạc, tai nạn hoặc thời tiết xấu, trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để cung cấp hướng dẫn cấp đội cho du khách và liên lạc với các dịch vụ cứu hộ một cách nhanh chóng và chính xác. Có thể nói tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong ngành du lịch và lữ hành vẫn còn rất lớn. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, trải nghiệm du lịch sẽ trở nên cá nhân hóa hơn, thông minh hơn và an toàn hơn. 7. Kết luận Ngày nay, sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực du lịch ngày càng tăng. Do việc ứng dụng công nghệ tiên tiến ngày càng mở rộng, dự kiến ngành du lịch sẽ đạt đến những thành tựu cao trong tương lai. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến và mới lạ như trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những thay đổi đáng kể ở cấp độ công nghiệp. Các yếu tố công nghệ có thể định hình bối cảnh ngành và các quy trình trong các doanh nghiệp du lịch. Trong thời đại được thúc đẩy bởi công nghệ, sự gia tăng dấu ấn của trí tuệ nhân tạo trong ngành du lịch là một dấu hiệu tốt. Khách du lịch sẽ được hưởng lợi với mức độ hài lòng tăng, đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch sẽ có thể kiểm soát tốt hơn các quy trình. Các quy trình kinh doanh khi đó sẽ được tự động hóa ở mức độ lớn và sắp xếp một cách hợp lý nhất. Mặc dù việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích ở cấp độ ngành, cấp độ tổ chức cũng như cấp độ khách hàng, nhưng nó cũng có thể làm nảy sinh nhiều thách thức và sự phức tạp. Ví dụ, việc giới thiệu các loại trí tuệ nhân tạo khác nhau trong bối cảnh kinh doanh của ngành du lịch sẽ không phải là một công việc dễ dàng. Các doanh nghiệp kinh doanh sẽ cần có đủ nguồn tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật an toàn và mạnh mẽ. Việc gia tăng sử dụng robot, chatbot và các công nghệ trí tuệ nhân tạo khác có nghĩa là sự tương tác thực tế của con người với con người sẽ bị hạn chế trong ngành du lịch. Điều này có thể có tác động tiêu cực đến trải nghiệm đi lại và du lịch. Cách tiếp cận dựa trên công nghệ có thể làm phát sinh các vấn đề kỹ thuật mới, phức tạp và đầy thách thức chưa được biết đến. Các nhà tiếp thị hoạt động trong ngành du lịch sẽ phải tích hợp công nghệ một cách liền mạch để công nghệ này dễ sử dụng, đồng thời mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Quá trình như vậy có thể khá dài vì công nghệ trí tuệ nhân tạo vẫn còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Tuy vậy, chúng ta đang chứng kiến sự biến đổi đáng kể trong cách chúng ta khám phá thế giới, và chắc chắn rằng trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển này. TÀI LIỆU THAM KHẢO Anup, S, Abhinav Goel, and Suresh Padmanabhan. 2017. Visual positioning system for automated indoor/outdoor navigation. Paper read at TENCON 2017-2017 IEEE region 10 conference. Azis, Nur Aziza, Rose Maulidiyatul Hikmah, Teresa Vania Tjahja, and Anto Satriyo Nugroho. 2011. Evaluation of text-to-speech synthesizer for Indonesian language using semantically unpredictable sentences test: IndoTTS, eSpeak, and google translate TTS. Paper read at 2011 International Conference on Advanced Computer Science and Information Systems. Boiano, Stefania, Ann Borda, and Guiliano Gaia. 2019. Participatory innovation and prototyping in the cultural sector: a case study. Paper read at Proceedings of EVA London 2019. Bowyer, Kevin W. 2004. "Face recognition technology: security versus privacy." IEEE Technology and society magazine no. 23 (1):9-19. Chang, Hsin-Li, and Cheng-Hua Yang. 2008. "Do airline self-service check-in kiosks meet the needs of passengers?" Tourism Management no. 29 (5):980-993. 901
- Chavre, Pooja, and Archana Ghotkar. 2016. Scene text extraction using stroke width transform for tourist translator on android platform. Paper read at 2016 International Conference on Automatic Control and Dynamic Optimization Techniques (ICACDOT). Gajdošík, Tomáš, and Matúš Marciš. 2019. Artificial intelligence tools for smart tourism development. Paper read at Artificial Intelligence Methods in Intelligent Algorithms: Proceedings of 8th Computer Science On- line Conference 2019, Vol. 28. Guttentag, Daniel A. 2010. "Virtual reality: Applications and implications for tourism." Tourism management no. 31 (5):637-651. Jung, Timothy, M Claudia tom Dieck, Hyunae Lee, and Namho Chung. 2016. Effects of virtual reality and augmented reality on visitor experiences in museum. Paper read at Information and Communication Technologies in Tourism 2016: Proceedings of the International Conference in Bilbao, Spain, February 2-5, 2016. Kim, Jungsun, and Andrew Hardin. 2010. "The impact of virtual worlds on word-of-mouth: Improving social networking and servicescape in the hospitality industry." Journal of Hospitality Marketing & Management no. 19 (7):735-753. Kumar, V Manoj, A Keerthana, M Madhumitha, S Valliammai, and V Vinithasri. 2016. "Sanative chatbot for health seekers." International Journal Of Engineering And Computer Science no. 5 (03):16022-16025. Laurent, Patrick, Thibault Chollet, and Elsa Herzberg. 2015. "Intelligent automation entering the business world." Cập nhật ngày 05/09/2023. https://www2. deloitte. com/content/dam/Deloitte/lu/Documents/operations/lu-intelligent-automationbusiness-world. pdf. Nagaraj, Samala. 2020. "Marketing analytics for customer engagement: a viewpoint." International Journal of Information Systems and Social Change (IJISSC) no. 11(2):41-55. Nagaraj, Samala, and Sapna Singh. 2018. "Investigating the role of customer brand engagement and relationship quality on brand loyalty: an empirical analysis." International Journal of E-Business Research (IJEBR) no.14 (3):34-53. Oh, Kyo-Joong, Dongkun Lee, Byungsoo Ko, and Ho-Jin Choi. 2017. A chatbot for psychiatric counseling in mental healthcare service based on emotional dialogue analysis and sentence generation. Paper read at 2017 18th IEEE international conference on mobile data management (MDM). Ruotsalainen, Laura, Heidi Kuusniemi, and Ruizhi Chen. 2011. "Visual-aided two-dimensional pedestrian indoor navigation with a smartphone." Journal of Global Positioning Systems no. 10(1):11-18. Russell, Stuart J. 2010. Artificial intelligence a modern approach: Pearson Education, Inc. Samala, Nagaraj, Bharath Shashanka Katkam, Raja Shekhar Bellamkonda, and Raul Villamarin Rodriguez. 2020. "Impact of AI and robotics in the tourism sector: a critical insight." Journal of tourism futures no.8 (1):73- 87. Tatwany, Lamma, and Henda Chorfi Ouertani. 2017. A review on using augmented reality in text translation. Paper read at 2017 6th International Conference on Information and Communication Technology and Accessibility (ICTA). Xiao, Aoran, Ruizhi Chen, Deren Li, Yujin Chen, and Dewen Wu. 2018. "An indoor positioning system based on static objects in large indoor scenes by using smartphone cameras." Sensors no. 18(7):2229. Yung, Ryan, and Catheryn Khoo-Lattimore. 2019. "New realities: a systematic literature review on virtual reality and augmented reality in tourism research." Current issues in tourism no.22 (17):2056-2081. THÔNG TIN TÁC GIẢ Họ và tên: Phan Tấn Lực Học hàm, học vị: Tiến sĩ Cơ quan công tác: Đại học Thủ Dầu Một Chức vụ: Bí thư chi Đoàn Giảng viên và Bí thư Đoàn Khoa Kinh tế Điện thoại: 0984252522 Email: lucpt@tdmu.edu.vn Địa chỉ: Phan Tấn Lực, Khoa Kinh tế, trường Đại học Thủ Dầu Một, 06 Trần Văn Ơn, Phú Hoà, Thủ Dầu Một, Bình Dương 902

Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:

Báo xấu

LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn
