intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế và thách thức trong việc đào tạo kiểm toán nội bộ ở các trường đại học hiện nay

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vai trò của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế và thách thức trong việc đào tạo kiểm toán nội bộ ở các trường đại học hiện nay" đi vào phân tích vai trò của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế. Cụ thể là, thông qua việc xem xét các công trình nghiên cứu đã thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của kiểm toán nội bộ đến việc cải thiện tính hữu hiệu và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, của quy trình quản trị và quản lý rủi ro tại các doanh nghiệp. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế và thách thức trong việc đào tạo kiểm toán nội bộ ở các trường đại học hiện nay

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NỘI BỘ TRONG NỀN KINH TẾ VÀ THÁCH THỨC TRONG VIỆC ĐÀO TẠO KIỂM TOÁN NỘI BỘ Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HIỆN NAY A REVIEW ON THE ROLES OF INTERNAL AUDIT FUNCTION IN ECONOMY AND CHALLENGES OF TRAINING INTERNAL AUDITS AT VIETNAMESE UNIVERSITIES ThS. Mai Đức Nghĩa Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Bài viết đi vào phân tích vai trò của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế. Cụ thể là, thông qua việc xem xét các công trình nghiên cứu đã thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của kiểm toán nội bộ đến việc cải thiện tính hữu hiệu và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, của quy trình quản trị và quản lý rủi ro tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, bài viết cũng trình bày các cột mốc chính trong lịch sử phát triển của kiểm toán nội bộ tại Hoa Kỳ, Việt Nam và một số nước khác ở khu vực Nam Á. Phần tiếp theo là các thách thức trong việc đào tạo kiểm toán nội bộ ở các trường đại học của Việt Nam về nội dung đào tạo và đội ngũ giảng dạy. Và phần cuối là một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kiểm toán nội bộ ở Việt Nam. Từ khóa: Lịch sử kiểm toán nội bộ, đào tạo kiểm toán nội bộ, vai trò của kiểm toán nội bộ ABSTRACT This study will critically analyze the roles of internal audit function in economy. Specifically, the impacts of internal audits on effectiveness and efficiency of internal controls, governance and risk management processes are empirically reviewed. In addition, the milestones of internal auditing development in United States of America, Vietnam and some other countries in South Asia region are also historically examined. The next is challenges of training internal audits which has been facing Vietnamese universities in terms of teaching contents and trainers. And finally, there are some suggested solutions to ease these challenges and improve the efficiency of training internal audits at Vietnamese universities. Keywords: History of internal audit, role of internal audit, training of internal audit 1. Giới thiệu Kiểm toán nội bộ là hoạt động đảm bảo và tư vấn mang tính khách quan và độc lập trong đơn vị nhằm gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả cho đơn vị (IIA, 2017). Tại Việt Nam, kiểm toán nội bộ cũng đã được thể chế hóa trong Luật kế toán (2015), Nghị định 05 (2019) của Chính phủ và Thông tư 13 (2018) của Ngân hàng nhà nước. Hành lang pháp lý về cơ bản đã rõ ràng và đầy đủ, tạo ra không gian rộng rãi cho kiểm toán nội bộ phát huy vai trò của mình trong nền kinh tế. 1245
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Tuy nhiên, công việc đào tạo kiểm toán nội bộ hiện nay tại các trường đại học ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về nội dung đào tạo lẫn đội ngũ giảng viên. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu các cột mốc chính trong lịch sử phát triển của kiểm toán nội bộ trên thế giới và Việt Nam, phân tích vai trò của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kiểm toán nội bộ ở các trường đại học. 2. Tổng quan lịch sử phát triển của kiểm toán nội bộ 2.1. Kiểm toán nội bộ trên thế giới Hoa Kỳ là nước có lịch sử lâu đời nhất về kiểm toán nội bộ trên thế giới với 80 năm hình thành và phát triển tính từ khi Hiệp hội kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA) được thành lập năm 1941. IIA đã chứng tỏ vị thế quốc tế của mình với các quy định, chuẩn mực và chứng chỉ nghề nghiệp được chấp nhận và áp dụng rộng rãi trên thế giới như: Các chuẩn mực quốc tế về thực hành kiểm toán nội bộ (International Standards for the Professional Practice of Internal Auditing), Điều lệ Đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ (Code of Ethics), và Chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ (Certified Internal Auditors). Luật Sarbanes – Oxley (SOX) năm 2002 ở Hoa Kỳ yêu cầu Ban giám đốc của doanh nghiệp phải phát hành Báo cáo đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ (Internal Control Report) cùng với báo cáo tài chính hàng năm. Cả hai loại báo cáo này đều phải được kiểm toán viên độc lập kiểm tra và cho ý kiến. Để đảm bảo tuân thủ Đoạn 404 của Luật SOX, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phải củng cố chất lượng và mở rộng quy mô phòng kiểm toán nội bộ của mình. Nhu cầu về kiểm toán nội bộ vì vậy đã tăng lên đáng kể. Từ năm 2013, các doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn chứng khoán New York bắt buộc phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của Đoạn 303A.07 trong quy chế niêm yết. Có thể thấy, kiểm toán nội bộ từ chỗ là nhu cầu tự thân của chủ doanh nghiệp đã trở thành yêu cầu từ phía bên ngoài (bao gồm luật và các quy định niêm yết). Điều này cũng nói lên vai trò quan trọng của kiểm toán nội bộ trong con mắt của cơ quan quản lý và công chúng. Ngoài Hoa Kỳ, thì ở các quốc gia khác chính phủ hoặc cơ quan quản lý chứng khoán cũng yêu cầu doanh nghiệp niêm yết hoặc doanh nghiệp lớn phải thực hiện kiểm toán nội bộ thường niên như Malaysia năm 2008, Singapore năm 2012, Ấn độ năm 2014. Tại các tập đoàn nổi tiếng thế giới như Toyota (Nhật Bản), Mercedes (Đức), Manulife (Canada), Pepsi Co (Mỹ) công tác kiểm toán nội bộ đã được tiến hành đều đặn từ trước đến nay trước cả khi có các yêu cầu từ phía chính quyền. 2.2. Kiểm toán nội bộ tại Việt Nam Kiểm toán nội bộ tại Việt Nam chính thức có hiệu lực pháp lý vào năm 1998 theo Quyết định 832 của Bộ tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Từ đó đến nay, đã có nhiều văn bản khác sửa đổi, bổ sung và thay thế. Có thể tóm tắt khuôn khổ pháp lý về kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp Việt Nam qua bảng sau: 1246
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Nguồn: tác giả tổng hợp Theo Nghị định 05/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ thì các đối tượng sau bắt buộc phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ: • Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ • UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW • Công ty niêm yết • Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con • Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: có tổng quỹ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương trong một năm từ 20 tỷ đồng trở lên hoặc sử dụng từ 200 người lao động trở lên. Tại một số doanh nghiệp như Vinamilk, REE, THACO đã có bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 05. Trong khi đó, ở các tổ chức tín dụng, kiểm toán nội bộ cũng phát triển gần như song hành với các doanh nghiệp. Các văn bản pháp lý về kiểm toán nội bộ tại các tổ chức tín dụng được trình bày tóm tắt trong bảng sau: Nguồn: tác giả tổng hợp 1247
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Có thể thấy hiện nay tại mọi ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều có bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động (bất kể đơn vị đó có niêm yết hay không). Tháng 4 năm 2021 Hiệp hội kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA) đã ký bản ghi nhớ về việc đào tạo nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán nội bộ với Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán thuộc Bộ tài chính. Tóm lại, kiểm toán nội bộ trên thế giới đã có 80 năm lịch sử (tính từ năm 1941), còn tại Việt Nam là từ năm 1998. Hành lang pháp lý về cơ bản đã rõ ràng và đầy đủ cho kiểm toán nội bộ phát huy vai trò của mình trong nền kinh tế. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của kiểm toán nội bộ trong tương lai. 3. Vai trò của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế Luật kế toán (2015) quy định: “Kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ”. Như vậy đối tượng chính của kiểm toán nội bộ chính là hệ thống kiểm soát nội bộ trong đơn vị. Nghị định 05 (2019) của Chính phủ xác định cụ thể hơn vai trò của kiểm toán nội bộ. Theo đó, kiểm toán nội bộ cần đưa ra các đảm bảo và các khuyến nghị về ba nội dung sau đây: • Một là, hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được thiết lập và vận hành phù hợp nhằm ngăn ngừa và phát hiện các sai sót, gian lận. • Hai là, các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị được thực hiện một cách hữu hiệu. • Ba là, đơn vị đạt được các mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ đề ra. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới xem xét vai trò của kiểm toán nội bộ liên quan đến ba nội dung nói trên. Cụ thể như sau: 4. Vai trò của kiểm toán nội bộ đối với hệ thống kiểm soát nội bộ trong đơn vị Theo Báo cáo của Hiệp hội các nhà điều tra gian lận Mỹ (ACFE) thì kiểm toán nội bộ phát hiện ra 18,6% số vụ gian lận trong các doanh nghiệp Mỹ năm 2002 và con số này lên tới 23,8% trong năm 2004. 23.8% Internal Audit 18.6% 23.6% Tip From Employee 26.3% 21.3% By Accident 18.8% 18.4% Internal Controls 15.4% 10.9% External Audit 11.5% 7.8% Tip from Customer 8.6% 6.2% Tip from Vendor 5.1% 5.1% Anonymous Tip 6.2% 0.9% Notified by Police 1.7% 0% 5% 10% 15% 20% 25% 30% Nguồn: ACFE Report 2004 1248
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Mr Herdman (2002) – kế toán trưởng của Ủy ban chứng khoán Hoa kỳ (SEC) trong bài phát biểu tại Học viện luật công ty ở Tulane đã nhấn mạnh rằng: kiểm toán nội bộ của công ty thực hiện kiểm tra và củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ và điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn gian lận và lập báo cáo tài chính của công ty. Coram và cộng sự (2008) khi xem xét về gian lận tại 491 tổ chức ở Úc và New Zealand đã chỉ ra rằng: các tổ chức có thực hiện kiểm toán nội bộ thì có nhiều khả năng phát hiện ra gian lận và báo cáo về gian lận hơn những tổ chức không có kiểm toán nội bộ. Ngoài ra, những tổ chức dựa hoàn toàn vào việc thuê ngoài kiểm toán nội bộ thì ít có khả năng phát hiện ra gian lận và báo cáo hơn là những tổ chức đảm nhiệm ít nhất một phần công việc kiểm toán nội bộ tại đơn vị. Các phát hiện này cho thấy kiểm toán nội bộ mang lại giá trị gia tăng cho đơn vị thông qua việc cải thiện môi trường kiểm soát và hoạt động giám sát trong đơn vị. Nghiên cứu của Lin và cộng sự (2011) cho thấy có mối liên hệ ngược chiều giữa việc khai báo về các khiếm khuyết trọng yếu trong hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp với trình độ của kiểm toán viên nội bộ và mức độ giám sát việc khắc phục các điểm yếu trong hệ thống kiểm soát nội bộ đã phát hiện trước đó. 5. Vai trò của kiểm toán nội bộ đối với quy trình quản trị và quản lý rủi ro trong đơn vị Nghiên cứu của Pappe cùng cộng sự (2003) và báo cáo của Ernst &Young (2007) thể hiện chức năng kiểm toán nội bộ ngày càng được yêu cầu tập trung nhiều hơn vào các rủi ro kinh doanh và rủi ro hoạt động của đơn vị. Ban điều hành kỳ vọng kiểm toán nội bộ giúp cải thiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Hutchinson và Zain (2009) qua xem xét 60 công ty tại Malaysia cho thấy có sự liên hệ giữa chất lượng kiểm toán nội bộ và kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng cao thì mối liên hệ này càng mạnh. Nghiên cứu của Kontogeorgis (2018) khẳng định kiểm toán nội bộ là một công cụ quan trọng để cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp (corporate governance) lẫn quản lý (management). Quản trị và quản lý doanh nghiệp kết hợp lại có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Jiang và cộng sự (2019) kết luận rằng có mối tương quan mạnh mẽ giữa các cuộc kiểm toán hoạt động do kiểm toán nội bộ tiến hành và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. 6. Vai trò của kiểm toán nội bộ đối với các mục tiêu, kế hoạch của đơn vị Kiểm toán nội bộ thực hiện việc đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu hoạt động, mục tiêu chiến lược và các kế hoạch, nhiệm vụ của doanh nghiệp. Sự khách quan của kiểm toán nội bộ được cho là sẽ đem lại kết quả đáng tin cậy hơn các bộ phận khác. Ngoài ra, kiểm toán nội bộ cũng đánh giá việc xác lập các mục tiêu (chiến lược) của ban điều hành doanh nghiệp đã hợp lý hay chưa. Mô hình 3 tuyến của IIA chỉ rõ kiểm toán nội bộ là phòng tuyến thứ ba trong đơn vị với vai trò đảm bảo và tư vấn về các vấn đề liên quan đến việc đạt được mục tiêu của đơn vị. 1249
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Nguồn: IIA Tóm lại, nếu ví vai trò của ba đối tượng (kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ) như ba chân kiềng thì hai chân (kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập) không còn nhiều dư địa để điều chỉnh, nói cách khác là đã phát triển tới ngưỡng. Chẳng hạn, vai trò của kiểm toán nhà nước đã được “đóng khung” trong Luật kiểm toán nhà nước và các kiểm toán viên nhà nước cũng không thể đi ra ngoài lĩnh vực công của nền kinh tế. Trong khi đó, Luật kiểm toán độc lập đã định hướng vai trò của kiểm toán độc lập là tập trung vào kiểm toán báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Người ta không thể kỳ vọng nhiều hơn vào việc kiểm toán độc lập sẽ củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực quản lý rủi ro hay tư vấn các giải pháp cải thiện hiệu quả hoạt động. Trách nhiệm này rõ ràng chỉ có thể đặt lên vai của kiểm toán nội bộ - là chân kiềng thứ ba vốn còn nhiều không gian và tiềm năng để phát triển. 7. Các thách thức trong đào tạo kiểm toán nội bộ tại các trường đại học Việt Nam So với việc đào tạo kiểm toán độc lập thì kiểm toán nội bộ có lịch sử non trẻ hơn rất nhiều. Theo tìm hiểu của người viết thì hiện nay chưa có cơ sở đại học nào ở Việt Nam đào tạo ngành hay chuyên ngành kiểm toán nội bộ, trong khi đó việc đào tạo ngành/chuyên ngành kiểm toán báo cáo tài chính (kiểm toán độc lập) thì phổ biến ở hầu hết các trường đại học có khoa/viện kế toán - kiểm toán. Thực tế trên cũng phản ánh những khó khăn, thách thức mà các trường gặp phải trong đào tạo kiểm toán nội bộ. 8. Nội dung đào tạo kiểm toán nội bộ Thách thức thứ nhất đó chính là hạn chế trong nội dung đào tạo kiểm toán nội bộ. Việc đào tạo kiểm toán nội bộ hiện nay mới chỉ dừng lại ở phạm vi một môn học duy nhất chẳng hạn như môn Kiểm toán nội bộ tại trường Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), Đại học kinh tế quốc dân (NEU), Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học kinh tế (thuộc đại học quốc gia Hà nội), Đại học Duy Tân hoặc kiểm toán nội bộ được giảng chung với kiểm soát nội bộ như tại trường đại học kinh tế - luật (UEL). Rõ ràng, việc chỉ có một môn học duy nhất hoặc được giảng dạy chung với môn học khác khiến cho nội dung đào tạo kiểm toán nội bộ trong các trường bị hạn chế đáng kể. Phần lớn các trường mới chỉ tập trung trình bày những khái niệm căn bản về kiểm toán nội bộ mà chưa thể đi sâu về mặt nghiệp vụ, kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin hay các lĩnh vực đặc thù 1250
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 như ngân hàng, bệnh viện. 9. Lực lượng giảng dạy Hầu hết các giảng viên đang đứng lớp không xuất thân từ kiểm toán nội bộ nên không có kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực này. Kinh nghiệm về kiểm toán độc lập (nếu có) của các thầy, cô cũng chỉ có thể áp dụng trong một giới hạn nhất định cho kiểm toán nội bộ bởi sự khác biệt giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập về mục đích, phạm vi và trách nhiệm của kiểm toán viên. Chẳng hạn, kiểm toán viên độc lập chỉ cần đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính là hoàn tất trách nhiệm của mình trong khi đó kiểm toán viên nội bộ còn phải tư vấn các giải pháp cho đơn vị và theo dõi sau kiểm toán. Nghiên cứu của Pappe cùng cộng sự (2003) và báo cáo của Ernst &Young (2007) cho thấy kiểm toán nội bộ ngày càng được yêu cầu tập trung nhiều hơn vào các rủi ro kinh doanh và rủi ro hoạt động của doanh nghiệp. Ban điều hành kỳ vọng kiểm toán nội bộ sẽ giúp cải thiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Kinh nghiệm về ngành nghề (industry experience) đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của công tác kiểm toán nội bộ trên thực tế. Trong khi mục tiêu và phương pháp kiểm toán báo cáo tài chính tương đối đồng nhất giữa các doanh nghiệp thì kiểm toán nội bộ lại hết sức đặc thù. Chẳng hạn trọng tâm và cách thực hiện công việc kiểm toán nội bộ tại một doanh nghiệp lắp ráp ô tô sẽ khác đáng kể với công việc kiểm toán nội bộ ở một doanh nghiệp bán lẻ hay một công ty bảo hiểm. Ngoài ra, sự khác biệt về kiểm toán nội bộ còn rõ nét hơn giữa một đơn vị thuộc lĩnh vực công (như ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, các Bộ) và lĩnh vực tư (các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận). Tóm lại, hai thách thức lớn nhất đối với việc đào tạo kiểm toán nội bộ trong các trường đại học hiện nay (dưới 10 trường) đó chính là nội dung đào tạo và đội ngũ giảng viên. Ở hàng trăm trường còn lại, thì môn kiểm toán nội bộ còn chưa được đưa vào giảng dạy. Rõ ràng so với nhu cầu của xã hội về lực lượng kiểm toán viên nội bộ cần bổ sung cho 63 ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cho 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc chính phủ, hơn 700 doanh nghiệp niêm yết và hàng trăm đơn vị sự nghiệp công lập thì tình hình đào tạo kiểm toán nội bộ ở các trường đại học vẫn còn khoảng cách rất lớn. 10. Một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kiểm toán nội bộ tại Việt Nam 10.1. Về nội dung đào tạo kiểm toán nội bộ Như đã phân tích ở trên, nội dung đào tạo kiểm toán nội bộ trong các trường đại học hiện nay còn nhiều hạn chế. Trên phạm vi toàn thế giới, không có tổ chức nào có tầm ảnh hưởng lớn hơn IIA trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ. Bởi vậy, tham khảo hay kế thừa nội dung đào tạo kiểm toán nội bộ của IIA là cách làm phù hợp, nhằm đảm bảo những nội dung đào tạo phản ánh đúng trọng tâm của nghề nghiệp và phù hợp với xu thế quốc tế hóa của nền kinh tế tri thức. Sử dụng tài liệu kiểm toán nội bộ (như sách, công trình nghiên cứu, hướng dẫn…) được biên soạn và xuất bản bởi IIA là một sự lựa chọn hợp lý. Theo đó, việc đào tạo kiểm toán nội bộ không chỉ bao gồm các nội dung về kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, kiểm toán mà còn về công nghệ thông tin và các ngành nghề cụ thể. Do vậy, cần phải bổ sung thêm một số môn học trong nội dung đào tạo kiểm toán nội bộ ở các trường đại học. 10.2. Về lực lượng giảng dạy Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay cho công tác đào tạo kiểm toán nội bộ ở các trường đại học là người đứng lớp thiếu kinh nghiệm thực tiễn về KTNB. Trong khi Hiệp hội kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA) chưa có chủ trương phối hợp với các trường trong lĩnh vực này thì 1251
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 cách làm phù hợp đó là mời chuyên gia bên ngoài tham gia vào công tác đào tạo. Đội ngũ chuyên gia này có thể từ các doanh nghiệp niêm yết như Vinamilk, REE, hay các ngân hàng thương mại. Nhân sự tại phòng kiểm toán nội bộ của các đơn vị trên có từ 5 cho đến 50 người. Thí dụ, năm 2019 Vietcombank đã thực hiện 22 cuộc kiểm toán nội bộ trong toàn hệ thống, còn Vpbank thực hiện 45 cuộc kiểm toán nội bộ trong năm 2020. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Toyota, Dai-ichi, Manulife, Pepsi Co…đều đã thực hiện kiểm toán nội bộ đều đặn từ trước đến nay. Ngoài ra, các công ty cung cấp giải pháp ERP, hệ thống thông tin (kế toán, bán hàng, sản xuất..) cho những doanh nghiệp trong nền kinh tế có đông đảo các chuyên gia về công nghệ. Vì vậy, các trường cần có cơ chế trao đổi, phối hợp để mời gọi họ tham gia vào quá trình đào tạo kiểm toán nội bộ ở những nội dung thích hợp. 11. Về “kiểm tra gia lận trong kế toán” (Forensic Accounting) Phòng kiểm toán nội bộ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và phát hiện gian lận ở chính các doanh nghiệp. Theo các Báo cáo của Hiệp hội các nhà điều tra gian lận Mỹ (ACFE) thì kiểm toán nội bộ phát hiện ra 15% các trường hợp gian lận trong đơn vị, con số này gấp gần 4 lần so với kiểm toán độc lập (4%). Nguồn: ACFE Reports 1252
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Do vậy để nâng cao năng lực phát hiện gian lận trong các hoạt động kinh doanh (mua hàng, bán hàng, sản xuất) cũng như trong hệ thống kế toán và trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, thì rất cần trang bị cho các kiểm toán viên nội bộ tương lai kiến thức về “kiểm tra gia lận trong kế toán” (Forensic Accounting). Hiện nay Khoa Kế toán của trường Đại học kinh tế TP.HCM (UEH) đã đưa vào giảng dạy môn học này. 12. Các đề xuất khác Những đề xuất này tuy không thuộc phạm vi của nhà trường nhưng có liên hệ mật thiết tới công tác kiểm toán nội bộ trên thực tế. Cụ thể như sau: 12.1. Cập nhật kiến thức về kiểm toán nội bộ cho các kiểm toán viên độc lập Nghị định 05/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ yêu cầu thực hiện công tác kiểm toán nội bộ không những cho các doanh nghiệp niêm yết mà còn cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Xét riêng nhóm đối tượng là các doanh nghiệp niêm yết thì khi kiểm toán viên độc lập đi kiểm toán BCTC sẽ “chạm mặt” các kiểm toán viên nội bộ tại đơn vị. Do vậy, hiểu biết về kiểm toán nội bộ để phối hợp và sử dụng công việc của kiểm toán viên nội bộ càng trở nên cần thiết đối với kiểm toán viên độc lập. Trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán của Việt Nam và quốc tế đã có quy định về vấn đề này tại chuẩn mực VSA/ISA 610 – Sử dụng công việc của kiểm toán viên nội bộ. Có thể thấy, kiểm toán nội bộ đóng vai trò hỗ trợ cho quá trình kiểm toán BCTC của kiểm toán viên độc lập nếu hai bên biết phối hợp và tận dụng thế mạnh của nhau. Việc cập nhật kiến thức về kiểm toán nội bộ cho các kiểm toán viên độc lập có thể thực hiện qua chương trình cập nhật kiến thức hàng năm. 12.2. Báo cáo đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ Hiện nay quy chế quản trị công ty đại chúng tại Việt Nam chưa yêu cầu Ban giám đốc doanh nghiệp phải lập Báo cáo đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ như Điều 404 của Luật SOX. Tuy nhiên, người viết đề xuất Ủy ban chứng khoán nhà nước nên ban hành quy định các công ty niêm yết phải lập Báo cáo đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ hàng năm. Trong bối cảnh Nghị định 05/2019 đã có hiệu lực, thì đề xuất này hoàn toàn khả thi bởi nó chỉ là công đoạn “công khai hóa một phần nội dung của báo cáo kiểm toán nội bộ” ra bên ngoài. Bởi trên thực tế, người đi đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp chính là các kiểm toán viên nội bộ. Việc công khai này sẽ giúp công chúng biết được chất lượng kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp và tiến gần hơn tới các thông lệ quốc tế. Nếu đề xuất trên trở thành hiện thực thì dự báo sẽ có một sự gia tăng đáng kể về nhu cầu kiểm toán viên nội bộ ở các doanh nghiệp niêm yết. 13. Kết luận Kiểm toán nội bộ tuy ra đời sau kiểm toán độc lập nhưng lại có tiềm năng phát triển mạnh hơn bởi sự đa dạng về mục tiêu, đối tượng và phạm vi kiểm toán. Vai trò của kiểm toán nội bộ ngày càng được tăng cường thông qua các yêu cầu về kiểm toán nội bộ của chính phủ và các cơ quan quản lý niêm yết. Một số trường đại học ở Việt Nam đã bước đầu tham gia đào tạo kiểm toán nội bộ nhưng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về nội dung đào tạo và đội ngũ giảng dạy. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của xã hội về các kiểm toán viên nội bộ có kiến thức và kỹ năng phù hợp đòi hỏi việc đào tạo kiểm toán nội bộ trong các nhà trường phải thay đổi và cập nhật 1253
  10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 theo hướng hội nhập quốc tế. Bài viết đã nêu ra các đề xuất cụ thể, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt [1] Luật số 88/2015/QH13 về Kế toán [2] Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về Kiểm toán nội bộ [3] Thông tư số 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài [4] Báo cáo thường niên 2020 của Vietcombank, VPBank Tiếng Anh [5] ACFE, Report to the Nations (2004, 2020), https://www.acfe.com/report-to-the- nations/2020/ [6] Coram P., Ferguson C., Mononey R., (2008). Internal audit, alternative internal audit structures and the level of misappropriation of assets fraud. Accounting & Finance, 48: 543-559 [7] Ernst & Young (2007), “Global internal audit survey”, available at: http://www.tlan.net.cn/wp- content/uploads/2012/11/Audit_Research_EY_BRS_GlobalInternalAudit07.pdf [8] Herdman, R. (2002), Making audit committees more effective. Speech at Tulane Corporate Law Institute, https://www.sec.gov/news/speech/spch543.htm [9] Hutchinson, Marion & Zain, Mazlina. (2009). Internal audit quality, audit committee independence, growth opportunities and firm performance. Corporate Ownership and Control. 7. 10.22495/cocv7i2p4. [10] Institute of Internal Auditors (IIA), (2017) Available at: https://global.theiia.org/about/about-internal-auditing/pages/about-internal-auditing.aspx Institute of Internal Auditors (IIA), (2021) Available at https://na.theiia.org/news/Pages/IIA- Signs-MOU-with-Vietnams-Ministry-of-Finance.aspx [11] Jiang, Like & Jr, William & Wood, David. (2019). The Association between Internal Audit Operations-Related Services and Firm Operating Performance. AUDITING: A Journal of Practice & Theory. 39: 101-124. [12] Kontogeorgis, Georgios. (2018). The Role of Internal Audit Function on Corporate Governance and Management. International Journal of Accounting and Financial Reporting. 8. 100. 10.5296/ijafr.v8i4.13626. [13] Lin, Shu & Pizzini, Mina & Vargus, Mark & Bardhan, Indranil. (2011). The Role of the Internal Audit Function in the Disclosure of Material Weaknesses. The Accounting Review. 86: 287-323 [14] NewYork Stock Exchange’s Listed Company Manual, Section 303A.07(c) (2013) [15] Pappe, L., Scheffe, J. and Snoep, P. (2003), “The Relationship Between the Internal AuditFunction and Corporate Governance in the EU - A Survey”, International Journal of Auditing, Vol. 7 No. 3, pp. 247-262 [16] Sarbanes, P. and Oxley, M. (2002), Sarbanes-Oxley Act of 2002, U. S. Congress,Washington, DC 1254
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2