HNUE JOURNAL OF SCIENCE<br />
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 10, pp. 55-63<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0069<br />
<br />
VAI TRÒ CỦA NƯỚC PHÁP ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ<br />
CỦA VIỆT NAM (1981-1995)<br />
<br />
Hoàng Hải Hà<br />
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Bài viết phân tích vai trò của nước Pháp đối với quá trình Việt Nam thực hiện phá<br />
thế bị bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế. Nước Pháp đã duy trì mối quan hệ<br />
chính trị chặt chẽ, và những lợi ích kinh tế ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với các quốc gia<br />
châu Âu khác trong suốt thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Trong bối cảnh Việt<br />
Nam bị cô lập (1979-1990), mặc dù là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng nước<br />
Pháp đã đóng vai trò như “ cầu nối” giữa Việt Nam và thế giới tư bản phương Tây. Trước hết,<br />
Pháp đã hoạt động như người hoà giải tích cực trong các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề<br />
Campuchia. Giới lãnh đạo Pháp cũng chỉ trích lệnh cấm vận của Hoa Kỳ là lỗi thời, và mở<br />
nhiều kênh đối thoại với Hà Nội. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ và đầu tư tài chính, hợp<br />
tác văn hóa với Việt Nam được tăng cường. Những hoạt động này thể hiện nỗ lực của Pháp<br />
nhằm tạo dựng hình ảnh đối tác “thân thiện” và vai trò trong kinh tế, an ninh chính trị ở Việt<br />
Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.<br />
Từ khóa: Quan hệ Việt-Pháp, hội nhập quốc tế, cấm vận, vấn đề Campuchia.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Mối quan hệ Việt-Pháp đã trải qua nhiều thăng trầm do tác động của điều kiện lịch sử cũng<br />
như tính toán chiến lược của hai quốc gia. Không giống như Hoa Kỳ, mặc dù thất bại ở Điện Biên<br />
Phủ, nhưng từ sau năm 1954, nước Pháp luôn duy trì một chính sách đối ngoại thân thiện với Việt<br />
Nam. Ngay cả khi Việt Nam đang phải chịu sự bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ và nhiều nước Tây<br />
Âu sau vấn đề Campuchia thì Pháp vẫn không bỏ rơi Việt Nam. Ngược lại, nước Pháp vẫn duy trì<br />
mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam mặc cho Mỹ và các nước Tây Âu khác ra sức phản đối [1; p.<br />
210]. Bên cạnh các mối liên hệ lịch sử, giới lãnh đạo Pháp sớm nhìn thấy vai trò quan trọng của<br />
Việt Nam trong các tiến trình hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương và hợp tác Á – Âu, trước hết,<br />
nhờ vị trí địa lý nằm ở trung tâm của khu vực trải từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương. Hơn<br />
nữa, kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước toàn diện, những nhà lãnh đạo<br />
Pháp đã nhận thấy được tiềm năng dồi dào của thị trường Việt Nam. Vì vậy, trong thời kỳ cầm<br />
quyền của tổng thống Pháp Francois Mitterand (từ 5/1981 đến 5/1995), nước Pháp đã có nhiều<br />
hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước, từ đó cải thiện và củng cố vị thế của<br />
Pháp ở Việt Nam. Với vai trò của mình trong nhiều tổ chức và định chế quốc tế, nước Pháp đã hỗ<br />
trợ Việt Nam sớm hòa nhập vào các tổ chức kinh tế quốc tế, cải thiện và tăng cường quan hệ với<br />
các nước thành viên EU. Nước Pháp đóng vai trò điều phối quan trọng trong Hội nghị Paris bàn<br />
về vấn Campuchia (1989-1991), duy trì các hỗ trợ tài chính, quan hệ thương mại với Việt Nam,<br />
qua đó góp phần giúp Việt Nam phá vỡ sự bao vây, cô lập, cấm vận của Mỹ và các nước phương<br />
Ngày nhận bài: 1/5/2018. Ngày sửa bài: 1/8/2018. Ngày nhận đăng: 2/10/2018.<br />
Tác giả liên hệ: Hoàng Hải Hà. Địa chỉ e-mail: hahh@hnue.edu.vn<br />
<br />
55<br />
<br />
Hoàng Hải Hà<br />
<br />
Tây cũng như từng bước hội nhập quốc tế.<br />
Nghiên cứu tổng quan về quan hệ Việt –Pháp cũng như quan hệ trong từng lĩnh vực chính trị<br />
- ngoại giao, kinh tế với cách tiếp cận lịch sử đã được đề cập trong một số công trình [2, 3, 4, 5].<br />
Trên cơ sở những công trình có tính chất mô tả tổng quan này, bài viết đi sâu phân tích và lý giải<br />
các hoạt động của nước Pháp dưới thời cầm quyền của Tổng thống François Mitterrand (từ tháng<br />
5/1981 đến tháng 5/1995) đã góp phần giúp Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại mở cửa<br />
trong giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới. Qua nghiên cứu này, tác giả cho rằng nhu cầu tiếp tục<br />
“tìm lại ánh hào quang” cho nước Pháp ở Đông Nam Á thông qua “nước cờ” Việt Nam đã được<br />
người tiền nhiệm De Gaulle theo đuổi là nguyên nhân chủ yếu lý giải tại sao François Mitterrand<br />
quan tâm nhiều tới thúc đẩy quá trình hội nhập và tái thiết các mối quan hệ quốc tế khác của Việt<br />
Nam trong giai đoạn đầu của Đổi mới. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sử dụng khái niệm<br />
“hội nhập quốc tế” với hàm ý đề cập đến sự kết nối giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế (ngoài<br />
khối Xã hội chủ nghĩa).<br />
<br />
2.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
<br />
2.1. Việt Nam và chiến lược “trở lại châu Á” của nước Pháp dưới thời Tổng thống<br />
Francois Mitterrand<br />
Trong thập niên 80 của thế kỉ XX, tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi to lớn tác<br />
động tới quan hệ quốc tế. Khi cuộc Chiến tranh Lạnh gần đi tới hồi kết, triển vọng về một trật tự<br />
thế giới đa cực đã xuất hiện. Bối cảnh mới này tạo cơ hội cho nước Pháp tiếp tục sự nghiệp tìm lại<br />
ánh hào quang và vị thế trên bàn cờ chính trị thế giới như lời tuyên bố của Tổng thống Pháp De<br />
Gaulle: “Nước Pháp không thể là nước Pháp thiếu sự vĩ đại” [6; p.12]. Ngày 10-5-1981, Đảng Xã<br />
Hội Pháp thắng cử, François Mitterrand trở thành tổng thống đầu tiên của Đảng Xã hội dưới nền<br />
Cộng hòa thứ 5 của Pháp. Từ đây mở ra giai đoạn nước Pháp nỗ lực kiến tạo một thế giới đa cực<br />
bằng cách (1) ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn của châu Âu, cải thiện quan hệ Pháp-Đức, mở rộng<br />
và tăng cường vị thế của Liên minh châu Âu; (2) khẳng định vị trí hàng đầu của mình tại Liên<br />
minh châu Âu bên cạnh Đức; (3) tăng cường giúp đỡ các nước mới nổi và đang phát triển tại châu<br />
Á. Do vậy, nước Pháp sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc, Ấn Độ và sự phát triển của các tổ chức khu<br />
vực như ASEAN, Mercosur... như một cách để tăng cường sự hiện diện tại châu Á và Nam Mỹ [7;<br />
p. 53; xem thêm 8, 9]. Đặc biệt, Mitterrand nỗ lực duy trì mối quan hệ lịch sử của Pháp với các<br />
thuộc địa cũ.<br />
Bầu không khí hoà hoãn ở khu vực Đông Nam Á cũng tạo điều kiện lý tưởng để Pháp thực<br />
hiện những tính toán và lợi ích của mình là củng cố ảnh hưởng ở Đông Dương, từ đó mở rộng ảnh<br />
hưởng ra các nước vốn gắn liền với quyền lợi chiến lược của Pháp ở châu Á mà Pháp bằng mọi<br />
giá phải giữ được. Tuy nhiên, việc các quốc gia Đông Nam Á bình thường hoá quan hệ cũng đặt<br />
ra cho Pháp thách thức phải cạnh tranh ảnh hưởng với các cường quốc khác, đặc biệt là Anh.<br />
Trong mục tiêu “trở lại châu Á”, Việt Nam luôn là một đối tác quan trọng và đầy tiềm năng đối<br />
với Pháp. Giới lãnh đạo Pháp đánh giá Việt Nam là một quốc gia sẽ ngày càng có vị trí quan trọng<br />
trong khu vực. Đặc biệt, sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới, nhiều nhà kinh tế Pháp<br />
vào giữa thập niên 90 thế kỷ XX thậm chí còn phỏng đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành “con hổ<br />
thứ năm” ở khu vực Đông Nam Á [10; 221]. Pháp muốn tranh thủ Việt Nam để sau này thâm<br />
nhập vào các nước Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Do đó, mặc dù chưa hết mặc cảm<br />
do cuộc chiến tranh gây ra, nhưng để duy trì ảnh hưởng và bảo vệ quyền lợi của mình ở Việt Nam<br />
cũng như Đông Dương, Pháp đã lựa chọn cách ứng xử thân thiện với Việt Nam. Nước Pháp thể<br />
hiện tham vọng muốn tăng cường vị thế của mình và trở lại vùng đất “xưa cũ” một cách mạnh mẽ<br />
hơn thông qua thực hiện vai trò “mở cánh cửa” ra thế giới bên ngoài của Việt Nam. Cương lĩnh<br />
56<br />
<br />
Vai trò của nước Pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995)<br />
<br />
của Đảng xã hội Pháp đã nhấn mạnh, Pháp sẽ: “tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam về kinh<br />
tế, văn hóa, có thể cả chính trị bất kể hoàn cảnh khó khăn thế nào” [11; p. 22].<br />
Về khía cạnh kinh tế, Việt Nam được xem như một con đường kết nối quan trọng trong chiến<br />
lược “trở lại châu Á” của doanh nghiệp Pháp. Cần phải lưu ý rằng, so với nhiều quốc gia phát<br />
triển khác thì Pháp chưa thành công trong việc xâm nhập vào các thị trường ở châu Á Thái Bình<br />
Dương. Do đó, nhiều công ti Pháp đã xem Việt Nam là địa bàn tiềm năng của châu Á để xây dựng<br />
khu vực thương mại-đầu tư phát triển năng động mà ở đó hoạt động của họ còn tương đối yếu. Có<br />
nhiều điểm khiến giới doanh nghiệp Pháp tự tin về lợi thế của họ ở thị trường Việt Nam. Trước<br />
hết, họ nhận thấy các mối liên hệ lịch sử đã được chuyển hóa thành nhiều điểm tương đồng về văn<br />
hóa cũng như sự ưu tiên của người Việt đối với hàng hoá Pháp [10; 155]. Các công ti Pháp cho<br />
rằng những mối liên hệ trong quá khứ như thói quen tiêu dùng hàng hóa Pháp, và sự định hướng<br />
tích cực của giới tinh hoa bản địa vốn được đào tạo ở Pháp sẽ giúp họ giành lại vị trí quan trọng ở<br />
thị trường Việt Nam. Hơn nữa, cộng đồng Việt Kiều tại Pháp vẫn duy trì các mối liên hệ mật thiết<br />
với họ hàng trong nước cũng như thường xuyên trao đổi thông tin và hàng hoá Pháp. Do vậy, các<br />
sản phẩm hàng hóa của Pháp thường xuyên có mặt ở thị trường Việt Nam và giữ được uy tín tốt<br />
mặc cho di sản chiến tranh trong quá khứ và chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây.<br />
Từ Việt Nam, giới kinh doanh Pháp hy vọng mở rộng ảnh hưởng trước hết sang Campuchia, Lào<br />
rồi đến các quốc gia khác ở Đông Nam Á.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Các hoạt động hỗ trợ Việt Nam phá thế bao vây, cấm vận<br />
<br />
2.2.1. Giữ vai trò trung gian trong giải quyết vấn đề Campuchia<br />
Ngay trong chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Pháp De Guiringaud<br />
(1978), nước Pháp đã tiếp tục bộc lộ tham vọng muốn đóng vai trò trung gian tham gia giải quyết<br />
các vấn đề ở khu vực Đông Nam Á, ủng hộ một Đông Nam Á trung lập không có sự can thiệp của<br />
bất cứ cường quốc nào. Đối với vấn đề Campuchia, nước Pháp thể hiện quan điểm đối ngoại nhất<br />
quán, tương đối độc lập và khôn khéo. Theo đó, Pháp một mặt “lên án Việt Nam đưa quân vào<br />
Campuchia, không tán thành việc chiếm đóng lâu dài ở đây [12; tr.7]”, nhưng mặt khác chủ<br />
trương “tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam về kinh tế, văn hóa và có thể cả chính trị bất kể<br />
hoàn cảnh khó khăn như thế nào” [11; tr. 22]. Pháp không bị ảnh hưởng nhiều từ chính sách của<br />
Mỹ và các cường quốc khác như Trung Quốc, cũng không thực hiện chính sách “đối đầu” với<br />
Việt Nam như nhiều nước tư bản lúc đó. Ngược lại, Pháp đã tìm cho mình một lối đi riêng trong<br />
mối quan hệ với Việt Nam. Pháp kiên quyết phản đối việc Liên Hợp quốc chấp thuận sự quay lại<br />
của Polpot trong liên minh các lực lượng nắm quyền ở Campuchia, nhưng cũng khẳng định sẽ<br />
không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với chính phủ thân Việt Nam và việc Việt Nam rút<br />
quân khỏi Campuchia sẽ là một giải pháp cần thiết [3; tr. 64-67]. Pháp cho rằng chỉ có giải pháp<br />
chính trị mới giải quyết được vấn đề Campuchia và muốn có kết quả đó thì đòi hỏi “con đường<br />
đối thoại nhất thiết phải diễn ra giữa tất cả các bên có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở<br />
Campuchia” [12; tr.7]. Trong khi đó, phía Việt Nam ban đầu nêu quan điểm sẽ rút quân ngay khi<br />
Trung Quốc chấm dứt đe dọa và lãnh thổ Thái Lan không được sử dụng để làm căn cứ chống<br />
Campuchia. Giữa hai nước vẫn tồn tại những bất đồng về vấn đề Campuchia tuy nhiên luôn nỗ lực<br />
giải quyết thông qua đàm phán, đối thoại. Do vậy, khác với các quốc gia khác chỉ tiến hành lên án<br />
Việt Nam, Pháp dù“đóng băng” quan hệ chính trị và kinh tế để tạo sức ép đối với Việt Nam về<br />
vấn đề này, nhưng vẫn tích cực và chủ động xúc tiến hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực văn<br />
hoá, khoa học-kỹ thuật, y tế… Trong bối cảnh bị bao vây và cô lập, các hoạt động này không chỉ<br />
giúp Việt Nam giảm bớt tình trạng khó khăn, thiếu thốn, mà còn tạo cho chính phủ hai nước có<br />
thêm cơ hội giải quyết những bất đồng. Hơn nữa, lãnh đạo của hai nước cũng liên tục có những<br />
chuyến thăm viếng song phương để trao đổi về lập trường của hai bên và tìm ra phương hướng<br />
giải quyết cho vấn đề khu vực Đông Dương. Nhờ chính sách đối ngoại giao tích cực này mà trong<br />
57<br />
<br />
Hoàng Hải Hà<br />
<br />
những thời điểm khó khăn nhất, mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp chưa bao giờ bị gián đoạn<br />
[4; tr. 91].<br />
Song song với việc duy trì quan hệ hữu nghị với Việt Nam và cung cấp một số hỗ trợ tài<br />
chính, Pháp còn trực tiếp điều phối cũng như tham gia tìm kiếm giải pháp hoà bình cho cuộc xung<br />
đột vũ trang ở Campuchia trong suốt thời gian hội nghị Paris diễn ra. Hoạt động này của Pháp là<br />
sự tiếp nối các nỗ lực của Tổng thống Pháp De Gaulle từ những năm 60 của thế kỷ XX nhằm trở<br />
thành “người hoà giải” trong cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam. Năm 1989 là năm kỷ niệm<br />
200 năm Đại cách mạng Pháp, do vậy tổng thống Mitterrand muốn làm một cái gì đó về vấn đề<br />
Campuchia để ghi dấu ấn của nước Pháp trên vũ đài chính trị thế giới và lưu danh tên tuổi bản<br />
thân trong lịch sử Pháp. Thực tế, so với các nước lớn khác, trong vấn đề Campuchia nước Pháp ít<br />
dính líu trực tiếp, vì thế đề xuất của Sihanouk lựa chọn Pháp làm nơi triệu tập hội nghị quốc tế<br />
thảo luận về vấn đề Campuchia dễ được các bên có liên quan tiếp nhận. Với việc hội nghị được tổ<br />
chức tại Paris, nước Pháp đã thể hiện vai trò rất lớn trong quá trình đàm phán tìm kiếm giải pháp<br />
hoà bình cho Campuchia. Trên cương vị là đồng chủ tịch Hội nghị Paris với Indonesia, nước Pháp<br />
đã trực tiếp điều phối nhiều cuộc hội đàm chính thức và tổ chức các cuộc gặp mặt không chính<br />
thức góp phần thúc đẩy các bên đi tới được một thoả thuận giải quyết hoà bình cuộc xung đột ở<br />
Campuchia, cố gắng nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong công tác giám sát xây dựng nhà<br />
nước ở Campuchia [13; tr. 387]. Đánh giá các hoạt động của nước Pháp lúc này, học giả<br />
Godement cho rằng vai trò của nước Pháp trong giải quyết vấn đề Campuchia và đi tới ký kết<br />
Hiệp định Paris 1991 trên nhiều khía cạnh đã đánh dấu danh tiếng cũng như sự can dự của Paris<br />
trong các vấn đề chính trị ở châu Á [14; tr. 962].<br />
2.2.2. Cung cấp viện trợ phát triển và kết nối Việt Nam với cộng đồng tài trợ quốc tế<br />
Tư duy và chính sách kinh tế của chính phủ Pháp ở Việt Nam không có gì thay đổi kể từ năm<br />
1973. Những nội dung này tiếp tục được dựa trên nhận định chắc chắn về “mối quan hệ đặc biệt”<br />
giữa hai nước và chiến lược tham dự tích cực để tận dụng ưu thế có được [10]. Các hoạt động kinh<br />
tế và viện trợ của Pháp được thực hiện rộng khắp và liên tục ở Việt Nam, từ đó cố gắng duy trì vị<br />
trí như một đối tác phương Tây lớn nhất của Việt Nam. Nghị định thư tài chính (1981) được phía<br />
Pháp chủ động đề nghị tái ký kết sau 4 năm ngắt quãng đã cam kết viện trợ cho Việt Nam lên đến<br />
200 triệu Francs thuộc các lĩnh vực nông công nghiệp, văn hoá và khoa học kỹ thuật. Bằng hoạt<br />
động này, Pháp hy vọng có thể giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào Liên Xô. Trong bối cảnh<br />
Chiến tranh Lạnh, sự cô lập của phương Tây đang đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với Liên Xô và<br />
do đó sẽ gây nhiều khó khăn cho việc mở rộng ảnh hưởng của Pháp ở Đông Nam Á [3; tr. 64]. Dù<br />
việc thực hiện Nghị định thư bị trì hoãn song cũng chứng tỏ tham vọng của Pháp muốn sử dụng<br />
viện trợ như « lá bài kinh tế » để gây sức ép lên Việt Nam trong việc rút quân khỏi Campuchia.<br />
Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp gồm viện trợ<br />
phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ<br />
Đoàn kết ưu tiên (FSP), Nghị định thư Tài chính, Quỹ Trợ giúp đặc biệt Doanh nghiệp<br />
(FASEP)… Năm 1989, ngay sau khi Việt Nam hoàn thành việc rút quân khỏi Campuchia, Pháp đã<br />
trở thành quốc gia tư bản phương Tây đầu tiên khôi phục lại chương trình viện trợ cho Việt Nam.<br />
Trong nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ngân sách ODA của Pháp bị cắt giảm hoàn toàn,<br />
khoảng 7.2 triệu EURO, tương đương 0.64% GDP năm 1994 [10; tr. 161]. Tuy nhiên, Việt Nam<br />
là quốc gia duy nhất không bị cắt giảm lượng viện trợ trong các chương trình viện trợ hợp tác<br />
khoa học, văn hoá và kỹ thuật của Paris ngay cả khi Việt Nam chưa rút hết quân khỏi Campuchia<br />
[14; tr. 965]. Sự hỗ trợ của Pháp tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như hợp tác chính phủ và<br />
luật pháp, đào tạo văn hoá-kỹ thuật. Trên tinh thần này, năm lĩnh vực ưu tiên của viện trợ Pháp<br />
dành cho Việt Nam gồm cải cách tư pháp, hiện đại hoá hệ thống giáo dục và nghiên cứu, hợp tác<br />
văn hoá, cải cách kinh tế để thúc đẩy các tương tác với công ti Pháp, giảm đói nghèo và cải thiện<br />
xã hội [17; tr. 57-58].<br />
58<br />
<br />
Vai trò của nước Pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995)<br />
<br />
Khi Liên Xô và Hội đồng tương trợ kinh tế SEV sụp đổ vào năm 1991, Việt Nam buộc phải<br />
tìm kiếm các nguồn viện trợ từ World Bank, IMF và ADB. Tuy nhiên, do Việt Nam không thể trả<br />
được khoản nợ 138 triệu USD vào năm 1985 nên bị xếp vào số các quốc gia “vỡ nợ” và khó có<br />
thể vay được của bất cứ tổ chức tài chính quốc tế nào. Trong bối cảnh này, với vai trò chi phối ở<br />
nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Câu lạc bộ Paris, Pháp cũng đã giúp Việt Nam tái hòa nhập<br />
vào cộng đồng tài chính quốc tế, phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước<br />
Tây Âu và Mỹ. Tháng 2/1992, Jean Noel Jeanneney - Bộ trưởng Ngoại thương Pháp tới thăm Việt<br />
Nam. Trong bài phát biểu của mình, ông khẳng định: “Nước Pháp luôn dẫn đầu trong câu lạc bộ<br />
‘những người bạn của Việt Nam’. Pháp luôn ủng hộ Việt Nam trong chính sách mở cửa và bình<br />
thường hoá quan hệ với Quỹ tiền tệ quốc tế.” [Dẫn theo 4; tr. 93]. Với tinh thần này, năm 1992,<br />
Pháp và một số quốc gia đã giúp Việt Nam tái lập quan hệ tài chính với các định chế Bretton<br />
Wood. Nhân chuyến thăm tới Việt Nam, Tổng thống Mitterand cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho<br />
Việt Nam trong năm 1993, và tích cực giúp Việt Nam tái hòa nhập vào các cơ quan tài chính quốc tế.<br />
Pháp cũng đã thực hiện xóa nợ cho Việt Nam, qua đó thực hiện vai trò “làm gương” về hỗ trợ<br />
phát triển trong cộng đồng “chủ nợ”. Do không thành công trong việc gây áp lực buộc<br />
Washington chấm dứt cấm vận và sự phủ quyết việc Việt Nam tiếp nhận tài chính từ các tổ chức<br />
tài chính đa phương, Pháp cùng nhóm 11 nước thành viên của Câu lạc bộ Paris gồm Nhật,<br />
Canada, Italia, Thủy Điển, Bỉ, Phần Lan... đã viện trợ cho Việt Nam 55 triệu USD trả nợ cho IMF<br />
nhằm giúp đỡ Việt Nam giải tỏa quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế. Tại Câu lạc bộ Paris,<br />
Pháp cũng đã thuyết phục được các nước chủ nợ thông qua phương án trả nợ có lợi cho Việt Nam.<br />
Các nước này đã xóa cho Việt Nam số nợ trên 350 triệu USD. Một số biện pháp khác nhằm hỗ trợ<br />
Việt Nam tái lập tình hình tài chính như: Ngân hàng BFCE của Pháp cùng EXIM Bank của Nhật<br />
đồng chủ trì việc ký kết Hiệp định cho Việt Nam vay tín dụng bắc cầu (Pháp cho Việt Nam vay 33<br />
triệu Francs) tại Paris ngày 22/9/1993 để trả nợ cho IMF; giải phóng 34 triệu francs của Việt Nam<br />
bị phong tỏa ở Ngân hàng BFCE. Hội nghị các nhà tài trợ lần thứ nhất được tổ chức ở Paris năm<br />
1993 cũng đã cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA tương đương với 1,8 tỷ USD. Tại Hội<br />
nghị các nhà tài trợ quốc tế lần thứ hai, Pháp đã vận động các nước và các tổ chức quốc tế cam kết<br />
tài trợ cho Việt Nam gần 2 tỷ USD… [18; tr. 193]. Bên cạnh đó, thông qua ký kết các Nghị định<br />
thư tài chính, Pháp cũng tài trợ cho Việt Nam mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ phát triển<br />
kinh tế [19; tr. 73, 128].<br />
2.2.3. Cung cấp vốn đầu tư và kết nối thị trường<br />
Ngày 17/5/1985, một đoàn đại biểu các nhà doanh nghiệp Pháp tới thăm Việt Nam bao gồm<br />
18 doanh nghiệp lớn, trong đó có đại diện của nhiều ngân hàng lớn như Crédit Lyonnais, Ngân<br />
hàng Ngoại thương Pháp (BFCE) và Indosuez. Chuyến đi này được coi là sự thăm dò thị trường<br />
của các doanh nghiệp Pháp. Một trong những thị trường mà các nhà đầu tư Pháp quan tâm đó là<br />
đầu tư vào các sản phẩm có thể xuất khẩu đầu tiên và trực tiếp sang Lào, Campuchia và các nước<br />
Đông Nam Á khác. Các doanh nghiệp lớn của Pháp cũng luôn đứng hàng đầu trong số các quốc<br />
gia phương Tây có mối quan hệ kinh tế tốt với Việt Nam. Họ cố gắng duy trì vị thế nước Pháp<br />
như một đối tác thương mại và đầu tư phương Tây lớn nhất của Việt Nam [10; tr. 154]. Pháp là<br />
quốc gia đầu tiên có mặt ở Việt Nam ngay sau khi Luật đầu tư nước ngoài được ban hành vào cuối<br />
năm 1987 và là một trong những nhà đầu tư triển vọng nhất đối với Việt Nam. Không giống như<br />
nhiều quốc gia Châu Á khác là địa bàn hoạt động chủ yếu của các công ty Nhật Bản, Mỹ và các<br />
nước NIC, nước Pháp là nhà đầu tư ngoài châu Á lớn nhất và một trong những đối tác mạnh nhất<br />
của Việt Nam. Thực tế, cuối năm 1992, Pháp đã trở thành đối tác đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam,<br />
chỉ sau Đài Loan và Hongkong [10; tr. 155]. Các ngân hàng Pháp đóng vai trò quan trọng trong<br />
việc đưa nguồn vốn quốc tế vào Việt Nam, bắt đầu với dự án khách sạn Metropole Hà Nội và sau<br />
đó trở thành cố vấn tài chính cho nhiều tập đoàn Nestlé, Perrier-Vittel, Elf Atochem, Novartis and<br />
Shell… Từ đầu thập niên 90, trao đổi kinh tế song phương tăng nhanh với sự có mặt của 26<br />
59<br />
<br />