JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 94-101<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0015<br />
<br />
VẤN ĐỀ GIẢI THÍCH NGHĨA TÌNH THÁI<br />
CỦA CÁC TRỢ TỪ TIẾNG VIỆT TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT<br />
(TRÊN CƠ SỞ CUỐN TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT DO HOÀNG PHÊ CHỦ BIÊN)<br />
Phạm Thị Thu Giang và Nguyễn Minh Phượng<br />
Khoa Ngoại ngữ, Học viện Kĩ thuật Quân sự<br />
<br />
Tóm tắt. Bài báo này đi vào khảo sát và phân tích ngữ nghĩa của các trợ từ tiếng Việt và so<br />
sánh với cách giải thích các trợ từ này trong Từ điển tiếng Việt. Từ đây, khẳng định sự cần<br />
thiết và đề xuất bổ sung nét nghĩa đánh giá khi giải thích chúng. Các trợ từ đến, tới, tận,<br />
những, chỉ, ngay cả,. . . thể hiện cái Tôi chủ quan, những quan điểm thuộc về lập trường<br />
của người nói (về lượng, về mức độ, về chủng loại, về thời gian, tính tích cực/ tiêu cực, sự<br />
bất thường hay nhấn mạnh sự khẳng định sự thật của đối tượng được nói đến trong câu) và<br />
còn có nhiệm vụ đánh dấu tiêu điểm thông báo của câu. Nếu lược bỏ chúng thì nội dung<br />
sự tình được miêu tả trong câu không ảnh hưởng nhưng sắc thái nghĩa đã thay đổi. Vì vậy,<br />
việc bổ sung thêm nét nghĩa tình thái này vào từ điển giải thích là cần thiết.<br />
Từ khóa: Nghĩa tình thái, nghĩa đánh giá, nghĩa phi miêu tả, trợ từ, từ điển tiếng Việt.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Ngữ pháp chức năng ra đời đã khắc phục những hạn chế của ngữ pháp hình thức trong<br />
việc giải thích bản chất nghĩa và chức năng của các sự kiện ngôn ngữ. Có thể thấy tinh thần của<br />
ngữ pháp chức năng và đường hướng phản ánh vai trò của ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp<br />
quan trọng nhất của con người qua các nghiên cứu về tình thái của Jespersen, von Wright, Bally,<br />
Dik,. . . Ở Việt Nam, các công trình của Hoàng Tuệ, Cao Xuân Hạo, Lê Đông, Phạm Hùng Việt,<br />
Nguyễn Văn Hiệp,... đã cho chúng ta có một cách hiểu nhất định về khái niệm phức tạp này. Tuy<br />
nhiên các công trình nghiên cứu mô tả, phân tích các phương tiện biểu thị tình thái cũng chưa thật<br />
sự có nhiều, đặc biệt trong những lĩnh vực có liên quan đến chiều kích nghĩa tình thái trong các<br />
mục từ của từ điển giải thích tiếng Việt. Xem xét các vấn đề nghiên cứu về từ điển học chúng tôi<br />
cũng thấy một hiện trạng như vậy. Cuốn Một số vấn đề từ điển học [10] tập hợp một số bài viết của<br />
các tác giả khác nhau đã cho chúng ta cái nhìn tổng quát về nghiên cứu từ điển học cũng như một<br />
số vấn đề của cuốn Từ điển Tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên). Tuy nhiên, việc giải thích nghĩa<br />
phi miêu tả đang thiếu vắng ở khá nhiều mục từ thì cũng chưa được quan tâm đúng mức với tầm<br />
quan trọng của chúng. Vì vậy, mục tiêu chính của bài báo là bổ sung và hoàn chỉnh cách hiểu về<br />
nghĩa của các trợ từ, nhất là về nghĩa phi miêu tả mà cụ thể là nghĩa đánh giá. Từ đó, đề xuất cách<br />
giải thích chúng và khẳng định tính cần thiết phải có nét nghĩa đánh giá này trong các mục từ của<br />
Từ điển tiếng Việt.<br />
Ngày nhận bài: 15/10/2015. Ngày nhận đăng: 10/3/2016<br />
Liên hệ: Phạm Thị Thu Giang, e-mail: thugiang_6684@yahoo.com<br />
<br />
94<br />
<br />
Vấn đề giải thích nghĩa tình thái của các trợ từ tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt...<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Tình thái: khái niệm, ý nghĩa và các phương tiện biểu hiện nghĩa<br />
<br />
Tình thái cũng là khái niệm phức tạp của ngôn ngữ học với rất nhiều định nghĩa, cách hiểu<br />
khác nhau. Hiểu theo nghĩa hẹp, tình thái chỉ xoay quanh các tham số về tính tất yếu, tính khả năng<br />
và tính hiện thực, trên cơ sở nhận thức hay đạo nghĩa, và tất cả được hiểu theo góc độ khách quan<br />
(tình thái trong logic) hay chủ quan (tình thái trong ngôn ngữ) [4;91]. Hiểu theo nghĩa rộng, khái<br />
niệm tình thái sẽ bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau như các ý nghĩa thể hiện mục đích phát ngôn<br />
của người nói; các ý nghĩa khác nhau thể hiện sự đánh giá, thái độ, lập trường hay cảm xúc của<br />
người nói đối với nội dung thông báo; ý nghĩa thuộc đối lập giữa khẳng định và phủ định đối với<br />
sự tồn tại của sự tình; những đặc trưng liên quan đến sự diễn tiến của sự tình, liên quan đến khung<br />
vị từ và mối quan hệ giữa chủ thể được nói đến trong câu và vị từ (thời, thể hay các ý nghĩa được<br />
thể hiện bằng vị từ tình thái); các ý nghĩa phản ánh các đặc trưng khác của phát ngôn và hành động<br />
phát ngôn với ngữ cảnh, theo quan điểm, đánh giá của người nói. Cách hiểu tình thái theo nghĩa<br />
rộng nhất như vậy được Bybee diễn đạt là “tất cả những gì mà người nói thực hiện cùng với toàn<br />
bộ nội dung mệnh đề” [dẫn theo 3;22]. Nói cách khác, phạm trù tình thái bao gồm tất cả những<br />
phương diện nội dung gắn với thực tại câu, biến các nội dung mệnh đề ở thế tiềm năng trở thành<br />
các phát ngôn trong giao tiếp.<br />
Trong giới nghiên cứu Việt ngữ học, chủ trương quan niệm như thế có các tác giả Đỗ Hữu<br />
Châu, Hoàng Tuệ, Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp. . . ; đặc biệt là Cao Xuân Hạo.<br />
Cũng phong phú như các kiểu ý nghĩa của tình thái, có nhiều phương tiện để biểu thị nội<br />
dung ý nghĩa của phạm trù này như phương tiện ngữ âm, phương tiện ngữ pháp và phương tiện<br />
từ vựng. Khác với các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, Pháp, Nga chẳng hạn, phương tiện ngữ<br />
pháp biểu thị khá rõ ràng ý nghĩa tình thái và phân biệt rạch ròi với hai nhóm phương tiện từ vựng<br />
và ngữ âm. Nhưng ở ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, ngoài ngữ điệu, phương tiện từ vựng đóng<br />
một vai trò quan trọng. Một cách khái quát, tác giả Nguyễn Văn Hiệp đã phân chia các phương<br />
tiện biểu thị tình thái trong tiếng Việt thành những lớp chính: các phó từ làm thành phần phụ của<br />
ngữ vị từ (đã, đang,. . . ); các vị từ tình thái (nên, cần, phải,. . . ); các vị từ tình thái tính làm chính<br />
tố trong ngữ đoạn vị từ (toan, định, cố, dám. . . ); các trợ từ (đến, những, mỗi, ngay cả, chính, đích<br />
thị,. . . ) v.v. . . [4;140].<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Một vài vấn đề từ điển học<br />
<br />
Từ điển tiếng Việt (TĐTV) (do Hoàng Phê chủ biên) là cuốn từ điển tường giải tiếng Việt<br />
đầu tiên của nước ta được biên soạn dựa trên phiếu tư liệu tương đối đầy đủ. Các soạn giả đã cố<br />
gắng giải quyết một số vấn đề cụ thể cho phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của tiếng Việt và<br />
chữ Việt. Tuy nhiên định hướng xây dựng quyển từ điển này là “đảm bảo tính khoa học, tính tư<br />
tưởng (Mác - Lênin) và tính tiện dùng” [6;8] và khi giải thích nghĩa “chú ý đến những quan hệ ngữ<br />
nghĩa có tính hệ thống trong từ vựng, cố gắng giải thích nghĩa theo cùng một kiểu, một mẫu thống<br />
nhất những từ ngữ thuộc cùng một lớp từ vựng và những trường hợp nghĩa của từ có cùng cấu trúc<br />
giống nhau” [6;17]. Như vậy, những tiềm năng nghĩa của từ liên quan đến bình diện tương tác liên<br />
nhân trong giao tiếp và liên quan đến đánh giá tình thái, chủ quan chưa thực sự được xem xét thỏa<br />
đáng khi giải thích nghĩa trong quá trình biên soạn từ điển.<br />
Trong bài viết Thông tin ngữ dụng đối với từ điển giải thích [1], Ju.D.Apresjan đã đưa ra<br />
nguyên tắc thực hành quan trọng: “Khi xây dựng mục từ điển của một từ vị nhất định, nhà ngôn<br />
ngữ cần phải làm việc trong toàn bộ các không gian các quy tắc ngữ pháp và ghi rõ ràng cho từ<br />
95<br />
<br />
Phạm Thị Thu Giang và Nguyễn Minh Phượng<br />
<br />
vị tất cả các thuộc tính mà việc sử dụng các thuộc tính đó có thể đòi hỏi phải có quy tắc (sự điều<br />
chỉnh từ vựng vào ngữ pháp) (. . . ) các quy tắc có thể đòi hỏi phải sử dụng đến các thuộc tính ngôn<br />
điệu, từ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng (chúng tôi nhấn mạnh-PTTG), giao tiếp và cú pháp (khả năng<br />
kết hợp) của các từ vị” [1;68]<br />
Đến đây, chúng tôi có thể khẳng định bản thân mỗi đơn vị từ đều hàm chứa trong nó đầy đủ<br />
các thông tin ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng. Do đó, khi biên soạn mục từ điển của mỗi từ vị<br />
trong từ điển giải thích, cần phải xác lập đầy đủ mọi thông tin này. Việc giải thích các trợ từ tiếng<br />
Việt cũng thế.<br />
<br />
2.3.<br />
<br />
Các kiểu nghĩa đánh giá của trợ từ và việc giải thích chúng trong TĐTV<br />
<br />
Trợ từ tiếng Việt – một kiểu từ loại – cũng có những tên gọi và ý nghĩa, chức năng không<br />
giống nhau. Nguyễn Kim Thản [9] gọi là ngữ khí từ, Nguyễn Tài Cẩn [2] gọi là trợ từ hoặc ngữ<br />
khí từ, Hữu Quỳnh [8] gọi là từ đệm, V.S. Panfilov lại gọi là hư từ giao tiếp [5], còn Phạm Hùng<br />
Việt [10] thì gọi trợ từ cho cả hai tập hợp trợ từ của câu (như à, ư, nhỉ, nhé. . . ) và trợ từ bộ phận<br />
câu (như ngay, cả, chính. . . ), Đinh Văn Đức và Nguyễn Hồng Cổn gọi là trợ từ khi xếp chúng vào<br />
nhóm tình thái từ.<br />
Trợ từ là lớp từ chuyên phục vụ cho việc biểu đạt những thông tin tình thái, những đánh giá<br />
mang tính lập trường của người nói, có vai trò quan trọng thể hiện cái Tôi chủ quan của người nói<br />
và có nhiệm vụ đánh dấu tiêu điểm thông báo của câu. Từ đây, chúng tôi phân chia thành các nhóm<br />
và tiến hành miêu tả nghĩa của chúng đồng thời so sánh với cách giải thích chúng trong TĐTV.<br />
<br />
2.3.1. Nhóm 1: nhóm các trợ từ/ tổ hợp trợ từ đánh giá về lượng: chỉ, có, mỗi, chỉ mới, có<br />
mỗi, đến, những, tận, tới<br />
Trong TĐTV hai trợ từ những và tới đã được giải thích hợp lí, có cả nét nghĩa đánh giá “Từ<br />
biểu thị ý nhấn mạnh số lượng quá nhiều/ cao”. Tuy nhiên, số đông các trợ từ khác (chỉ, có, mỗi,<br />
đến, tận) lại không được xem xét ở nét nghĩa này cũng như bỏ qua việc giải thích nghĩa một số tổ<br />
hợp trợ từ (chỉ mới/ mới chỉ, có mỗi).<br />
Có thể lấy ví dụ về nhóm này:<br />
(1) Cái bể này sâu chỉ 2 mét.<br />
(2) Con bé ấy hai tuổi mà có 10 cân.<br />
(3) Vì không đói, nó ăn mỗi/ có mỗi một bát cơm.<br />
(4) Con trai tôi cao chỉ mới/ mới chỉ mét rưỡi (150 cm)<br />
(5) Ông ta có đến 5 cái nhà ở Hà Nội.<br />
(6) Anh tôi nặng những 80 kg.<br />
(7) Họ phải đi tận 10 km mới đến chợ.<br />
(8) Anh ấy luôn đi tới 90 km/h.<br />
Đặc điểm chung của phần lớn những trợ từ đánh giá về lượng đó là tiêu điểm thông báo câu<br />
mà nó chỉ báo là những bổ ngữ vị từ - số từ. Các số từ này chỉ về số lượng, khoảng cách, chiều sâu,<br />
chiều cao, cân nặng hay vận tốc và tạo nên những cặp đối lập về nội dung đánh giá như: nhiều/<br />
ít; xa/ gần; sâu/ nông; cao/ thấp; nặng/ nhẹ; nhanh/ chậm. Trong đó, “những, tới, đến, tận” mang<br />
nghĩa đánh giá “nhiều, xa, sâu, cao, nặng, nhanh” đối lập với “chỉ, có, mỗi, chỉ mới, có mỗi” đánh<br />
giá về “ít, gần, nông, thấp, nhẹ, chậm”. Tùy vào quan điểm chủ quan của mình mà người nói đưa<br />
ra những đánh giá khác nhau và từ đây người nói lựa chọn trợ từ cho phù hợp và có thể sử dụng<br />
96<br />
<br />
Vấn đề giải thích nghĩa tình thái của các trợ từ tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt...<br />
<br />
thay thế cho nhau trong mỗi tiểu nhóm. Chẳng hạn, đều là “một bát cơm” nhưng khi nói “mỗi/ có/<br />
chỉ hai bát cơm” người nói hàm ý đánh giá ít, còn khi nói “những/ đến/ tận hai bát cơm” lại mang<br />
nghĩa đánh giá là nhiều.<br />
Riêng trợ từ tận với nghĩa đánh giá “quá xa” và kết hợp với danh từ chỉ địa điểm (chẳng hạn<br />
như Nam học tận châu Âu). Nó làm thành sự khác biệt với các từ trong nhóm.<br />
<br />
2.3.2. Nhóm 2: nhóm các trợ từ đánh giá về mức độ: đến, tới, tận, chỉ, có, mới<br />
Tiếng Việt có thể sử dụng các trợ từ này để đánh giá về mức độ cao/ thấp; quan trọng/ không<br />
quan trọng. . . Chẳng hạn như:<br />
(9) Mới 28 tuổi mà cô ấy học đến Tiến sĩ rồi.<br />
(10) Con cái ông ấy ai cũng làm tới cấp Bộ.<br />
(11) Hôm qua nó gặp tận Bộ trưởng Bộ Giáo dục.<br />
(12) Chồng nó học chỉ lớp 9.<br />
(13) Trước khi nghỉ hưu, ông ta làm có chức trợ lí.<br />
(14) Hắn tốt nghiệp mới bậc Trung cấp, liệu có làm việc được không?<br />
Cũng giống như nhóm các trợ từ đánh giá về lượng, các trợ từ trong nhóm này cũng được<br />
chia làm hai tiểu nhóm có nội dung đánh giá đối lập nhau và các trợ từ trong tiểu nhóm cũng gần<br />
nghĩa nhau. Các từ đến, tới, tận mang nghĩa đánh giá mức độ cao hay quan trọng; còn các từ chỉ,<br />
có, mới thể hiện sự đánh giá về mức độ thấp hay không quan trọng. Điều làm nên sự khác nhau<br />
giữa các trợ từ đến, tới, tận, chỉ, có, mới khi ở nhóm 1 thể hiện sự đánh giá về lượng đến nhóm này<br />
lại thể hiện sự đánh giá về mức độ, đó là do từ loại của bổ ngữ mà nó chỉ báo tiêu điểm thông báo<br />
câu. Nhóm 1 là số từ còn ở nhóm 2 là danh từ.<br />
<br />
2.3.3. Nhóm 3: nhóm các trợ từ/ tổ hợp trợ từ đánh giá về thời gian: mới, mới chỉ/ chỉ mới,<br />
đã, có, chỉ, mỗi, tận, đến, tới, những, có mỗi<br />
Điểm chung của các trợ từ/ tổ hợp trợ từ trong nhóm này: nhấn mạnh tiêu điểm thông báo là<br />
những bổ ngữ vị từ - số từ chỉ thời gian (giờ, ngày, tháng, năm. . . ) Các trợ từ trong nhóm 3 tuy đều<br />
thể hiện sự đánh giá về thời gian nhưng trên những khía cạnh khác nhau lập thành 4 tiểu nhóm.<br />
Tiểu nhóm 1 (mới, mới chỉ/ chỉ mới) và tiểu nhóm 2 (đã) tạo thành cặp nội dung đối lập nội dung<br />
nghĩa đánh giá sớm/ muộn; còn tiểu nhóm 3 (chỉ, có, mới chỉ/ chỉ mới, mỗi, mới,có mỗi) và 4 (tận,<br />
đến, tới, những) tạo thành cặp đối lập về nội dung đánh giá ngắn/ dài hay nhanh/ lâu. Tương tự<br />
như các tiểu nhóm của hai nhóm đã xét ở trên, các trợ từ hoặc tổ hợp trợ từ trong mỗi tiểu nhóm là<br />
những từ gần nghĩa vì chúng đều cùng thể hiện một nội dung đánh giá và có thể sử dụng thay thế<br />
cho nhau.<br />
Ví dụ:<br />
(15) Bây giờ mới/ chỉ mới/ mới chỉ 7 giờ, ông đã đi làm sao?<br />
(16) Đã 9 giờ rồi mà chưa dậy ăn sáng à?.<br />
(17) Nó học chỉ/ có/ mới/ mỗi/ có mỗi/ chỉ mới/ mới chỉ 2 tháng đã làm rất tốt.<br />
(18) Anh ấy đi du học đến/ những/ tới/ tận 7 năm mới về nước.<br />
<br />
2.3.4. Nhóm 4: nhóm các trợ từ đánh giá về chủng loại: nào/ nào là, chỉ, có, mỗi<br />
Người nói sử dụng các trợ từ của nhóm này khi muốn liệt kê một danh sách các đồ vật,<br />
đồ dùng. . . nào đó với thái độ đánh giá chúng là ít hay nhiều, nghèo nàn hay phong phú. . . Do đó,<br />
97<br />
<br />
Phạm Thị Thu Giang và Nguyễn Minh Phượng<br />
<br />
chúng nhấn mạnh đến các bổ ngữ vị từ là danh từ.<br />
Các trợ từ chỉ, có, mỗi đánh giá về sự nghèo nàn/ ít chủng loại; còn nào hay nào là đánh giá<br />
sự phong phú/ nhiều chủng loại của các đối tượng được nói đến trong câu.<br />
Ví dụ: (21) Mọi ngày ăn chỉ/ có/ mỗi rau và đậu phụ. Hôm nay anh ta mua nào rau, nào cá,<br />
nào thịt.<br />
(22) Cô vợ đi để lại chỉ/ có/ mỗi một cái giường, một cái tủ, một cái tivi.<br />
(23) Ba tôi trồng nào là hoa, nào là cây cảnh, nào là cây ăn quả.<br />
<br />
2.3.5.<br />
<br />
Nhóm 5: nhóm những trợ từ đánh giá tính tích cực và tiêu cực của đối tượng: được,<br />
mất<br />
<br />
Hai trợ từ được và mất tạo nên một cặp đối lập tình thái khi thể hiện sự đánh giá của người<br />
nói đối với hành động của chủ thể là tích cực:<br />
(24) Nó đã bán được cái điện thoại đó với giá năm trăm nghìn.<br />
( 25) Hôm qua tôi đã mua được một bộ quần áo đẹp.<br />
hay tiêu cực:<br />
(26) Thế là nó đã bán mất cái điện thoại mẹ tặng.<br />
(27) Tôi rất thích 1 bộ quần áo trong cửa hàng nhưng không mang đủ tiền nên về nhà lấy.<br />
Khi tôi quay lại thì ai đó đã mua mất chúng rồi.<br />
Ở đây bổ ngữ của vị từ - tiêu điểm thông báo trong câu mà trợ từ chỉ ra có thể là số từ hoặc<br />
danh từ. Nhóm từ này đã được TĐTV giải thích đầy đủ.<br />
<br />
2.3.6.<br />
<br />
Nhóm 6: nhóm các trợ từ/ tổ hợp trợ từ đánh giá tính bất thường của sự vật, hiện<br />
tượng, quá trình,...: ngay, cả, đến, thậm chí, ngay cả, ngay như<br />
<br />
Trong TĐTV hai trợ từ “đến, thậm chí” được giải thích:<br />
- “đến 2” (tr): “Từ biểu thị ý nhấn mạnh về tính chất bất thường của một hiện tượng để làm<br />
nổi bật mức độ cao của một việc nào đó”.<br />
- “thậm chí” (p): “từ biểu thị bao gồm cả những trường hợp không bình thường, nêu ra để<br />
nhấn mạnh làm nổi bật một điểu nào đó”.<br />
Theo chúng tôi, TĐTV đã giải thích tốt những trợ từ này khi quan tâm cả nghĩa tường minh<br />
lẫn nghĩa tình thái và nghĩa đánh giá “tính chất bất thường, không bình thường”.<br />
Tuy nhiên, trong tiếng Việt còn có một số trợ từ cũng thể hiện sự đánh giá như vậy mà<br />
không được TĐTV giải thích, chẳng hạn như:<br />
(28) Ngay vợ anh ấy cũng không hiểu anh ấy.<br />
(29) Bây giờ thì anh ta ghét cả tôi.<br />
(30) Ngay cả bố tôi cũng khóc khi xem bộ phim này.<br />
(31) Ngay như nó cũng không giải được bài toán này.<br />
Những trợ từ trên đánh dấu tiêu điểm thông báo câu có thể là chủ ngữ (như ở ví dụ (28),<br />
(30), (31)), có thể là bổ ngữ của vị từ (xem ví dụ (29)) nhưng từ loại của chúng luôn là danh từ.<br />
Điều thú vị trong các câu chứa những trợ từ này, người nói thể hiện sự đánh giá đến hai đối tượng<br />
được nói đến nhưng với hai “lập trường”, thái độ đánh giá khác nhau. Một mặt, người nói cho rằng<br />
hành động hay tính chất của đối tượng (thường là chủ ngữ trong câu) là điều rất lạ, không bình<br />
thường; mặt khác nhấn mạnh đến mức độ cao hay tính phổ biến của một sự vật, hiện tượng,. . .<br />
98<br />
<br />