intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vấn đề quản lý tiền mã hóa – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Chia sẻ: Dạ Thiên Lăng | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

4
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vấn đề quản lý tiền mã hóa – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam" đề cập đến khía cạnh quản lý, giám sát tiền mã hóa của một số quốc gia trên thế giới, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị chính sách. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vấn đề quản lý tiền mã hóa – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

  1. VẤN ĐỀ QUẢN LÝ TIỀN MÃ HÓA – KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM PGS,TS. Lê Thị Kim Nhung1 Tóm tắt: Tiền mã hóa là một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ số Blockchain trong kỷ nguyên của nền công nghiệp 4.0. Sự xuất hiện của các loại tiền mã hóa là một tất yếu trong quá trình phát triển của các hình thái tiền tệ, nó đã đem đến sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và mở ra cho thị trường tài chính một trang mới. Trong thời gian qua, tiền mã hóa đã và đang chứng minh ưu nhược điểm của nó trong nền tài chính hiện đại, đem đến cơ hội cũng như sự thách thức đối với nền kinh tế kĩ thuật số. Chính vì vậy, tiền mã hóa là vấn đề rất được quan tâm của các nhà quản lý, giám sát tài chính toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là: làm cách nào để quản lí hiệu quả tiền mã hóa để biến chúng thành công cụ an toàn trên thị trường tài chính nói riêng và cho toàn nền kinh tế nói chung?Đây là vấn đề nan giải đối với nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bài viết này đề cập đến khía cạnh quản lý, giám sát tiền mã hóa của một số quốc gia trên thế giới, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị chính sách. Từ khoá: Tiền mã hoá; Blockchain; Initial Coin Offering (ICO) Abstract: Cryptocurrency is a famous application of Blockchain technology in the era of industry 4.0. The development of cryptocurrencies is inevitable as a new form of money. It has brought about the outstanding development of e-commerce and opened a new page for the financial market. In recent times, cryptocurrency has proven its advantages and disadvantages in modern finance, bringing new opportunities as well as challenges to the digital economy. It has become a matter of great concern for global financial managers and supervisors. The question is: how to effectively manage cryptocurrencies to turn them into safe tools in the financial market and for the entire economy in general? This is a difficult problem for many countries in the world as well as Vietnam. This article addresses the aspects of cryptocurrency management and supervision in some countries around the world. From there, we draw lessons for Vietnam and make some policy recommendations. Keywords: Cryptocurrency; Blockchain; Initial Coin Offering (ICO) 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tiền mã hóa (Cryptocurrency) là một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ chuỗi khối - Blockchain trong kỷ nguyên của nền công nghiệp 4.0. Sự xuất hiện của các loại tiền mã hóa là một tất yếu trong quá trình phát triển của các hình thái tiền tệ, nó đã đem đến sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và mở ra cho thị trường tài chính một trang mới. Trong thời gian qua, tiền mã hóa đã và đang chứng minh ưu nhược điểm của nó trong nền tài chính hiện đại, đem đến cơ hội cũng như sự thách thức đối với nền kinh tế kĩ thuật số. Chính vì vậy, tiền mã hóa là vấn đề rất được quan tâm của các nhà quản lý, giám sát tài chính toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là: làm cách nào để quản lý hiệu quả tiền mã hóa để biến chúng thành công cụ an toàn trên thị trường tài chính nói riêng và cho toàn nền kinh tế nói chung? Tất cả phụ thuộc vào cách nhìn nhận và các phương pháp kiểm soát của Chính phủ. Nếu có chính sách phù hợp, chúng ta có thể khai thác các ưu điểm và loại bỏ được những rủi ro tiềm ẩn trong các giao dịch tiền mã hóa, tạo ra một bước tiến cần thiết trong thời đại công nghệ số, tăng thu cho NSNN và bảo vệ được lợi ích của các bên liên quan. 1 Trường Đại học Thương mại.
  2. Phần 2: Hoàn thiện về Thể chế và Chính sách 817 2. TIỀN MÃ HÓA TRONG NỀN KINH TẾ HIỆN ĐẠI - ƯU ĐIỂM VÀ NHỮNG RỦI RO TIỀM ẨN * Khái niệm tiền mã hóa Có nhiều quan niệm về tiền mã hóa (cryptocurrency) hay còn gọi là tiền kỹ thuật số, tiền điện tử, tiền ảo. Theo Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB, 2012), tiền ảo là một loại tiền (kỹ thuật) số, không được quản lý, giám sát và được phát hành, kiểm soát bởi nhóm phát triển phần mềm, được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo. Đến năm 2016, ECB đưa ra định nghĩa: Tiền ảo là sựu hiển thị số của giá trị, không được phát hành bởi tổ chức tài chính hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử, trong vài trường hợp, tiền ảo có thể được sử dụng thay thế cho tiền. Theo Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tiền ảo là tiền đại diện số của giá trị, có thể được giao dịch bằng kỹ thuật số và hoạt động như một phương tiện trao đổi; và/hoặc một đơn vị tài khoản; và/hoặc phương tiện cất trữ giá trị nhưng không có tư cách pháp lý. Tiền ảo không được phát hành hoặc được đảm bảo bởi bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào và chỉ thực hiện chức năng nêu trên theo thỏa thuận trong cộng động người dùng tiền ảo. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF, 2017), tiền ảo (Virtual currency) là biểu hiện số của giá trị, được phát hành bởi nhà phát triển tư nhân và được niêm yết theo đơn vị riêng; có thể được thu giữ, lưu trữ, tiếp cận và giao dịch trực tuyến; có thể sử dụng cho nhiều mục đích miễn là các bên giao dịch đồng ý sử dụng. Bao trùm hàng loạt các loại “tiền” từ công cụ nợ đơn giản có thể giao dịch (như thẻ điện thoại, sổ dặm bay) đến loại tiền được đối ứng bởi tài sản (vàng) và đến các loại tiền mã hóa. Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), tiền mã hóa và tiền tệ kỹ thuật số và thể hiện các đặc điểm chính: (i) là tài sản, nhưng không có giá trị nội tại; (ii) sử dụng sổ cái phân tán để cho phép trao đổi ngang hàng giá trị điện tử; (iii) không được vận hành bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức cụ thể nào. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tiền mã hóa được coi là một trong những ứng dụng đầu tiên của Blockchain, được thiết kế để làm việc như một trung gian trao đổi mà sử dụng mật mã để đảm bảo các giao dịch của nó, để kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản. Nếu như giá trị của tiền giấy được đảm bảo bởi Chính phủ phát hành thì đối với tiền mã hóa, giá trị của nó được tổ chức phát hành đảm bảo bằng việc cam kết sẽ chuyển đổi tiền mã hóa sang tiền giấy theo yêu cầu của người sở hữu. * Ưu điểm của tiền mã hóa Tiền mã hóa mang lại nhiều lợi ích hơn so với các đồng tiền truyền thống như giao dịch nhanh chóng, không mất phí giao dịch, không có bên thứ 3 can thiệp. Những ưu điểm nổi bật như sau: - Chi phí giao dịch tiền mã hóa là rất thấp. Vì là sản phẩm tài chính tương đối mới, chưa được công nhận rộng rãi bởi chính phú các quốc gia, không có bên trung gian nào quản lý việc giao dịch bằng tiền mã hóa, nên chi phí giao dịch là rất thấp, thậm chí bằng không. - Tiền mã hóa làm gia tăng tiện ích khi giao dịch. Với những hình thức gửi tiền thông thường hiện nay như qua ngân hàng hay dịch vụ thanh toán online (trung gian giao dịch), khách hàng sẽ bị giới hạn về lượng tiền chuyển và nhận về trong ngày, nhưng tiền mã hóa thì hoàn toàn không có sự ràng buộc này, chúng ta có thể gửi tùy ý với số lượng không giới hạn, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới vào bất cứ thời gian nào.
  3. 818 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM - Tiền mã hóa có tính bảo mật cao, mọi thông tin giao dịch tiền mã hóa đều được hiển thị trên internet nhưng danh tính người giao dịch không xuất hiện nên thông tin người dùng được bảo mật tốt. - Tiền mã hóa tạo tiềm năng phát triển cho ngành thương mại điện tử. Với nhiều tính năng ưu việt, tiền mã hóa đã và đang được sử dụng tại nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất của hoạt động tài chính, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. - Tiền mã hóa không gây ô nhiễm môi trường như các loại tiền truyền thống. Tiền mã hóa tồn tại dưới dạng tài sản kĩ thuật số, không cần đến giấy, mực, việc in ấn như các đồng tiền thông thường, nên không hề tác động tới môi trường. * Rủi ro tiềm ẩn của tiền mã hóa Bên cạnh những ưu điểm, tiền mã hóa cũng tồn tại các rủi ro rất đáng chú ý. - Các giao dịch tiền mã hóa được đánh giá là có mức độ rủi ro khá cao. Do giá trị của đồng tiền mã hóa không dựa trên thông tin cơ sở nào, không được quản lí bởi các chính phủ và ngân hàng trung ương, không có dữ liệu để phân tích, mà hầu hết phụ thuộc theo xu hướng đầu tư của đám đông, nên trị giá tiền mã hóa biến động rất mạnh và bất ổn, ví dụ điển hình cho khẳng định này là sự bất ổn của đồng Bitcoin trong thời gian vừa qua. Nhiều chuyên gia lo ngại Bitcoin sẽ trở thành một “bong bóng tài chính” nguy hiểm cho nền kinh tế. - Tiền mã hóa không phải là hàng hóa và cũng không phải là tiền tệ thuần túy. Nó không được đảm bảo hoặc sở hữu tài sản đảm bảo được cung cấp bởi bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào. Chính vì thế, tiền mã hóa rất khó kiểm soát. Khi sai sót xảy ra, hệ thống phát sinh lỗi, giao dịch thất bại hoặc tiền mã hóa của nhà đầu tư bị hack thì không ai đứng ra xử lý và bảo vệ họ. Ngoài ra, tiền mã hóa có thể dễ dàng bị lợi dụng cho mục đích phạm tội, tính ẩn danh cung cấp bởi Blockchain và quá trình giao dịch giúp bọn tội phạm lẩn trốn mà không để lại dấu vết. Cũng có những vụ lừa đảo sử dụng Bitcoin và các loại cryptocurrency khác để gây quỹ khủng bố, mua các công nghệ và các hoạt động tài chính bị cấm và nhạy cảm với các nước khác. - Công nghệ tạo ra tiền mã hóa tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa thể lượng hóa. Đầu tiên phải kế đến là rủi ro về an toàn bảo mật thông tin, mặc dù công nghệ blockchain cung cấp sự an toàn trong giao dịch nhưng nó tiềm ẩn rủi ro đối với tài khoản và ví đựng tiền mã hóa. Bên cạnh đó, tiền mã hóa còn có rủi ro đối với sự an toàn mạng blockchain khi một đối tượng nào đó kiểm soát các thiết bị kết nối trong một khoảng thời gian. Hơn nữa, vì việc chuyển nhượng giá trị trong cơ chế blockchain phát sinh bằng việc sử dụng cơ chế mã hóa mà theo đó các chủ thể tham gia đồng thuận cùng cập nhật lại trên sổ cái, nên tiền mã hóa còn mang đến nguy cơ rủi ro về sự đồng thuận trong cộng đồng mạng. Trên thực tế, có nhiều cơ chế mã hóa được sử dụng để đạt được sự đồng thuận này. Nếu sự đồng thuận không đạt được vì một lý do nào đó thì sổ cái sẽ không được hoàn thiện và giao dịch chuyển nhượng sẽ không được thực hiện. - Tiền mã hóa có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính quốc gia nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Theo các nhà kinh tế, đầu tư vào tiền mã hóa là bị phân quyền và thậm chí có thể rất nguy hiểm đến mức độ tài chính. Loại tiền tệ có thể trao đổi tự do mà không tốn phí hay các khoản thuế này có thể gây ra một biến động lớn. Đối với một số quốc gia, hệ thống thuế được dựa trên việc tiêu dùng và thu nhập của người dân thông qua việc thu thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Do đó, lưu hành tiền mã hóa sẽ làm gián đoạn dòng tiền và thu nhập của người dân. Nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến các khoản thu thuế của nhà nước, chính vì thế, các biện pháp quản lý giám sát là rất cần thiết để đảm bảo tiền mã hóa không tác động tiêu cực đến tài chính và ngân
  4. Phần 2: Hoàn thiện về Thể chế và Chính sách 819 sách Nhà nước. Hiện nay ngoài một số nước ủng hộ tiền mã hóa công khai thì có rất nhiều quốc gia vẫn chưa chấp nhận tiền mã hóa là một loại tiền tệ. Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về chính sách quản lý tiền mã hóa, tuy nhiên đã có động thái đầu tiên đó là không được dùng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán. Qua các rủi ro tiềm ẩn của tiền mã hóa, có thể thấy rằng việc quản lý và giám sát các hoạt động này là rất quan trọng và cần thiết đối với nền kinh tế của từng quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung. 3. QUẢN LÝ TIỀN MÃ HÓA CỦA CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI Trên thực tế, các quốc gia có nhiều ý kiến trái chiều về tiền mã hóa, tuy nhiên, hầu hết đều tương đối thận trọng với công cụ tài chính mới này. Ở châu Á, Trung Quốc từng là một trung tâm giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới trước năm 2013. Tuy nhiên, sau đó NHTW Trung Quốc (PBOC) đã cấm các tổ chức tài chính xử lý các giao dịch Bitcoin, cấm các ICO và các sàn giao dịch tiền mật mã trong nước vào năm 2017. Đến 6/2021, Chính phủ Trung Quốc đã cấm tất cả hoạt động khai thác tiền mật mã trong nước, cấm các sàn giao dịch tiền mã hóa và ICO, đồng thời chặn luôn việc truy cập vào các nền tảng giao dịch tiền mã hóa ở nước ngoài và ngừng cung cấp điện cho những thợ đào Bitcoin (9/2021). Như vậy, Trung Quốc hiện nay đang dẫn đầu thế giới về việc tăng cường kiểm soát thị trường tiền mã hóa. Nhật Bản đóng vai trò dẫn đầu sau khi ra mắt hệ thống cấp quyền cho các sàn giao dịch tiền mã hóa trong năm 2017. Bitcoin được chấp nhận như một phương tiện thanh toán ở quốc gia này. Tuy nhiên, việc một sàn giao dịch của Nhật Bản bị tấn công vào cuối tháng 01/2018 đã khiến Cơ quan dịch vụ Tài chính (FSA) nước này phải chú trọng hơn tới việc giám sát. Gần đây, một tổ chức tự quản thị trường đã ra đời nhằm tăng cường an ninh và tính pháp lý của thị trường tiền mã hóa. Hàn Quốc cũng từng là trung tâm giao dịch tiền mã hóa trong năm 2017, hiện đang tăng cường giám sát, nghiên cứu về một bộ quy định quản lý toàn diện cho thị trường tiền mã hóa. Singapore xem loại sản phẩm tài chính này là “một cuộc thử nghiệm”. Các cơ quan quản lý ở Đài Loan thì lại chấp nhận phương pháp chờ và theo dõi thị trường tiền mã hóa (waitand-see approach), trong khi Philippines dự định tung ra quy định quản lý hoạt động ICO vào cuối 2020. Chính phủ Thái Lan đã ban hành 2 Nghị định khẩn cấp (vào đầu năm 2018) liên quan đến hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số, trong đó có tiền mã hóa, và Nghị định sửa đổi về luật thuế, trong đó có chính sách thuế liên quan đến giao dịch tài sản kỹ thuật số. Hai Nghị định này ra đời làm thay đổi tình trạng đầu tư của Thái Lan thông qua việc thu hút một lượng ngày càng nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Theo các Nghị định trên, tài sản kỹ thuật số được chia làm hai loại: tiền mã hóa (digital asset giống với utility token dùng để trao đổi các hàng hóa với nhau) và xu kỹ thuật số (digital token giống với security của các nước Châu Âu và Mỹ). Theo đó, để tiền mã hóa được hiện diện và giao dịch một cách hợp pháp, các nhà phát hành tiền mã hóa trong và ngoài nước phải thông qua cổng Initial Coin Offering (ICO) của Thái Lan để được cấp phép phát hành, để sau đó các nhà đầu tư, thông qua cổng ICO, sẽ mua được tiền mã hóa một cách hợp pháp. Hình thức này cũng giống như sàn giao dịch chứng khoán. Nơi đó cũng có những môi giới hoặc những đại lý tương tự mô hình truyền thống của sàn chứng khoán. Với cách này, hoạt động mua bán, trao đổi tiền mã hóa của Thái Lan sẽ được kiểm soát và Nhà nước Thái Lan có thể thu thuế cho các hoạt động này, nhằm đóng góp cho ngân sách nhà nước. Có rất nhiều loại tiền ảo trên thế giới, nhưng Thái Lan chỉ cho phép 7 loại được giao dịch, trong đó có đồng Bitcoin. Và đối với cá
  5. 820 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM nhân, giao dịch tiền mã hóa thông qua cổng ICO chỉ được giới hạn ở mức 1000 USD cho một lần giao dịch. Do có khung pháp lý điều chỉnh cụ thể, nên các nhà phát hành và đầu tư phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định nếu không muốn bị áp dụng các hình phạt nặng như tiền hoặc tù. Về chính sách thuế đối với các giao dịch về tiền mã hóa, Thái Lan phân biệt thuế đối với giao dịch giữa cá nhân với nhau và thuế đối với giao dịch kêu gọi vốn. Cụ thể, giao dịch tiền mã hóa giữa cá nhân với nhau được xem như hàng hóa và bị đánh thuế giá trị gia tăng, còn các giao dịch kêu gọi vốn thì sẽ bị đánh thuế nhà thầu. Ở châu Âu: Một số quốc gia Châu Âu cho rằng tiền mã hóa không phải là tiền vì nó không mang tính chất truyền thống, và chỉ là một dạng tiền của tư nhân (private currency). Đa số các nước Châu Âu phủ nhận tính tiền tệ của tiền mã hóa do nó không được nhà nước ban hành. Chẳng hạn như ở Thụy sĩ xem tài sản mã hóa như một dạng voucher, ở Pháp thì xem như động sản vô hình. Thật vậy, tại Điều 1 Chỉ thị của Nghị viện Châu Âu số 2018/843 ngày 30/05/2018 quy định tiền mã hóa là một dạng chuỗi kỹ thuật số có giá trị, nhưng không được phát hành hoặc bảo đảm bởi ngân hàng trung ương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tiền mã hóa không có mối liên hệ với tiền pháp định, do đó tiền mã hóa không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên tiền mã hóa được chấp nhận như một phương thức thanh toán cho các giao dịch điện tử. Liên minh Châu Âu (EU) rất quan tâm tới việc tìm phương án giải quyết các vấn đề rủi ro tiền mã hóa, các nhà hoạch định chính sách khối này lo ngại về tình trạng mất việc làm và giảm tăng trưởng kinh tế đối với các nền kinh tế khác nếu họ quản lý quá chặt về vấn đề đổi mới công nghệ. Cơ quan Thị trường Chứng khoán châu Âu (ESMA) đã đề xuất áp đặt các giới hạn lên các sản phẩm phái sinh có liên quan tới tiền mã hóa đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời xem xét cách thức áp dụng quy định MiFID II mới của EU cho các tài sản kỹ thuật số. Chính phủ Anh đang khởi động sáng kiến thành lập một lực lượng đặc nhiệm quản lý giám sát hoạt động giao dịch tiền mã hóa ở nước này. Mục đích là tạo ra một tổ chức trực thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm đánh giá các rủi ro và lợi ích tiềm năng của nó. Sau khi rời khỏi liên minh EU, trong năm 2020, Anh chuyển các quy định 5AMLD và 6AMLD liên quan đến tiền mã hoá thành luật trong nước. Theo đó, các sàn giao dịch phải đăng ký hoạt động với FCA và tuân thủ các quy định phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố (AML/CFT). Tại Nga, từ tháng 1/2018, đã tiết lộ dự thảo luật, theo đó cấm thanh toán bằng tiền mã hóa, nhưng lại cho phép ICO và việc hoán đổi từ tiền mã hóa sang loại tiền truyền thống. Tại Mỹ: Phần lớn hoạt động giao dịch tiền mã hóa lúc đầu đều diễn ra ở những khu vực chưa rõ ràng về mặt pháp lý. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) lập tức tiến hành điều tra mọi thứ liên quan tới tiền mã hóa, từ ICO cho tới các quỹ đầu cơ và sàn giao dịch nhằm hướng tới có biện pháp kiểm soát thị trường này trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, SEC coi tiền mã hoá như một loại chứng khoán và áp dụng luật chứng khoán một cách toàn diện cho các Sàn giao dịch và Ví kỹ thuật số. Sàn giao dịch tiền mã hoá được coi là hợp pháp và được điều chỉnh bởi Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA). Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính (FINCEN) triển khai các biện pháp giám sát giao dịch trên thị trường, triển khai chương trình chống rửa tiền/tài trợ khủng bố (AML/ CFT). Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mật mã phải đăng ký với FINCEN, lưu trữ lịch sử giao dịch và gửi báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền; cơ quan thuế (IRS) ban hành hướng dẫn về thuế cho các gia dịch trên thị trường này. Các quy định về quản lý tiền mã hoá đã dần được bổ sung vào phiên bản cập nhật trong Đạo luật Bảo mật Ngân hàng và các văn bản liên quan khác, theo đó từ 6/2019, FINCEN yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hoá tuân thủ quy định “Travel rule”, thu thập và chia sẻ thông tin về những người khởi tạo, người thụ hưởng trong các giao dịch
  6. Phần 2: Hoàn thiện về Thể chế và Chính sách 821 tiền mã hoá. Đến 12/2020, FINCEN đã đề xuất một quy định mới về tiền mật mã liên quan đến việc thu thập dữ liệu đối với các ví và sàn giao dịch. Quy định dự kiến ​​ được thực hiện vào mùa sẽ thu năm 2022 và sẽ yêu cầu các sàn giao dịch gửi báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR) cho các giao dịch trên 10.000 USD và yêu cầu chủ sở hữu ví xác định danh tính khi gửi hơn 3.000 USD trong một giao dịch. Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Uỷ ban chứng khoán để xây dựng các quy định đối với tiền mã hoá nhằm bảo vệ người tiêu dùng và có các quy định phù hợp, chặt chẽ hơn. Trong năm 2021, Quốc hội cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hoá với các quy tắc mới được đưa vào dự luật cơ sở hạ tầng của Chính phủ. Theo các quy định mới, các sàn giao dịch được coi là nhà môi giới và phải tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu trữ hồ sơ AML/CFT có liên quan. Đầu năm 2023, Chính phủ đưa ra lộ trình giảm thiểu các rủi ro liên quan đến tiền mã hoá và tăng cường sự giám sát thông qua các cơ quan liên quan như Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), Fed và Cơ quan quản lý tiền tệ (OCC). Canada: các cơ quan quản lý cho biết ICO có thể được xem như là chứng khoán và các sản phẩm có liên quan tới tiền kỹ thuật số nên được xem là có rủi ro cao. Cùng lúc đó, các sàn giao dịch chứng khoán nước này bỗng trở thành điểm đến phổ biến dành cho các cổ phiếu và quỹ ETF có liên quan tới tiền mã hóa. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): Trong khi tiền mã hóa có thể gây ra rủi ro, IMF cho rằng công nghệ cơ bản đằng sau chúng có thể là giải pháp để giảm thiểu rủi ro. IMF đề xuất, các giải pháp giảm thiểu rủi ro sẽ mang hình thức công nghệ sổ cái phân tán hoạt động như một chuỗi Blockchain cho phép các tổ chức tài chính và các nhà quản lý điều phối cùng với sinh trắc học và trí tuệ nhân tạo nhằm cải thiện an ninh số và xác định hành vi đáng ngờ. Ngân hàng thế giới (WB): World Bank đang xem xét hết sức thận trọng công nghệ blockchain - nền tảng công nghệ sử dụng “sổ cái phân tán” cho phép giao dịch các tài sản số một cách an toàn. Công nghệ này được kỳ vọng có thể áp dụng tại các quốc gia đang phát triển để theo dõi dòng tiền hiệu quả hơn và giảm nạn tham nhũng. 4. TIỀN MÃ HÓA Ở VIỆT NAM - KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH Tiền mã hoá bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2011 bằng việc một số cá nhân thực hiện việc đầu tư Bitcoin trên các sàn giao dịch quốc tế. Nhưng từ đó đến nay, tại Việt Nam chưa có một quy định hay khung pháp lý riêng nào để quản lý việc giao dịch tiền mã hóa từ phía Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền mã hoá là phương tiện thanh toán; Bộ Công thương không công nhận tiền mã là một loại hàng hóa hay dịch vụ; Bộ Tư pháp không công nhận tiền mã là một loại tài sản. Bộ luật Dân sự 2015 cũng chưa có quy định cụ thể về tài sản ảo, tài sản điện tử; Luật pháp về ngân hàng, về tổ chức tín dụng cũng chưa có quy định quản lý phương tiện thanh toán điện tử này. Tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ mới phát đi thông cáo báo chí, trong đó lưu ý rằng: “Việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ”. Mặc dù không được thừa nhận, nhưng tiền mật mã cũng không hoàn toàn bị cấm tại Việt Nam. Các loại tiền mã hoá trên thế giới như BitCoin, Ethereum, Litecoin và Ripple.v.v. đều đã xuất hiện và được giao dịch tại Việt Nam. Nó đã và đang trở thành một loại tài sản, phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn tại Việt Nam. Thống kê của Statista 2022 cho thấy, Việt Nam xếp hạng 7/10 quốc gia về tỷ lệ sử dụng hoặc sở hữu tiền mã hoá. Người dùng ở Việt Nam liên tiếp đứng hạng 1 trong xếp hạng về mức độ chấp nhận sử dụng tiền mật mã theo báo cáo của Chainalysis (2022). Chính vì thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý đối với tiền mã hoá nên đã có
  7. 822 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM nhiều bất cập đã xảy ra gây tranh cãi, nhiều hệ luỵ xảy ra liên quan đến các hoạt động giao dịch tiền mã hoá, các hành lừa đảo gây tổn hại cho người tiêu dùng tài chính. Có thể xem vụ việc điển hình sau đây (hộp 1): Hộp 1: Vụ kiện về truy thu thuế tiền mã hóa tại tỉnh Bến Tre giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Việt Cường và bị đơn là Chi cục thuế Thành phố Bến Tre và Cục thuế tỉnh Bến Tre. Giữa năm 2008, ông Cường tham gia trao đổi tiền mã hóa (Bitcoin) qua mạng Internet. Đến tháng 9/2013, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre đã nhiều lần mời ông đến làm việc về các hoạt động liên quan đến việc trao đổi tiền mã hóa này và kết luận trường hợp kinh doanh của ông không phải là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ngày 19/10/2015, cơ quan này đã có công văn gửi các ban, ngành và Chi cục Thuế Thành phố Bến Tre đề nghị xử lý hành chính đối với hành vi mua bán tiền ảo của ông. Ngày 12-5-2016, Chi cục Thuế Thành phố Bến Tre đã ra Quyết định 714 “Về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả” và buộc ông Cường phải nộp hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tổng cộng hơn 2,6 tỉ đồng. Riêng đối với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cường thì Chi cục thuế không xử phạt do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng Internet là một loại hình mới phát sinh, nên chưa kịp được hướng dẫn trong các văn bản áp dụng thu thuế. Đến ngày 10-8-2016, ông Cường khiếu nại, yêu cầu Chi cục Thuế TP Bến Tre thu hồi Quyết định 714. Ông Cường cho rằng hình thức kinh doanh này không phạm pháp luật Việt Nam, kể cả pháp luật về thuế chưa có quy định và điều chỉnh. Do loại hình kinh doanh tiền mã hóa không được coi là hàng hóa để đăng ký kinh doanh thương mại theo Nghị định 53/2013 ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử nên ông không thể đăng ký được tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre. Vì thế, ông không thực hiện được chế độ chứng từ, hóa đơn, cũng như kê khai nộp thuế vì hình thức kinh doanh chưa có tên và chưa có mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh Việt Nam. Hơn nữa, Chi cục Thuế Thành phố Bến Tre áp dụng văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính không phải là văn bản pháp quy để áp dụng truy thu thuế. Ngày 7/9/2016, Chi cục Thuế Thành phố Bến Tre đã ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và bác đơn của ông Cường. Chi cục Thuế Thành phố Bến Tre cho rằng “… Hành vi mua bán tiền kỹ thuật số không phải là hành vi bị cấm. Người sở hữu tiền kỹ thuật số, có quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự nên thuộc “quyền tài sản” theo Điều 181 BLDS… Do vậy, tiền kỹ thuật số là “tài sản” theo Điều 163 BLDS và là “hàng hóa” động sản theo Điều 3 Luật Thương mại… Hoạt động mua, bán tiền kỹ thuậtsố là hoạt động mua, bán hàng hóa và xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại”. Không đồng ý với quyết định trên, ông Cường tiếp tục khiếu nại. Ngày 18/5/2017, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Theo đó, cho rằng hoạt động mua bán tiền mã hóa là hoạt động mua bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 3 và không thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng; cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Do đó, ông Cường có trách nhiệm thực hiện theo các quyết định của Chi cục Thuế Thành phố Bến Tre, tức thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre do Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre Bùi Quang Sơn làm chủ toạ đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Cường, huỷ các quyết định về việc truy thu thuế đối với ông. Theo Hội đồng xét xử, hiện chưa có luật công nhận tiền mã hóa Bitcoin là hàng hoá. Việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận loại tiền này là hàng hoá trong khi đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền này chỉ mới đang được xây dựng. Việc truy thu thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng hoạt động quản lý tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán chuyển tiển cho các giao dịch bất hợp pháp. Từ thực tiễn đang diễn ra trên thế giới và tại Việt nam, để quản lý giám sát hiệu quả tiền mã hóa ở Việt Nam cần triển khai thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, cần xác định rõ tiền mã hóa là gì? Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì tiền mã hóa có được xem là hàng hóa hay không để có thể giao dịch và tiến hành thu thuế cho các giao dịch đó? Liệu tiền mã hóa có thể coi là tiền hay một loại tài sản tài chính không? Liệu tiền mã hóa có được xem như một phương tiện thanh toán? Trả lời được các câu hỏi trên sẽ đưa
  8. Phần 2: Hoàn thiện về Thể chế và Chính sách 823 ra được chính sách phân định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành phù hợp. Thứ hai, Dù công nhận tiền mã hóa là hàng hóa hay là một tài sản tài chính, cần có những nghiên cứu toàn diện và khoa học để có cơ chế giám sát chặt chẽ, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, dần dần khắc chế các nhược điểm và đẩy mạnh khai thác những ưu điểm của tiền mã hóa, phát triển thành công cụ hữu hiệu cho nền tài chính thời đại mới, bắt kịp tốc độ công nghiệp hóa của cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ ba, nên tận dụng thế mạnh của công nghệ đằng sau tiền mã hóa thay vì tập trung nhiều vào việc thắt chặt quá mức cần thiết loại tiền này. Công nghệ blockchain mang lại nhiều lợi thế cho hệ thống tài chính, đặc biệt là đối với hệ thống thanh toán. Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát đối với các giao dịch liên quan tới tiền mã hóa xuyên biên giới. Cuối cùng, cần có khung pháp lý hoàn thiện chỉ định rõ ràng, giúp doanh nghiệp và người dân có cái nhìn đầy đủ hơn về tiền mã hóa và công nghệ Blockchain. Từ việc xem xét kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn Việt Nam thời gian qua, chúng ta thấy rằng: việc thừa nhận tiền mã hóa là điều thật sự cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập toàn cầu và đối diện với nền công nghiệp 4.0. Nhưng thừa nhận ở mức độ nào và xây dựng khung pháp lý như thế nào để kiểm soát và quản lý nó một cách hiệu quả mới là điều mà chúng ta quan tâm. Với những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, tiền mã hóa đã hoàn toàn có thể và phải được xem là hàng hóa trong giao dịch dân sự. Và như vậy, mặc dù không có chức năng thanh toán, nhưng tiền mã hóa có thể được giao dịch như một loại chứng khoán theo mô hình của Thái Lan, để từ đó Nhà nước có thể quy định điều kiện phát hành, tham gia đầu tư, mua bán trao đổi tiền mã hóa trên các sàn giao dịch. Thu nhập có được từ hoạt động đầu tư tiền mã hóa sẽ được đánh thuế thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp, tùy chủ thể nào tham gia. Từ đó, Nhà nước có thể kiểm soát tốt các giao dịch liên quan đến loại tài sản đặc biệt này, góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân. Bằng cách đó, Nhà nước cũng có thể kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mã hóa cho các hoạt động phi pháp như tài trợ khủng bố, rửa tiền, lừa đảo… 5. KẾT LUẬN Dù có cố tình phủ nhận hay công nhận thì dưới góc độ kinh tế hay dưới góc độ kỹ thuật, tiền mã hóa vẫn tồn tại, và giao dịch mua bán, trao đổi tiền mã hóa vẫn đang diễn ra rất sôi động trên thế giới. Thực tế cho thấy, trên các sàn giao dịch quốc tế về tiền mã hóa, Việt Nam lại nằm trong số 10 quốc gia giao dịch về tiền mã hóa nhiều nhất trên thế giới. Tiền mã hóa hiện đang là cơn sốt cho giới tài chính nói riêng và cho toàn nền kinh tế nói chung. Bên cạnh những ích lợi, chúng còn tiềm tàng nhiều rủi ro có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đáng lo ngại cho nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, cần có phương pháp quản lý, giám sát đúng đắn để không những phòng ngừa rủi ro mà còn khai thác hiệu quả tiềm năng của các công cụ tài chính thời đại mới này, góp phần phát triển nền kinh tế, làm tiền đề đẩy mạnh tiến độ hoàn thành cách mạng công nghiệp 4.0.
  9. 824 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chainalysis (2022), The 2022 Geography of Cryptocurrency Report. https://blog.chainalysis.com/ reports/2022-global-crypto-adoption-index/ 2. FINMA (2018). Guidelines for enquiries regarding the regulatory framework for initial coin offerings (ICOs) 3. Kharpal Arjun (27/02/2018), “There’s a $799 hack-proof smartphone designed to keep your cryptocurrencies safe”, CNBC, được download tại địa chỉ https://www.cnbc.com/2018/02/27/sikur- cryptocurrency-wallet-smartphone.html 4. White Adam, (16/12/2017), GDAX’s White Sees growing Interest in Digital 5. Currencies, Bloomberg Technology. 6. Möbert Jochen, Bitcoin: Myths, misconceptions and misunderstandings, 09/02/2018, EU Monitor Global financial markets, Deutsche Bank research. 7. Mark Gates. (2018). Bản chất của blockchain, Bitcoin, hợp đồng thông minh và tương lai của tiền tệ. NXB Lao động 8. TS. Nguyễn Thị Ngọc Huyền. (2018). Bitcoin và những vấn đề đặt ra. Tạp chí tài chính. http://m. tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binhluan/bitcoin-va-nhung-van-de-dat-ra-142519.html 9. Võ Hữu Phước, TS. Võ Thị Quý. (2017). Tiền ảo Bitcoin và một số khuyến nghị chính sách quản lý tại Việt Nam. Tạp chí tài chính. http://m.tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/tien-ao-bitcoin-va-motso- khuyen-nghi-chinh-sach-quan-ly-tien-ao-o-vietnam-128885.html 10. Các nước đang quản lý tiền kỹ thuật số như thế nào? (2018). https://vietstock.vn/2018/03/cacnuoc- dang-quan-ly-tien-ky-thuat-so-nhu-thenao-4309-589059.htm 11. Việt Nam: Chính phủ ‘mạnh tay với tiền ảo’. (2018). https://www.bbc.com/vietnamese/business- 43754321
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0