Vận dụng phương pháp giáo dục tích cực trong tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ mẫu giáo
lượt xem 4
download
Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất quy trình lựa chọn và vận dụng phương pháp giáo dục tích cực phù hợp với thực tiễn giáo dục mầm non ở nước ta hiện nay. Kết quả nghiên cứu của bài viết có thể làm cơ sở khoa học cho giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non tham khảo vận dụng vào thực tiễn giáo dục. Mời các bạn tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Vận dụng phương pháp giáo dục tích cực trong tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ mẫu giáo
- VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TÍCH CỰC TRONG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC CHO TRẺ MẪU GIÁO ThS. Lê Thị Hường1 PGS.TS. Bùi Văn Hồng2 Tóm tắt: Ngày nay, có rất nhiều phương pháp giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện theo định hướng năng lực đang được áp dụng phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Trong đó, đối với giáo dục trẻ mẫu giáo, việc lựa chọn và vận dụng phù hợp phương pháp giáo dục tích cực có ý nghĩa quan trọng đến quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu về nhóm các phương pháp giáo dục tích cực trong giáo dục đặc điểm nhận thức của trẻ mẫu giáo, môi trường và điều kiện tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất quy trình lựa chọn và vận dụng phương pháp giáo dục tích cực phù hợp với thực tiễn giáo dục mầm non ở nước ta hiện nay. Kết quả nghiên cứu của bài viết có thể làm cơ sở khoa học cho giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non tham khảo vận dụng vào thực tiễn giáo dục. Từ khóa: Phương pháp giáo dục tích cực, Qui trình, Hoạt động nhận thức, Trẻ mẫu giáo. 1. Đặt vấn đề Nghị quyết số 29/NQ-BGDĐT về “Đổi mới toàn diện giáo dục” đã nêu rõ quan điểm hướng đến phát triển năng lực người học. Giáo dục mầm non với mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ trong đó nhu cầu con trẻ thông minh, linh hoạt, nhận thức tốt, giao tiếp tốt của đại đa số cha mẹ là mong muốn chính yếu trong giai đoạn công nghệ 4.0. Đó cũng là kỳ vọng là xu thế chung của thế giới về những đứa trẻ tương lai. Gần đây xuất hiện khá nhiều phương pháp giáo dục tích cực (PPGDTC) nhằm phát triển năng lực nhận thức cho trẻ. Hầu hết các nghiên cứu đều hướng đến việc kích thích não bộ, khai mở các tiềm năng thuộc về não phải trong giai đoạn sớm. Tác giả nghiên cứu tìm hiểu về cơ sở luận của nhóm các PPGDTC thông qua sử dụng 1 Trường Mầm non Gấu Trúc, Địa chỉ: 629/7 Huỳnh Tấn Phát, Phú Xuân, Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh; Số ĐT: 0983151541; Email: hoaco1522017@gmail.com. 2 Viện Sư phạm kỹ thuật, TP. Hồ Chí Minh, Địa chỉ: 484 Lê Văn Việt, Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh, ĐT: 0903686912, Email: hongbv@hcmute.edu.vn.
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 298 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành phương pháp nghiên cứu, phân tích tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu cả trong và ngoài nước, bên cạnh có những điều tra sơ bộ về thực trạng nhận thức của trẻ mẫu giáo. Trên cơ sở đó xây dựng qui trình vận dụng PPGDTC trong tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ mẫu giáo sao cho phù hợp giúp phát triển năng lực nhận thức cho trẻ một cách hiệu quả và chất lượng. 2. Một số khái niệm liên quan 2.1 Phương pháp giáo dục và phương pháp giáo dục tích cực - Các tài liệu về giáo dục, giáo dục học theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau có những khái quát khác nhau về khái niệm “Phương pháp giáo dục” (PPGD). Theo tác giả Phan Thị Hồng Vinh (2010), hiểu theo nghĩa chung nhất phương pháp là cách thức đạt tới mục tiêu, là hoạt động được sắp xếp theo một trình tự nhất định, là cách thức hoạt động nhằm đạt được mục đích [9]. Hoặc theo Từ điển giáo dục học của nhóm tác giả Nguyễn Văn Giao (2001) Phương pháp giáo dục là cách thức sử dụng các nguồn lực trong giáo dục như giáo viên, trường lớp, dụng cụ học tập, các phương tiện vật chất để giáo dục người học [6]. Vậy chúng ta có thể hiểu Phương pháp giáo dục là hệ thống tác động của giáo viên đến trẻ thông qua việc tổ chức hoạt động nhằm phát triển năng lực nhận thức cho trẻ. - Khái niệm PPGDTC tiếp tục được mở rộng được khái quát bởi nhiều tài liệu thông qua nhiều góc độ khác nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2018), đầu tiên nên hiểu “tích cực” là tỏ ra chủ động, có những hoạt động tạo ra sự biến đổi theo hướng phát triển; tỏ ra nhiệt tình, đem hết khả năng và tâm trí vào công việc [8]. Vậy có thể hiểu Phương pháp giáo dục tích cực ở đây là hệ thống những tác động của giáo viên lên trẻ nhằm giúp trẻ biết chủ động, hoạt động nhiệt tình, dồn hết khả năng và tâm trí vào việc giải quyết công việc. 2.2. Nhận thức, hoạt động nhận thức và tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ Khái niệm “Nhận thức” được các tài liệu về tâm lý học, về giáo dục học phân tích khái quát theo nhiều khía cạnh khác nhau. Trong chuyên đề Tâm lý học nhận thức của tác giả Nguyễn Văn Tường (2010) phân tích khá rõ về nhiều cách hiểu đối với khái niệm nhận thức, cuối cùng tác giả nhận định “Nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan trong ý thức của con người, nhận thức bao gồm: nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính, chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau và cơ sở, mục đích và tiêu chuẩn của nhận thức là thực tiễn xã hội” [7]. Hoặc theo quan điểm triết học Mác - Lênin, “Nhận thức là quá trình phản ánh biện chứng hiện thực khách quan vào trong bộ óc của con người, có tính tích cực, năng động, sáng tạo, trên cơ sở thực tiễn” [10]. Vậy ở đây ta nên hiểu “nhận thức” ở trẻ là sự phản ánh thế giới xung
- Phần 3. ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC 299 quanh vào trong ý thức trẻ. Trẻ tiếp nhận tất cả thế giới xung quanh thông qua các giác quan và được phản ánh một cách sáng tạo linh hoạt trong ý thức của trẻ. Khái niệm “Hoạt động nhận thức” cũng được nói rất nhiều trong các tài liệu giáo dục, giáo dục mầm non trong và ngoài nước. Đầu tiên nên hiểu hoạt động là gì? Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2018), có thể hiểu hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người (chủ thể) và thế giới (khách thể) để tạo ra sản phẩm nào đó [8]. Theo khá nhiều tài liệu phân tích hoạt động nhận thức là một hoạt động bao gồm các thuộc tính tâm lý như tưởng tượng, tư duy, tri giác và cảm giác. Theo một trang nước ngoài thì hoạt động nhận thức là các hoạt động cấp cao như giải quyết vấn đề, ra quyết định và đưa ra ý nghĩa liên quan đến việc sử dụng, làm việc và suy nghĩ với thông tin. Vậy mở rộng khái niệm ta có thể hiểu hoạt động nhận thức của trẻ mẫu giáo là mối quan hệ tác động qua lại giữa trẻ và các hoạt động bên ngoài thông qua việc giải quyết vấn đề, ra quyết định đối với thông tin mà trẻ tiếp nhận. Khái niệm “tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ”, là một trong những khái niệm thuộc phạm trù của ngành quản lý giáo dục. Cũng theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2018), khái niệm “Tổ chức” là sắp xếp các chi tiết thành một tổng thể có cấu trúc hoặc chuẩn bị cho một sự kiện hoặc hoạt động [8]. Vậy Tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ là sắp xắp các công việc, nhiều chi tiết chuẩn bị cho hoạt động nhận thức của trẻ đạt kết quả. 3. Một số phương pháp giáo dục tích cực nhằm phát triển năng lực nhận thức cho trẻ mẫu giáo Gần đây trên thế giới đang có xu hướng vận dụng một số các PPGD tích cực dành cho trẻ lứa tuổi mầm non. Sau khi nghiên cứu khá nhiều tài liệu trong và ngoài nước, tác giả nhận thấy tựu chung có hai hướng chính. Thứ nhất: các PPGDTC xuất phát từ các nghiên cứu công bố về não bộ, đặc biệt là não phải trong giai đoạn từ 0-6 tuổi. Thứ hai: các PPGDTC xuất phát từ những kinh nghiệm nuôi dạy con trong gia đình trên thế giới. Trong bài viết tác giả tạm chia hai hướng nghiên cứu thành 2 nhóm PPGDTC. 3.1. Nhóm phương pháp giáo dục tích cực xuất phát từ các nghiên cứu về não trong giai đoạn từ 0-6 tuổi Theo nghiên cứu của nhiều tác giả về não như: A.R.Luria (1973); Roger Wolcott Sperry (1960); Jill Bolte Taylor (2009); Robert Winston (2016); Tony Buzan (2011) và nhiều tác giả khác đều cho rằng hai bán cầu não có chức năng riêng biệt. Bên não trái chịu trách nhiệm, điều khiển chi phối các hoạt động thuộc về tư duy phân tích mang tính lý tính, não phải chịu trách nhiệm chi phối điều khiển các hoạt động thuộc về
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 300 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành cảm xúc hay sáng tạo. Hai bên tuy có chức năng khác nhau đối lập nhưng hoạt động bổ trợ lẫn nhau trong một chỉnh thể tinh vi. Cũng theo hướng nghiên cứu đó, một số tác giả đi sâu nghiên cứu về hoạt động chức năng của não phải trong giai đoạn từ 0-6 tuổi như Maria Montessori (1950); Daniel H. Pink (2007); Glenn Doman (1950), Daniel Siegel-TinaPayne Bryson (2006); Chales H. Cranford (2014); Makoto Shichida (1960) đều chung nhận định: Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn vàng để phát triển não phải. Hầu hết các tố chất thiên bẩm đều thuộc về não phải, nếu bỏ qua giai đoạn này không có những tác động kịp, đúng thì các tố chất đó sẽ không được kích hoạt hoặc sẽ thui chột. [1.2.5] Xuất phát từ cơ sở khoa học về nghiên cứu não bộ đặc biệt là chức năng não phải trong giai đoạn 0-6 tuổi rất nhiều tác giả đi sâu nghiên cứu tìm các PPGDTC nhằm tác động vào não bộ đứa trẻ ngay từ giai đoạn thai kỳ, giúp kích hoạt tối ưu chức năng não phải, giúp cân bằng hai bán cầu não. Trong số đó có thể kể như: PPGDTC của tác giả Maria Montessori, Glenn Doman, Shichida và một số phương pháp của nhiều tác giả khác như Phùng Đức Toàn (Trung Quốc), Charles H. Cranford (Mỹ). Sau khi nghiên cứu các tài liệu theo nhóm này tác giả nhận ra rằng: Các vấn đề thuộc về nhận thức xuất phát từ bộ não. Các tiềm năng tố chất mang tính sáng tạo, hầu như đều tập trung ở não phải. Điều quan trọng hơn là não phải sẽ phát triển tối ưu nhất khi được kích thích trong giai đoạn trẻ từ 0 – 6 tuổi. Các nhà nghiên cứu gọi là “Giai đoạn vàng” để phát triển não bộ. Mặt khác 5 giác quan (thị, thính, khứu, vị, xúc giác) là trung gian truyền tải thông tin qua lại giữa não và thế giới bên ngoài. Do đó để giúp trẻ phát triển các yếu tố thuộc về nhận thức các nhà giáo dục nên có những phương pháp giáo dục tích cực nhằm kích thích các giác quan được luyện tập, được trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Qua quá trình đó mức độ cảm nhận của các giác quan ngày càng trở nên tinh vi hơn, nhạy bén hơn. Khi các giác quan cảm nhận càng tốt về bản chất của sự vật hiện tượng thì trên não quá trình phân tích, nhận thức càng tốt bấy nhiêu. 3.2. Nhóm phương pháp giáo dục tích cực xuất phát từ những kinh nghiệm nuôi dạy con đạt kết quả Hướng này có rất nhiều chia sẻ, tác phẩm, tài liệu cả trong và ngoài nước, đặc biệt một số nghiên cứu đại diện như Phương pháp dạy con của người Do Thái của Trần Hân (2013), Phương pháp giáo dục con của người Nhật của Sugiyama Kouichi (2013), của Kokyuawo, Mika Wakuda (2017), Phương pháp giáo dục con ở Mỹ của Trần Hân (2013), Machado, Giang Quân (2006), ở Việt Nam của tác giả Hồ Thị Hải Âu (2015) và nhiều phương pháp giáo dục con ở nhiều nước khác. [3,4] Nhìn chung, các phương pháp giáo dục theo hướng này thường theo những
- Phần 3. ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC 301 kinh nghiệm truyền thống, theo nhận thức và mong muốn riêng về cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ. Tựu chung con cái của họ đều đạt được theo mong mỏi của họ, đều ít nhiều được xã hội thừa nhận là thiên tài thần đồng. Nhưng trên hết, điều mà tác giả nhận thấy ở nhóm phương pháp này đó là tình yêu thương bao la với con, nhưng đồng thời khá nghiêm khắc trong cách dạy con. Họ tạo mọi điều kiện, môi trường để con cái được trải nghiệm một cách thoả thích, họ luôn để trẻ có thời gian suy nghĩ cách giải quyết vấn đề của con, họ chỉ quan sát và giúp đỡ khi cần thiết hoặc khi con yêu cầu giúp đỡ. Họ muốn hình thành tính tự lập, tự liệu định lo toan, tự lên kế hoạch mọi thứ ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng họ luôn kiên nhẫn lắng nghe con giãi bày khó khăn hay bất kỳ nguyện vọng ý tưởng nào dù là “điên rồ hay vớ vẩn” nhất của trẻ. Cũng chính cách “thả lỏng” có chủ ý đó trẻ vô tình được hoạt động một cách chủ động tích cực, não bộ luôn phải làm việc, nhờ đó não được kích hoạt tối ưu, đồng thời các thao tác kỹ năng mà ngày nay các nhà giáo dục hay gọi là kỹ năng sống có cơ hội được rèn luyện ngày càng thành thạo. Có thể thấy, mỗi cha mẹ ở mỗi đất nước dân tộc khác nhau trên thế giới đều có những cách dạy con ít nhiều có những khác nhau nhưng nhìn chung họ đều nhận thức được giá trị, tầm quan trọng của giai đoạn sơ khai từ 0-6 tuổi là một giai đoạn rất quan trọng. Họ đều có những chuẩn bị tốt, tìm hiểu đọc rất nhiều tài liệu, tự đúc kết áp dụng dạy riêng phù hợp với trường hợp cụ thể của con mình. Họ tập trung tìm mọi cách để phát triển 5 giác quan cơ bản như thính, thị, khứu, xúc, vị giác của trẻ bằng cách tạo điều kiện môi trường kích thích để trẻ được trải nghiệm luyện tập các giác quan, giúp các giác quan phát triển và đạt đến độ cảm thụ cảm nhận tốt nhất tinh tế nhất. Điều cốt lõi cuối cùng, con cái đều phát triển rất tốt các yếu tố về tư duy, trí tuệ, các phẩm chất tích cực từ rất sớm, có thể nhận thức, tiếp thu rất tốt về ngôn ngữ, về âm nhạc, nghệ thuật, vận động trở thành những đứa trẻ xuất chúng trong xã hội. Đánh giá chung về cả hai nhóm phương pháp giáo dục tác giả thấy rằng, giai đoạn trẻ mầm non là giai đoạn quan trọng, mọi sự hình thành phát triển tích cực hay không đều ở đây. Dù xuất phát từ cơ sở nào thì cũng đều đúng với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và những cơ sở khoa học não bộ. Các PPGDTC trên đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, tất cả đều không phải là chìa khóa vạn năng, do đó nó chỉ trở nên hiệu quả nếu vận dụng một cách đúng, hợp lý với bối cảnh cụ thể. 4. Thực trạng tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ tại trường mầm non Bằng phương pháp thu thập thông tin từ nhiều nguồn như tài liệu, báo cáo, hệ thống sổ của giáo viên mầm non (GVMN) và phương pháp khảo sát bảng hỏi với 5 trường mầm non tại 5 quận huyện của TP. Hồ Chí Minh, tác giả tìm hiểu về thực
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 302 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành trạng tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ tại trường mầm non. Để tìm hiểu thực trạng tác giả tập trung khảo sát: trình độ năng lực giáo viên mầm non; điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường để tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ; các yếu tố liên quan đến phương pháp tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ. Sau đây là một số kết quả và nhận định về thực trạng: 4.1. Trình độ năng lực giáo viên mầm non hiện nay Qua nguồn tài liệu là báo cáo số liệu hằng năm của Phòng Giáo dục và trường mầm non tác giả tìm hiểu mặt bằng trình độ về bằng cấp (với tiêu chí đạt chuẩn và trên chuẩn) của giáo viên, mặt khác qua khảo sát 130 đối tượng là giáo viên bằng bảng hỏi riêng để thẩm định lại mức độ trung thực trong các báo cáo so với thực tế và quan trọng đánh giá năng lực thực của giáo viên thể hiện qua việc có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, tự cập nhật thông tin chuyên môn thường xuyên qua các kênh thông tin hay không. Về kết quả trình độ, năng lực đội ngũ giáo viên: Mặt bằng chung trình độ đạt chuẩn trình độ trung cấp mầm non 100%, cao đẳng, đại học đạt 43%, cao học đạt 0,5%. Nếu so sánh mặt bằng chung về trình độ của GVMN với các nước trên thế giới là rất hạn chế. Ở các nước có nền giáo dục phát triển, GVMN phải đạt trình độ từ đại học trở lên hoặc từ thạc sĩ. Về năng lực của GVMN nhìn chung khá thụ động trong sáng tạo, ý thức tự nâng cao năng lực, tự học tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn còn khá hạn chế. Thêm vào đó theo khảo sát gần đây về thực trạng năng lực tự học của giáo viên, cụ thể hơn là khảo sát về năng lực của giáo viên mầm non tại huyện Nhà Bè của tác giả Lê Thị Hường (3/2019) trong bài “Nâng cao năng lực tự học cho giáo viên trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện chương trình phổ thông mới” cho rằng năng lực giáo viên mầm non còn hạn chế [11]. Điều này ảnh hưởng đến khả năng vận dụng mang tính mới sáng tạo khi tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ. 4.2. Khảo sát thực trạng điều kiện cơ sở vật chất, môi trường tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ tại trường mầm non Qua quan sát và các tài liệu báo cáo của 5 trường mầm non, của các Phòng Giáo dục và phỏng vấn các lãnh đạo, quản lý trường, tác giả tìm hiểu các số liệu về xây dựng, về qui hoạch cùng các thiết kế của trường, tìm các nguồn kinh phí xây dựng, trùng tu trường. Kết quả sơ bộ: 4/5 cơ sở trường lớp xuống cấp, phòng học chật so với sỉ số trẻ (45-55/lớp/40-50m2); Sân chơi đa phần đều thiết kế theo kiểu bê tông hoá, thiếu diện tích sân cho trẻ vận động tự do và khám phá thiên nhiên; 3/5 cơ sở thành lập trên 10 năm nên màu sắc cũ, 5/5 cơ sở được xây dựng bằng nguồn kinh phí của giáo dục. Thường kinh phí đầu tư thuộc về cơ quan nhà nước thì khả năng
- Phần 3. ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC 303 quyết toán nhanh các khoản sửa chữa là chậm nên vấn đề xuống cấp nhanh là một hạn chế. Kết quả khảo sát cho thấy cơ sở vật chất và các điều kiện về môi trường là khá hạn chế ảnh hưởng không ít đến việc tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ. Ví dụ sân chơi phần nhiều là bê tông sẽ hạn chế việc trẻ khám phá, hạn chế nhận thức của trẻ, sĩ số trẻ đông không đảm bảo hiệu quả trong việc giáo viên bao quát tốt trẻ khi tổ chức hoạt động. 4.3. Các yếu tố về phương pháp tổ chức hoạt động nhận thức Qua nguồn tài liệu chuyên môn mầm non, tài liệu sổ sách của giáo viên, qua quan sát trực tiếp hoạt động của cô và trẻ tác giả có những ghi nhận: - Nội dung: Vẫn chú trọng cung cấp kiến thức hơn là rèn các kỹ năng nhận thức cho trẻ. Không chú trọng tạo điều kiện, tình huống, môi trường cho trẻ được thể hiện, được trải nghiệm, được sáng tạo tự do theo cách của trẻ. Vẫn bó hẹp trong khuôn khổ các tiết học hơn là một hoạt động đúng nghĩa. - Phương pháp: Vẫn lồng ghép các phương pháp giáo dục nhưng nhìn chung lượng hoạt động của trẻ vẫn không nhiều, giáo viên vẫn theo cách giảng giải quá nhiều. Tỉ lệ trẻ thụ động còn cao trong các hoạt động. Chưa thực sự động viên kích thích được tính khám phá, sáng tạo tích cực chủ động của trẻ. - Hình thức: Vẫn nặng hình thức trao đổi tương tác hai chiều, cô hỏi trẻ trả lời, giáo viên chưa mạnh dạn buông thả cho trẻ hoạt động tự do khám phá theo cách của trẻ. Hình thức tập thể lớp học vẫn chủ đạo hơn là một gia đình lớn thu nhỏ. Hoạt động vẫn còn thể hiện sự thụ động gò bó khuôn khổ. - Cách đánh giá: Còn đơn điệu và chỉ thuần đánh giá mặt thể chất thông qua các số liệu cân đo hàng tháng. Còn các mặt về nhận thức giáo viên nhận xét khá qua loa thể hiện trong sổ bé ngoan của trẻ hàng tháng. - Kết quả trên trẻ: Khá mờ nhạt, trẻ hầu như thụ động, khả năng giải quyết tình huống có vấn đề hạn chế, các thao tác kỹ năng về tư duy còn khá chậm, thiếu linh hoạt, sáng tạo, hoạt động thiếu tính tích cực, chủ động, khám phá, thường có tâm lý ỷ lại, mệt mỏi trông chờ cô. Trên đây chỉ là những đánh giá đúc kết sơ lược về thực trạng tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ trong trường mầm non xét ở vài khía cạnh để từ đó có hướng giải pháp một cách cụ thể. Sau đây là một trong những giải pháp cho thực trạng trên.
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 304 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành 5. Vận dụng phương pháp giáo dục tích cực trong tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ mẫu giáo Căn cứ vào tổng quan sơ bộ về các PPGDTC, về tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ và thực trạng tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ tại trường mầm non, bài viết đề xuất qui trình vận dụng các PPGDTC trong tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ mẫu giáo như sau: Mục đích: Giúp trẻ thông minh, linh hoạt giải quyết các tình huống có vấn đề, tích cực chủ động sáng tạo trong các hoạt động, khám phá tìm tòi thế giới xung quanh. Nội dung - Hình thành và phát triển các kỹ năng, thao tác về tư duy nhận thức vấn đề như: phân tích, so sánh, quan sát, khái quát hóa, tổng hợp, ghi nhớ, chú ý… - Phát triển khả năng cảm nhận ở mức tốt nhất cho 5 cơ quan cảm giác (khứu, thính, thị, vị và xúc giác). - Rèn luyện tính tích cực, tự chủ tự lập thông qua các các hoạt động nhận thức. Phương pháp - Phương pháp trực quan: Trẻ được quan sát, được tiếp xúc với các tác nhân, môi trường kích thích để rèn luyện các giác quan. - Phương pháp thực hành: Trẻ được trải nghiệm thường xuyên liên tục trong môi trường kích thích để tăng độ cảm nhận cảm thụ của các cơ quan cảm giác lên mức tốt nhất. - Phương pháp dùng lời: Trẻ được tự do thảo luận trao đổi thông tin, kiến thức, cách thức… trong quá trình hoạt động. - Phương pháp động viên, khuyến khích: Trẻ được khuyến khích mạnh dạn khám phá, sáng tạo, tích cực chủ động trong mọi hoạt động. - Phương pháp vết dầu loang: Trẻ được thể hiện bản thân, được chỉ dạy lại bạn hoặc các bạn nhỏ hơn yếu kém hơn. Hình thức - Linh hoạt thay đổi nhiều hình thức khác nhau, chủ đạo là hoạt động theo nhóm, nhóm vừa khoảng 7-8 trẻ và nhóm nhỏ khoảng 3-4 trẻ. Trong nhóm nên duy trì vai trò của “thủ lĩnh” hạn chế vai trò của giáo viên trong nhóm chơi của trẻ. Giáo viên chỉ đóng vai trò người giám sát và hỗ trợ khi trẻ yêu cầu hoặc trong những tình huống nguy hiểm nào đó vượt quá khả năng giải quyết của trẻ.
- Phần 3. ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC 305 Cách đánh giá - Giáo viên phải quan sát, chú ý sự biến chuyển thay đổi của trẻ mỗi ngày thông qua cách giải quyết vấn đề, cách vận dụng các thao tác kỹ năng hoạt động nhóm, cách diễn đạt ý tưởng và các ý tưởng của trẻ, tính tích cực, linh hoạt khi khám phá giải quyết tình huống. - Giáo viên ghi chép cập nhật, chú thích ngay, thường xuyên, kịp thời một cách ngắn gọn, dễ hiểu khi quan sát trẻ. - Giáo viên lập các phác đồ thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức của trẻ theo giai đoạn tính bằng tuần. - Thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình về tình trạng nhận thức của trẻ tại nhà để có thêm cơ sở đánh giá, tìm nguyên nhân để có cách thức, hình thức linh hoạt tác động đến trẻ có hiệu quả hơn trong các hoạt động tiếp theo. Tiêu chí đánh giá Dựa trên 5 tiêu chí cơ bản: - Mức độ cảm nhận, cảm thụ, nhận biết của 5 cơ quan cảm giác: Ví dụ về vị giác trẻ nhận biết được càng nhiều vị càng tốt, về thính giác trẻ cảm nhận, nhận biết được nhiều âm thanh khác nhau, về thị giác cảm nhận, nhận biết nhiều màu sắc hình dạng khác nhau của hình ảnh vạn vật, về xúc giác nhận biết nhiều đặc điểm tính chất của sự vật thông qua tiếp xúc với bề mặt của vật. - Mức độ phát triển các kỹ năng thao tác tư duy: Ví dụ về kỹ năng quan sát: trẻ quan sát qua loa hay chăm chú, kỹ năng phân tích vấn đề: trẻ đưa ra nhiều giải thích, nhận định hay ít, kỹ năng tổng hợp khái quát: trẻ gọi tên sự vật có mang nhiều đặc điểm chung, đặc trưng cho nhóm hay không. - Mức độ linh hoạt trong giải quyết vấn đề: Cách giải quyết của trẻ có kịp thời, có tối ưu cho tình huống hay không, có quyết đoán hay không. - Mức độ duy trì tính tích cực chủ động trong giải quyết vấn đề: Trẻ có kiên nhẫn suy nghĩ tìm phương án giải quyết hay không. - Mức độ thể hiện cảm xúc tích cực của trẻ: Trẻ có vui vẻ, cởi mở, biết phối hợp nhóm để tìm cách giải quyết hay cáu giận, mâu thuẫn bất đồng ý kiến với nhóm. Nguyên tắc vận dụng - Tuyệt đối không áp đặt trẻ hoạt động nếu tâm thế, tâm trạng trẻ chưa sẵn sàng. - Luôn tạo môi trường, bầu không khí thân thiện vui tươi cởi mở để mời chào kích thích trẻ hứng thú tham gia hoạt động.
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 306 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành - Luôn tôn trọng mọi sản phẩm do trẻ tạo ra, từ sản phẩm tạo hình, nghệ thuật của trẻ đến các thành quả trẻ đạt được như: trẻ chải tóc, trẻ mặc quần áo ngược cũng không can thiệp, chỉ góp ý để trẻ cố gắng tự điều chỉnh lần sau. Chấp nhận sản phẩm và thành quả chưa được tốt của trẻ. - Yêu thương, quan tâm trẻ chân thành, kiên nhẫn với mọi thắc mắc của trẻ. - Chấp nhận mọi đặc điểm cá tính của trẻ, không dùng hình phạt bạo lực, nhục mạ, ám thị chê trách, chỉ nên góp ý động viên trẻ làm lại vào lần sau. Kiên nhẫn tìm hiểu gần gũi chia sẻ tạo cảm xúc tích cực cho trẻ. Các hoạt động nhận thức của trẻ Các hoạt động chính - Hoạt động tráo thẻ; - Hoạt động vận động có sáng tạo; - Hoạt động đọc sách, học chữ tiếng Việt; - Hoạt động trải nghiệm; - Hoạt động thiền; - Hoạt động hình thể; - Hoạt động nghệ thuật ( tạo hình, âm nhạc, văn học). Mô tả các hoạt động - Hoạt động tráo thẻ: Giáo viên sử dụng hệ thống các thẻ về hình, chữ số, chữ tiếng anh, tiếng việt, chấm tròn... (kích thước thẻ có thẻ tham khảo theo các PPGDTC kể trên, như của PPGD Glenn Doman) - Hoạt động vận động có sáng tạo: Trẻ sử dụng bộ đồ chơi có thể tháo lắp ghép tự do để tạo ra cái trẻ muốn chơi. Ví dụ trẻ có thể lắp ghép ngôi nhà chui ra chui vào, lắp ghép cầu khỉ, cầu tuột, đường đi… - Hoạt động đọc sách - học chữ tiếng Việt: Trẻ sẽ được làm quen và dần hình thành kỹ năng đọc sách, thói quen yêu thích sách, làm quen các con chữ tiếng Việt một cách vô thức. - Hoạt động trải nghiệm: Trẻ tự giác căn cứ vào bảng phân công công việc của trẻ để tự chuẩn bị các hoạt động phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của chính trẻ như chuẩn bị giờ ăn, quét, lau dọn phòng… thời gian thực hiện bắt đầu từ giờ đón đến giờ về của trẻ. - Hoạt động thiền: Trẻ sẽ được mỗi ngày 15 phút trước khi ngủ trưa làm quen với thao tác thiền: ngồi thẳng lưng, mắt nhắm, thả lỏng người, không nói, không
- Phần 3. ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC 307 cười, không suy nghĩ, tập trung nghe nhạc thiền. Sau đó trẻ được ngủ và chìm trong nhạc thiền. - Hoạt động hình thể: Trẻ được chơi các trò chơi phối hợp tay nọ chân kia, chơi các ngón tay để giúp kích hoạt não bộ và cân bằng não. Hoạt động nghệ thuật: Trẻ được tự do thể hiện ý tưởng, suy nghĩ thể hiện qua sản phẩm tạo hình, qua các vận động theo nhạc… Cách tổ chức - Giáo viên linh hoạt sắp xếp dàn trải 7 hoạt động cho các múi giờ trong 1 ngày, không bó hẹp chỉ tổ chức vào 1 buổi sáng. - Các hoạt động phải đảm bảo tính thường xuyên liên tục. - Giáo viên phải có sự ghi chép cẩn trọng việc quan sát trẻ về nhiều mặt như hứng thú, ngôn ngữ, cách phối hợp, cách giải quyết vấn đề của trẻ như thế nào, phải nhận ra được sự thay đổi dù tốt hay không của trẻ. - Nhắc trẻ thực hiện nhiệm vụ đã phân công để tạo cho trẻ có thói quen nề nếp, có ý thức trách nhiệm trong công việc. Tóm lại, trong phạm vi bài viết ngắn tác giả giới hạn nội dung ở mức độ giới thiệu về qui trình vận dụng các PPGDTC trong tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ thông qua 7 hoạt động cơ bản. Hệ thống các hoạt động này là sự vận dụng linh hoạt từ những nghiên cứu bước đầu của tác giả nên sẽ còn cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện qui trình trên một cách khoa học. 6. Kết luận Các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan luôn thay đổi tác động vào ý thức nhận thức của con người thông qua cảm nhận, nhận biết của 5 giác quan. Từ đó hình thành ý thức hệ cho chính mỗi cá thể nhận thức được nó. Tùy vào mức độ nhạy cảm nhận biết tốt, tinh tế của các giác quan mà hình ảnh của thế giới quan được phản ánh một cách phong phú trong ý thức con người bấy nhiêu. Do đó việc quan trọng không phải là nhồi nhét kiến thức vào não đứa trẻ mà phải biết cách tạo môi trường kích thích để các giác quan được rèn luyện, tức với trẻ mầm non giáo viên phải biết tổ chức hoạt động nhận thức sao cho trẻ được trải nghiệm, khám phá càng nhiều càng tốt. Trên đây chỉ là những chia sẻ về những nghiên cứu tìm hiểu khái quát về tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ, về các xu hướng vận dụng PPGDTC trong nuôi dạy trẻ, qua đó thể hiện góc nhìn hẹp về thực trạng tổ chức hoạt động nhận thức cho
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 308 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành trẻ tại trường học. Cuối cùng bài viết trình bày cô đọng qui trình vận dụng PPGDTC trong tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ mẫu giáo. Kết quả bài viết có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho giáo dục mầm non, cho đối tượng là cha mẹ quan tâm đến phát triển năng lực nhận thức con trẻ tại gia đình. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Charles H. Cranford (2014) Phát triển não phải, bản dịch NXB Văn hóa - Thông tin. 2. Maria Motessori (2014), Giáo dục vì thế giới mới, NXB Tri thức. 3. Trần Hân (2013), Phương pháp giáo dục con của người Do Thái, NXB Hồng Bàng. 4. Trần Hân (2013), Phương pháp giáo dục con của người Mỹ, NXB Văn hóa - Thông tin. 5. Glenn Doman, Janet Doman (2013), Dạy trẻ thông minh sớm, Mai Hoa dịch, NXB Lao động, Công ty sách Thái Hà. 6. Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo, Bùi Hiền (2001), Từ điển Giáo dục học. 7. Nguyễn Văn Tường (2010), chuyên đề: Tâm lý học nhận thức, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em. 8. Hoàng Phê (2018), Từ điển tiếng việt, NXB Hồng Đức. 9. Phan Thị Hồng Vinh (2010), Phương pháp dạy học, giáo dục học, NXB Đại học Sư phạm. 10. Từ điển triết học, NXB Tiến bộ, 1986. 11. Lê Thị Hường (3/2019), Nâng cao năng lực tự học cho giáo viên trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện chương trình phổ thông mới” Kỷ yếu hội thảo khoa học Giải pháp quản lý thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Đà Nẵng tháng 3/2019.
- Phần 3. ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC 309 APPLICATION OF THE EXCELLENT EDUCATION METHOD ORGANIZATION OF OPERATION AWARENESS FOR KINDERGARTEN CHILDREN Abstract: Today, there are many methods of education that help children develop comprehensively according to their competencies, which are widely applied in the world and in Vietnam. In particular, for preschool education, the selection and application of appropriate methods of active education are important to the cognitive development process of children. Therefore, the article focuses on research on the group of active educational methods in educating cognitive characteristics of preschool children, the environment and conditions for organizing cognitive activities for children. On that basis, the article proposes the process of selecting and applying positive educational methods in accordance with preschool educational practice in our country today. Research results of the article can serve as a scientific basis for teachers and preschool institutions to refer and apply to educational practice. Keywords: Positive education method, Process, Cognitive activities, Preschool children.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giáo trình Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non: Phần 2 - TS. Đặng Hồng Phương
150 p | 1078 | 210
-
Giáo trình Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non: Phần 1 - TS. Đặng Hồng Phương
86 p | 1187 | 187
-
Giáo trình Phương pháp giáo dục âm nhạc trong trường mầm non: Phần 1 - Phạm Thị Hòa
64 p | 544 | 112
-
yêu thương và tự do: nuôi dạy trẻ từ 0-6 tuổi dựa trên nền tảng của phương pháp giáo dục montessori nổi tiếng toàn cầu - nxb văn học
85 p | 168 | 39
-
phương pháp giáo dục montessori - phát hiện mới về trẻ thơ
240 p | 137 | 17
-
Tham luận: Vận dụng phương pháp định hướng hành động theo lý thuyết của P.I.A Galperin vào dạy học giáo dục học theo hình thức đào tạo tín chỉ
17 p | 279 | 14
-
Giáo trình Phương pháp giáo dục tình cảm, kĩ năng xã hội cho trẻ mầm non - Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế
103 p | 62 | 11
-
Thực trạng vận dụng nguyên tắc giáo dục theo phương pháp Montessori tại một số trường mầm non Montessori
5 p | 120 | 11
-
Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12 theo định hướng phát triển năng lực
10 p | 78 | 5
-
Quan điểm Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục đạo đức - vận dụng vào giáo dục đạo đức cho sinh viên hiện nay
6 p | 9 | 4
-
Vận dụng phương pháp giao tiếp vào dạy các bài câu trong chương trình Ngữ văn 8, tập 2
10 p | 12 | 4
-
Giáo trình Giáo dục âm nhạc (Tập 2: Phương pháp giáo dục âm nhạc - In lần thứ tám): Phần 1
84 p | 23 | 3
-
Tiếp cận phương pháp giáo dục STEAM trong giáo dục mầm non
3 p | 7 | 2
-
Vận dụng phương pháp giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giảng dạy các môn Lí luận chính trị trong nhà trường quân đội hiện nay
5 p | 7 | 2
-
Vận dụng phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh trong giảng dạy các môn Lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay
8 p | 27 | 2
-
Phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh và vấn đề đổi mới phương pháp giáo dục ở các trường đại học nước ta hiện nay
7 p | 33 | 2
-
Vận dụng tư tưởng và phương pháp giáo dục của Khổng Tử trong giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay
3 p | 11 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn