YOMEDIA
ADSENSE
Vật liệu trong kiến trúc cổ Việt Nam
781
lượt xem 402
download
lượt xem 402
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Khi những vật liệu hiện đại như xi măng chưa xuất hiện thì ông cha ta đã sử dụng một thứ vữa được chế bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu mang đặc thù của địa phương. Ví như ốc vặn đốt thành than luyện với vỏ cây dè rớt, hoặc dùng mật luyện kỹ với vôi vỏ sò. Vùng Nghệ An dùng vỏ hến rây kỹ, trộn cát, thâm mật xấu, giấy bản ngâm ướt hay rơm nếp và trộn với nhựa lá cây bớt lời. Mật, đường lấy từ mía, người ta đã làm một chất dẻo để...
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Vật liệu trong kiến trúc cổ Việt Nam
- VẬT LIỆU TRONG KIẾN TRÚC CỔ VIỆT NAM Khi những vật liệu hiện đại như xi măng chưa xuất hiện thì ông cha ta đã sử dụng một thứ vữa được chế bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu mang đặc thù của địa phương. Ví như ốc vặn đốt thành than luyện với vỏ cây dè rớt, hoặc dùng mật luyện kỹ với vôi vỏ sò. Vùng Nghệ An dùng vỏ hến rây kỹ, trộn cát, thâm mật xấu, giấy bản ngâm ướt hay rơm nếp và trộn với nhựa lá cây bớt lời. Mật, đường lấy từ mía, người ta đã làm một chất dẻo để nặn phù điêu rồng phượng, hoa đá trang trí những cột trụ hay hình lưỡng long chầu nguyệt ở chùa. Chất dẻo này cũng để nặn những hình khối mềm mại, đổ khuôn sản xuất hàng loạt chi tiết trang trí, khi khô rất rắn, có thể chịu nắng, mưa. Có nơi lấy cơm nếp trộn với gạch non tán nhỏ rây kỹ cùng với lá khoai luyện thành một thứ vữa gọi là “sơn man”, thường dùng để gắn áo quan, cũng có địa phương quen dùng cơm nếp nát nấu với nhựa thông. Ngoài ra, cát, đất sét và chất kết dính cũng là những vật liệu được sử dụng thường xuyên trong việc xử lý nền và kết nối gạch, đá. Kiến trúc hang động, mái đá là những ngôi nhà đầu tiên của loài người. Tiếp đó, việc sống trong nhà hay lều rồi lập thành làng là hiện tượng gắn với lối sống định cư trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hay bán nông nghiệp. Sách Lĩnh Nam chích quái viết: Đất nhiều gạo nếp, lấy ống tre để nấu cơm (cơm lam), gác gỗ làm nhà (nhà sàn) để tránh khỏi hổ lang làm hại... Từ khi con người thoát ra khỏi đời sống bầy đàn hang động thì loại hình nhà sàn tỏ ra hợp lý và thông dụng với cư dân sống ở những nơi có
- địa hình dốc. Những nghiên cứu sau này đã chứng minh loại hình kiến trúc đình còn giữ lại nhiều nét kiến trúc xa xôi, mà vật liệu kiến trúc là một nét đáng chú ý. Việc sử dụng vật liệu gỗ được coi là bước đột phá của kỹ thuật xây dựng, do tính năng mềm, bền chắc của nó, đồng thời cũng là vật liệu dễ tìm tại di chỉ Đông Sơn, đã phát hiện thành phần gỗ của kiến trúc nhà ở, gồm những cột nhà, rui tre, những thanh gỗ đẽo vạc thô sơ, nhiều cột gỗ dựng đứng trên nền đất có tỉ lệ khác nhau (được phỏng đoán như chân của cột nhà sàn phối hợp trong một vì nhà). Kỹ thuật liên kết chủ yếu là lạt buộc, con sỏ, mộng xuyên lỗ, mộng ngoãm, gồm ngoãm tự nhiên (chạc cây) và ngoãm nhân tạo (vết cản ở thân cột để thắt thêm một đoạn gỗ). Ở dấu tích ngôi nhà sàn có bộ khung bằng gỗ, lợp ngói có niên đại khoảng những thế kỷ đầu, vật liệu xây dựng được tìm thấy gồm nhiều mảnh ngói và mảnh đồ đựng bằng sành lẫn trong đất san nền và chiếc then cửa. Ngói có 2 loại: ngói ống và ngói vũm lòng máng tại xã Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam (3). Như vậy, gỗ là thành phần cơ bản trong kiến trúc nhà ở. Gỗ được chia thành nhiều loại: xoan, đinh, lim, sến, táu... có độ bền, chống mối mọt, mục nát của thiên nhiên nhiệt đới. Vì kèo chồng rường phù hợp với loại gỗ xoan; gỗ lim, táu hợp với các cột cái, cột quân, cột hiên và bẩy đỡ vì tính năng to chắc và tính chịu lực của nó. Rui mè sử dụng loại gỗ mỏng hơn, thậm chí dùng tre, nứa (đã được ngâm tẩm). Họ nhà tre dùng làm đòn tay, rui mè, chọn những thanh đều dóng (có sức bền đồng thời có ý nghĩa mỹ quan). Trong kết cấu bộ khung nhà, bương vầu làm cột nhà vì thân to dày, đốt ngắn chịu sức nén khoẻ; tre đằng ngà làm đòn tay vì thân đặc, dẻo dai chịu sức kéo tốt; mai thẳng và dày dùng làm sàn nhà; nứa mỏng hơn đập dập để lợp mái nhà.
- Ở vùng núi, người dân sử dụng chủ yếu là tre, vừa làm khung nhà, vừa làm phên giậu che chắn. Tận dụng các thành phần của cây tre để làm nhà còn là một nghệ thuật trong kỹ thuật lắp dựng và chống mối mọt. Ngoài việc ngâm tre trong nước khoảng một năm, người dân còn hun khói cho bền, chống mối. Ở vùng đồng bằng, gỗ được sử dụng phổ biến trong các kết cấu chính của công trình. Các công trình kiến trúc cổ đều làm bằng gỗ lim có thể chịu đựng khí hậu nhiệt đới qua nhiều thế kỷ. Loại cột có đường kính to nhất 70 - 80cm được coi là tiêu chuẩn chung của cột đình làng. Sử dụng gỗ trong kiến trúc liên quan đến “lối kéo cột” quen thuộc của từng vùng. Trung Bộ có lối nhà rội, nhà rường; Bắc Bộ có lối nhà chồng rường trên 3 hay 4 hàng cột. Những xà nhà lớn chồng lên nhau, có những “trụ non” hay “đất rường” ken vào kẻ tận cùng bằng “con cung” ở gần góc mái và thay thế vì kèo tam giác là một lối vì kèo không quen biết trong kiến trúc cổ truyền của người Việt. Kỹ thuật tinh xảo đã tạo nên những mộng vững chắc ở đầu cột, nhất là ở chỗ nối với câu đầu, kẻ ngồi và xà thượng. Vì kèo nọ giằng với vì kèo kia bằng một hệ thống xà (xà thượng, xà tứ); gần mặt tảng, các “địa thu” nối liền chân cột nọ với chân cột kia, tất cả tạo nên một bộ khung bằng gỗ tháo lắp dễ dàng và không biết đến một cái đanh nào bằng sắt”(4). Trong kiến trúc Việt cổ truyền, khung nhà hoàn toàn bằng gỗ thì tường ngăn cũng làm bằng những ván “liệt bản” nối liền nhau bằng những “đố búp măng” hay những đố gỗ lớn chạm trổ công phu.
- Đồ đất nung gồm những vật liệu làm từ đất, được chế biến và tạo thành phẩm khi qua lửa, có độ bền lớn và khả năng tồn tại lâu dài, được phân chia thành 2 loại chính: gạch xây tường (gồm cả gạch lát nền): gạch hoa, gạch trổ thủng, gạch chạm nổi; và ngói: ngói bản, ngói âm dương, ngói mũi hài/ vảy cá/ vảy rồng... Quá trình phát triển và kỹ thuật chế tác sản phẩm làm từ đất nung ngày càng cao thì kỹ thuật xây dựng của người Việt càng tiến tới hoàn thiện. Đồ đất nung đã trở thành một phần quan trọng trong kiến trúc Việt Nam. Các loại gạch có hình dáng khác nhau thì có những chức năng khác nhau. Gạch hình chữ nhật, được tìm thấy nhiều nhất và thường xây tường nhà, lát nền (vách mộ tại các ngôi mộ cổ). Kích thước của chúng thay đổi qua thời kỳ: thế kỷ I - VI có 3 cỡ: 50x25x6cm, 45x21x8cm, 28x13x7cm; thế kỷ VII - IX, kích thước gạch nhỏ hơn: 25x13x3cm; thế kỷ X: 30x16x4cm; thế kỷ XII - XIII: 38x19,5x6cm; thế kỷ XV-XVI loại gạch vồ màu đỏ hoặc xám: 43x25x10cm; 43x28x22,5cm; 38x17x11cm. Gạch múi bưởi (hình múi cam, hình lưỡi búa), thực chất là loại gạch hình chữ nhật nhưng một cạnh rìa được làm thu nhỏ hơn cạnh rìa đối diện từ 1 - 2 cm, có tác dụng cuốn vòm ở những cửa mộ, quách mộ hay cửa nhà, tạo độ cong tự nhiên. Gạch hình vuông, có hai mặt lớn hình vuông và chuyên dùng để lát nền, trước thế kỷ X nó có kích thước trung bình 25x25cm. Nhưng đến thế kỷ thứ X, gạch vuông, tìm thấy và phổ biến trong các vị trí kiến trúc của kinh đô Hoa Lư, có kích thước rất lớn: 35x35x6 đến 9cm. Gạch ốp tường có hình trang trí trên cả một mặt lớn và được xây ốp vào tường, ít có chức năng thực dụng. Khoảng thế kỷ thứ X, mới tìm thấy một viên gạch trang trí mặt người ở mộ Đầm Xuyên, một viên chạm nổi hình ác thú ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Ở Tháp Nhạn tìm thấy những viên gạch ốp tường in hình ba vị Phật ngồi trên toà sen, chạm hình voi... có kích cỡ 28x15,5x5,5cm. Một số viên gạch đặc biệt có kết cấu khác với loại gạch thông dụng về kích thước lớn, được dùng
- trong các vị trí đặc biệt của kiến trúc. Những miền không được thiên nhiên ưu đãi, đất trộn rơm, trấu được sử dụng làm tường nhà hay hàng rào quanh vườn ở thôn quê. Đất lấy từ đồng ruộng, ao vườn trong khuôn viên sống, trộn với trấu, pha nước, nhào bằng chân hay để trâu dẫm nát rồi theo khuôn gỗ đắp từng lớp theo chiều dài của tường. Những ngôi nhà ở châu thổ Bắc Bộ có mặt tường trong nhẵn, quét vôi trắng, cùng với nhà bằng đất, có nơi láng một lượt vữa bằng vôi sò dưới mái rơm dày trên dưới 30cm, chống lại cái nóng bức của mùa hè và chống cháy rất hiệu quả. Vùng Nam Bộ, đất sét được dùng làm mái nhà, một lớp đất được đổ trên rui mè, rồi mới lợp một lớp mái gối lên trên (dày trên dưới 30 cm), làm thành một cái vỏ chống cháy. Trang trí trên gạch rất thường gặp ở loại gạch lát nền, ốp tường, chủ đề chính là dạng hoa cúc, hoa chanh. Sang đến thế kỷ XVI - XVIII là những trang trí hoa dây hình sin, hình chữ đinh, mảnh vây rồng hay râu rồng men xanh, vàng (thế kỷ XVII - XVIII). Loại gạch phù điêu thường dày và to, có viên nặng tới 50 - 60kg như gạch xây tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc). Tùy theo yêu cầu, công dụng và vị trí đặt gạch trong kiến
- trúc để tạo dáng đơn giản hay phức tạp cho công trình. Về nghệ thuật, các viên gạch được trang trí công phu trong bố cục cũng như họa tiết, hình tượng. Ngoài những viên gạch hoàn chỉnh, còn có những viên gạch mà tự thân nó không toát lên được vẻ đẹp nhưng khi phối hợp chúng lại với nhau đã tạo hiệu quả thẩm mỹ cao. Ngói là vật liệu tạo nên bộ mái, phần bao bọc quan trọng nhất của công trình. Trước thế kỷ thứ X, phổ biến nhất là loại ngói ống, còn gọi là ngói uyên ương (5), gồm 2 phần: phần dương (ngói ống) có hình ống tre hay ống nứa bổ đôi và ngói âm (ngói bản) hình lòng máng. Khi lợp, phần ngói ống úp xuống móc khớp với phần ngói bản lật ngửa. Loại ngói này còn có hai phần phụ, được sử dụng nhiều ở hàng ngói lợp hiên: đầu ngói và yếm ngói. Kết thúc hàng ngói ống là đầu ngói hình bán viên hay hình tròn. Kết thúc với hàng ngói bản lợp hiên là yếm ngói gần với hình tam giác. Đầu ngói ống được trang trí công phu hình hoa sen, dây cúc, mặt hề... Ngói mũi hài/ ngói mũi sen/ ngói dẹt/ ngói bản có tráng men màu, lợp trên mái trông như sóng gợn hoặc lớp vảy rồng/ vảy cá. Các công trình kiến trúc có niên đại sớm, những viên gạch được gắn bờ nóc đều có hình đầu rồng, phượng theo bố cục giống hình ngọn lửa. Tại khu Khải Thánh Văn Miếu (Hà Nội) đã phát hiện 2.063 mảnh gạch và ngói có dấu vết kiến trúc thời Lý - Trần rồi được tu bổ, xây dựng lớn vào các thời Lê - Mạc (6). Loại ngói uyên ương có niên đại trước thế kỷ X, nhưng vẫn được tận dụng, thậm chí có sản xuất (rất hạn hẹp) ở thời kỳ Lý - Trần. Tại khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), dấu vết công trình kiến trúc có kết cấu 4 hàng chân cột với những cột sỏi gia cố chân tảng và những viên gạch trang trí hoa dây có niên đại thế kỷ XV - XVI. Nhiều gạch trang trí hoa dây, ngói mũi phong cách Kê Sơn, ngoài ra còn có hệ thống rãnh thoát nước lộ thiên. Ngói
- mũi màu vàng, gạch mũi nhô, tạo đơn giản (7). Ngói mũi - một dạng ngói thường gặp trong kiến trúc chịu ảnh hưởng Chăm. Thân ngói bẻ uốn cong vuông góc với thân thường cao 0,02-0,03m, tương tự độ dày của viên ngói, có màu đỏ nhạt hoặc màu vàng nhạt, độ cứng không cao (8). Đá là loại vật liệu thô sơ nguyên thủy đầu tiên được loài người sử dụng. Thời Lê sơ đã sử dụng một số chân tảng đá của thời Lý - Trần để xây dựng một nền móng khác (trong Hậu Lâu khu vực thành Hà Nội). Đặc trưng của chân tảng là hình khối vuông, giật 2 cấp: cấp mặt tảng tròn, chung quanh chạm 16 cánh sen thon dài và cấp bệ tảng hình vuông để trơn. Chất liệu chính là loại đá cát màu xám hoặc đá có màu trắng phấn. Ngoài ra, loại vật liệu đá còn dùng ở bộ phận làm hai cối cổng, có lỗ mộng tròn. Đá được sử dụng nhiều trong tạo tác các vật linh hoặc các tượng thờ, với những hình bờm lượn sóng, đuôi uốn lượn mềm mại, trở thành những hình tượng sinh động, đáng yêu. Đá sử dụng nhiều ở các công trình công cộng dân gian, điển hình là cầu, loại hình kiến trúc độc đáo, bền vững, có giá trị thẩm mỹ cao. Ví như Cầu đá Thọ Vinh (Hải Hưng), vật liệu xây dựng chủ yếu là đá xanh hạt mịn, độ rắn cao được làm ở 3 bộ phận chính là trụ cầu, dầm cầu và mặt cầu (9). Hay 10 cây cầu đá ở Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định). Ở các khu di tích lớn (quần thể tập trung nhiều lăng mộ), đá được sử dụng trong các bộ phận hay công trình cụ thể như bậc thềm, chân tảng, cột, mi cửa hay lớn hơn là các toà thành. Ở loại hình này, chức năng cơ bản của nó là tính bền vững cao.
- Tường thành nhà Hồ, xây bằng đất nện nhưng bên ngoài được bao bởi lớp tường đá tảng nặng trên 15 tấn. Hệ thống cổng thành xây bằng đá xẻ dạng cuốn tò vò nay vẫn đứng vững. Đá phong phú về chủng loại: đá vôi, đá ong, đá xám... nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là loại đá xanh làm chân tảng, bệ thờ. Dân gian ưa đá ong vì tính năng mềm, dễ tạo dáng, có khả năng chống chọi với thiên nhiên, dùng để xây móng đình đền chùa, làm tường nhà, cổng nhà, thậm chí còn sử dụng trực tiếp trong việc xây nhà. Đá ong dễ tạo được thẩm mỹ chung cho công trình, không cần đến một loại vật liệu phụ nào bao che bên ngoài, tự thân nó đã toát lên vẻ đẹp qua thời gian. Những lăng mộ ở các tỉnh phía Nam được xây khá nhiều bằng đá ong, cắt gọt theo những hình trang trí dân gian, kết hợp khéo léo với vật liệu đá vôi sắc cạnh, nhẵn mặt và chạm gờ chỉ, hoa lá. Loại đá này nằm dọc vùng biển miền Trung Bộ cũng được sử dụng xây tường. Khi còn ở dưới đất, đá mềm có thể dùng mai sắn ra, gặp không khí nó trở nên rắn chắc. Những ngôi nhà dân gian, các công trình tôn giáo ở Bắc Bộ là nơi ta bắt gặp nhiều nhất dạng đá này. Thành Sơn Tây xây thời Nguyễn được ốp bằng đá ong. Lăng Nguyễn Diễn ở Bắc Ninh xây toàn bằng đá ong màu nâu thẫm. Khuê Văn Các - Văn Miếu Các loại đá cuội, đá dăm được dùng để gia cố nền móng như móng chùa Lạng, móng tháp Chương Sơn, mộ Lê Lan Xuân (Tam Nông, Vĩnh Phú); đá hộc dùng để lát nền như mộ Thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh); các loại đá núi lớn dùng để bó kè các
- bậc thềm với kích cỡ rất lớn (60x50cm), như nền chùa Dạm, chùa Phật Tích gồm 4 tầng rộng hàng nghìn mét vuông. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh còn dùng nhiều đá để xây bó vỉa thềm nhà, các viên đá đều có hình tròn được gia công nhẵn, mặt trước chạm rồng, có xẻ rãnh để bưng ván gỗ. Đá được dùng khá phổ biến để kê chân cột ở các công trình kiến trúc. Các chân đá tảng phổ biến là hình khối hộp vuông chạm hoa sen. Trong các công trình kiến trúc tôn giáo, ngoài việc làm chân kê nó còn được dùng làm cột. Đôi khi được làm cầu nhỏ hay xây tháp (chùa Tức Mạc); làm tường kè như ở chùa Dạm hoặc lan can có mảng điêu khắc như ở chùa Bút Tháp... hết thảy đều sống động, tinh xảo. Các lan can vịn, bậc cấp cũng được làm bằng đá (thời Lý). Đá được gia công thành nhiều kiểu loại khác nhau. Đá bó nền tháp, khối hình chữ nhật hoặc chỏm tháp năm cạnh, hai tầng trong lõm vát hình vòng cung. Đá bó bậc lên xuống, hình hộp chữ nhật, hình thang vuông có chạm sóng nước. Đá chèn bậc hình hộp chữ nhật. Tay vịn thành bậc hình thang vuông chạm tiên nữ dâng hoa. Đá bó các tầng và thân tháp hình hộp chữ nhật tiết diện vuông. Đá ghép tường tháp gồm các loại hình vuông, hình hộp, hình tròn, hình lá đề, mặt ngoài có trang trí, mặt trong có chuôi hoặc thân gia công qua loa để gắn với thân tháp. Đá ghép cửa tháp, như mi cửa, trụ cửa, chân, thân cửa, mặt trên cửa cuốn có nhiều dáng: hình hộp, hình vành khăn, hoặc kết hợp với nhau tạo vòm cửa được uốn cong. Các loại đấu để đỡ xà cũng có đuôi gắn vào thân tháp, mặt trên tạc liền khối các hình tượng chim thần, nữ thần chim hoặc đầu rồng ngậm đấu.
- Chùa Một Cột - 1922 Kim loại, trong các công trình kiến trúc cổ, ít được sử dụng, có lẽ do tính chất đặc thù của nó. Tại khu di tích Lam Kinh đã phát hiện ra những chiếc đinh sắt dùng để liên kết kiến trúc. Nó được sử dụng nhiều hơn vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhất là sau ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Dân gian sử dụng các đinh nhỏ trong liên kết các cấu kiện (rất hiếm hoi vì các cấu kiện đều tra mộng, thậm chí đinh chốt làm bằng gỗ). Đầu đao của mái có dùng một mảnh sắt hình giống đầu lưỡi cày thay vì trước đây người ta phải đúc hay nung gốm. Ở giai đoạn sau, kim loại được kết hợp với các vật liệu khác tạo thành các vật liệu hỗn hợp có nhiều công dụng và độ bền cao.
- Sơn, ở các công trình kiến trúc cổ, được sử dụng có phần hạn chế. Người ta tận dụng ngay màu sắc của vật liệu gốc. Ví như mái thì tận dụng màu đỏ của ngói; các hàng chân cột để nguyên đúng màu gỗ hay sử dụng nền đất nện. Vật liệu dân gian thường dùng là sơn ta và sơn son thếp vàng (phổ biến trong các công trình tôn giáo tín ngưỡng), đáp ứng yêu cầu về màu sắc trang trí hơn là bảo vệ gỗ. Tuy nhiên, sơn ta cũng có tác dụng chống ẩm và bảo vệ gỗ rất tốt. Vôi, sử dụng chủ yếu là nguyên màu gốc, có độ bền tốt, nhưng không có màu sắc sặc sỡ, chủ yếu là màu trắng và màu vàng. Màu trắng của vôi được pha cùng các phụ gia khác được lấy từ cây cối, hoa lá. Những chất kết dính khác cũng được sử dụng khá linh hoạt. Khi những vật liệu hiện đại như xi măng chưa xuất hiện thì ông cha ta đã sử dụng một thứ vữa được chế bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu mang đặc thù của địa phương. Ví như ốc vặn đốt thành than luyện với vỏ cây dè rớt, hoặc dùng mật luyện kỹ với vôi vỏ sò. Vùng Nghệ An dùng vỏ hến rây kỹ, trộn cát, thâm mật xấu, giấy bản ngâm ướt hay rơm nếp và trộn với nhựa lá cây bớt lời. Mật, đường lấy từ mía, người ta đã làm một chất dẻo để nặn phù điêu rồng phượng, hoa đá trang trí những cột trụ hay hình lưỡng long chầu nguyệt ở chùa. Chất dẻo này cũng để nặn những hình khối mềm mại, đổ khuôn sản xuất hàng loạt chi tiết trang trí, khi khô rất rắn, có thể chịu nắng, mưa. Có nơi lấy cơm nếp trộn với gạch non tán nhỏ rây kỹ cùng với lá khoai luyện thành một thứ vữa gọi là “sơn man”, thường dùng để gắn áo quan, cũng có địa phương quen dùng cơm nếp nát nấu với nhựa thông. Ngoài ra, cát, đất sét và chất kết dính cũng là những vật liệu được sử dụng thường xuyên trong việc xử lý nền và kết nối gạch, đá.
- Thành công của nghệ thuật kiến trúc Việt đó là tính sáng tạo trong việc vận dụng các nguyên liệu sẵn có sự hoàn thiện vật liệu khi sử dụng với trình độ kỹ thuật cao, khắc phục những điều kiện tiêu cực của khí hậu nhiệt đới. Song, cùng với truyền thống đó phải kể đến kết quả của quá trình tiếp thu, dung hợp những sáng tạo của các nước mà từ lâu văn hóa Việt Nam đã chịu ảnh hưởng khá sâu sắc. Có thể thấy những dấu vết văn hóa ngoại lai trên vật liệu xây dựng từ cổ truyền cho đến hiện đại. Dấu ấn của văn hóa Trung Hoa khá sâu đậm trên các hiện vật gốm, gạch, đá và đặc biệt là trang trí kiến trúc. Từ một số cấu kiện, kết cấu, bố cục, hình khối đến kỹ thuật chế tác, kỹ thuật lắp dựng cũng được người Việt học hỏi nhưng đã cải biến và uốn nắn lại, do đó mang sắc thái riêng. Các môtíp và biểu tượng trang trí được thể hiện dưới dạng đất nung hay những trang trí trên kết cấu công trình ít nhiều mang phong cách Chăm, Ấn Độ. Nhìn chung, các vật liệu cũng như kiến trúc thời Lý - Trần chịu ảnh hưởng của hai luồng văn hóa này rất sâu đậm. Kiến trúc stupa Ấn Độ thường có một cột gỗ cách điệu bằng hình tượng hoa sen (nguyên tắc được lưu giữ ở kiến trúc chùa Một Cột). Cuộc hội ngộ với văn minh phương Tây đã làm cho kiến trúc Việt Nam có sự chuyển mình sâu sắc. Ngoài việc tận dụng những vật liệu sẵn có, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong phong cách kiến trúc Đông Dương, người phương Tây (đặc biệt là người Pháp) đã có công hoàn thiện thêm những chất liệu đó. Sự kết hợp các vật liệu truyền thống thô sơ, gặp rất nhiều ở những công trình cổ, cũng được lặp lại khá độc đáo ở
- những loại hình kiến trúc mới. Rõ rệt nhất là sự “chung đụng” rất hiệu quả giữa vật liệu xây mới và vật liệu truyền thống, làm bộ mặt kiến trúc hứng khởi, rạng rỡ hơn, hiện đại mà vẫn phù hợp với môi trường. Trải rộng trong không gian và kéo dài theo thời gian, những công trình kiến trúc dù có hình thức, chức năng, nội dung sử dụng khác nhau nhưng khởi nguyên đều bằng những nguyên liệu có nguồn gốc bản địa. Đá, gỗ, gạch và các vật liệu hoàn thiện hơn đã được con người biến thành công trình mang tính nghệ thuật cao với kinh nghiệm chắt lọc kết hợp với kế thừa, tiếp thu những sáng tạo và khoa học kỹ thuật mới. T.H.V Chú thích: 1, 2. Tạ Đức, Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc, biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn. 3. Dấu tích ngôi nhà sàn đầu công nguyên, Những PHMVKCH 1998. 4. Ngô Huy Quỳnh, Đặc trưng kiến trúc Việt, T/c Dân tộc học số 1/1980. 5. Theo cách gọi của HS. Trần Khánh Chương
- 6. Khu Khải Thánh Văn Miếu Hà Nội 9-1999 7. Trịnh Ngữ, Lê Huy Lạng, Nguyễn Văn Đoàn, Khai quật Thái Miếu thuộc trung tâm di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa, Những PHVMKCH 2000, tr.329-330. 8. Lê Đình Phùng, Tống Trung Tín, Ngói mũi lá của ChămPa. 9. Tống Trung Tín, T/c KCH số 3-1982.
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn