intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Về Việc Nghiên Cứu Sóng Thần, Các Đặc điểm Hoạt Động Động Đất Có Khả Năng Gây Sóng Thần Và Một Số Giải Pháp Xây Dựng Hệ Thống Cảnh Báo Sóng Thần Ở Việt Nam

Chia sẻ: Tran Huyen Anh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

116
lượt xem
14
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Những thiệt hại và hậu quả vô cùng thảm khốc do trận động đất kèm sóng thần Andaman - Sumatra ngày 26/12/2004 gây ra đã đặt chúng ta trước những trăn trở: liệu có khả năng xảy ra sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam không? Chúng ta cần phải làm gì để có thể giảm thiểu nguy cơ này (nếu có)? Để giải đáp một phần những vấn đề đặt ra, bài báo này trình bày tóm tắt việc nghiên cứu sóng thần trong nước và quốc tế, các đặc điểm hoạt động động đất có khả năng gây sóng thần và một...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Về Việc Nghiên Cứu Sóng Thần, Các Đặc điểm Hoạt Động Động Đất Có Khả Năng Gây Sóng Thần Và Một Số Giải Pháp Xây Dựng Hệ Thống Cảnh Báo Sóng Thần Ở Việt Nam

  1. Về Việc Nghiên Cứu Sóng Thần, Các Đặc điểm Hoạt Động Động Đất Có Khả Năng Gây Sóng Thần Và Một Số Giải Pháp Xây Dựng Hệ Thống Cảnh Báo Sóng Thần Ở Việt Nam Ngô Thị Lư Viện Vật lý địa cầu,Viện KH&CN VN, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội Tóm tắt: Những thiệt hại và hậu quả vô cùng thảm khốc do trận động đất kèm sóng thần Andaman - Sumatra ngày 26/12/2004 gây ra đã đặt chúng ta trước những trăn trở: liệu có khả năng xảy ra sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam không? Chúng ta cần phải làm gì để có thể giảm thiểu nguy cơ này (nếu có)? Để giải đáp một phần những vấn đề đặt ra, bài báo này trình bày tóm tắt việc nghiên cứu sóng thần trong nước và quốc tế, các đặc điểm hoạt động động đất có khả năng gây sóng thần và một số giải pháp xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Việt Nam. MỞ ĐẦU Ngày 26/2/2004, vào lúc 0g. 58p. 50,76gi. (giờ GMT) đã xảy ra một trận động đất phá hủy với chấn cấp M = 8,9 tại toạ độ ϕ = 3,30oB; λ = 95,78oĐ thuộc khu vực đảo Andaman-Nicobar và Sumatra ở Nam và Đông Nam Á [1]. Đây là một trong những trận động đất gây ra sóng thần rất mạnh, có sức phá huỷ lớn nhất trong lịch sử. Nó đã gây ra các thiệt hại khủng khiếp về người và của không chỉ riêng đối với các nước trong khu vực Nam và Đông Nam Á mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới. Do ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần mà tính đến ngày 26/1/2005 gần 300 ngàn người tại Thái Lan, Malaysia, SriLanca, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và du khách của nhiều nước trên thế giới (Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy...) đã bị thiệt mạng, hàng trăm ngàn người bị thương và rất nhiều vùng ven biển với toàn bộ nhà cửa, các công trình dân sinh, quốc phòng và các khu du lịch quốc tế của một loạt các nước Nam và Đông Nam Á đã bị phá huỷ một cách tàn khốc. Ngoài ra, do đây là trận động đất rất mạnh gây sóng thần, lại xảy ra tại vùng đảo liền kề với bờ biển của trên 10 nước Nam và Đông Nam Á, nên các hậu quả và các di hại về kinh tế, vật chất, về sự ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái do nó để lại là chưa thể xác định được. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về nguyên nhân, đặc điểm, diễn biến hoạt động và hậu quả của các trận động đất gây sóng thần nói chung, của trận động đất này nói riêng đã được trình bày trong một số công trình [6, 7, 14]. Hiện tại, chưa có dấu hiệu gì về ảnh hưởng của trận động đất này đối với Việt Nam. Tuy nhiên, những thiệt hại và hậu quả vô cùng thảm khốc do trận động đất kèm sóng thần gây ra đã đặt các nhà địa chấn, các nhà hải dương học, các nhà khoa học, các nhà quản lý và lãnh đạo Việt Nam nói chung trước một trăn trở: liệu có nguy cơ xảy ra sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam không? Và chúng ta cần phải làm gì để có thể giảm thiểu nguy cơ này (nếu có)? Để giải đáp một phần nào những vấn đề đặt ra, trong bài báo này, chúng tôi xin trình bày tóm tắt về việc nghiên cứu sóng thần, các vấn đề liên quan và một số giải pháp xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Việt Nam.
  2. I. SÓNG THẦN, TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU SÓNG THẦN TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ Trước hết cần có một định nghĩa đúng đắn về sóng thần. Ta biết rằng sóng nói chung được chia thành các loại: sóng dài, sóng trung và sóng ngắn, tùy thuộc vào độ dài bước sóng. Sóng thần là loại sóng dài có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự tăng hay giảm đột ngột diện tích một phần vỏ Trái đất trên đáy đại dương hay thềm lục địa, hoạt động động đất và núi lửa, trượt lở ngầm dưới biển hoặc trên mặt biển, sự va chạm của các thiên thể vào Trái đất xảy ra trên biển….Sóng thần do động đất và núi lửa gây ra có độ dài từ hàng chục đến hàng trăm km. Tùy thuộc vào độ sâu mực nước nơi sóng thần truyền qua, nó có thể đạt đến tốc độ 800 km/giờ. Trước những nguy cơ về sóng thần có thể xảy ra đối với các nước ven bờ Thái Bình Dương, các nhà khoa học Nga, Mỹ, Nhật Bản đã tiến hành những nghiên cứu cơ bản về sóng thần. Nhiều nước khác đã xây dựng các trung tâm cảnh báo sóng thần nhằm giảm thiểu các tổn thất và thiệt hại do sóng thần gây ra. Ví dụ đợt sóng thần do động đất ở Alaska năm 1964 với chấn cấp M = 9,2 gây ra (lớn hơn động đất Andaman-Sumatra), nhưng số người thiệt mạng (150 người) ít hơn nhiều so với thảm kịch Andaman- Sumatra. Hiện nay trên thế giới có 2 trung tâm cảnh báo sóng thần: - Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (Pacific Tsunami Warning Center), thành lập năm 1948. - Trung tâm cảnh báo sóng thần Alaska – dải ven bờ phía tây (West Coast - Alaska Tsunami Warning Center), thành lập năm 1967. Nhiệm vụ của cả hai trung tâm này là xem xét tình hình và diễn biến động đất có khả năng gây sóng thần cho toàn bộ khu vực Thái Bình Dương. Khi động đất mạnh xảy ra, các trung tâm này có nhiệm vụ xác định ngay các tham số động học (thời gian ở chấn tiêu, tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu) và các tham số động lực (năng lượng, chấn cấp, momen địa chấn và cơ cấu chấn tiêu, bao gồm cả kích thước vùng chấn tiêu …). Nếu tất cả các tham số trên đủ điều kiện cho một trận động đất có khả năng gây ra sóng thần thì ngay tức khắc thông tin được truyền theo kênh vệ tinh đến các trạm giám sát thuỷ triều. Thông tin về hoạt động của sóng từ các trạm giám sát thuỷ triều gần chấn tâm nhất sẽ được gửi cho trung tâm cảnh báo. Nếu thực sự có khả năng xảy ra sóng thần thì trung tâm này sẽ thông báo cấp tốc đến tất cả các vùng có khả năng chịu tác động của sóng thần để có các biện pháp sơ tán dân cư, tài sản, các tài liệu quý giá và các phương tiện máy móc quan trọng nhất. Các trung tâm này đã hoạt động một cách có hiệu quả, vì vậy đã giảm thiểu được rất nhiều tác hại cũng như các ảnh hưởng của các vụ sóng thần do động đất gây nên tại khu vực Thái Bình Dương. Đáng tiếc là tại khu vực Nam và Đông Nam Á đã không có một hệ thống cảnh báo sóng thần tương tự, nên các thiệt hại do ảnh hưởng của trận động đất gây sóng thần Andaman-Sumatra là vô cùng thảm khốc. Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu về chế độ động đất ở biển Đông và các điều kiện hình thành sóng thần, các khả năng dự báo nhằm giảm nhẹ những thiệt hại do chúng có thể gây ra đã bắt đầu xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây [8-13]. Theo rất nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà địa chấn và các nhà hải dương học trong nước và quốc tế thì sóng thần ít xảy ra và không quá nguy hiểm ở vùng biển Việt Nam… Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tại phía tây Philippines (tức rìa phía đông biển Đông) đã xảy ra động đất mạnh với đầy đủ các điều kiện để gây ra sóng thần:
  3. năng lượng đủ lớn (M > 8), độ sâu chấn tiêu nhỏ (h < 30 km) và có cơ chế trượt thuận [8-13]. Đồng thời tại đây thực tế cũng đã xảy ra sóng thần. Mặt khác, các số liệu GPS đo dịch chuyển tuyệt đối ở Việt Nam và Thái Lan cho thấy chuyển dịch của Đông Dương về phía đông có vận tốc 3±0,2 cm/năm. Chuyển dịch của Philippines về phía tây không dưới 8 cm/năm. Như vậy, tốc độ chuyển dịch tương đối giữa hai mảng không dưới 10 cm/năm. Tốc độ này lớn hơn so với tốc độ của mảng Ấn Độ hút chìm dưới mảng Burma [14]. Vì thế, nếu động đất có khả năng gây sóng thần xảy ra tại ranh giới giữa mảng Philippines và mảng Châu Á thì nguy cơ sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam sẽ rất cao. Do đó, việc tiến hành xem xét và nghiên cứu động đất có khả năng gây sóng thần ảnh hưởng đến vùng bờ biển Việt Nam và tìm các giải pháp xây dựng hệ thống và cơ chế cảnh báo sớm động đất và sóng thần nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do nó có thể gây nên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam và các vùng lân cận. Tác giả công trình này đã nghiên cứu các đặc điểm của tính địa chấn và các đặc trưng cơ bản của động đất trong mối liên quan với hoạt động kiến tạo và các điều kiện địa động lực khu vực Đông Nam Á với diện tích nghiên cứu giới hạn bởi các toạ độ ϕ = 0-30oB, λ = 90-120oĐ. Trong các nghiên cứu này, tác giả đã tiến hành thống nhất hóa toàn bộ các số liệu địa chấn trong giai đoạn 1970-1996 (bao gồm 6315 trận động đất với chấn cấp M ≥ 3,5, trong đó 163 trận động đất mạnh với M ≥ 5,5) [3, 4, 5]. Đồng thời, tác giả cũng đã nghiên cứu và xem xét rất chi tiết các đặc điểm hoạt động và diễn biến không gian, thời gian của các loạt dư chấn của 11 trận động đất mạnh nhất (M ≥ 6,9) đối với khu vực này trong chu kì nêu trên. Theo các kết quả nhận được, kết hợp phân tích, so sánh với nhiều kết quả nghiên cứu khác về kiến tạo, về các điều kiện địa động lực và các tài liệu về địa hình, độ sâu vùng ven biển thì có thể thấy rằng: mặc dù phía tây nam Việt Nam tồn tại một vành đai động đất hoạt động rất tích cực, liên quan với chuyển động của mảng thạch quyển Ấn- Úc và đới hút chìm lớn trong khu vực, nhưng ảnh hưởng của động đất gây sóng thần (nếu có) đối với vùng bờ biển Việt Nam có thể bị hạn chế bởi bức tường chắn Thái Lan, Malaysia, Singapore. Vì thế, vùng động đất hoạt động mạnh, có khả năng gây sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển Việt Nam chủ yếu từ phía biển Đông thuộc khu vực bờ tây Philippines, bờ tây Indonesia và bắc, tây-bắc Malaysia. Mặc dù số lượng động đất đã xảy ra ở khu vực này ít hơn hẳn so với khu vực phía tây, tây-nam và toàn khu vực Đông Nam Á (454/6315), nhưng đã có động đất mạnh với chấn cấp M= 7,6 xảy ra từ phía này. Mặt khác, do khu vực nghiên cứu giới hạn bởi kinh độ λ = 90-120oĐ, nên còn khá nhiều các trận động đất mạnh khác nằm trong khoảng kinh độ 120-145oĐ chưa được xem xét. Ta biết rằng, sóng thần rất nguy hiểm khi vào vùng nước nông và địa hình đáy biển dốc thoai thoải. Nếu toàn bộ năng lượng sóng bị phản xạ hầu hết trên đường truyền thì khi vào đến ven biển sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể nữa. Vì vậy, cần tiến hành nghiên cứu dự báo động đất cho vùng biển Đông để cung cấp các kịch bản động đất phục vụ việc tính toán dự báo sóng thần theo các chương trình tính toán hiện đại đã được xây dựng theo các phương án khác nhau về toạ độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu và chấn cấp. Nếu chấn tâm động đất mạnh nằm ở trong vùng ven biển nước ta thì vô cùng nguy hiểm và không thể không xây dựng một hệ thống cảnh báo sóng thần cho Việt
  4. Nam. Rất may mắn là các nguồn động đất mạnh chủ yếu nằm ở phía tây Philippines ngoài biển Đông, bờ tây Indonesia và bắc, tây-bắc Malaysia. Do đó, cần xem xét bổ xung các số liệu về động đất giai đoạn từ 1996 đến nay và mở rộng phạm vi nghiên cứu đến ϕ = 15- 30oB; λ = 90-140oĐ. II. CÁC GIẢI PHÁP NGHIÊN CỨU PHỤC VỤ CẢNH BÁO SÓNG THẦN Đối với điều kiện Việt Nam, để phục vụ công tác cảnh báo sóng thần, cần giải quyết các nhiệm vụ quan trọng sau đây: 1. Nhiệm vụ trước mắt 1) Cần tiến hành điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về ảnh hưởng của sóng thần đã tác động đối với vùng bờ biển nước ta từ trước tới nay, kể cả những đợt sóng thần có nguồn gốc động đất đã xảy ra phía ngoài và trong biển Đông để phân vùng sóng thần dọc theo bờ biển nước ta. Bản đồ phân vùng sóng thần và vùng chấn tâm động đất có khả năng gây sóng thần là tài liệu quan trọng phục vụ tính toán khả năng, ảnh hưởng, vận tốc và mức độ tràn của sóng thần đến các vùng ven bờ biển Việt Nam. 2) Thành lập một bộ phận (hay một nhóm) theo dõi, thu thập, xử lý các thông tin và nghiên cứu cảnh báo sóng thần cũng như các sóng lớn do bão tố gây ra. Bộ phận này có nhiệm vụ rất quan trọng là liên lạc thường xuyên với các tổ chức quốc tế về cảnh báo sóng thần để thường xuyên nhận được các thông tin cần thiết, tiến hành xử lý, thông báo và có các biện pháp sơ tán và phòng tránh kịp thời. 3) Tiến hành quan trắc cảnh báo ven bờ. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường có một mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn khá dày trên toàn quốc (trên 200 trạm), đặc biệt có 9 trạm thuỷ văn ở các cửa sông (cách biển từ 5 đến 20 km), 12 trạm cảng đo thuỷ triều (gần biển), 18 trạm khí tượng - hải văn (ở ven và ngoài biển ) và một số trạm hải văn khác. Hệ thống các trạm quan trắc nêu trên là các cơ sở rất thuận lợi để chúng ta có thể kết hợp bố trí đo và quan sát sóng ngay từ giai đoạn ban đầu khi chưa xây dựng được hệ thống cảnh báo xa bờ. Trước mắt cần tận dụng các cơ sở và khả năng này. Cùng với các quan trắc khác về khí tượng, thuỷ văn đang thực hiện tại các trạm này, cần tiến hành đồng thời các quan sát và theo dõi chi tiết hơn về các đợt sóng, đặc biệt là các sóng bất thường (căn cứ vào biên độ và độ dài của sóng) để thông báo kịp thời cho bộ phận nói trên đối chiếu, so sánh với các thông tin quốc tế và có các biện pháp phòng tránh và xử lý thích hợp. 4) Nâng cao trình độ dân trí bằng cách đưa vào sách báo hoặc chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh và nhân dân các vùng ven biển những kiến thức thông dụng nhất để hiểu và dễ dàng nhận biết động đất, sóng thần và cách phòng tránh nguy hiểm. Ví dụ, theo như Internet đã đưa tin, có một học sinh do đã được thày giáo phổ thông giảng cho hiểu các dấu hiệu nhận dạng sóng thần nên em này đã cảnh báo cho mọi người, vì thế mà cứu được bố mẹ của mình và hàng trăm bà con hàng xóm lân cận. Thường thì dấu hiệu về sóng thần rất đơn giản: trước khi có những con sóng lớn dạng sóng thần tràn vào bờ thì nước sẽ rút rất nhanh (nhanh hơn thuỷ triều rất nhiều). Quá trình này kéo dài từ vài phút đến 10 phút. Khi thấy dấu hiệu bất thường này, dân ven bờ cần chạy ngay lên những vùng đất cao để tránh nguy hiểm. Trong vụ động đất gây sóng thần vừa rồi, rất nhiều người đã chết do không biết những kinh nghiệm như vậy. Họ thậm chí còn chạy ra biển ngắm biển và bắt cá. 2. Nhiệm vụ lâu dài
  5. Sau trận động đất Andaman-Sumatra, các dư chấn mạnh vẫn tiếp tục xảy ra, toàn khu vực Nam và Đông Nam Á vẫn đang đứng trước nguy cơ về sóng thần có thể xảy ra bất kì lúc nào. Các nhà quản lý, các nhà khoa học quốc tế và các nước trong khu vực đang chuẩn bị tích cực cho việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm sóng thần trong khu vực. Tham gia vào công việc đó là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng tương tự để giải quyết nhiệm vụ này đồng thời với nhiều nhiệm vụ khác nhằm tiết kiệm tối đa các chi phí. Các nhà địa chấn, các nhà hải dương học và các nhà địa chất cần phối hợp để giải quyết các nhiệm vụ sau: 1) Dự báo động đất sẽ xảy ra: Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà nan giải đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng ta nhất định phải nghiên cứu, giải quyết nhiệm vụ này. 2) Thiết lập chương trình tính toán sóng thần theo các kịch bản động đất khác nhau: a) Việc này đến nay cũng không còn xa lạ với chúng ta. Đã có rất nhiều nước làm công việc này như Nga, Mỹ, Nhật Bản. Đồng thời, có rất nhiều phương án tính toán khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Trên thế giới, người ta đã xây dựng các phần mềm tính toán với đầu vào là các kịch bản về động đất với các phương án khác nhau về các tham số động học và động lực của nó (ví dụ: động đất xảy ra ở đâu? Với chấn cấp bao nhiêu (M = ?), độ sâu chấn tiêu thế nào...; đầu ra là dự báo về sóng và ngập nước cho các vùng ven bờ cũng như dự báo về mức độ rủi ro có thể do chúng gây ra. b) Việc xây dựng và sử dụng mô hình nào cho phù hợp nhất với các điều kiện của Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Vì rằng, trên cơ sở các băng ghi động đất do các trạm địa chấn ghi được, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được các tham số cơ bản của một trận động đất và xem xét nó có khả năng gây sóng thần hay không. Theo thống kê, chỉ những trận động đất có chấn cấp M ≥ 7 với độ sâu chấn tiêu nhỏ thì mới có nguy cơ gây ra sóng thần nguy hiểm. Còn những trận động đất với M < 7 và độ sâu chấn tiêu lớn thì thường không quá nguy hiểm nên người ta không cảnh báo. Ví dụ, trận động đất gây sóng thần Andaman-Sumatra có M = 9 và h = 10 km [1] (còn theo NEIC: M = 8,9; h = 30 km [2]). c) Tiếp theo, đưa kịch bản động đất vào đầu vào của chương trình tính toán thì ở đầu ra đã có thể xác định được ảnh hưởng của sóng đến bờ ra sao? Có khả năng rủi ro thế nào? Và có cần áp dụng các biện pháp sơ tán phòng tránh không? Bởi vì sau khi động đất xảy ra ngoài biển cũng phải mất một thời gian sóng mới chạy đến bờ được, nên việc dự báo, cảnh báo, sơ tán dân chúng là hoàn toàn có thể thực hiện được. Để thực hiện các nhiệm vụ trên cũng còn phải dựa vào các điều kiện cụ thể của từng khu vực xem xét, như điều kiện địa chất kiến tạo và địa động lực, về khả năng phát sinh động đất mạnh, điều kiện về độ sâu đáy biển, về độ dốc lớn hay thoải của thềm biển ..… III. KHẢ NĂNG, TRIỂN VỌNG VÀ HỢP TÁC NGHIÊN CỨU ĐỂ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐÃ NÊU 1. Khả năng, triển vọng
  6. Có thể ghi nhận được các tài liệu địa chấn nhờ hệ thống trạm địa chấn Việt Nam (bao gồm 24 trạm), có khả năng ghi tự động cả các trận động đất xa và gần, sau đó truyền trực tiếp các tín hiệu về bộ phận xử lý số liệu của Viện Vật lý địa cầu (VLĐC) tại Hà Nội. Tuy nhiên, ở Viện VLĐC mới chỉ chú ý đến việc xử lý các băng ghi động đất gần (khoảng cách chấn tâm ∆ ≤ 800 km). Đối với các băng ghi động đất xa chỉ tiến hành quy toán và xác định thời điểm tới đầu tiên của sóng P mà chưa xem xét, xác định các tham số khác và chưa thường xuyên liên kết trao đổi số liệu với quốc tế và trong khu vực. Ví dụ, về trận động đất Andaman-Sumatra có 9 trạm địa chấn Việt Nam ghi được và ngay sau khi động đất xảy ra, các băng ghi đã được truyền về Hà Nội. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về trận động đất này và loạt dư chấn chính của nó đã được trình bày trong [6]. Hàng ngày chúng ta đều có thể thu thập và tham khảo mọi thông tin và các số liệu địa chấn qua các trang Web của các Trung tâm số liệu địa chấn quốc tế (ISC, USGS, NEIC....). Ví dụ, trong công trình [6] các số liệu địa chấn về trận động đất Andaman-Sumatra và 98 dư chấn đầu tiên của nó (tính đến 11 giờ GMT ngày 02/1/2005) đã được thu thập qua mạng Internet theo các địa chỉ trang Web của USGS và NEIC. Ở nước ta, có một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học có kinh nghiệm và tâm huyết có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ cụ thể khác nhau trong quá trình thực hiện các giải pháp nêu trên. 2. Về hợp tác nghiên cứu Viện Vật lý địa cầu có quan hệ hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học của nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Italia, Pháp, Ba Lan, Ukraina…, là các nước có truyền thống và kinh nghiệm nghiên cứu về các vấn đề đã nêu. Ngoài ra, nhiều cơ quan và tổ chức trong nước cũng rất cần một hệ thống bảo vệ an ninh quốc phòng, cảnh báo xa bờ sự ô nhiễm môi trường (xăng dầu, hoá chất, sinh vật chết hàng loạt...), đặt các thiết bị đo viễn thám, GPS…Nếu trên cùng một trạm (hay hệ thống xa bờ) mà chúng ta tiến hành nhiều nhiệm vụ cảnh báo khác nhau thì sẽ giảm được chi phí phục vụ nghiên cứu đi nhiều lần. Vì vậy, việc xây dựng một chương trình hợp tác tổng thể trong nước và quốc tế để giải quyết các nhiệm vụ đã nêu là hoàn toàn khả thi. KẾT LUẬN Nghiên cứu chi tiết tính địa chấn, chế độ hoạt động động đất mạnh, cơ cấu nguồn và diễn biến dư chấn của chúng trong bối cảnh địa động lực khu vực Nam và Đông Nam Á luôn là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết phục vụ công tác nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm, dự báo động đất và sóng thần đối với Việt Nam và các vùng lân
  7. cận, nhằm ngăn ngừa và hạn chế tối đa các ảnh hưởng và thảm hoạ do chúng có thể gây ra. Để giải quyết các nhiệm vụ đã nêu, cần phải tổ chức xây dựng và thực hiện một Dự án cấp quốc gia trên cơ sở liên kết, hợp tác nghiên cứu giữa một số cơ quan, các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. VĂN LIỆU 1. Earthquake Hazards Program. U.S. Geological Survey (USGS), National Earthquake Information Center. World Data Center for Seismology, Denver. 12/2004 - 1/2005. 2. National Earthquake Information Center (NEIC), 12/2004 - 1/2005. 3. Ngô Thị Lư, 1999. Các đặc điểm của tính địa chấn và các đặc trưng cơ bản của chấn tiêu động đất khu vực Đông Nam Á từ quan điểm làm sáng tỏ các cấu trúc kiến tạo mới. Luận án TSKH Toán lý, chuyên ngành Vật lý địa cầu, 342 tr. Thư viện Quốc gia, Hà Nội (tiếng Nga). 4. Ngô Thị Lư, Gatinsky Y. G., Kondorskaia N. V., 2000. Seismicity and modem geokinematics of Southeast part of Asia. Reports of the Russian Acad. of Sci., 347/2: 247-251. Moscow (in Russian). 5. Ngô Thị Lư, 2003. Strong earthquakes and features of tectonic activities in Southeast Asia region. J. of Geology, B/22: 54-60. Hà Nội. 6. Ngô Thị Lư, 2005. Các đặc điểm hoạt động của động đất gây sóng thần Andaman-Nicobar (26/12/2004) và diễn biến dư chấn của nó. TC Địa chất, A/286: 1-10. Hà Nội. 7. Nguyễn Đình Xuyên, Trương Minh, 2005. Tìm hiểu và cảnh báo sóng thần. TC Vật lý địa cầu, Hội KHKT Địa vật lý Việt Nam, 7: 14-20. Hà Nội. 8. Phạm Văn Thục, 1995. Bước đầu đánh giá ảnh hưởng của sóng thần ở biển Đông đến bờ biển Việt Nam. Các công trình nghiên cứu địa chất và địa vật lý biển.1: 145-155. Nxb KHKT, Hà Nội. 9. Phạm Văn Thục, 1998. Độ nguy hiểm động đất và sóng thần vùng quần đảo Trường Sa. Tuyển tập các công trình nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng quần đảo Trường Sa, tr. 127-143. Nxb KHKT, Hà Nội. 10. Phạm Văn Thục, 2000. Đánh giá độ nguy hiểm của sóng thần ở biển Đông. Các công trình nghiên cứu địa chất và địa vật lý biển, 4: 31-46. Nxb KHKT, Hà Nội. 11. Phạm Văn Thục, 2000. Sóng thần ở biển Đông và vấn đề dự báo. Tuyển tập báo cáo khoa học HNKH biển Đông, tr. 351-365. Hà Nội. 12. Phạm Văn Thục, 2001. Những đặc điểm của sóng thần khu vực biển Đông. TC Khoa học và Công nghệ biển, 1/2: 52-64. Hà Nội. 13. Phạm Văn Thục, 2002. Chế độ động đất khu vực biển Đông Việt Nam. TC Khoa học và Công nghệ biển, 1/4: 40-56. Hà Nội.
  8. 14. Phan Trọng Trịnh, 2005. Động đất và sóng thần ngày 26/12/2004 tại Ấn Độ Dương và kinh nghiệm rút ra đối với Việt Nam. Báo cáo tại Hội thảo khoa học về động đất và sóng thần, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2