intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – Quan điểm về tiếp thu, tăng cường xử lý chuyển hướng vào Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày một số vấn đề lý luận về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi. Đồng thời, đề cập tới những chuẩn mực quốc tế về vấn đề này. Qua đó, nêu quan điểm của bản thân về việc tiếp thu, tăng cường xử lý chuyển hướng vào Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – Quan điểm về tiếp thu, tăng cường xử lý chuyển hướng vào Việt Nam

  1. XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI– QUAN ĐIỂM VỀ TIẾP THU, TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG VÀO VIỆT NAM Trần Thị Thanh Hằng 1 1.Khoa Khoa học quản lý, Trường đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được xem là một xu hướng mang tính nhân đạo của pháp luật và có nhiều cách thức thực hiện khác nhau. Việc quy định các biện pháp thay thế xử lý hành chính hay hình sự đã thể hiện sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ, đặc biệt là người dưới 18 tuổi theo hướng hạn chế khả năng đưa người dưới 18 tuổi vào vòng quay tố tụng. Bài viết, trình bày một số vấn đề lý luận về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi. Đồng thời, đề cập tới những chuẩn mực quốc tế về vấn đề này. Qua đó, nêu quan điểm của bản thân về việc tiếp thu, tăng cường xử lý chuyển hướng vào Việt Nam. Từ khóa: Người dưới 18 tuổi, nhân đạo, xử lý chuyển hướng 1. ĐẶT VẤN ĐỀ: Trong những năm gần đây, theo thống kê của Bộ công an, tỷ lệ tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện ở nước ta đang ngày càng gia tăng với nhiều vụ việc gây chấn động dư luận cả nước (Giang Oanh, 2022). Đối với các tội do người dưới 18 tuổi gây ra thì cần áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng với mục đích giáo dục để thay đổi nhận thức và hành vi nhóm chủ thể đặc biệt này chứ không chỉ dừng ở xử lý hình sự nhằm trừng phạt đơn thuần. Biện pháp thay thế hình sự hay hành chính đã tạo cơ hội cho người người dưới 18 tuổi phạm tội nhìn nhận lại xử sự của mình và chịu trách nhiệm với hành vi đó mà không để lại án tích, từ đó ngăn ngừa được sự kỳ thị, thúc đẩy các em hòa nhập vào gia đình và xã hội. Việc quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự hay hành chính còn thể hiện sự nội luật hóa các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định: “Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết cần đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp, miễn là các quyền con người và những bảo vệ pháp lý được tôn trọng đầy đủ” (Điểm d Khoản 3 Điều 40 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989). Như vậy, xu hướng chung trong chính sách xử lý đối với dưới 18 tuổi phạm tội của nhiều nước trên thế giới là ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, việc đưa người dưới 18 tuổi vào hệ thống xử lý chính thức chỉ khi không còn cách nào khác để bảo đảm sự an toàn của cộng đồng. 718
  2. Phương pháp nghiên cứu: Tác giả sử dụng phương pháp phân tích để giải quyết các vấn đề đặt ra trong bài viết như: làm rõ khái niệm về xử lý chuyển hướng người dưới 18 tuổi phạm tội; cũng như quy định của pháp luật quốc tế về vấn đề này. 2. KHÁI NIỆM, Ý NGHĨA CỦA XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên. Trong các văn bản quốc tế và các chương trình của Liên Hợp Quốc về vấn đề trẻ em sử dụng đồng thời cả hai khái niệm “trẻ em” và “người chưa thành niên”. Công ước quốc tế về quyền trẻ em (Convention on the Rights of the Child - CRC) xác định rõ: “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn” (Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em). Trong một số văn bản, khái niệm trẻ em được gọi là người chưa thành niên hoặc thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, trong quan hệ với pháp luật và thực thi pháp luật, trẻ em thường được gọi là người chưa thành niên. Chẳng hạn trong Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên (United Nations Standard Minimum Rules for the Administration of Juvenile Justice /Beijing Rules - Quy tắc Bắc Kinh), được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 29/11/1985 nêu rõ: “Người chưa thành niên là trẻ em hay người ít tuổi tuỳ theo từng hệ thống pháp luật có thể bị xét xử vì phạm pháp theo một phương thức khác với việc xét xử người lớn” (Quy tắc số 2.2 mục a, Các quy tắc Bắc Kinh). Còn theo Quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do thông qua ngày 14/12/1990 nêu cụ thể: “Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Giới hạn tuổi dưới mức này cần phải được pháp luật xác định và không được tước quyền tự do của người chưa thành niên” (Đoàn Thị Ngọc Hải, 2019). Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khái niệm “Người chưa thành niên” khác với khái niệm “trẻ em”. Theo Luật Trẻ em năm 2016 thì “Trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016), trong khi đó Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi” (Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015). Mặc dù có một số khác biệt nhưng theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam thì người chưa thành niên đều là người dưới 18 tuổi. Xử lý chuyển hướng là một thuật ngữ mới xuất hiện vào khoảng từ cuối đến giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Sau khi có một loạt nghiên cứu chỉ ra rằng những biện pháp xử lý tư pháp chính thống thường làm cho người dưới 18 tuổi lún sâu hơn vào con đường lầm lỗi vì bị phân biệt đối xử. Điều này làm nảy sinh ý tưởng là cần phải tránh áp dụng các biện pháp xử lý chính thức đối với người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật bằng cách khuyến khích các cán bộ tư pháp chuyển người dưới 18 tuổi từ hệ thống tư pháp chính thức sang các chương trình giải quyết tranh chấp dựa vào cộng đồng, các dịch vụ hỗ trợ hoặc các chương trình giáo dục tại cộng đồng (Phan Anh Tuấn, 2021). Thuật ngữ “Xử lý chuyển hướng” xuất hiện lần đầu tiên trong khung pháp lý của Liên hợp quốc tại Quy tắc 11 Các quy tắc Bắc Kinh năm 1985. Mặc dù không đưa ra định nghĩa chính thức về xử lý chuyển hướng nhưng bản chất của xử lý chuyển hướng được thể hiện rõ tại quy tắc này, cụ thể: “Bất cứ khi nào thích hợp, phải xem xét về việc xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không phải đưa ra xét xử chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền,…”(Quy tắc 11.1, Các quy tắc Bắc Kinh.) và “Cảnh sát, cơ quan công tố hay những cơ quan khác có trách 719
  3. nhiệm giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên cần được toàn quyền xử lý những vụ án như vậy mà không dùng đến những phiên tòa chính thức, theo tiêu chuẩn đã được định ra cho mục đích đó trong từng hệ thống pháp luật và theo các nguyên tắc đã được nêu trong văn kiện này” (Quy tắc 11.2, Các quy tắc Bắc Kinh). Bên cạnh đó, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 cũng đã bao hàm tinh thần về xử lý chuyển hướng:“Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết cần đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em vi phạm pháp luật mà không phải dùng đến thủ tục tư pháp, miễn là các quyền con người và những bảo vệ pháp lý được tôn trọng đầy đủ” (Tại Điều 40.3(b), Công ước quốc tế về quyền trẻ em). Theo Ủy ban liên cơ quan của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên, xử lý chuyển hướng được định nghĩa như sau: “Một đứa trẻ được xử lý chuyển hướng khi đứa trẻ đó vi phạm pháp luật song vụ án đã được giải quyết bằng các biện pháp thay thế cho việc áp dụng xét xử chính thức thông thường của cơ quan có thẩm quyền có liên quan. Để được xử lý chuyển hướng, trẻ em và/hoặc cha mẹ hay người giám hộ của các em phải đồng ý chuyển hướng xử lý vụ việc của đứa trẻ.” Và tại Báo cáo đánh giá luật pháp và thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý chuyển hướng, tư pháp phục hồi với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng đã đưa ra khái niệm về xử lý chuyển hướng là một quá trình thay thế nhằm xử lý các vi phạm của người người dưới 18 tuổi ngoài hệ thống tư pháp chính thống. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là chuyển hướng hoặc đưa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật ra ngoài quá trình tư pháp chính thống để áp dụng biện pháp xử lý thay thế tại cộng đồng (Tạp chí tòa án điện tử, 2018). Đến năm 2019, khái niệm xử lý chuyển hướng mới được đề cập tại Bình luận chung số 24 về quyền trẻ em trong hệ thống tư pháp trẻ em của Ủy ban quyền trẻ em: “Xử lý chuyển hướng là các biện pháp chuyển trẻ em ra khỏi hệ thống tư pháp vào bất kỳ lúc nào trước hoặc trong quá trình tố tụng”(Đoạn 8 Bình luận chung số 24). Tuy nhiên, Bình luận chung này không phải điều ước quốc tế, không mang tính chất ràng buộc mà chỉ đưa ra khuyến nghị hướng dẫn đối với các quốc gia thành viên. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có khái niệm chính thức về xử lý chuyển hướng đối với người vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm pháp luật hình sự nói riêng. Tuy nhiên, đã có những quy định cho phép chuyển hướng xử lý những người vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự sang xử lý bằng các biện pháp không chính thức. Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, các quy định về xử lý chuyển hướng được quy định tại Khoản 2, 4 Điều 91, Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015. Trên cơ sở Các quy tắc Bắc Kinh, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bình luận chung số 24, tác giả Mai Thị Thủy rút ra khái niệm: “Xử lý chuyển hướng là xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội bằng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự chuyển người dưới 18 tuổi phạm tội ra khỏi thủ tục xét xử của Tòa án” (Mai Thị Thủy, 2022). Qua các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật hình sự Việt Nam, qua tham khảo một số quan điểm của các nhà nghiên cứu, theo tác giả có thể hiểu: “Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là các biện pháp chuyển người dưới 18 tuổi ra khỏi thủ tục xét xử của Tòa án sang các biện pháp xử lý thay thế tại cộng đồng”. Việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ngoài hệ thống tư pháp chính thức có ý nghĩa không chỉ về mặt xã hội mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, cụ thể: 720
  4. • Về mặt xã hội: Thứ nhất, áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ giúp tránh sự kỳ thị, phân biệt khi bị kết tội và xử phạt; hạn chế được các tác động tiêu cực đến tâm lý của người dưới 18 tuổi trong quá trình xử lý vi phạm. Như đã đề cập, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội bằng các biện pháp tư pháp chính thống có thể làm tăng xác suất tái phạm bởi quá trình tham gia tố tụng tư pháp, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng, người dưới 18 tuổi bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng có thể khắc phục tình trạng này, làm giảm tình trạng người dưới 18 tuổi tái phạm trong tương lai. Thứ hai, việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng cũng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, giúp tạo ra một hướng tiếp cận toàn diện hơn trong xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội bởi nó không chỉ xử lý hành vi phạm tội cụ thể mà còn giải quyết cả những nguyên nhân tiềm ẩn cũng như những nhân tố bên trong dẫn đến hoặc liên quan đến hành vi đó, điều mà hệ thống tư pháp hình sự chính thống khó có thể giải quyết được. Thứ ba, việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng tạo động lực và các điều kiện tối ưu cho người dưới 18 tuổi nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của mình để trở thành công dân có ích cho xã hội. Thứ tư, việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng giúp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết và xử lý vi phạm đối với người dưới 18 tuổi; bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời; chấm dứt sớm quá trình tố tụng; giảm tải áp lực công việc cho những người tiến hành tố tụng. Thứ năm, do không phải thực hiện theo các trình tự, thủ tục tố tụng chính thống được pháp luật quy định nên xử lý chuyển hướng có thể đem lại kết quả nhanh hơn và giúp tìm ra phương pháp phù hợp hơn nhằm giải quyết nhu cầu của các bên và cộng đồng. • Về mặt kinh tế: Thứ nhất, việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng giúp giảm tải được công sức và chi phí khi không phải tiếp tục đưa người dưới 18 tuổi ra xét xử bởi Tòa án, đồng thời cũng tiết kiệm chi phí cho công tác tổ chức thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng của người dưới 18 tuổi phạm tội. Thứ hai, xử lý chuyển hướng giúp giảm tình trạng người dưới 18 tuổi tái phạm; từ đó tiết kiệm chi phí cho việc xử lý, khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi. 3. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật quốc tế, điển hình là các văn bản sau: Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên năm 1985 (United Nations Standard Minimum Rules for the Administration of Juvenile Justice /Beijing Rules - Quy tắc Bắc Kinh); Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 (Convention on the Rights of the Child - CRC); Bình luận chung số 24 năm 2019 về quyền trẻ em trong hệ thống tư pháp của Ủy ban quyền trẻ em (Bình luận chung số 24). 721
  5. 3.1. Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc (LHQ) về hoạt động tư pháp đối với NCTN năm 1985 (United Nations Standard Minimum Rules for the Administration of Juvenile Justice /Beijing Rules - Quy tắc Bắc Kinh) Quy tắc Bắc Kinh năm 1985 chính là văn bản pháp luật đầu tiên đề cập về vấn đề xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội. Quy tắc 11.1 Quy tắc Bắc Kinh ghi nhận: “Bất cứ khi nào thích hợp, phải xem xét việc xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không phải đưa ra xét xử chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền,…”. Có nghĩa là việc xử lý người chưa thành niên phạm tội ưu tiên áp dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự, hạn chế việc đưa ra xét xử chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền. Việc sử dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự, thông thường là chuyển giao cho các tổ chức hỗ trợ ở cộng đồng, được áp dụng rộng rãi trên cơ sở chính thức và không chính thức trong nhiều hệ thống pháp luật. Việc này nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của các thủ tục tố tụng tiếp theo trong áp dụng tư pháp đối với người chưa thành niên (ví dụ người chưa thành niên phạm tội sẽ phải chịu một vết nhơ khi bị buộc tội và tuyên án). Trong nhiều trường hợp, cách giải quyết tốt nhất là không có sự can thiệp của tòa án. Vì vậy, việc sử dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự ngay từ đầu và không chuyển giao cho những tổ chức (xã hội) khác có thể là cách tối ưu. Đặc biệt trong trường hợp hành vi phạm tội không mang tính chất nghiêm trọng, và gia đình, nhà trường hoặc những tổ chức quản lý xã hội không chính thức khác đã có cách xử lý hoặc có khả năng xử lý theo một hướng phù hợp và mang tính xây dựng (Diễn giải Quy tắc 11 Quy tắc Bắc Kinh). Tại Quy tắc 11.2 Quy tắc Bắc Kinh: “Cảnh sát, cơ quan công tố hay các cơ quan khác có trách nhiệm giải quyết vụ án liên quan đến người chưa thành niên cần được toàn quyền xử lý những vụ án như vậy mà không dùng đến những phiên tòa chính thức…”. Quy tắc này được Quy tắc Bắc Kinh diễn giải như sau: Việc sử dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự có thể được thực hiện ở bất cứ giai đoạn ra quyết định nào của cảnh sát, cơ quan công tố hay những cơ quan khác như tòa án, cơ quan xử lý, các ban hoặc hội đồng. Việc này có thể do một hoặc vài hay tất cả các nhà chức trách thực hiện theo những nguyên tắc và chính sách của từng hệ thống, và phù hợp với các quy tắc được nêu trong văn kiện này. Không nhất thiết phải hạn chế việc sử dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự chỉ với những vụ việc nhỏ, điều này sẽ giúp cho việc sử dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự trở thành một công cụ quan trọng. Căn cứ Quy tắc 11.1 và 11.2 có thể nhận thấy Quy tắc 11 Quy tắc Bắc Kinh phân biệt hai nhóm biện pháp xử lý chuyển hướng khác nhau, gồm: các biện pháp xử lý chuyển hướng ở giai đoạn tiền tố tụng (khi người chưa thành niên chưa tiếp xúc với thủ tục tố tụng chính thức – xử lý chuyển hướng ngay từ đầu) và các biện pháp xử lý chuyển hướng trong quá trình tố tụng (khi người chưa thành niên phạm tội đã bị đưa vào vòng quay tố tụng) (Mai Thị Thủy, 2022). Về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, Quy tắc 11.3 yêu cầu: “Bất cứ biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự liên quan đến việc chuyển giao cho các tổ chức cộng đồng hay các cơ quan thích hợp khác đều phải có sự đồng ý của người chưa thành niên hoặc của cha mẹ hay người giám hộ của người đó, với điều kiện là quyết định chuyển giao vụ án như vậy phải được một cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi được thi hành”. Diễn giải Quy tắc 11.3 nhấn mạnh yêu cầu quan trọng của việc bảo đảm sự đồng ý của người thanh 722
  6. thiếu niên (hay của cha mẹ hoặc người giám hộ) đối với các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự được kiến nghị (Việc chuyển giao cho các tổ chức cộng đồng mà không có sự đồng ý của thanh thiếu niên phạm tội sẽ vi phạm Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức). Tuy nhiên, sự đồng ý này không phải là không thể thay đổi, vì có thể nó được đưa ra trong tình cảnh quẫn bách từ phía người chưa thành niên. Quy tắc này nhấn mạnh cần có sự quan tâm chăm sóc để giảm thiểu khả năng tiềm tàng của sự ép buộc và đe dọa ở tất cả các cấp trong quá trình sử dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự. Người chưa thành niên phải cảm thấy không bị ép buộc (ví dụ như để tránh việc ra trước tòa) hoặc bị ép buộc đồng ý với các biện pháp thay thế khác. Vì vậy, đánh giá tính thích hợp của việc sử dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự liên quan đến thanh thiếu niên phạm tội do “một cơ quan có thẩm quyền” tiến hành là điều được ủng hộ (“Cơ quan có thẩm quyền” có thể khác với cơ quan nói đến trong Quy tắc 14). Quy tắc 11.4 - “Để tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền quyết định đối với các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, cần phải giám sát và hướng dẫn tạm thời đối với các chương trình cộng đồng, cũng như quan tâm đến việc đền bù cho nạn nhân” - khuyến nghị việc đưa ra những phương thức xử lý thay thế quá trình xét xử tư pháp đối với người chưa thành niên dưới hình thức dựa vào cộng đồng. Những chương trình có liên quan đến việc giải quyết bằng bồi thường cho người bị hại hay những chương trình giúp tránh tái phạm thông qua sự giám sát và hướng dẫn tạm thời, được tán thành. Những tình tiết cụ thể của từng vụ án sẽ giúp xác định việc áp dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm tư pháp có phù hợp hay không (ví dụ trong trường hợp vi phạm lần đầu hay bị lôi kéo bởi bạn bè) (Diễn giải Quy tắc 11.4 Quy tắc Bắc Kinh). Tóm lại, theo Quy tắc 11 Quy tắc Bắc Kinh, xử lý chuyển hướng là biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không dùng đến thủ tục xét xử chính thức của Tòa án và có thể chuyển hoặc không chuyển người chưa thành niên sang các dịch vụ thay thế ở cộng đồng. Việc sử dụng các biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự có thể được thực hiện ở bất cứ giai đoạn ra quyết định nào của cảnh sát, cơ quan công tố hay những cơ quan khác như tòa án, cơ quan xử lý, các ban hoặc hội đồng, và đều phải được sự đồng ý của người chưa thành niên hoặc của cha mẹ hay người giám hộ của người đó. 3.2. Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 (Convention on the Rights of the Child - CRC) Điều 37 CRC năm 1989 quy định: “… Người chưa thành niên chỉ bị bắt, bị giam giữ và áp dụng hình phạt khi không thể áp dụng các biện pháp thay thế”. Quy định tại điều này cũng nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp thay thế cho biện pháp xử lý hình sự khi xử lý người chưa thành niên phạm tội. Điều này càng được khẳng định tại Điều 40.3(b) CRC: “Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết cần đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em vi phạm pháp luật mà không phải dùng đến thủ tục tư pháp, miễn là các quyền con người và những bảo vệ pháp lý được tôn trọng đầy đủ”. Quy định tại Điều 40.3(b) CRC đã lưu ý đến việc cần đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật mà không phải dùng đến thủ tục tư pháp. Nhưng thủ tục tư pháp (judicial proceeding) là gì? Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, thủ tục tư pháp quy định tại Điều 40.3(b) CRC được hiểu là thủ tục xét xử chính thức của Tòa án. Vậy bản chất của biện pháp xử lý chuyển hướng theo quy định tại Điều 40.3 (b) CRC là biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải dùng đến thủ tục xét xử chính thức của Tòa án. Biện pháp này có thể 723
  7. được áp dụng vào bất kỳ lúc nào thấy thích hợp và cần thiết nhưng phải được áp dụng trước khi Tòa án đưa trẻ em ra xét xử chính thức. Bên cạnh đó, điều kiện để áp dụng biện pháp này là các quyền con người và những bảo vệ pháp lý của trẻ em phải được tôn trọng và bảo đảm đầy đủ (Mai Thị Thủy, 2022). Bên cạnh đó, Điều 40.4 CRC cũng yêu cầu các quốc gia thành viên cần đưa ra nhiều biện pháp khác nhau như ra lệnh chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; tư vấn; thử thách; chăm nuôi; các chương trình giáo dục và dạy nghề và những biện pháp thay thế khác cho việc quản lý tại cơ sở nhằm bảo đảm cho trẻ em được đối xử phù hợp với phúc lợi của trẻ và tương xứng với hoàn cảnh cũng như hành vi phạm tội của trẻ. 3.3. Bình luận chung số 24 năm 2019 về quyền của trẻ em trong hệ thống tư pháp trẻ em của Ủy ban quyền trẻ em (Bình luận chung số 24) Bình luận chung số 24 đã đưa ra định nghĩa về xử lý chuyển hướng tại đoạn 8. Theo đó, xử lý chuyển hướng được hiểu là các biện pháp chuyển trẻ em ra khỏi hệ thống tư pháp, bất kỳ lúc nào trước hoặc trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, do Bình luận này không phải một điều ước quốc tế chỉ là văn bản khuyến nghị và hướng dẫn các quốc gia thành viên xây dựng và áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội nên đây không được coi là một định nghĩa chính thức về xử lý chuyển hướng. Bên cạnh việc đưa ra khái niệm xử lý chuyển hướng, Bình luận chung số 24 cũng nhấn mạnh các nội dung trọng tâm về xử lý chuyển hướng như sau: Dựa vào khái niệm xử lý chuyển hướng, chúng ta có thể nhận thấy xử lý chuyển hướng được áp dụng đối với trẻ em phạm tội bất cứ khi nào thích hợp, có thể trước hoặc trong quá trình tố tụng. Đoạn 16 Bình luận chung này đưa ra khuyến nghị về việc nên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với trẻ em càng sớm càng tốt: “Các cơ hội để xử lý chuyển hướng nên sẵn có càng sớm càng tốt ngay sau khi tiếp xúc với hệ thống và ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình tố tụng”. Đoạn 14, 16 Bình luận chung số 24 khuyến nghị xử lý chuyển hướng phải là một phần không thể thiếu của hệ thống tư pháp trẻ em và phải phù hợp với Điều 40.3(b) CRC, quyền con người của trẻ em và các biện pháp bảo vệ pháp lý phải được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ trong tất cả các quá trình xử lý chuyển hướng. Bên cạnh đó, Bình luận chung số 24 khuyến nghị tại đoạn 18a rằng chỉ nên áp dụng xử lý chuyển hướng khi có bằng chứng thuyết phục rằng trẻ em đã thực hiện hành vi phạm tội bị cáo buộc và trẻ em đó tự do và tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội. Việc thừa nhận hành vi phạm tội sẽ không được sử dụng để chống lại trẻ em trong bất kỳ trường hợp nào khi tiến hành các thủ tục pháp lý sau đó. Đoạn 18b của Bình luận chung này cũng đưa ra điều kiện để áp dụng xử lý chuyển hướng phải được sự đồng ý có hiểu biết của trẻ em. Sự đồng ý xử lý chuyển hướng tự do và tự nguyện của trẻ phải dựa trên thông tin đầy đủ và cụ thể về bản chất, nội dung và thời hạn của biện pháp cũng như hiểu biết về hậu quả của việc không hoàn thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Đoạn 18c Bình luận chung số 24 yêu cầu pháp luật cần quy định rõ các trường hợp có thể xử lý chuyển hướng và quyền hạn của cảnh sát, công tố viên hoặc các cơ quan khác trong việc đưa ra quyết định xử lý chuyển hướng. Các quan chức nhà nước và các cá nhân tham gia vào quá trình xử lý chuyển hướng cần được đào tạo và hỗ trợ cần thiết. Nhằm bảo vệ tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội, đoạn 18d Bình luận chung số 24, đoạn 59 Bình luận chung số 12 đều cho rằng trẻ em cần được tạo cơ hội tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý hoặc hỗ trợ thích hợp khác liên quan đến việc xử lý chuyển hướng do các cơ quan có thẩm quyền đưa ra và khả năng 724
  8. xem xét lại biện pháp này. Đặc biệt, căn cứ theo quy định tại Điều 11b Quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do năm 1990 (Quy tắc Havana), Bình luận chung số 24 nhấn mạnh tại đoạn 18e rằng các biện pháp xử lý chuyển hướng không được bao gồm việc tước tự do. Đoạn 18f Bình luận chung số 24 cũng khuyến nghị trẻ em được xử lý chuyển hướng không được coi là có án tích. Việc hoàn thành xử lý chuyển hướng phải dẫn đến kết thúc chắc chắn và cuối cùng của vụ việc. 4. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ XỬ LÝ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI, QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC TIẾP THU, TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG VÀO VIỆT NAM 4.1 Quy định của pháp luật hình sự Việt nam về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội và thực tiễn áp dụng Theo tinh thần của Bộ luật hình sự 2015 thì xử lý chuyển hướng là một thuật ngữ chỉ quá trình thay thế nhằm xử lý các vi phạm của người dưới 18 tuổi phạm tội, quá trình này nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thống. Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật hình sự 2015 thì Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này. Nhìn chung, các biện pháp áp dụng xử lý chuyển hướng còn hẹp, quy định chung chung về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, pháp luật hình sự cũng chưa có quy định hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ, tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Do đó, trong thực tiễn áp dụng còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về tư pháp người dưới 18 tuổi thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số kết quả như: Đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tư pháp người dưới 18 tuổi (tư pháp người chưa thành niên) với nhiều đạo luật (Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án Hình sự; Luật Đặc xá; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân… ) và các văn bản dưới luật, từng bước hình thành hệ thống pháp luật về tư pháp người dưới 18 tuổi; hệ thống cơ quan bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi, đặc biệt là hệ thống Tòa gia đình và người chưa thành niên từng bước được kiện toàn; trong xử lý hình sự, từng bước hoàn thiện các thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi. Việc xử lý chuyển hướng và áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã được đặt ra; các biện pháp thay thế, tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế áp dụng hình phạt tù, tăng cường áp dụng biện pháp không giam giữ... bước đầu được tăng cường; khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội; xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (tư pháp người chưa thành niên) còn có những hạn chế nhất định như: Hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật (Các quy định đa phần còn nằm tản mản, các biện pháp áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nói chung, vi phạm pháp luật nói rriêng còn hạn chế, các biện pháp xử lý chuyển hướng còn mang tính hình thức); thực tiễn áp dụng thiếu thống nhất… Do đó, về lâu dài, việc tiếp thu, tăng cường cử lý chuyển hướng vào Việt Nam đòi hỏi 725
  9. sự nổ lực từ nhiều phía: các cơ quan lập pháp, cơ quan người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và ban ngành có liên quan để tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế trong tư pháp hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. 3.2 Việc tiếp thu, tăng cường xử lý chuyển hướng vào Việt Nam, theo ý kiến cá nhân, Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề sau: Một là, tăng cường quy định và áp dụng xử lý chuyển hướng trên cơ sở nội luật hóa các công ước quốc tế, đặc biệt là công ước quốc tế về quyền trẻ em và vừa phải phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Cụ thể, việc xử lý chuyển hướng cần sửa đổi theo hướng sau đây: (i) Người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; (ii) Người dưới 18 tuổi phạm tội tự nguyện nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm; (iii) Người dưới 18 tuổi phạm tội và cha mẹ của họ đồng ý với xử lý chuyển hướng; (iv)Hậu quả hành vi vi phạm mà người dưới 18 tuổi phạm tội gây ra không lớn; (v) Sau khi cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của người dưới 18 tuổi phạm tội và hành vi vi phạm, việc xử lý chuyển hướng là thích hợp và vì lợi ích của nạn nhân, người vi phạm và cộng đồng; (vi) Việc xử lý chuyển hướng sẽ không đặt người dưới 18 tuổi phạm tội, nạn nhân hay cộng đồng vào hoàn cảnh nguy hiểm. Hai là, việc tiếp thu, tăng cường quy định và áp dụng xử lý chuyển hướng nói chung, xử lý chuyển hướng trong lĩnh vực tư pháp hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam, phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay của thế giới vì những lợi ích mà xử lý chuyển hướng đưa lại như: Bảo đảm quyền con người của người dưới 18 tuổi; tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng; tạo cơ hội cho cha mẹ, gia đình người phạm tội, cộng đồng xã hội tham gia vào việc cải tạo giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội; giải quyết vụ án nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng; đem lại lợi ích, quan tâm đến lợi ích của nạn nhân; giảm tái phạm, giảm sự kiểm soát xã hội không cần thiết đối với người phạm tội; giảm thiểu sự kỳ thị do bị kết án đưa lại. Ba là, để có thể tiếp thu, tăng cường xử lý chuyển hướng trong lĩnh vực tư pháp hình sự vào Việt Nam bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật như: Bổ sung thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng khác( bắt buộc đi học; đặt dưới sự giám sát và có hướng dẫn; Cấm đến hoặc xuất hiện thường xuyên tại một địa điểm; lao động công ích…); Thay đổi về trình tự áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng được thực hiện trước và là điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự; Đồng thời, quy định hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ, tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, theo hướng: Trường hợp tuân thủ việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì người dưới 18 tuổi phạm tội được xem xét miễn trách nhiệm hình sự; Trường hợp không tuân thủ các biện pháp xử lý chuyển hướng thì xem xét, quyết định việc xử lý theo thủ tục tố tụng thông thường. Ngoài ra, điều đặc biệt quan trọng là cần phải có các giải pháp nâng cao khác. Việt Nam cần tiến hành đồng bộ tất cả các giải pháp này từng bước một để quy định và áp dụng hiệu quả xử lý chuyển hướng. Các giải pháp khác cụ thể như: nâng cao nhận thức của người tiến hành tố tụng và người dân vì tâm lý đã phạm tội là phải xét xử, là phải chịu các biện pháp trách nhiệm hình sự; xây dựng đội ngũ người tiến hành tố tụng chuyên trách, đội ngũ cán bộ xã hội chuyên trách; xây dựng cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng như các cơ sở đào tạo nghề, dạy nghề, tư vấn, trị liệu tâm lý; tăng cường kinh phí để trả lương cho người tiến hành tố tụng, người thực hiện công việc giám sát, giáo dục người phạm tội, kinh phí để xây dựng các cơ sở vật chất nhằm giáo dục cải tạo người phạm tội. 726
  10. 4. KẾT LUẬN Xử lý chuyển hướng là một quá trình thay thế nhằm xử lý các vi phạm của người dưới 18 tuổi, quá trình này nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thống. Việc quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự thể hiện sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người dưới 18 tuổi. Đồng thời, việc quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các đạo luật khác do Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, việc quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự thể hiện hoạt động nội luật hóa các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việc quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự cũng là sự học tập, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của các nước trên thế giới phù hợp với điều kiện, tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bình luận chung số 24 (2019) của Ủy ban Quyền trẻ em về Các quyền trẻ em trong Hệ thống tư pháp trẻ em; 2. Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên năm 1985 (Quy tắc Bắc Kinh); 3. Các Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do năm 1990 (Quy tắc Havana); 4. Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989; 5. Đoàn Thị Ngọc Hải, (2019), Quyền của người chưa thành niện phạm tội theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2420; 6. Giang Oanh, (2022), Báo động tình trạng thanh thiếu niên phạm tội gia tăng, https://tiengchuong.chinhphu.vn/bao-dong-tinh-trang-thanh-thieu-nien-pham-toi-gia-tang- 113220719162948517.htm; 7. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 28/11/2013; 8. Quốc hội (2015), Bộ Luật hình sự, Bộ Luật số 100/2015/QH13, ngày 27/11/2015 được sử đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, ngày 20/06/2017; 9. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015, ngày 24/11/2015; 10. Quốc hội (2016), Luật Trẻ em, Luật số: 102/2016/QH13, ngày 5/4/2016; 11. Tạp chí tòa án điện tử, (2018), Hòa giải ở cơ sở khi mở rộng áp dụng xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, https://tapchitoaan.vn/hoa-giai-o-co-so-khi-mo-rong-ap-dung- xu-ly-chuyen-huong-nguoi-chua-thanh-nien-vi-pham-phap-luat; 12. Phan Anh Tuấn, (2021), Bàn về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 (Xử lý chuyển hướng, https://iluatsu.com/hinh-su/ban-ve-xu-ly-chuyen-huong-doi-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi/; 13. Mai Thị Thủy, (2022), Chuẩn mực quốc tế về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tộị và những gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (10), 35; 727
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
20=>2