Ẩm thực trong phát triển du lịch tại Bình Dương
lượt xem 1
download
Bài viết dựa trên những nghiên cứu định tính nhằm nêu lên nét đặc trưng của ẩm thực Bình Dương có tác động tích cực đến du lịch như: sức hấp dẫn về hệ thống món ăn, khả năng cung ứng của những điểm kinh doanh ăn uống và sự hài lòng về trải nghiệm du lịch ẩm thực của khách tham quan khi đến với địa phương này.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ẩm thực trong phát triển du lịch tại Bình Dương
- ẨM THỰC TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI BÌNH DƯƠNG Lê Thị Ngọc Sương1, Phan Quang Tiến 2 1. Chương trình Văn hóa học, Khoa Công nghiệp Văn hóa 2. Sinh viên ngành Văn hóa học, Khoa Công nghiệp Văn hóa TÓM TẮT Du lịch là một thành tố quan trọng của nền kinh tế đương đại, trong đó ẩm thực là một phần không thể thiếu khi trải nghiệm du lịch. Du lịch ẩm thực liên quan đến việc chế biến các món ăn, thức uống, cách trưng bày và thưởng thức chúng của một quốc gia, một địa phương. Bình Dương được biết đến với một hệ thống ẩm thực có sự pha trộn văn hóa Đông – Tây, cộng thêm những đặc trưng văn hóa vùng đã tạo nên nét độc đáo, thuận lợi trong phát triển loại hình du lịch ẩm thực. Bài viết dựa trên những nghiên cứu định tính nhằm nêu lên nét đặc trưng của ẩm thực Bình Dương có tác động tích cực đến du lịch như: sức hấp dẫn về hệ thống món ăn, khả năng cung ứng của những điểm kinh doanh ăn uống và sự hài lòng về trải nghiệm du lịch ẩm thực của khách tham quan khi đến với địa phương này. Từ khóa: Bình Dương; Du lịch ẩm thực; Phát triển du lịch. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của Du lịch đó là Ẩm thực. Du lịch ẩm thực kể về những câu chuyện lịch sử, cư dân và cảnh quan của một vùng (Sotiriadis, 2015). Nó phản ánh sức hút của điểm đến, đồng thời góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, xã hội và cộng đồng. Có nhiều ý kiến cho rằng, du lịch ẩm thực là một loại hình du lịch có khả năng truyền cảm hứng và thu hút ý định ghé thăm của du khách. Thật vậy, thực phẩm là nhu cầu thiết yếu không thể phủ nhận đối với những người đi nghỉ mát, cũng như nhu cầu cơ bản hàng ngày của tất cả mọi người. Trong các chuyến hành trình của mình, một tỷ lệ lớn du khách coi việc ăn uống là những hoạt động quan trọng (Sharul et al, 2021). Các nhà nghiên cứu cho rằng tầm quan trọng của ẩm thực trong việc quảng bá hình ảnh địa phương ở một số điạ điểm du lịch ít được chú ý (Bokunewicz và Shulman, 2017). Ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, việc sử dụng ẩm thực địa phương để thu hút du lịch còn nhiều hạn chế. Khi đó ẩm thực ở Bình Dương với những màu sắc riêng biệt như sự pha trộn độc đáo ẩm thực Đông – Tây ; sự cộng hưởng của ẩm thực từ nhiều vùng miền trong cả nước và những món ăn truyền thống gắn liền với yếu tố văn hóa vùng đã tạo nên một diện mạo ẩm thực vô cùng đa dạng và độc đáo. Nghiên cứu về Ẩm thực trong phát triển du lịch tại Bình Dương góp phần khẳng định vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch cả nước nói chung và du lịch Bình Dương nói riêng. Đánh giá khả năng cung ứng ẩm thực trong phát triển du lịch tại địa phương này, từ đó đề xuất khai thác thêm tại Bình Dương một loại hình du lịch mới – du lịch ẩm thực. 44
- 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết dựa trên những nghiên cứu định tính, sử dụng thao tác tổng hợp và phân tích nguồn tư liệu, tài liệu về du lịch ẩm thực để đưa ra những khái niệm liên quan. Bên cạnh đó, việc phân tích và tổng hợp nguồn tài liệu thứ cấp được sử dụng làm cơ sở để triển khai những luận điểm về vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch, các đặc trưng của ẩm thực tại Bình Dương. Bài viết còn sử dụng kết quả khảo sát trong đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên của tác giả Phan Quang Tiến, phiếu khảo sát thực hiện bởi mẫu của google form (kết quả được thống kê câu trả lời tự động và thu về 25 phiếu hợp lệ). Các khách thể được phỏng vấn chủ yếu là những thực khách đã đến và sử dụng dịch vụ ẩm thực khi đến tham quan du lịch tại Bình Dương. Cạnh đó, 03 khách thể là chủ các cơ sở kinh doanh ẩm thực được phỏng vấn như một cuộc trò chuyện với các câu hỏi mở. Kết quả của phỏng vấn này nhằm đánh giá được khả năng cung ứng ẩm thực và một số vấn đề về việc khai thác ẩm thực trong du lịch tại Bình Dương. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Một vài thuật ngữ liên quan Ẩm thực được hiểu theo nghĩa chung nhất đó là bao gồm đồ ăn và thức uống (thực phẩm). Tuy nhiên, để trở thành một món ăn hay đồ uống cần phải trải qua một quá trình sáng tạo, chế biến, trưng bày và thưởng thức. Hay nói khác đi, “ẩm thực” là khoa học về mối quan hệ giữa ẩm thực và văn hóa (Horng & Tsai, 2010). Ở một nghiên cứu khác, Sahin (2015) cũng cho rằng ẩm thực đề cập đến các đặc tính phân biệt phong cách nấu nướng và phong cách ẩm thực của các quốc gia và khu vực khác nhau, bao gồm cả ẩm thực, thói quen ăn uống và kỹ thuật chế biến thức ăn ở một quốc gia hoặc khu vực. Ẩm thực phục vụ nhu cầu cơ bản của con người, giúp thỏa mãn nhu cầu khẩu vị và sở thích ăn uống. Trong một nghiên cứu cho rằng, người Mỹ hài lòng khi thực phẩm không chỉ vì nhu cầu cơ bản mà còn vì cách trưng bày của món ăn. Sharul et al (2021), cho rằng ngoài giá trị dinh dưỡng, thực phẩm còn có giá trị văn hóa, và nó là dấu hiệu của bản sắc văn hóa cũng như giá trị biểu tượng và hình ảnh của những thực tại được lý tưởng hóa. Du lịch ẩm thực có thể được định nghĩa là các chuyến đi trong đó việc mua hoặc tiêu thụ thực phẩm của vùng (bao gồm cả đồ uống), hoặc quan sát và nghiên cứu sản xuất thực phẩm (từ nông nghiệp đến trường dạy nấu ăn), đại diện cho một động lực hoặc hoạt động quan trọng (Ignatov và Smith, 2006). Ở một nghiên cứu khác, Getz (2000) cho rằng trải nghiệm liên quan đến ẩm thực bao gồm: trải nghiệm ăn uống truyền thống hoặc chất lượng cao, lễ hội và sự kiện ẩm thực và rượu vang, trải nghiệm học nấu ăn – trường dạy nấu ăn, giáo dục về rượu vang, nếm thử/mua sản phẩm địa phương/chợ nông sản, tham quan và /hoặc các chuyến tham quan nhà máy rượu vang và/hoặc vườn nho, nếm rượu vang, quan sát các đầu bếp thi đấu, ăn/uống tại một nhà hàng hoặc quán bar khó tìm “chỉ dành cho người dân địa phương”, hái trái cây, đường mòn ẩm thực (ví dụ: tuyến đường táo; tuyến đường bia), đi bộ trong các phố ẩm thực và khu vực trong thành phố”. Du lịch ẩm thực cũng có thể được hiểu dưới góc độ du lịch văn hóa, tham gia vào tất cả các hoạt động du lịch. Ẩm thực ngày càng được công nhận là một phần quan trọng của thị trường du lịch văn hóa (Lee & Arcodia, 2011) vì chúng đại diện cho lối sống và văn hóa của người dân ở các vùng khác nhau (Karim, 2006). Theo Richards (2002), ẩm thực đóng một vai 45
- trò quan trọng trong du lịch văn hóa vì nó đã trở thành một nguồn hình thành bản sắc quan trọng trong xã hội hậu hiện đại”. Chính bởi những đặc trưng trên mà ẩm thực đã trở thành một yếu tố quan trọng trong ngành du lịch. Nó được sử dụng trong các quảng cáo quảng bá các mặt hàng nhà hàng, khách sạn và điểm đến. Theo Chang và cộng sự (2011) thì mức độ hài lòng của du khách đối với chuyến đi bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nhìn chung, ẩm thực có tác động rất lớn đến nhận thức tổng thể của khách du lịch về một điểm đến và sự hài lòng của họ với điểm đến đó. 3.2. Vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch Mối liên kết giữa ẩm thực và du lịch đã được nhiều nghiên cứu chứng minh, trong đó một nghiên cứu được thực hiện bởi Văn phòng Du lịch và Lữ hành (OTTI) (2003) ở Mỹ cho rằng, thực phẩm đứng thứ hai trong các hoạt động du lịch. Hàng ngàn năm trước, các thương nhân đã đi du lịch nước ngoài, tìm kiếm các loại thực phẩm và đồ uống kỳ lạ và khác biệt để buôn bán hoặc mang về nước. Gia vị, rượu, trái cây và các sản phẩm thực phẩm khác thường được sử dụng làm tiền tệ trong quá khứ. Một số nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng ngày càng có nhiều du khách xác định ẩm thực là một khía cạnh quan trọng trong trải nghiệm du lịch và họ tin rằng trải nghiệm ẩm thực của một quốc gia là điều cần thiết để hiểu văn hóa của quốc gia đó (Cohen và Avieli, 2004). Khách du lịch đi khắp thế giới để thử các món ăn khác nhau và để thêm vào những trải nghiệm đáng nhớ của họ (Long, 2004, tr.46). Các món ăn địa phương là một thành phần thiết yếu của các điểm đến, bao gồm một loạt các điểm tham quan địa phương và trải nghiệm du lịch (Symons, 1999). Nhiều nghiên cứu cho rằng, ẩm thực là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm của du khách và được coi là lăng kính để cảm nhận văn hóa bản địa của điểm đến (Minihan, 2014). Thực phẩm và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và thực phẩm là một nguồn tài nguyên quan trọng cho du lịch. Đối với một số người, thức ăn có thể là tác nhân kích thích và tập trung chính, trong khi nó mang lại sự thích thú và giải trí cho những người khác, và nó cũng được coi là một mục tiêu xã hội (Henderson, 2009). Đôi khi khách du lịch chỉ đơn thuần đi du lịch để trải nghiệm một món ăn địa phương cụ thể hoặc để thưởng thức hương vị của những món ăn mới (Hall & Sharples, 2003). Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới (2013) đã báo cáo rằng du lịch ẩm thực bao gồm toàn bộ ngành công nghiệp thực phẩm và định nghĩa nó là “việc theo đuổi và tận hưởng những trải nghiệm đồ ăn thức uống độc đáo và đáng nhớ, cả xa và gần”. Định nghĩa này bao hàm mối liên hệ giữa dịch vụ ăn uống và ngành du lịch; ví dụ như nhà hàng, quán ăn đường phố, chợ địa phương và quán cà phê mang đến những trải nghiệm thú vị và khó quên trong chuyến đi (Ngọc. A., 2013). Các món ăn địa phương đặc trưng cho một khu vực, được coi là một trong những nguồn lực có thể được sử dụng như một công cụ tiếp thị để thu hút nhiều du khách hơn (Shenoy, 2005). Theo Molayi et al. (2016), các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng thương hiệu du lịch bao gồm: phong cách nấu ăn độc đáo và khác biệt, chất lượng thực phẩm và sản phẩm thực phẩm, khuyến mãi, giá cả và chi phí, và kỹ năng của người cung cấp thực phẩm và dịch vụ. Ở Việt Nam việc nghiên cứu về ẩm thực du lịch cũng được chú trọng. Trong Một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát triển du lịch (Đoàn Lê Phương Thảo, 2014) có nhắc đến “Văn hóa ẩm thực là một nguồn tài nguyên vô tận và hấp dẫn nên khách du lịch rất quan tâm đến việc thưởng thức ẩm thực trong suốt chuyến đi của mình. Họ thường nhớ đến các món ăn đặc sắc lâu hơn và đó cũng chính là yếu tố 46
- quan trọng để níu chân họ quay trở lại. Do đó, những người làm du lịch ngoài việc tìm hiểu, học hỏi các nền văn hóa ẩm thực của khách du lịch còn phải biết kết hợp, xây dựng các chương trình văn hóa nghệ thuật, ca múa nhạc cùng với ẩm thực để tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách”. Vì vậy, mối quan hệ của ẩm thực và du lịch có thể nói đó là mối quan hệ cộng sinh, hay quan trọng hơn ẩm thực trở thành một thành tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của hoạt động du lịch. Địa phương hay quốc gia biết khai thác tốt yếu tố ẩm thực trong du lịch sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều cơ hội việc làm thông qua kinh doanh sản phẩm địa phương nói chung và các sản phẩm văn hóa ẩm thực nói riêng một cách hiệu quả. 3.3. Đặc trưng ẩm thực Bình Dương nhìn từ góc độ điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội Ẩm thực Bình Dương không thể tách rời với những nét chung của ẩm thực Nam bộ nói riêng hay ẩm thực cả nước nói chung. Tuy nhiên, mỗi vùng miền sẽ có những món ăn đặc trưng tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và đặc điểm văn hóa cư dân địa phương. Bình Dương được biết đến là một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, chính vì thế sự đa dạng về văn hóa tộc người khi hội tụ về nơi đây học tập, làm việc và sinh sống… Đã tạo nên một bức tranh chung về sự đa dạng trong văn hóa, bao gồm ẩm thực. Nhìn chung, ẩm thực Bình Dương nói riêng và ẩm thực Nam Bộ nói chung sẽ bao gồm những món ăn truyền thống thuần Việt, mang đậm bản sắc địa phương và những món ăn được cộng hưởng từ nhiều vùng miền của cả nước. Đồng thời có cả những món ăn chịu ảnh hưởng bởi cách chế biến của một số quốc gia trong và ngoài khu vực như: Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Với vị trí địa lý thuận lợi tiếp giáp với các con sông lớn nên đất đai nơi đây khá màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng trọt, tưới tiêu, cung ứng nguồn thực phẩm dồi dào quanh năm. Để nói về Bình Dương, tác giả Trần Nam Tiến từng nhận xét “ Do điều kiện thuận lợi nằm giữa hai con sống Sài Gòn và Đồng Nai, Bình Dương có hệ thống kênh rạch thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đất đai ở đây thích hợp trồng các loại cây lương thực, các loại cây họ đậu. Đặc biệt là vùng phía Nam (Lái Thiêu ngày nay) đất đai thích hợp với các loại cây trái đặc sản. Bên cạnh đó khí hậu cũng rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp” (Trần Nam Tiến, 2004). Chính vì vậy, Bình Dương ưu thế có những thực phẩm đa dạng (bao gồm thực phẩm đã chế biến và chưa qua chế biến) như các loại cây trái: măng cục (Lái Thiêu), bưởi (Bạch Đằng), cam (Tân Uyên) và nhiều làng hoa màu, thực phẩm khác như bạc hà, môn, các loại đậu (Tương Bình Hiệp, Tân An, Thủ Dầu Một, Cù lao Thạnh Hội…); Và cả những thực phẩm thủy sản dồi dào (cá, tôm, cua, ốc, lươn…), đặc biệt là cá lăng (Hồ Dầu Tiếng)… tất cả dùng làm nguồn nguyên liệu chính trong việc chế biến món ăn hàng ngày và cả phục vụ nhu cầu dịch vụ kinh doanh ăn uống. Điều kiện tự nhiên tiếp giáp sông cũng là nguồn cảm hứng để những điểm tham quan phục vụ du lịch ăn uống mọc lên, một số nhà hàng, khu du lịch sinh thái ở ven sông như Khu du lịch Phương Nam, Dìn Ký, Nhà hàng Tân Ba, Nhà hàng nổi Bến Bạch Đằng… Từ những nguồn nguyên liệu sẵn có, nhiều món ăn được người dân địa phương chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị, từ món ăn gia đình, dần dần trở thành đặc sản trứ danh mà khi ai nhắc đến đều biết đó là đặc sản Bình Dương như gỏi gà măng cụt Lái Thiêu, Nem chua Lái Thiêu, Mức gừng Bình Nhâm, Gà nướng Sầu riêng, cháo môn lươn Bình Dương, Bò nướng Hàng Dừa, lẫu bò nhúng mắm ruốc… Cạnh đó, ẩm thực Bình Dương từ sự cộng hưởng bởi ẩm thực miền Trung (Huế), bằng sự lưu giữ văn hóa qua món ăn và sự sáng tạo đổi mới phù hợp với khẩu vị địa phương đã tạo nên thương hiệu món ăn nổi tiếng là Bánh bèo (bánh bèo Mỹ Liên, bánh bèo Bến Chành…) mà khi đến Bình Dương ai mong muốn cũng một lần thưởng thức. 47
- Bình Dương là tỉnh có khá đông các tộc người sinh sống (chỉ liệt kê nhóm tộc người có tác động đến ẩm thực Bình Dương) như người Chăm, người S’tiêng, người Kh’mer… đã tạo nên nhiều món ăn có sự tiếp biến như món canh chua, đặc biệt là món canh chua cá lóc: “Là món canh đặc biệt của Nam Bộ, vốn là do tiếp thu của người Khmer” (Ngô Đức Thịnh, 2010) và nhiều món ăn khác như các món mắm, bún nước lèo, bánh chuối nướng… Người Việt ở Bình Dương giao lưu ẩm thực với các món chay và món cà ri (nguồn gốc Ấn Độ). Đặc biệt hơn nữa là sự cộng cư của người Hoa tại Bình Dương cũng đã làm phong phú hơn cho ẩm thực tại nơi đây. Sự tiếp biến trong ẩm thực Việt – Hoa thể hiện rất rõ nét qua nhiều món ăn như bánh bao, bánh tiêu, bánh giò, giờ cháo quảy, mì, hoành thánh, há cảo… Hiện tại phố người Hoa ở Thủ Dầu Một (chợ Phú Cường), Thuận An (Lái Thiêu) đã tạo nên những điểm kinh doanh ẩm thực sầm uất lâu đời với nhiều món ăn hấp dẫn (gà tiềm, sâm bổ lượng…). Bên cạnh đó, với đặc trưng của một đô thị phát triển mạnh về công nghiệp, đã thu hút một lượng lớn người lao động và cả sinh viên theo học các trường tại địa phương, góp phần thúc đẩy lượng cầu về ẩm thực. Chính vì vậy chuỗi cơ sở kinh doanh ăn uống ẩm thực ngoài trời hoặc đường phố tại phố đi bộ Bạch Đằng, các cụm dân cư ở các khu công nghiệp tại Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát… cũng tạo nên bức tranh sầm uất về ẩm thực cho các đô thị thuộc Bình Dương. Cạnh đó, việc thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài bao gồm một số nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Đức, và một số quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã tạo nên một thị trường kinh doanh đa dạng về ẩm thực có yếu tố nước ngoài. Nhiều nhà hàng mọc lên với những đặc trưng ẩm thực của nhiều quốc gia như nhà hàng Ông Tây (Thủ Dầu Một) với nhiều món theo phong cách Châu Âu, hệ thống KFC, Lotte… Hay phong cách Nhật Bản, Hàn, Thái …(Phố nướng Tokyo, Nhà hàng Hàn Quốc, Nhà hàng Thái và các nhà hàng trong hệ thống Aone (Thuận An))… với sự đa dạng về món ăn đã làm cho diện mạo ẩm thực Bình Dương ngày càng phong phú. Thuận lợi trong việc phát triển dịch vụ kinh doanh ăn uống cho cư dân sinh sống, học tập và làm việc tại địa phương và cả những khách tham quan du lịch đến với Bình Dương. Ngoài những cơ sở kinh doanh ẩm thực nói trên cần phải kể đến những nơi kinh doanh và sáng tạo về thức uống. Nói đến thức uống, rượu trở thành thức uống không thể thiếu của người Bình Dương trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như đời sống văn hóa (hiếu hỷ, lễ tế…). Bình Dương nói riêng và người Việt Nam nói chung từ lâu đã có văn hóa uống rượu. Trong sách Lĩnh Nam chích quái có viết “Buổi mới dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ. Lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm làm rượu gạo, lấy bột quang lang làm bánh, lấy thịt chim muông làm mắm, lấy gừng làm muối…”, như vậy rượu đã có từ thời vua Hùng lập nước (Vũ Đoàn, 2021). Tại Bình Dương, ngoài việc ủ kháp rượu theo phương thức truyền thống, người Bình Dương ủ rượu theo phương thức lưu truyền kết hợp phương thức công nghiệp đã tạo nên thương hiệu hầm rượu nổi tiếng được biết đến như: Hầm rượu Trần Long, hầm rượu Kim Dung, Hầm rượu Tân Phước Khánh… nhằm phục vụ rượu cho nhu cầu người dân, và cả xuất khẩu ra nước ngoài. Một số loại thức uống khác như trà, cà phê cũng thuộc một phần không thể thiếu của ẩm thực Bình Dương. Chuỗi quán café cũng mọc lên theo nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng kéo theo sự phát triển đa dạng về các loại hình kinh doanh café, từ café cốc đến quán cafe sang trọng, từ kinh doanh tư nhân nhỏ lẻ đến chuỗi hệ thống như Highland, The Cup café… Ngoài ra, Bình Dương được biết đến với quán café Gió và Nước (được nhận Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế năm 2008); Café cung Đình (các món uống về trà)… đã thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước mỗi khi ghé đến Bình Dương. Có thể nói, với sự đô thị hóa tại Bình Dương nên phong cách chế biến cũng như thưởng thức ẩm thực của người Bình Dương cũng nhiều 48
- thay đổi, từ những món ăn thường ngày được chế biến trong gia đình, đến việc thay đổi khẩu vị khi ăn hàng quán… Tất cả dần tạo nên diện mạo ẩm thực nơi đây có phần thay đổi, tiếp biến và phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhưng cũng đồng thời vẫn giữ được nét văn hóa ẩm thực qua việc thưởng thức những món ăn đặc trưng truyền thống của địa phương. 3.4. Vấn đề khai thác ẩm thực phục vụ nhu cầu du lịch tại Bình Dương 3.4.1. Sức hấp dẫn về hệ thống món ăn theo cụm tuyến điểm và Sự hài lòng của khách tham quan về trải nghiệm ẩm thực tại Bình Dương Theo nghiên cứu trong một công trình nghiên cứu khoa học cấp trường do Nguyễn Thị Kim Ánh làm chủ nhiệm (năm 2020), tác giả công trình nghiên cứu trên đã chia đặc sản ẩm thực Bình Dương làm 04 cụm, bao gồm: Đặc sản ẩm thực Lái Thiêu (1); Đặc sản vùng Tân Uyên (2); Đặc sản Dầu Tiếng (3) và Đặc sản khu vực thuộc thành phố Thủ Dầu Một (thị xã Thủ Dầu Một xưa). Sự phân loại này cũng góp phần tạo nên diện mạo ẩm thực Bình Dương được đa dạng và phong phú, gợi cảm giác dễ nhớ cho khách tham quan. Thật không quá khi nói rằng Bình Dương là một trong những tỉnh thành nằm trong top đầu những tỉnh thành có nhiều món ăn xuất hiện trong danh sách, chỉ sau Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, và ngang bằng với những tỉnh có nền ẩm thực độc đáo như Hà Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long,… Thật vậy, tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) vừa xác lập Bình Dương có 02 món ăn nằm trong Top 100 món ăn đặc sản (bao gồm gỏi gà măng cụt Lái Thiêu, lẫu bò nhúng mắm ruốc) và Nem Lái Thiêu, mức gừng Bình Nhâm) nằm trong Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam (lần V năm 2021-2022). Trước đó trong lần công nhận lần thứ IV năm 2020-2021, ẩm thực Bình Dương đã được tổ chức này xác lập 03 món ăn đặc sản (bao gồm bánh bèo bì chợ Búng, gà quay xôi phồng và măng cụt Lái Thiêu). (Hồng Thuận, 2022). Như vậy với những món ăn đặc trưng được xác lập này, tạo nên một ẩm thực Bình Dương vô cùng riêng biệt và được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến. Nói về ẩm thực trong phát triển du lịch tại Bình Dương, nhân sự kiện 04 món ăn được xác lập kỷ lục. Ông Nguyễn Đức Minh (Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Dương) xác định: “Các đặc sản của Bình Dương được xác lập lần này có ý nghĩa quan trọng, nó khẳng định được nét độc đáo, riêng có của ẩm thực Bình Dương trên bản đồ ẩm thực thực Việt Nam. Đồng thời, thông qua văn hóa ẩm thực mà người dân địa phương và du khách có thể tự hào về vùng đất xinh đẹp như ngày hôm nay khi đến Bình Dương” (Hồng Thuận, 2022). Nhằm đánh giá chung nhất về sự thu hút của ẩm thực Bình Dương, dựa trên kết quả phỏng vấn 25 du khách dạng bảng hỏi trong công trình nghiên cứu khoa học (Phan Quang Tiến, 2023). Nội dung các phỏng vấn chủ yếu xoay quanh các vấn đề như số lần đến và trở lại du lịch Bình Dương do ấn tượng bởi món ăn địa phương đã thu về kết quả 100% phiếu đồng thuận bị sự thu hút của ẩm thực nơi đây. Tại khu vực Lái Thiêu, Bình Dương. Có ý kiến cho rằng “có sự hoài nghi về món ăn này, hoặc có thể bị chặt chém về giá trong những ngày cuối tuần hoặc là khách lạ vãn lai… tuy nhiên kết quả thu về ngoài mong đợi, món ăn ngon hợp vị (dù là khách người Bắc) và giá cả theo niêm yết” (phỏng vấn chị N.T.P, ngày 18/02/2023). Một ý kiến khác (của anh T.Q.K, phỏng vấn ngày 09/01/2023) chia sẻ “tôi được trải nghiệm vào vườn măng cụt Lái Thiêu, được tận mắt xem chế biến món Gỏi gà măng cụt, tôi xem xong mà thương người bán quá, làm được món này siêu khó, nếu là tôi làm tôi sẽ không bán dù với giá nào”. Khi được hỏi về chất lượng phục vụ cũng như không gian ăn uống tại điểm tham quan, có 95% số phiếu cho rằng chất lượng dịch vụ khá tốt, phục vụ cũng rất nhiệt tình và vui vẻ. Trong đó, cô M.T.K.L 49
- (phỏng vấn ngày 26/03/2023) đánh giá rằng: “Việc chế biến hơi chậm khiến khách phải chờ đợi. Tuy nhiên chấp nhận được vì là quán không chế biến trước, dẫn đến món ăn cũng được tươi ngon”. Cũng qua khảo sát này, có đến 100% đánh giá sẽ quay lại du lịch Bình Dương nếu có dịp. Ở khu vực khác, khi phỏng vấn nhóm sinh viên du lịch Hồ Dầu Tiếng, các bạn trẻ cho rằng “nơi đây chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng dịch vụ ăn uống, lưu trú kèm theo, nếu được đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho khách tham quan. Tuy nhiên với sinh viên hay các phượt thủ thì điều kiện trải nghiệm cũng khá lý thú khi sống với điều kiện vật chất thiếu thốn nơi đây” ( N.T.N, phỏng vấn ngày 09/01/2023). Một bạn khác chia sẻ thêm “Là sinh viên học tại Bình Dương, lần đầu tiên tôi được tham quan hồ Dầu Tiếng và nghỉ đêm tại đây, ở đây chúng tôi được thuê một số dụng cụ cơ bản phục vụ cho lưu trú và ăn uống như lều trại, và các đặc sản được chế biến sẵn hoặc tự chế biến như các đồ nướng từ thịt, cá lăng, các loại trái cây theo mùa… , nơi đây có những điểm tham quan khá hoang sơ và tiềm năng hút khách du lịch như chùa Thái Sơn, Núi Cậu và tham quan Suối Trúc. Nếu có thể mở thêm các dịch vụ nghỉ dưỡng (như homestay), du lịch Trekking kết hợp cắm trại thì càng tốt” (L.N.K, phỏng vấn ngày 09/01/2023). Một kết quả khác cho rằng “mình bị cuốn hút khi tham dự liên hoan ẩm thực Bình Dương (2022). Tại đây rất nhiều món ăn đặc sản khắp các vùng miền và khu vực phía Nam tham dự, đến đây, tôi bị cuốn hút bởi nhiều món ăn, chất lượng ngon khỏi bàn mà còn hợp vệ sinh, giá cả cũng ổn định không quá cao so với thường ngày chúng tôi được thưởng thức, thích nhất là tôi được chọn mua cam sành (Tân Uyên) rất ngon và dưa lưới thương hiệu Kim Oanh (làng nông nghiệp công nghệ cao), được thưởng thức nước ép từ những loại quả rất tươi ngon. Tôi cho rằng Bình Dương đã có những chiến lược đúng đắn trong việc đưa ẩm thực vào những hoạt động liên hoan, vừa tạo nguồn lợi kinh tế, vừa tạo sân chơi bổ ích để các bạn trẻ và khách tham quan được biết đến với nhiều món ăn ngon của Bình Dương nói riêng và ẩm thực Nam Bộ nói chung” (phỏng vấn chị L.T.Q.N ngày 18/12/2022). Như vậy, với kết quả đạt được ban đầu cho thấy việc khai thác ẩm thực đưa vào phục vụ du lịch rất được các nhà kinh doanh ẩm thực quan tâm và phầng nào cũng đáp ứng tốt nhu cầu ẩm thực của du khách. 3.4.2. Khả năng cung ứng dịch vụ ẩm thực của các cơ sở kinh doanh ẩm thực tại Bình Dương Với lợi thế là mùa nào món đó, hoặc có những món có quanh năm do điều kiện tự nhiên thuận lợi của Bình Dương (những sản phẩm như bưởi, cam, hoa màu, các loại cá sông, hồ…). Cộng thêm việc lấy nguồn từ các chợ đầu mối Phú Hòa, chợ Thủ Dầu Một hoặc các nguồn cung cấp khác… nên lượng thực phẩm và nguyên liệu chế biến luôn luôn có sẵn, thuận lợi cho việc kinh doanh ẩm thực tại nơi đây. Khi khảo sát về khả năng cung ứng dịch vụ ẩm thực, cô Nguyễn Thị Xuân Thu (Giám đốc Khu du lịch SOL Reatreat Farm, Bắc Tân Uyên, Bình Dương), chia sẻ: “Với niềm đam mê và yêu thích thiên nhiên, cô đã biến một vùng đất quanh năm toàn những cây gỗ lâu năm trở thành một Đà Lạt thu nhỏ thứ hai tại Bình Dương. Với mong muốn tạo nên nhu những khoảng lặng cho tâm hồn du khách tìm đến. Hiện tại quán phục vụ những thức uống chế biến từ hoa quả, các loại thảo dược, trà… và phục vụ ăn uống với cơm phần, mì xào và bán những đặc sản như trái cây (bưởi, cam sành…) cho khách muốn mang về. Với điều kiện nắng nóng, thời gian qua SOL liên tục đón nhiều lượt khách tham quan và cô cho rằng đã phục vụ khách một cách ổn nhất có thể” (phỏng vấn bà Nguyễn Thị Xuân Thu ngày 07/5/2023). 50
- Tuy nhiên, với đặc trưng của địa phương, trái cây theo mùa nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh ăn uống và du lịch tại đây. Cụ thể khi phỏng vấn cô Nguyễn Thị Kim Dung (chủ vườn măng cụt ở Thạnh Quý, An Thạnh, Thuận An). Cô bùi ngùi chia sẻ “Hiện tại vườn măng cụt đang vào mùa nên giai đoạn này vườn ít trái, vườn của cô rộng hơn 5000m2 và đa số là măng lão nên ít trái hơn, hai ngày hái một lần khoảng 10 đến 15 ký. Dẫn đến khi vào mùa du lịch thì không đủ cung ứng cho khách, và cũng không lường trước được lượng khách đến nên đã không tìm nguồn hàng từ các nhà vườn khác để trữ, vì vậy nhiều khi cũng mất khách. Cũng đúng thôi vì khách đến vườn chủ yếu để ăn gỏi gà măng cụt mà ko có măng cụt thì khách phải đi nhà vườn khác” (phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Dung ngày 07/5/2023). Từ kết quả phỏng vấn nói trên, có thể nói du lịch Bình Dương nói riêng và du lịch cả nước nói chung đều không tránh khỏi những hiện tượng “cháy hàng” khi vào mùa du lịch. Khi đó, cầu vượt cung dẫn đến hiệu quả khai thác ẩm thực trong du lịch khá thấp. Chính vì vậy, ngoài việc giữ gìn những món ăn cũ thì các nhà sáng tạo ẩm thực (đầu bếp), các chủ đầu tư kinh doanh cần phải linh động hơn trong việc tạo ra những món mới, những món ngon đậm chất địa phương để phục vụ xuyên suốt trong năm phục vụ nhu cầu tham quan, ăn uống cho khách du lịch. 3.4.3. Sự kiến tạo không gian văn hóa kích cầu du lịch từ các sự kiện ẩm thực hoặc chương trình du lịch kết hợp ẩm thực tại Bình Dương Du lịch Bình Dương với sự quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Dương. Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Dương gắn liền với sản phẩm ẩm thực đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách. Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch của tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Du lịch đã xây dựng và thiết kế 03 chuyên mục trên website dulichbinhduong.org.vn bao gồm: chuyên mục “Du xuân Bình Dương”; “Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu”; “Liên hoan ẩm thực đường phố lần thứ II năm 2019” để cung cấp thông tin về các địa điểm vui chơi giải trí, tham quan ăn uống, nghỉ dưỡng, hoạt động du lịch Bình Dương và các sự kiện du lịch liên quan đến các hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho du khách (Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Dương, 2019). “Liên hoan Ẩm thực Bình Dương” lần III năm 2020 được thực hiện với sự tham gia đông đảo người dân và khách tham quan đến với sự kiện. Năm 2020 là một năm với sự trở lại của ẩm thực Bình Dương sau giai đoạn bùng phát covid -19 trên địa bàn tỉnh và cả nước. Việc biên soạn những nội dung tuyến điểm và dịch vụ trên app Du lịch Bình Dương đã góp phần không nhỏ trong việc tìm kiếm các điểm tham quan du lịch và các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống ngon và nổi tiếng của từng cụm khu vực của tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức khảo sát các điểm Du lịch mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Tham gia chương trình khảo sát du lịch Nông nghiệp Công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo và các địa điểm du lịch mới trên địa bàn thị xã Bến Cát; Trung tâm tham gia quảng bá hình ảnh du lịch, ẩm thực Bình Dương tại gian hàng Du xuân Bình Dương, Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III – Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022, tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2023”…(Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương, 2022) đã góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo không gian văn hóa, thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ. Như vậy với những khát khao góp phần thúc đẩy du lịch Bình Dương vượt qua những định kiến khó khăn phát triển trước đó để hôm nay Bình Dương biết tận dụng tài nguyên văn 51
- hóa hiện có. Đồng thời khai thác các tuyến điểm và dịch vụ mới nhằm thu hút khách tham quan, góp phần quảng bá sản phẩm công nghiệp văn hóa khác (gốm sứ Minh Long, nhà máy Fito…) và khai thác ẩm thực nhằm phát triển loại hình du lịch ẩm thực. 4. KẾT LUẬN Vai trò của ẩm thực trong du lịch đã được nghiên cứu và khẳng định bởi nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong du lịch, nhu cầu về ăn uống là nhu cầu quan trọng để con người có sức khỏe và tiếp tục những hành trình trải nghiệm mới trên những vùng đất mới. Bình Dương với hệ thống món ăn vô cùng đa dạng và phong phú, chứa đựng đặc trưng văn hóa vùng kết hợp với sự giao lưu tiếp biến văn hóa Đông – Tây đã tạo nên một bức tranh hoàn hảo về ẩm thực, thuận lợi đưa vào khai thác loại hình du lịch văn hóa – du lịch ẩm thực cho địa phương. Việc khai thác ẩm thực đưa vào phục vụ du lịch tại Bình Dương cũng có những bước đầu khởi sắc. Các nhà kinh doanh ẩm thực biết tận dụng những món ăn truyền thống cùng với sự sáng tạo, đổi mới để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách tham quan trong và ngoài nước và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó, việc nhận thức được các giá trị mà ẩm thực mang lại, các nhà quản lý văn hóa, kinh tế và cộng đồng cư dân Bình Dương đã góp phần kiến tạo nên một không gian văn hóa ẩm thực độc đáo và được hưởng ứng từ nhiều khách thập phương. Mặc dù còn nhiều vấn đề khó khăn trong việc kinh doanh ẩm thực với những món ăn có tính theo mùa chưa đủ để cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ quanh năm của thực khách. Nhưng những hiệu ứng tích cực đó đã góp phần tạo nên một thương hiệu ẩm thực Bình Dương khác biệt với ẩm thực các địa phương khác trong và ngoài khu vực. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thị Kim Ánh (2020). Văn hóa ẩm thực người Việt ở Bình Dương. Đề tài nghiên cứu khóa học cấp trường. Trường Đại học Thủ Dầu Một. Bình Dương. 2. Bokunewicz, JF, & Shulman, J. (2017). Xác định người ảnh hưởng trong mạng Twitter của các tổ chức tiếp thị điểm đến. Tạp chí Công nghệ Khách sạn và Du lịch, 8(2), 205-219. 3. Chang, RCY, Kivela, J & Mak, AHN (2011). Các thuộc tính ảnh hưởng đến việc đánh giá trải nghiệm ăn uống khi đi du lịch: Khi Đông gặp Tây. Tạp chí Quản lý Du lịch, 32(2), 307-316. 4. Cohen, E., & Avieli, N. (2004). Thực phẩm trong Thu hút và Trở ngại Du lịch. Biên niên sử nghiên cứu du lịch, 31(4), 755-778. 5. Vũ Đoàn (2021). Rượu ở Việt Nam có từ khi nào? Nguồn: https://vanhoavaphattrien.vn/ruou-o-viet- nam-co-tu-khi-nao-a6194.html#. Truy cập 06/09/2021. 6. Getz, D. (2000). Khám phá Du lịch Rượu vang: Quản lý, Phát triển & Điểm đến. New York: Báo cáo Tổng công ty truyền thông. 7. Hall, CM và Sharples, E. (2003). Tiêu thụ trải nghiệm hay trải nghiệm tiêu dùng? Giới thiệu về du lịch hương vị. Trong CM Hall, E. Sharples, R. Mitchell, N. Macionis và B. Cambourne (eds) Du lịch Ẩm thực Vòng quanh Thế giới: Phát triển, Quản lý và Thị trường (trang. 1–24). Oxford: Butterworth Heinemann. 8. Henderson, JC (2009). Du lịch ẩm thực được xem xét. Tạp chí Thực phẩm Anh, Vol. 11 Số 4, trang 317-326. 9. Horng & Tsai (2010). Các trang web của chính phủ nhằm thúc đẩy du lịch ẩm thực Đông Á: Phân tích xuyên quốc gia, Tạp chí Quản lý du lịch 31(1): 74–85. 10. Ignatov, E. (2004). Khách du lịch ẩm thực Canada: Chúng ta biết họ rõ đến mức nào? Luận văn thạc sĩ, Đại học Waterloo, Waterloo, ON, Canada. 52
- 11. Karim, S. (2006). Du lịch ẩm thực như một điểm thu hút của điểm đến: Một cuộc kiểm tra thực nghiệm về hình ảnh ẩm thực của điểm đến và các nguồn thông tin. Luận án Tiến sĩ. Đại học Bang Oklahoma, Oklahoma Kivela, J., 12. Lee, I., Arcodia C. (2011). Vai trò của lễ hội ẩm thực vùng miền đối với việc xây dựng thương hiệu điểm đến. Tạp chí Nghiên cứu Du lịch Quốc tế 13(4): 355–367. 13. Long. LM (Ed.). (2004). Du lịch ẩm thực. Lexington: Nhà xuất bản Đại học của Kentucky 14. Minihan, C. (2014). Khám phá trải nghiệm du lịch ẩm thực: điều tra lĩnh vực cung ứng cho các chủ nhà hàng và nhà máy bia. Yayımlanmamış. Luận án Tiến sĩ, Đại học Bang Colorado, Colorado. 15. Molayi Hashtjin, N., Rahnamayi, MT, và Rahnamayi, S. (2016). Du lịch ẩm thực và vai trò của nó trong việc thu hút khách du lịch (Nghiên cứu tình huống: Quận Talesh). Hội nghị quốc gia về Talesh. Tổ chức Di sản Văn hóa, Thủ công mỹ nghệ và Du lịch của Quế Lan. 16. Ngọc, A. (2013). Quảng bá Du lịch Ẩm thực trên Website của các Văn phòng Du lịch. Luận án cử nhân. Đai Học Khoa Học Ứng Dụng. 17. Richards, G. (2002). Ẩm thực: Một thành phần thiết yếu trong sản xuất và tiêu dùng du lịch vào buổi sáng. Trong Hjalager & G. Richards (Eds.), Du lịch và Ẩm thực (trang 3-20). Luân Đôn và New York: Routledge. 18. Sahin, GG (2015). Du lịch ẩm thực như một hình thức du lịch thay thế: Đánh giá về tiềm năng du lịch ẩm thực của Thổ Nhĩ Kỳ, Tạp chí quốc tế về nghiên cứu học thuật về kinh doanh và khoa học xã hội, 5(9), 79-105. 19. Sharul Shahida Shakrein Safian, Adibah Alawiah Osman, Siti Norida Wahab, Norashida Othman, Nur Azirah. (2021). Ảnh hưởng của du lịch ẩm thực đến lòng trung thành của khách du lịch và Sự hài lòng: Phân tích so sánh giữa lần đầu tiên và trở lại Malaysia. Tạp chí Nghiên cứu Học thuật Quốc tế về Kinh doanh và Khoa học Xã hội, 11(8), 154–167. 20. Shenoy, SS (2005). Du lịch Ẩm thực và Du lịch Ẩm thực. Luận án tiến sĩ. Mỹ: Đại học Clemson. 21. Sidali,KL, Kastenholz,E., & Bianchi,R. (2013). Du lịch ẩm thực, thị trường và sản phẩm trong du lịch nông thôn: kết hợp mô hình gần gũi và trải nghiệm như một chiến lược phát triển nông thôn. Tạp chí Du lịch bền vững, 23(8-9), 1179-1197. 22. Sotiriadis, (2015). Các tài sản và sự kiện du lịch ẩm thực: đề xuất một công cụ lập kế hoạch chiến lược. Tạp chí Quốc tế về Quản lý Khách sạn Đương đại, 27(6), 1214-1232. 23. Symons, M. (1999) Tính xác thực của ẩm thực và cảm giác về địa điểm. Trong: Molloy J. Và Davies J. (eds) Kỷ yếu của Hội nghị Nghiên cứu Du lịch và Khách sạn Úc lần thứ 9, Hội đồng Đại học Úc Giáo dục Du lịch và Khách sạn – Phần Hai, trang 333 340, Canberra, Australia: Cục Nghiên cứu Du lịch. 24. Đoàn Lê Phương Thảo (2014). Một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực của thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát triển du lịch. Luận văn Thạc sĩ ngành Du lịch. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hà Nội. 25. Ngô Đức Thịnh, (2010). Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 26. Hồng Thuận, 2022. Cơ hội quảng bá văn hóa ẩm thực Bình Dương. Nguồn: https://baobinhduong.vn/co-hoi-quang-ba-van-hoa-am-thuc-binh-duong-a278886.html. Truy cập: 31/08/2022. 27. Trần Nam Tiến (2004), Vài nét về nông nghiệp Bình Dương từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, Nam Bộ Đất & Người, tập II, Nxb Trẻ. 28. Phan Quang Tiến (2023). Ẩm thực trong phát triển du lịch Bình Dương. Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Khoa Công nghiệp Văn hóa, Trường Đại học Thủ Dầu Một. Tr. 74-77. 29. Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Dương (2019; 2021; 2022). Báo cáo tổng kết công tác năm 2019/2020/2021/2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 – 2021 – 2022. 30. Văn phòng Du lịch và Lữ hành (OTTI), (2003). Ngành Lữ hành và Du lịch: Đánh giá một năm, Hoa Kỳ; Bộ Thương mại, Tổ chức Quản lý Thương mại Quốc tế về Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2012), Trải nghiệm Ẩm thực và Du lịch. Hội thảo OECD – Hàn Quốc, Nghiên cứu của OECD về Du lịch, xuất bản của OECD. 53
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Phát triển du lịch ẩm thực tại Thành phố Hồ Chí Minh
8 p | 635 | 33
-
Ẩm thực đường phố trong phát triển du lịch phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam
8 p | 225 | 20
-
Đánh giá sự hài lòng của khách du lịch đối với ẩm thực đường phố Đà Lạt
14 p | 169 | 15
-
Đánh giá tài nguyên sinh khí hậu phục vụ phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
10 p | 131 | 13
-
Phát triển du lịch ẩm thực tạo hình ảnh điểm đến hấp dẫn cho Bến Tre
7 p | 114 | 11
-
Phát triển du lịch nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
11 p | 105 | 10
-
Ẩm thực Việt Nam: Thực trạng và giải pháp cho phát triển du lịch
7 p | 74 | 9
-
Phát triển du lịch cộng đồng nhằm giải quyết việc làm và đảm bảo sinh kế cho người dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc
8 p | 50 | 8
-
Hiện trạng và giải pháp phát triển giá trị văn hóa của người Khmer trong hoạt động du lịch tỉnh Trà Vinh
17 p | 47 | 5
-
Nghiên cứu hiện trạng phát triển du lịch tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
8 p | 46 | 5
-
Đặc điểm và giá trị du lịch của ẩm thực Bến Tre qua ca dao, dân ca
8 p | 24 | 4
-
Một số giải pháp truyền thông nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch Tuyên Quang trong giai đoạn hiện nay
7 p | 23 | 4
-
Liên kết để phát triển du lịch bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh từ góc nhìn du lịch ẩm thực
10 p | 14 | 4
-
Khai thác ẩm thực Phật giáo xứ Huế trong phát triển du lịch tâm linh hiện nay
15 p | 6 | 2
-
Khai thác giá trị ẩm thực phục vụ phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Hà Giang trong bối cảnh hội nhập
10 p | 7 | 1
-
Chùa Am Vãi và các giá trị trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang
15 p | 0 | 0
-
Phát triển du lịch ẩm thực tại một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
8 p | 1 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn