intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bài chòi

Chia sẻ: Nghuyen Linh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

116
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong tâm tưởng phần đông người Việt xưa cũng như nay, Tết là mốc thời gian đánh dấu sự chuyển giao giữa cũ và mới, là thời điểm đoàn tụ gia đình đồng thời là dịp tạm ngừng mọi hoạt động trong vài ngày để nghỉ ngơi và giải trí. Đây là một nếp nghĩ, nếp sống truyền thống của dân tộc từ xa xưa, vì thế nên từ thành thị đến thôn quê ai ai cũng rộn ràng náo nức chuẩn bị chào đón Tết với tất cả sự trang trọng. ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bài chòi

  1. Bài chòi Trong tâm tưởng phần đông người Việt xưa cũng như nay, Tết là mốc thời gian đánh dấu sự chuyển giao giữa cũ và mới, là thời điểm đoàn tụ gia đình đồng thời là dịp tạm ngừng mọi hoạt động trong vài ngày để nghỉ ngơi và giải trí. Đây là một nếp nghĩ, nếp sống truyền thống của dân tộc từ xa xưa, vì thế nên từ thành thị đến thôn quê ai ai cũng rộn ràng náo nức chuẩn bị chào đón Tết với tất cả sự trang trọng. Trong những ngày thiêng liêng đầu năm mới, mọi người tạm gác qua một bên mọi vất vả lo âu, các toan tính thường nhật, để đi thăm viếng nhau, dùng những lời tốt đẹp để chúc tụng, cùng nhau uống rượu, ăn bánh mứt, đánh cờ, đờn ca xướng hát. Điều thú vị nhứt và có ý nghĩa hơn hết của dịp Tết cổ truyền chính là những lễ hội truyền thống và đặc biệt là những trò chơi dân gian vô cùng phong phú diễn ra trong những ngày này, mà mỗi địa phương đều có những nét độc đáo và đặc sắc riêng. Như thế mới thấy cái Tết của chúng ta đẹp đẽ và êm ái biết chừng nào. (Đáng tiếc là càng ngày việc đón Tết càng bị giản lược quá nhiều nên mất đi phần trang trọng, đây là một thiệt thòi không nhỏ cho lớp trẻ ngày nay).
  2. Từ hô bài chòi Một trong những trò chơi giải trí dân gian trong dịp lễ Tết được người dân ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng - Phan Thiết ưa chuộng chính là chơi bài chòi, tương tợ cách chơi lô tô trong Nam. Bài của trò chơi này gồm 30 lá - dài bảy phân rưỡi và hai phân rưỡi bề ngang - trên có vẽ hình ảnh. Chòi được lợp bằng lá, có tất cả 10 cái dành cho những người tham dự cuộc chơi, mỗi người ngồi trong một chòi. Trước khi bắt đầu, người tham dự đóng một khoản tiền tuỳ theo qui định và bài được chia cho mỗi người ba lá. Riêng người "hô" bài chòi - gọi là anh hiệu - giữ nguyên một bộ bài. Để mở đầu, anh hiệu thường rao trước vài câu thơ chẳng hạn như: Gió Xuân phảng phất ngọn tre Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi Khi mọi người đã yên vị, anh bắt đầu rút từng lá bài và hô to bằng những câu thơ lục bát. Thí dụ như khi rút ra lá bài "nhứt trò" (có hình một người học trò) thì anh cất tiếng ngâm nga: Đi đâu cắp sách đi hoài Cử nhân chẳng thấy tú tài cũng không
  3. Ai có lá bài này thì đánh vào chiếc mõ treo trong chòi, anh hiệu cho người đem lá "nhứt trò" đến giao và người đó đã có được một đôi. Chòi nào có được ba đôi trước thì thắng cuộc. Thú chơi bài chòi không quan trọng chuyện được thua mà thú vị ở chỗ thưởng thức những câu hô trầm bổng, nhịp nhàng, du dương như nghe đọc thơ. Anh hiệu giỏi thường sáng tác ra nhiều câu thơ lục bát rất hay và lại khéo léo hô một cách chậm rãi khiến cho người nghe hồi hộp chờ đợi rồi đoán già đoán non đó là con bài gì. Chính vì vậy xưa kia nhiều người nhờ tài hô bài chòi duyên dáng mà được nổi tiếng khắp làng, thậm chí khắp vùng. Đến Ca kịch Bài chòi Theo nhiều nhà nghiên cứu thì chính từ trò chơi bài chòi mà ca kịch bài chòi ra đời. Đầu tiên các nghệ nhân ngồi trên chiếu trải dưới đất còn người nghe đứng xung quanh, nhưng về sau các nghệ nhân ngồi trên một giàn gỗ dựng cao (nên người trong giới thường nói rằng bài chòi đã từ đất lên giàn). Bài bản và làn điệu của ca kịch bài chòi gồm các điệu hát ru, điệu lý thương nhau, lý tang tình, khoan hỡi hò khoan (Quảng Nam-Đà Nẵng), nói lía, chèo thuyền (Quảng Trị), hò mái nhì (Thừa Thiên) . Lời hát là những bài thơ bốn chữ theo điệu
  4. vè và nhiều nhứt là thơ lục bát, không có nét nhạc cố định mà tùy theo thanh giọng của câu thơ. Có ba điệu chánh là xuân nữ, nam xuân (hay cổ bản, gần hơi bắc của nhạc tài tử) và xàng xê (gần với hơi nhạc, hơi hạ trong nhạc tài tử). Về tiết tấu, chỉ có nhịp đôi đều đặn hay nhịp ba bỏ một nhịp, nh ưng cũng có thể biến tấu. Nhạc cụ phụ họa lúc đầu chỉ có đờn nhị và sanh sứa (là hai mảnh tre chuốt nhọn hai đầu cầm trong một tay, âm thanh chạm vào nhau nghe như tiếng ve kêu), sau thêm đờn nguyệt, ống sáo và sinh tiền. Động tác trên sân khấu áp dụng các điệu múa sắc bùa, lục cúng, bát dạo. Điểm độc đáo nhứt của ca kịch bài chòi là một diễn viên có thể thủ một lúc nhiều vai, cùng với vài nhạc cụ thô sơ phụ họa mà đủ sức lôi cuốn khán thính giả thích thú theo dõi. (Cách biểu diễn này ở châu Á chỉ có thể loại Pansori của Triều Ti ên với một diễn viên thủ nhiều vai cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, được sự phụ họa của một trống puk). Đổi mới hay cải lương hoá? Sau năm 1954, một số người Nghĩa Bình tập kết ra miền Bắc đã hình thành Đoàn Ca kịch bài chòi tại Liên khu 5. Đoàn này gồm 13 nghệ sĩ, 4 nhạc công cùng 2 nhà viết kịch, khi trình diễn tại Sầm Sơn kịch bản Trước giờ tạm biệt đúng theo phong cách bài chòi đã rất được hoan nghinh. Tiếp theo, đoàn thường xuyên giới thiệu
  5. những vở mới mà danh sách còn ghi lại đầy đủ tại Bảo tàng viện Bài chòi ở ......, chẳng hạn như vở Đội kịch chim chèo bẻo, Kiều - Từ Hải, Trần Quốc Toản ra quân, Dương Vân Nga Đến năm 1980, nhân Hội thảo khoa học về bài chòi tổ chức tại Thuận Hải, đoàn này giới thiệu vở mới Đôi mắt biên cương qui tụ lực lượng hùng hậu gồm đạo diễn, sáng tác âm nhạc, trang trí sân khấu, chỉ đạo nghệ thuật, có tên tuổi,cùng với dàn nhạc qui mô như đờn nhị, đờn nguyệt, sáo, sanh sứa, trống, lại có thêm đờn bầu, đờn tranh, tam thập lục, violon, cello, organ. Tuy có nhiều điểm mới như vậy, nhưng khi xem tôi nhận thấy vở diễn đã bị mất hết phong cách và tư tưởng của ca kịch bài chòi truyền thống. Quả thật, đó không thể gọi là đổi mới mà đúng ra là cải lương hoá ca kịch bài chòi. Việc tìm tòi, sáng tạo cho các bộ môn nghệ thuật cổ có được một hình thức mới, một hơi thở mới luôn là điều đáng trân trọng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tìm cách phát triển một bộ môn nghệ thuật thì không nên làm cho nó bị biến chất. Một hướng đi mới Mới đây, vào cuối năm 2005, nhân một dịp ra Hà Nội, tôi may mắn được xem một vở ca kịch bài chòi do nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đè xướng, hai nghệ sĩ trẻ là Sơn và Lê dàn dựng, trong một cố gắng tìm tòi hướng đi mới cho nghệ thuật bài chòi. Vở
  6. kịch có ngâm thơ theo điệu xuân, điệu ai, hơi quảng (hơi quảng trong nhạc tài tử cũng chính là hơi xá trong chầu văn). Đây là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi nếu sử dụng làn điệu của những bộ môn nghệ thuật trong nước để đem vào theo đúng nhịp điệu và tiết tấu của bài chòi thì sẽ càng làm cho phong phú thêm. Tôi xúc động khi thấy điều mình vẫn mong ước lâu bảo tồn vốn cổ mà không nệ cổ; sáng tác mới mà không bị Âu hoá, ngoại lai, vẫn còn đậm đà bản sắc dân tộc nay đã có người thực hiện những bước đi đầu tiên, tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng đây là một hướng đi có nhiều hứa hẹn đạt kết quả tốt. Đáng mừng hơn nữa là hiện nay tại Quảng Ngãi đã hình thành một nhóm nghiên cứu toàn những người trẻ tuổi với nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ và hai nghệ sĩ trên làm nòng cốt, cùng nhau luyện tập, biểu diễn cũng như đào tạo thêm lớp nghệ sĩ mới cho ca kịch bài chòi. Nghệ thuật Pansori cũng từng có thời gian bị mọi người quên lãng vì cho là lỗi thời, nhưng về sau tại Hàn Quốc đã thành lập một uỷ ban nghiên cứu sâu về bộ môn này, nhờ vậy được thế giới biết đến rộng rãi và thừa nhận đây là loại đại ca kịch với một diễn viên. Ca kịch bài chòi của chúng ta cũng không hề thua kém về mặt nghệ thuật, vậy mà tiếc thay lại không có may mắn như Pansori. Tôi nhớ lại trước đây ở tỉnh Nghĩa Bình có một nghệ sĩ bài chòi tên Mai, chỉ với một chiếc khăn vắt vai và cây quạt trên tay, một mình đóng nhiều vai với diễn xuất tuồng Thoại Khanh, Châu Tuấn hết sức tài tình khiến tôi ngồi xem say mê suốt
  7. nửa giờ đồng hồ mà xúc động vô cùng. Rõ ràng nếu chúng ta cố công đầu tư, đào tạo được những nghệ sĩ tài ba để biểu diễn thuần thục nghệ thuật bài chòi thì cũng có thể thu hút được người thưởng lãm cũng như đưa ra giới thiệu với bạn bè quốc tế. Từ đó trong nước sẽ có được sự quan tâm hơn để đem lại sức sống cho ca kịch bài chòi được hồi sinh đúng với giá trị bộ môn nghệ thuật đặc sắc cha ông để lại. Nếu không, đến lúc nào đó bài chòi bị mai một thì sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2