intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

3
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu đào tạo ra thế hệ công dân mới, đáp ứng được những yêu cầu của thời đại số, giao thoa văn hoá và có năng lực cốt lõi như tư duy phản biện, tư duy hệ thống, hợp tác ra quyết định và có trách nhiệm với các thế hệ hiện tại và tương lai. Bài viết trình bày một số cách thức để bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững

  1. BỒI DƯỠNG VĂN HOÁ TOÁN HỌC CHO HỌC SINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Phạm Nguyễn Hồng Ngự1 Tóm tắt: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu đào tạo ra thế hệ công dân mới, đáp ứng được những yêu cầu của thời đại số, giao thoa văn hoá và có năng lực cốt lõi như tư duy phản biện, tư duy hệ thống, hợp tác ra quyết định và có trách nhiệm với các thế hệ hiện tại và tương lai. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như toàn thế giới. Việc bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh trong dạy học môn Toán ở trường phổ thông, góp phần vào việc hình thành giá trị văn hoá cho cá nhân học sinh để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững sau này. Bài viết trình bày một số cách thức để bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Từ khoá: Văn hoá, văn hoá toán học, chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát triển bền vững. 1. Mở đầu Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, trong thế giới có nền kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay; chúng ta đang đứng trước sự chuyển dịch, sự thay đổi cũng như nhiều thách thức trong việc giữ cho thế giới phát triển nhưng bền vững, không phương hại đến tài nguyên môi trường, dân số và các vấn đề xã hội khác. Giáo dục vì sự phát triển bền vững hay giáo dục bền vững đã được thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng quan tâm từ cuối những năm ở thế kỷ XX. Nhiều tổ chức như Liên hợp quốc (1992) xác định “giáo dục là công cụ chủ chốt để phát triển bền vững”, UNESCO (1994) đưa ra khái niệm “Giáo dục vì một tương lai bền vững”, Đại hội đồng liên hợp quốc (2002) đưa ra nghị quyết về “Thập kỉ giáo dục vì sự phát triển bền vững”. Chương trình GDPT 2018 tại Việt Nam ra đời, được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại về khoa học - công nghệ và xã hội; phù hợp với đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về giáo dục; tạo cơ hội bình đẳng về quyền 1. Tiến sĩ, Trường Đại học Quảng Nam 78
  2. PHẠM NGUYỄN HỒNG NGỰ được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh (Bộ giáo dục và Đào tạo, 2018). Để cụ thể hoá mục tiêu phát triển bền vững trong hầu khắp các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, môi trường, các nhà giáo dục cần đào tạo ra thế hệ học sinh ưu việt, sống, cống hiến vì sự phát triển bền vững. Các trường phổ thông ở tất cả các bậc học đều cần thay đổi hình thức, phương pháp, nội dung dạy học như thế nào để trang bị kĩ năng cho học sinh đáp ứng xu hướng giáo dục phát triển bền vững. Toán học là môn khoa học về các cấu trúc tổng quát, các quan hệ được trừu tượng hóa từ các đối tượng của thực tế khách quan. Toán học có vị trí nổi bật trong các ngành khoa học khác bởi nguồn gốc, nội dung và phương pháp của nó đều có nguồn gốc trong thực tiễn, các cấu trúc quan hệ toán học là những cấu trúc quan hệ khá phổ biến trong thế giới khách quan, hình dạng không gian, quan hệ số lượng, quan hệ logic,.... Hơn nữa toán học càng trừu tượng thì lại có khả năng phản ánh càng nhiều thực tiễn, do đó càng có điều kiện đi sâu vào thực tiễn, nắm được quy luật của nó, góp phần cải tạo thực tiễn. Trong bối cảnh thực hiện chương trình GDPT 2018 như hiện nay, môn Toán cũng như những môn học khác góp phần vào sự thành công của chương trình GDPT 2018. Với mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại (Bộ giáo dục và Đào tạo, 2018). Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề cập đến văn hoá toán học và việc bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh THPT nhằm đảm bảo thực hiện thành công chương trình GDPT 2018, đồng thời đảm bảo mục tiêu giáo dục vì sự phát triển bền vững. 2. Kết quả nghiên cứu 2.1. Giáo dục vì sự phát triển bền vững 2.1.1. Xu hướng phát triển bền vững “Phát triển” trong từ điển tiếng Việt được hiểu là “quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ chưa tốt đến hoàn hảo về mọi mặt”. Quá trình này diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Thuật ngữ “phát triển bền vững” được nhắc tới lần đầu tiên năm 1980, đề cập đến nội dung bảo vệ các tài nguyên sinh vật, nhấn mạnh tính bền vững về mặt sinh thái và mối quan hệ với dân số, nhằm kêu gọi việc bảo tồn tài nguyên sinh vật. Sau đó, khái niệm phát triển bền vững được công bố chính thức vào năm 1987. Theo đó, phát triển bền vững là “sự phát triển thoả mãn những nhu cầu của hiện tại và không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Cùng với sự phát triển của xã hội, cũng như những tiến bộ về mặt khoa học, kinh tế chính trị mà con người đạt được những 79
  3. BỒI DƯỠNG VĂN HOÁ TOÁN HỌC CHO HỌC SINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH... năm qua; hiện nay, khái niệm phát triển bền vững được hiểu là “quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển. Đó là phát triển kinh tế (tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (tiến bộ, công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (xử lí, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy rừng, chặt phá rừng, khai thác hợp lí và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên)” (Nguyễn Thị Thu Hằng, 2009). Mỗi quốc gia trên thế giới sẽ tuỳ theo điều kiện kinh tế, thể chế chính trị của mình mà có sự cụ thể hoá các mục tiêu phát triển bền vững này góp phần vào sự phát triển bền vững chung của nhân loại. Theo báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) quốc gia năm 2020 (Việt Nam Agenda21, Phát triển bền vững) thì Việt Nam có khả năng năm 2030 sẽ đạt được 5 trong 17 mục tiêu mà Liên hiệp quốc thông qua năm 2015 về phát triển bền vững. Năm mục tiêu đó là: - Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi. - Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. - Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. - Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai. - Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững. Như vậy, xu hướng phát triển bền vững trong giáo dục ở Việt Nam chính là tạo ra một nền giáo dục mà ở đó cơ hội học tập của tất cả mọi người là như nhau, mọi người có điều kiện để tham gia học tập suốt đời, với chất lượng giáo dục toàn diện, công bằng. 2.1.2. Giáo dục vì sự phát triển bền vững Theo UNESCO (2005), Giáo dục vì sự phát triển bền vững nghĩa là “Một thế giới trong đó mọi người có cơ hội được hưởng một nền giáo dục có chất lượng và được học hỏi những giá trị, cách ứng xử và lối sống phù hợp để đảm bảo một tương lai bền vững và sự chuyển biến xã hội tích cực” (Nguyễn Thị Thu Hằng, 2009). Để làm được điều đó, giáo dục cần giúp người học nhận thức, hình thành những hành vi, thái độ cần thiết để xây dựng và phát triển xã hội một cách bền vững. Giúp người học hiểu được bản thân mình và người khác, hiểu được mối liên hệ giữa con người với môi trường tự nhiên – xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao khả năng giải quyết vấn đề liên quan đến môi trường, cho phép người học tiếp thu được các giá trị tri thức cũng như phương pháp hành động và phong cách sống cần thiết cho một tương lai bền vững và sự thay đổi xã hội một cách tích cực. Giáo dục vì sự phát triển bền vững, xuất phát từ nhu cầu về một nền giáo dục có 80
  4. PHẠM NGUYỄN HỒNG NGỰ khả năng giải quyết các thách thức môi trường đang gia tăng trên thế giới. Để làm được điều này, giáo dục phải thay đổi để cung cấp kiến ​​ thức, kĩ năng, giá trị và thái độ giúp người học có khả năng đóng góp cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, giáo dục phải được đẩy mạnh trong tất cả các chương trình nghị sự, cũng như các chương trình và hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững (https://quochoi.vn). Như vậy, có thể hiểu giáo dục vì sự phát triển bền vững là hướng tới một nền giáo dục mà ở đó mọi người đều có cơ hội học tập như nhau, được hưởng lợi từ giáo dục, học tập và các giá trị, hành vi, cách sống tiến tới một tương lai bền vững. Phát triển bền vững phải được lồng ghép trong giáo dục và giáo dục phải được lồng ghép trong phát triển bền vững. Giáo dục vì sự phát triển bền vững là nền giáo dục toàn diện và không ngừng biến đổi, hướng đến nội dung và kết quả học tập, môi trường học tập và phương pháp sư phạm (UNESCO, 2014). 2.1.3. Dạy học môn Toán trong chương trình GDPT 2018 đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững Giáo dục vì sự phát triển bền vững thúc đẩy lồng ghép các vấn đề bền vững trong bối cảnh trong nước và quốc tế vào chương trình giảng dạy để giúp người học hiểu và ứng phó với một thế giới không ngừng thay đổi. Giáo dục vì sự phát triển bền vững hướng đến tạo ra kết quả học tập bao gồm các năng lực cốt lõi như tư duy phản biện, tư duy hệ thống, hợp tác ra quyết định và có trách nhiệm với các thế hệ hiện tại và tương lai. Giáo dục vì sự phát triển bền vững là một tác nhân quan trọng thúc đẩy sự thay đổi trong quy trình dạy và học trong môi trường giáo dục. Các cách tiếp cận của Giáo dục vì sự phát triển bền vững thu hút học sinh tham gia vào mối quan hệ học tập hợp tác, lấy học sinh làm trung tâm và bao gồm kĩ năng đặt câu hỏi, tư duy phản biện và ra quyết định, còn giáo viên đóng vai trò là người thúc đẩy (UNESCO, 2014a; Ofei-Manu và Didham, 2012). Đây cũng chính là phương pháp dạy học chủ đạo được sử dụng trong tổ chức thực hiện chương trình GDPT 2018 trong môn Toán nói riêng và trong các môn học khác. Giáo viên có thể sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm sao cho giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tính toán, năng lực ngôn ngữ và các năng lực đặc thù khác như năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ. Một trong những năng lực mà môn Toán trong chương trình GDPT 2018 hình thành cho học sinh là năng lực thẩm mĩ. Thông qua việc giúp học sinh làm quen với lịch sử toán học, với tiểu sử của các nhà toán học và thông qua việc nhận biết vẻ đẹp của Toán học trong thế giới tự nhiên (Bộ giáo dục và Đào tạo, 2018). Đây cũng chính là mục tiêu khá gần với mục tiêu phát triển bền vững, khi giáo dục toán học góp phần hình thành một lứa học sinh có năng lực thẩm mĩ, thấy được vẻ đẹp của toán học trong cuộc sống, trong tự nhiên, họ sẽ có những hành động cụ thể để bảo vệ tự nhiên, bảo vệ xã hội phát triển bền vững. 81
  5. BỒI DƯỠNG VĂN HOÁ TOÁN HỌC CHO HỌC SINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH... 2.2. Bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh THPT trong chương trình GDPT 2018 vì sự phát triển bền vững 2.2.1. Văn hoá toán học Tổ chức UNESCO định nghĩa văn hóa theo nghĩa rộng là một phức thể, tổng thể các đặc trưng diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm, khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng, xã hội,...; theo nghĩa hẹp là tổng thể những hệ thống biểu trưng chi phối cách ứng xử và sự giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng. Theo từ điển tiếng Việt, văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần, là tri thức, kiến thức khoa học, trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của sự văn minh. Sinh thời Hồ Chí Minh đã có nhận xét: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là Văn hóa” (Nguyễn Thị Hoàng Yến, 2013). Như vậy, không chỉ những sản phẩm phi vật thể mà cả những sản phẩm vật chất do loài người tạo ra từ xa xưa đến nay, được sử dụng trong đời sống xã hội đều xem là văn hóa. Điều đặc biệt là hầu hết những vùng đất xưa được gọi là cái nôi văn hóa của nhân loại như Hy Lạp cổ đại, Babylon,... đều là cái nôi của nền Toán học cổ xưa; hay những sản phẩm do loài người tạo ra, từ nhỏ bé như ghế, bàn, dụng cụ lao động sản xuất đến những đền, tháp, chùa, chiền,... từ xa xưa đến nay đều chứa đựng những tri thức, hình dạng của toán học. Có thể kể đến các kì quan của thế giới cổ xưa như Kim Tự tháp Giva của Ai Cập, vườn treo Babylon, ngọn hải đăng Alexandria,... cho đến rất nhiều những công trình kiến trúc nổi tiếng ngày hôm nay như đền Taj Mahal (Ấn Độ), Tòa tháp Burj Khalifa (Dubai), cầu đi bộ Infinity (ở Anh),... đều cho chúng ta cái nhìn về một khái niệm toán học nào đó. Phải chăng trong cụm từ “văn hóa” nói chung, có “văn hóa toán học”? Hình 1. Hải đăng Alexandria - Cầu Infinity 82
  6. PHẠM NGUYỄN HỒNG NGỰ Theo Nguyễn Cảnh Toàn “Văn hóa toán học là hệ thống những phẩm chất của tư duy và nhân cách hấp thụ được qua việc học toán, làm toán và bền vững đến mức dù có quên các kiến thức toán học thì các phẩm chất đó vẫn còn” (Nguyễn Cảnh Toàn, 2009). Bùi Văn Nghị cho rằng “Văn hóa toán học bao gồm tổng thể những tri thức giá trị, phương thức, phương pháp của toán học và những giá trị tinh thần ẩn chứa trong những tri thức đó” (Đỗ Thị Lan Anh, 2013). Như vậy, văn hóa toán học cùng với những thành tố khác của văn hóa như ngôn ngữ, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, ... liên quan đến hệ thống giá trị và năng lực của mỗi người, giúp con người nâng cao chất lượng cuộc sống, vì một tương lai tốt đẹp bền vững. Văn hóa toán học được hình thành và bồi đắp trong quá trình học sinh chiếm lĩnh các kiến thức toán học trong nhà trường. Học toán trong nhà trường phổ thông không chỉ dừng lại ở việc học các định lí quy tắc các công thức phương pháp thuần túy mang tính lí thuyết, cũng không chỉ tiếp cận cách thức xây dựng toán học với tư duy lôgic và ngôn ngữ toán. Mục đích trong quá trình học toán phải đạt tới là phải hiểu được nguồn gốc thực tiễn của toán học và nâng cao khả năng ứng dụng, hình thành thói quen tư duy (đặc trưng của môn Toán) và vận dụng toán học vào cuộc sống (Đỗ Thị Lan Anh, 2016). 2.2.2. Mối liên hệ giữa văn hoá toán học và sự phát triển bền vững Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ, văn hoá quan hệ trực tiếp với một số ngành và lĩnh vực sau: Giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật, báo chí truyền thông, di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể), văn hóa tôn giáo, văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể chế thiết chế văn hóa. Như vậy, giáo dục góp phần đào tạo ra một thế hệ có văn hoá. Những con người có văn hoá sẽ có cách hành xử với tự nhiên, với môi trường, với xã hội đúng mực, từ đó sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Như vậy, văn hoá và sự phát triển bền vững có mối quan hệ tương trợ lẫn nhau, nếu có văn hoá thì có phát triển bền vững và ngược lại. Văn hoá toán học là một phần của văn hoá nói chung. Người có văn hoá toán học thì sẽ có văn hoá. Nghĩa là văn hoá toán học góp phần vào sự phát triển bền vững, đồng thời khi có sự phát triển bền vững thì có cơ hội cho việc gìn giữ phát huy văn hoá toán học. Trong bối cảnh xã hội có sự thâm nhập, giao lưu văn hóa toàn cầu như hiện nay, trong giáo dục toán, người giáo viên cần chú trọng giáo dục văn hóa toán học cho học sinh, có thể bằng nhiều con đường khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng đều theo nguyên tắc chung là “theo suốt cuộc đời” của mỗi người. 2.2.3. Bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh THPT trong chương trình GDPT 2018 vì sự phát triển bền vững Vì mối liên hệ mật thiết giữa văn hoá với sự phát triển bền vững, nên chúng tôi cho 83
  7. BỒI DƯỠNG VĂN HOÁ TOÁN HỌC CHO HỌC SINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH... rằng, trong quá trình dạy học Toán, giáo viên cần hình thành, bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh, từ đó hình thành một thế hệ học trò có văn hoá, có tư duy gìn giữ sự phát triển bền vững. Dưới đây, chúng tôi đề xuất một số cách thức để giáo viên có thể bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh trong chương trình GDPT 2018 như sau: Một là, bồi dưỡng văn hoá toán học, niềm yêu thích học toán của học sinh thông qua việc giúp học sinh tìm thấy vẻ đẹp của toán học trong tự nhiên, trong xã hội, từ đó có ý thức giữ gìn tự nhiên, xã hội. Trong một buổi nói chuyện “Toán học và học toán” do tạp chí Tia Sáng tổ chức, Hà Huy Khoái cho rằng: “Toán học có mục tiêu giúp con người tìm hiểu và lí giải quy luật của tự nhiên, xã hội, giống như các ngành khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội khác” (tiasang.com.vn), nhưng chúng ta nên tìm tòi vẻ đẹp của toán học thay vì đặt câu hỏi toán học có ích gì?! Bởi theo ông, mặc dầu toán học xuất phát từ thực tiễn, nhưng cũng giống như những khoa học khác, toán học không thể mô tả hết thế giới tự nhiên mà nó lại giải thích thực tiễn thành những quy luật lôgic một cách trừu tượng và rất tối giản. Chính vì vậy mà khi dạy học toán cho học sinh, chúng ta cần chú trọng đến việc khuyến khích và nuôi dưỡng niềm đam mê cho học sinh, giúp học sinh tìm thấy vẻ đẹp thực sự của toán học. Nguyễn Tiến Dũng cho rằng “Toán học và nghệ thuật có nhiều điểm rất tương đồng với nhau. Cả hai đều cùng hướng tới cái đẹp, đều là sáng tạo. Để thành công trong toán học hay trong nghệ thuật đều cần có khả năng trừu tượng, trí tưởng tượng phong phú và suy nghĩ táo bạo, cũng như cảm hứng và sự say mê” (Nguyễn Tiến Dũng, 2018). Trong lịch sử của nhân loại, chúng ta đã biết đến rất nhiều nhà Toán học với các tác phẩm nghệ thuật để đời như: Leonardo da Vinci với bức tranh Mona Lisa có tỉ lệ vàng, Lewis Carroll với quyển truyện Alice ở xứ sở thần tiên, Pythagoras với các lí thuyết về âm nhạc, Giard Désargues với phương pháp phối cảnh tuyến tính trong hội họa, ...Vậy phải chăng những kiến thức toán học lôgic ảnh hưởng nhiều đến những tư duy lôgic, thẩm mĩ của con người?! Và liệu giáo dục toán có ảnh hưởng đến năng lực thẩm mĩ của HS nhất là HS ở cấp THPT? Người ta nói rằng “Cái đẹp là trong con mắt của người xem”, tuy nhiên dù khái niệm về cái đẹp có thay đổi từ thời này sang thời khác, từ người này sang người khác đều phải tuân thủ các nguyên tắc sau: “Lặp đi lặp lại, Hài hòa, Không đơn điệu, Quen thuộc với con người” (Nguyễn Tiến Dũng, 2018). Các nguyên tắc này đều phù hợp với các thao tác tư duy trong dạy học toán như “Quy lạ về quen, so sánh và tương tự, khái quát hóa, trừu tượng hóa, ...”. Như vậy, người có kiến thức, tư duy toán học sẽ có tư duy về nghệ thuật, về cái đẹp. Ví dụ 1. Khi dạy về “Các phép dời hình” trong SGK Hình học 10, giáo viên có thể cho học sinh quan sát các công trình kiến trúc từ xa xưa đến nay để học sinh nhận thấy được ứng dụng của các phép dời hình trong những nền văn hóa cổ xưa đến hiện đại của 84
  8. PHẠM NGUYỄN HỒNG NGỰ loài người như hình ảnh kim tự tháp, hình ảnh nhà thờ Hồi giáo Putra (ở Malaysia), hình Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á (chùa Bái Đính, Việt Nam), ... Từ đó có ý thức về việc giữ gìn bảo tồn những di sản văn hoá này, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Hình 2. Nhà thờ Hồi giáo Putra - Bảo tháp chùa Bái Đính Hai là, lồng ghép các tình huống thực tiễn, chứa đựng tri thức toán học vào trong dạy học Toán ở trường phổ thông để bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh. Trần Vui (2017) cho rằng “Giáo dục toán không giống như một ngành khoa học thuần túy, nó chịu tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố văn hóa, xã hội, chính trị mà chúng ta không thể dự kiến trước hết được”. Bởi vậy mà trong hai thập niên vừa qua đã có sự tăng nhanh về việc nghiên cứu tập trung vào bản chất văn hóa của toán học. Chúng tôi cho rằng có thể sử dụng tình huống thực tiễn để góp phần hình thành, phát triển văn hóa toán học cho học sinh trong dạy học toán ở trường (Đỗ Thị Lan Anh, 2013), (Đỗ Thị Lan Anh, 2016). Học sinh thông qua các thao tác tư duy khái quát hóa, tương tự hóa, đặc biệt hóa, vận dụng các suy luận có lí, ... để mô hình hóa tình huống thực tiễn, giải quyết tình huống thực tiễn, từ đó chiếm lĩnh tri thức toán học và bồi dưỡng văn hóa toán học cho chính mình. Giáo viên trong quá trình xây dựng tình huống, tổ chức cho học sinh hoạt động trong dạy học khái niệm, định lí, quy luật, quy tắc cần khéo léo đặt ra các nhiệm vụ trong tình huống để học sinh trải nghiệm các vẻ đẹp của toán học (mô hình các hình hình học trong xây dựng, trong thiên nhiên, ứng dụng phong phú của toán học trong đời sống hằng ngày của học sinh) từ đó hình thành thói quen lập luận một cách khoa học, lôgic cho học sinh góp phần hình thành nhân cách sống cho học sinh. Ví dụ 2. Giáo viên có thể đưa ra tình huống cho học sinh:“Sử dụng kiến thức toán học giải thích vì sao trong thực tế người ta làm dầm xây dựng hay cần cẩu, ... thường sử dụng ba đoạn thép buộc lại với nhau (như hình minh họa bên dưới)?’’ Hình 3. Minh họa “dầm” trong xây dựng 85
  9. BỒI DƯỠNG VĂN HOÁ TOÁN HỌC CHO HỌC SINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH... Học sinh sử dụng kiến thức về cách xác định tam giác để ghi nhớ rằng, với ba đoạn thẳng cho trước luôn tạo thành một tam giác, dưới sự tác động của ngoại lực, thì hình dáng của tam giác xác định trên là không đổi nên những chiếc “dầm” này sẽ chắc chắn, cố định. Nếu sử dụng 4 đoạn thẳng tạo thành hình chữ nhật thì dưới tác động của ngoại lực có thể bị biến dạng thành hình bình hành, ... hay qua 4 đoạn thẳng cho trước không xác định được một hình cố định, như vậy những chiếc “dầm” này sẽ không chắc chắn. Ví dụ 3. Học sinh có thể ứng dụng tri thức toán học về hai mặt phẳng vuông góc (Hình học 11) để giải thích hiện tượng thực tiễn trong tình huống“Vì sao người thợ xây, khi muốn kiểm tra xem bức tường mình xây có phẳng không thường dùng một sợi dây dọi dóng xuống mặt đất để kiểm tra?” Ví dụ 4. Học sinh ứng dụng các tri thức toán học trong bài “Các đặc trưng của mẫu số liệu” (SGK Toán 10, KNTTVSC, trang 78) trong việc đưa ra những quyết định chọn lựa trong cuộc sống hằng ngày, thông qua tình huống sau: “Trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kì, tỉnh Quảng Nam muốn may đồng phục thể dục cho học sinh nên đã tiến hành lấy ý kiến thăm dò về màu sắc như sau: Màu Xanh Tím Đỏ Vàng Số HS chọn 166 90 70 124 Theo bạn nhà trường nên chọn màu nào cho phù hợp với đại đa số ý kiến của học sinh”. Học sinh sẽ dễ dàng trả lời là nhà trường nên chọn màu xanh làm màu áo đồng phục, vì được học sinh chọn nhiều hơn. Ví dụ 5. Khi gặp tình huống trong thực tế: “Làm thế nào để dựng một cái lều bạt mà các góc của đỉnh lều đều là góc vuông ?”. Học sinh có thể xuất phát từ tri thức toán học để mô phỏng cách dựng lều trong thực tế như sau: Trong toán học, nếu có tứ diện ABCD mà AD ⊥ DB, DB ⊥ DC , DC ⊥ DA thì khi đó ta có các tính chất sau: - Các góc đáy A, B, C đều là các góc nhọn; - Nếu H là trực tâm của tam giác ABC thì DH ⊥ ( ABC ) ; Thật vậy, giả sử= a= b= c thì trong tam giác vuông ADB ta có BC , AC , AB Mà theo định lí côsin thì c 2 = AB 2 = CA2 + CB 2 − 2CACB.cos C ( AC 2 + BC 2 ) − AB 2 Suy ra cos C = > 0 (do công thức (1)) vậy 2 AC.BC 86
  10. PHẠM NGUYỄN HỒNG NGỰ nên góc C là góc nhọn. Tương tự ta đều có góc A, B sẽ là các góc nhọn. Nếu H là trực tâm của tam giác ABC thì ta có BC ⊥ AH , và vì tứ diện vuông nên AD ⊥ DB, AD ⊥ DC , hay AD ⊥ ( DBC ) , suy ra AD ⊥ BC . Vậy nên BC ⊥ ( AHD) . Suy ra BC ⊥ DH . Hoàn toàn tương tự ta chứng minh được AC ⊥ DH . Vậy nên DH ⊥ ( ABC ) . Như vậy, ta có thể sử dụng tính chất của tứ diện vuông này để vận dụng vào thực tế mô phỏng dựng lều bạt với 3 đỉnh vuông bằng cách dựng tam giác đáy ABC có các góc nhọn, dựng đường thẳng d đi qua trực tâm và vuông góc với mặt phẳng đáy và lấy đỉnh lều chính là giao điểm của d và mặt cầu đường kính AB . Ba là, tổ chức cho học sinh thực hành trải nghiệm những kiến thức toán học gắn với môi trường tự nhiên – xã hội, bồi dưỡng văn hoá toán học, đồng thời hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, xã hội. Để làm được điều này, trong quá trình dạy học toán, người giáo viên cần tạo ra nhiều cơ hội để học sinh tìm kiếm tri thức toán học qua trải nghiệm những sản phẩm văn hóa của nhân loại (đồ dùng, kiến trúc, ...). Giáo viên có thể thiết kế các hoạt động trải nghiệm mà ở đó có các nội dung chứa đựng giá trị vật chất của toán học gắn với những sản phẩm văn hóa đó để học sinh vận dụng các thao tác tư duy toán học vào học tập để hình thành cho học sinh thói quen giải quyết vấn đề một cách lôgic, khoa học, sáng tạo, góp phần hình thành văn hóa toán học cho học sinh. Ví dụ 6. Bóng đá là môn thể thao vua, được rất nhiều người yêu thích, tuy nhiên ít ai để ý rằng từ khi ra đời cho đến nay, xét trên một mặt phẳng, sân bóng đá được thiết kế sao cho vị trí phát bóng là tâm đối xứng thuộc trục đối xứng - vạch sơn trắng nằm ngang chia đôi sân bóng, đảm bảo các vị trí giữa 2 cầu môn, 2 khu vực 16m50, đều đối xứng qua tâm hoặc đối xứng qua trục. Từ đó các kích thước của cầu môn, khu Hình 4. Mô hình mặt phẳng sân bóng đá 87
  11. BỒI DƯỠNG VĂN HOÁ TOÁN HỌC CHO HỌC SINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH... vực 16m50, của 2 đội bóng đều như nhau nên việc chọn sân đảm bảo tính bình đẳng, công bằng. Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm tại sân bóng đá của trường mình, tiến hành đo kích thước của sân và rút ra kết luận trên. Ví dụ 7. Trong toán học chúng ta đều biết rằng “Mệnh đề A( x) sai nếu tồn tại một biến x sao cho A( x) là sai”, tư duy toán học này đã được loài người sử dụng từ xa xưa đến nay trong việc đưa ra những phân tích, phản biện xã hội, để kiểm chứng một văn bản pháp luật của một hệ thống chính trị nào đó đúng hay sai, chỉ cần chỉ ra một phản ví dụ về tính đúng của văn bản đó. Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh trải nghiệm đọc một văn bản liên quan về luật Trẻ em, Luật phòng chống ma tuý,... để học sinh chiêm nghiệm tính đúng sai của một mệnh đề chứa biến trên. 3. Kết luận Trong xu thế hiện nay, giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia. Mỗi môn học, mỗi cấp học cần có sự điều chỉnh nội dung, hình thức, phương pháp dạy học phù hợp nhằm kết nối tri thức với thực trạng về tài nguyên, thiên nhiên, đời sống xã hội để học sinh thông qua học tập hiểu biết về đời sống xã hội, chính trị, từ đó hình thành cách hành xử với thế giới tiến tới một tương lai bền vững. Bài viết trình bày 3 cách thức để bồi dưỡng văn hoá toán học cho học sinh; tuy nhiên việc bồi dưỡng văn hoá Toán học cho học sinh, lồng ghép những tri thức Toán học với những hiện tượng xã hội là vấn đề nên nhận được sự quan tâm hơn nữa của nhiều thầy giáo, cô giáo và các nhà nghiên cứu giáo dục. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bộ giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán. Đỗ Thị Lan Anh (2013). Văn hoá Toán học – Vấn đề cần quan tâm, Tạp chí Giáo dục số 313, kì 1 tháng 7 năm 2013, tr. 51-53. Đỗ Thị Lan Anh (2016). Phát triển văn hoá toán học trong dạy học môn Toán ở trường THPT. Tạp chí Giáo dục số đặc biệt, kì 3 tháng 6 năm 2016, tr. 179-181. Nguyễn Tiến Dũng (2018). Toán học và nghệ thuật, Tủ sách Sputnik, số 024, NXB Văn học. Nguyễn Thị Thu Hằng (chủ biên), Trần Đức Tuấn, Đặng Văn Đức (2009). Giáo dục vì sự phát triển bền vữn., NXB Đại học Sư phạm. 88
  12. ĐỖ THỊ NGA - TRƯƠNG THỊ HOÀI THU Nguyễn Thị Hoàng Yến, Nguyễn Dục Quang (2013). Về giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam, Tạp chí Khoa học giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 58, Kì 4, tr.101-109. Nguyễn Cảnh Toàn (2009). Nên học toán như thế nào cho tốt?. NXB Giáo dục, Hà Nội. Trần Vui (2017). Từ các lí thuyết học đến thực hành trong giáo dục toán. NXB Đại học Huế. Việt Nam Agenda21. Phát triển bền vững (http://www.va21.org/Vietnamese) https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint. aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=47342 http://tiasang.com.vn/-tin-tuc/Khong-nen-dat-cau-hoi-thuc-dung-toan-hoc-de-lam- gi-10124 89
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
96=>0