Chính sách tài khóa hướng tới tăng trưởng bền vững
lượt xem 6
download
Bài nghiên cứu dưới đây tổng hợp các lý thuyết về chính sách tài khóa với tăng trưởng kinh tế từ đó đánh giá thực trạng chính sách tài khóa của Việt Nam và đưa ra các gợi ý tăng cường hiệu quả của chính sách tài khóa nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chính sách tài khóa hướng tới tăng trưởng bền vững
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 18. CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA HƯỚNG TỚI TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TS. Lê Mai Trang* Tóm tắt Chính sách tài khoá là một công cụ quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng rất mạnh đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế và tác động trực tiếp đến phương châm hoạt động của hệ thống ngân sách cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong thời gian qua, chính sách tài khóa đã đóng góp không nhỏ được nhận định là “điểm tựa” tốt cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với một số nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia chuyển sang áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, từ đó tác động đến tài chính toàn cầu và sự luân chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế… Trong nước, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công còn chậm và chưa rõ nét; giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp… tác động không nhỏ đến việc thực hiện chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Bài nghiên cứu dưới đây tổng hợp các lý thuyết về chính sách tài khóa với tăng trưởng kinh tế từ đó đánh giá thực trạng chính sách tài khóa của Việt Nam và đưa ra các gợi ý tăng cường hiệu quả của chính sách tài khóa nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Từ khóa: Chính sách tài khóa, tăng trưởng bền vững, ngân sách nhà nước, thuế, chi tiêu công. * Trường Đại học Thương mại 226
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng 1. MỘT SỐ LÝ THUYẾT VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 1.1. Lý thuyết của Keynes Vào những năm đầu thế kỷ 20, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp xuất hiện phổ biến trong nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa. Cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933 đã chứng tỏ các học thuyết kinh tế của trường phái cổ điển và tân cổ điển không còn hiệu nghiệm. Chính phủ bị gây áp lực mạnh cần phải làm một điều gì đó để khắc phục thất bại của thị trường. Trong bối cảnh đó, lý thuyết về một nền kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước đã ra đời. John Maynard Keynes (1884 - 1945) đã đặt nền tảng cho sự xuất hiện của kinh tế học vĩ mô với vai trò tích cực của Nhà nước. Ông đã chứng minh sự cần thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước để khắc phục suy thoái, khủng hoảng, hạn chế thất nghiệp và lạm phát, ổn định tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm của lý thuyết của Keynes chỉ ra việc sử dụng chính sách tài khóa (CSTK) như một công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung khuyến khích đầu tư thông qua tiết kiệm và tốc độ tạo vốn cho nền kinh tế. Lý thuyết này đã là nền tảng cho các nhà hoạch định đề xuất chính sách cho các nước đang phát triển trong những thập kỷ qua. Họ cho rằng, ở các nước đang phát triển, nếu chỉ trông chờ vào khu vực tư nhân thì sẽ không tiết kiệm đủ để đầu tư cho phát triển kinh tế. Vì thế, trong một thời gian dài, các nhà kinh tế học thuộc trường phái Keynes đã yêu cầu các nước kém phát triển tăng tiết kiệm từ ngân sách thông qua tăng gánh nặng thuế và hạn chế chi tiêu thường xuyên. Bên cạnh đó, họ cũng khuyến khích Chính phủ các nước đang phát triển tăng đầu tư công cộng từ nguồn vay nợ nước ngoài. Đây là những chính sách được sử dụng phổ biến trong các thập kỷ 60, 70 và 80 ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các đề xuất chính sách này cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như xem xét mối quan hệ giữa các biến số kinh tế vĩ mô chưa cụ thể, bỏ qua các yếu tố cơ bản của một CSTK như phân bổ hiệu quả, phân phối công bằng và ổn định lâu dài, mà quá tập trung vào mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn. Lý thuyết của trường phái Keynes đã bỏ qua sự thật là Chính phủ không thể bơm sức mua vào nền kinh tế trước khi làm giảm nó thông qua thuế và vay nợ. Lý thuyết của Keynes đã gặp thách thức lớn khi nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong những năm 1970 và khi có sự bùng nổ kinh tế nhờ cắt giảm thuế kết hợp với thắt chặt chi tiêu trong những năm 1980. Vào những năm 1940, Keynes cho rằng, quy mô chi tiêu Chính phủ không nên vượt quá 25% GDP, nếu không tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng xấu. Ngày nay, mặc dù lý thuyết của Keynes về chi tiêu Chính phủ không còn được các nhà kinh tế trọng dụng nhưng vẫn 227
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA được các chính trị gia và các nhà báo thường xuyên nhắc đến như là động lực để thúc đẩy tăng trưởng. 1.2. Chính sách tài khóa theo lý thuyết kinh tế học hiện đại Ngược với quan điểm của trường phái Keynes, trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nhà kinh tế tin việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là “liều thuốc thần diệu” đối với tăng trưởng kinh tế. Họ lập luận rằng, cắt giảm chi tiêu Chính phủ nghĩa là cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ làm giảm lãi suất, tăng đầu tư, tăng năng suất và cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng. Lập luận này là có cơ sở và CSTK nên tập trung giải quyết vấn đề thâm hụt nếu mối quan hệ giữa các biến số trên là chặt chẽ. Tuy nhiên, có nhiều lý do để cho rằng mối quan hệ giữa thâm hụt ngân sách, lãi suất, đầu tư và tăng trưởng đã được đề cao quá mức. Hai trường phái trên có những quan điểm rất khác nhau về thâm hụt ngân sách, tuy nhiên không trường phái nào nhấn mạnh đến quy mô chi ngân sách. Các nhà kinh tế theo trường phái Keynes thường liên quan đến quy mô chi tiêu Chính phủ lớn nhưng họ cũng không phản đối về việc quy mô chi tiêu Chính phủ nhỏ, miễn là có thể tăng khi cần thiết để đưa nền kinh tế thoát khoải tình trạng trì trệ. Ngày nay, hầu hết các nhà kinh tế đồng ý rằng có những trường hợp nhất định việc cắt giảm chi tiêu Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cũng có những trường hợp tăng chi tiêu Chính phủ là có lợi cho tăng trưởng. Trong khi các lý thuyết về thất bại của thị trường đã dẫn tới việc hình thành các chương trình chi tiêu lớn của Chính phủ trong khuôn khổ CSTK trong những năm 1930 và 1960, trong thập kỷ 70 và 80 những nhược điểm của các chương trình chi tiêu của Chính phủ bắt đầu xuất hiện, buộc các nhà kinh tế và chính trị học phải nghiên cứu tìm hiểu các thất bại của Chính phủ. Vậy là thị trường rất hay thất bại, nhưng Chính phủ cũng ít thành công trong việc khắc phục các thất bại của thị trường. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thất bại của Chính phủ đó là: Thông tin hạn chế, khả năng kiểm soát hạn chế đối với khu vực tư nhân, quan liêu, hạn chế của quá trình hiệp thương chính trị dẫn đến việc chậm ban hành và thực thi chính sách. Lý thuyết kinh tế học dòng chính hiện nay cho rằng, một nền kinh tế hỗn hợp với vai trò cân đối của Nhà nước và thị trường là mô hình tối ưu (Mankiw, 2005). Với mô hình kinh tế thị trường xác định giá cả và sản lượng, Chính phủ điều tiết thị trường bằng các chương trình thuế, chi tiêu và luật lệ. Cả 2 yếu tố: Thị trường và Chính phủ đều có tính quyết định. Điều hành nền kinh tế mà không có cả Chính phủ lẫn thị trường cũng như định “vỗ tay bằng một bàn tay”. Kinh tế thị trường nâng cao hiệu quả sản xuất và phân phối hàng hóa nhưng cũng có những khuyết tật của nó, cần phải có bàn 228
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng tay của Chính phủ để đảm bảo hiệu quả, công bằng và ổn định. Những lý luận về mô hình tăng trưởng nội sinh trở thành khung phân tích lý thuyết quan trọng cho CSTK hiện đại (Barro and Sala-i-Martin, 1992; Rebelo, 1991). Lý thuyết này cho rằng, CSTK không chỉ có tác động ngắn hạn như lý thuyết của Keynes mà còn có tác động dài hạn đến tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ phân biệt tác động ngắn hạn và dài hạn cũng như tác động nào là có tính bền bỉ hơn của CSTK. Với mô hình này, CSTK trở thành công cụ quan trọng và được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh nền kinh tế khoa học và linh hoạt hơn. CSTK theo học thuyết Keynes nhưng được hoàn chỉnh hợp lý hơn, kết hợp hài hòa giữa “bàn tay vô hình” của thị trường và “bàn tay hữu hình” của Nhà nước. Thu ngân sách với thuế suất bao nhiêu để vừa đảm bảo công bằng vừa đạt được tỷ lệ động viên cao nhất, chi ngân sách ở mức độ hợp lý để chống lại những khuyết tật của thị trường, phát huy thế mạnh của thị trường. Quan điểm về cân đối thu chi ngân sách được đặt trong thể động và linh hoạt hơn. 2. CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA HƯỚNG TỚI TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG Chính sách tài khóa là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ sử dụng để huy động, phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Trong vài năm qua, chính sách tài khóa của Việt Nam được thực hiện theo hướng mở rộng. Mặc dù đã giúp nền kinh tế không suy giảm mạnh trong giai đoạn 2009 - 2011, chính sách này cũng dẫn đến bội chi ở mức cao, làm suy yếu các lớp đệm tài khóa, rút ngắn kỳ hạn vay nợ và làm tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách. Bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng cao, tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm và chi tiêu công, đặc biệt là đầu tư công, còn chưa hiệu quả, đều gây trở ngại cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai. Bước sang giai đoạn 2016 - 2018, chính sách tài khóa được thực hiện theo hướng chặt chẽ, linh hoạt, tập trung thực hiện hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội và chú trọng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng hướng tới tăng trưởng bền vững kể từ năm 2012 đến nay tốc độ tăng trưởng đã đạt 6.81% năm 2017 và 7,01% năm 2018, mục tiêu của các chính sách vĩ mô cũng có những sự thay đổi là tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và hướng tới tăng trưởng bền vững. Cụ thể, đối với chính sách tài khóa, Chính phủ đang thực hiện điều hành theo hướng thực hiện nghiêm túc các khoản mục thu, tiết kiệm chi và giảm bội chi ngân sách nhà nước. 229
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2.1. Thực trạng thu ngân sách nhà nước Thu ngân sách nhà nước của Việt Nam đến từ bốn nguồn chính là: (i) Thu nội địa, (ii) Thu từ dầu thô, (iii) Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu và (iv) Thu viện trợ. Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao với tốc độ bình quân hàng năm trên 6% từ năm 2006 đến nay, đã giúp nâng cao số thu NSNN. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, tốc độ tăng thu (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỷ lệ thu từ NSNN so GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống 23,4% trong giai đoạn 2011 - 2015, nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô (từ 4,8% xuống 3%), từ hoạt động xuất nhập khẩu (5,5% xuống 4,2%), và các khoản thu về đất (2,5% xuống còn 1,7%). Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống chính sách thuế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào các nguồn bên ngoài (thu từ dầu thô và xuất khẩu). Trong cơ cấu thu NSNN, tỷ trọng thu nội địa đã tăng cao hơn từ 58,9% (giai đoạn 2006 - 2010) lên khoảng 68% (giai đoạn 2011 - 2015), do nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương và duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mức tăng trên phần nào đã giúp bù đắp cho số giảm thu về xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Bên cạnh đó để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy giảm, Việt Nam đã thực hiện một số chính sách ưu đãi thuế, bao gồm (i) cắt giảm thuế suất thuế TNDN; (ii) nâng mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN; (iii) miễn hoặc giảm thuế đất nông nghiệp; và (iv) gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN và tiền sử dụng đất v.v. Tuy thuế suất TNDN giảm tổng cộng đến 6 điểm phần trăm trong giai đoạn vừa qua, tỷ trọng thuế TNDN (không kể thu từ các DN trong lĩnh vực sản xuất và khai thác dầu thô) là khoảng 3,8% GDP (giai đoạn 2011 - 2015), chỉ giảm 0,3% GDP so với mức 4,1% của giai đoạn 2006 - 2010. Nếu cộng cả số thuế TNDN của hộ kinh doanh chuyển sang thu thuế TNCN thì cơ bản nguồn thu thuế TNDN giai đoạn 2011 - 2015 không giảm so với giai đoạn 2006 - 2010. Mặc dù thực hiện các chính sách ưu đãi trong thời gian qua, nhưng tỷ trọng thuế GTGT vẫn ổn định ở mức khoảng 6,1% GDP, trong đó riêng thuế GTGT nội địa tăng nhẹ từ 4,1% lên 4,3% giữa hai giai đoạn này. Thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng đáng kể trong thời gian qua, từ 0,8% GDP lên mức 1,3% GDP. 230
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng Hình 1: Thu - Chi ngân sách giai đoạn 2009 - 2018 Nguồn: GSO và tính toán của tác giả Chính sách thu ngân sách 2017 - 2018 tiếp tục rà soát hệ thống các chính sách thu NSNN để hoàn thiện theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời, vừa đảm bảo thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ thu NSNN đề ra, vừa đảm bảo thực hiện tốt các cam kết quốc tế về thuế. Trong khi đó, chi NSNN năm 2017 - 2018 tiếp tục được thực hiện theo hướng tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả, gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công; Tăng cường phân bổ nguồn lực công trọng tâm, trọng điểm gắn với liên kết vùng kinh tế trọng điểm, tập trung sức lan tỏa của các trung tâm trọng điểm kinh tế vùng; Không ban hành chính sách mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo; thực hiện cắt giảm tối đa, công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, công tác khảo sát nước ngoài… Đến ngày 31/12/2018, thu cân đối NSNN ước đạt khoảng 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so dự toán, tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so số báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí là 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP). Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 104,3% so dự toán, thu ngân sách địa phương về tổng thể đạt 112,5% so dự toán, chủ yếu do vượt thu tiền sử dụng đất; tuy nhiên, do không bù trừ được giữa các địa phương, nên không kể tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết, vẫn còn một số địa phương giảm thu cân đối ngân sách địa phương. So với dự toán, có 9/17 khoản thu, sắc thuế đạt khá, trong đó một số khoản thu 231
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA đã hoàn thành dự toán như: Tiền sử dụng đất ước đạt 125,8%; tiền thuê đất ước đạt 137,3%; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước ước đạt 129,3%; thu khác ước đạt 120,9%; thu từ xổ số ước đạt 99,9%. Có 4/17 khoản thu đạt thấp (dưới 88%), trong đó có một số khoản thu lớn đạt rất thấp như: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước đạt 82,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 75,6%; thuế bảo vệ môi trường (BVMT) ước đạt 86,5%... Hình 2a: Hình 2b: Cơ cấu thu ngân sách năm 2017 Cơ cấu chi ngân sách năm 2017 Nguồn: GSO và tính toán của tác giả 2.2. Thực trạng chi NSNN Quy mô chi NSNN tăng khá cao (năm 2016 tăng trên 70% so với năm 2010) nhưng cũng chỉ mới đáp ứng nhu cầu chi tối thiểu của nhiều ngành, lĩnh vực. Cân đối NSNN ngày càng khó khăn hơn do nợ công sắp đến giới hạn cho phép; nhu cầu chi đầu tư phát triển (ĐTPT) vẫn còn rất lớn. Mặc dù tỷ trọng chi NSNN so với GDP vẫn ở mức cao (giai đoạn 2016 - 2017 đạt bình quân 29,7% GDP, giai đoạn 2011 - 2015 ở mức 29,2% GDP, giai đoạn 2006 - 2010 ở mức 29% GDP) nhưng tốc độ tăng chi NSNN có xu hướng giảm. Tốc độ tăng chi NSNN bình quân giảm từ 19,9% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 14,8% trong giai đoạn 2011 - 2015 và còn khoảng 7% trong năm 2016 - 2017. Bên cạnh đó, tốc độ tăng chi thường xuyên giảm qua các năm nhờ thực hiện cơ cấu lại các khoản chi NSNN và chính sách chi tiết kiệm, hiệu quả, chặt chẽ trong khi vẫn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn lực thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở và phụ cấp cho các đối tượng chính sách. Chi đầu tư từ NSNN, mặc dù giảm tỷ trọng trong tổng chi tiêu của Chính phủ, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. Tỷ trọng chi ĐTPT trong 232
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng tổng chi NSNN ở mức 27,5% trong năm 2017, cao hơn mức mục tiêu 25 - 26% trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời tỷ trọng chi thường xuyên cũng ở mức 64,6%, sát với mục tiêu 64% trong giai đoạn 2016 - 2020 (thấp hơn 2 - 3% so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015), cho thấy đầu tư của nhà nước vào hạ tầng công cộng vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian qua, chủ yếu do cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện đang còn ở mức thấp, chưa phát triển. Phân cấp chi có xu hướng thay đổi: Tỷ trọng chi ngân sách địa phương (NSĐP) đã tăng tương ứng từ 44,7% (năm 2006) lên 49,1% (năm 2017). Trong khi đó, tỷ trọng chi ngân sách trung ương (NSTW) trong tổng chi NSNN giảm từ 55,3% (năm 2006) xuống 50,9% (năm 2017). Sở dĩ có sự chuyển dịch này là do chi đầu tư từ ngân sách địa phương (NSĐP) tăng nhanh từ các nguồn dự phòng ngân sách, tăng thu của NSĐP (như xổ số kiến thiết, đất đai) và nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho giai đoạn này chuyển sang tập trung nhiều hơn cho các ưu tiên của địa phương như y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi. Điều này đã tạo động lực phát triển cho một số tỉnh, thành phố, đồng thời giải quyết các vấn đề cơ bản về hạ tầng nông thôn như giao thông, nước sạch, y tế, giáo dục và xóa đói giảm nghèo. Do tỷ trọng tổng chi đầu tư giảm, nên chi đầu tư trong hầu hết các lĩnh vực về giáo dục, y tế cũng như khoa học công nghệ, giao thông và nông nghiệp đều giảm về tỷ lệ nhưng không đồng đều. Xu hướng trên phần nào phản ánh mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu chi NSNN từ phát triển hạ tầng sang phát triển nguồn nhân lực, với kỳ vọng của Chính phủ cho rằng lộ trình xã hội hóa (huy động đầu tư tư nhân) cho các lĩnh vực hạ tầng sẽ tiến triển nhanh hơn so với các lĩnh vực xã hội. Đối với chi trả nợ: Nợ trong nước mới bố trí đủ chi trả nợ lãi, chi trả nợ gốc ở mức thấp, khiến phải vay đảo nợ. Chính phủ phải huy động các khoản vay ngắn hạn với lãi suất cao nên nhu cầu chi trả nợ trong giai đoạn 2014 - 2016 tăng cao, tạo áp lực lớn trong cân đối NSNN. Đối với nợ nước ngoài: Do Việt Nam đã tiệm cận nước có thu nhập trung bình trên thế giới, việc vay ưu đãi và viện trợ của các tổ chức tài chính quốc tế và Chính phủ các nước ngày càng hạn chế. Mặt khác, do nhu cầu ĐTPT ngày càng lớn, vốn vay nước ngoài cho ĐTPT cũng gây áp lực lớn đến nợ công và cân đối NSNN trong những năm vừa qua. Tính đến 31/12/2018, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách. Chi NSNN năm 2018 đạt khoảng 1.562,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,57% so dự toán, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2017. Điểm sáng trong chi NSNN là tốc độ 233
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA tăng chi ngày một giảm dần, năm 2012 là 13%; năm 2013 là 10,3%; giảm mạnh năm 2017 và chỉ tăng 6,8% năm 2018. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 418.700 tỷ đồng, tăng 14,5%; chi thường xuyên đạt 1.104,8 tỷ đồng, tăng 20,5% theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, thực hiện tăng lương tối thiểu cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN (từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng/ tháng), tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi cho các đối tượng có công thêm khoảng 7% từ ngày 01/7/2018 theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ; đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Cơ cấu chi đã được chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi ĐTPT đạt trên 27%, giải ngân vốn đầu tư cơ bản ước tính đạt 67,6% dự toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 là đạt 70,7% dự toán. Trong đó, vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40,4% dự toán. 2.3. Thâm hụt NSNN và nợ công Do bội chi ngân sách kéo dài, nợ công tiếp tục tăng lên trong năm 2016, tiến sát đến hạn mức quy định là 65% GDP. Bội chi NSNN thực hiện năm 2017 ước khoảng 174.300 tỷ đồng, bằng 3,48% GDP, thấp hơn dự toán là 3,5% GDP. Bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,6% GDP, thấp hơn dự toán Quốc hội quyết định (3,7% GDP). Tổng mức vay của NSNN (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc) ước thực hiện thấp hơn dự toán Quốc hội (do giảm vay của ngân sách địa phương), góp phần tích cực giảm nợ công. Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro. Bội chi ngân sách bình quân trong giai đoạn 2011 - 2016 là 5,8% so với 2,2% GDP giai đoạn 2006 - 2010. Dữ liệu sơ bộ cho thấy ngân sách vẫn gặp áp lực năm 2016 với mức bội chi ước bằng khoảng 6,5% GDP. Bất cân đối ngân sách tăng lên chủ yếu do suy giảm cơ cấu về tỷ lệ thu ngân sách trên GDP, giảm từ 27% GDP năm 2011 xuống khoảng 23% GDP năm 2016. Trong khi đó, tỷ lệ chi ngân sách trên GDP được duy trì tương đối ổn định, bình quân bằng khoảng 29% GDP trong năm năm qua. Theo các báo cáo của Chính phủ, tổng nợ công của Việt Nam (gồm nợ Chính phủ, nợ được khu vực công bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã lên đến 63,7% GDP trong năm 2016 - cao hơn khoảng 15 điểm phần trăm so với 2010. Theo các báo cáo của Chính phủ, nợ công vẫn trong giới hạn cho phép (tính đến 31/12/2018, dư nợ công đạt 61% GDP, dư nợ Chính phủ xuống dưới 52% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia đạt khoảng 49,7% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép nhưng đang tiệm cận tới giới hạn với tốc độ tăng nhanh trong thời gian qua (từ 234
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng 2006 - 2010 tăng thêm 15% GDP và từ năm 2011 - 2015 tăng thêm khoảng 7% GDP), bình quân mỗi năm tốc độ tăng nợ công khoảng 18,4%, cao gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hình 3: Thâm hụt ngân sách và nợ công Nguồn: GSO và tính toán của tác giả Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (bao gồm cả trả nợ gốc và lãi) ước khoảng 25% tổng thu NSNN, nếu tính cả vay đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ còn cao hơn. Bên cạnh đó, bội chi NSNN vẫn ở mức cao và không đạt mục tiêu đề ra, đi đôi với việc tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch nhưng không điều chỉnh giảm bội chi tương ứng thì nợ công càng có xu hướng tăng cao, nhất là khi có phát sinh rủi ro về giá dầu, tỷ giá… Dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng, bao gồm những rủi ro tiềm ẩn từ các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng nếu hiện thực hóa, có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương. Với nợ công đang ở mức cao, Việt Nam còn ít dư địa để có thể vận dụng CSTK nhằm đối phó với biến động chu kỳ, điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc phải củng cố tình hình tài khóa và đẩy mạnh cải cách cơ cấu. 3. MỘT SỐ GỢI Ý TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA HƯỚNG TỚI TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG Chính sách tài khóa hướng tới tăng trưởng bền vững là vấn đề cần được quan tâm, theo đó việc điều hành CSTK cần phải đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc nhất quán, 235
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA đồng bộ, hỗ trợ và chia sẻ thông tin trên cơ sở lựa chọn các kỹ thuật thực hiện đảm bảo tính khoa học và thực tiễn hướng tới hiệu quả cao nhất trong công tác phối hợp với chính sách tiền tệ, nhất là trong việc quản lý nợ công. Trên thực tế, dù Ngân hàng Nhà nước không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công, nhưng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tính hiệu quả của quản lý nợ công từ khâu xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến khâu thực hiện chiến lược. Vì vậy cần chủ động theo dõi diễn biến kinh tế, tài chính, ngân sách để có những dự báo và phản ứng chính sách tài khóa kịp thời; phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển; ổn định kinh tế vĩ mô. Tổ chức thực hiện tốt các luật về thuế, Luật NSNN và Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công…; tập trung thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Quốc hội, Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công… Các chính sách pháp luật về thuế, đặc biệt là các sắc thuế lớn như thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt… cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo bền vững trong thu NSNN; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong điều hành thu NSNN cần tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong thực hiện quản lý thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt chẽ hoàn thuế; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung xử lý thu hồi nợ đọng thuế và đôn đốc thu hồi các khoản phải thu theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Chính sách chi tiết kiệm, hiệu quả được thực hiện nghiêm túc, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, hạn chế ứng trước dự toán và chi chuyển nguồn; chủ động rà soát, sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên; đẩy mạnh việc mở rộng khoán xe ô tô công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả… Rà soát, có ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư từ NSNN, đảm bảo khả năng hoàn thành của các dự án hiệu quả. Về phía các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát các vướng mắc trong cơ chế chính sách để tạo thuận lợi trong giải ngân các nguồn vốn đầu tư và hoàn thiện các thủ tục để thanh toán vốn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập cần được đẩy mạnh hoàn thiện, thực hiện cơ chế quản lý như doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, 236
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng trường học; giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao để một mặt tăng thêm nguồn vốn đầu tư, mặt khác làm tăng tính cạnh tranh trong cung cấp sản phẩm dịch vụ thông qua việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công. Vốn vay cần được quản lý, sử dụng hiệu quả, chỉ vay trong khả năng trả nợ; kiểm soát chặt khoản vay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay; tăng cường quản lý các khoản vay mới, khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Keynes, J.M, (1936), The general theory of employment, interest, and money. New York: Harcout, Brace & World, Inc; 2. Nguyễn Viết Lợi (2018), “Chính sách tài khóa năm 2017 và định hướng 2018”, Tạp chí Tài chính 2/2018. 3. Trương Bá Tuấn (2014), Minh bạch và trách nhiệm giải trình tài khóa ở Việt Nam, Sách Tài chính Việt Nam 2013 - 2014, Nxb Tài chính, Hà Nội. 4. Trương Bá Tuấn (2017), “Đảm bảo bền vững tài khóa ở Việt Nam: Hướng đến một chiến lược tổng thể và toàn diện”, Tạp chí Tài chính 5. World Bank (2017), Đánh giá chi tiêu công ở Việt Nam. Chính sách tài khóa hướng tới Bền vững, Hiệu quả và Công bằng. Báo cáo Đánh giá phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. 237
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Chính sách tài khóa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng cho thời gian tới
3 p | 287 | 51
-
Bài giảng Kinh tế vĩ mô - Chương 5: Tác động của chính sách tài khóa
9 p | 219 | 16
-
Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia – Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng
42 p | 90 | 12
-
Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng tới bền vững, hiệu quả và công bằng
158 p | 59 | 11
-
Điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới tăng trưởng bền vững
7 p | 74 | 10
-
Ảnh hưởng của chính sách tiền tệ và tài khóa tới tổng cầu
45 p | 163 | 9
-
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong quản lý tổng cầu hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô
7 p | 97 | 8
-
Chính sách tài khóa giai đoạn 2011 - 2015: Điều chỉnh đòn bẩy tài chính
7 p | 116 | 8
-
Chính sách Abenomics và những bài học với kinh tế Việt Nam
3 p | 131 | 8
-
Chính sách tài khóa giai đoạn 2011 - 2015 và một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới
4 p | 111 | 7
-
Mối quan hệ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và đầu tư tư nhân tại Việt Nam
9 p | 97 | 7
-
Bài tập và đáp án Kinh tế phát triển: Phần 2
289 p | 16 | 5
-
Kinh tế Việt Nam năm 2023 và định hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ
14 p | 13 | 5
-
Bài 7 chính sách tổng cầu và chính sách tài khóa
77 p | 117 | 5
-
Bài giảng Kinh tế vĩ mô: Bài 7 - ĐH Thăng Long
27 p | 84 | 4
-
Bài giảng Kinh tế vĩ mô: Chương 10 - ThS. Đặng Thị Hồng Dân
42 p | 9 | 3
-
Xu hướng cải cách chính sách thuế và các chính sách khác tại các nước ASEAN trong bối cảnh triển khai các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu
4 p | 11 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn