Chuyển đổi số hoạt động đào tạo ngành du lịch trong bối cảnh quốc tế hóa
lượt xem 0
download
Bài viết tập trung nghiên cứu vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Bên cạnh đó, bài viết phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của đào tạo ngành du lịch trong bối cảnh quốc tế hóa. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp giúp nâng cao hiệu quả đào tạo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chuyển đổi số hoạt động đào tạo ngành du lịch trong bối cảnh quốc tế hóa
- Chuyển đổi số hoạt động đào tạo ngành du lịch trong bối cảnh quốc tế hóa Nguyễn Thị Lan Hạnh Tóm tắt: Chuyển đổi số đã tác động tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Giáo dục đại học là một trong những ngành có nhiều sự thay đổi. Thích ứng và phát triển là thách thức lớn đối với ngành giáo dục trong bối cảnh quốc tế hóa. Bài viết tập trung nghiên cứu vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Bên cạnh đó, bài viết phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của đào tạo ngành du lịch trong bối cảnh quốc tế hóa. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp giúp nâng cao hiệu quả đào tạo. Từ khóa: Đào tạo ngành du lịch, chuyển đổi số, quốc tế hóa Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phát triển của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động chuyển đổi số diễn ra ở tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội. Tại Việt Nam, giáo dục là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong dự án Chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin, mà chuyển đổi số còn là xây dựng hệ sinh thái số, giúp người học tiếp cận được tri thức không phân biệt giới tính, độ tuổi, vùng miền. Đối với đào tạo ngành du lịch, với đặc thù đào tạo mang tính ứng dụng cao thì việc áp dụng chuyển đổi số là vô cùng quan trọng nhằm giúp nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ nguồn lao động chất lượng cao. Chính vì vậy, việc nhìn nhận lại những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của đào tạo ngành du lịch sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của việc chuyển đổi số giáo dục. Chuyển đổi số sẽ giúp giảm thiểu thuyết giảng, truyền thụ kiến thức một cách thụ động sang phát triển năng lực người học, cá nhân hóa việc học và xây dựng khả năng học tập suốt đời. Đây là cơ hội và cũng là thách thức rất lớn của ngành giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế hóa. Nội dung chính Cơ sở lý luận Theo Tổ chức dữ liệu quốc tế (International Data Corporation - IDC) thì Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Hiện nay, định nghĩa về chuyển đổi số chưa được chuẩn hóa trên hệ thống văn bản pháp luật, mỗi tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các định nghĩa của rein g mình, tuy nhiên, nhìn ở góc độ tổng quát: Chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ để thay đổi một cách tổng thể các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa – giáo dục thông qua hệ thống dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Trong đó, giáo dục và đào tạo là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên triển khai thực hiện. 550
- Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là sự ứng dụng các nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI… để hình thành nền tảng hạ tầng giáo dục số, góp phần tạo ra sự đột phá, phát triển khác biệt cho cả giáo dục phổ thông, giáo dục đại học. Cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo là tập hợp dữ liệu số hóa thông tin quản lý về giáo dục và đào tạo (gồm dữ liệu về trường học, dữ liệu về lớp học, dữ liệu về cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, giảng viên, và nhân viên, dữ liệu về người học, dữ liệu về chương trình giáo dục, dữ liệu về cơ sở vật chất trường học và các dữ liệu liên quan khác) do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và quản lý (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021). Nội dung của Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học bao gồm: Thông tin mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; Thông tin danh mục ngành đào tạo; Thông tin chương trình đào tạo; Thông tin đội ngũ; Thông tin người học; Thông tin khoa học công nghệ; Thông tin cơ sở vật chất và trang thiết bị trong cơ sở giáo dục đại học; Thông tin tài chính, Thông tin hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp…được công bố công khai, minh bạch trên hệ thống dữ liệu chung về giáo dục quốc gia. Tóm lại, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; tăng cường số hóa tài liệu, giáo trình; hình thành nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân hay một trường học, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Do đó, giáo dục và đào tạo không thể nằm ngoài quy luật chuyển đổi để kịp thời nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng dạy và học Vài nét về lý thuyết phân tích SWOT Nhằm đưa ra cái nhìn khách quan hơn về chuyển đổi số trong đào tạo ngành du lịch trong bối cảnh quốc tế hóa, tác giả đã sử dụng mô hình ma trận SWOT để phân tích. Ma trận SWOT là thuật ngữ đại diện cho 4 khái niệm Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Phương pháp SWOT giúp phân tích, rà soát, dánh giá vị trí, định hướng của một chiến lược dựa trên các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ. Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu được xem là “yếu tố nội bộ”, cơ hội và thách thức được xem là “yếu tố bên ngoài” tạo nên giá trị của chiến lược. Mô hình phân tích SWOT được tiến hành đầu tiên tại Viện nghiên cứu Standford, Menlo Park, California trong những thập niên 60-70 của thế kỷ XX. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát trên 500 công ty có doanh thu cao nhất do tạp chí Fortune bình chọn với mục đích tìm hiểu quá trình lập kế hoạch của doanh nghiệp, từ đó tìm ra giải pháp giúp các lãnh đạo đồng thuận. Thời gian đầu, mô hình được gọi là phân tích SOFT bao gồm Những điều hài lòng (Satisfactory); Cơ hội (Opportunities); Sai lầm (Fault); Nguy cơ (Threat). Năm 1964, khi nhóm nghiên cứu trình bày mô hình tại Hội thảo về Lập kế hoạch dài hạn tại Dolder Grand, Zurich, Thụy Sĩ, nhóm đã đổi thành SWOT. Khung phân tích SWOT được trình bày dưới dạng ma trận lưới 4 phần gồm 2 hàng 2 cột, từ đó ta có thể phân tích môi trường bên trong và tác động bên ngoài tới đào tạo ngành du lịch đối với hoạt động chuyển đổi số giáo dục. Từ đó đưa ra chiến lược thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong đào tạo ngành du lịch nói riêng và ngành giáo dục nói chung tại Việt Nam. Bối cảnh quốc tế hóa trong lĩnh vực du lịch Ngành du lịch trên Thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang đứng trước ngưỡng cửa của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Xu thế toàn cầu hóa của ngành du lịch Việt 551
- Nam được thể hiện rõ qua các chỉ số tăng trưởng du lịch, các mối quan hệ hợp tác, các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 3,66 triệu lượt, cao gấp 23,3 lần so với năm 2021 do Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau Đại dịch Covid-19 (Huy Lê, 2022). Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác trên phạm vi toàn thế giới như gia nhập các tổ chức UNWTO (Tổ chức Du lịch Thế giới), PATA (Hiệp hội du lịch Châu Á – Thái Bình Dương), GMS (Tiểu vùng Mêkông mở rộng), ASEANTA (Hiệp hội du lịch các nước Đông Nam Á), hiệp hội du lịch JATA (Nhật Bản), ASTA (Hoa Kỳ)… Bên cạnh đó, các hiệp ước ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực như Ký thỏa thuận nghề chung ASEAN (MRA) cũng mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông vận tải, dệt may, du lịch… Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng nhiều lợi ích từ việc hội nhập kinh tế khu vực so với các nước khác bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Nhưng bên cạnh đó, tiêu chuẩn dành cho người lao động cũng được nâng cao hơn với các tiêu chí tuyển dụng về kiến thức chuyên môn, hệ thống kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tìm và xử lý thông tin. Thời gian vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều cách huy động, khai thác và phát huy nguồn vốn thông qua các phương thức cụ thể: tăng cường đầu tư theo phương thức các chương trình hành động quốc gia, các năm du lịch, trong đó có việc tập trung đầu tư đồng bộ từ việc quy hoạch phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch và triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá cho vùng hoặc địa phương theo từng chủ đề; thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua các nguồn đầu tư trực tiếp FDI, các nguồn vốn viện trợ phát triển ODA. Nhiều khu du lịch, nhiều khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều hãng lữ hành quốc tế được đầu tư và khai thác kinh doanh hiệu quả. Nhiều thương hiệu du lịch lớn như ACCOR, SHERATON, HILTON, NIKKO…đến từ các cường quốc về du lịch đã đầu tư tại Việt Nam, qua đó, diện mạo của cơ sở vật chất du lịch tại Việt Nam đã được thay đổi. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch có chất lượng đạt chuẩn quốc tế đã được vận hành và dần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam. Đối với sự phát triển của một quốc gia thì cần có các nguồn lực gồm tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ, vốn đầu tư… trong đó nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng và có tính chất quyết định. Nguồn nhân lực là yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất và có khả năng tạo ra của cải vật chất. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World bank, 2015), chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đạt mức 3,79/10 điểm. Hiện tại, cả nước mới có trên 1,3 triệu lao động du lịch, trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu, vừa yếu, nhưng số lao động chưa đáp ứng được yêu cầu lại dư thừa (Hồ Hạ, 2018). Điều đó đã trở thành một trong những hạn chế của du lịch Việt Nam khi bước vào kỉ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong đào tạo ngành du lịch theo ma trận SWOT Điểm mạnh (Strengths) Hệ thống chính sách của Nhà nước: Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật nhằm xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý để hiện thực hóa mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết 552
- định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi thế giới, các quốc gia đi đầu trong ứng dụng và phát triển công nghệ luôn trở thành các quốc gia thịnh vượng và phát triển. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 42/2021/TT-BGDĐT quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo với mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục và đào tạo như: Công tác báo cáo, thống kê, theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo và thanh tra, kiểm tra trong ngành giáo dục dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và công nghệ số. Và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Liên kết đào tạo với các tổ chức nước ngoài: Quá trình quốc tế hóa đặt ra yêu cầu cao về tính hội nhập đối với đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường liên kết, hỗ trợ đào tạo đối với các tổ chức nước ngoài. Có thể kể đến một số chương trình, dự án hỗ trợ công tác đào tạo như: Từ năm 1997 đến năm 2006, Luxembourg đã tài trợ cho du lịch Việt Nam 3 dự án ODA không hoàn lại (Dự án VIE/002; VIE/009 và VIE/015 với tổng vốn hỗ trợ trên 10 triệu EURO) để tăng cường năng lực đào tạo cho các trường chuyên đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam (dự án EU) do Ủy ban Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, 2006 – 2010 với mục tiêu cụ thể là “công nhận và nâng cấp chất lượng dịch vụ của người lao động ở trình độ cơ bản trong lĩnh vực lữ hành và khách sạn” và năm 2011 – 2016 với dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ”. Dự án “Tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành du lịch và khách sạn Việt Nam” do Luxembuourg tài trợ với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch các vùng du lịch trọng điểm tại Việt Nam do chính phủ Việt Nam chỉ định (Dự án VIE/031). Tài trợ của Tây Ban Nha bồi dưỡng kiến thức về phát triển du lịch bền vững cho cán bộ quản lý nhà nước và đại diện một số doanh nghiệp của 14 tỉnh, thành phố miền Trung (2012). Dự án ADB “Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng” với kinh phí 2,5 triệu USD (đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và liên quan đến du lịch, đào tạo lao động của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong du lịch (2011 – 2015) (Lan Hương, 2018) Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch: Cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch các cấp trình độ được hình thành và mở rộng. Cơ cấu đa dạng về loại hình sở hữu, cấp đào tạo, dạy nghề và ngành nghề. Hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo về du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp (Lê Anh Tuấn, 2019). Nhân lực có trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng du lịch là lực lượng lao động trực tiếp phục vụ khách, cung cấp sản phẩm du lịch, chiếm 47,3% nhân lực được đào tạo, bằng 19,8% nhân lực toàn ngành. Nhân lực được đào tạo đại học và sau đại học về du lịch chiếm 7,4% số nhân lực có chuyên môn du lịch, bằng 3,2% tổng nhân lực (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 2011). Điều này cho thấy, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch 553
- đang dần được chuẩn hóa, được trang bị kiến thức và kĩ năng cho quá trình hội nhập và phát triển Liên kết doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số giáo dục: Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025. VNPT hợp tác, hỗ trợ Bộ GDĐT trong bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các chương trình thực tập, tuyển dụng cho học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, VNPT hỗ trợ Bộ GDĐT triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, kết nối cơ sở dữ liệu và triển khai Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số. VNPT hỗ trợ Bộ GD ĐT trong tư vấn, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ngành Giáo dục. Đồng thời, hợp tác, hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động dạy học, triển khai kho học liệu số dùng chung toàn ngành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học: Hiện nay, các cơ sở đào tạo cũng đã có những bước chuyển mình nhanh chóng để hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo chuẩn khu vực và trên thế giới, tăng thời lượng các học phần thực hành, liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gửi sinh viên tới quan sát thực tập… là một trong những giải pháp được các cơ sở đào tạo du lịch thường xuyên ứng dụng nhằm giúp sinh viên tiếp cận với thực tiễn công việc. Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng và hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, kho luận văn tiến sĩ với gần 7.000 luận văn, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với trên 31.000 câu hỏi…góp phần xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời. Điểm yếu (Weaknesses) Ứng dụng CNTT chưa đồng bộ giữa các cấp đào tạo: Hiện nay, tuy hầu hết các tỉnh, địa phương đều có các trung tâm dạy nghề, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch ngắn hạn nhưng các trung tâm đào tạo nghề vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang… Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề còn có sự chênh lệch về trình độ giảng viên, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện thực hành thực tập nghề nghiệp… Đây chính là một trong những lý do khiến chất lượng nguồn nhân lực du lịch không đồng đều giữa các địa phương. Bộ GDĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính,...) và đã tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, 710 phòng Giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, đối với dữ liệu của các cấp Trung cấp, Cao đẳng, Đại học thì vẫn chưa được tích hợp vào dữ liệu chung quốc gia, do đó, gây khó khăn cho việc quản lý và phát triển đồng bộ. Thiếu hụt về hạ tầng cơ sở vật chất gây hạn chế trong dạy và học, ngoài ra còn dẫn tới sự bất bình đẳng trong giáo dục. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đòi hỏi sự phát triển đồng bộ về hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, dịch vụ internet, giảng viên, học viên. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện nay, vẫn còn sự mất cân đối giữa các địa phương, đặc biệt tại 554
- các vùng sâu, vùng xa, đây là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, đặc điểm của đào tạo du lịch là đào tạo nghề, trong thời đại CMCN 4.0, công nghệ phục vụ du lịch phát triển nhanh và thay đổi theo từng ngày nên rất cần các cơ sở thực hành, thực tế. Tuy nhiên, hạ tầng vật chất của các cơ sở đào tạo không đáp ứng được việc học trực tuyến hay học trải nghiệm thực tế. Điều này ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn lao động do không thể bắt kịp với nhu cầu của công việc. Nguồn nhân lực: Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số đó là nguồn nhân lực chưa bắt kịp được xu hướng phát triển của xã hội. Trong giai đoạn Việt Nam chịu ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, các cơ sở đào tạo đã chủ động chuyển hướng qua đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số bộ phận giảng viên chưa thích ứng kịp với công nghệ, chưa sẵn sàng cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu có ứng dụng công nghệ thông tin. Đây sẽ là yếu tố hạn chế rất lớn khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục đại học Cơ hội (Opportunities) Xu hướng quốc tế hóa: Ngành du lịch trên Thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang đứng trước ngưỡng cửa của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Xu thế toàn cầu hóa của ngành du lịch Việt Nam được thể hiện rõ qua các chỉ số tăng trưởng du lịch, các mối quan hệ hợp tác, các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động 15%, 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến động. Xu thế chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam được thể hiện rõ qua các chỉ số tăng trưởng du lịch, các mối quan hệ hợp tác, các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018 (Thúy Hà, 2019).. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác trên phạm vi toàn thế giới như gia nhập các tổ chức UNWTO (Tổ chức Du lịch Thế giới), PATA (Hiệp hội du lịch Châu Á – Thái Bình Dương), GMS (Tiểu vùng Mêkông mở rộng), ASEANTA (Hiệp hội du lịch các nước Đông Nam Á), hiệp hội du lịch JATA (Nhật Bản), ASTA (Hoa Kỳ)… Việt Nam là một trong những nước được hưởng nhiều lợi ích từ việc hội nhập kinh tế khu vực so với các nước khác bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Nhưng bên cạnh đó, tiêu chuẩn dành cho người lao động cũng được nâng cao hơn với các tiêu chí tuyển dụng về kiến thức chuyên môn, hệ thống kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tìm và xử lý thông tin. Chuyển đổi số giúp thay đổi diện mạo ngành du lịch: Việc số hóa cơ sở dữ liệu du lịch thông minh như hệ thống điểm tham quan, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông vận tải… đã mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, kinh doanh du lịch và du khách tham quan. Điều đó giúp đẩy mạnh sự phát triển của xu hướng đi du lịch tự chủ của giới trẻ: tự đặt khách sạn, book vé và lên lịch trình trải nghiệm theo nhu cầu của từng cá nhân. Ngoài ra, với hệ thống dữ liệu khổng lồ và khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng tới khắp nơi trên thế giới, chuyển đổi số giúp giảm chi phí quảng bá, rút ngắn thời gian tiếp cận, tăng hiệu quả tương tác giữa du khách và điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, Internet vạn vật đã tác động tới hệ thống chương trình đào tạo ngành du lịch. Giảng viên dễ dàng tiếp cận với hệ thống giáo dục thông minh (Smart Education), trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. 555
- Chuyển đổi số giúp tăng khả năng liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong, ngoài nước và giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch: Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, vì vậy việc kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch là yếu tố hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội hợp tác, liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến. Hệ thống nhà hàng, khách sạn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thông qua các hệ thống đặt dịch vụ trực tuyến, từ đó tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí marketing hơn các hình thức quảng bá truyền thống. Ngoài ra, chuyển đổi số còn giúp tăng khả năng liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch trong và ngoài nước, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu thông qua những buổi tập huấn và làm việc online, từ đó giúp các cơ sở đào tạo trong nước tiếp cận với những xu hướng đào tạo trên thế giới. Thách thức (Threats) Vấn đề bản quyền tác giả: Thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin, cụ thể như: Quy định danh mục các thông tin thuộc diện bắt buộc khai báo, nhập liệu - phân biệt với thông tin cá nhân riêng tư thuộc quyền cá nhân; quy định quyền tác giả cho các bài giảng điện tử (trường hợp nào được sử dụng, điều kiện gì, sử dụng toàn bộ hay một phần); quy định khai thác cơ sở dữ liệu, kho học liệu số (những ai được quyền khai thác, khai thác gì, mức độ đến đâu, điều kiện gì, ai thẩm định, ai cho phép); quy định tính pháp lý của hồ sơ điện tử nói chung và sổ điểm, học bạ điện tử nói riêng (đặc biệt trong trường hợp chuyển cấp, chuyển trường ở phạm vi toàn quốc). Chỉ khi các nút thắt này được tháo gỡ mới thúc đẩy phát triển được hệ thống dữ liệu số, học liệu số đủ lớn (gồm cả dữ liệu mở), đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia nói chung và giáo dục đào tạo nói riêng. Hiện tượng cục bộ về dữ liệu còn tồn tại ở không ít các địa phương, nhà trường. Sức ép cạnh tranh: Sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, đặc biệt đối với du lịch Việt Nam do năng lực cạnh tranh còn non trẻ và còn nhiều điểm yếu. Cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philiphines, Campuchia đang trở nên quyết liệt hơn với quy mô và tính chất mới do có yếu tố công nghệ mới và toàn cầu hóa. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vào cuối Quý I năm 2017, Du lịch Việt Nam được xếp ở vị trí 67/136 quốc gia (Khánh Trang, 2017). Những yếu tố cạnh tranh quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch với lợi thế quốc gia và sự độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam nếu không sẽ thua thiệt trong cạnh tranh toàn cầu. Vấn đề việc làm và thất nghiệp: Chuyển đổi số đem lại sự tiện ích, đa dạng và đồng bộ cho dịch vụ du lịch, tuy nhiên, bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng gây ảnh hưởng lớn tới tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là đối với những công việc giản đơn. Những công nghệ như nhận diện khuôn mặt sử dụng trong việc mở khóa phòng, hệ thống dữ liệu quản lý nhà hàng – khách sạn, phần mềm cảm ứng thuyết minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc của du khách…được các doanh nghiệp sử dụng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Đây trở thành hiện tượng phổ biến của quá trình công nghiệp 4.0, những công việc như lễ tân, phục vụ buồng phòng, hướng dẫn viên… có thể bị thay thế hoàn toàn bởi rô – bốt thông minh, những lao động với kĩ năng lao động trình độ thấp sẽ được thay thế bằng người máy hoặc phần mềm 556
- ứng dụng do không thể cạnh tranh được về năng suất lao động cũng như chất lượng và giá thành sản phẩm. Đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số trong đào tạo ngành du lịch Hệ thống chính sách: Nhà nước cần ban hành những quy định và hướng dẫn thực hiện liên quan trực tiếp tới hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số phát triển. Cần hoàn thiện Bộ Tiêu chí, chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ sở giáo dục và đào tạo: Bộ chỉ số được xây dựng để đánh giá 7 chỉ số đối với ngành giáo dục và đào tạo gồm: Chỉ số hạ tầng, nền tảng số và an toàn thông tin; Chỉ số phát triển nhân lực số; Chỉ số về nguồn lực; Chỉ số xây dựng thể chế; Chỉ số hoạt động quản trị số; Chỉ số hoạt động dạy - học số và Chỉ số hoạt động dịch vụ số học đường. Khi khung pháp lý về hoạt động chuyển đổi số chưa thống nhất hoặc không đầy đủ sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo, mỗi trường sẽ thực hiện theo các phương pháp khác nhau, dẫn tới khó kết nối để thành lập một kho dữ liệu dùng chung. Do đó, trong thời gian sắp tới, Nhà nước cần đưa ra quy chế cụ thể về các phương pháp đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, tiêu chuẩn về khung kiểm tra, đánh giá người học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Quản trị đại học về chuyển đổi số: Các cơ sở giáo dục đào tạo cần chủ động đưa ra những giải pháp thiết thực để “đi tắt đón đầu” trong thời đại của sự phát triển công nghệ như sau: (1) Nâng cao nhận thức của Lãnh đạo Nhà trường, Cán bộ - Giảng viên, Sinh viên hiểu về xu thế phát triển của chuyển đổi số trong giáo dục, từ đó nhận được sự đồng thuận của các đối tượng có liên quan; (2) Chuyển đổi số đối với mỗi đơn vị, mỗi ngành đào tạo sẽ có sự khác biệt nhất định do đặc thù nghề nghiệp, do vậy, cần linh hoạt và thích ứng với từng bối cảnh cụ thể; (3) Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Lãnh đạo nhà trường cần lắng nghe ý kiến phản hồi từ các bên liên quan nhằm xây dựng và thực thi chính sách một cách hợp lý. Với những nguyên tắc về quản trị đại học trên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục đại học sẽ từng bước đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học: Ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hỗ trợ quản lý giáo dục sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, công nghệ Blockchain đã và đang cho thấy hiệu quả trong hoạt động quản lý giáo dục. Công nghệ Blockchain có thể ứng dụng để quản lý dữ liệu sinh viên bao gồm văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm, quá trình tích lũy…Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học và người tuyển dụng trong việc xác minh quá trình học tập. Ngoài ra công nghệ Blockchain còn giúp hỗ trợ kiểm tra, đánh giá sinh viên trong quá trình học thông qua hệ thống ngân hàng đề thi giúp đảm bảo tính chính xác, công bằng, tin cậy. Bên cạnh đó, công nghệ Blockchain còn giúp sinh viên có thể tiếp cận với hệ thống nguồn tài liệu từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói, chuyển đổi số sẽ giúp Nhà trường, Người học và Xã hội giảm chi phí và thời gian trong quá trình theo dõi tích lũy của sinh viên trong quá trình học tập. Phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên và giáo viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch có thể thực hiện bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tham quan, học tập nâng cao trình độ giảng dạy ở nước ngoài. Chú trọng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin để giáo viên đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao dổi chuyên môn trực tiếp với chuyên gia nước ngoài, tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế và học tập, tu nghiệp ở nước ngoài. 557
- Đầu tư cơ sở vật chất: Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và giảng dạy, xây dựng những chương trình đào tạo ứng dụng thực tiễn ví dụ như công nghệ 3D, 3600…phục vụ khách tham quan, khách du lịch có thể xem và lựa chọn trước khi đi là một trong những giải pháp giúp sinh viên thích ứng nhanh với yêu cầu thực tiễn của công việc trong tương lai. Vấn đề bản quyền tác giả: Hiện nay bên cạnh sách in truyền thống, ấn phẩm điện tử là một trong những dạng tài liệu ngày càng phổ biến, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các sản phẩm khoa học có thể dễ dàng bị sao chép dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính bởi sự dễ dàng tiếp cận, mua bán các bản scan, sao chụp một quyển sách, giáo trình, luận văn, luận án…đã khiến vấn đề bản quyền trở thành một trong những thách thức của quá trình chuyển đổi số giáo dục. Do vậy, các cơ sở giáo dục cần ban hành quy chế về quản lý tài sản trí tuệ, tránh tình trạng vi phạm bản quyền. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về bản quyền tác giả đối với giảng viên, sinh viên trong quá trình sử dụng dữ liệu trong môi trường số. Kết luận Trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay, với sự phát triển nhảy vọt của khoa học công nghệ đem lại sự thay đổi lớn ở tất cả các lĩnh vực trên toàn thế giới. Giáo dục là ngành đặc thù, phát triển theo nhu cầu thực tiễn của xã hội, do đó, để đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới, ngành giáo dục cần có bước chuyển mình sâu sắc để xây dựng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ vào dạy học không chỉ là bài toán của ngành giáo dục nói chung và ngành du lịch nói riêng. Theo đó, người lao động trong tương lai cần có khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong công việc, có khả năng học tập suốt đời để phù hợp với thị trường lao động. Thực tế cho thấy, hiện nay, các cơ sở giáo dục còn đang khá lúng túng trong hoạt động chuyển đổi số, do đó, các cơ sở đào tạo cần nhìn nhận lại để nâng cao khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực. Quá trình này cần được thực hiện đồng bộ, hệ thống trên các phương diện sau: (1) Hoàn thiện hệ thống chính sách về chuyển đổi số giáo dục đại học; (2) Nâng cao năng lực quản trị đại học về chuyển đổi số; (3) Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học; (4) Phát triển nguồn nhân lực; (5) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng viễn thông; (6) Chú trọng tới vấn đề bản quyền tác giả trong môi trường số. Chỉ khi nào mối quan hệ đó được giải quyết một cách đúng đắn và hài hòa khi đó sự phát triển mới được coi là bền vững, hoạt động đào tạo sẽ xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu của xã hội. Tài liệu tham khảo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, (2011), Quy hoạch Phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020, Hà Nội. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2021), Thông tư 42/2021/TT-BGDĐT về Quy định về cơ sở dữ liệu Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội. Huy Lê (2022), Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, https://dangcongsan.vn/kinh-te/nam-2022-viet-nam-don-hon-3-66-trieu-luot-khach-quoc-te- 628904.html Lan Hương, (2016). “Đào tạo du lịch tại các trường Đại học và Cao đẳng – hội nhập và phát triển”. Viện nghiên cứu phát triển du lich. Nguồn: http://www.itdr.org.vn/vi/nghiencuu- traodoi/1291-dao-tao-du-lich-tai-cac-truong-dai-hoc-va-cao-dang-hoi-nhap-va-phat-trien.html 558
- Hồ Hạ (2018). “Nhân lực du lịch: vừa thiếu, vừa yếu”. Kinh tế & đô thị. Nguồn: http://kinhtedothi.vn/nhan-luc-du-lich-vua-thieu-vua-yeu-320283.html Lan Hương, (2018). “Hợp tác, liên kết trong đào tạo nhân lực du lịch”. Viện nghiên cứu phát triển du lich. Nguồn: http://itdr.org.vn/nghien_cuu/hop-tac-lien-ket-trong-dao-tao-nhan- luc-du-lich/ Lê Anh Tuấn, (2019), Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hội thảo Phát triển nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. NXB Đại học Quốc gia TPHCM. TPHCM. Thông tin tác giả Tên tác giả: Nguyễn Thị Lan Hạnh Học hàm/ học vị: Thạc sĩ Tổ chức công tác: Khoa Văn hóa & Du lịch, Đại học Sài Gòn Thông tin liên lạc: D403, 273 An Dương Vương, Phường 3, Quận 5, TPHCM Email: ntlhanh@sgu.edu.vn Điện thoại: 0936024822 Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của tác giả: Du lịch Tên bài viết: Phân tích SWOT về chuyển đổi số đào tạo ngành du lịch trong bối cảnh quốc tế hóa 559
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tác động của du lịch cộng đồng đối với người dân ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
7 p | 41 | 3
-
Chuyển đổi số trong hoạt động lữ hành
8 p | 8 | 3
-
Mô hình chất lượng đào tạo giáo dục thể chất tại trường Đại học Phạm Văn Đồng
7 p | 15 | 2
-
Vai trò của tiếng Anh chuyên ngành trong đào tạo hướng dẫn viên cho ngành du lịch Thanh Hóa
9 p | 31 | 2
-
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Đắk Nông trong thời kỳ chuyển đổi số
10 p | 0 | 0
-
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số tại tỉnh Đắk Nông
6 p | 0 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn