intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và phân phối tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày lý luận chung về chuyển đổi số; Thực trạng chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và phân phối tại Việt Nam; Đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển của quá trình chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và phân phối của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và phân phối tại Việt Nam

  1. 120 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI TẠI VIỆT NAM TS. Lê Thùy Dung, TS. Đặng Thị Thảo(1), TS. Nguyễn Lan Anh(2) TÓM TẮT: Trước xu thế phát triển mạnh mẽ về công nghệ trên thế giới, cùng với chủ trương của Chính phủ phát triển chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kịp thời thích ứng với xu thế toàn cầu, dẫn đến yêu cầu nâng cao năng lực số của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và phân phối tại Việt Nam trở nên cấp thiết, nhằm giúp các doanh nghiệp thay đổi thích ứng trong bối cảnh công nghệ 4.0 và các điều kiện mới, cải thiện hiệu quả kinh doanh cũng như tăng năng lực kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp hoạt động trong hoạt động thương mại và phân phối tại Việt Nam để làm rõ thực trạng chuyển đổi số của các tổ chức. Qua kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt một số thách thức trong quá trình chuyển đổi số như hạn chế về năng lực công nghệ thông tin của nhân viên, thiếu chiến lược rõ ràng về chuyển đổi số, hạn chế về nguồn lực tài chính để đầu tư hạ tầng công nghệ, văn hóa chuyển đổi số, vấn đề bảo mật thông tin khách hàng và an toàn mạng. Thông qua đây, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển của quá trình chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và phân phối của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Từ khóa: Chuyển đổi số, doanh nghiệp, thương mại và phân phối. ABSTRACT: Facing the strong development trend in technology in the world, along with the policy of the Prime Minister about developing a national strategy on digital transformation to promptly adapt to the global trend, leading to the need to improve the digital capacity of businesses operating in the field of commerce and distribution 1. Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. 2. Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 121 in Vietnam becomes urgent to help businesses adapt in the context of technology 4.0. and new conditions, improving business efficiency as well as increasing connectivity in global value chains. The authors have conducted a survey on the readiness for digital transformation of enterprises operating in commerce and distribution activities in Vietnam to clarify the current situation of digital transformation of organizations. The survey results show that these businesses are facing a number of challenges in the digital transformation process, such as limited staff's information technologycapacity, lack of clear strategy about digital transformation, limited financial resources to invest in technology infrastructure, digital transformation culture, customer information security and network safety. Through this, the authors have proposed a number of solutions that contribute to promoting the development of the digital transformation process in commercial and distribution activities of enterprises in the next time. Keywords: Digital transformation, enterprise, trade and distribution. 1. Đặt vấn đề Việc linh hoạt trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, giúp các doanh nghiệp kết nối với các đối tác và người tiêu dùng một cách dễ dàng, vấn đề rào cản về khoảng cách địa lý đã được khắc phục. Nhờ việc đàm phán qua email hoặc nền tảng trực tuyến, giao dịch thanh toán trực tuyến thuận lợi đã giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí giao tiếp với các đối tác (Li & Li, 2022). Với tính năng tích hợp thông tin người dùng, đơn vị vận chuyển đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển trong các giao dịch hàng hóa. Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, sự ra đời của robot thông minh đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí về nguồn nhân lực. Ngoài ra, chuyển đổi số góp phần cải thiện quản lý nội bộ, giúp tối ưu hóa hiệu quả phân bổ nguồn lực, giảm lưu trữ, tạo dựng lợi thế cạnh tranh mới, nâng cao khả năng đổi mới của doanh nghiệp một cách toàn diện (Yang, 2020; Ye & Tong, 2022), tăng hiệu quả hoạt động của các công ty (Teng & cộng sự, 2022). Chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, thông qua việc sử dụng các ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu kỹ thuật số, kết nối và mạng,... để tạo ra sự thay đổi đột phá cả về giá trị tạo ra, quy trình quản lý, sử dụng và phân phối. Theo số liệu tại Báo cáo kỹ thuật số tại Việt Nam năm 2022 (Kepios Pte.Ltd, We are Social, 2022), đã có 57.1% người dùng nghiên cứu thương hiệu trực tuyến trước khi mua hàng, 51.78 triệu người dùng thực hiện thanh toán kỹ thuật số, đối với lĩnh vực thương mại điện tử thì tổng chi phí mua hàng tiêu dùng trực tuyến đạt 12.42 tỷ USD năm 2021. Bên cạnh đó, số liệu thống kê tính đến cuối năm 2021 đã có 55% dân số thế giới tiếp cận và sử dụng internet di động với lưu lượng dữ liệu di động bình quân tháng tính trên mỗi người dùng trong năm 2021, đạt hơn 8.2GB (Delaporte & Bahia, 2022).
  3. 122 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Với việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu kép “vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu” (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Chuyển đổi số không phải là những thay đổi nhỏ như ứng dụng một phần mềm công nghệ hiện đại, nâng cấp trung tâm dữ liệu,... của doanh nghiệp. Chuyển đổi số là những thay đổi cơ bản từ việc thay đổi cách nhân viên làm việc, cách khách hàng và đối tác tương tác với doanh nghiệp. Áp lực của chuyển đổi số ngày càng gia tăng, theo báo cáo của EIB, năm 2021 (Eruopean Investement Bank, 2021) cho thấy, 46% công ty đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sau đại dịch. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng Internet phát triển mạnh mẽ cả về lượng người dùng và lưu lượng truy cập, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường, dẫn đến chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và phân phối đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 2. Nội dung 2.1. Lý luận chung về chuyển đổi số 2.1.1. Khái niệm Chuyển đổi số phản ánh những thay đổi của việc ứng dụng các nền tảng kỹ thuật công nghệ, góp phần thúc đẩy sự điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở các khía cạnh về mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức, quy trình kinh doanh và sản phẩm cung ứng ra thị trường (Hess & cộng sự, 2016). Theo quan điểm của Caputo & cộng sự (2021), chuyển đổi số đề cập các chuyển đổi chiến lược nhằm mục tiêu thay đổi tổ chức thông qua các dự án số hóa, góp phần thúc đẩy các cải tiến lớn trong kinh doanh. Nhìn chung, khái niệm chuyển đổi số được hiểu là quá trình ứng dụng các nền tảng công nghệ của các doanh nghiệp, góp phần cải tiến nhằm tối ưu hóa hiệu quả các hoạt động trong doanh nghiệp. 2.1.2. Vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động của doanh nghiệp Chuyển đổi số là quá trình khách quan, dù muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn đang diễn ra trong mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, nếu doanh nghiệp nào đứng ngoài quá trình này thì sẽ có khoảng cách lớn với những tổ chức, doanh nghiệp đang hằng ngày thực thi hoạt động chuyển đổi số của đơn vị mình. Quá trình chuyển đổi số đã khiến cho các vấn đề trong quản lý, vận hành doanh nghiệp thay đổi, gồm: Thứ nhất, tư duy kinh doanh thay đổi trong quá trình chuyển đổi số Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số đã khiến cho vai trò của dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các sản phẩm phần mềm trở nên không thể thiếu trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thế giới. Từ đây, công việc kinh doanh đã có sự
  4. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 123 thay đổi từ việc đầu tư tập trung vào sản phẩm, đối thủ cạnh tranh chuyển sang tập trung lấy khách hàng là trung tâm, kịp thời chuyển dịch theo nhu cầu của khách hàng. Thứ hai, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi Khi công nghệ thay đổi, chuyển đổi số đã tạo ra được nhiều giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới. Điều này đã làm cho hành vi tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi lớn. Đây là động lực chính để các doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh của tổ chức theo cách thức tư duy mới, với mục tiêu tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng trong thời đại chuyển đổi số. Thứ ba, sự thay đổi trong kênh phân phối Nhờ có chuyển đổi số mà thế giới đã từ “đi mua hàng” sang “nhấp, chạm để mua hàng”. Các doanh nghiệp đã kịp thời sử dụng kênh trực tuyến để bổ sung cho hệ thống kênh phân phối hiện có của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đa dạng hóa và tăng cường hiệu quả của kênh phân phối. Việc bổ sung kênh phân phối trực tuyến sẽ tạo ra những sản phẩm khác biệt, bổ sung danh mục khách hàng mới và bổ sung cách mua hàng mới cho doanh nghiệp. Để có thể đạt được các mục tiêu kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải có những giải pháp, nhằm hài hòa các kênh phân phối bằng việc cần có tư duy sáng tạo trong việc tìm ra sự cộng hưởng giữa kênh trực tuyến và kênh truyền thống, tạo ra trải nghiệm đa kênh hiệu quả cho người tiêu dùng. Thứ tư, hoạt động quản trị nội bộ của doanh nghiệp thay đổi Quá trình chuyển đổi số cũng có nghĩa là việc ứng dụng, sử dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và máy học vào toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là yêu cầu về kỹ năng, năng lực của nhân lực trong doanh nghiệp cũng có nhiều sự thay đổi. Quá trình thay đổi này khiến cho việc quản lý nhân lực đã giảm đi tính chủ quan và thay vào đó là sự phụ thuộc nhiều hơn vào dữ liệu và các phần mềm ứng dụng quản lý. 2.2. Lợi ích của chuyển đổi số Chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của tất cả các doanh nghiệp hiện đại. Các hoạt động kinh doanh được kích hoạt thông qua nền tảng kỹ thuật số đã giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô, phạm vi và tốc độ giao dịch. Thông qua quá trình chuyển đổi số, tính minh bạch thông tin được cải thiện, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và rút ngắn thời gian tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm (Li & Li, 2022). Những lợi ích của chuyển đổi số trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có thể tóm tắt như sau: Thứ nhất, chuyển đổi số góp phần gia tăng sự hài lòng của khách hàng thông qua việc cải thiện trải nghiệm của khách Một trong những lợi thế của chuyển đổi số chính là cho phép khách hàng tiếp cận được với nhiều dịch vụ và hỗ trợ của doanh nghiệp thông qua các phương thức
  5. 124 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA tương tác khác nhau. Doanh nghiệp có thể kích hoạt sự hỗ trợ đa kênh như: khách hàng có thể liên hệ qua điện thoại, trò chuyện trực tiếp trên trang web, email, sử dụng các ứng dụng cho thiết bị di động hoặc thông qua diễn đàn để hỗ trợ. Từ đây, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra nhiều điểm tiếp xúc với khách hàng, từ đó giúp doanh nghiệp thu thập được nhiều thông tin phản hồi từ khách hàng, đồng thời cũng giúp khách hàng dễ dàng sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp. Chuyển đổi số đã góp phần giúp việc thu thập, phân tích dữ liệu sản phẩm, dữ liệu tiêu thụ thị trường một cách nhanh chóng, giúp các doanh nghiệp dự đoán kịp thời về thay đổi nhu cầu thị trường sản phẩm, từ đó kịp thời có những điều chỉnh thích ứng tối ưu với nhu cầu, thị hiếu người dùng. Việc đẩy mạnh tiếp thị kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số qua các nền tảng truyền thông mới giúp khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm một cách nhanh chóng, đảm bảo trải nghiệm của người dùng. Thứ hai, chuyển đổi số gia tăng tính linh hoạt và khả năng mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Các quy trình và phần mềm hiện đại ngày nay rất dễ tích hợp và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để có thể kết nối các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp, giúp tổ chức sử dụng hiệu quả nguồn thông tin cũng như rút ngắn được thời gian xử lý thông tin trong doanh nghiệp. Việc chuyển đổi sang hoạt động kỹ thuật số đã cho phép tăng cường sự linh hoạt và phản ứng nhanh, từ đó tổ chức có thể tập trung nguồn lực cần thiết để mở rộng quy mô thị trường, khách hàng cho doanh nghiệp. Thứ ba, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hạn chế và loại bỏ các quy trình thủ công tốn thời gian thông qua tự động hóa quy trình kinh doanh Tự động hóa quy trình kinh doanh chính là một trong những đặc trưng quan trọng của quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là kết quả giúp doanh nghiệp giảm bớt những khâu, bước công việc trước đây thực hiện bằng thủ công, hợp lý hóa được các quy trình cho các nhiệm vụ có khối lượng công việc lớn, có tính chất lặp lại với độ chính xác cao hơn và giảm chi phí hơn do tiết kiệm được mức độ tham gia của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Thứ tư, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể cải thiện việc ra quyết định hiệu quả hơn thông qua thu thập dữ liệu Nhờ có khả năng thu thập dữ liệu với các kho dữ liệu trung tâm khổng lồ, có thể kết nối với mọi thông tin của nội bộ cũng như ngoài tổ chức. Nhờ đó, việc khai thác và phân tích thông tin nhằm tìm ra những điểm tắc nghẽn trong quy trình công việc, nắm bắt thông số chính xác về hiệu suất công việc của nhân viên và điều quan trọng là có thể thu thập dữ liệu về sở thích, hành vi của khách hàng. Việc thu thập được nhiều dữ liệu hơn với độ chính xác thông tin cao giúp cho việc ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn.
  6. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 125 2.3. Thực trạng chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và phân phối tại Việt Nam Nhóm tác giả tiến hành khảo sát trực tuyến 220 doanh nghiệp với các quy mô khác nhau, tham gia hoạt động thương mại và phân phối ở các lĩnh vực ngành, nghề khác nhau tại Việt Nam như thương mại, bán lẻ,... Trong đó, các doanh nghiệp có quy mô trên từ 100 nhân viên trở lên, chiếm 56.2%, dưới 100 nhân viên, chiếm 43.8%. Hạ tầng công nghệ thông tin được xem là một trong những nền tảng cơ bản quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nên cần được chú trọng đầu tư sớm. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giúp công ty có thể cải thiện năng suất nhân viên và trải nghiệm khách hàng, thu thập dữ liệu nhanh chóng, kịp thời,... Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại và phân phối đã trang bị nền tảng cơ bản hạ tầng công nghệ thông tin. Mặc dù, 90% doanh nghiệp được khảo sát đã trang bị hạ tầng công nghệ thông tin, 70.9% doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin, tuy nhiên mới chỉ 35.9% trang bị hạ tầng công nghệ thông tin tốc độ cao (các ứng dụng điện toán đám mây, AI, Big data,...), 49.1% doanh nghiệp mới chỉ đầu tư hệ thống máy tính, mạng Internet, thiếu các ứng dụng quản lý vận hành, giao nhận, nguồn lực khác,... Hình 1. Thống kê trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp hoạt động thương mại và phân phối (Nguồn: Thống kê khảo sát của nhóm tác giả) Kết quả khảo sát về việc ứng dụng các công nghệ 4.0 vào quá trình quản lý hoạt động kinh doanh (nền tảng Blockchain, Big Data, AI,...) cho thấy, 33.6% chưa ứng dụng, 33.2% ứng dụng 1 nền tảng, 33.2% ứng dụng từ 2 nền tảng trở lên. Việc ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin tốc độ cao còn rất hạn chế đối với các doanh nghiệp hoạt động thương mại và phân phối, dẫn đến hạn chế trong việc kết nối đối với hệ thống công nghệ thông tin bên ngoài cũng như vấn đề an toàn thông tin.
  7. 126 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Các doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ số vào tiếp thị, kênh phân phối và bán hàng để nâng cao trải nghiệm khách hàng tại doanh nghiệp, đây được xem là một trong những xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số. Kết quả khảo sát mức độ áp dụng công nghệ số vào tiếp thị, kênh phân phối và bán hàng cho thấy: 57.7% doanh nghiệp thường xuyên áp dụng, 24.5% doanh nghiệp thỉnh thoảng áp dụng, 17.8 % hiếm khi/ không áp dụng công nghệ vào lĩnh vực này (Nguồn: Thống kê từ kết quả khảo sát). Việc phân quyền quản lý dữ liệu giữa các bộ phận chuyên trách tại doanh nghiệp được thực hiện rõ ràng, chuyên nghiệp với mức độ hài lòng đạt trên 60.5%, hài lòng cao đạt 13.2% (Hình 2). Hình 2. Mức độ hài lòng về việc phân quyền quản lý dữ liệu giữa các bộ phận chuyên trách tại doanh nghiệp hoạt động thương mại và phân phối (Nguồn: Thống kê khảo sát của nhóm tác giả) Mức độ tự đồng bộ thông tin giữa các bộ phận tương đối cao, tỷ lệ trên 63% từ khá trở lên. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của nhân viên tại các doanh nghiệp cho thấy 48.6% có năng lực ứng dụng tốt, 9.1% có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin rất tốt (hình 3). Hình 3. Khảo sát năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của nhân viên tại các doanh nghiệp hoạt động thương mại và phân phối (Nguồn: Thống kê từ kết quả khảo sát của nhóm tác giả)
  8. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 127 2.4. Thách thức của doanh nghiệp hoạt động thương mại và phân phối trong quá trình chuyển đổi số Thứ nhất: Vấn đề bảo mật thông tin khách hàng và an toàn mạng chưa đảm bảo Việc rò rỉ thông tin có thể bị các đối tượng lợi dụng để tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng danh tiếng, đời sống riêng tư của người dùng, sự sống còn của doanh nghiệp. Do đó, vấn đề an toàn và bảo mật thông tin luôn được các doanh nghiệp và người dùng đặc biệt lo ngại và quan tâm. Trên 50% số doanh nghiệp được khảo sát lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng và an toàn mạng, 28.2 % doanh nghiệp được khảo sát cho rằng rủi ro cao/rất cao trong quá trình chuyển đổi số. Thứ hai: Năng lực công nghệ thông tin của nhân viên công ty chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số Trong số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và phân phối, 39.9% cho rằng năng lực công nghệ thông tin của nhân viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và phân phối nói riêng. Đặc biệt, khi khung năng lực về công nghệ số của châu Âu dành cho công dân được công nhận rộng rãi thì thực trạng này của các doanh nghiệp cần phải có những giải pháp gấp rút nhằm tăng cường năng lực công nghệ thông tin hướng đến tiếp cận với khung năng lực số cho công dân của châu Âu. Hình 4. Thách thức của doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại và phân phối trong quá trình chuyển đổi số (Nguồn: Thống kê từ kết quả khảo sát của nhóm tác giả) Thứ ba: Văn hóa cần thiết cho quá trình chuyển đổi số còn hạn chế Quá trình chuyển đổi số mở ra nhiều khả năng mới và vô hạn cho các tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng, doanh nghiệp muốn tiến hành chuyển đổi số, đầu tiên cần phải
  9. 128 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA tập trung vào con người - hay chính là văn hóa của tổ chức. Một trong những yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công chính là chuyển đổi giá trị, niềm tin cũng như các chiến lược của doanh nghiệp trước tiên. Việc xây dựng một tổ chức kỹ thuật số, điều quan trọng là cần có khả năng của con người trong quản lý công nghệ, quan trọng hơn là về tư duy của con người và văn hóa mà tổ chức đó tích lũy. Công nghệ kỹ thuật số có thể làm cho các tổ chức nhanh hơn, có tư duy để thực hiện công việc tốt nhất trong các công việc đang làm. Trong quá trình khảo sát, có đến 39% doanh nghiệp đồng ý rằng một trong những thách thức lớn của tổ chức mình đó chính là thiếu đi nền văn hóa cần thiết cho quá trình chuyển đổi số được diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, khó khăn không nhỏ dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay chính là chuyển đổi dần văn hóa “truyền thống” sang nền văn hóa số - văn hóa để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Thứ tư, chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn chưa rõ ràng Mặc dù sự thiếu rõ ràng trong chiến lược chuyển đổi số chỉ chiếm 17.9%, tuy nhiên khi phân tích các yếu tố còn lại trong bảng khảo sát lại thấy rằng những lựa chọn các câu trả lời khác đều phản ánh doanh nghiệp đó gần như đang rất lạ lẫm với quá trình chuyển đổi số. Điều này có thể chứng minh được vai trò vô cùng quan trọng của việc có được một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, nó là điểm khởi đầu, là kim chỉ nam cho tất cả các hoạt động chuyển đổi số sau này của doanh nghiệp. 2.5. Một số giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại và phân phối tại Việt Nam Từ kết quả khảo sát, một số gợi ý nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và phân phối, bao gồm: 2.5.1. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số rõ ràng trong doanh nghiệp Một trong những thách thức mà nhiều người tham gia khảo sát đều lựa chọn đó là doanh nghiệp của họ thiếu một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng. Điều này khiến cho các thành viên trong doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định những ưu tiên trong các hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, nhà quản trị nên xác định chuyển đổi số như là một trong những sáng kiến kinh doanh chứ không chỉ là một dự án của bộ phận công nghệ thông tin trong tổ chức. Tiếp đến, cần xác định chuyển đổi số là một hoạt động mang tính bền vững, có kế hoạch hành động cụ thể và xây dựng tầm nhìn trong tương lai để giúp doanh nghiệp có thể đương đầu với những thách thức cũng như sự chuyển đổi doanh nghiệp một cách nhanh chóng. 2.5.2. Tối ưu hóa nguồn lực và công nghệ trong doanh nghiệp Kết quả khảo sát từ nhóm nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 vào quá trình quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại và phân phối hiện nay còn đang rất thấp (hơn 33% các doanh nghiệp chưa hề
  10. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 129 ứng dụng một nền tảng nào). Một hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp sẽ là một khởi đầu hiệu quả cho chuyển đổi số của tổ chức. Một trong những lợi thế của chuyển đổi số được các nhà quản trị doanh nghiệp thương mại và phân phối quan tâm chính là việc có thể tích hợp tất cả các hệ thống thông tin dữ liệu của doanh nghiệp thành một mạng lưới, để có thể áp dụng các công cụ phân tích, từ đó hỗ trợ cho nhà lãnh đạo thực hiện việc lập kế hoạch, ra các quyết định quản trị dựa trên các minh chứng có độ chính xác cao. Một hạ tầng công nghệ phù hợp cho tổ chức giúp doanh nghiệp sử dụng thông tin chi tiết của tổ chức để từ đó xây dựng được hệ thống tương tác phù hợp với khách hàng, nhà cung cấp và nhân viên trong tổ chức. Việc tối ưu hóa nguồn lực bằng hệ thống quản trị nguồn lực sẽ đảm bảo được các quy trình kinh doanh hoạt động hiệu quả và không lãng phí nhất có thể. 2.5.3. Nâng cao trải nghiệm của khách hàng Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, hầu hết các doanh nghiệp thương mại và phân phối đã nhận thức được vai trò của việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng, với kết quả thu được từ cuộc khảo sát đó là: 57.7% doanh nghiệp thường xuyên áp dụng các công nghệ để gia tăng sự trải nghiệm. Tuy nhiên, đây chưa phải là kết quả đáng mong đợi trong thời đại cách mạng 4.0, hiện nay xu thế chung của khách hàng đó là họ sẽ tìm hiểu về các công ty và thương hiệu, tiến hành so sánh các dịch vụ, kết nối với đồng nghiệp và xem nội dung trên thiết bị di động của họ. Khách hàng muốn quản lý các hoạt động trong một môi trường di động, kỹ thuật số và liền mạch. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp muốn tiếp cận, duy trì và có được lượng khách hàng trung thành từ đó giúp tổ chức tăng doanh thu và thị phần thì cần phải gia tăng sự trải nghiệm của khách hàng bằng các giải pháp như: Thứ nhất, tăng cường đào tạo nhân viên bán hàng của doanh nghiệp làm việc tại các trung tâm xử lý cuộc gọi của khách hàng. Thứ hai, bổ sung những tính năng hỗ trợ khách hàng như khách hàng có thể xem các đơn đặt hàng trước đây, khách hàng có thể tạo thông tin trả hàng và đặt hàng lại dễ dàng hơn. Thứ ba, hiện đại hóa quy trình quản lý bán hàng để nhân viên có thể dễ dàng có được những thông tin đơn hàng đặt trước đây, kiểm tra hàng tồn kho và phần mềm có thể đưa ra đề xuất thông minh về các sản phẩm bổ sung hoặc thay thế. 2.5.4. Nâng cao năng lực công nghệ thông tin của nhân viên Theo kết quả khảo sát cho thấy, năng lực công nghệ thông tin của nhân viên trong doanh nghiệp là một trong những rào cản khiến cho quá trình chuyển đổi số diễn ra không đúng với kì vọng của nhà lãnh đạo. Khi doanh nghiệp đã xác định được chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, bước tiếp theo tổ chức cần đánh giá lại thực trạng năng lực công nghệ thông tin của toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch
  11. 130 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA đào tạo phù hợp với từng nhiệm vụ, vị trí công việc cũng như nguồn tài chính hiện tại của doanh nghiệp. Trong đó, quá trình cập nhật năng lực công nghệ thông tin cần tiếp cận với khung năng lực số của châu Âu đã được nhiều quốc gia áp dụng rộng rãi cho công dân của họ. 2.5.5. Đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng và đối tác trong quá trình chuyển đổi số Dữ liệu, bao gồm những thông tin quan trọng như nhận dạng cá nhân về khách hàng, đối tác và nhân viên là một trong những tài sản quý giá mà công ty cần bảo vệ. Với quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp đều phải triển khai tất cả các loại công cụ và dịch vụ công nghệ mới như dịch vụ đám mây, IoT,... Nếu doanh nghiệp không có chiến lược bảo mật tốt, sẽ là một rủi ro khiến cho doanh nghiệp có thể bị tấn công bằng mã độc, đánh cắp thông tin cho các hoạt động phạm pháp, bị đánh sập hệ thống và nhiều tác động tiêu cực khác. Doanh nghiệp cần triển khai ứng dụng các nền tảng quản lý nhằm giúp tổ chức bảo mật các thiết bị dễ bị tổn thương, cho phép doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện ra các mối đe dọa, từ đó có biện pháp ứng phó hiệu quả. Để làm được điều đó, đầu tiên cần nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho các thành viên trong doanh nghiệp bằng việc đào tạo nhân viên: cách phát hiện các cuộc tấn công phổ biến, cách sử dụng các thiết bị đầu cuối một cách an toàn,... Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức rằng, để giảm thiểu rủi ro trong bảo mật thì cách tốt nhất là phải nỗ lực bảo mật ngay từ đầu, tập trung vào những điểm yếu của dữ liệu và duy trì bảo mật mạnh mẽ trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. 3. Kết luận Với xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống, cùng với đó là những ứng dụng của các thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động thương mại và phân phối không chỉ giới hạn ở sự tương tác và mối quan hệ giữa hai người gần nhau về mặt vật lý. Nó thường diễn ra ở khoảng cách xa, xuyên biên giới và xuyên thời gian. Vai trò của các chủ thể tham gia trong hoạt động thương mại và phân phối đã không còn thụ động, nhờ có sự phát triển của Internet và ứng dụng công nghệ thông tin mà các doanh nghiệp thương mại và phân phối đã cung cấp nhiều phương tiện tương tác, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm/dịch vụ dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số thành công, bài báo đã khuyến nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần vượt qua được những rào cản, thách thức như: xây dựng văn hóa số, nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho nhân viên, đầu tư vào hệ thống bảo mật một cách bài bản cùng với sự chuẩn bị và vận dụng hiệu quả nguồn lực tài chính để có thể duy trì chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
  12. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 131 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Caputo, A., Pizzi, S., Pellegrini, M. M., & Dabiće, M. (2021). Digitalization and business models: Where are we going? A science map of the field. Journal of Business Research, volume 123, p.489 - 501. 2. Delaporte, A., & Bahia, K. (2022). The State of Mobile Internet Connectivity Report 2022. https://www.gsma.com/r/somic/: GSMA. 3. European Investement Bank, Recovery as a springboard for change, 2021, p.5 - 10. 4. Hess, T., Matt, H., Benlian, A., & Wiesböck, F. (2016). Options for Formulating a Digital Transformation Strategy. MIS-Quarterly-Executive 15(2), p.123 - 139. 5. Li, W., & Li, C. (2022). Path Analysis of the Impact of Digital Transformation on Export Performance of Textile and Apparel Companies. Open Journal of Business and Management 10(6), p.2903 - 2914. 6. Teng, X., Wu, Z., & Yang, F. (2022). Impact of the Digital Transformation of Small- and Medium-Sized Listed Companies on Performance: Based on a Cost- Benefit Analysis Framework. Journal of Mathematics, Volume 2022, p.1 - 14. 7. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 8. Yang, Z. F. (2020). Modes, shortcomings and countermeasures of my country’s industrial digital transformation. China’s Circulation Economy, vol. 34, no.7, p.60 - 67. 9. Ye, Z., & Tong, Y. (2022). The Influence of Digital Transformation of Foreign Trade Enterprises on Their Business Performance. Discrete Dynamics in Nature and Society, 3, p.1 - 9.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2