intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cơ sở lý luận và thực tiễn trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

9
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Cơ sở lý luận và thực tiễn trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay" phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của hợp tác quốc tế trong giáo dục (1), thông qua thực tiễn hoạt động hợp tác quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học (2), từ đó đề xuất nâng cao hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam (3). Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cơ sở lý luận và thực tiễn trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

  1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ LĨNH VỰC GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Nguyễn Thái Cường1 Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Lan Anh Trường Đại học Cần Thơ Abstract The 21st century has witnessed a strong transformation in the 4.0 technology revolution and the internationalization trend associated with all areas of social life. Integrating into this trend requires strengthening investment cooperation and international cooperation in the field of education and training, especially higher education. This is an inevitable objective trend to bring Vietnamese higher education to the next level and access advanced education systems in the world. The article analyzes the theoretical and practical basis for international cooperation in education (1), through the practice of international cooperation activities in higher education institutions (2), from which it proposes to improve international cooperation in the field of higher education in Vietnam (3). Keywords: International cooperation, higher education, resource investment, internationalization. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Hội nhập quốc tế về mọi mặt trong đời sống xã hội đã trở thành một xu thế tất yếu, trước thách thức bùng nổ mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã và đang tạo ra động lực lớn thúc đẩy cho mỗi quốc gia không ngừng đổi mới phát triển, đặt ra yêu cầu phải hội nhập quốc tế sâu rộng. Cơ sở giáo dục đại học là trung tâm tri thức có vai trò đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội không thể đứng ngoài tiến trình này. Trong những nhiệm vụ mà cơ sở GDĐH cần thực hiện, hợp tác quốc tế luôn là nhiệm vụ trọng tâm được chú trọng những năm gần đây. Theo đó, đã có nhiều chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên và các chương trình liên kết đào tạo mang lại nhiều kết quả tích cực cho cơ sở GDĐH, tuy nhiên, thực trạng vẫn còn một số hạn chế, bài viết này nhóm tác giả phân tích và từ đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả cho hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ sở GDĐH tại Việt Nam. II. NỘI DUNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ TRONG VIỆC HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ GIÁO DỤC Hợp tác quốc tế xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn từ rất lâu đời, thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Việc xây dựng cơ sở lý luận trong việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục (1.1) sẽ làm nền tảng cho việc củng cố cơ sở pháp lý trong việc hợp tác quốc tế (1.2) được tiến hành hiệu quả hơn. 1 Ntcuong@hcmulaw.edu.vn 495
  2. 1.1. Cơ sở lý luận trong việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục Xu hướng hợp tác quốc tế về giáo dục diễn ra một cách tự nhiên, xuất phát từ quá trình toàn cầu hóa, các quốc gia phải tăng cường giao lưu trao đổi kiến thức, công nghệ thông qua nguồn lực về con người, trong đó, đầu tư vào giáo dục là một mục tiêu quan trọng và cấp thiết. Cụ thể, hàng năm các quốc gia đã dành một khoản ngân sách rất lớn để đầu tư vào giáo dục [1]. Không thể bàn cãi việc đầu tư vào giáo dục mang lại rất nhiều thành tựu cho việc phát triển khoa học và công nghệ để thúc đẩy quốc gia phát triển [2]. Các quốc gia Châu Âu cũng dựa vào nguồn lực giáo dục để phát triển khoa học công nghệ thông qua các cuộc cách mạng về công nghiệp để phát triển đất nước [3]. Các quốc gia đã không ngừng thực hiện các công việc cải cách giáo dục qua nhiều giai đoạn khác nhau từ rất sớm. Các cuộc cải cách giáo dục được trải rộng qua các bậc học từ tiểu học, trung học và những bậc cao hơn [3, tr.4]. Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã ghi nhận giáo dục như một quyền lợi cơ bản của công dân và là quốc sách hàng đầu của quốc gia được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển và nêu rõ muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước, cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Năm 1994, chương trình liên kết đào tạo đầu tiên ở Việt Nam được thiết lập giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Singapore đã tạo tiền đề cho hợp tác quốc tế về giáo dục cho Việt Nam, giúp cho SV có được nhiều trải nghiệm về môi trường quốc tế và giúp các nhà quản lý giáo dục nhìn ra và định hình được tương lai cho giáo dục Việt Nam bước ra thế giới. Sau đó, nhiều chương trình liên kết khác giữa các trường đại học hàng đầu Việt Nam và các nước phát triển như Mỹ, Úc, Anh, Pháp... đã được thiết lập. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong nhiệm kỳ lần thứ XII của Đảng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục được đánh giá là đang” tiếp tục được mở rộng”. Song, trong thời đại nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, xu thế quốc tế hóa gắn liền với mọi hoạt động của xã hội. Việc tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế như một xu thế khách quan tất yếu, đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần liên kết, hợp tác, tạo môi trường thuận lợi để thế hệ công dân tương lai của đất nước có thể trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể thích nghi và thành công trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Theo đó, “tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế” là một trong những quan điểm được chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng góp phần tích cực, chủ động nâng cao hơn nữa những kết quả đã đạt được tiến tới hội nhập quốc tế trong giáo dục ngày càng sâu và rộng. Qua đó, có thể thấy rằng hợp tác quốc tế trong GDĐH đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng tầm nhìn cho SV và thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam theo xu hướng toàn cầu hóa. Thông qua các chương trình trao đổi SV, liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, các cơ sở GDĐH ở Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế. Đồng thời, SV, đội ngũ GV Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, môi trường học tập quốc tế và mở rộng tầm nhìn ra thế giới. 496
  3. 1.2. Cơ sở pháp lý trong việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục Nhu cầu và xu thế quốc tế hóa của các trường đại học trên phạm vi toàn cầu càng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời đại toàn cầu hóa và quốc tế hóa đang dần trở thành cuộc cạnh tranh toàn cầu của các trường mong muốn phát triển. Ở Việt Nam, Luật GDĐH năm 2012 quy định tại Điều 43 xác định rõ mục tiêu của hoạt động hợp tác quốc tế trong các cơ sở GDĐH đó là hướng đến nâng cao chất lượng GDĐH theo hướng hiện đại, tiếp cận nền GDĐH tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện để cơ sở GDĐH phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các hình thức hợp tác quốc tế của cơ sở GDĐH cũng đã được nêu cụ thể như: liên kết đào tạo; thành lập văn phòng đại diện của cơ sở GDĐH nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; tư vấn, tài trợ, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị; bồi dưỡng, trao đổi GV, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý và SV; liên kết thư viện, trao đổi tài liệu, ấn phẩm và kết quả hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác quốc tế các chủ thể có thẩm quyền như Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cho các vấn đề như xuất nhập cảnh của người nước ngoài [5], [6] các văn bản liên quan đến các hội nghị, hội thảo quốc tế [7], [8] hay các văn bản về nguồn viện trợ, hỗ trợ và vay vốn của nước ngoài [9]. Một số cơ sở đào tạo cũng đã ban hành những quy định hướng dẫn về quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế một cách cụ thể trên tinh thần thực hiện đúng các quy định của pháp luật và giữ gìn an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập. 2. THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM Các hoạt động hợp tác quốc tế diễn ra khá đa dạng trong môi trường các cơ sở GDĐH từ các góc độ khác nhau: SV, GV thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. 2.1. Góc độ hỗ trợ sinh viên Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Trong đó, yêu cầu chuẩn đầu ra cho SV tốt nghiệp đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tức là B1 là mức tối thiểu được đa số các cơ sở GDĐH quy định để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ, các ngoại ngữ hiện nay được áp dụng là tiếng Anh, Trung, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Hàn, bài viết tập trung bàn về chuẩn đầu ra ngoại ngữ phổ biến là tiếng Anh. Thực trạng hiện nay, nhiều cơ sở GDĐH yêu cầu chuẩn đầu ra ở mức cao hơn, thường là các trường quốc tế, các trường có chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao hay chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các chứng chỉ được yêu cầu thường là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thông dụng như TOEIC, IELTS, TOEFL. Qua đó, có thể thấy việc các trường đại học yêu cầu các chuẩn tiếng Anh đầu ra cho SV cao mang lại nhiều lợi ích cho SV vì ngoại ngữ là công cụ hữu hiệu giúp SV có thể tìm hiểu nguồn tài liệu học thuật phong phú ở nước ngoài, cập nhật kiến thức, công 497
  4. nghệ mới nhằm nâng cao hiểu biết của bản thân, tìm kiếm được nhiều cơ hội học tập, trải nghiệm và nghiên cứu, tự tin tham gia vào thị trường lao động, ứng tuyển được các vị trí có mức lương cao nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng trong toàn xã hội. Mặc dù, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc SV ra trường có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo hay có một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như một điểm sáng trong hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận SV cảm thấy chuẩn ngoại ngữ tiếng Anh là một rào cản lớn dẫn đến tình trạng nhiều SV chậm tiến độ tốt nghiệp do không đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Một số trường đưa ra giải pháp cho thực trạng này bằng cách đưa ra lộ trình SV phải đạt được chứng chỉ ngoại ngữ mới được học những năm tiếp theo hay quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ ra thành tín chỉ của các học phần anh văn cơ bản, và theo đó, SV chỉ cần tích lũy đủ số tín chỉ yêu cầu có thể xét tốt nghiệp mà không cần phải học và thi một bằng cấp tiếng Anh nào. Ngoài ra, để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho SV các cơ sở đào tạo còn tạo ra sân chơi hữu ích kết nối với các chuyên gia người nước ngoài tạo điều kiện cho SV được trải nghiệm, vui chơi và có cơ hội được thực hành tiếng Anh, một số hoạt động tiêu biểu của các cơ sở GDĐH như ngày hội IELTS Day; American Hangout (điểm hẹn Hoa Kỳ) cũng là nơi để SV có không gian giao lưu văn hóa, tăng cường các kỹ năng ngoại ngữ và trao đổi, tìm kiếm cơ hội du học dưới sự tài trợ của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh tài trợ [10]. Đưa sinh viên đi trao đổi, học tập ngắn hạn ở nước ngoài Các chương trình trao đổi SV trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trong nước và cơ sở giáo dục nước ngoài. Có 02 hình thức trao đổi SV là trao đổi văn hóa (cultural exchange) hay trao đổi học thuật (academic exchange). Một số điều kiện cơ bản, tiên quyết là khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo hay ràng buộc về điểm trung bình lũy tích lũy (GPA) ở mức giỏi để SV được xét đủ điều kiện tham gia chương trình trao đổi. Ngoài ra, SV cần phải đáp ứng một số nguyên tắc mà cơ sở giáo dục của mình đã ký kết với trường đối tác, tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của mỗi nước, và hơn thế là thực hiện đúng pháp luật, thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự quản lý theo quy định. Thông qua hoạt động này, SV cơ hội được trải nghiệm với thế giới, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, phát triển các kỹ năng mềm cần thiết và kết bạn toàn cầu. Với các chương trình trao đổi, SV được miễn phí học phí từ các trường đối tác, một số cơ sở giáo dục tận dụng nguồn lực của mình cấp bù học bổng cho SV, tiền vé máy bay, đi lại và sinh hoạt phí. Tận dụng tối đa mối quan hệ hợp tác, các cơ sở giáo dục đã đưa SV của mình ra thế giới, cũng như nhận SV vào cơ sở của mình thông qua các chương trình học tập ngắn hạn của SV quốc tế [10], chương trình này góp phần giúp SV quốc tế hiểu rõ hơn xã hội Việt Nam, thêm một góc nhìn để ứng dụng vào thực tiễn khi trở về nước của mình. 2.2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên Chuẩn đầu vào trong tuyển dụng giảng viên Theo Luật GDĐH năm 2012 quy định về trình độ tối thiểu của chức danh GV giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh GV giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở GDĐH ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm GV; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển 498
  5. các ngành đào tạo. Mỗi cơ sở đào tạo có chính sách riêng trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, một số cơ sở GDĐH thường ưu tiên những người có bằng tiến sĩ ở nước ngoài và được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo sản phẩm đầu ra (phát minh, sáng chế, bài báo khoa học đăng tạp chí quốc tế). GV giảng dạy bằng ngoại ngữ được tính hệ số cao hơn giảng dạy bằng tiếng Việt. Ngoài ra, một số trường trọng điểm yêu cầu trình độ ứng viên cho vị trí GV cao hơn khi xem xét đến các tiêu chuẩn như: tốt nghiệp từ Trường thuộc top 500 Trường đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của tổ chức QS, có bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín SCI/SCOPUS hay tạp chí được tính điểm tối đa cao nhất theo danh mục Hội đồng giáo sư nhà nước công bố hằng năm [11]. Để đưa ra được những tiêu chuẩn trên đòi hỏi cơ sở GDĐH phải tận dụng nguồn lực tài chính cho việc thực hiện tốt chính sách đãi ngộ để chiêu mộ và khuyến khích đội ngũ nhà khoa học trẻ cống hiến cho GDĐH. Đẩy mạnh công bố quốc tế ở các lĩnh vực khoa học xã hội Nhiệm vụ của GV đại học có thể tóm gọn bằng hai hoạt động chính: giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các cơ sở GDĐH hiện nay có nhiều chính sách thúc đẩy tiến trình nghiên cứu khoa học trong GV. Tuy nhiên, số lượng các công bố quốc tế của các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học còn khá khiêm tốn. Trong đó có 37,5% GV chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus. Số các GV có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài chỉ có 34,2%. Con số này nói lên mức độ hội nhập với trình độ quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của nhóm thực hiện đề tài với 216 GV với thành phần trong đó TS: 42,1%, TSKH: 2,3%, PGS: 9,7% và GS: 4,6% ở 40 trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn cả nước, với tỷ lệ 69% là nam, kết quả cho thấy có 58,8% (127/216) khẳng định đang tham gia các nhóm nghiên cứu [12]. Mặc khác, có thể nói khoa học xã hội và nhân văn được coi là lĩnh vực quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, nhưng theo thống kê của Web of Science (cơ sở dữ liệu khoa học cung cấp thông tin về danh mục tạp chí uy tín thế giới), thì giai đoạn 2011-2016, Việt Nam có tổng số hơn 15 nghìn công bố thuộc danh mục Viện Thông tin Khoa học (ISI); tỷ lệ tăng trưởng trung bình đạt 17% mỗi năm. Khoảng thời gian này, công bố quốc tế của Việt Nam tăng gần ba lần, từ 1.461 (2011) lên 3.814 (2016). Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp xa so với nhiều quốc gia trong khu vực (bằng khoảng 40% Thái Lan và ¼ Singapore, tính trong năm 2016). Mức độ hội nhập quốc tế và công bố quốc tế của ngành còn khoảng cách khá xa so với mức độ hội nhập chung của đất nước. Điều đáng lưu ý là, số lượng công trình công bố quốc tế trong một vài năm gần đây tăng khá rõ, nhưng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH & NV thấp hơn khá nhiều so với lĩnh vực khoa học tự nhiên [13]. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại hạn chế trên, xuất phát từ đội ngũ GV chưa thật sự ý thức được việc gắn kết, liên hệ giữa công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học; vấn đề cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học, thiếu người dẫn dắt nghiên cứu, và kết quả khảo sát mới cho thấy trong số các cán bộ được hỏi mới có 75% các nhóm nghiên cứu là do các GS, PGS dẫn dắt. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát đánh cho thấy 96% cho rằng vai trò dẫn dắt của người trưởng nhóm rất quan trọng, 97,6% cho rằng bên cạnh người trưởng nhóm, chất lượng các thành viên tham gia nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển; các cơ sở GDĐH chưa 499
  6. có những chính sách cụ thể và đủ mạnh để tạo động lực và thúc đẩy hình thành, phát triển các dự án nghiên cứu chất lượng mang tầm vóc quốc tế. Nâng cao năng lực cho đội ngũ GV để giảng dạy các chương trình tiên tiến, chất lượng cao Để bắt kịp xu thế quốc tế hóa trong mọi hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong những năm vừa qua, các cơ sở GDĐH không ngừng quan tâm đến việc nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho đội ngũ GV. Tiếng Anh được xem là công cụ đắc giá hỗ trợ cho việc hội nhập quốc tế thông qua khả năng giao tiếp trong công việc, tham dự các diễn đàn quốc tế, nghiên cứu và công bố quốc tế đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến. Một số cơ sở GDĐH đã có những chính sách thúc đẩy đáng được nhân rộng như: xây dựng chính sách hỗ trợ học tiếng Anh, tạo ra sân chơi cho cán bộ GV qua câu lạc bộ tiếng Anh, các buổi sinh hoạt chuyên đề hay mời các chuyên gia quốc tế đến để chia sẻ kinh nghiệm, hay, dành một khoản từ kinh phí tiết kiệm từ hoạt động phong trào trong nhiệm kỳ, sử dụng nguồn lực tài chính để tài trợ cho các hoạt động nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho cán bộ GV tại cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đào tạo nên khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ GV thi các chứng chỉ quốc tế như TOEIC hoặc IELTS, Cambridge ESOL, TOEFL do các đơn vị khảo thí quốc tế tổ chức nhằm giúp đội ngũ cán bộ GV liên tục cập nhật kiến thức và đủ chuẩn để giảng dạy các chương trình sử dụng hoàn toàn bằng ngoại ngữ một cách thuận lợi. 2.3. Các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài Những năm gần đây, các hoạt động hội nhập quốc tế đang diễn ra sôi động, xu hướng hợp tác và liên kết quốc tế cũng ngày càng trở nên phát triển. Theo đó, hiện nay xuất hiện nhiều chương trình hợp tác đào tạo liên kết giữa các cơ sở giáo dục đào tại Việt Nam với cơ sở giáo dục ở nước ngoài với nhiều phương thức đa dạng tạo nhiều thuận lợi cho người học có thể lựa chọn theo nhu cầu và hoàn cảnh của mình, thông qua liên kết đào tạo tại chỗ và liên kết đào tạo ở nước ngoài. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng cả hai hình thức: trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến. Liên kết đào tạo trực tuyến (online) được hiểu là việc hợp tác giữa các cơ sở GDĐH nước ngoài và cơ sở GDĐH Việt Nam nhằm mang lại chương trình đào tạo thông qua môi trường mạng và sử dụng công nghệ thông tin và các truyền thông đa phương tiện để cấp văn bằng GDĐH cho người học. Hình thức liên kết đào tạo trực tuyến là hình thức đào tạo khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến từ 50% trở lên trong tổng thời lượng giảng dạy của chương trình. Hình thức liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến (blended) là hình thức đào tạo khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến dưới 50% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình [14]. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số chương trình đã hết hạn và chưa có quyết định gia hạn cũng như có một số chương trình mới mở ra có sự dịch chuyển dần sang lĩnh vực khoa học công nghệ. Cụ thể, xét tỷ trọng các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài hiện nay, hơn 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý. 25% là các chương trình liên quan khoa học công nghệ và 10% là chương trình của các khối ngành khác. 500
  7. Đặt trong thời đại đề cao hội nhập và quốc tế hóa giáo dục, nhiều cơ sở GDĐH tại Việt Nam đã và đang thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở GDĐH có danh tiếng và uy tín trên toàn thế giới. Với những hình thức tuyển sinh hấp dẫn, thu hút và là một trong những ưu thế cạnh tranh lớn so với các cơ sở GDĐH khác. Theo đó, để cơ sở GDĐH có thể thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài phải đáp ứng được một số điều kiện cơ bản như: các ngành, nghề được liên kết đào tạo phải thuộc cái lĩnh vực theo quy định của nước ngoài và ngành, nghề của Việt Nam, trừ các ngành, nghề thuộc lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, tôn giáo; cơ sở thực hiện liên kết đào tạo đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo; các chương trình đào tạo không có chứa đựng nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, tôn giáo và thuần phong mỹ tục của Việt Nam; có đội ngũ GV đạt các tiêu chuẫn về chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của chương trình đào tạo; đòi hỏi các cơ sở giáo dục nước ngoài phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục do cơ quan kiểm định nước ngoài cấp hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp [15]. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tình trạng các cơ sở giáo dục ngang nhiên tuyển sinh các chương trình liên kết. Mặc dù, cơ sở giáo dục bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bị đình chỉ tuyển sinh hoặc bị chấm dứt hoạt động do không duy trì điều kiện quy định gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của người học. 3. ĐỀ XUẤT Việc hợp tác quốc tế trong các cơ sở GDĐH bao hàm nhiều nội dung từ phía cấp độ Bộ GD&ĐT, nhà trường, SV và GV đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể góp phần nâng cao hợp tác quốc tế sâu và rộng bằng những đề xuất dưới đây: Thứ nhất, xem xét lại cơ cấu về lĩnh vực hợp tác quốc tế đang tập trung vào một số nhóm ngành dẫn đến sự không đồng đều, xem xét lại cơ cấu để cân bằng những lĩnh vực để cho việc hợp tác quốc tế không bị lệch vào một số nhóm ngành dẫn đến sự mất cân bằng trong cơ cấu. Thứ hai, tận dụng nguồn lực tự chủ tài chính cho các học bổng khuyến khích học tập cho SV, học bổng trao đổi văn hóa, trao đổi học thuật. Các cơ sở GDĐH cần có những biện pháp hỗ trợ như xây dựng hồ sơ, viết thư giới thiệu từ GV, tìm trường phù hợp với chuyên ngành của SV. Cụ thể là các cơ sở GDĐH không đơn giản chỉ gửi thông tin mà nên đôn đốc, giám sát. Thứ ba, cần nâng cao chế độ đãi ngộ trong nghiên cứu xuất bản ấn phẩm quốc tế (những sách, bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín) thông qua nhiều kênh khác nhau, chiêu mộ các cá nhân có năng lực và tạo môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi. Thứ tư, tăng cường trao đổi GV và SV ngắn hạn giữa các trường theo dạng “study tour, visiting professor”. Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng các chương trình song bằng như một hình thức “du học tại chỗ”. Thứ sáu, xây dựng chương trình đào tạo sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (đề cương môn học, cách thức kiểm tra đánh giá theo chuẩn quốc tế). Thứ bảy, tăng cường tổ chức hội thảo quốc tế tại Việt Nam bằng các hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 501
  8. Thứ tám, đưa mục tiêu xây dựng thành Trường đại học có tiêu chuẩn quốc tế là một trong những sứ mệnh của nhà trường, cụ thể, đưa vào các chủ trương của Hội đồng Trường để thực hiện. Thứ chín, Bộ GD&ĐT cần đưa ra những cơ chế mở trong việc gia hạn giấy phép cho các cơ sở giáo dục có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài một cách dễ dàng hơn. Thứ mười, cần có một sự phối hợp liên ngành giữa các Bộ, hợp tác liên trường để có thể tận dụng những nguồn lực chung trong việc phát triển hợp tác đào tạo quốc tế. III. KẾT LUẬN Việc nghiên cứu “cơ sở lý luận và thực tiễn trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay” là thật sự cần thiết dựa vào những phân tích trong bài việc. Qua đó, bài viết đã nêu ra thực trạng những hạn chế, khó khăn nhằm đề xuất những giải pháp hành động ngắn hạn và dài hạn cho hoạt động hợp tác quốc tế để cập nhật những xu thế, tri thức mới của thế giới trong quá trình đào tạo của các cơ sở GDĐH, nhằm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Nguyễn Thị Thúy (2022) Hiệu quả chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách tài chính. [2] Shinjo Okuda and Yukihiko Hishimura (1983) The Development of Secondary Education in Japan after World War II, Higher Education. [3] Christelle Garrouste (2010) 100 Years of Educational Reforms in Europe, Publications Office of the European Union. [4] Quốc hội (2012), Luật GDĐH năm 2012. [5] Quốc hội (2014), Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, số 47/2014/QH13 ngày 16/6/2014 và Luật số 51/2019/QH14 ngày 25/11/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật số 47/2014/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. [6] Chính phủ (2020), Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. [7] Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 về việc tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; Công văn số 825/BNG-CNV ngày 10/3/2020 của Bộ Ngoại giao đính chính Quyết định 06/2020/QĐ-TTg. [8] Chính phủ (2014), Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. [9] Chính phủ (2020), Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về việc Quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Nghị định 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 về Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. 502
  9. [10] Phòng hợp tác quốc tế Trường Đại học Cần Thơ, Sự kiện IELTS Day (2018), https://dir.ctu.edu.vn/tin-tuc-an/73-su-kien-ielts-day-tai-truong-dai-hoc-can-tho; Celebration of the first anniversary of American Hangout (2019) https://en.ctu.edu.vn/news- t/celebration-of-the-first-anniversary-of-american-hangout.html; Đoàn sinh viên Ấn Độ học tập ngắn hạn tại Trường Đại học Cần Thơ (2023) https://www.ctu.edu.vn/tin-tuc-su-kien- t/doan-sinh-vien-an-do-hoc-tap-ngan-han-tai-truong- dhoccantho.html?fbclid=IwAR0TWgPMIBHwJOE9n- jOUHJGoRV661wyL9li5EIREPYiRvVku5Auww_p1og. [11] Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Tuyển dụng nhân sự UEH – Giảng viên (Lecturer),https://tuyendung.ueh.edu.vn/DotTuyenDung/ViTriTuyenDung/10108?fbclid=Iw AR2EqFsEVboEMAahqBS_Ts1J5qR47jDT1jQLCE96S4rJRI2f4lMw80HXjJo. [12] Bộ giáo dục và đào tạo (2019), 37.5% giảng viên chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục. [13] Nguyễn Quang Thuấn (2019), Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 5. [14] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020), Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT ngày 6/10/2020 quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. [15] Chính phủ (2022), Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 6/4/2022 về sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 503
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2