intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đánh giá nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

12
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Đánh giá nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ" nhằm đánh giá nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp ở huyện Phong Điền (TPCT) thông qua quan điểm từ nhà khoa học, công ty lữ hành, hộ dân hoạt động du lịch nông nghiệp và du khách; từ đó nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác tài nguyên và phát triển du lịch nông nghiệp được hiệu quả trong thời gian tới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đánh giá nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

  1. ĐÁNH GIÁ NGUỒN TÀI NGUYÊN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP TẠI HUYỆN PHONG ĐIỀN, THÀNH PHỐ CẦN THƠ Trương Trí Thông1, Nguyễn Trọng Nhân2, Nguyễn Huỳnh Phước Thiện3 Tóm tắt: Du lịch nông nghiệp được xác định là một trong những loại hình du lịch phát triển chủ đạo ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Để huyện Phong Điền (Cần Thơ) có cơ sở khoa học trong khai thác nguồn tài nguyên du lịch phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp hợp lý, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp ở huyện Phong Điền với phương pháp phỏng vấn sâu, phỏng vấn bằng bản câu hỏi và quan sát thực địa. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp ở huyện Phong Điền được các chuyên gia, công ty du lịch lữ hành, du khách và hộ nông dân đánh giá là đa dạng bao gồm cả tài nguyên du lịch nông nghiệp tự nhiên và văn hoá; qua đó một số giải pháp được đề xuất nhằm khai thác nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp tại huyện Phong Điền được hiệu quả trong thời gian tới. Từ khoá: Du lịch nông nghiệp, huyện Phong Điền, tài nguyên du lịch, thành phố Cần Thơ. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Vào khoảng đầu thế kỷ thứ XX, du lịch nông nghiệp (DLNN) bắt đầu được ra đời ở châu Mỹ và châu Âu (Arroyo, 2013), đây là một loại hình du lịch đặc biệt được kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp (Rong-Da Liang, 2017). Và từ năm 1980 trở đi, DLNN đã dần trở nên phổ biến và lan rộng ra nhiều châu lục khác nhau (Ngô Thị Phương Lan và cộng sự, 2021). Du lịch nông nghiệp được hiểu là bao gồm một loạt các hoạt động giải trí, giáo dục hoặc thư giãn được thực hiện tại các trang trại đang hoạt động hoặc các hoạt động nông nghiệp khác để thu hút du khách (Barbieri, 2013). Một trong những thành phần tạo nên lực hấp dẫn của sản phẩm du lịch và dịch vụ là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn để thoả mãn nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách, là những cảnh quan thiên nhiên đẹp nổi tiếng, các kỳ quan, các di sản văn hoá thế giới, các di tích lịch sử tôn giáo, phong tục tập quán,… (Phạm Lê Hồng Nhung và cộng sự, 2022: 7). Đối với DLNN, tài nguyên của loại hình du lịch này là tất cả những gì phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều thuộc về tài nguyên DLNN, bao gồm cả tư liệu sản xuất, đất đai, sông ngòi, ao hồ, con người, quy trình sản xuất, tập quán canh tác, sản phẩm sản xuất, môi trường, khí hậu, thời tiết, di tích, tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực,… Đồng thời, phần lớn DLNN hướng đến trải Khoa Du lịch - Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Kiên Giang (ttthongcantho@gmail.com). 1 Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ. 2 Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tây Đô. 3
  2. 344 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... nghiệm một nền văn hoá mới, đó là thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên với những trang trại, cánh đồng, sông nước hữu tình, được trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động dân dã của người nông dân (Đoàn Mạnh Cương, 2023: 20). Do đó, việc khai thác và phát triển DLNN sẽ tận dụng các nguồn tài nguyên du lịch tại vùng nông thôn bao gồm cả tài nguyên tự nhiên (sông ngòi, sinh vật, thực vật,…) và văn hoá (lễ hội, ẩm thực, công trình tín ngưỡng,…). Huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ (TPCT) có tài nguyên DLNN đa dạng và độc đáo, mang đậm nét văn hoá sông nước miệt vườn, chính vì vậy, huyện được xác định là một trong những địa bàn có tiềm năng và cần khai thác phát triển mạnh loại hình DLNN trong Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030”. Trong thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung phát triển du lịch tại huyện Phong Điền như phát triển du lịch cộng đồng (Trần Thị Kiều Trang và cộng sự, 2021), du lịch homestay (Nguyễn Ngọc Minh và cộng sự, 2019), du lịch nông thôn (Nguyễn Quốc Nghi, 2019), du lịch trải nghiệm (Huỳnh Văn Đà và Trần Thái Di, 2021),... thế nhưng nghiên cứu về tài nguyên DLNN ở huyện còn rất hạn chế. Chính vì vậy, nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thông tin hữu ích cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và hộ kinh doanh, hoạt động DLNN khai thác tài nguyên DLNN tại huyện được bài bản và hiệu quả, nghiên cứu này được thực hiện. Nghiên cứu thực hiện đánh giá nguồn tài nguyên DLNN ở huyện Phong Điền (TPCT) thông qua quan điểm từ nhà khoa học, công ty lữ hành, hộ dân hoạt động DLNN và du khách; từ đó nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác tài nguyên và phát triển DLNN được hiệu quả trong thời gian tới. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Phương pháp phỏng vấn sâu Theo Creswell (2007), với kỹ thuật phỏng vấn để đảm bảo độ tin cậy và đạt được sự bão hoà thông tin thì cần phỏng vấn từ 20 - 30 đáp viên. Do đó, nghiên cứu đã phỏng vấn sâu lấy ý kiến của 21 cá nhân, trong đó có 08 đại diện của công ty du lịch lữ hành tại địa bàn TPCT, 08 nhà khoa học trong lĩnh vực du lịch và 05 hộ dân kinh doanh, hoạt động DLNN bằng bản câu hỏi bán cấu trúc. 2.2. Phương pháp phỏng vấn bằng bản câu hỏi Ngoài phỏng vấn sâu, nghiên cứu thu thập dữ liệu sơ cấp bằng bản câu hỏi với các nội dung liên quan đến tài nguyên DLNN ở huyện Phong Điền, TPCT. Các tiêu chí đo lường trong bản câu hỏi được xây dựng dựa trên tham khảo các công trình nghiên cứu có liên quan (Bảng 1). Bản câu câu hỏi được nhóm nghiên cứu phỏng vấn ý kiến du khách bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Thời gian phỏng vấn từ 19/8/2023 đến
  3. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 345 04/9/2023, kết quả có 157 quan sát được thu thập. Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 25.0 với phương pháp thống kê mô tả dưới dạng giá trị trung bình và phần trăm. Bảng 1. Nguồn thang đo tài nguyên du lịch nông nghiệp Tài nguyên du lịch nông nghiệp Nguồn tham khảo Có những loại cây trồng, vật nuôi độc đáo, hấp dẫn Có phong cảnh đẹp và thanh bình Nguyễn Trọng Nhân, (2023) Có nhiều hoạt động giải trí, trải nghiệm thú vị Nghề truyền thống ở điểm du lịch hấp dẫn Phan Việt Đua và cộng sự, (2022), Ngô Thị Phương Lan và cộng sự, Món ăn địa phương độc đáo, hấp dẫn (2022) Ngô Thị Phương Lan và cộng sự, (2022), Trần Quốc Nhân và Tống Thị Đặc sản địa phương đa dạng và hấp dẫn Mộng Trinh, (2022) 2.3. Phương pháp quan sát thực địa Để đánh giá được thực tế thực trạng tài nguyên DLNN ở huyện Phong Điền, nhóm nghiên cứu đã thực hiện quan sát thực địa tại các điểm tham quan, DLNN trên địa bàn huyện như vườn trái cây Vàm Xáng, bánh hỏi Út Dzách, vườn ca cao Mười Cương, vườn trái cây 9 Hồng, vườn dâu, Làng du lịch Ông Đề,… từ ngày 28/7/2023 đến ngày 23/12/2023 với số lần quan sát thực địa là 05 lần. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Đánh giá nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ Phong Điền là một huyện ven TPCT được mệnh danh là “vành đai xanh” hay “lá phổi xanh” của thành phố. Huyện Phong Điền là một đơn vị trong 09 quận huyện của TPCT với diện tích toàn huyện là 119,48km2 (năm 2021). Huyện có vị trí địa lý thuộc hướng Đông Nam của thành phố, có toạ độ từ 105013’38’’ đến 105050’35’’ kinh độ Đông, từ 9005’58’’ đến 10019’38’’ vĩ độ Bắc. Phía bắc của huyện Phong Điền giáp quận Ô Môn và quận Bình Thuỷ, phía đông giáp quận Ninh Kiều và quận Cái Răng, phía tây giáp huyện Cờ Đỏ, và phía nam giáp tỉnh Hậu Giang; hiện nay, huyện gồm 07 đơn vị hành chính bao gồm 01 thị trấn (thị trấn Phong Điền) và 06 xã (Nhơn Ái, Giai Xuân, Tân Thới, Trường Long, Mỹ Khánh, Nhơn Nghĩa) (Cổng thông tin điện tử huyện Phong Điền, 2021). Huyện Phong Điền có nhiều tiềm năng phát triển DLNN, các chuyên gia cũng đánh giá rằng tại địa bàn huyện “có nhiều tài nguyên gắn liền với loại hình DLNN, nổi bật, phong phú” bao gồm cả tài nguyên DLNN tự nhiên “Phong Điền có vườn cây ăn trái, không gian cây trái nhà vườn, rẫy hoa màu, ruộng lúa, vườn ươm các cây giống, không gian sông nước, kênh rạch; hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc”(Phỏng vấn sâu, 2023) và tài nguyên DLNN văn hoá “văn hoá cộng đồng địa phương, nghề truyền thống (lò rèn, đan lát), lễ hội, loại hình nghệ thuật, các món ăn truyền thống;
  4. 346 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... các điểm sản xuất bánh, thực phẩm truyền thống (bánh hỏi, hủ tiếu, làm bánh dân gian,...), văn hoá tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống - đờn ca tài tử, làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương,…” (Phỏng vấn sâu, 2023). Theo đánh giá của du khách, nguồn tài nguyên DLNN tại huyện Phong Điền, TPCT ở mức tốt (M=3,86). Trong đó, địa bàn huyện có nhiều hoạt động giải trí, trải nghiệm thú vị liên quan đến nông nghiệp (M=4,03) như trải nghiệm hái trái cây, dỡ chà bắt cá, ươm cây giống, nấu ăn, làm bánh hỏi mặt võng, làm bánh dân gian,… các hoạt động trải nghiệm này đều mang nét đặc trưng văn hoá sông nước miệt vườn Phong Điền nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bên cạnh đó, các hoạt động giải trí còn mang nét sông nước nông nghiệp tại các khu vui chơi giải trí như ở làng du lịch Mỹ Khánh và làng du lịch Ông Đề đã tạo nên sức hấp dẫn và thu hút du khách. Không những vậy, tại các điểm DLNN du khách còn có thể giải trí hoặc trải nghiệm về văn hoá nghệ thuật truyền thống gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp như đờn ca tài tử, điệu hò, điệu lý,… hiện nay hoạt động giải trí này đã được một số điểm lưu trú đưa vào hoạt động về đêm để du khách thưởng thức. Yếu tố tài nguyên DLNN này là lý do mà 61,1% du khách đã lựa chọn huyện Phong Điền là điểm đến DLNN trong chuyến đi của mình và 66,9% du khách đã tham gia vào quá trình trải nghiệm, giải trí liên quan đến nông nghiệp. Bảng 2. Đánh giá nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp tại huyện Phong Điền qua ý kiến của du khách Tài nguyên du lịch nông nghiệp Giá trị trung bình Độ lệch chuẩn Kết luận Có những loại cây trồng, vật nuôi độc đáo, hấp dẫn 3,75 0,940 Đồng ý Có phong cảnh đẹp và thanh bình 3,77 0,986 Đồng ý Có nhiều hoạt động giải trí, trải nghiệm thú vị 4,03 1,006 Đồng ý Nghề truyền thống ở điểm du lịch hấp dẫn 3,83 0,854 Đồng ý Món ăn địa phương độc đáo, hấp dẫn 3,87 0,899 Đồng ý Đặc sản địa phương đa dạng và hấp dẫn 3,92 1,003 Đồng ý Nguồn: Khảo sát của tác giả, 2023 Trong quá trình tham gia vào hoạt động du lịch, tham quan tại điểm đến nông nghiệp, du khách thường có nhu cầu mua sắm những đặc sản gắn với nền nông nghiệp đặc trưng của địa phương, các đặc sản nhà làm, sản phẩm OCOP,… các sản phẩm này một mặt mang về lưu niệm đánh dấu về kỷ niệm chuyến đi, một mặt còn được dùng để tặng cho người thân, bạn bè. Du khách đánh giá đặc sản địa phương ở huyện Phong Điền đa dạng và hấp dẫn (M=3,92), từ một nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều loại đặc sản khác nhau, chẳng hạn như ca cao tại vườn ca cao Mười Cương với đa dạng sản phẩm như bột ca cao, bơ ca cao, rượu ca cao, hạt ca cao sấy,… ngoài ra, huyện Phong Điền còn có nhiều đặc sản nhà làm khác như rượu, bánh tráng, bánh hỏi,… Có đến 82,8% du khách đã mua đặc sản nơi đây, những loại đặc sản này được
  5. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 347 du khách mua với nhiều mục đích khác nhau, trong đó hai mục đích mà du khách mua nhiều nhất là tiêu thụ và làm quà tặng. Ngoài ra, ẩm thực gắn với nông nghiệp cũng tạo nên sức hấp dẫn du khách và tạo nên sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh về điểm đến DLNN. Huyện Phong Điền được du khách đánh giá là có món ăn địa phương độc đáo, hấp dẫn (M=3,87) với một số loại nông sản nổi tiếng được chế biến thành các món ăn như dâu Hạ Châu, gà um dâu Hạ Châu, gà hấp củ lùn, gỏi bông bần (hoa thuỷ liễu), bánh hỏi mặt võng, rượu Trường Long, sản phẩm từ ca cao, rượu cóc, rượu dâu,… Các chuyên gia đánh giá rằng, “du khách đến DLNN tại huyện Phong Điền sẽ được tham gia, gắn kết nhiều hoạt động, sinh hoạt cộng đồng cũng như là thưởng thức trái ngon tại vườn cùng với các món ăn dân dã khác” (Phỏng vấn sâu, 2023). Đây sẽ là một tiềm năng giúp phát triển DLNN gắn với ẩm thực cũng như góp phần hoàn thiện trong chuỗi cung ứng của DLNN đến với du khách. Nghề truyền thống gắn với nông nghiệp cũng là một trong những địa điểm tham quan đặc trưng khi du khách đến với vùng nông thôn, vùng sản xuất nông nghiệp. Đây là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống trong sản xuất cũng như nơi du khách có thể trải nghiệm vào quá trình sản xuất sản phẩm hoặc mua sản phẩm lưu niệm. Nghề truyền thống nông nghiệp ở huyện Phong Điền được du khách đánh giá hấp dẫn (M=3,83) có thể kể đến như chằm nón, đan rổ, làm bánh hỏi, chế biến các sản phẩm từ ca cao, rượu Trường Long,… Các nghề truyền thống ở Phong Điền không chỉ là nét văn hóa nông nghiệp đặc trưng mà còn là những điểm tham quan, trải nghiệm thú vị với nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế với các hoạt động như tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu đời sống và quy trình sản xuất, trải nghiệm làm thử sản phẩm, học cách chế biến món ăn,… Đây cũng là địa điểm mà 52,9% du khách đã tham gia khi đến DLNN ở Phong Điền. Rõ ràng tiềm năng DLNN gắn với nghề truyền thống ở Phong Điền là rất lớn, nếu phát huy đúng tiềm năng và có hướng phát triển rõ ràng, hợp lý thì DLNN gắn với nghề truyền thống sẽ là một trong những thế mạnh phát triển DLNN ở địa bàn huyện. Đối với yếu tố tự nhiên trong nông nghiệp, điểm DLNN huyện Phong Điền được du khách đánh giá có phong cảnh đẹp và bình dị (M=3,77) và đây cũng là yếu tố tài nguyên du lịch làm cho 76,4% du khách được khảo sát lựa chọn Phong Điền để thực hiện chuyến DLNN. Du khách đến với vùng nông thôn và nông nghiệp du lịch thường vì mục đích tìm về nơi có ít khói bụi, ít ồn ào và tìm về cuộc sống bình dị, trong lành. Theo kết quả phỏng vấn sâu cũng cho thấy “Phong Điền là lá phổi xanh của TPCT, có không gian thiên nhiên xanh mát, mang đậm chất của làng quê Nam bộ đặc trưng, sông nước; có nguồn tài nguyên tự nhiên thuận lợi cho nông nghiệp như kênh ngòi sông rạch dày đặc, hàm lượng phù sa dồi dào vì nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long”, vì vậy đây cũng là nguồn tài nguyên du lịch thích hợp trong phát triển DLNN.
  6. 348 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Hơn thế nữa, huyện Phong Điền được du khách đánh giá là nơi có những loại cây trồng, vật nuôi độc đáo, hấp dẫn (M=3,75); và theo ý kiến phỏng vấn sâu cho thấy “Phong Điền là huyện sinh thái có nhiều vườn cây ăn trái; cây trái đặc trưng miệt vườn sông nước; là địa phương có sản lượng cây ăn quả lớn nhất TPCT; vườn ươm cây giống bằng hình thức truyền thống dùng lá chuối và phân tro chấu; thuận lợi khai thác du lịch vườn trái cây và các sản phẩm có liên quan; sẽ tạo ra một loại hình văn hoá đặc trưng địa phương sẽ thu hút khách du lịch đến”. Điểm mạnh trong DLNN ở huyện Phong Điền là các vườn cây ăn trái, chiếm 1/3 diện tích trồng cây ăn trái của toàn TPCT, cụ thể là hơn 8.500 ha (Yến Thanh, 2023), tại địa bàn huyện trồng nhiều chủng loại cây khác nhau như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, dâu Hạ Châu, cam, vú sữa,… mỗi mùa trong năm đều có mỗi loại khác nhau, giúp thời gian DLNN trong năm được đa dạng, thu hút du khách đến với huyện Phong Điền bất kỳ thời điểm nào trong năm, ví dụ như vú sữa có từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau; từ tháng tháng 4 đến tháng 7 âm lịch có sầu riêng; từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch có nhãn; chôm chôm thì từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch; măng cụt có vào tháng 5 đến tháng 9 âm lịch; dâu Hạ Châu từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch; một số loại khác như cam mật, cam sành, mít, ổi, cóc,… thì hầu như có quanh năm (Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch huyện Phong Điền, 2023). Với sự sum suê của cây trái quanh năm sẽ giúp DLNN ở huyện Phong Điền có thể thu hút và hấp dẫn du khách, nhất là khách du lịch thành thị và quốc tế đến để tham quan, chụp ảnh, thu hoạch và thưởng thức, mua sản phẩm,… Chính vì vậy, 94,9% du khách được khảo sát cho biết đây là lý do mà họ quyết định lựa chọn thực hiện chuyến DLNN tại huyện Phong Điền, TPCT. Qua phân tích về nguồn tài nguyên DLNN ở huyện Phong Điền có thể thấy, trên địa bàn huyện hội tụ đủ các tài nguyên nông nghiệp từ tự nhiên đến văn hoá để phát triển DLNN, các nguồn tài nguyên này có thể bổ trợ lẫn nhau trong một điểm đến DLNN hoặc tách biệt nhằm tạo ra nhiều sản phẩm DLNN khác nhau như DLNN dựa vào cộng đồng, DLNN miệt vườn, DLNN làng nghề, DLNN ẩm thực, du lịch lễ hội và sự kiện nông nghiệp, du lịch văn hoá - di sản nông nghiệp, DLNN gắn với sản phẩm OCOP,… Nếu khai thác tốt những nguồn tài nguyên DLNN này thì sẽ “có sức hút đối với khách ở khu vực thành thị nhất là khu vực miền Trung và miền Bắc, đặc biệt là du khách nước ngoài” (Phỏng vấn sâu, 2023). Mặc dù vậy, hiện nay nguồn tài nguyên DLNN huyện Phong Điền chưa được khai thác hiệu quả và tương xứng với tiềm năng vốn có của nó để tạo nên những sản phẩm DLNN đặc trưng, mới lạ và hấp dẫn du khách. Theo đánh giá của các nhà khoa học và công ty lữ hành, nguồn tài nguyên DLNN ở huyện Phong Điền có rất nhiều tiềm năng nhưng việc khai thác thành các sản phẩm du lịch còn hạn chế “các mô hình DLNN bị trùng lặp ý tưởng, loại hình du lịch còn quá đơn điệu, mang tính đại trà, sản phẩm DLNN của các doanh nghiệp, hộ dân còn giống nhau; sản phẩm DLNN đại diện chưa rõ, chưa có sản phẩm DLNN đặc
  7. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 349 thù, đặc trưng, còn bị trùng lắp, sản phẩm na ná các điểm và khu DLNN khác tại Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long và các vùng lân cận” (Phỏng vấn sâu, 2023). Đồng thời, “chưa đa dạng phong phú về các hoạt động vui chơi giải trí, dễ tạo ra cảm giác nhàm chán cho du khách” (Phỏng vấn sâu, 2023), một số điểm DLNN ở huyện Phong Điền “chưa thật sự đúng với DLNN, chưa tạo ra chuỗi giá trị cho du khách trải nghiệm, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có giá trị cao từ sản phẩm nông nghiệp, chưa được khai thác nhiều vườn trái khai thác du lịch chuẩn sinh thái và đặc biệt cho các giai đoạn trái mùa để thu hút khách du lịch đến” (Phỏng vấn sâu, 2023). 3.2. Giải pháp khai thác nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ Qua đánh giá nguồn tài nguyên DLNN ở huyện Phong Điền, TPCT từ ý kiến nhà khoa học, công ty lữ hành, hộ nông dân hoạt động DLNN và quan sát thực địa, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần khai thác tài nguyên để phát triển DLNN ở huyện Phong Điền được hiệu quả như sau: Thứ nhất, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên DLNN tự nhiên. Huyện Phong Điền cần xác định những thế mạnh và tài nguyên du lịch hiện có để hướng đến việc xây dựng mô hình DLNN, nhất là các tài nguyên bản địa đặc trưng. Huyện Phong Điền cần khai thác và phát triển mô hình DLNN dựa vào cộng đồng với quy luật “thuận thiên”, tức dựa trên cơ sở các giá trị văn hoá của cộng đồng và hoạt động theo xu hướng du lịch chậm, không chạy theo xu hướng “bê tông” hoá với các dịch vụ hiện đại tại điểm DLNN, nhằm giữ vững không gian thôn quê, yên bình và trong lành. Để thực hiện được điều này, DLNN ở Phong Điền cần phải khai thác tài nguyên dựa trên tài nguyên nông nghiệp bản địa bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên lẫn tài nguyên du lịch văn hoá như các loài cây ăn trái bản địa để phục vụ du khách, các vườn cây ăn trái cần trồng và chăm sóc theo hình thức “thuận thiên” như mô hình sinh thái đa tầng, sử dụng thiên địch, chất trồng hữu cơ,… Các chủ vườn có thể chia thành hai khu trong vườn, một nơi để khai thác du lịch, một nơi để bán ra thị trường, vì hiện nay các chủ đang khai thác chung một khu vườn và để rất nhiều bản “cấm hái trái”, “khu vực trái có phun thuốc sâu, không được hái”; có như vậy mới tạo nên nhiều giá trị trải nghiệm cho du khách. Thứ hai, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên DLNN văn hoá. Bên cạnh đó, cần khai thác các giá trị văn hoá vật thể lẫn phi vật thể liên quan đến sản xuất nông nghiệp để phục vụ du lịch gồm ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, các công trình tín ngưỡng nông nghiệp, lễ hội nông nghiệp, các loại hình biểu diễn nghệ thuật,… nhất là những giá trị văn hoá đã mang thương hiệu nhằm liên kết tạo thành tuyến tham quan DLNN trong các chương trình du lịch. Ngoài ra, có thể tổ chức thêm các lễ hội du lịch liên quan đến nông nghiệp nhằm một mặt quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương, một mặt giới thiệu loại hình DLNN tại huyện. Thứ ba, khai thác và phát triển đa dạng sản phẩm và loại hình DLNN. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và chính quyền địa phương cần phối hợp với chuyên gia,
  8. 350 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... công ty du lịch lữ hành và hộ nông dân để nghiên cứu và xây dựng nên các sản phẩm và loại hình DLNN khác nhau để đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách như phát triển tổng thể sức mạnh của cộng đồng địa phương và tài nguyên DLNN cộng đồng để hình thành nên DLNN dựa vào cộng đồng, hay khai thác các khía cạnh tài nguyên nông nghiệp sinh thái miệt vườn để tạo ra sản phẩm DLNN miệt vườn; hoặc phát triển sản phẩm DLNN xanh dựa trên việc khai thác cách thức và quy trình sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGap; DLNN làng nghề, DLNN ẩm thực dựa trên các món ăn, đặc sản được chế biến từ sản vật địa phương, du khách sẽ thưởng thức hoặc trải nghiệm chế biến món ăn; du lịch lễ hội và sự kiện nông nghiệp; du lịch văn hoá - di sản nông nghiệp, DLNN gắn với sản phẩm OCOP,… hướng đến mô hình “mỗi nhà một sản phẩm nông nghiệp”. Thứ tư, khai thác và phát triển đa dạng hoạt động vui chơi giải trí, trải nghiệm. Các điểm DLNN ở huyện cần khai thác đưa các hoạt động trải nghiệm vào quá trình tham quan như hướng dẫn hái trái cây, hướng dẫn nấu ăn từ sản phẩm mà du khách thu hoạch được, hướng dẫn tạo ra sản phẩm nông nghiệp,… Đồng thời, các điểm vui chơi giải trí cần đa dạng hoạt động giải trí mang tính dân gian vùng thôn quê miền Tây. Song song đó, các điểm DLNN có dịch vụ lưu trú cần chú ý đến khai thác và phát triển các sản phẩm, hoạt động về đêm để tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách như các hoạt động đờn ca tài tử, điệu hò, điệu lý, đánh bắt thuỷ sản về đêm,… Ngoài những sản phẩm và dịch vụ trải nghiệm, tham quan thì mô hình DLNN phải hướng đến sự giáo dục và truyền tải thông điệp tích cực. Mỗi sản phẩm phải sưu tầm, xây dựng một câu chuyện riêng (truyền thuyết, lợi ích sức khoẻ của sản phẩm, công dụng ngày xưa và hiện tại,…) để tăng sự kích thích và gợi sự tò mò, thích thú trong quá trình trải nghiệm của du khách, nhất là hướng đến các thế hệ trẻ, du khách ở khu vực đô thị hiểu biết thêm về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thứ năm, đa dạng sản phẩm quà tặng và quà lưu niệm, đặc sản. Các hộ dân hoạt động DLNN cần chú trọng đến khai thác các sản phẩm từ nông nghiệp thành các sản phẩm quà tặng, đặc sản và quà lưu niệm cho du khách. Các sản phẩm đặc sản, quà tặng, quà lưu niệm cần mang tính đặc trưng của địa điểm tham quan. Không những vậy, cần đa dạng về mẫu mã, tính năng sử dụng, công dụng, giá cả để phù hợp với đa dạng nhóm khách. Đồng thời, các hộ dân có hoạt động phục vụ ăn uống tại điểm tham quan cần chú ý đến phục vụ các món ăn đặc sản, chế biến các món ăn từ nguyên liệu địa phương, nguyên liệu theo mùa tại vùng đất miền Tây sông nước. 4. KẾT LUẬN Tài nguyên du lịch là một trong những điều kiện quan trọng để hình thành nên các sản phẩm và loại hình du lịch. Huyện Phong Điền, TPCT có nhiều nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng phát triển DLNN. Để có cơ sở khai thác và phát triển DLNN ở
  9. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 351 huyện Phong Điền được hiệu quả, bài bản và bền vững, nghiên cứu tiến hành đánh giá nguồn tài nguyên DLNN trên địa bàn huyện thông qua ý kiến và quan điểm của nhiều bên liên qua cũng như quan sát thực địa. Kết quả cho thấy, nguồn tài nguyên DLNN ở huyện Phong Điền, TPCT đa dạng về cả tự nhiên lẫn văn hoá, trong đó các chuyên gia, nhà kinh doanh lữ hành và hộ nông dân đánh giá cao về nguồn tài nguyên nông nghiệp tự nhiên; còn đối với du khách thì đánh giá cao về yếu tố văn hoá như các hoạt động giải trí và trải nghiệm liên quan đến nông nghiệp, nghề truyền thống và đặc sản địa phương. Qua đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp cho các bên liên quan đến DLNN bao gồm: khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên DLNN tự nhiên và tài nguyên DLNN văn hoá; khai thác và phát triển đa dạng sản phẩm và loại hình DLNN; khai thác và phát triển đa dạng hoạt động vui chơi giải trí, trải nghiệm; đa dạng sản phẩm quà tặng và quà lưu niệm, đặc sản. Với những đề xuất trên hy vọng nguồn tài nguyên nông nghiệp nói riêng và DLNN Phong Điền nói chung trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, nâng cao sự hài lòng và lòng trung thành của du khách. Nghiên cứu này có những ý nghĩa thực tiễn trong việc đóng góp cơ sở khoa học quan trọng về thực trạng nguồn tài nguyên DLNN tại Phong Điền (TPCT), giúp cho các bên liên quan có cái nhìn tổng quát, chuyên sâu về tài nguyên DLNN và là cơ sở để khai thác và phát triển DLNN trên địa bàn huyện. Mặc dù có những đóng góp quan trọng, nhưng nghiên cứu này cũng còn một số hạn chế như: (1) thiếu đánh giá từ khách du lịch quốc tế, do đó nghiên cứu trong tương lai cần bổ sung ý kiến của nhóm khách du lịch này; (2) bổ sung thêm ý kiến và quan điểm từ các hộ dân chưa tham gia hoặc sắp tham gia vào hoạt động DLNN; (3) bổ sung thêm sự so sánh về đánh giá giữa du khách nội địa và du khách quốc tế về các yếu tố thuộc tài nguyên DLNN. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Austin Rong-Da  Liang. (2017). “Considering the role of agritourism co-creation from a service-dominant logic perspective”. Tourism Management 61: pp.354-367. 2. Carla Barbieri. (2013). “Assessing the sustainability of agritourism in the US: A comparison between agritourism and other farm entrepreneurial ventures”.  Journal of Sustainable Tourism 21(2): pp.252-270. 3. Claudia Gil Arroyo, Carla Barbieri, Samantha Rozier Rich. (2013). “Defining agritourism: A comparative study of stakeholders’ perceptions in Missouri and North Carolina”. Tourism Management 37: 39-47. 4. Đoàn Mạnh Cương. (2023). “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Bài trình bày tại Hội thảo khoa học Xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội, Hà Nội. 5. Huỳnh Văn Đà và Trần Thái Di. (2021). “Nhu cầu của du khách về du lịch trải nghiệm tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ”. Tạp chí Nghiên cứu Địa lý Nhân văn, 3 (34): 73-81.
  10. 352 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 6. John W. Creswell. (2007). Qualitative inquiry and research design: Choosing among five approaches (2nd edn.). US: SAGE Publications. 7. Ngô Thị Phương Lan, Nguyễn Thị Vân Anh và Trần Tuyên. (2021). “Phát triển du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long - Góc nhìn từ nông nghiệp và cộng đồng địa phương”. Tạp chí Khoa học Xã hội 9(277): 30-44. 8. Ngô Thị Phương Lan, Nguyễn Thị Vân Hạnh và Trần Tuyên. (2022). “Sự hài lòng của du khách đối với hoạt động du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long”. Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, 8 (3): 322-335. 9. Nguyễn Ngọc Minh, Bùi Văn Sáu và Dương Thanh Xuân. (2019). “Phát triển du lịch homestay tại thành phố Cần Thơ”. Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, số chuyên đề: 175-187. 10. Nguyễn Quốc Nghi. (2019). “Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của loại hình du lịch nông thôn ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ”. Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai, 12: 29-38. 11. Nguyễn Trọng Nhân (2023). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nông nghiệp ở thành phố Cần Thơ. Bài trình bày tại Hội thảo Khoa học Quốc tế Phát triển bền vững ngành Du lịch vùng Nam Bộ trong bối cảnh mới, NXB Lao động, Hồ Chí Minh. 12. Phạm Lê Hồng Nhung, Hồ Lê Thu Trang, Võ Hồng Phượng và Trần Thy Linh Giang. (2023). Giáo trình Quản trị du lịch và dịch vụ. Cần Thơ: NXB Đại học Cần Thơ. 13. Phan Việt Đua, Nguyễn Trọng Nhân, Phạm Thị Kiều Trân và Phạm Trần Thuỳ Linh. (2022). “Đánh giá sự hài lòng của khách du lịch đối với du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu”. Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, 8 (4): 54-69. 14. Trần Quốc Nhân và Tống Thị Mộng Trinh. (2022). “Cảm nhận của du khách về loại hình du lịch sinh thái miệt vườn ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ”. Tạp chí Phát triển bền vững vùng, 12(1): 133-142. 15. Trần Thị Kiều Trang, Tăng Tấn Lộc, Lê Văn Hiệu và Dương Thanh Xuân. (2019). “Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ”. Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, số chuyên đề: 155-164. 16. Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch huyện Phong Điền. (2023). “Bản đồ Du lịch sinh thái huyện Phong Điền”. Du lịch huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ (http:// dulichphongdien.vn/index.php/news/ban-do-du-lich-huyen-phong-dien). Truy cập tháng 8 năm 2023. 17. Yến Thanh. (2023). Cần Thơ: Phát triển du lịch gắn với bản sắc miệt vườn. Tạp chí điện tử Kinh tế môi trường (https://kinhtemoitruong.vn/can-tho-huyen-phong-dien-phat-trien-du- lich-gan-voi-kinh-te-vuon-77635.html). Truy cập tháng 8 năm 2023.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2