intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đào tạo ngành ngân hàng trong thời đại số

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

6
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Đào tạo ngành ngân hàng trong thời đại số" nghiên cứu xu hướng phát triển của các ngân hàng trong thời đại số, từ đó đề xuất một số giải pháp trong đào tạo ngành ngân hàng để bắt kịp xu hướng, đáp ứng tối đa các yêu cầu đối với nhân lực ngành này trong tương lai. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đào tạo ngành ngân hàng trong thời đại số

  1. ĐÀO TẠO NGÀNH NGÂN HÀNG TRONG THỜI ĐẠI SỐ ThS. Nguyễn Thị Anh Trâm1 Tóm tắt Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã có nhiều tác động đến lĩnh vực ngân hàng. Một số tác động có thể kể đến là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức hoạt động kinh doanh, cung cấp sản phẩm dịch vụ, cắt giảm một số vị trí việc làm, yêu cầu ngày càng cao đối với nhân viên… Từ thực tế đó yêu cầu các trường, các cơ sở đào tạo ngành ngân hàng cũng phải có những thay đổi về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy để có thể đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cao nhất các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Từ khóa: thời đại số, ngân hàng, đào tạo, nhân lực. 1. Đặt vấn đề Thời đại số, hay còn gọi là thời đại thông tin hay thời đại máy tính, là một giai đoạn trong lịch sử nhân loại với sự chuyển đổi từ ngành công nghiệp truyền thống sang nền kinh tế dựa trên số hóa. Sự chuyển đổi này đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Hệ quả của sự chuyển đổi này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong lĩnh vực ngân hàng là hệ thống các ngân hàng truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các ngân hàng công nghệ hiện đại. Để đáp ứng với sự thay đổi này, vấn đề nguồn nhân lực được xem là mắc xích quan trọng, là nền tảng cho sự thành công và phát triển bền vững của ngành ngân hàng trong thời đại số. Bài viết này nghiên cứu xu hướng phát triển của các ngân hàng trong thời đại số, từ đó đề xuất một số giải pháp trong đào tạo ngành ngân hàng để bắt kịp xu hướng, đáp ứng tối đa các yêu cầu đối với nhân lực ngành này trong tương lai. 2. Xu hướng phát triển ngành ngân hàng trong thời đại số - Phát triển ngân hàng số Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng từng bước tích hợp các công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) … vào sản phẩm, dịch vụ của mình. Trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chính phủ đã xác định tài chính – ngân hàng là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số trong các ngân hàng thương 1 Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Kế toán, Email: nguyenthianhtram@tckt.edu.vn, Số điện thoại: 0903150782 902
  2. mại nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính – ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến với những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngân hàng. Theo Báo cáo về Fintech và ngân hàng số năm 2025 khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Backbase (IDC & Backbase, 2021) trong thời gian tới, khoảng 44% trong số 250 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ làm việc trên các nền tảng hiện đại, cho phép kết nối dữ liệu thông qua các cổng API (Application Programming – Giao diện lập trình ứng dụng), 60% ngân hàng sẽ ứng dụng các công nghệ về AI/ML (Machine Learning) cho việc ra quyết định của mình. Như vậy, phát triển ngân hàng số không còn là lựa chọn mà là một yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ và giao dịch tài chính. Trong những năm gần đây, các ngân hàng trong nước đã chủ động quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, hợp tác với các công ty fintech, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ngân hàng số để cải tiến chất lượng dịch vụ tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay có đến 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó có 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Từ các thông tin trên có thể thấy, ngoài các vị trí công việc liên quan trực tiếp đến công nghệ như phát triển phần mềm, công nghệ thông tin, quản lý dự án công nghệ… thì các vị trí liên quan đến nghiệp vụ cũng đòi hỏi nhân viên ngân hàng phải có sự am hiểu nhất định về công nghệ bên cạnh sự am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ để có thể tiếp cận các công nghệ mới, xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất. - Cắt giảm nhân sự ở các vị trí việc làm mà máy móc công nghệ có thể thay thế được. Sự phát triển của khoa học công nghệ, xu hướng ngân hàng số phát triển mạnh mẽ đã và đang dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong hoạt động ngân hàng. Nhờ ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, các ngân hàng đã cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích như Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử , QR Code… Bên cạnh đó, việc số hóa cho phép các ngân hàng tăng hiệu quả và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời giảm chi phí hoạt động, cải tiến quy trình. Nhiều hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng đã cho phép khách hàng thực hiện từ xa như chuyển tiền, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn, kiểm tra thông tin tài khoản… Như 903
  3. vậy, các tác nghiệp ngân hàng truyền thống sẽ dần được thay thế bởi máy móc công nghệ, kéo theo đó một số vị trí công việc ngân hàng không cần đến sự hiện diện của nhân viên như giao dịch viên, bán lẻ, nhân viên tổng đài… Trong tương lai, khi trí tuệ nhân tạo được sử dụng rộng rãi, máy móc có thể dễ dàng quan sát và học hỏi từ con người, qua đó hoàn thiện đầy đủ các kỹ năng chỉ trong một thời gian ngắn thì việc cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng là điều tất yếu. Trên thực tế, xu hướng cắt giảm nhân sự đã diễn ra tại nhiều ngân hàng trên thế giới như: báo cáo của Bloomberg News cho thấy, ngân hàng toàn cầu cắt giảm 80.000 việc làm năm 2019 trong quá trình ứng dụng công nghệ số; năm 2020 HSBC cắt giảm khoảng 35.000 nhân sự để đẩy mạnh kế hoạch chuyển đổi số; báo cáo năm 2016 của Citigroup dự kiến 30% nhân lực ngành ngân hàng sẽ bị cắt giảm trong giai đoạn 2015 – 2025 do tác động của công nghệ số - Gia tăng nhu cầu tuyển dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, vừa am hiểu công nghệ Song song với việc sụt giảm nhân sự ở các vị trí công việc thủ công thì chuyển đổi số cũng đặt ra nhu cầu nhân lực có các kỹ năng chuyển đổi số, có khả năng thích ứng, đổi mới sáng tạo và nhân sự cho các vị trí công việc mới như nhân sự cho nghiên cứu, phát triển nhằm cung ứng các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, nhân sự về công nghệ… Theo kết quả khảo sát hiện trạng chuyển đổi số ngành ngân hàng tháng 8 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu nhân sự cho các vị trí công nghệ thông tin, chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, Marketing và kinh doanh trên nền tảng số. Khảo sát này cũng cho thấy thách thức lớn nhất trong xây dựng nguồn nhân lực chuyển đổi số của các ngân hàng là vấn đề “cạnh tranh cao trong tuyển dụng nhân sự”, vấn đề về “thiếu hụt nhân sự trình độ cao về chuyển đổi số, công nghệ mới” và vấn đề thiếu hụt nhân sự có trình độ về cả nghiệp vụ, công nghệ. Nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về công nghệ sẽ giúp cho việc quản lý, kiểm soát an toàn bảo mật của ngân hàng tốt hơn, có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công của tội phạm công nghệ cao. Khi nguồn nhân lực đủ mạnh sẽ giúp vận hành hiệu quả hạ tầng công nghệ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời đại số. 3. Một số đề xuất đối với việc đào tạo ngành ngân hàng trong thời đại số Từ phân tích xu hướng phát triển ngành ngân hàng trong thời đại số ở phần trên, để thích ứng với xu hướng phát triển của ngành, việc đào tạo ngành ngân hàng tại các trường đại học cũng cần có sự thay đổi để có thể cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Để làm được điều đó, tác giả xin có một số đề xuất sau: 904
  4. Về phía nhà trường Thứ nhất, các trường cần rà soát lại chương trình đào tạo của mình, cần giảm các môn học mang tính hàn lâm, tăng các môn học mang tính ứng dụng. Bên cạnh đó, để phát triển nguồn nhân lực đa năng, có kiến thức cần thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ ngân hàng hiện đại, các trường cũng cần điều chỉnh chương trình giảng dạy theo hướng đào tạo liên ngành, bổ sung và đào tạo chuyên sâu các ngành công nghệ tài chính, ngân hàng số, thương mại điện tử, quản trị công nghệ thông tin… Thứ hai, cùng với việc xây dựng lại chương trình đào tạo, các trường cần thay đổi phương thức đào tạo theo hướng đổi mới, xóa bỏ cách học thụ động, sách vở, tăng cường giờ thực hành, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận ứng dụng công nghệ hay mô hình hoạt động thực tế. Nhà trường liên kết với các ngân hàng tổ chức các khóa thực tập, trải nghiệm thực tiễn để các sinh viên có những kinh nghiệm và hình dung nhất định về công việc, môi trường làm việc mình sẽ làm khi ra trường, từ đó giúp sinh viên ra trường có thể làm việc ngay mà không cần đào tạo lại nghiệp vụ. Các Khoa chuyên ngành có thể tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa người học và đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp để sinh viên nắm bắt kịp xu hướng nghề nghiệp và những tình huống thực tế. Bên cạnh đó các trường cần tăng cường liên kết đào tạo quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng, nắm bắt các dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai để xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm tránh tình trạng cung lớn hơn cầu lao động. Thứ tư, thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường thông qua việc đổi mới cơ cấu tổ chức, cải tiến quy trình, tiến đến hình thành một trường đại học vận hành trên nền tảng công nghệ hiện đại. Cụ thể: các trường cần ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác giảng dạy và học tập; thúc đẩy số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa. Giảng viên cũng có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ dạy học nhằm đổi mới phương pháp dạy học như Mentimeter, Kahoot… Các công cụ này giúp sinh viên luyện tập, củng cố kiến thức và cảm thấy hứng khởi hơn đối với các môn học. Bên cạnh đó, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tìm kiếm tài liệu, tra cứu thông tin trên mạng internet. Đây là kho tri thức vô cùng đa dạng và phong phú. Về phía người học Để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng trong thời đại số, sinh viên ngành ngân hàng cần trang bị cho mình các kỹ năng sau: - Kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ 905
  5. Nhân sự cho ngành ngân hàng hiện không phải ở mức khan hiếm mà nguồn cung đang rất dồi dào. Tuy nhiên, các yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao và khắt khe hơn. Vì vậy, không phải sinh viên nào cầm tấm bằng đại học cũng có thể tìm được cho mình một công việc ở ngân hàng. Để tìm được công việc đúng chuyên ngành thì yêu cầu đầu tiên là sinh viên phải nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ. Nhân viên ngân hàng sẽ là người trực tiếp làm việc với khách hàng, nếu không nắm vững chuyên môn nghiệp vụ thì nhân viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm việc. Bên cạnh các tiết học ở trường, sinh viên phải biết tự đào sâu, tìm tòi học hỏi, liên hệ thực tế từ những điều đã được học để đỡ bị bỡ ngỡ khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. - Kỹ năng về công nghệ thông tin Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính – Ngân hàng trong cách mạng công nghiệp 4.0” do Học viện Ngân hàng tổ chức cuối tháng 9/2019, ông Phạm Xuân Hòe – Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng đã chỉ ra sự mâu thuẫn về nguồn nhân lực ngân hàng trong thời đại số đó là: nhân lực có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chiếm số lượng rất lớn (trên 90%) nhưng kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ năng ngoại ngữ còn rất hạn chế; hoặc có trường hợp nhân sự giỏi công nghệ thông tin nhưng lại không giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nên khi lập trình ứng dụng hiệu quả không cao, dễ gây mâu thuẫn trong tác nghiệp. Với xu hướng số hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện nay, phần lớn các quyết định công việc sẽ liên quan đến phân tích dữ liệu. Do vậy, để truy cập, xử lý dữ liệu đó, để liên lạc với các bên liên quan, tìm thông tin và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác đòi hỏi nhân viên phải am hiểu về công nghệ. Vì vậy, để có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà tuyển dụng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần định hướng rõ ràng đối với vị trí công việc sau khi tốt nghiệp, trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, sử dụng các phầm mềm chuyên dụng, kiến thức về thương mại điện tử… Đây sẽ là một điểm cộng quan trọng để các sinh viên có cơ hội thành công nhiều hơn khi ứng tuyển vào làm việc tại các ngân hàng. Bên cạnh kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng về công nghệ thông tin, sinh viên ngành ngân hàng cũng cần trang bị kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng bán hàng, khả năng tư duy và đổi mới sáng tạo để đáp ứng tốt nhất nhu cầu công việc khi ra trường. Về phía các cơ quan quản lý Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong từng thời kỳ để các trường làm cơ sở xây dựng chỉ tiêu đào tạo, kế hoạch đào tạo, tránh tình trạng đào tạo quá nhiều nhân lực ngân hàng so với nhu cầu thực tế của xã hội . 906
  6. 4. Kết luận Sự chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng công nghệ hiện đại trong thời đại số mang đến nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho khách hàng nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới, những tiêu chuẩn cao hơn đối với nhân lực ngành ngân hàng. Để có nguồn nhân lực chất lượng cung ứng cho ngành ngân hàng đòi hỏi phải có sự thay đổi từ chương trình đào tạo, phương thức đào tạo của các trường. Bên cạnh đó cũng cần có sự tự trang bị, nâng cao các kỹ năng từ phía người học và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 2. ThS. Chu Văn Huy (2021), Tăng cường các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, Báo điện tử truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-phat-trien- nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-thich-ung-voi-tien-trinh-chuyen-do.htm. 3. ThS. Nguyễn Thị Thu (2022), Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng - Thách thức từ nguồn nhân lực, Báo điện tử truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen- doi-so-trong-nganh-ngan-hang-thach-thuc-tu-nguon-nhan-luc.htm. 4. ThS. Phạm Mai Ngân, Nguyễn Thị Huyền Trang, TS. Nguyễn Thị Kim Oanh (2020), Phát triển nhân lực ngành ngân hàng trước yêu cầu kỷ nguyên số, Báo điện tử truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-nhan-luc-nganh-ngan-hang- truoc-yeu-cau-ky-nguyen-so.htm. 5. Website: https://vi.wikipedia.org 907
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
14=>2