intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

18
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở xác định những đặc trưng cơ bản của nguồn nhân lực số và phân tích những thách thức đặt ra đối với việc đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học, bài viết đề xuất một số vấn đề đổi mới giáo dục đại học nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 09. ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ThS. Hà Thị Liên* Tóm tắt Nguồn nhân lực số là tổng thể số lượng, chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức tạo nên năng lực của mỗi một con người khi tham gia vào quá trình lao động, sáng tạo. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) phát triển mạnh mẽ, nguồn nhân lực số có thể được xem là điểm tựa và khoa học - công nghệ được xem là đòn bẩy cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số thích ứng với môi trường số - để vận hành chính quyền số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường lao động. Trên cơ sở xác định những đặc trưng cơ bản của nguồn nhân lực số và phân tích những thách thức đặt ra đối với việc đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học, bài viết đề xuất một số vấn đề đổi mới giáo dục đại học nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Từ khóa: Nguồn nhân lực số; đào tạo nguồn nhân lực số; giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực số 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay, nguồn nhân lực (NNL) được tiếp cận từ những khía cạnh khác nhau, nhưng nhìn chung đều được hiểu một cách chung nhất là: NNL là tổng thể số l­ ợng và chất lượng con ng­ ời ư ư với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức tạo nên năng lực của bản thân mỗi người mà được huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội. * Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh 84
  2. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Mỗi một giai đoạn phát triển của nền kinh tế - xã hội đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ, đặc biệt là NNL. Vì vậy, tương ứng với nền kinh tế số, xã hội hội số mà chúng ta đang hướng tới phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó. Hay nói cách khác, nguồn nhân lực số là yếu tố cơ bản nhất để vận hành nền kinh tế số, xã hội số. Có thể hiểu nguồn nhân lực số là tổng thể số lượng, chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức tạo nên năng lực của mỗi một con người khi tham gia vào quá trình lao động, sáng tạo. Con người trong thế giới hiện nay đang sống trong một môi trường được bao quanh bởi công nghệ số. Chính việc ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội đã mang những trải nghiệm, thói quen, hành vi liên quan đến các công nghệ mới vào quá trình làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt là NNL trong các tổ chức, doanh nghiệp đang chịu tác động sâu sắc khi các vị trí nghề nghiệp liên tục biến đổi, mạng xã hội và công nghệ số ảnh hưởng mạnh mẽ lên quá trình vận hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Báo cáo về chuyển đổi số ở các nước ASEAN đã khẳng định rằng, các Chính phủ cần hành động để thích ứng với những tác động từ chuyển đổi số đến nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục, đào tạo năng lực số cho NNL nhằm đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu về nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp. Việt Nam đang từng bước ban hành và thực hiện những chính sách cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số một cách toàn diện. Điều đó được thể hiện rõ trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, trong đó xác định những mục tiêu quan trọng đến năm 2025 như: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% chế độ báo cáo của Chính phủ đều trực tuyến và số hóa; Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử... Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng xác định giáo dục là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên triển khai thực hiện với mục tiêu là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Để thực hiện được mục tiêu đó thì việc xây dựng và phát triển NNL số là một trong những đòi hỏi tất yếu, khách quan. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, tháp nhân lực cần được xác định trên ba cấp độ: Hình 1. Mô hình tháp nhân lực Nguồn: Tác giả 85
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Ở cấp độ một - đó là lực lượng lao động cơ bản đang trong quá trình phát triển để có thể thích ứng với nghề nghiệp tương lai, hay nói cách khác là thích ứng với sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong tương lai. Cấp độ thứ hai, nguồn nhân lực số có khả năng khai thác, làm chủ công nghệ, làm chủ các nền tảng số, vận dụng trí thông minh nhân tạo và cơ sở dữ liệu lớn… để phục vụ công việc hoặc để có thể làm việc trong những ngành công nghệ cao như: CNTT, điện tử, tự động hóa... NNL này sẽ phải “phủ sóng” ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Ở cấp độ ba - NNL chất lượng cao chính là những nhân lực tinh hoa có trình độ và kinh nghiệm thế giới để Việt Nam có thể bước ngay vào sân chơi khoa học công nghệ và nền kinh tế toàn cầu. Về mặt nội hàm, nguồn nhân lực số và NNL chất lượng cao cơ bản là có sự đồng nhất trên các phương diện như trình độ, kỹ năng và phẩm chất, đạo đức. Tuy nhiên, xét về mặt ngoại diên hay tính đa số về lượng thì NNL chất lượng cao là nhóm tinh hoa trong tháp biểu đồ về NNL, họ chiếm số lượng ít và là nhóm tinh hoa trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Còn nguồn nhân lực số là NNL được trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc trên môi trường số; họ có đủ năng lực vận hành và làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác. Đây chính là lực lượng chủ yếu để vận hành Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 2. NỘI DUNG 2.1. Một số đặc trưng cơ bản của nguồn nhân lực số Nếu như bản chất của nền kinh tế số là nền kinh tế phát triển dựa trên các ứng dụng công nghệ số và dựa trên nền tảng tri thức, khi vai trò của tri thức được coi là tài nguyên cho sự phát triển của nền kinh tế thì đòi hỏi nguồn nhân lực số phải là NNL được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực số phải thể hiện được một số đặt trưng cơ bản như sau: Thứ nhất, nguồn nhân lực số có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc với cuộc CMCN 4.0, nên khi cần, họ chỉ cần đầu tư tiền để mua sắm máy móc, trang thiết bị hoặc dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại. Nhưng để vận hành được những công nghệ, thiết bị hiện đại đó phải có một nguồn nhân lực có đủ trình độ tiếp cận với trang thiết bị mới, có hàm lượng tri thức công nghệ cao để làm chủ hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ mới đó, mà điều này thì không phải một sớm một chiều có được. Nói cách khác, người lao động phải làm chủ được các máy móc, thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác, để biến công nghệ thành “cánh tay nối dài” của mình nhằm thực hiện công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các công nghệ đang và sẽ thay đổi nền sản xuất của thế giới như: trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây, công nghệ in 3D, Internet vạn vật và các thiết bị kết nối, robot và mạng xã hội đang được các doanh nghiệp nghiên cứu và đưa vào ứng dụng tại Việt Nam thì việc chuẩn bị lực lượng lao động để làm chủ được các thiết bị công nghệ số ở các ngành mới nổi này là hết sức cấp bách. Thứ hai, nguồn nhân lực số có khả năng thích ứng nhanh với môi trường số và với tiến bộ khoa học công nghệ mới. Với sự phát triển của CMCN 4.0 hiện nay, việc dịch chuyển cơ cấu ngành nghề đang diễn ra một cách nhanh chóng, nhiều nghề sẽ mất đi hoặc giảm người lao động, nhiều nghề mới xuất 86
  4. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ hiện hoặc một số ngành nghề sẽ đòi hỏi cao hơn về trình độ, kỹ năng của người lao động. Để có thể thích ứng nhanh với sự thay đổi, những tri thức cơ bản về tin học, ứng dụng công nghệ, khai thác cơ sở dữ liệu số… là cần thiết cho mọi người, mọi ngành nghề. Ở thời kỳ chuyển đổi số, với sự phổ biến của các công nghệ số trong những năm tới đây, hầu hết người lao động phải hiểu và quen biết với các con số, dữ liệu cũng như sử dụng máy tính và các công cụ phân tích dữ liệu được tạo ra trên máy tính để khai thác, ứng dụng trong xử lý công việc. Báo cáo khảo sát về năng lực của người trẻ trong kỷ nguyên số chỉ ra rằng, nhu cầu của nhà tuyển dụng về các kỹ năng số đã tăng 200% trong ba năm vừa qua và trong vòng 5 năm tới, con số này còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng1. Trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được xây dựng và điều phối bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây, cứ 4 học sinh Úc ở độ tuổi 15 thì có hơn 1 em (27%) có mức độ thông thạo thấp ở năng lực số2. Theo khảo sát của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng Công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Trong đó, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu. Mặc dù ngành công nghiệp đã có một số doanh nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đang có mức sẵn sàng thấp3. Điều này cho thấy chưa có sự sẵn sàng cho đội ngũ nhân lực số để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ mới. Thứ ba, nguồn nhân lực số có tác phong kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp. Đặc trưng này luôn cần thiết ở mọi giai đoạn của sự phát triển nền kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tác phong kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp của nguồn nhân lực số phải đặt bối cảnh môi trường số - trong đó thể hiện sự tương tác giữa con người với các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc hay ngành nghề. Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là những yêu cầu cần được bảo đảm - đó như là một sự cam kết về tinh thần, đạo đức, văn hoá đối với gia đình, cộng đồng địa phương, toàn xã hội và môi trường. Đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số hiện nay, các hoạt động kinh doanh trên môi trường số càng trở nên phổ biến thì việc tuân thủ yêu cầu về đạo đức kinh doanh càng trở nên cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và đảm bảo trật tự xã hội.  Thứ tư, nguồn nhân lực số có khả năng sáng tạo và tư duy đột phá trong công việc Đó là những người có khả năng đưa ra những cách thức, phương pháp mới để thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết vấn đề và vượt qua những thách thức. Điều này sẽ giúp cho công việc của họ và công việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Không phải ai sinh ra cũng có kỹ năng tư duy sáng tạo và dám thay đổi cách thức làm việc theo hướng mới thay vì theo lối mòn. Để làm được điều này, họ cần phải trải qua quá trình đào tạo, rèn luyện. Khả năng tư duy sáng tạo, tư duy đột phá càng được phát huy cao hơn thông qua việc được làm việc, tương tác với môi trường số, với những trang thiết bị, máy móc, công nghệ “thông minh” có thể thay 1 L. Pangrazio (2019), Young People’ s literacies in the digital age continuities, conflicts and contradictions. 2 S. Thomson and L. De Bortoli (2012), Preparing Australian students for the digital world: results from the PISA 2009 digital reading literacy assessment, ACER Press. 3 https://congnghiepcongnghecao.com.vn/tin-tuc/t21301/chien-luoc-chuyen-doi-so-nham-phat-trien-kinh-te-so.html. 87
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA thế con người trong một số công việc. Trong quá trình đó, sẽ càng thôi thúc họ tìm tòi, khám phá để “chiến thắng”. Do đó, nhất thiết đòi hỏi nguồn nhân lực số phải được đào tạo bài bản và liên tục đào tạo bổ sung mới. Thứ năm, nguồn nhân lực số có khả năng bảo đảm an toàn thông tin khi tương tác trên môi trường số Cùng với quá trình ứng dụng công nghệ số để khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ cho cuộc sống hay công việc thì vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, thông tin khách hàng và thông tin của tổ chức là yếu tố được quan tâm hàng đầu khi tương tác trên môi trường số. Do đó, người lao động khi làm việc với môi trường số phải có năng lực bảo đảm an toàn thông tin để tránh những rủi ro như mất cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân hay của cơ quan, tổ chức bị rò rỉ, bị đánh cắp… 2.2. Một số thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực số của giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay Tính đến hết năm 2020, Việt Nam có quy mô dân số khoảng 97,6 triệu người. Trong đó lực lượng lao động ước tính là 48,3 triệu người, giảm 849,5 ngàn người so với năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên là 24,1%, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 20194. NNL dồi dào, chất lượng NNL ngày càng cải thiện được xem là thế mạnh của Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc đào tạo NNL có trình độ, đặc biệt là nguồn nhân lực số nhằm cung cho thị trường lao động hiện nay cũng như thị trường lao động trong tương lai vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục đại học đang đối mặt với rất nhiều thay đổi và khó khăn, thách thức. Thứ nhất, sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề diễn ra nhanh hơn sự thay đổi các chương trình đào tạo trong giáo dục đại học. Robot, tự động hóa và công nghệ in 3D đang dần thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, điều này dẫn đến việc số lượng công việc cần lao động chất lượng cao ngày càng tăng, làm cho thị trường việc làm ngày càng tách biệt: thị trường lao động kỹ năng cao, thị trường lao động kỹ năng thấp và dẫn đến sự phân hóa, hoặc tạo ra nhu cầu việc làm hoàn toàn mới so với trước đây. Do vậy, cần có sự chủ động chuẩn bị nội dung, chương trình đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường để hạn chế tình trạng thất nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về NNL. So sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số NNL, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia5. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng nhận định Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhất trong khối ASEAN về lao động việc làm do chuyển đổi số với 70% người lao động ở các ngành nghề 4   https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam- quy-iv-va-nam-2020/ 5 Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2018), Chuyên đề số 10: Tác động Cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. 88
  6. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ cơ bản bị ảnh hưởng6. Ngoài các công ty công nghệ truyền thống, thị trường đang xuất hiện rất nhiều công ty phát triển nhanh trong các lĩnh vực mới như: Fintech, Edtech, Meditech... kéo theo nhu cầu nhân lực CNTT từ các ngành du lịch, ngân hàng, bán lẻ,... cũng tăng lên. Những năm qua, nhu cầu nhân lực CNTT tăng, nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Cụ thể, năm 2019, số lượng nhân lực CNTT cần có là 350.000 người, nhưng thiếu khoảng 90.000 người. Năm 2020, số nhân lực ngành CNTT cần có ước tính khoảng 400.000 người và ước tính thiếu hụt 100.000 nhân sự; năm 2021 cần 500.000 người và dự báo thiếu hụt 190.000 người7. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo chậm thay đổi cả về chương trình đào tạo, cách thức quản trị, phương pháp dạy - học, đánh giá, nghiên cứu khoa học, chưa tạo ra được NNL đáp ứng nhu cầu thị trường lao động số cả về số lượng và chất lượng. Thứ hai, sự thay đổi về thị trường lao động và cấu trúc kinh tế cũng là một thách thức lớn cho các trường đại học trong việc thiết kế các chương trình học phù hợp, chuyên sâu đối với ngành nghề đào tạo. Thị trường lao động đòi hỏi người lao động trong mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi công việc cần phải có trình độ, kỹ năng, thái độ tốt và đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trước những biến đổi thực tiễn của xã hội. Mặc dù hiện nay, các trường đại học đang nỗ lực đưa “hơi thở” của doanh nghiệp, của sự thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế đến gần hơn trong hệ thống môn học, trong nghiên cứu khoa học để nâng cao tính thực tiễn cho các chương trình đào tạo nhằm hướng tới việc tạo ra được lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế số nhưng vẫn chưa thỏa mãn sự đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động. Theo đánh giá của ILO, dù lao động nhiều ngành nghề bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các ngành liên quan CNTT vẫn “khát” nhân lực. Các công việc trong ngành tăng trưởng đến 47% những năm qua nhưng các đơn vị đào tạo chính thống về CNTT chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu thực tế8. Ngành nghề ở các lĩnh vực công nghệ giàu tiềm năng như: Mobile Game, Blockchain, IoT, AI… vẫn đang còn rất nhiều chỗ trống cho lực lượng lao động số. Vấn đề là họ có đủ tiềm năng và cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ ai trên thị trường lao động thế giới hay không. Do đó, nhiệm vụ của đào tạo đại học là cần phải lấp được những “khoảng trống” này. Thứ ba, cuộc CMCN lần thứ tư ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi về mô hình hoạt động của giáo dục đại học, về quản trị đại học. Trong công tác quản trị nhà trường, đó là ứng dụng CNTT mạnh mẽ để số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các Công nghệ 4.0 (AI, Blockchain, phân tích dữ liệu...) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác. Trong hoạt động dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học là việc ứng dụng CNTT trong số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-Learning, 6 J. Change and P. Huynh (2016), ASEAN in tranformation - The future of jobs at risk of automation, Bureau for Employers’ Activities. 7 https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhu-cau-tuyen-dung-nhan-luc-nganh-cong-nghe-thong-tin-van-tang-20200911154903 397.htm 8 Nguyễn Thành Nam (2021), Báo cáo tại Hội thảo: “Đào tạo nhân lực cho Cách mạng 4.0” do hệ thống đại học online thuộc khối giáo dục FPT FUNiX tổ chức ngày 19/8/2021. 89
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (Cyber university). Để thực hiện được điều này đổi hỏi bản thân nhà trường phải có một NNL đủ năng lực để vận hành và khai thác có hiệu quả các hệ thống CSDL trong công tác quản trị nhà trường. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có đội ngũ giảng viên đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện vận hành được các chương trình đào tạo, thực hiện các phương pháp dạy học mới trên nền tảng số để định hướng, dẫn dắt sinh viên làm quen và gia tăng kỹ năng tương tác trên môi trường số. Thứ tư, hệ thống các trường đại học ngày càng đầu tư mạnh mẽ để gia tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng gia tăng sự xếp hạng của mình trong bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Hơn nữa, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm và tham gia đầu tư rất mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nên họ cũng đòi hỏi chất lượng NNL ngày càng cao để đáp ứng yêu cầu của họ. Mặc dù giáo dục đại học đã dần mở rộng và ổn định quy mô đào tạo, chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục đại học được nâng cao bước đầu hội nhập với khu vực và quốc tế, nhưng so với khu vực và trên thế giới, chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam vẫn còn những khoảng cách không nhỏ, phổ biến vẫn là tình trạng doanh nghiệp cần NNL trình độ cao nhưng vẫn còn một bộ phận lao động trình độ đại học không có việc làm hoặc làm việc không đúng với trình độ được đào tạo. Hiện nay, giáo dục Việt Nam cũng đang bị áp lực cạnh tranh với hệ thống các trường trong khu vực và châu Á. Thị trường lao động xuyên biên giới cũng vậy, nó cũng làm ảnh hưởng đến thị trường lao động cũng như NNL Việt Nam. Với sự xuất hiện ngày các nhiều các công ty đa quốc gia đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, việc dịch chuyển lao động - đặc biệt là lao động có trình độ giữa các nước, trong và ngoài khu vực là điều diễn ra khá phổ biến. Thậm chí họ có thể “ngồi một chỗ” nhưng điều hành cả hệ thống rộng khắp ở nhiều nơi trên thế giới. Hoặc đội sale bán hàng online phải nắm vững các giải pháp Digital sales, E-Marketing, E-Commerce để bán trên phạm vi toàn cầu. Điều này đặt ra vấn đề là liệu những lao động trẻ - mới tốt nghiệp đại học có đủ năng lực để tạo ra cơ hội tham gia những “sân chơi” lớn này không? Thứ năm, vấn đề an toàn thông tin trên môi trường số là một trong những yêu cầu đặt ra đối với những người thường xuyên làm việc, tương tác trên các ứng dụng công nghệ, trên Internet. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra nghiêm trọng khắp nơi trên thế giới, người lao động WFH (Work from Home) chủ yếu làm việc trên môi trường mạng thì việc bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn thông tin không chỉ trông chờ vào phần mềm của hệ thống, của ứng dụng mà bản thân người dùng phải thực sự hiểu và làm chủ được công nghệ để khai thác CSDL cũng như tương tác, chia sẻ thông tin để bảo đảm an toàn cho bản thân, cho tổ chức. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, nếu được tiếp cận và làm quen với việc tương tác trên môi trường số thì có thể trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tốt hơn. Trong bối cảnh tiến bộ khoa học diễn ra nhanh chóng và đang từng bước thực hiện chuyển đổi số trên nền tảng của cuộc CMCN 4.0 thì đào tạo NNL cần phải đổi mới cả mô hình và cơ cấu, từ trạng thái tư duy chỉ cần học một lần để làm việc suốt đời sang trạng thái phải học suốt đời mới đủ khả năng làm việc suốt đời. Vì vậy, vấn đề đào tạo và đào tạo lại cho người lao động vẫn là bài toán cần sớm có lời giải thỏa đáng để đảm bảo tạo NNL luôn đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng và yêu cầu khắt khe của thị trường lao động. Song hành với sự chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế số ở nước ta là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong nền kinh tế, 90
  8. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ theo đó, NNL số ngày càng phát triển chiếm vai trò chủ đạo trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Từ đó cho thấy, quá trình đổi mới giáo dục đại học cần phải được tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt hơn với những giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ trong thời gian tới. 2.3. Một số giải pháp đổi mới giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực số trong bối cảnh hiện nay Việt Nam với quy mô dân số khoảng 97,6 triệu người, có nhiều lợi thế về NNL và cũng là lợi thế cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo năng lực vận hành Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và giải quyết bài toán thách thức, khó khăn trong giáo dục đại học nói trên thì việc đào tạo nguồn nhân lực số “phủ sóng” ở mọi ngành nghề, lĩnh vực là một trong những yêu cầu cấp thiết. Chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số vừa phải mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình và nâng cao chất lượng đào tạo NNL, vừa phải tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt, sử dụng có hiệu quả NNL đã được đào tạo, đảm bảo những người đã được đào tạo phát huy tối đa năng lực của mình, đồng thời, có cơ hội thường xuyên học hỏi, nâng cao năng lực làm việc của mình. Một số giải pháp đề xuất đổi mới giáo dục đại học nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực số như sau: Thứ nhất, thiết kế đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp kiểm tra - đánh giá Trên cơ sở Công văn số 5444 /BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT hướng dẫn cơ chế đặc thù đào tạo, ưu tiên trong tuyển sinh và đào tạo, trong đó cơ chế, chính sách đặc thù đào tạo nhân lực CNTT tập trung vào các nhóm ngành lĩnh vực máy tính, CNTT như: khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, an toàn thông tin…., các đại học, học viện và các trường đại học cần tăng cường thiết kế đổi mới khung đào tạo phù hợp, tập trung mở mới các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành CNTT, các ngành/chuyên ngành CNTT ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội; nghiên cứu, bổ sung thêm các chuyên ngành đào tạo về ICT (CNTT và truyền thông), Blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo)… đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng thị trường lao động và hội nhập quốc tế; khuyến khích việc thiết kế chương trình đào tạo ưu tiên cho các ngành khoa học kỹ thuật, đào tạo theo hướng đa ngành; điều chỉnh tăng thời lượng đào tạo kiến thức, kỹ năng để làm việc, tương tác trên môi trường số và các ứng dụng số. Công tác kiểm tra đánh giá thay thế từ phương pháp truyền thống (làm bài thi đề đóng trên giấy) sang đề thi mở hoặc kiểm tra, đánh giá trên môi trường máy tính, môi trường mạng thông qua các ứng dụng số. Điều này yêu cầu sinh viên vừa phải tiếp cận và thực hành trên các ứng dụng CNTT cơ bản, vừa hoàn thiện kỹ năng mềm, vừa đòi hỏi tư duy theo hệ thống (trên cơ sở hướng dẫn của giảng viên và tự học, tự nghiên cứu) mà không hoàn toàn lệ thuộc vào kiến thức thu thập được trên lớp. Đối với những trường có các chương trình đại học tiên tiến định hướng các ngành nghề công nghệ của tương lai trong các trường đại học và hệ thống giáo dục như 3 Trường Đại học Bách khoa trên cả nước, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội... có thể cung cấp NNL tương lai cho cấp độ 2 và cấp độ 3 trong vòng 5 - 10 năm tới thì cần thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo kết hợp đầu tư hạ tầng công nghệ cho sinh viên ứng dụng và khai thác trong học tập, nghiên cứu. Đặc biệt là để vận hành, khai thác, ứng dụng trí thông minh nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn thì phải có các trung tâm siêu máy tính - đó là nền tảng quan trọng để 91
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA nghiên cứu, khai thác và phát triển những vấn đề nói trên. Do đó, các trường có thể mạnh dạn mở rộng xu hướng hợp tác đào tạo với các quốc gia phát triển như Israel, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc... thay vì chỉ tập trung cho một vài quốc gia ưu tiên.  Thứ hai, tăng cường đào tạo kỹ năng cho sinh viên Thực tế cho thấy lao động Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng - bao gồm kỹ năng bắt buộc và kỹ năng mềm. Đối với việc đào tạo NNL số hướng tới phát triển NNL chất lượng cao thì kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ số là những kỹ năng bắt buộc, cơ bản đối với thế hệ tương lai để thích ứng với sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong nền kinh tế - xã hội hiện nay. Các chỉ số EQ (trí thông minh cảm xúc), IQ (trí thông minh của não bộ), SQ (trí tuệ tinh thần) và PQ (trí tuệ thể chất) là những chỉ số về sáng tạo, phản biện và giải quyết vấn đề thực sự cần thiết trong quá trình đào tạo NNL cấp độ 2. Bên cạnh đó, các kỹ năng khác như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng CNTT, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng phát triển tư duy sáng tạo hay kỹ năng về tech savvy - am hiểu công nghệ trong tương lai… là những yếu tố quan trọng làm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động, đặc biệt là đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Thực tế, nhiều lao động dù đã qua đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công khiến người sử dụng lao động phải đào tạo lại. Do đó, các trường cần tăng cường hơn nữa các kỹ năng cho sinh viên bằng cách đưa vào chương trình đào tạo và thiết kế chuẩn đầu ra đối với các kỹ năng, nhất là kỹ năng ứng dụng CNTT tùy thuộc vào ngành đào tạo, trong đó đảm bảo thời lượng hướng dẫn của giảng viên và tự học của sinh viên, tăng thời lượng gắn kết giữa học lý thuyết kết hợp thực hành hoặc nghiên cứu thực tế. Thứ ba, tăng cường tạo mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo thông qua các “học kỳ doanh nghiệp” Để kiến thức học được không còn là “tri thức cục bột” thì việc học của sinh viên sẽ hiệu quả hơn khi được vừa học, vừa thực hành trong môi trường thực tế. Các trường đại học cần chủ động, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để có chiến lược “nuôi dưỡng” NNL ngay từ năm thứ 2, thứ 3 và có kế hoạch đưa sinh viên vào làm linh hoạt thông qua “học kỳ doanh nghiệp”; cùng xây dựng mới và đánh giá các chương trình đào tạo, mời các chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia tư vấn, giảng dạy nhằm kết nối đào tạo gắn liền thực tiễn. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể đặt hàng các trường đại học về nhu cầu nhân lực - đầu vào nhân lực của doanh nghiệp là đầu ra của các trường đại học - để tránh tình trạng nhân lực vừa thừa vừa thiếu, đặc biệt thiếu hụt nghiêm trọng ở những ngành nghề ứng dụng CNTT. Để lấp đầy khoảng trống nhân lực ngành CNTT, cũng là khoảng trống của những cơ hội trong ngành CNTT mà Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều năm qua thì sự “liên minh” giữa trường đại học và các doanh nghiệp là hết sức cần thiết thông qua các mô hình liên kết đào tạo, hình thành các trung tâm, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học. Ngoài ra, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung, từ đó hai bên cùng chủ động nắm bắt và đón đầu các nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, trên cơ sở mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể chia sẻ trách nhiệm xã hội thông qua việc nhà trường kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cơ sở vật chất, tài trợ học thuật, tài trợ các hoạt động sinh viên, tài trợ phát triển công nghệ… để nâng cao năng lực đào tạo NNL cho doanh nghiệp và cho xã hội. 92
  10. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Thứ tư, nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp vườn ươm công nghệ trong trường đại học Để thực hiện được điều này thì rất cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước để hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ, tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoạt động và phát triển của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học - công nghệ xuất sắc. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động, các chính sách khen thưởng, động viên, khuyến khích nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao và ươm mầm, phát triển các ý tưởng sáng tạo; tiếp tục tăng cường đầu tư trang thiết bị, khu sản xuất thử nghiệm để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và ươm tạo doanh nghiệp. Trên thực tế, công tác ươm tạo doanh nghiệp công nghệ còn khá mới mẻ và còn nhiều thách thức đối với nhiều trường đại học do tính phổ biến của doanh nghiệp công nghệ chưa cao. Tuy nhiên, việc phát triển vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ và sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát với thực tế, “học đi đôi với hành” góp phần nâng cao chất lượng đào tạo NNL đáp ứng yêu cầu của xã hội; đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các thành tựu nghiên cứu khoa học vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong xu thế hội nhập. Thứ năm, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học và dạy nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, trong đó tập trung vào một số trọng tâm như: (i) nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chuẩn về khung kỹ năng tối thiểu cần có của các loại ngành, nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn; (ii) khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên những ngành nhóm ngành trong lĩnh vực máy tính, CNTT và truyền thông…; (iii) có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các trường, các cơ sở đào tạo nghề theo nhu cầu hoặc theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, theo số học viên tốt nghiệp đạt chuẩn nghề theo mức trung bình của khu vực, theo số học viên tốt nghiệp có được việc làm trong 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp... Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo chính sách điều chỉnh an sinh xã hội và đào tạo NNL, thực hiện các sáng kiến về giáo dục và hạ tầng CNTT, xây dựng các kế hoạch hành động phát triển Internet kết hợp với trí tuệ nhân tạo; phát động chiến lược con người Việt Nam gắn với Công nghiệp 4.0, trong đó sử dụng con người làm cốt lõi. Với các phương hướng chính là công nghệ Big Data, nền tảng hệ thống mạng, trí tuệ nhân tạo và thực hiện đầu tư nghiên cứu các dự án khoa học trọng điểm, các đại học, trung tâm nghiên cứu phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa các dự án vào ứng dụng trong thực tiễn. Nhà nước cũng cần có chính sách phát huy nội lực các trường đại học trong nước kết hợp với các viện nghiên cứu, đại học, trung tâm nghiên cứu lớn trong khu vực và trên thế giới về nền tảng công nghệ, kỹ thuật số nhằm xây dựng hệ thống đại học thông minh và từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu về khoa học công nghệ, kỹ thuật số hàng đầu trong khu vực và trên thế giới để đào tạo NNL cấp độ 2 và hướng đến cấp độ 3 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số. 93
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Thứ sáu, kết nối phát triển năng lực nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đó là sự kết nối của nhà trường với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác cùng thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng, tư vấn chuyên môn; cùng tổ chức các tọa đàm, hội thảo mang tính thời sự để tăng sự kết nối, cung cấp thông tin và nâng cao năng lực cho sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vấn đề này có thể học tập Singapore về chính sách khuyến khích sáng tạo và thu hút nhân tài quốc tế. Mỗi năm Singapore đầu tư khoảng 5 tỷ USD cho khoa học sáng tạo, khoa học công nghệ và sáng tạo. Khẩu hiệu của họ là: “R - I - E” - tức là Research (nghiên cứu), Innovation (đổi mới sáng tạo) và Enterprise (doanh nghiệp). 3. KẾT LUẬN Trong nền kinh tế số, việc nâng cấp hay đầu tư vào công nghệ, thiết bị số có thể diễn ra nhanh chóng (chỉ cần có chi phí, nhà tư vấn), nhưng việc đào tạo cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong tương lai để làm chủ công nghệ, làm chủ robot sẽ cần những nỗ lực dài hạn, liên tục để chuyển đổi con người, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức. Nhiệm vụ của giáo dục đại học giai đoạn hiện nay là ưu tiên đào tạo và trang bị cho người lao động các kỹ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục, từng bước phát triển nguồn nhân lực số phục vụ thực hiện các nhiệm vụ trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Do đó, yêu cầu cấp thiết là nhanh chóng đổi mới giáo dục đại học cũng như đổi mới đào tạo nghề trên nền tảng công nghệ số để những sản phẩm đầu ra là có được NNL “phủ sóng” trong các ngành nghề, lĩnh vực, có đủ năng lực vận hành Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ chuyển đổi số trong một số ngành trọng điểm. Đồng thời, chủ động chuẩn bị để tạo NNL có kiến thức, có kỹ năng, tay nghề tốt có thể bước ngay vào sân chơi lớn của thị trường lao động thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, tiềm năng cho sự phát triển nguồn nhân lực số là rất lớn và khả năng đào tạo nguồn nhân lực số cho nền kinh tế - xã hội trong hệ thống các trường đại học là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để có thể tạo ra được nguồn nhân lực số có khả năng tham gia vào thị trường lao động khu vực và thế giới đòi hỏi cần phải phát huy các yếu tố phát triển nguồn nhân lực số bao gồm: (i) vai trò then chốt, dẫn dắt của Chính phủ về tạo lập cơ chế, chính sách, môi trường cho sự phát triển công nghệ số; (ii) vai trò nhân tố trung tâm của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, chuyển đổi và thích ứng với công nghệ số ở mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (iii) các cơ sở đào tạo chủ động thiết kế chương trình, nội dung đào tạo mang tính “thích ứng” với sự vận động và thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề; và (iv) bản thân mỗi một người lao động cần thường xuyên chủ động, hòa nhập, nâng cao năng lực làm chủ các công nghệ số và nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của công nghệ. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò tiên phong tạo động lực dẫn dắt cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số, ngành GD&ĐT đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện công tác “nhào nặn” tạo ra nguồn nhân lực số để “phủ sóng” các ngành nghề, công việc đang dần thay đổi hiện nay và trong tương lai./. 94
  12. CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Baotintuc.vn (2021), Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn tăng, đăng ngày 11/9/2021 tại https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhu-cau-tuyen-dung-nhan-luc-nganh- cong-nghe-thong-tin-van-tang-20200911154903397.htm 2. Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. 3. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ đại học. 5. Chính phủ (2014), Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 6. J. Change and P. Huynh (2016),  ASEAN in tranformation - The future of jobs at risk of automation, Bureau for Employers’ Activities. 7. L. Pangrazio (2019), Young People’s literacies in the digital age continuities, conflicts and contradictions. 8. Nguyễn Thành Nam (2021), Báo cáo tại Hội thảo: “Đào tạo nhân lực cho Cách mạng 4.0” do hệ thống đại học online thuộc khối giáo dục FPT FUNiX tổ chức ngày 19/8/2021. 9. S. Thomson and L. De Bortoli (2012), Preparing Australian students for the digital world: results from the PISA 2009 digital reading literacy assessment, ACER Press. 10. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. 11. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 12. Tổng cục Thống kê (2020), Tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020, truy cập ngày 20/8/2021 tại: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao- bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020/ 13. Trang tin Công nghiệp công nghệ cao (2018), Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn báo chí về Chiến lược chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN về CMCN 4.0 được tổ chức ngày 11/9/2018 tại Hà Nội. Truy cập ngày 25/9/2021 tại https://congnghiepcongnghecao.com.vn/ tin-tuc/t21301/chien-luoc-chuyen-doi-so-nham-phat-trien-kinh-te-so.html. 14. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2018), Chuyên đề số 10: Tác động Cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. 95
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2